22/12/2024 08:43Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 26/11/2018 22:30
Mô tả về nhà thơ Đinh Hùng, nhà văn Mặc Đỗ viết:
Tôi thật sự “nhìn thấy” thi sĩ Đinh Hùng, khi một ngày cuối thu 1945, tôi có mặt ở Hà Nội và trông thấy Đinh Hùng ở ngoài đường... Mái tóc dài phơ phất trước gió, chiếc áo bành tô màu sậm, một cái “catton” khá lớn cắp dưới nách: tôi nhìn thấy rõ nhà thơ tượng trưng Pháp Rimbaud mà Đinh Hùng hằng chịu ảnh hưởng. Con người tài hoa này không riêng trong hoạt động thơ văn, mà còn muốn biểu hiện tư chất tài hoa trong lối sống...Nhà văn Tạ Tỵ kể:
Trước mắt tôi, dưới làn khói mỏng manh tự như tơ, Đinh Hùng nằm nhỏ nhoi như một đứa bé. Mái tóc nặng nề lẫn vào bóng tối. Đôi mắt tinh anh không còn nữa, nó mở nửa dài dại. Tôi biết Đinh Hùng đang nhập mộng...
Vì dấn thân quá sớm, nhất là dấn thân vào một địa hạt phức tạp đầy dẫy ưu phiền, Đinh Hùng đốt cháy thân phận chẳng những trên đầu ngọn bấc (ý nói việc hút á phiện) mà còn ở men rượu và thú cầm ca sênh phách...Nhà văn Mai Thảo thuật:
Tôi được biết là sau ngày người con gái mang tên Liên từ trần, Đinh Hùng bỏ đi đến Hải Dương... Vượt Hồng Hà, bỏ Hà Nội, chàng tuổi trẻ khóc ngất, không mang theo gì hết ngoài nỗi đau đớn và một tấm hình. Đó là di vật cuối cùng của Liên...Nhận xét về thơ Đinh Hùng, nhà văn Huyền Viêm viết:
Những cái tang thưở thiếu thời, và sau này là cái chết của người yêu tên Liên đã ảnh hưởng đến rất nhiều tâm tính của Đinh Hùng, nên thơ anh thường đượm vẻ ảm đạm, bi thương....Nhà biên soạn Nguyễn Tấn Long đã phân tích thơ Đinh Hùng như sau:
Từ bỏ một thế giới hiện hữu, tìm về một thế giới thuở sơ khai, tạo dựng một không gian mới cho tâm tư, thi nhân không sống bằng thực tại, mà sống bằng nguồn siêu tưởng...
Và nếu ở tập Mê Hồn ca mang nặng tính chất siêu tưởng thì ở tập Đường vào Tình Sử, Đinh Hùng đã đem khúc nhạc lòng mình phổ vào lòng đời như một kẻ khát tình không bờ bến, và chúng ta không còn thấy tính chất siêu tưởng nữa.Nhà thơ Thi Vũ cũng có nhận xét tương tự:
Mê Hồn Ca, là khuôn trời Liêu Trai, là những đêm âm phần trộn lẫn với trưa dương thế. Thì Đường Vào Tình Sử khác hơn, là những bài thơ tình của miên viễn chiêm bao, của những môi hôn trong mộng, của man mác hương trinh. Mộng vẫn còn mê ảo, nhưng thực đã có da có thịt trong ngôn ngữ tình yêu... (Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945-1985, Paris, 1993)Nhận xét tổng quát về thơ Đinh Hùng, có một ý kiến rất đáng chú ý (không rõ người viết):
Sở trường của Đinh Hùng là thơ Tượng Trưng. Thơ ông trau chuốt, gọt dũa, có nhiều ý hay lạ, nhiều hình ảnh và ngôn từ quái dị, yêu ma. Ông cũng có những tác phẩm đài các, sang trọng đến lạ lùng. Tạ Tỵ gọi Đinh Hùng là nhà thơ với “cơn mê trường dạ”. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì lại chê thơ Đinh Hùng “loè loẹt, ghê ghê như son phấn”.
In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đinh Hùng » Các nhận định về Đinh Hùng