(Tiếp theo)Nhà Minh ở cách trại mười cây số, hôm đầu tiên cậu xin phép trại trưởng là cậu nghỉ tại gia đình, còn tranh thủ làm thêm, thỉnh thoảng cậu mới đến trại gửi tác phẩm và tham khảo ý kiến của mọi người…Thế nhưng, vừa gặp được Phong Lan, nghe cô ấy nói chuyện, có chút men rượu vào cậu đã say đứ đừ, nằng nặc xin trại trưởng bố trí cho ở lại trại “để còn học hỏi kinh nghiệm của anh em”. Biết Luân ở cùng tỉnh với Phong Lan, cậu tìm cách làm thân, dò hỏi chuyện chồng con cô ấy…Luân giữ thái độ bình thản, dè dặt trước các thông tin chọn lọc cậu cho Minh biết về Lan. Anh không muốn nhen cho Minh tia hy vọng hão huyền …Anh chỉ nói:
- Chồng Lan là giám đốc một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, giàu có và rất yêu vợ con. Lan có hai đứa con, một trai, một gái, đang học phổ thông trung học. Gia đình Lan sống hạnh phúc lắm!
Hôm tổng kết trại, ai cũng cảm thấy rất vui vì được các nhà văn, nhà thơ trung ương nhận xét rất tỉ mỉ chu đáo cho bài viết của từng người, nhất là thấy được hạn chế cần khắc phục. Các văn nghệ sĩ tỉnh lẻ đâu có ai được học qua trường lớp viết văn bao giờ. Dịp đi trại này vô cùng bổ ích đối với mọi người. Riêng Phong Lan thì vui và hãnh diện ra mặt vì truyện ngắn “Thần tượng” của cô được chọn đăng trên một tờ báo có uy tín ở trung ương: “Đề tài thì không mới, nhưng cách viết thật táo bạo. Nó gợi ra trách nhiệm của mỗi người trước cái xấu, cái ác, cái giả dối được che đậy bởi lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Văn phong mạnh mẽ, ngôn từ chọn lọc, hàm xúc…” Nhận xét của một nhà văn có tiếng làm mọi người càng nhìn Phong Lan với đôi mắt nể phục…
2-… Ba mươi năm trước, Luân vừa học hết cấp II thì bố mất đột ngột . Luân là con cả trong gia đình có ba anh em trai. Thương mẹ vất vả, anh xin đi học lớp trung cấp sư phạm ở Thuận Châu (Sơn La), hy vọng ra trường sẽ đỡ đần mẹ nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ rất thương cậu con trai cả học giỏi, chăm làm và hiếu thuận nhưng đành phải chấp nhận giải pháp ấy vì bà không thể gồng mình nuôi nổi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học…
Sắp đến ngày đi thi, hôm nào cậu vào rừng kiếm cho mẹ gánh củi khô to tướng để mẹ đun dần. Hôm ấy vừa về đến ngõ, cậu đã nhìn thấy một cô bé chừng mười sáu, muời bẩy tuổi mặc một cái áo phin màu tím hoa cà, hai bím tóc cài nơ vểnh lên, ngoe ngoảy như đuôi chồn đang giúp mẹ tưới rau. Cô bé ngẩng đầu lên, nhìn thấy cậu, nhoẻn nụ cười thật tự nhiên:
- Em chào anh Luân! Anh đi lấy củi về đấy ạ?
- ừ.
Luân đáp cụt lủn,nghĩ thầm: “Quái, con bé lạ hoắc này ở đâu ra mà biết cả tên mình nữa chứ!”
Đặt gánh củi giữa sân, cậu thấy mẹ đang ngồi uống nước cùng một thiếu phụ xinh đẹp, ăn mặc đỏm dáng:
- Cháu chào cô ạ!
- Luân đấy ư? Cao lớn bảnh bao vậy rồi ư?
Thấy Luân ngơ ngác chưa nhận ra người quen, mẹ nhắc:
- Con không nhận ra cô Nhạn à? Ngày trước cô ở cùng nông trường chè với bố mẹ, có ba đứa con gái là Lan, Hồng, Cúc ấy! Gia đình cô ấy chuyển về Thuận Châu lâu rồi. Chú ấy bị tai nạn giao thông, mất năm ngoái…
CôNhạn bỗng oà lên, khóc rưng rức:
- ôi chị ôi là chị ôi! Chị em mình cùng cảnh ngộ, cái số mình sao nó khổ thế này…
Phụ nữ dễ mủi lòng, nhất là những người goá chồng sớm. Nghe cô Nhạn khóc, mẹ cũng gục đầu vào vai cô nức nở…
Giờ thì Luân đã nhớ ra: hồi Luân còn học cấp một có ở cạnh nhà cô Nhạn thật. Ông trời thật chẳng công bằng: Bố mẹ Luân sinh toàn con trai, còn nhà cô Nhạn lại sinh liền tù tì “ba con vịt trời”. Hàng xóm cứ đùa trêu: Sau này cho ba ả tố nga kết duyên cùng ba chàng hàng xóm thì thật là hay, lũ trẻ con sinh ra đều có chung ông bà nội ngoại. Luân nghe thấy, xì một tiếng thật to: “Cháu không thèm lấy con Lan!” Cái Lan ngày ấy gầy đét, đen như chấy. Mới năm năm không gặp mà cả mẹ cả con giờ đều như lột xác, biến thành người khác, thơm tho, đẹp đẽ. Nghe người ở nông trường đưa con xuống học ở Thuận Châu về nói cô mua một ngôi nhà hai tầng ở mặt đường, bán cơm phở chạy lắm! (Tiền ở đâu ra nhỉ, hồi còn ở nông trường chè, họ túng thiếu lắm! Hay là…hay là hồi đó nó buôn lẻ thuốc phiện mà công an chưa phát hiện ra, nó cứ giả nghèo giả khổ rồi nhanh chóng chuyển hướng đi nơi khác làm ăn?) Mà gặp lại người quen cũ cùng nông trường chè, cô ấy “chém đẹp” ngay “Càng quen càng lèn cho đau”mà!
Đấy là Luân nghe mọi người nói thế, chứ hôm nay thấy cô đến thăm an ủi mẹ, lại có cả em Lan xinh đẹp đi cùng, mẹ và Luân đều rất vui. Mẹ mời cô ở lại dùng cơm, cô vui vẻ nhận lời ngay, lại còn lôi từ trong làn nào trứng, nào giò chả, nào bánh kẹo, hoa quả…
Ăn cơm xong, cô chẹp miệng mấy cái,rồi dợm giọng nói với mẹ:
- Em lên thăm chị, trước là chia buồn cùng chị, sau là cũng muốn bàn với chị việc học hành của các cháu.
- Cô nói gì tôi chưa hiểu…
- Thế này chị ạ! Nói gần nói xa chẳng qua nói thật! Em nghe người ta nói cháu Luân sắp thi vào trườngsư phạm Thuận Châu, em cũng thật là tiếc cho cháu. Nếu anh còn, chắc chắn nó còn học lên nữa,thi đỗ đại học đàng hoàng. Từ nhỏ, nó đã nổi tiếng là thông minh, sáng dạ. Nhưng thôi, nó có chí thì sau này còn nhiều dịp học tiếp. Em lên bàn với chị để cho cháu Luân xuống ôn thi giúp con Lan nhà em, sau hai đứa cùng thi vào sư phạm thì tốt. Nhà em cũng gần trường, lại rộng rãi, để chúng nó học ngoại trú vừa đỡ tốn kém vừa tiện lợi đủ đường…
Cô Nhạn bỏ chừng câu nói lấp lửng,liếc nhanh qua Luân,nháy mắt đầy hàm ý…
Mẹ ngạc nhiên:
- Ôi, tôi cứ tưởng cháu Lan nhà mình đang theo học trường văn hoá nghệ thuật tỉnh Sơn La cơ mà…
- Chẳng giấu gì chị: Cháu từ nhỏ thể trạng đã yếu nên học khó vào lắm! Ông anh trai em dạy học ở đấy mách trường lấy học sinh tốt nghiệp cấp một vào, ba năm đầu cho học văn hoá hết cấp hai, sau đó mới phân vào các khoa thanh nhạc hoặc múa… Con Lan nhà em học yếu, lại không có năng khiếu âm nhạc. May mà có bác cháu đỡ đầu nên thi vào trót lọt, lại được nhà trường nuôi ăn học tử tế, ba năm trời mình chẳng mất xu nào. Bây giờ tốt nghiệp cấp hai rồi, bác cháu nói khéo với nhà trường do hoàn cảnh gia đình, cháu xin về học chuyên nghiệp gần nhà, còn đỡ đần thêm cho mẹ. Chị tính: ngành khác thì còn có thể cố, làm nghệ thuật mà không có năng khiếu về đàn hát thì…
“Thế làm cô giáo không cần có năng khiếu à? Học yếu thì làm sao dạy được ai cơ chứ!” Luân nghĩ thầm. Một tiếng nói khác văng vẳng bên tai Luân: “Tốt nhất là im lặng đừng nói gì. Cứ để mẹ và cô ấy bàn”.
- Nghe nói kinh tế nhà cô giờ khá giả rồi, sao cô không cho cháu học tiếp lên cấp ba rồi thi vào đại học?
- Ôi dào! Em nói thật với chị, nếu không có ông anh ruột em làm ở đấy, cháu cũng khó thi nổi hết cấp II. Mà đi học tiếp, biết nhờ cậy ai. Em nghĩ tốt nhất là để anh em nó cùng học với nhau tiếp ba năm chuyên nghiệp, anh Luân giúp đỡ Lan. Từ trường đến nhà em chưa đầy một cây số, em sẽ xin cho hai đứa học ngoại trú. Khoản ăn nghỉ của cháu Luân, chị khỏi phải lo.
Luân hiểu ý cô Nhạn: Cô không tính tiền ăn, tiền trọ cho cậu như vậy tiền học bổng ít ỏi cậu có thể giành dụm gửi về cho mẹ nuôi các em. Đổi lại, cậu có nhiệm vụ phụ đạo cho cái Lan, sao cho nó cùng tốt nghiệp sư phạm với cậu.
3- Khi theo cô Nhạn về Thuận Châu, Luân được cô bố trí cho một phòng riêng đànghoàng tử tế trên tầng hai bên cạnh phòng hai chị em Lan và Hồng. Cô Nhạn và cái Cúc thì nghỉ ở gian cạnh phòng khách tầng hai. Dưới tầng một, cô Nhạn vẫn bán cơm phở, còn một buồng lớn giành cho ba cô gái trẻ giúp việc. Như vậy, ngôi nhà có bảy người sinh sống chỉ có mỗi Luân là nam giới nhưng cô ấy xếp như vậy cũng không có gì bất tiện bởi riêng phòng cậu như một phòng víp thực thụ với công trình khép kín thơm tho sạch sẽ. Khi học bài, cô Nhạn yêu cầu hai đứa ra phòng khách ngồi học đàng hoàng nghiêm chỉnh. Cả nhà ăn cơm ở tầng một. Các món ăn lúc nào cũng có thịt cá chế biến rất ngon, Luân càng nhớ mẹ và các em nhiều hơn. Việc thi vào trường của hai đứa diễn ra khá suôn sẻ. Hai đứa cùng thi vào khoa văn vì đó là môn học Luân mê nhất. Rất may, tên hai đứa có cùng phụ âm đầu, xếp theo bảng chữ cái A, B, C hai đứa ngồi gần nhau nên Luân có thể giúp Lan một cách dễ dàng, còn dư thời gian sửa lại bài của mình cho khác một chút, không ai có thể phát hiện ra được. Luân cũng định bụng chỉ giúp Lan thi vào trường, rồi dạy bù các môn, lấp lỗ hổng kiến thức cho cô ấy.
Kết quả thi vào trường thật mĩ mãn: Luân đỗ thủ khoa, còn Lan đứng thứ ba sau cái Thục - một đứa con gái khá xinh nhưng rất nghèo. Đối với lực học của Luân, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng đối với Lan, đỗ vào trường học (lại đỗ với số điểm cao) thật là vượt quá mong đợi của cả hai mẹ con cô Nhạn. Cô tổ chức một bữatiệc lớn để chiêu đãi cả nhà. Suốt bữa ăn, cô luôn tay gắp thức ăn đầy bát cho Luân:
- Cô và em Lan cám ơn cháu nhiều lắm! Cô biết là cô không nhầm khi đã “chọn mặt gửi vàng” nơi cháu…
- Luân cảm thấy mất tự nhiên trước sự chăm sóc thái quá của cô Nhạn…
Lan ngoẹo đầu, lườm yêu mẹ:
- Mẹ mà khen anh Luân thì chẳng khác nào khen chim biết bay. Nhưng công của mẹ cũng lớn lắm đấy! Lúc chúng con đi thi, chẳng phải mẹ đã đồ xôi đỗ cho chúng con ăn, lại còn mua chiếc áo đỏ đẹp tuyệt cho con mặc đó sao?
- Cô thì chỉ được cái…
Lan cướp lời mẹ:
- Chỉ được cái nói đúng, phải không mẹ? Nhưng mẹ ơi, có chuyện này con cần nói ngay với mẹ. Lúc cô giáo điểm danh vào phòng thi, con ngượng muốn chết. Bọn con gái thi vào lớp con chẳng xinh đẹp gì mà đứa nào cũng có một cái tên hay: Nào Hồng Nhung, Hải Yến, nào Cẩm Tú, Tuyết Trinh… Tên Lan nghe cũng được rồi, nhưng có chữ Thị đằng trước, nghe quê quá mẹ ạ! Con định đổi Nguyễn Thị Lan thành Nguyễn Phương Lan có được không mẹ?
Cô Nhạn còn chưa biết trả lời con gái ra sao thì Luân dè dặt nói:
- Cô ạ! Cháu nghĩ: Đổi tên đệm cho hay hơn cũng là nguyện vọng chính đáng của em Lan, nhưng thủ tục rườm rà lắm! Nếu mình làm không đến nơi đến chốn, sau này còn khó cho việc thi tốt nghiệp hoặc xin đi làm … Tốt nhất, mình cứ để tên cũ, tên Phương Lan mình đề vào mục tên thường gọi…
Cô Nhạn âu yếm nhìn Luân:
- Đúng là cháu có ăn có học, nói cái gì cũng có lý có tình. Cái tên Phương Lan nghe cũng hay, nhưng nhiều người đặt tên ấy rồi, nghe nó nhàm quá! Hay là… hay là, cháu giúp em tìm một cái tên đệm khác vậy?
Cô đánh mắt liếc nhanh sang con gái yêu với nụ cười đầy hàm ý… Lan ngoẹo cổ, nũng nịu:
- Mẹ nói phải quá! Anh Luân văn hay chữ tốt, anh đặt tên đệm cho em đi!
Cái miệng Lan chúm chím như nụ hoa hàm tiếu, hai má Lan đỏ lừng như say rượu và nhất là đôi mắt - đôi mắt long lanh như hai giọt sương mai đậu trên hai hạt nhãn khiến tim cậu con trai mới lớn đập loạn xạ. Cậu nhớ đến buổi trưa hè nóng nực, một mình vào rừng kiếm củi giúp mẹ, lúc khát nước khô cổ họng, cậu ngẩng nhìn lên cây cổ thụ tìm bóng mát… bỗng chợt thấy người nhẹ bẫng, thanh thản lạ lùng như đang bay lên chín tầng mây. ấy là khi cậu chợt nhìn thấy chùm phong lan vàng rực như nắng nổi bật giữa vòm lá xanh ngăn ngắt… Cậu leo lên cây cổ thụ, khéo léo chặt nhành cây có chùm lan rễ ăn sâu như tạcvào cành… Cậu treo chùm lan ấy ngay cạnh cửa sổ. Khi có gió, chùm hoa khe khẽ đong đưa, những cái nhụy màu phơn phớt tím rung rinh, rung rinh toả hương thơm ngào ngạt…
- Anh đặt tên đệm cho em đi!
Giọng nói dịu dàng của Lan như đưa Luân trở về với thực tại…
- à, à…Phong Lan! Phong Lan có được không hả cô?
- Tuyệt quá!
Hầu như tất cả mọi người ngồi bên mâm cơm cùng thốt lên hai tiếng đó.
4- Đêm ấy,Luân thao thức. Cậu nhớ đến nụ cười mãn nguyện của cô Nhạn, ánh mắt lấp lánh niềm vui của Lan và những tiếng xuýt xoa trầm trồ của hai cô em gái. Cậu tự nhủ lòng, mình sẽ cố gắng kèm cặp, bổ sung những lỗ hổng trong kiến thức của Lan, dấy lên trong Lan ngọn lửa đam mê văn chương như cậu, trước hết là không phụ lòng tốt của cô Nhạn, trí tuệ tâm sức mình bỏ ra xứng đáng với những bữa ăn nghỉ tử tế cô ấy giành cho mình… đỡ gánh nặng cho mẹ. Cũng bởi một lý do thầm kín sâu xa. Cậu mỉm cười một mình trong mơ, hy vọng ngày hai đứa ra trường…
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...