27/11/2024 10:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thực và mộng trong tình mẫu tử của Tản Đà

Tản Đà

Đăng bởi hoalucbinh vào 16/05/2006 09:37

 

Khi quan tri phủ Nguyễn Danh Kế đáo nhậm án sát tỉnh Ninh Bình thì Tản Đà cất tiếng khóc chào đời tại đây. Sang năm sau, thân mẫu Tản Đà hạ sinh một gái tên là Trang. Trong khoảng mấy năm trời hương lửa đậm đà, thân mẫu Tản Đà đã hưởng được mọi hạnh phúc trần gian. Nhưng hạnh phúc này quá ngắn ngủi. Năm 1891, Tản Đà lên ba, quan án lâm bệnh rồi từ trần. Vì đường sá xa xôi, gia đình không thể đưa linh cửu quan án về quê, nên phải an táng tại phủ An Khánh, Ninh Bình. Cái chết của người cha, người chồng, thường báo hiệu một khúc quanh bi thảm của một gia đình.

Bà chị Tản Đà kể rằng khi làm tri phủ Xuân Trường (1), Nam Định, thân phụ bà thường say mê thú hát ả đào. Yêu nhịp hát câu ca, ông yêu luôn cô đào hàng Thao Nam Định. Nàng rất trẻ đẹp, tuổi độ 20, tên là Nghiêm (2). Lúc bấy giờ Nguyễn Danh Kế tiên sanh đã ngoại bốn mươi, việc tề gia nội trợ đã có bà cả và bà hai vốn là hai chị em ruột. Ngày xưa cổ nhân có tục đa thê cho nên chẳng bao lâu nàng danh ca đã trở thành vị phu nhân của quan phủ, tục danh là bà phủ Ba. Bà giỏi xướng ca, lại rành thi hoạ. Bà cùng nữ sĩ Nhàn Khanh (3) xướng hoạ. Khi ở Vân Đình, bà Nhàn Khanh đã gửi bà phủ Ba một bài thơ:
Ai lên Bất Bạt nhắn nhe cùng,
Nhắn hỏi cùng ai có nhớ không?
Nửa bước xa xa bằng mấy dặm,
Một ngày đằng đẵng ví ba đông.
Giọng thơ tri kỷ say mê mệt,
Ngọn lửa tương tư đốt cháy nồng.
Khắc khoải năm canh lòng luống những,
Thư tình mở mở lại phong phong.
Bà phủ Ba đáp lại:
Đêm qua vơ vẩn chốn thư đường,
Mong mỏi chung tình chẳng thấy sang.
Sáu khắc mơ màng người hảo hữu,
Năm canh tơ tưởng chốn Đình giang.
Trông trăng bát ngát thương người ngọc,
Thấy nước long lanh nhớ bạn vàng.
Hai chữ tương tư khôn xiết kể,
Khối tình chi để một ai mang.(4)
Qua thơ xướng hoạ kể trên, chúng ta thấy bà phủ Ba cũng là tay tài hoa. Lại nữa, một vị phu nhân dòng dõi trâm anh thế phiệt như bà Nhàn Khanh lại có thơ xướng hoạ cùng một phu nhân xuất thân ca kỹ, cũng có thể do giao tình đậm đà giữa quan án và gia đình họ Trịnh, họ Dương mà cũng là do lòng liên tài quá lớn vậy.

Trong mấy năm trời sống với quan án, bà án đã có bốn con, gồm hai trai, hai gái: Nguyễn Mạn, Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Thị Trang. Khi quan án từ trần, thân mẫu Tản Đả tuổi ngoại ba mươi, bà quyết định sống trọn đời chung thuỷ với người chồng quá cố. Nhưng theo chị Tản Đà, được chừng một năm, bà đột nhiên ra đi, mang theo cô gái út, trở lại xóm Binh Khang. Nghe đâu về sau, bà trở thành bà chủ một nhà hát tại Bắc Ninh.

Tại sao gia đình Tản Đà lại xảy ra tấn bi kịch đó? Một cụ bà người (5) cùng làng với Tản Đà nói rằng do mối bất hoà gia đình. Mất chồng, mất nơi nương tựa, người tiểu thiếp không tài sản, không thế lực kia làm sao chịu được tiếng bấc, tiếng chì của bà vợ cả? Ông Nguyễn Mạnh Bổng, anh vợ của Tản Đà cũng chung ý kiến trên. Ông cho rằng thân mẫu của Tản Đà phải cất bước ra đi “vì một sự không hoà trong gia đình” (6). Nhưng chị của Tản Đà lại cho rằng gia đình vẫn êm ấm, không hề có việc xích mích. Thân mẫu Tản Đà ra đi vì “ngựa quen đường cũ”.

Dẫu vì nguyên do nào đi nữa, việc thân mẫu Tản Đà trở lại xóm Bình Khang là một thực tại đã làm Tản Đà đau khổ khôn nguôi. Xã hội Việt Nam vốn coi khinh nghề sênh phách đàn hát vì người ta cho rằng “xướng ca vô loài”. Mặc dầu các sĩ phu thường lấy các đào nương làm hầu thiếp, các nho gia thường kết tội các đào nương, coi đào nương và kỹ nữ là một. Xã hội Việt Nam và luân lý Nho giáo đã lên án thân mẫu Tản Đà. Lại nữa, cái danh giá của gia tộc ông, cha án sát, anh đốc học và ông tổ mấy đời đã từng là Bình chương, Tham tụng, danh giá là thế mà nay mẹ và em lại làm ca kỹ. Việc này là một thực tại đã làm ông đau khổ. Ông Nguyễn Mạnh Bổng đã cho ta biết nỗi đau khổ trong nội tâm Tản Đà:
Đối với việc cụ bà và cô Trang hành động như vậy,Tản Đà tiên sinh lúc còn trẻ tuổi, ở với ông anh cả là Nguyễn Tái Tích (đỗ phó bảng, làm tri huyện, sau về giáo thụ, thăng đốc học) vốn nung đúc ở trong đạo Khổng Mạnh, lấy làm một sự không chính đáng. Cho nên tâm cảnh tiên sinh lúc nào cũng u uất, đau đớn, buồn rầu, không muốn biết đến, không muốn nói ra. Vì tiên sinh là một người đã có cái ý muốn làm “Á châu Khổng phu tử chi đồ” từ lúc bé, nên phàm cái gì trái với đạo đức Khổng Mạnh, tiên sinh đều cho là một sự không trong sạch cả. (7)
Phan Kế Bính đã mô tả cuộc sống của các đào nương nơi Bình Khang là một nơi “sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh” như Thuý Kiều ở lầu xanh. Ông viết rằng Bình Khang là một nơi vui chơi suồng sã, các quan viên và đào nương “có khi quàng vai bá cổ nhau mà mời, hoặc hôn nhau để tỏ lòng yêu mến” và “lấy cách quàng vai bá cổ, kề đùi, kề vế làm vui, lấy lời ong bướm lả lơi, giăng hoa bỡn cợt làm thích” (8). Không biết thời Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, người ta đi hát ả đào như thế nào, còn thời Pháp thuộc, hát ả đào không còn là một nghệ thuật nữa. Trong Chiếc lư đồng mắt cua, Nguyễn Tuân đã cho ta những nét phác hoạ rất trung thực:
Những người bạn trong trường tác hí của tôi, cái đức huyên náo không thể chê vào đâu được. Họ đánh trống như đám hoả đầu quân băm thịt viên trên cái quầy bếp một hiệu cao lâu Quảng Đông to lớn. Họ nói chuyện tâm sự với nhau mà như hầu sáng hô tiền hàng. Họ vần cô đào, họ chơi hoa như lính đi cắt cỏ ngựa về cho ngựa ăn. Nhà hát là cái chợ.(9)
Những lời phê bình, mô tả chung chung như thế có lẽ đến tai Tản Đà. Nhưng nặng nề hơn, một vài kẻ đã nêu đích danh gia đình Tản Đà, mẹ và em gái Tản Đà ra để làm đề tài. Người ta vô tình hay cố ý làm vỡ vết thương lòng của Tản Đà như trường hợp phó bảng Trần Tán Bình (1869-1935). Một hôm ông phó bảng họ Trần đi hát gặp cô Trang đã làm một bài hát nói:
Có phải cô Trang em ấm Hiếu?
Người xinh xinh yểu điệu dáng con nhà.
Vì đâu vương lấy nợ tài hoa?
Bắt luân lạc, trời già âu cũng độc!
Cha án sát, anh thời đốc học,
Nền đỉnh chung bỗng chốc hoá truân chiên.
Cất chén quỳnh nhớ bạn đồng niên,
Dục lòng khách bên đèn sa nước mắt.
Nhớ bạn, thấy em như thấy mặt,
Dừng roi chầu, lặng ngắt một hồi.
Đời người đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
Hoa xuân em giữ lấy thì!(10)
Vì xót thương má hồng gặp bước truân chuyên hay mai mỉa gia đình người ta mà ông phó bảng viết bài này? Dẫu sao, ông phó bảng đã làm một việc thiếu tế nhị nếu ông đọc bài này cho cô Trang nghe hay phổ biến bài này trong quần chúng!

Thực tại xã hội và luân lý Khổng Mạnh đã làm cho Tản Đà đau khổ, tủi nhục khiến ông oán ghét mẹ. Ngoài ra, yếu tố gia tộc cũng làm cho lòng Tản Đà nát tan. Chính cái quá khứ huy hoàng của gia tộc đã làm cho Tản Đà đau lòng vì mẹ và em gái sống trong chốn Bình Khang. Chị của Tản Đà đã cho chúng tôi vài chi tiết.

Ngày 17 tháng giêng năm bính thìn, niên hiệu Duy Tân thứ mười (20-3-1916), ông Nguyễn Tái Tích từ trần. Gia đình phải đem linh cữu từ Hà Nội về quê bằng tàu Bạch Thái Bưởi. Nghe tin ông bảng mất, thân mẫu Tản Đà xuống tàu đưa tiễn. Thấy bóng mẹ, Tản Đà lặng lẽ bỏ lên tàu. Các chị em phải khuyên bà ra về, Tản Đà mới trở lại tàu. Trước khi ông Nguyễn Tái Tích mất, Tản Đà phải cưới vợ cho an lòng anh.

Vợ của Tản Đà là con gái viên tri huyện Nguyễn Mạnh Hướng, quê ở làng Hội Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Đông. Hôn lễ cử hành ngày rằm tháng chạp năm ất mão, niên hiệu Duy Tân thứ chín tức ngày 17-2-1916. Được tin con trai cưới vợ, bà vội vàng về dự lễ cưới với hy vọng tặng cô dậu một món quà, nhưng Tản Đà cương quyết ngăn cản. Tản Đà bảo rằng nếu tân nương nhận “người đó “là mẹ thì coi như hôn sự bất thành. Rốt cuộc, người mẹ bất hạnh kia đành thui thủi ra về trong khi tiếng pháo nổ vang, hai họ nâng ly mừng tân lang và tân nương bách niên giai lão! Cho đến khi mẹ mất tại nhà ông anh là Nguyễn Mạn, tại Thái Nguyên, Tản Đà cũng không lên nhìn mặt mẹ lần cuối. Tản Đà chỉ nhắn người nhà nhờ anh trông nom, lo liệu mọi sự. Lúc này, Tản Đà ngoài ba mươi tuổi.

Bà Nguyễn Triệu Quất con gái Tản Đà cho biết rằng Tản Đà chỉ yêu con trai mà ghét bỏ con gái. Chính Tản Đà cũng nói với mọi người rằng ông yêu con trai, rất ghét con gái. Khi sinh đứa con gái đầu lòng, bà Tản Đà phải đem gửi bên ngoại. Hai cô Nguyễn Triệu Quất và Nguyễn Thuý Ngọc ít khi gần cha. Hễ thấy bóng cha, hai cô phải chạy trốn. Bà Nguyễn Triệu Quất nói rằng sở dĩ Tản Đà ghét con gái vì ngày xưa mẹ và em gái đã làm cho Tản Đà đau đớn, tủi nhục.

Trong cuộc đời, Tản Đà đã xa lánh mẹ, trong tiềm thức ông, khoảng cách này càng rộng lớn hơn. Ông luận về thế đạo, ông trách cứ nhân tâm nghĩa là đã liên tưởng đến mẹ và em, gián tiếp đau khổ, buồn tủi vì mẹ và em gái đã sống trái với luân lý đạo đức. Khi ông luận về chữ trinh, nghĩa là ông cho rằng mẹ và em gái đắm mình trong chốn bùn nhơ, thất trinh, thất tiết:
Trăm năm trong cõi người ta,
Trai thời trung hiếu, đàn bà tiết trinh (11)
Tính hạnh người đàn bà có một cái trọng nhất là chữ trinh; đạo người đàn bà đối với chồng có một cái trọng nhất là chữ trinh. Trinh nghĩa là chính chuyên. Chính thời không gian tà, là giữ tính hạnh của mình cho nhất đức. Chuyên thời không có lòng nào với người khác. Là giữ tình nghĩa với chồng cho nhất tâm. Một chữ trinh của đàn bà, từ xưa đến nay, cả đông lẫn tây, đời nào cũng phải quý, nước nào cũng phải quý, nước nào cũng phải chuộng. Chữ Trinh đáng quý và đáng chuộng thời tự người đàn bà càng nên biết quý chuộng là phải. Ngọc lành đã được giá, nên giữ sao cho sạch vết, khỏi phụ lòng người mua. Trăm năm đà kết nghĩa đá vàng, sông chưa cạn, đá chưa mòn, mà nỡ đem một tấm lòng son, yêu riêng sẻ giấu, thời soi gương thẹn với gương,đeo hoa thẹn với hoa, đứng giăng thẹn với giăng, ngồi đèn thẹn với đèn, đêm nằm thẹn với chăn, ngày ngày đi thẹn với bóng, trong đời người ta có một cái quý nhất mà dứt tình cho đang! Chẳng qua cái ngòi vật dục khêu ở ngoài, ngọn lửa vật dục bốc ở trong làm cho một chút lòng trinh đương đỏ như son mà cháy ra than, tàn ra tro, tan ra khói. Tiếc thay! (12)

Nhiều người viện cớ hoàn cảnh khó khăn mà dấn bước vào bún nhơ. Khi viết Đài gương, Tản Đà ngầm trách mẹ không vững ý chí mà giữ đạo đức, không phán đấu với hoàn cảnh khó khăn.

Cảnh ngộ một đời người ta, rất là không có thường. Cảnh ngộ không có thường mà đức hạnh giữ được thường thời chỗ đó mới là chỗ hơn người... Đời người mà phải lúc biến thật là không may, nhưng gió cả mới biết cây cứng mềm, thời chữ trinh đến lúc ấy mới càng tỏ. Than ôi, chỉ thắm trăm năm, chưa xe đã dứt, đầu xanh đôi lứa, đương họp mà tan. Dẫu luật lệ của vua chúa chưa buộc người lấy chữ trinh... Làm người nên biết nghĩa ngàn thu là quý, đàn bà chỉ có một chút đó có thể sánh được cái trung, cái hiếu, cái anh hùng bên con trai.
Nghĩ sao cho được hơn người,
Tiếng thơm để lại muôn đời ngợi khen (13)
Và đây là một trường hợp tương phản làm nổi bật cuộc sống đen tối của thân mẫu và em gái thi sĩ. Trong gia tộc Tản Đà có bà họ Phan về làm dâu, được bốn năm thì chồng chết, bà vẫn thủ tiết theo giáo dục Khổng môn. Tản Đà đã kinh qua hai hình thái đau khổ. Một là gia đình và xã hội đã so sánh mẹ của Tản Đà với tiết phu họ Phan. Hai là chính Tản Đà cũng có sự so sánh. Sự so sánh này là một điều tất yếu như Charles Blondel đã nhận định:
Có những trạng thái cảm kích, mặc dầu ta muốn hay không, được đoàn thể truyền khiến hay suy tiến cho ta.(14)
Trong khi ca tụng bà tiết phụ này, chính là lúc Tản Đà xót xa vì mẹ và em gái đã sống trong dòng nước đục:
Trời Nam sáng vẻ văn minh,
Họ Phan một gái hiển sinh trên đời.
Núi Sài Sơn là nơi quê quán,
Xe hương về họ Nguyễn làm dâu.
Dâu con một đạo chân tu,
Áo nâng khuya sớm, canh hầu hôm mai.
Chữ cầm sắt, sắc tài ưa đẹp,
Vẻ trâm anh một nếp đôi nhà,
Nhân sinh đệ nhất thực là,
Nhân gian một bóng trăng già soi chung.
Bốn năm chẵn tơ hồng sớm dứt,
Kẻ tri âm lánh khuất cõi đời,
Đầu xanh riêng lẻ mình ai,
Tuổi xanh thoắt đã ra ngoài bốn mươi.
Duyên đã ngắn, năm dài vô tận,
Bể phù sinh chiếc bách sóng dồi.
May thuê vá mướn lần hồi,
Ngày trông lá rụng, đêm ngồi gió thu.
Áng son phấn tuyệt mù xa cách,
Đạo kiên trinh qưyết gánh lấy mình,
Trăm năm một gối phong trần,
Ngàn năm để khách thoa quần một gương(15)
Tản Đà mất mẹ và em gái. Tản Đà thiếu tình mẫu tử. Tản Đà đã đi tìm một tình mẫu tử khác để thay thế tình mẫu tử đã mất. Tục lệ Việt Nam đặt cho người vợ cả nhiệm vụ trông nom, nuôi nấng con chồng. Các con của bà vợ bé phải gọi bà Cả bằng mẹ. Tản Đà đã nương nhờ vào bà Cả mà sống. Việc này đúng như nhận định của George Dumas:
Các nhu cầu khi tự xã hội hoá, khi điều chỉnh các thoả mãn của chúng bằng cách tuân theo các phong tục và các định chế nào, tức là bảo vệ và làm dễ dàng chính sự thoả mãn chúng (16).
Năm 1922, đương làm chủ bút Hữu Thanh, Tản Đà đã xin từ chức để lui về quê cũ phụng dưỡng mẹ già (bà Cả). Ông đã gửi độc giả bức tâm thư trước khi rời Hữu Thanh:
Tôi có một mẹ già đã ngoại tám mươi tuổi, từ tháng Mai 1921, tôi về làm việc Hữu Thanh, đến rằm tháng 8 An Nam về nhà được một hôm, từ ấy đến nay lại vẫn ở luôn Hà Nội. Nếu tôi muốn đón mẹ tôi về Hà Nội, thời ngại về hai chữ “phong chúc”, nếu cứ như trong tám tháng giời vừa qua đó, thời không yên hai chữ” thần hồn”. Vì cớ đó nay tôi xin thôi việc Hữu Thanh để về tính theo việc buôn bán cho được it thời giờ bó buộc, cho được it lỗi với luân thường.(17)
Việc Tản Đà từ chức Hữu Thanh là do mâu thuẫn nội bộ của Hội Công thương Bắc Kỳ, chủ nhân ông của Hữu Thanh tạp chí. Lý do Tản Đà viện dẫn chỉ là đường nét văn hoa, tế nhị để khỏi nói ra thực tế phũ phàng. Dẫu sao, trong tâm Tản Đà, bà mẹ già vẫn có một địa vị khả kính, thay thế cho người mẹ phong trần.

Trong tiểu thuyết Giấc mộng con của ông, hình ảnh của mẹ già hiện rõ rệt. Tản Đà gửi thư khuyên vợ phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu:
Quan hà xa cách, thấm thoắt đã hai năm. Độ nọ được thu anh Cả gửi sang, biết mẹ già vẫn thường được an khang, và số tiền gửi về năm ngoái, Hiền Khanh đã nhận lãnh, tôi lấy làm yên lòng. Bóng dâu đã xế ngang đầu, nhờ Hiền Khanh thay chữ mai sau cho, thời người ngoài bể khơi cũng như về đến phần hường vậy........ Thôi, càng nhớ chồng bao nhiêu, càng nên chiếu lấy mẹ già bấy nhiêu. Ngày tháng thoi đưa, không mấy chốc mà đôi ta họp mặt. Mấy lời trân trọng, ngàn dặm nước mây. (18)
Chị Tản Đà cho biết thuở nhỏ, Tản Đà được mẹ già nuôi nấng, thương yêu và Tản Đà đối với bà rất hiếu thảo, thật xứng với cái cái tên Hiếu của Tản Đà. Sau khi đã lập gia đình, Tản Đà vẫn ở với mẹ già để hôm sớm gần gũi. Những khi mẹ già đau ốm, Tản Đà vẫn thường túc trực bên giường bệnh để trông nom, săn sóc. Khi mẹ già mất, năm 1923, một mình Tản Đà lo việc ma chay. Đến ngày giỗ, các anh chị muốn góp phần giỗ, Tản Đà không nhận. Tản Đà muốn một mình gánh vác mọi việc. Tản Đà đã phủ nhận mẹ ruột của mình, và nương tựa vào mẹ già, tức bà Cả. Theo lời cụ huyện, Tản Đà thường nói với mọi người: “Đời tôi chỉ có một người mẹ, đó là mẹ già”.

Tản Đà là người đau khổ. Ông đã mất tình mẫu tử. Hơn nữa, người mẹ đã bỏ ông mà ra đi, gia nhập vào một môi trường không lành mạnh, bị luân lý và xã hội khinh miệt. Tản Đà đi tìm một tình mẫu tử khác ở người mẹ già. Dù đó là một biện pháp tốt, cũng chỉ có giá trị bên ngoài. Trái tim thơ ấu của Nguyễn Khắc Hiếu đã tan vỡ, không cách gì hàn gắn lại. Phương pháp nào đi nữa, ông cũng không có một tình mẫu tử đích thực. Cho nên suốt đời ông, ông vẫn đi tìm kiếm, một tình mẫu tử hoàn hảo và băng bó lại vết thương từ thuở ấu thời. Tản Đà phải tìm kiếm tình mẫu tử trong Thực và trong Mộng. Ông đã mơ mộng một tình mẫu tử đúng như Freud nói “Mộng là một ước vọng đã được thực hiện”.(19)

Gérard de Nerval nhận định: “Mộng là cuộc đời thứ hai” (20)

Chính Tản đà đã xây một thế giới Mộng, trong đó mẹ con cùng chung sống trong hạnh phúc dưới một mái ấm gia đình. Tại sao ông viết Lên sáu, Lên tám? Có lẽ mẹ cậu ấm Hiếu đã bỏ ra đi không cậu mới lên bốn, lên năm, cậu quá nhỏ, không hiểu được bất hạnh của mình. Đến khi lên sáu, lên tám, lên mười, cậu Nguyễn Khắc Hiếu mới nhận thức được khía cạnh đau khổ của một đứa con mất mẹ. Do vậy ông viết Lên sáu, Lên tám để tạo một thiên đường cho chính mình, và cho hạnh phúc nguyên thuỷ của tuổi thơ khắp trái đất. Thế giới đó chỉ cần có cha mẹ và con dưới một mái nhà, cùng sống vui vẻ bên nhau:
Ở nhà cùng hai thân,
Ra vào quanh dưới chân.
Đem lòng một tấc cỏ
Báo đáp cùng ba xuân.
Ba xuân như mẹ cha
Tấc cỏ như thân ta,
Nhờ xuân, cỏ xanh tốt,
Có cỏ xuân vui hoà.(21)
Giấc mơ của Tản Đà rất đơn sơ, giản dị, là một hiện thực trong xã hội Việt Nam mấy ngàn năm, hàng triệu trẻ con đã được hưởng thụ. Ông mong ước có cha mẹ săn sóc cho con, và con cái cũng biết yêu thương cha mẹ:
Ta nay như cỏ xuân,
Ngày ngày chơi trước sân.
Nghĩ sao trong tấc dạ,
Cho vui lòng hai thân.
Khi vui nào được mấy,
Lo buồn như dễ thấy,
Cha lo con nên thương,
Mẹ buồn con chớ quấy
Ta nay còn trẻ thơ,
Chưa cho cha mẹ nhờ.
Cha mẹ lúc sai bảo,
Vui vẻ con dạ thưa.(22)
Đạo hiếu rộng như bể,
Thân ta còn nhỏ bé.
Nhớn lên mong về sau,
Trọn hiếu cùng cha mẹ.(23)
Tản Đà mơ ước có một người mẹ, hằng ngày tựa cửa trông con đi học về. Đối với Tản Đà đó một hạnh phúc mà ông hằng ước mơ:
Tan buổi học, mẹ ngồi tựa cửa,
Mắt trông con đứa đứ về dần.
Xa xa con đã đến gần,
Các con về đủ quây quần bữa ăn.
Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm giòn,
Chồng chồng, vợ vợ, con con một nhà.(24)
Trong thực tế, Tản Đà xa lánh mẹ nhưng mặt khác, trong tiềm thức, không nhiều thì ít, ông đã biện hộ cho me ruột của ông và thông cảm cho bà và em gái. Phần lớn các gia đình thường có những vấn đề, nhất là các gia đình đa thê. Giữa bà cả và các bà thứ thường là một trận chiến liên miên bất tận. Trong gia đình Tản Đà, bà Cả và bà Hai là hai chị em cho nên họ đứng vào một phe. Một mình thân mẫu Tản Đà đứng một phe. Họ ghét thân mẫu Tản Đà vi bà đã chiếm đoạt tình yêu của hai bà. Hơn nữa họ còn oán thân mẫu Tản Đà vì lúc say mê cô đào hàng Thao Nam Định, ông đã phá tán nửa già tài (theo lời chị Tản Đà). Có lẽ Tản Đà đã kết tội chế độ đa thê ở nước ta đã ra nỗi đau khổ cho thân mẫu Tản Đà.

Phong tục Á Đông lại thêm một điều lám gốc cho phần nhiều cái xấu của phong hoá, tức là “đàn ông có thể lấy nhiều vợ”, “Cả sông đông chợ, lắm vợ nhiều con”. Một câu đó mới đọc lên tưởng như hạnh phúc của một già đình nào, song mà hoạ loạn của bao nhiêu gia đình thực gây nên ở đó. Đạo hữu ái của anh em đồng mẫu cõi đời cũng đã có, huống chi nữa anh em dị bào. Lại nữa, đồng bào vô học thức, con chồng dì ghẻ, mấy đời bánh đúc có xương. Cho nên đồng bạc trắng, lòng đời đen, cũng là nhẽ thường thiên hạ vậy.(25)

Chính chế độ đa thê đã phá hoại gia đình Tản Đà, đã đưa đến sự ghen tuông, thù hận và tranh chấp giữa bà Cả và thân mẫu Tản Đà khiến bà phải bỏ lại Tản Đà mà ngậm ngùi ra đi vào cuộc đời sương gió!Ngoài ra, bà Cả cũng có trách nhiệm vì bà Cả “thiếu lượng bao dung”:
Gia nhân ly tất khởi ư phụ nhân, nghĩa là trong nhà lìa tan, tất do ở đàn bà mà ra... Gần đây, trong xã hội ta, xem ra it có mấy cái gia đình được vui vẻ, cũng là vì bên nội tướng kém ru? Thứ nhất là cái lượng bao dung của người đàn bà có kém, cho nên trong gia đình của người chồng, anh em chị em khó mà được xum vui cùng nhau.(26)
Ngoài gia đình ngày xưa, xã hội thời Tản Đà cũng đóng góp vào bất hạnh của gia đình Tản Đà và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Khoảng cuối thế kỷ 19, quân Pháp đã gây chiến tranh khắp Việt Nam. Khắp nơi, người chết, nhà tan cửa nát. Khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội, chiến tranh đã đến miền Bắc. Một số quan lại đầu hàng Pháp, cam tâm làm tay sai cho Pháp thì được no ấm. Trái lại, những người có sĩ khí, bất cộng tác với thực dân thì bị đói khổ. Hàng triệu trí thức thất nghiệp, hàng triệu viên chức sĩ quan và binh lính trở về thôn quê hay sống lây lất ở thành thị. Hàng vạn cơ sở kinh doanh bị đóng cửa. Trần Tế Xương không phải là một sử gia hay xã hội học, song qua mấy câu thơ cay đắng của ông, chúng ta đã thấy rõ thực cảnh xã hội thời bấy giờ:
- Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học chín người thôi!
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy giáo tư lương nhấp nhỏm ngồi...

- Nào có ra gì cái chữ nho,
Ông nghè, ông cống cũng nằm co.
Sao bằng đi học làm thầy phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
Trần Tế Xương cũng đã nói rõ bản thân ông và gia đình ông, một trong hàng triệu gia đình bị phá sản, đã xuống tận đáy xã hội:
Vợ lăm le ở vú, Con tấp tểnh đi bồi!
Trong hoàn cảnh đó, một người đàn bà yếu đuối như mẹ Tản Đà làm sao chống chọi nổi sự suy sụp của một thời đại, và của một xã hội? Sau này, đã già dặn trong đời, và trải qua những cơn khủng hoảng kinh tế, Tản Đà mới nhận thức đưọc bao đắng cay của thực tế. Từ duy lý tưởng, ông chuyển qua duy thực. Ông đã công nhận quan điểm của Mạnh Tử về mối tương quan giữa kinh tế và đạo đức:
Hằng sản cũng không, tâm cũng mất (27)
Ông không phải nhà xã hội nhưng tư tưởng Lão Phật đã chi phối tư tưởng và tình cảm của ông.Trên đàn ngôn luận, ông bênh vực cho vấn đề cơm áo, coi mọi người đều bình đẳng trong cuộc mưu sinh:
Cái thân con người đã phải có ăn, có mặc mới sống được, thời muốn cho được sống, phải có cách làm ra cơm, kiếm ra áo mà nuôi thân. Cách làm ra cơm, kiếm ra áo của người đời, dù lương thiện hay gian phi, dù cao thượng hay đê tiện, trăm đường nghìn lối, thật là khác nhau, nhưng đều là sinh kế, đều phải có mới được sống. Người ta không thể ăn rễ cây để sống thời cũng không thể lấy đạo đức làm sinh nhai.(28)
Tản Đà bây giờ thực sự đạt đến tâm Phật, yêu thương mọi chúng sinh, không phân biệt quý tiện, thiện ác:
Người ông lớn, đứa cu ly,
Nhọc mình, nhọc xác cũng vì cái ăn.
Cuộc đời kinh tế khó khăn,
Người đời còn phải nhọc nhắn sớm hôm.
Những người khố rách áo ôm,
Mồ hôi đổi lấy bát cơm no lòng.
Người thương mại, kẻ canh nông,
Lo tiền, lo thóc năm cùng lại năm.
Ngày ngày hai buổi đi làm,
Cụ thừa trong sở, ông tham trên toà.
Người khiêu vũ, kẻ xướng ca,
Cùng là nghề nghiệp con nhà làm ăn.(29)
Như vậy, trong tiềm thức, Tản Đà đã bênh vực nghề nghiệp của mẹ và em gái. Luận bàn về các nghề nghiệp, trong Đài gương, Tản Đà viết về phụ nữ:
Người con gái lúc sắp bước chân đi lấy chồng: ai cũng tính: một sơi tơ hồng, trăm năm chỉ thắm, đầu xanh đẹp lứa, tóc bạc cùng già. Cảnh ngộ như thế là thường thuận,, thiên hạ được như thế là phần nhiều. Nhưng nếu kìa như ai, không may mà duyên giời có hạn, giữa đường uyên bay, quành cọi sân thu, ngây thơ đôi chút...,. Dẫu cho cấy nhiều buôn to, tiền buôn thóc đặt cũng chư ở vững có yên lòng, huống chi nhà rách vách xiêu, chân ngay tay cứng, được bữa sớm không bữa tối. Khó lắm thay!(30)
Vấn đề xã hội này được Tản Đà đề cập đến trong các tác phẩm Thề non nước, Trần ai tri kỷ, Kiếp phong trần và phần Bình Khang ca phả trong Tản Đà vận văn. Dưới mắt Tản Đà, các ca kỹ đều đáng thương. Vân Anh, nhân vật trong Thề Non Nước vốn con nhà thi lễ, gặp cảnh sa sút, me đau yếu, đành phải dấn thân vào chốn Bình Khang:
Vân Anh một mình đứng giữa sân, nhìn lên giăng mà xem, thấy những đám mây bay tán loạn, thường che mờ cả mặt giăng. Cái cảm hoài vô hạn, bị cảnh đó khêu động, nghĩ đến thân thế con người ta nhiều khi hỗn lĩnh thật là quang sáng mà phải những cảnh ngộ ác nghiệt làm cho đến âm u, sầu thảm khác gì mặt giăng vốn trong sáng mà có khi phải luồn những đám mây vô lại kia, bỗng nghĩ lại thân thế của người ta có khi thật như đám mây bay tán loạn, bầu trời vô hạn biết đâu chỗ về.(TNN,3)
Vân Anh là hình ảnh mẹ và em gái Tản Đà ở Bình Khang:
Hồ Gươm sen mới ra hoa, Cả hương, cả sắc ai mà không chơi. Sen tàn lá rách tả tơi, Quanh hồ lai vãng ai người tiếc thương. Nước hồ sen đứng soi gương, Còn đâu là sắc, là hương với đời. Tủi thân, sen lại giận đời, Cho chi hương sắc, cho người trọng khinh.(TNN 9)
Tản Đà đã vin vào thuyết tài mệnh tương đố để giải thích về cuộc đời đắng cay của mẹ ruột và em gái:
Nghĩ là thân một người con gái có nhan sắc, có tài hoa, có học vấn, vì cửa nhà sa sút mà truỵ lạc vào xóm Bình Khang... Con tạo đã ghen ai, ghen cho thật quá nhẽ, đã ghét ai, ghét cho thật đủ đường. Nào ai là những kẻ có tài, nghĩ chữ “tài” còn có nên có nữa hay thôi? (TNN, 19).
Lời của một người khách năm xưa gửi cho Vân Anh, khen ngợi Vân Anh:
Là một người tuấn tú trong nữ giới, về sự cũng đã có công phu, nếu không phải cảnh ngộ làm hại người thời như công nghiệp Ban Chiêu, tài danh như Tô Huệ, bắc nam dẫu có khác mà xưa nay định cũng không nhường nhau. Vậy mà con tạo ghen tài, không cho cành mai kia được riêng nở trên núi.(TNN, 44)
Vân Anh trong Thề non nước, Đào Liễu, Cúc, Lan trong Truyện thế gian chính là mảnh đời của mẹ và em gái Tản Đà. Tản Đà thương xót họ vì họ mang số phận “hồng nhạn bạc mệnh”
Cái kiếp phong trần ngán biết bao,
Xuân lan thu cúc Đông liễu tây đào
Hoá công độc địa làm sao
Mà đem bạc mệnh buộc vào hồng nhan.(31)
Tản Đà thương xót họ vì cuộc đời phiêu bạt, và cô độc như cánh bèo nổi trôi trên mặt nước:
Bồng bềnh mặt nước chân mây,
Đêm đêm sương tuyết, ngày ngày nắng mưa.(32)
Bốn phương non nước quê người,
Chân mây mặt bể, bên giời một ai.
Ngọn trào lên xuống hôm mai,
Sớm khuya ai cũng đầy vơi dạ sầu! (33)
Họ là những kẻ cô đơn, nhất là chuổi ngày tàn, bóng xế:
Bên thì trời, chị em ơi, lận đận bên thì trời.
Non cao, nước chảy, ấy ai người tri âm!
Lúc đêm thanh ngồi dậy cô ôm cầm,
Lòng tơ tơ tưởng âm thầm tiếng tơ.
Khúc đàn này vẫn khúc ngày xưa
Mà người đoái khúc bây giờ đâu xa?
Nhớ đầu xanh (còn) đương độ mười ba.
Cười giăng bóng xế, thương hoa thu tàn.
Thế mà cái phận hồng nhan!(34)
Lời người kỹ nữ trong Thành Sầu là một bức tranh tả thực cuộc sống và tâm tư đau khổ của các ca kỹ trong đó có mẹ và em gái Tản Đà:
Có lúc sầu mà sầu, nhiều lúc vui mà sầu. Trong lúc vui mà sầu thời thực là thái sầu. Mưa phùn chiều hôm, giăng thanh tiếng dế mà sầu, còn được phát tiết ra ngâm vịnh; nhất là những lúc trong bụng đương nghĩ đến nỗi gia hương, tình cốt nhục, sự thân thế, mà lúc cố khách đến chơi giở câu chuyện hoa nguyệt, thời trong một lúc ấy, bụng nghĩ một nơi, tai nghe đi một chiều; miệng có câu muốn nói không được nói, câu không nói mà phải nói cho nên cũng mặt phấn son, nhời hoa nguyệt, mà ruột tầm đã thắt như ngày ươm tơ. (35)
Phật và Lão cho đời là hư ảo. Sang hèn, giàu nghèo, vinh nhục cuối cùng chỉ là một cơn mộng, và điểm cuối cùng là cát bụi, là nấm cỏ khâu xanh rì, chính lúc này, con người thật sự bình đẳng:
Khắp nhân thế là nơi khổ ải,
Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai. (36)
Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thuý Ái,
Sông Tiền Đường có áy, bến Ô Giang.
Gẫm nghìn xưa, ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang?
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ.(37)
Tuy vậy, kiếp cầm ca vẫn mang khổ ách chung thân, là đệ nhất khổ, đó là cái khổ của đoá hoa tàn tạ và cô độc. Cũng như Nguyễn Du khóc thập loại chúng sinh, Tản Đà đã than khóc cho số phận đào nương:
Nào những ai, Tóc xanh mây cuốn, Má đỏ hoa ghen. Làng chơi duyên đã hết duyên, Khúc sông trắng giãi, con thuyền chơi vơi... thuở trước khách hồng nhan, Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen. Phong trần xui gặp bước luân lạc, Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.(38)
Những tình cảm, những tư tưởng của Tản Đà trong các tác phẩm có liên hệ đến đào nương như Thề non nước, Trần ai tri kỷ, Kiếp phong trần và phần Bình Khang ca phả trong Tản Đà vận văn đều có hình ảnh mẹ và em gái Tản Đà. Các nhà tâm lý học đã chú ý đến vai trò của sự liên tưởng, và họ cho rằng tất cả các ý tưởng xuất hiện trong trí óc ta đều có một dây liên lạc. Chính trong sự liên tưởng, vô thức đã đóng một vai trò quan trọng.

Khi viết về Vân Anh trong Thề non nước, Đào Liễu, Cúc, Lan trong Truyện thế gian là lúc Tản Đà liên tưởng đến mẹ và em gái. Tản Đà thương xót họ chính là Tản Đà thương xót mẹ và em gái vì hồng nhan bạc phận mà phải đày đoạ trong chốn phong trần.

Sau khi thân phụ mất, mẹ đem em gái trở lại xóm Bình Khang. Tản Đà lúc bấy giờ còn bé lắm, nới lên tư, lên năm đã mất mẹ, mất em. Tản Đà đau đớn, và tủi nhục. Ông cũng như xã hội, gia đình và luân lý kết tội mẹ đã sống trong chốn bùn nhơ. Và cái quá khứ huy hoàng của gia tộc đã làm Tản Đà tủi hổ khi thấy mẹ và em gái sống trong bóng đêm của thế giới Bình Khang. Ngoài ra, cái mộng làm nhà đạo đức truyền bá thiên lương, mộng tô bồi bức dư đồ rách đã bị hình ảnh của mẹ và em gái làm mất đi vẻ hào quang và nhiệt tình.

Tình mẫu tử của Tản Đà bị ức chế. Trong thực tế, ông xa lánh mẹ, kết tội me, ông nương náu bà Cả, coi bà như người mẹ đẻ của mình. Nhưng tình mẫu tử đó không phải là tình mẫu tử đích thực. Trong tiềm thức, ông luôn tìm kiếm một tình mẫu tử chân thực. Trong thế giới Mộng Mơ của Thơ và Tiểu thuyết, Tản Đà đã tạo đuợc mối tương quan thân thiết với các đào nương. Ông bênh vực các đào nương bởi vì đó là cuộc đời, là hình ảnh của mẹ và em gái Tản Đà, những con người tài hoa nhưng bất hạnh.
Nguyễn Thiên Thụ

(1). Nguyễn Mạnh Bổng cho rằng lúc ấy Nguyễn Danh Kế tiên sinh ngồi tri phủ Lý Nhân (Thân thế và sự nghiệp văn chương của thi sĩ Tản Đà. TDVV I, 1958, 8)
(2). Lãng Nhân Phùng Tất Đắc theo tài liệu của thân nhân Trịnh Đình Rư, thì bà phủ Ba tên là Lưu Thị Hiền, quán làng Phù Lưu, phủ Mỹ Đức, Hà Đông. Giai Thoại Làng Nho. Nam Chi. Sai gon, 1966, 696.
(3). Bà Nhàn Khanh là nữ sĩ đương thời, quê ở Vân Đình, Ứng Hoè, Hà Đông, con quan phó đô ngự sử họ Dương ở Vân Đình, em gái quan thượng thư Dương Khuê, và quan Thái tử thiếu bảo Dương Lâm, kết duyên cùng cử nhân Trịnh Đình Kỳ, sinh ra cử nhân Trịnh Đình Rư và Trinh Thúc Hiến. Một số thơ của bà đưọc đăng trong Nam Phong và Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên.
(4). Nguyễn Mạnh Bổng, TDVV I, 8
(5). Bà là thân mẫu anh Nguyễn Hổ Dư, sinh viên Đai học Văn khoa Saigon trong khoảng 1965, nhà ở 312 Tôn Đản, Khánh Hội.
(6). Nguyễn Mạnh Bổng. TDVV I.A Châu, Saigon.1958, 10.
(7). Nguyễn Mạnh Bổng. TDVV I.A Châu, Saigon.1958, 10-11.
(8). Phan Kế Bính. Việt Nam Phong Tục. Phong trào văn hoá. Saigon 19760, 354-355.
(9). Nguyễn Tuân, Chiêc Lư Đồng Mắt Cua. Hàn Thuyên, HàNội, 1941, 67
(10). Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Việt Nam Ca Trù Lược Khảo. Saigon. 1962, 449.
(11). Tiết phụ hành.TDVV 2, 56
(12). Đài Gương, 47.
(13). Đài gương. 49.
(14) Charles Blondel. Introduction à la Psychologies.
(15). Tiết phụ hành.TDVV 2, 56-58.
(16). George Dumas. La vie effective. PUF, 1948. Nguyễn Hữu Trọng dịch. 407.
(17). Tản Đà.Từ chức. Hữu Thanh.số 12, 15-1-1922, 140.
(18). GMC, 23-24.
(19). Le rêve est un desir réalisé (Simund Freud. Désire et rêve, par Marie Bonaparte. 5édition. Gallimard, 1935, 110.
(20). Le rêve est une second vie (Gérard de Nerval. Le Rêve et la vie. Collection Marpon et Cie. Paris, 1921, 245.
(21). Lên Tám, 11.
(22). Lên Tám, 11.
(23). Lên Tám, 12
(24). Cảnh vui của nhà nghèo. TDVV 2, 64.
(25). Tản Đà. Cuộc chiến tranh chống đỡ cho phong tục năm quý dậu. ANTC 9, 1-3-1933, 2.
(26). Tản Đà. Sự quan hệ của người đàn bà Á Đông đối với gia đình của người chồng. ANTC 21, 1-4-1931,
(27). Hủ nho lo việc đời TDVV 2, 8
(28). Tản Đà. Hai nguyên chất sự sinh hoạt của xã hội. HT,5, 1-10-1921, 267.
(29). Đời lắm việc.TDVV I,137
(30). Đài Gương, 23.
(31). TNN,44
(32). Kiếp Phong Trần, 59.
(33). Cánh bèo. TDVV 1, 5.
(34). GMC,33
(35). GMC, 36-37
(36). GMC, 35.
(37). Cánh bèo.TDVV 1, 51.
(38). Đời đáng chán.TDVV 1, 58.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tản Đà » Thực và mộng trong tình mẫu tử của Tản Đà