22/12/2024 19:34Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi MinhAnh&PhuongLinh vào 14/04/2008 21:11
Ngày 18 tháng 10 năm 2007, Viện Văn học, Hội Nhà văn và gia đình Nam Trân đã trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của nhà thơ - dịch giả Nam Trân.
Đến dự Lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học có các cán bộ Viện Văn học, Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận nghiên cứu phê bình văn học, những độc giả yêu thích, mến mộ tài năng thơ… của Nam Trân.
Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sĩ, sinh năm 1907 ở làng Phú Thứ Thượng, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông theo học chữ Hán từ nhỏ, từng làm quan dưới triều Nguyễn. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tích cực nhập vào con đường lớn của nhân dân, tham gia Uỷ ban kháng chiến và giữ nhiều chức vụ khác nhau cho đến khi về công tác ở Viện Văn học. Khoảng thời gian 10 năm công tác ở Viện là không lâu, nhưng những gì ông để lại cho văn chương, cho nghiên cứu văn chương vẫn khiến mọi người nhớ mãi. Ông không viết nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đầy dấu ấn. GS. Phong Lê trong phát biểu của mình đã xúc động nói “Ngỡ như Nam Trân chỉ là một người bạn ghé đến làng thơ, ghé qua vườn thơ, và nhân tiện mà để lại một chùm, chứ không phải chủ định ở lại như nhiều bạn bè khác đã chọn việc viết văn làm thơ như một nghề, với bậc tiền bối đích thực của họ là Tản Đà. Một cuộc chơi, một chuyến ghé thăm thú vị, và chỉ vậy thôi”.
Nam Trân cũng được biết đến với tư cách là một nhà dịch thuật Hán học nổi tiếng. Ông là người tiến hành tổ chức và chủ trì dịch Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh. Bản dịch Ngục trung nhật ký từ bản in đầu tiên, qua nhiều lần tái bản ở các nhà xuất bản trong và ngoài nước trở thành sự kiện văn học lớn những năm 60 thế kỷ 20.
TS. Lê Thị Dục Tú cho rằng thơ và dịch thuật của Nam Trân đem đến nét đặc sắc riêng cũng như những giá trị to lớn khi đặt nó vào ý thức canh tân văn học của các nhà văn Việt Nam trong những năm 30 thế kỷ XX. Chính ý thức này đã nhanh chóng đưa văn học Việt Nam hoàn thành tiến trình hiện đại hoá văn học, đưa nền văn học của dân tộc ta không chỉ thoát khỏi sự nô dịch của văn học phương Tây mà còn hoà nhập và trở thành một bộ phận của văn học thế giới.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh, 40 năm ngày mất của Nam Trân, chúng ta không chỉ ghi nhận những đóng góp có giá trị của ông mà còn thấm thía trước tinh thần xuất xử, sự lựa chọn và hành vi ứng xử đáng trân trọng, học tập của một nhà thơ-dịch giả, một trí thức yêu nước.
Doãn Thu Tơ
Bài đăng trên trang tin của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.