Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phạm Bá Chiểu

Về bài thơ hay nhất của pushkin

--------------------------------------------------------------------------------

Tôi là người yêu thơ, yêu tiếng Nga và yêu thơ Nga nhất là thơ Pushkin, Lermontov, Exenhin bằng chính tiếng Nga.
Một lần nọ, nhà thơ Hoàng Khoát hiện đang công tác ở Vietnamnet sau khi nghe tôi đọc và giải thích một số thơ bằng tiếng Nga, nói với tôi:
- Cô giáo dạy văn em không đồng tình với câu dịch của dịch giả Thúy Toàn “Khi rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”, anh có thể cho em biết nguyên văn câu ấy trong tiếng Nga như thế nào?
- Trời ơi, tôi thốt lên, chữ “томим” trong tiếng Nga là một tính động từ ngắn đuôi nghĩa là anh mệt lả, anh bị giằng xé đến kiệt sức bởi…có thể dịch là “Ngại ngần, ghen tuông từng vắt anh kiệt sức” chứ nếu dịch là “hậm hực lòng ghen” thì xin lỗi chưa đúng tầm (chưa dám nói là hạ thấp) một thi tài và hơn nữa một thiên tài thơ tầm mọi thời đại.
- Thế theo anh, dịch như thế nào?
- Được để anh thử dịch theo sát nghĩa hơn, và tôi viết lại bản dịch nhanh của mình cho nhà thơ Hoàng Khoát.
“THƯỞ YÊU EM
Có một thời anh đã trót yêu em
Dường lửa tình yêu trong tim chưa tắt
Chỉ muốn giữ cho hồn em trong vắt
Anh lặng chôn tình riêng ấy trong lòng
Cô đơn nỗi buồn, vô vọng niềm mong
Nghiệt ngã ghen tuông từng vắt anh kiệt sức
Tình đằm thắm, tình chân thành day dứt
Cầu chúa cho em người tình, yêu như chính tình anh”
Nhà thơ Hoàng Khoát khen hay và theo anh thì anh đã đọc bản dịch này cho nhiều người và được cho là dịch được.

Đó là chuyện của nhiều năm trước. Giờ đây trên diễn đàn này, tôi muốn cùng các bạn nói về vấn đề này sâu hơn.
Về dịch thuật, người Pháp nói câu: “dịch là phản” kể cũng hơi quá đáng. Tuy nhiên mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt khác nhau bởi vậy theo tôi: “Dịch là cô gái, đẹp thì không trung thành mà trung thành thì không đẹp” và trong dịch thuật bao giờ chúng ta cũng nên đặt lên hàng đầu ba chữ Đ: ĐÚNG, ĐẠT, ĐẸP.
Về bài thơ “Anhyêu em” của Pushkin chúng ta cũng bình tĩnh xem xét kỹ lại bản dịch của Thúy Toàn đã được đưa vào sách giáo khoa và giảng dạy nhiều năm và nhiều nhiều thế hệ học sinh chúng ta đã đọc và thuộc.
Cũng phải công nhận bản dịch của dịch giả Thúy Toàn đẹp, khá đạt nhưng có chỗ chưa đúng. Tôi xin tạm dịch nghĩa nhé:

ANH ĐÃ TỪNG YÊU EM (động từ thời quá khứ chưa hoàn thành nghĩa là đã từng yêu, nếu dịch là ANH YÊU EM thì hoàn toàn mang sắc thái khác, ta thấy các bản dịch tiếng Anh ở dưới đều dùng I LOVED YOU chứ không dùng I LOVE YOU- rất tiếc các dịch giả của ta đều dịch ANH YÊU EM làm mờ đi thầm ý của nhà thơ. Nếu muôn dịch sát nghĩa tôi xin đề nghị dịch là TỪNG YÊU EM, hoặc THƯỞ YÊU EM như tôi dịch ở trên, vừa gọn, vừa chuẩn ngữ pháp - đúng với tinh thần bài thơ. Riêng tôi dịch thoát là TÌNH ANH )
Anh đã từng (cần nói là các động từ ở đây đều là quá khứ nên dịch là đã từng, hoặc từng thì chính xác hơn) yêu em (chữ вас tác giả dùng cho người cao quý, bình thường thì người ta dùng "я тебя люблю "- Theo các nhà ngôn ngữ thì thời Puskin người ta dùng như thế kiểu Ta yêu Nàng tạm tương đương trong tiếng Việt, nếu dịch là em thì nên viết hoa “Em” để tỏ lòng tôn kính như người ở bậc được ngưỡng vọng chứ không đơn thuần “em” như một người tình bình thường) tình yêu hãy còn, có lẽ
Trong lòng anh tình yêu ấy chưa hoàn toàn tắt hẳn (tác giả dùng угасла не совсем- còn chưa tắt hẳn - hay đến thế).
Nhưng hãy để tình yêu ấy chẳng quấy rầy em thêm nữa.
Anh không muốn phiền em bởi bất cứ điều gì.
Anh đã từng yêu em lặng thầm, vô vọng
Từng giằng xé khi bởi ngại ngùng, khi bởi hờn ghen.
Anh đã từng yêu em chân thành đến thế, dịu dàng đến thế (đến mức mà)
Cầu cho em là người được yêu như thế bởi người tình khác.

Câu cuối “Как дай вам бог любимой быть другим ” thực sự làm đau đầu các nhà Pushkin học và các nhà ngôn ngữ Nga. Người em trai của tôi là Phạm Bá Thủy ở tạp chí Thế Giới Mới từng sống hơn 10 năm ở Nga và cũng đã hỏi các nhà ngôn ngữ Nga mà họ chịu vì nó không thuộc hệ ngữ pháp thông thường. Có thể nó đi với chữ “так” ở câu trên trong cấu trúc “так… как…” với nghĩa là “anh yêu em chân thành đến mức mà, êm ái đến mức mà anh cầu mong cho em được người yêu như vậy. Cũng có thể nó đi một mình thì mang nghĩa “Cầu cho em là người được yêu như thế bởi người tình khác” Chúng ta đành tạm hiểu như vậy. Có tác giả trên net cho rằng дай вам бог là mệnh lệnh cách - hỡi chúa trời hãy cho Em- sợ hơi khiên cưỡng. Ở tiếng Nga đây là một cách cầu khẩn chứ không phải là một mệnh lệnh cách. Họ còn cho rằng Thúy Toàn dịch không có mệnh lệnh cách nên không chuẩn. Thực sự Thúy Toàn dịch như câu cuối "Cầu cho em được..." là rất thoát và đẹp.Tuy nhiên vẫn chưa thể diễn tả được cái thần câu thơ. Bởi với tiếng Nga cũng như tiếng Anh đều có cách cầu khẩn nhưng không thể có thực mà rất tiếc tiếng Việt mình lại không có. Chỉ có thể ngầm hiểu thôi. Cấu trúc này tương tự trong tiếng Anh Conditional Sentences Type II (unreal/impossible)câu điều kiện không có thực, kiểu "cầu tôi là chim để bay khắp mọi miền" nhưng tôi không bao giờ là chim được cả. Ở đây câu cầu khẩn của tác giả là câu cầu khẩn không thể có thực (unreal/impossible)nghĩa là "cầu chúa (mà chỉ có chúa toàn năng mới có thể)cho em người, yêu em đúng tình anh" nhưng em ơi làm sao có được điều ấy, làm sao có được người yêu em đến mức ấy trên đời nữa hở em. Người Nga thì hiểu ngay cầu mong thế, nhưng không bao giờ có được thế. Tiếng Việt chúng ta rất tiếc không có cấu trúc ngữ pháp tương tự để hiểu thấu đáo ý thơ. Sau đây xin đưa vài phương án gọi là tạm dịch câu cuối bài thơ:
- Chỉ Chúa mới cho được người, yêu em đúng tình anh
- Làm sao có trên đời người thế nữa yêu em
- Đừng mơ tưởng hão huyền người thế nữa yêu em
- Hoài mong một người, yêu em đúng tình anh
có thể phần nào ĐÚNG, nhưng không thể ĐẸP và vì vậy không ĐẠT.
Sau nhiều trăn trở, tôi xin dịch câu cuối cùng ấy như sau:
"ƯỚC ĐƯỢC NGƯỜI, YÊU EM ĐÚNG TÌNH ANH"
với niềm mong chữ ƯỚC phần nào diễn tả cái không thể có thực trên đời, và chữ ĐÚNG để diễn tả cái không thể có thực được, không bao giờ chính xác được của ý thơ. Nhưng sau đó ít lâu tôi lại chọn lại là "ƯỚC ĐƯỢC NGƯỜI YÊU EM SÁNH TÌNH ANH" để thay chữ "Đúng " cứng nhắc bằng chữ "Sánh" ngầm chút kiêu hãnh của Thi hào.

TÔI THA THIẾT MONG CÁC BẬC THẦY CÔ DẠY VĂN HÃY TRUYỀN DẠY CÁC EM THẤU HIỂU ĐƯỢC Ý NGẦM TRONG CÂU THƠ MÀ VÌ NGỮ PHÁP KHÔNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ VÌ VỚI LƯỢNG TỪ HỮU HẠN (CHO CÂU THƠ CUỐI CÙNG) KHÔNG THỂ NÀO DIỄN TẢ ĐƯỢC CÁI THẦN CỦA NGẦM Ý ẤY.
Thơ đẹp, thơ hay là thơ nằm ngoài cách cảm nhận thông thường, nằm ngoài ngữ pháp thường ngày. Có như vậy các dịch giả mới hiểu theo nhiều cách và người nào hiểu gần đúng với ý tác giả nhất thì càng được đón nhận hơn. Dịch còn mang chức năng giải mã tác phẩm bằng cảm thụ mỹ thuật. Mà đã là cảm thụ mỹ thuật thì vô cùng...

Phải chăng chúng ta nên phát động trên diễn đàn một cuộc thi về dịch bản dịch này bổ sung vào bản dịch của dịch giả Thúy Toàn trong sách giáo khoa? Thật đáng tiếc là chúng ta không có hệ thống truyền thông để có thể nói lên điều đó. Nhưng tôi mong các thầy, cô dạy văn khi dạy bài này hãy hiểu như cô giáo của nhà thơ Hoàng Khoát, ít nhất là không thể một thiên tài thơ lại diễn tả “hậm hực lòng ghen”. . Tôi mong các thầy cô, các bạn học sinh hãy vào diễn đàn để cùng nhau tổ chức một cuộc thi và bình chọn những bản dịch hay. Điều ấy hoàn toàn vì nền học vấn nước nhà.
Sau nhiều ngày đêm nghĩ suy và tư duy, với lòng yêu thơ Nga và Pushkin, tôi cũng gắng thử dịch lại bài thơ này lần nữa với ước mong dần chạm đến 3 Đ: ĐÚNG, ĐẠT, ĐẸP tuy mục tiêu ấy còn quá vời xa…Tôi xin tặng bản dịch này cho các thầy cô dạy văn, cho các bạn học sinh, cho những người yêu thơ, mong các bạn hiểu được phần nào ẩn ý của câu cuối bài thơ, câu có sức nặng nhất, hay nhất của cả bài thơ; chí ít làm mờ đi chữ “hậm hực” tầm thường hóa một thi tài.

TÌNH ANH
Pushkin

Ngọn lửa tình từ thuở trót yêu Em
Dường còn cháy trong tim anh chưa tắt
Chỉ muốn giữ cho hồn Em trong vắt
Anh lặng chôn tình riêng ấy trong lòng
Từng yêu Em trong vô vọng, âm thầm
Từng giằng xé bởi ghen tuông, ngần ngại
Từng yêu Em bao chân thành, êm ái
Ước được người yêu Em sánh tình anh

Bản dịch Phạm Bá Chiểu

Xin các bạn tham khảo thêm bản chính và bản dịch của Thúy Toàn:

Я вас любил

(Nguyên bản tiếng Nga)

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.


(Bản dịch thơ của Thúy Toàn)

Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè, lúc hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.


Và 3 bản dịch tiếng Anh
I LOVED YOU.

I loved you, and I probably still do,
And for awhile the feeling may remain;
But let my love no longer trouble you,
I do not wish to cause you any pain.
I loved you; and the hopelessness I knew,
The jealousy, the shyness -- though in vain --
Made up a love so tender and so true
As may God grant you to be loved again.

Pushkin _ 1829

I LOVED YOU.


I loved you; and the feeling, why deceive you,
May not be quite extinct within me yet;
But do not let it any longer grieve you;
I would not ever have you grieve or fret.
I loved you not with words or hope, but merely
By turns with bashful and with jealous pain;
I loved you as devotedly, as dearly
As may God grant you to be loved again.

I loved you
Pushkin

Even now I may confess,
Some embers of my love their fire retain;
But do not let it cause you more distress,
I do not want to sadden you again.
Hopeless and tongue-tied, yet I loved you dearly
With pangs the jealous and the timid know;
So tenderly I loved you, so sincerely,
I pray God grant another love you so.


Các bạn ơi, còn chờ gì nữa hãy trình làng bản dịch của mình đi

Phạm Bá Chiểu
Em xinh thế như không là sự thật
Cho anh tin Hà Nội chính thiên đường
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Xin cảm ơn bác Phạm Bá Chiểu về bài viết. Ở đây có trang thơ Pushkin và bài thơ "Tôi yêu em". Em xin phép gửi bản dịch của Bác lên đó để bạn đọc tham khảo: http://www.thivien.net/viewpoem.php?UID=to-UkdFjJeg6pwDSfG5oNA.

Nhân đọc bài viết này, em cũng xin gửi hai bài viết cũ đã từng được đưa lên diễn đàn Thảo luận chung, phần Dịch thuật của Thi Viện vào đây, như một sự góp lời vào topic của Bác.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

TÔI YÊU EM - BÀI THƠ KHÔNG HÌNH ẢNH

Ngô Tự Lập

"Tôi yêu Em" của Puskin chắc chắn là một trong những bài thơ dịch nổi tiếng nhất ở nước ta nói chung và của dịch giả Thuý Toàn nói riêng. Bản thân người viết những dòng này cũng thuộc lòng bài thơ từ tuổi học trò.

Tuy nhiên, vì "Tôi yêu Em" không chỉ tồn tại trong sổ tay các bạn trẻ đang tuổi yêu đương mà còn được dạy trong trường phổ thông, tôi muốn góp ý với dịch giả về một vài chỗ chưa chính xác và nhất là một số khía cạnh độc đáo của nó mà có lẽ do thiếu thông tin nên ông đã bỏ qua.

Nguyên bản tiếng Nga của bài thơ như sau:

Я вас любил

Александр Сергеевич Пушкин

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.

Dịch nghĩa:

Tôi yêu Em: tình yêu, có lẽ,
Trong lòng tôi vẫn chưa tắt hẳn;
Nhưng thôi, chớ để nó quấy rầy Em thêm nữa.
Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì.
Tôi yêu Em lặng thầm, vô vọng,
Bị giày vò khi vì rụt rè, khi bởi ghen tuông.
Tôi yêu em chân thành đến mức, dịu dàng đến mức,
Lạy Trời mà Em mà được ai khác yêu như vậy.

Còn đây là bản dịch của Thúy Toàn:

TÔI YÊU EM
Alexander Sergeyevich Pushkin

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

1. Một nhược điểm dễ nhận thấy trong câu đầu tiên của bản tiếng Việt là cụm từ "chừng có thể" không được Việt lắm, vì thế nó không trung thành với ngôn từ trong sáng của nguyên bản. Theo tôi, tốt nhất là ta cứ dịch một cách giản dị, sát nghĩa thành:

Tôi yêu em: tình yêu, có lẽ,

Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn là Thúy Toàn đã thay lối biểu đạt ngập ngừng đầy kịch tính của Puskin bằng một câu văn trôi chảy. Nhưng ngay cả điều này có lẽ cũng có thể chấp nhận được trong chừng mực nào đó nếu như nó không liên quan đến những đặc điểm quan trọng hơn mà tôi sẽ bàn dưới đây.

2. Một nét độc đáo của bài thơ nằm ở chỗ nó hoàn toàn không hề có một hình ảnh nào. "Ngọn lửa tình" là hình ảnh Thúy Toàn thêm vào, có lẽ do gợi ý của động từ "tắt" (угасла). Nhưng từ "tắt" ở đây chỉ đơn thuần có ý nghĩa là chấm dứt hẳn, kết thúc hoàn toàn, như khi ta nói "ngày đã tắt", "chiến tranh đã tắt hẳn" hay "hy vọng cuối cùng đã tắt". Chính nét độc đáo này đã gây nên những cuộc tranh cãi thú vị giữa những người theo quan điểm truyền thống (cho rằng "thơ là tư duy bằng hình tượng", rằng một bài thơ hay phải có hình ảnh độc đáo), với những nhà Hình thức chủ nghĩa (chủ trương "Nghệ thuật như là thủ pháp" - tên tiểu luận có tính cách mạng của Shklovsky đã được dịch ra tiếng Việt).

3. Một nét độc đáo khác của bài thơ là sự "nghèo nàn" về ngôn ngữ. Và điều này cũng lại trái ngược với quan niệm truyền thống cho rằng một bài thơ hay phải có ngôn từ phong phú, trau chuốt, hay độc đáo. Ngoài từ duy nhất ít mang nghĩa ít nhiều bóng bẩy là từ "tắt" chỉ sự kết thúc hoàn toàn đã nói ở trên, tất cả các từ trong bài đều được dùng với nghĩa trực tiếp, giản dị nhất. Roman Jakobson, trong bài Thơ của Ngữ pháp và Ngữ pháp của Thơ [1], chỉ ra rằng bài thơ chỉ có 47 từ nhưng có tới 14 đại từ, 10 động từ, và chỉ có 5 danh từ, đều là danh từ trừu tượng. Cái hay của bài thơ, vì thế, chủ yếu nằm ở các thủ pháp ngữ pháp đặc biệt, trong đó có cách ngắt câu ngập ngừng tôi đã nói ở trên.

4. Nhưng thủ pháp ngữ pháp đặc biệt nhất và hiệu quả nhất là ở hai câu cuối cùng, cũng là hai câu Thúy Toàn đã hiểu sai ý tác giả. Mặc dù "дай вам Бог" ở mệnh lệnh thức, nó thật ra không có ý nghĩa mệnh lệnh thức hay cầu khẩn. Puskin sử dụng nó làm vế thứ hai của một cấu trúc so sánh "так...как..." Nghĩa thực của câu cuối cùng không phải là một thái độ cao thượng: "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em" như trong bản dịch của Thúy Toàn, mà là "Có lạy Trời em [mới lại] được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế". Lối nói này cũng tương tự khi người Việt nói: "Có trời mà biết được!" để nói rằng "Chẳng ai biết được đâu!"[2].

Tóm lại, Puskin muốn nói: "Tôi là người yêu Em nhất", hoặc "Chẳng bao giờ có ai yêu Em được như tôi nữa đâu!"

5. Một khó khăn khi dịch bài thơ là làm thế nào để chuyển tải ý nghĩa của lối dùng kính ngữ (вас) sang tiếng Việt. Tôi cho rằng Thúy Toàn đã đúng khi cho tác giả xưng "Tôi" chứ không phải là "anh". Tuy nhiên, với từ "em", tôi đề nghị dùng cách viết hoa. Đây chính là cách dùng kính ngữ của của người Italia: khi "lei" viết thường, nó được hiểu là ngôi thứ ba giống cái số ít (cô ta, bà ta...), còn khi viết hoa, "Lei", nó được hiểu là ngôi thứ hai, tương tự như "bac" trong tiếng Nga. (Trong bản dịch nghĩa ở trên tôi đã dùng cách viết hoa này).

6. Cuối cùng, viết những dòng này, với tư cách độc giả, tôi muốn tỏ lòng biết ơn đến dịch giả Thuý Toàn, người đã cho tôi biết Puskin trước khi tôi biết tiếng Nga. Bất kỳ bản dịch nào cũng cần phải sửa chữa nhiều lần. Tôi không có ý định đưa ra bản dịch của mình, vì Thúy Toàn xứng đáng là người tự chỉnh trang lại bản dịch. Vả lại, tôi nghĩ, giả sử có định dịch lại, chắc tôi cũng sẽ phải ghi tên Thúy Toàn là đồng dịch giả. Bản dịch của ông từ lâu đã là một phần ký ức trong tôi.

Normal, tháng 2/2006

Ngô Tự Lập

 
[1] Roman Jakobson. "Poetry of Grammar and Grammar of Poetry. in Language in Literature". Cambridge: Harvard UP, 1987. p. 125.
[2] Xem thêm: Roman Jakobson. "Poetry of Grammar and Grammar of Poetry. in Language in Literature". đã dẫn.

http://www.evan.com.vn/Ne...h-thuat/2007/04/3B9AD789/
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Dịch thơ là một việc rất khó. Một công việc đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và cẩn trọng. Không những thế, còn đòi hỏi sự say mê, tình yêu đối với tác giả, sự hiểu biết sâu rộng về tác giả, về cuộc đời, sự nghiệp cũng như về văn hóa của đất nước mà tác giả đã hoặc đang sống. Và lại cần biết sử dụng ngôn từ tiếng mẹ đẻ của mình một cách linh hoạt. Chỉ có thế người dịch mới thật sự "dịch" được Thơ. Hồn thơ - nghĩa từ vựng - thủ pháp nghệ thuật... Tất cả đều cần được xem xét tới. Chính vì thế, có những bài thơ được dịch rất lâu... nhiều năm....
Đọc bài của bác Ngô Tự Lập, tôi cũng giật mình tìm hiểu lại bài thơ này của Pushkin.


Tôi mạn phép có ý kiến thế này ạ:
1. Bác Ngô Tự Lập viết ""Một nhược điểm dễ nhận thấy trong câu đầu tiên của bản tiếng Việt là cụm từ "chừng có thể" không được Việt lắm, vì thế nó không trung thành với ngôn từ trong sáng của nguyên bản. Theo tôi, tốt nhất là ta cứ dịch một cách giản dị, sát nghĩa thành:

Tôi yêu em: tình yêu, có lẽ,

Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn là Thúy Toàn đã thay lối biểu đạt ngập ngừng đầy kịch tính của Puskin bằng một câu văn trôi chảy. ""

Theo tôi cụm từ быть может của Pushkin không có biểu đạt ngập ngừng bằng cách ngắt dấu phẩy. Đây đơn thuần là chính tả tiếng Nga. Khi viết, hai từ trên luôn luôn được đặt giữa hai dấu phẩy hoặc nếu đó là đầu câu và cuối câu thì cần có một  dấu phẩy để ngăn cách với thành phần chính của câu. Thế mới là cách viết đúng.
Ví dụ: "Быть может, он ее еще любит…"
Còn trường hợp mà không có dấu phẩy thì nghĩa lại khác rồi… "Любовь еще быть может…" Có thể có tình yêu, tình yêu vẫn có thể còn, có thể tồn tại…
Ở đây, Thúy Toàn đưa ra một giải pháp, có thể theo bác Ngô Tự Lập, nó không được “Việt” lắm, còn với cảm nhận của tôi, nó lại rất Việt, rất mềm mại và hợp lý.
Tất nhiên ta có thể dịch là "Có lẽ", nhưng nó mất cái gì rồi...mất "chất Thơ"! Trong nguyên bản, đồng ý là ngôn ngữ rất trong sáng. Nhưng trong sáng, giản dị không có nghĩa là đơn giản đến mức cao nhất..

Và Pushkin chắc hẳn không nghĩ quá nhiều khi viết cụm từ này vào đây như bác phân tích là thể hiện sự "“ngập ngừng đầy kịch tính”"!

2. Bác Ngô Tự Lập viết: "" Một nét độc đáo của bài thơ nằm ở chỗ nó hoàn toàn không hề có một hình ảnh nào. "Ngọn lửa tình" là hình ảnh Thúy Toàn thêm vào, có lẽ do gợi ý của động từ "tắt" (угасла). Nhưng từ "tắt" ở đây chỉ đơn thuần có ý nghĩa là chấm dứt hẳn, kết thúc hoàn toàn, như khi ta nói "ngày đã tắt", "chiến tranh đã tắt hẳn" hay "hy vọng cuối cùng đã tắt".""

Đồng ý rằng bài thơ không có tí hình ản ẩn dụ nào cả, không có cái gọi “Thi trung hữu họa” nào hết, nhưng “Thi trung hữu tình”… Nếu trong câu tiếng Nga "любовь угасла" nghe nó vẫn có sức gợi thì với tiếng Việt, nó lại bình thường: "Tình yêu đã tàn". Tại sao vậy? Tôi cũng không đủ lý thuyết để bàn luận, nhưng tôi cảm thấy người Việt nam trong cuộc sống bình thường đôi khi dùng từ ngữ bóng gió, xa gần, mềm mại hơn người Nga. Ví như người Nga có thể bảo; "“Ôi, chia tay rồi. Hết yêu”"  thì người Việt rất hay nói: "“Tình đã tắt. Chả thấy rung động gì nữa”…" Cái câu "Tình yêu đã tàn, đã tắt.." người Việt có thể dùng trong văn hàng ngày chứ người Nga không mấy ai nói: ""Любовь угасла"" trong câu chuyện thông thường cả. Như vậy , câu ấy người Nga thường dùng trong văn chương, trong khi viết lách, trong thơ ca… Và việc Thúy Toàn dịch cụm từ này bằng câu “Ngọn lửa tình” là điều hoàn toàn hiểu được. Nó thể hiện được cái thần của bài thơ. Tất nhiên tùy thích, bạn có thể dịch:

"Tôi yêu em, tình yêu, có lẽ
Đến giờ chưa tắt hẳn trong lòng tôi"

:-D

… Dịch thơ khó ở chỗ không phải là "“chuyển ngữ”" (một từ bây giờ họ rất hay dùng) mà là đưa thơ của người lạ thành thơ của người thân… Đọc một bài thơ dịch thấy dù lạ, dù khác vẫn gần gũi, vẫn dễ hiểu.. thì mới là một bài thơ dịch đúng nghĩa. Ở đây, theo tôi, chúng ta cần nghĩ đến yếu tố tiếng mẹ đẻ. Đôi khi người dịch có quyền được dịch xa nghĩa đen một chút để giữ được nghĩa sâu xa hơn của nguyên tác.
Rồi còn vần nữa chứ? Bài thơ đúng nghĩa, đúng từ mà không tìm được những từ ngữ hợp trong một khối nhuần nhuyễn của âm điệu, thanh sắc thì chưa gọi là dịch thơ, mới là dịch nghĩa cho bài thơ. Nhưng đương nhiên, cũng đừng vì vần điệu mà nhét vào đó những từ chả có liên quan tí nào đến ý tứ của bài thơ nguyên tác.

3. Bác NTL viết: "“Một nét độc đáo khác của bài thơ là sự "nghèo nàn" về ngôn ngữ.  Cái hay của bài thơ, vì thế, chủ yếu nằm ở các thủ pháp ngữ pháp đặc biệt, trong đó có cách ngắt câu ngập ngừng tôi đã nói ở trên.""

Tôi lại nghĩ khác. Bài thơ này ngôn ngữ chẳng hề nghèo nàn một tí nào. Không dùng từ ẩn dụ, tác giả nói “thẳng toẹt” cái điều cần nói. Nhưng đâu có nói một lần chữ Yêu. Pushkin nói chữ Yêu lặp đi lặp lại rất nhiều lần thông qua các trạng từ "безмолвно, безнадежно, искренно, нежно…" Nói một lần là đủ rồi, đây tác giả lại phân bua nhiều thế, nhấn đi nhấn lại nhiều thế… đủ thấy rằng tuy lí trí bảo là "“không để em bận lòng thêm mãi”" thì tình cảm vẫn cứ xui phải làm em bận lòng. Thủ pháp "“lặp đi lặp lại”" đã khiến tăng thêm cảm giác yêu đương cứ day dứt, cứ muốn kéo dài thêm mãi sự day dứt ấy. Riêng chỗ "“ngập ngừng”" thì tôi vẫn không đồng ý với bác Ngô Tự Lập ạ.

4.Bác NTL viết: ""Tóm lại, Puskin muốn nói: "Tôi là người yêu Em nhất", hoặc "Chẳng bao giờ có ai yêu Em được như tôi nữa đâu!"""

Riêng câu này tôi cũng có cảm giác như bác Ngô Tự Lập. Song, điều này ngay cả ở giới phê bình văn học ở Nga vẫn còn là điều đang bàn cãi. Ngay cả những người Nga khi đọc bài "“Tôi yêu em”" cũng nhiều người nghĩ theo ý mà dịch giả Thúy Toàn đã  dịch. Thậm chí trong sách giáo khoa phổ thông ở Nga cũng hướng dẫn các em học sinh phân tích theo ý như bác Toàn đã hiểu.

Tuy nhiên, hiểu theo ý mới cũng là cái hay, tôi thấy còn hay hơn cả cái ý “Vĩ đại” như ta vẫn thường nghĩ đến khi đọc bài thơ của Pushkin theo bản dịch của bác Thúy Toàn. Tình yêu tự nó vốn rất riêng tư, rất ích kỷ. Tôi thích Pushkin và thấy đúng là ông hơn nhiều nếu ông viết câu cuối với ý mà bác Ngô Tự Lập đã nêu.
Thế nhưng, vẫn xin được bàn thêm với bác Ngô Tự Lập rằng, phần dịch nghĩa của bác chưa hẳn đã chính xác. Điều đó dẫn đến sự hiểu câu cuối có phần cực đoan. Cấu trúc так, как ở đây không thể dịch là "đến mức" như bác nói. Đây là cấu trúc so sánh. Phải dịch là "như" mới đúng. Mà "như" thế nào khi mà hai chủ thể ở hai mệnh đề là khác nhau? Chỗ này đúng là rất khó dịch, khó hiểu. Có thể hiểu là Pushkin vẫn có ý chúc cho người mình yêu có được tình yêu như "Tôi đã từng yêu em", đồng thời ngầm ý nghi ngờ rằng không chắc có được tình như thế...Ở đây có lẽ có một chút hờn ghen, tự ái, giằn dỗi thì phải.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân của một người đã từng học và yêu tiếng Nga. Xin mạn đàm cùng bác.

Thụy Anh
Thi Viện 9/3/2007
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Bá Chiểu

Cám ơn HOA XUYÊN TUYẾT nhiều đã ghé thăm và đưa bản dịch của mình sang trang thơ Nga và post luôn 2 bài lý luận rất hay. Rất hân hạnh làm quen. NICK YAHOO CHAT của mình là phambachieu.
Mình sẽ đọc kỹ hai bài viết và xin được viết bài thứ 3 cùng tham luận với hai tác giả Thuỵ Anh và Ngô Tự Lập trong thời gian ngắn nhất có thề. Chưa bao giờ trong thời gian ngắn thế lại được quan tâm nhiều thế. HOA XUYÊN TUYẾT có là ADMIN của diễn đàn không?
À, mình có sửa lại 1 chút câu cuối trong bản dịch mới, mong HOA XUYÊN TUYẾT chỉnh lý lại giúp mình. Cám ơn rất nhiều
Em xinh thế như không là sự thật
Cho anh tin Hà Nội chính thiên đường
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Xin lỗi bác là một đợt em không online nên đọc bỏ sót topic, giờ mới đọc được bài trả lời này. Em sẽ sửa ngay bản dịch trên Thi viện.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Geo

Mongmohanoitho oi, Geo đã được đọc trên một chục bản dịch bài thơ này rồi. Điều lắng đọng lại, vẫn là bản dịch xuất sắc nhất của Thuý Toàn, mà theo Geo thì cho đến nay chưa có bản dịch nào theo kịp hoặc vượt được. Ở đây, Geo xin góp vui một bản dịch mới, vì đôi khi Puskin cũng rất trào lộng đó...

Tui yêu em

Tui yêu em: bây trừ có lẽ
Lửa tình chưa tắt lụi trong tim.
Nhưng nỏ muốn trộ em nhỏ lệ
Để em yên, tui phắn lẹ trong đêm.

Tui yêu em, vô vọng, lặng im
Nhút nhát, ghen tuông, tim nát.
Tui yêu em êm dịu, cuồng điên…
Trời chứng giám: chính tui yêu em nhất.

Thành Vinh, một chiều buồn, nỏ biết mần chi.
Cảm ơn bạn đã đọc bài của Geo
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

lamise

những mối tình đẹp nhưng đau khổ đã tạo nên cái vĩ đại trong thơ tình puskin."tôi yêu em đến nay chừng có thể",puskin muốn nàng của ông biêt đều đó,muốn tự răng mình như thế nhưng có chắc rằng puskin sẽ quên nàng,sẽ thôi yêu nàng hay sau "tôi yêu em" có là bài thơ tình nào khác,cảm xúc mãnh liệt của tình yêu như dòng nước càng chặn càng chảy mạnh.Puskin đã thay lời cho cái bất lực,cái dằn lòng quay lưng của vạn trái tim đã yêu đến tận cùng của si mê mà nói rằng :
 "cầu em được người tình như tôi đã yêu em"(Как дай вам Бог любимой быть другим)
      phải chăng puskin là người yêu nàng nhất
      và chúng ta hãy trở thành người yêu nhiều nhất đối với người mình yêu
từng chiêc lá bay về nơi xa
nhuộm vàng góc phố khi mùa thu qua
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Chân

Các thi hữu đã bàn nhiều, tôi chỉ nhấn mạnh 2 chỗ :
  1. Tiếng Nga (cũng như tiếng Pháp, chữ BAC (tiếng Pháp VOUS)có nghĩa
   tôn trọng rõ ràng. Khác với ТЫ (ТЕБЯ) tuỳ ngữ cảnh có thể là thân
   mật, cũng có thể là coi thường. Vì vậy dịch là EM nghe chừng không
   ổn (nàng có chiếu cố để thân mật đến thế đâu). Tiếc là tiếng Việt
   không có từ tương đương. Tôi nghĩ tạm dùng chữ "NÀNG". Hơn nữa
   theo văn cảnh thì không phải ПУШКИН nói trực tiếp với "nàng",mà
   là tự nói với chính mình thôi.
  2. Thứ hai, các bản dịch dều dùng "GHEN TUÔNG" cho từ РЕВНОСТЬ, tôi
   thấy cũng không ổn. Trong toàn bài thơ không có chỗ nào cho ta  
   liên tưởng đến chuyện GHEN TUÔNG cả. Chú ý : từ РЕВНОСТЬ tiếng Nga
   ngoài nghĩa là GHEN TUÔNG, còn có một nghĩa nữa là SỐT SẮNG, NHIỆT
   TÌNH. Dùng nghĩa thứ hai có lẽ đúng hơn, nó đối nghịch vớiРОБКОСТЬ
   tức RỤT RÈ, E THẸN (lúc thì rụt rè, e than, lúc lại hăng hái,
   nhiệt  tình quá lầm cho chúng ta mệt mỏi).
                
                       NGUYỄN CHÂN 13.06.2012
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Bá Chiểu

Cảm ơn dịch giả Lê Chân rất nhiều đã có những ý mới rất hay.
"1. Tiếng Nga (cũng như tiếng Pháp, chữ BAC (tiếng Pháp VOUS)có nghĩa
  tôn trọng rõ ràng. Khác với ТЫ (ТЕБЯ) tuỳ ngữ cảnh có thể là thân
  mật, cũng có thể là coi thường. Vì vậy dịch là EM nghe chừng không
  ổn (nàng có chiếu cố để thân mật đến thế đâu). Tiếc là tiếng Việt
  không có từ tương đương. Tôi nghĩ tạm dùng chữ "NÀNG". Hơn nữa
  theo văn cảnh thì không phải ПУШКИН nói trực tiếp với "nàng",mà
  là tự nói với chính mình thôi. "
Vâng, Chiểu cũng có ý là dùng NÀNG  như bài mở đầu topic đó ạ. Còn về PUSKIN tự nói với chính mình thì hơi khó giải thích: nếu nói với chính mình thường dùng ngôi thứ ba.

" 2. Thứ hai, các bản dịch dều dùng "GHEN TUÔNG" cho từ РЕВНОСТЬ, tôi
  thấy cũng không ổn. Trong toàn bài thơ không có chỗ nào cho ta   
  liên tưởng đến chuyện GHEN TUÔNG cả. Chú ý : từ РЕВНОСТЬ tiếng Nga
  ngoài nghĩa là GHEN TUÔNG, còn có một nghĩa nữa là SỐT SẮNG, NHIỆT
  TÌNH. Dùng nghĩa thứ hai có lẽ đúng hơn, nó đối nghịch vớiРОБКОСТЬ
  tức RỤT RÈ, E THẸN (lúc thì rụt rè, e than, lúc lại hăng hái,
  nhiệt  tình quá lầm cho chúng ta mệt mỏi). "

Về điều này nghe rất hợp lý đó ạ. Nhưng Chiểu xem lại tất cả các bản dịch tiếng Anh, Pháp như các bản dịch đầu topic đã dẫn, trong đó có chính bản dịch của người Nga ra tiếng nước ngoài họ vẫn dùng chữ ấy với nghĩa ghen tuông đó ạ
-The jealousy, the shyness -- though in vain --
-By turns with bashful and with jealous pain;
-With pangs the jealous and the timid know;
Xin dịch giả xem xét ạ.
Em xinh thế như không là sự thật
Cho anh tin Hà Nội chính thiên đường
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối