23/11/2024 19:23Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 06:07
Tôi đã gặp Bùi Giáng nhiều lần trên trang sách trước khi thực sự được gặp ông. Cơ may ấy có được chính là nhờ tôi đi chiến trường. Chứ nếu cứ ở Hà Nội, thì chắc mãi sau ngày giải phóng tôi mới đọc được Bùi Giáng.
Hồi chiến tranh, sách vở của miền Nam ra được Hà Nội rất ít. Nhưng ở chiến trường, tôi lại có điều kiện đọc rất nhiều sách xuất bản ở Sài Gòn từ tủ sách của ông Nguyễn Văn Linh chủ trương sắm cho Ban tuyên huấn TWC (R). Tôi có người bạn làm “thủ thư” của tủ sách ấy, vì vậy không chỉ được đọc thơ Bùi Giáng, tôi còn được đọc nhiều tác phẩm của A.Camus và Saint-Exupery mà ông dịch. Tôi không thuộc số người làm thơ chịu ảnh hưởng Bùi Giáng - số này tôi biết khá đông - nhưng tôi chịu lối làm thơ ngẫu hứng của Bùi Giáng. Nó rất gần với “thơ tự động” của phương Tây, nhưng lại đặc Việt Nam, vì đó thường là thơ lục bát. Lục bát thì không thể là thơ... Tây được rồi! Bùi Giáng chơi với thơ lục bát như kiểu trẻ con chơi với những con giống hay những mẩu gỗ nhỏ - chơi trò xếp đặt. Những câu lục bát bất thần của ông có thể khiến ta phải giật mình. Không biết Mưa nguồn có phải là tập thơ đầu tay của Bùi Giáng không, nhưng tôi đã đọc trong đó những câu thơ tinh khiết, những câu thơ tự nguồn mà thường ở những tập thơ đầu tay - như một mối tình đầu - nhà thơ có được một cách hoàn toàn không cố gắng, thậm chí không ý thức. Ngày còn ở chiến trường, tôi đã biết Bùi Giáng rất mê thơ Huy Cận do đọc những lời “tán” đầy đam mê của ông về thơ Huy Cận. Tôi không ngờ, tháng 5/1975, khi vào Sài Gòn và tình cờ được gặp Bùi Giáng, thì chính ông đã đưa thơ Huy Cận ra đố tôi. Dạo đó mới giải phóng, người ta thì bận năm bận mười, còn đám phóng viên binh vận chúng tôi thì... thất nghiệp. Chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi cũng không còn “đối tượng” để tuyên truyền nữa. Vậy là suốt ngày tôi lang thang la cà ngoài đường, mê mẩn với những “quầy sách dã chiến” trên các con phố lớn của Sài Gòn. Một buổi tối, anh Hoàng Liên - một cây bút sắc sảo của “đội ngũ tuyên truyền binh vận” chúng tôi - xuất thân từ một ký giả Sài Gòn - mời mấy anh em chúng tôi đến nhà anh uống rượu mừng sum họp. Tôi nhớ nhà anh Hai Hoàng ở một con hẻm thuộc khu Nguyễn Thông - Hoà Hưng gì đó, nhà cũng khiêm nhường thôi. Anh Hoàng Liên là người Quảng Nam, trước khi vào chiến khu hình như khá thân với nhà văn Vũ Hạnh. Dĩ nhiên anh cũng là đồng hương của Bùi Giáng thi sĩ, nhưng tiệc rượu hôm đó thì chỉ Vũ Hạnh, nhà láng giềng, lại là “dân công tác thành” - tức “VC nằm vùng” là được mời. Thủ trưởng của chúng tôi hôm ấy cũng có mặt, và tỏ ra hứng khởi. Thì lúc ấy ai mà chẳng hứng khởi: chiến tranh đã chấm dứt, gia đình sum họp,“Miền Nam nhận họ” cơ mà! Chúng tôi và nhà văn Vũ Hạnh vừa uống rượu vừa nói với nhau nhiều chuyện một cách từ tốn và giữ lễ. Anh Vũ Hạnh thì tôi đã biết tiếng và đã đọc nhiều trước đó, biết cả anh là “Việt Cộng nằm vùng” do đọc báo Sài Gòn. Có lẽ do mới giải phóng, người ở rừng và người ở thành lần đầu gặp nhau hay sao đó mà anh Vũ Hạnh có vẻ dè dặt. Chúng tôi thì vô tư, cứ uống và nói to, vui vẻ thoải mái. Bỗng cửa nhà anh Hai Hoàng mở toang, và một vị khách bất ngờ xuất hiện. Một người râu tóc tung bay, già thì không hẳn vì dáng đi còn phong độ lắm, mà trẻ thì không phải do có rất nhiều... râu (!). Anh Vũ Hạnh nhỏ nhẹ giới thiệu: “Anh Bùi Giáng, nhà thơ”. Tôi nhớ, hình như lúc ấy Bùi tiên sinh đang quẩy trên vai cái gì đó, trông nửa như Bồ Đề Đạt Ma, nửa như... bác hành khất. Bùi tiên sinh không đợi mời, ông ngồi luôn xuống sàn nhà cùng chúng tôi, và... đọc thơ. Không phải thơ ông, tôi nhớ, mà hình như là thơ Huy Cận. Đọc thơ và nói huyên thuyên, rất vui, chẳng giữ ý hay để ý đến bất cứ thứ gì. Anh Vũ Hạnh có vẻ hơi ngại, nhất là khi có mặt vị thủ trưởng của chúng tôi. Nhưng Bùi Giáng thì chẳng ngại ngần. Ông cũng nâng ly, uống một chút rượu cho vui, và nhắm với món... nói. Thấy trong chiếu rượu chỉ có tôi là còn trẻ và tôi tỏ ra phấn khởi khi gặp ông, Bùi tiên sinh quay sang bắt chuyện với tôi. Ông nói như Hoàng Liên đây thì ông tin là VC, vì nhà Hoàng Liên nghèo. Còn Vũ Hạnh, ông không tin, vì Vũ Hạnh có nhà ba hay bốn lầu gì đó! Anh Hoàng Liên phải thanh minh cho khách là nhà văn Vũ Hạnh có được ngôi nhà này do nuôi chim cút chứ không phải làm áp-phe hay bóc lột ai. Bùi Giáng cười khà khà và chuyển sang... đố thơ. Dĩ nhiên không phải đố thủ trưởng của tôi vì thủ trưởng hơi nghiêm và có vẻ không hưởng ứng lắm. Bùi Giáng bèn đố tôi. Ông đọc mỗi lần mấy câu thơ và hỏi tôi có biết thơ của ai không? Có đoạn tôi biết là thơ Huy Cận, có đoạn tôi không biết. Tất cả đều là thơ Huy Cận. Bùi tiên sinh chê tôi, ông không hiểu tại sao một người trẻ được giới thiệu là “nhà thơ” như tôi mà không thuộc hết thơ Huy Cận (?). Đúng là tôi dở, nhưng tôi cãi cố với Bùi tiên sinh là tôi chưa thuộc chứ không hẳn là không thuộc. Chưa thuộc vì tôi chưa có điều kiện đọc hết thơ Huy Cận, chứ nếu đã đọc thì có khi cũng thuộc (?). Tôi nói lấy được chứ thuộc thơ vốn là điểm yếu nhất của tôi. Ngay thơ mình tôi cũng không thuộc, nói gì đến thơ người! Bùi tiên sinh có vẻ rất vui, ông nói đủ chuyện mà giờ tôi cũng không nhớ là những chuyện gì. Tất nhiên với Bùi Giáng thì không có “vùng cấm” trong những câu chuyện không đầu không đũa như thế. Do đó thủ trưởng của tôi có vẻ không hài lòng. Ông không nói gì, nhưng tôi và anh Hai Hoàng đều biết. Thủ trưởng của tôi dĩ nhiên không biết Bùi Giáng là ai, có những đặc điểm gì, lại mới giải phóng, tình hình Sài Gòn chưa ổn định, nên ông cảnh giác là chuyện không khó hiểu. Nhưng với Bùi Giáng, đó cũng không là trở ngại gì lớn! Ông vẫn nói, vẫn vui, vẫn hoa chân múa tay như ở chỗ không người. Và ông chuyển sang... coi bói. Cho tôi.
Thanh Thảo