Ngày gửi: 06/04/2018 17:13 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Nguyệt Thu vào 07/05/2018 16:42
NHỊP TRONG LUẬT THI
Nhân chuyến đi Đà Lạt tôi rất vui được nhà thơ, tiến sĩ Phạm Quốc Ca tặng tập sách THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ VĂN HỌC do anh viết từ năm 2016. Đúng là một tài liệu quí cho những người hàng ngày ăn ngủ với thơ như tôi. Để viết cảm nhận về tập tài liệu này có lẽ ngòi bút phải viết ra số trang giấy nhiều lần hơn so với độ dày của sách. Điều mà tôi tâm đắc và có lẽ đang rất cần thiết cho nhiều bạn nhân một câu gợi ý: THƠ HAY LÀ THƠ CÓ NHẠC. Từ ý tưởng này tôi biết nhạc đối với thơ Đường luật thế nào khá nhiều bạn quan tâm nên viết bài chia sẻ dưới đây.
Để có bài thơ hay, người viết không chỉ có tài gọt dũa bài thơ sao cho tứ thơ mới lạ, gây ngạc nhiên bởi những ý tưởng minh triết về đời sống, gây cảm động người khác… qua thủ bút nhân cách hoá, ẩn dụ, nói giảm, nói vòng… mà còn phải tạo tính nhạc cho thơ.
Với thơ Đường luật, qua các thông tin trên Internet, qua một số thi pháp của các tác giả Diên Hương, của Quách Tấn… hầu hết đều cho rằng nhạc của thơ phụ thuộc vào thanh, vận, điệu. Thanh thuộc về Cú Pháp, vận thuộc về Chương Pháp còn điệu lại thuộc cả hai Chương Pháp và Cú Pháp. Phân tích về thanh, vận tôi sẽ chia sẻ vào dịp khác, vì nó là những vấn đề lớn.
Cổ nhân có luận: “Thơ đời Tống trong thơ có văn, văn đời Hán trong văn có thơ”, có nghĩa là việc đề cập đến nhạc cho thơ văn có từ thời xa xưa. Thơ đời Tống không phải không hay nhưng tôi học lóm được rằng nó kém nhạc nên không bằng thơ Đường. Vậy nhạc thơ Đường phụ thuộc thế nào vào điệu chúng ta từng bước nghiên cứu qua bài viết này.
Trước hết ta hiểu điệu là âm tiết, là tiết tấu, và là NHỊP. Chúng ta biết đến điệu của dạng thơ như điệu lục bát, điệu ngũ ngôn, điệu thất ngôn… Nhưng thi điệu lại lấy câu làm âm tiết. Và câu lại có âm tiết của câu, gọi là Cú điệu. Mỗi cú điệu lại có nhiều âm tiết, tức nhiều nhịp.
Thường thì với thơ thất ngôn bát cú Đường luật, câu có hai loại nhịp là 4/3 và 2/2/3. Chúng ta xem hai bài thơ sau:
TÂY HỒ VỌNG NGUYỆT Thơ Tản Đà
Hiu hắt hồ Tây chiếc lá rơi Đêm Thu vằng vặc bóng theo người Mảnh tình xẻ nửa ngây vì nước Tri kỷ trông lên đứng tận giời Những ngán cành đa khôn quấn quít Mà hay mặt sóng cũng chơi vơi Ai lên cung quế nhờ thăm hỏi Soi khắp trần gian có thấy ai?
KIẾP QUỲNH HƯƠNG Thơ Đỗ Lan
Trọn kiếp chung tình với bóng đêm Tàn canh lặng lẽ nép bên thềm Thân gầy khắc khoải mong trời rạng Cánh mỏng âm thầm đợi gió êm Giấu cả hương nồng nơi cảnh vắng Vùi luôn sắc đẹp giữa sương mềm Đời hoa sớm lụi muôn người tiếc Diệu ảo trăng hờn khiến tủi chêm.
Cả hai bài trên, hầu hết nhịp thơ đều ngắt ở chữ thứ 4 mà đọc vẫn du dương uyển chuyển. Ở đây nhạc tính rõ ràng phụ thuộc vào cả thanh và vận nên ta đọc dễ ngấm sự rung động. Trong bài Hồ Tây vọng nguyệt:
Hiu hắt hồ Tây / chiếc lá rơi Đêm Thu vằng vặc / bóng theo người
Cả hai câu trên đều nghỉ nơi Hạc tất (tại chữ thứ 4). Nhưng, sau chữ Tây khoảng nghỉ dài hơi mới đến chữ Chiếc so với câu dưới chữ Vặc nghỉ ngắn hơn rồi đến chữ Bóng. Câu trên khoảng nghỉ qua sông như có cầu sẵn, câu dưới qua sông cần bắc cầu. Chính khoảng nghỉ khác nhau làm cho điệu thơ không trùng và giọng thay đổi.
Chúng ta xem hầu hết thơ truyền tụng xưa đến nay đều ngắt nhịp ở điểm Hạc tất (gối Hạc), và ngày nay thơ Đường luật do các thi nhân thời hiện đại cũng thường đi theo nhịp như thế. Nhưng tìm hiểu kỹ thêm về nguyên tắc ngắt nhịp của luật thi, KHÔNG CÓ LUẬT NÀO BẮT BUỘC LUẬT THI NGẮT Ở CHỖ THỨ 4 HOẶC NGẮT KIỂU 2/2/3. Điều này có thể nói, nhịp của luật thi là do thói quen xưa để lại thành lệ chứ không phải là luật. Hầu hết để tạo nhạc cho thơ, các danh gia đều có nhịp khá phong phú xoay quanh nhịp đôi hoặc nhịp ba. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu các kiểu ngắt nhịp dưới đây để tạo nhạc tính cho thơ:
Còi mục thét trăng / miền khoáng dã Chài ngư tung gió / bãi bình sa. (Bà Huyện Thanh Quan)
Nước bốn nghìn năm / hồn chửa tỉnh Người hăm lăm triệu / giấc còn say. (Trần Tế Xương)
2. Nhịp 2/ 2/ 3:
Non nước / nước non / ngao ngán nỗi Cỏ hoa / hoa cỏ / ngẩn ngơ chiều. (Nguyễn Công Trứ)
Một sương / hai nợ / âu đành phận Năm nắng / mười mưa / dám quản công. (Trần Tế Xương)
Rút ruột / đau mình / xâu suốt chỉ Cam tâm / nén dạ / thức đêm trường. (Nhật Minh)
Thực tế, chúng ta quan sát, nếu tập thơ có 200 – 300 bài đều đi theo nhịp 4/3 hoặc 2/2/3 thì sẽ rất nhàm chán. Trong cuộc xướng hoạ, nếu 40 – 50 người đều chơi điệu trên cũng rất nhàm chán. Để hiểu thêm về điệu, chúng ta đọc những câu thơ trên và nghỉ chỗ chữ thứ tư khoảng thời gian dài ngắn khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Chính âm điệu làm cho biểu đạt tình cảm hoàn mỹ. Rung cảm nhờ đó mà truyền tới độc giả mạnh và sâu. Trong bài TNBC nhất là 4 câu giữa bài nên được chuyển nhịp để thơ tăng tính nhạc.
Các loại nhịp có thể được dùng như sau:
3. Nhịp 3 / 4:
Núi tác hợp / nhờ tay tạo hoá Bể trầm luân / thoát nợ phong trần. (Chu Mạnh Trinh)
Ba mươi tuổi / chửa nên danh phận Bốn năm con / còn vướng nợ duyên. (Khuyết danh)
Lược trúc chải / cài trên mái tóc Yếm đào trễ / xuống dưới nương long. (Hồ Xuân Hương)
Hàng phố khóc / bằng câu đối đỏ Ông chồng thương / đến cái xe tay. (Tú Xương)
Đi chẳng dứt / thôi đành ở lại Khóc thêm buồn / phải tạm mua vui. (Khuyết danh)
Giáp mặt / nói năng gì / em hỡi? Suy lòng / đau đớn quá / trời ơi! (Khuyết danh)
Qua 8 cách ngắt nhịp phía trên, dù chúng ta biết làm 5 – 10 thể thơ thậm chí hàng trăm thể thơ mà ngắt đồng điệu thì toàn bộ khi đứng gần nhau cũng dễ làm cho người đọc nhàm chán, nói cách khác biết đẽo hàng trăm kiểu tượng vua tượng chúa lẫn cả tượng ăn mày… nhưng nắm được bí quyết đổi nhịp cũng là làm cho mỗi bức tượng có thêm một sắc thái tâm hồn khác nhau.
Tại nơi ngắt nhịp như NHỮNG BỜ SÔNG, có khi CÓ cây cầu vô hình sẵn người đọc chỉ cần nghỉ hơi nhẹ nhàng rồi qua bờ bên kia ngay, có khi KHÔNG CÓ cây cầu, muốn qua phải nghỉ (bắc cầu) mới lội qua bờ bên kia được, nhạc tính sinh ra từ đó.
Chúc các bạn làm thơ có những bài thơ hay tặng đời.
Một môn tiêu khiển khá thú vị và tao nhã trong chơi thơ đó là xướng - hoạ. Xướng – hoạ áp dụng cho bất cứ kiểu chơi thơ nào cũng được, tiêu biểu và phổ biến nhất là xướng - hoạ thơ Đường luật. Từ thời xa xưa, bài xướng có thể qua đi bộ hàng tuần đến hàng năm mới tới tay người hoạ. Nhiều bài xướng - hoạ đặc sắc, nhiều hội thơ xướng hoạ còn mãi lưu truyền. Ở Việt Nam, thế kỷ 15, Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông thành lập qui tụ 28 ngôi sao sáng về thơ Đường luật, và chỉ trong thời gian ngắn xướng hoạ mà cuốn thơ QUỲNH UYỂN CỬU CA hấp dẫn ra đời. Bởi lẽ đó, xướng – hoạ cũng là nét đặc trưng và thế mạnh của thơ Đường luật.
Ngày nay công nghệ thông tin phát triển, qua trang mạng xã hội mà bài xướng có thể nhanh chóng đến với độc giả, và ai đó hoà mình vào cảm xúc bài xướng thì hoạ, rồi bài hoạ đó có thể trở thành bài xướng cho nhiều bạn thơ khác, như thế từ bộ vận ban đầu có thể có một vài cho đến mấy chục thậm chí hàng trăm bài hoạ phía sau. Người ta có thể tạo ra nhóm xướng – hoạ khá dễ dàng thông qua nhóm bạn và những người thường xuyên giao lưu. Bài hoạ trong cuộc chơi này có thể trở thành bài xướng cho cuộc chơi khác một cách độc lập. Như vậy, đâu là bài xướng thực sự thì khái niệm này chỉ là tương đối, và là có giá trị trong nhóm bạn cùng xướng – hoạ.
Thời gian vừa qua, chương trình xướng – hoạ tại Thi đàn Hương Việt vào mỗi thứ Năm hàng tuần ngay trên trang mạng xã hội diễn ra khá đông đảo bạn thơ tham gia. Trong cuộc xướng hoạ tại Thi đàn Hương Việt, sau 8 tuần (8 lần) đã có tới hơn 300 bài hoạ, không tính mỗi bài hoạ các bạn thơ mang đi nơi khác trở thành bài xướng lại có 1 – 2 cho đến hàng chục bài hoạ tiếp. Một bài xướng, có khi một người nhiều cảm xúc có thể có hàng chục tác phẩm mới ra đời điển hình là Quang Lê Vũ, Phang Le Quang và Nguyen Bay.
Việc chơi thơ là chơi với cái đẹp, người thơ không chỉ nâng niu ngôn từ, lời chữ và vần thơ mà còn phải tổ chức ngôn từ theo trật từ hoàn hảo một cách nghệ thuật với tri âm, tri kỷ bằng tiếng nói của con tim. Người tham gia không chỉ chơi thơ mà còn gián tiếp cùng nhau đẩy thơ về phía trước. Lao động của trái tim bằng tiếng nói đồng tình, đồng ý và đồng chí thông qua cuộc xướng – hoạ luôn là mối quan tâm của nhiều bạn thơ.
Để cuộc chơi được phong phú về cả nội dung và hình thức, người tham gia cuộc chơi đỡ bị nhàm chán, yêu một môn xướng hoạ cũng như yêu một người đẹp, không phải yêu trăm ngàn người đẹp bằng một kiểu mà là yêu một người đẹp bằng trăm ngàn kiểu. Thường là trước nay chúng ta chỉ hoạ theo hình thức phóng vận. Chúng ta không nên chỉ chơi bằng một vài kiểu mà cần đa dạng lối chơi. Thông qua phép tắc xướng – hoạ người xưa để lại, thông qua cách sáng tạo qua các cuộc chơi, việc hiểu hình thức và nguyên tắc xướng – hoạ luôn là vấn đề cần thiết.
ĐÔI ĐIỀU XƯỚNG - HOẠ XƯA VÀ NAY (tiếp theo) Đăng Lộc Sưu tầm và biên soạn
CÁC HÌNH THỨC HOẠ THƠ
1. HOẠ PHÓNG VẬN (tên khác là canh hoạ, hoạ vận):
Phân loại theo hình thức hoạ phóng vận: có 3 loại là hoạ thứ vận, hoạ dụng vận và hoạ y vận.
- Hoạ thứ vận: Có tài liệu ghi tên phép hoạ này là hoạ chính vận, thực ra nếu gọi chính vận là chưa thoả đáng đơn giản hoạ phóng vận đã là dùng chính vận rồi, mà chính vận của xướng lại có nhiều cách phóng vận khác nhau. Gọi là thứ (庶乎) tức là gần giống hoặc là sự tiện lợi (佽), cũng có thể hiểu là thứ bậc trước sau trong đó xướng là tiên hoạ là thứ. Đây là hình thức hoạ dùng nguyên vận theo đúng thứ tự của bộ vận của xướng. Ví dụ vần của bài xướng là “lan, tràn, tan, càn, an” thì vần của bài hoạ cũng phải trùng khớp là “lan, tràn, tan, càn, an”.
- Hoạ dụng vận: Gồm hoạ đảo vận theo thứ tự dưới lên trên ngược hoàn toàn với bộ vận của xướng hoặc hoạ hoán vận (loạn vận) là sắp xếp lại thứ tự bộ vận của bài xướng mà người hoạ muốn chuyển tải ý tưởng thông qua bài hoạ.
- Hoạ y vận: Bài hoạ dùng vận cùng với bộ vận của xướng về phần âm vần. Ví dụ bộ vận của xướng là: “trời, chơi, ngời, khơi, vời” thì người hoạ dùng bộ vận là “đời, phơi, dời, cơi, lời”. Có nghĩa là vận của bài hoạ và của bài xướng nằm trong bộ vận hay là bộ âm “ơi” nhưng là khác nhau hoàn toàn giữa hoạ và xướng.
Nếu chỉ trùng một vận với bài xướng, mặc dù các các vận khác trùng âm thì vẫn là thoát vận hay xuất vận. Ví dụ bộ vận xướng là “trời, chơi, ngời, khơi, vời” như trên nhưng bộ vận hoạ là “đời, phơi, dời, cơi, VỜI” có tới 4 vận khác bài xướng nhưng trùng âm “ơi” chỉ có một vận trùng vận xướng là “vời” thì vẫn tính là xuất vận hay thoát vận.
Lối hoạ y vận ít ai dùng, không dùng không có nghĩa là không biết mà là biết nhưng bản chất sức hút của môn chơi đẳng cấp luôn tự nó khích lệ người ta tìm cái khó mà chơi.
Phân loại theo nội dung:
Hoạ vận hay hoạ phóng vận nhằm đáp hoạ lại vận ngữ của thơ xướng, việc xem xét thơ xướng đề cập đến người hay cảnh thế nào thì mới đáp hoạ lại được.
Có sáu hình thức: Song hành, song lập, tương ứng, tương phản, khai triển, bổ khuyết.
Song hành là hoạ – xướng song song với nhau, nghĩa là cả hai cùng diễn tả một ý tưởng theo một lập trường như nhau. Ví dụ bài của... hoạ vận bài... của...
Song lập bài hoạ diễn đạt ý không đồng nhưng cũng không phản với bài xướng. Nghĩa là cả đôi bên diễn tả mỗi cách song song trong cùng chủ đề. Ví dụ bài của... hoạ bài... của…
Tương ứng tức là xướng hô hoạ đáp; hoặc hưởng ứng từng câu, từng đoạn, hoặc dồn ý cả toàn bài hoạ trả lời bài xướng. Ví dụ bài của... hoạ bài... của...
Tương phản là xướng và hoạ đứng trên hai trận tuyến đối lập. Ví dụ bài của... hoạ bài... của…
Khai Triển là nói thêm, bàn thêm hay mở rộng những gì Xướng đề cập nhưng chưa đủ, chưa trọn. Hoặc dựa vào Xướng mà mở rộng những ý mới làm cho ý nghĩa bài Xướng thêm rộng rãi, rõ ràng. Ví dụ bài của... hoạ bài... của…
Bổ Khuyết là bổ sung vào Xướng những điều đáng nói mà Xướng không nói vì quên hay không tiện nói ra. Ví dụ bài của... hoạ bài... của...
----------------------
2. HOẠ HẠN VẬN
Thường xuất hiện trong các cuộc thi, ít phổ biến rộng rãi. Chủ khảo hoặc người xướng chỉ ra chủ đề và bộ vận, có thể kèm theo một vài điều kiện khác, bài hoạ không có bài xướng sẵn để nương theo mà cần diễn tả ý thơ theo đúng chủ đề và có bộ vận trùng khớp theo thứ tự như đã yêu cầu, cần đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu (nếu có).
------------------------
3. HOẠ PHÂN VẬN
Thể thức này cũng ít phổ biến, xuất hiện chủ yếu trong các cuộc thi, chủ khảo hoặc người xướng đưa ra một số chữ, ai bắt được chữ nào thì dùng chữ đó làm vận. Ví dụ bắt được chữ đường thì gọi là “đắc tự đường”. Thể thức này không có bài xướng để nương theo, cũng không có bộ vận có sẵn mà phải tự người hoạ thiết lập bộ vận có từ đã bắt thăm được. Yêu cầu hoạ theo đúng chủ đề và các điều kiện có trước.
-------------------------
4. HOẠ NỐI VẬN LIÊN HOÀN
Thường áp dụng kiểu viết song lập, khai triển hoặc bổ khuyết để bài hoạ khi đứng bên bài xướng tạo thành khối thống nhất mở ra một chân trời mới. Nên hạn chế viết kiểu song hành vì khi ấy dễ trùng ý với bài xướng, và cũng không viết kiểu tương phản hay tương ứng theo kiểu đối đáp chan chát với xướng vì nó sẽ chỏi với xướng.
Kỹ thuật là dùng câu cuối của bài xướng làm câu mở đầu cho bài hoạ, sau đó bổ sung thêm 7 câu mới để hoàn thành bài hoạ. Bộ vận trừ câu đầu của bài hoạ là giống vận của bài xướng còn các vận khác tuỳ người hoạ lựa chọn giống hay khác đều được. Để phân biệt với hình thức xuất vận so với hoạ phóng vận ta chỉ nhìn câu đầu của bài hoạ, nếu trùng với câu cuối của bài xướng thì tính là dạng nối vận liên hoàn.
Ví dụ:
---------------------------
5. HOẠ NỐI VẬN LIÊN HOÀN THUẬN NGHỊCH VẬN
Tương tự hoạ thơ nối vận liên hoàn, bài hoạ cũng bắt đầu bằng câu cuối của bài xướng, có bộ vận ngược theo thứ tự dưới lên so với bộ vận bài xướng, khi đó hai bài xướng – hoạ đứng cạnh nhau tạo ra một bài liên hoàn thuận nghịch vận khá hấp dẫn.
Ví dụ bài liên hoàn thuận nghịch vận dưới đây gồm phần xướng nửa trên là bài thơ của Dương Văn Đấu và phần hoạ nửa dưới bài thơ là của Phi Chanh.
Dương Văn Đấu thấy Xuân rộn ràng và đẹp, thấy cái nhân cái nghĩa ở đời thật thơ mộng, rồi mơ sức khoẻ và tình yêu cũng như mong cuộc sống luôn vui. Chỉ với 8 câu 56 chữ thì không nói hết mơ ước của mình. Trong khi đó Phi Chanh hoạ nối vận liên hoàn đã vừa triển khai vừa bổ khuyết thêm về cái tình người, về tình yêu với non sông đất nước với niềm mơ cuộc sống thanh bình và phát triển. Cả hai bài đứng gần nhau tạo ra một khung trời rộng hơn so với một bài đứng riêng rẽ.
XUÂN MƠ (Thủ nhất thanh)
Xuân nồng giọt nắng phủ vàng tơ Xuân rộn ràng trong những sắc cờ Xuân thiết tha mừng câu tín nghĩa Xuân đằm thắm đợi các nàng thơ Xuân ban sức khoẻ cho người ước Xuân chuyển tình yêu đến kẻ chờ Xuân tạo niềm vui hoà cuộc sống Xuân còn mãi đọng lắm điều mơ!
Xuân còn mãi đọng lắm điều mơ! Xuân để nhân gian trải ngóng chờ Xuân nghĩa đan lời nơi giữa ngực Xuân tình thắp lửa những vần thơ Xuân ngời vạn nẻo êm từng tiếng Xuân thắm... non sông đỏ ánh cờ Xuân tới muôn nhà thêm phúc lộc Xuân tràn háo hức cả đường tơ!!!
Đấu Dương Văn – Phi Chanh
-------------------------
6. HOẠ THƠ THUẬN NGHỊCH ĐỘC HỒI CÚ
Lối hoạ thơ này đòi hỏi người hoạ có vốn từ nhiều và khả năng viết tốt. Bài hoạ tuy là một bài nhưng có thể đọc xuôi hoặc giữ nguyên vị trí câu mà đọc ngược mỗi câu đều được.
Người chơi cần chọn 2 bài xướng, tuân thủ các nguyên tắc chung của hoạ thơ. Bài hoạ có bộ vần khi viết xuôi tương xứng với một bài xướng, và khi viết ngược không thay đổi vị trí câu có bộ vần tương xứng với bài xướng khác.
Êm cùng nhuỵ lá đọng mờ sương Thềm trải nghĩa thơ tứ vạn đường Đón cảnh vui tươi màu khẽ chạm Thêm lời đủ nhẹ gió ngầm vương Thắm truyền tâm bạn tay trao ấm Mềm vẽ nụ hôn môi khảm hường Thấu hiểu đời trao cần điểm nhấn Chêm vào ý nhớ dạ hoài thương.! ------
Đọc ngược
Sương mờ đọng lá nhuỵ cùng êm Đường vạn tứ thơ nghĩa trải thềm Chạm khẽ màu tươi vui cảnh đón Vương ngầm gió nhẹ đủ lời thêm Ấm trao tay bạn tâm truyền thắm Hường khảm môi hôn nụ vẽ mềm Nhấn điểm cần trao đời hiểu thấu Thương hoài dạ nhớ ý vào chêm.!
P/s: Đọc xuôi là hoạ bài Cảnh Xuân - tg Nguyễn Quốc Sơn Đọc ngược mỗi câu khi giữ nguyên vị trí các câu là bài hoạ với bài Xuân về - tg Đặng Đình Tưởng
------
Dưới đây là hai bài xướng Bài xướng 1 CẢNH XUÂN Thơ Nguyễn Quốc Sơn
Bên hồ Liễu rủ nhẹ làn sương Những cánh đồng xanh trải dọc đường Nọ gốc Đào tân nhành đã trổ Kia hàng Quất cổ nụ còn vương Chăng vì kẻ sĩ yêu đời thắm Cũng bởi nàng Xuân thẹn má hường Bướm vẫy hoa cười bao cảnh đẹp Ai người thục nữ hỏi nào thương.
------
Bài xướng 2 XUÂN VỀ Thơ Đặng Đình Tưởng
Vẫy gọi Xuân hồng trải tiếng êm Chồi xanh nảy lộc khắp bên thềm Này bông bưởi trắng còn tươi gợi Đấy cảnh mai vàng vẫn đượm thêm Đợi buổi em về trong nắng khẽ Mừng hôm én liệng giữa mây mềm Lòng vui chúc tửu say cùng bạn Ngõ rộng mơ màng thả gió chêm.
--------------------------------
7. HOẠ THƠ THUẬN NGHỊCH ĐỘC
Bài hoạ thơ là 1 bài khi đọc xuôi từ trên xuống tương xứng với một bài xướng, khi đọc ngược dưới lên tương ứng với 1 bài xướng khác. Thường thì phần đọc xuôi là hoạ thứ vận tức là giữ nguyên bộ vận của bài xướng theo đúng thứ tự trên xuống, và phần đọc ngược dưới lên là hoạ thứ vận hoặc hoạ nghịch vận với bài xướng khác,
Người hoạ thơ cần chọn hai bài xướng, tuân thủ các nguyên tắc chung của hoạ thơ.
Ví dụ:
---------------------------------
8. HOẠ THƠ HOẠ TRONG HOẠ
Thuật chơi này đòi hỏi cuộc chơi phải có ít nhất trên 10 người chơi, người hoạ giữ liên lạc cả với mười người chơi để có những ý kiến hoặc có những đề nghị sự hợp tác của người hoạ khác, lý tưởng nhất là có nhóm bạn tri kỷ hoặc bạn tâm giao cùng chơi xướng hoạ thì mới dễ bắt gặp tâm ý tương thông.
Mượn mỗi bài hoạ một câu sao cho khi ghép lại thành một bài hoạ mới. Chú ý lựa chọn các bài hoạ sao cho lấy ra được các câu không bị thất niêm, đặc biệt là khi cần chọn câu liên quan đến cặp câu đối.
Ví dụ:
-----------------------------
9. HOẠ THƠ BÁN PHẦN
Người hoạ thơ chỉ tham gia viết một hai câu hoặc viết nửa bài rồi bỏ ngỏ, người khác thấy sự dở dang đó khi hợp với cảm xúc của bản thân thì viết tiếp một hai câu hoặc nửa bài còn lại. Trong cách chơi này, người viết trước thường đặt ra tiêu đề bài viết, tuy nhiên khi bài nhiều người viết thì có thể có hội ý nhỏ với nhau về tiêu đề trong quá trình cùng viết.
Ví dụ:
----------------------------
10. HOẠ THƠ KIỂU LIÊN NGÂM
Thực chất hình thức này gần giống hoạ thơ kiểu nối vận liên hoàn, tức là khi nó đứng cạnh bài xướng sẽ tạo ra một không gian mới của tứ thơ lớn hơn không gian của một trong hai bài đứng riêng rẽ.
Về thủ pháp, người hoạ dùng từ cuối cùng của bài xướng làm chữ thứ 6 trong câu lục của cặp lục bát của mình, sao cho cặp lục bát ấy diễn tả ý tứ song lập với ý của bài xướng, và phần bài hoạ có bộ vần theo với chữ thứ 8 trong cặp lục bát ấy, ý toàn bài hoạ cũng chính là ý trong cặp lục bát đã dẫn dắt.
Lối chơi thơ thù tạc nhằm tiêu khiển vui là chính, dù nguyên tắc bắt buộc hay không bắt buộc đều có thể trở thành không bận tâm, miễn sao đảm bảo vui là chính đã là thoả mãn cho nhóm chơi rồi. Tuy nhiên, không phạm nguyên tắc mà hay thì mới là vi diệu.
2. Hoạ cùng thể loại thơ:
Trong cuộc tiêu khiển mua vui với nhau, thơ xướng – hoạ về cơ bản là cùng thể loại (cùng ngũ ngôn, cùng lục bát hoặc cùng là thất ngôn bát cú...). Khi bài xướng là thơ Đường luật, đăng trên mạng xã hội, bài thơ của người tham gia có thể không phải là thơ Đường luật, xét cho cùng là tham gia vì vui là chính nên luôn được khuyến cáo, nhưng không xem là bài hoạ mà là cảm tác góp vui.
3. Phải cùng chủ đề với chủ đề của bài xướng:
Xướng nói mùa Hạ thì hoạ cũng viết về mùa Hạ chứ không viết về mùa Đông hay về cha mẹ..., xướng viết về tình yêu nam nữ thì hoạ cũng viết về tình yêu nam nữ chứ không viết về hoa hay mùa Xuân hoặc về chủ đề khác...
Nếu dùng đúng vận của bài xướng nhưng viết khác chủ đề thì ta không gọi là hoạ mà là bài cảm tác hoặc bài mượn vần để góp vui. Có tài liệu cho rằng việc mượn bộ vần để hoạ ra một bài mới không cùng chủ đề xướng, không liên quan đến xướng là hoạ tá vận, nhưng thực chất không phải vậy mà gọi là bài tá vận hay bài mượn vận thì được chứ không gọi là hoạ tá vận. Bài cảm tác hay mượn vận để tham gia cuộc chơi (không phải là cuộc thi) người có trình độ thơ Đường luật thường nhìn ra ngay nhưng thường là không ý kiến, người xướng cũng rất vui vì cuộc chơi có đông bạn.
4. Bài hoạ phải theo bộ vần (vận) của bài xướng:
Bài xướng tránh được vận hiếm hoặc tránh tử vận, ý tứ sâu xa khơi gợi nhiều người đồng cảm; niêm, luật, vần, đối và bố cục chặt chẽ thường sẽ có nhiều người hoạ hơn. Đôi khi người xướng chọn bộ vận khó, tức là vần nằm trong từ láy hoặc vần nằm trong từ ghép, cách xướng viết đan xen nhiều nghệ thuật nhằm thách người khác hoạ, thường thì vẫn có nhiều người có đẳng cấp hoạ nhưng số người tham gia lại không nhiều.
Bài xướng là bát vận đồng âm thì bài hoạ phải dùng lại cả tám vận của bài xướng. Tuy vậy, vận cuối cùng trong các câu lẻ có thể cùng thanh gọi là điệp cước thanh, đọc lên không hay thì người hoạ có thể thay vận khác mà không tính là phạm qui.
Bài hoạ có một hoặc nhiều vận thoát ra khỏi bộ vần của bài xướng ta gọi là xuất vận. Ví dụ bộ vận xướng là “lan, tràn, tan, càn, an” mà bộ vận của bài hoạ là “lan, ĐÀN, tan, càn, an” thì gọi là xuất ra một vận. Người hoạ có thể quan niệm một vài vận của bài xướng không hay mà đổi, nhưng đã là thoát vận coi như hỏng. Tuy nhiên, cho phép thoát vận hay xuất vận trong trường hợp vận của bài xướng là tử vận hoặc vận hiếm.
5. Nghĩa của mỗi vận trong bộ vận bài hoạ phải trùng với nghĩa của mỗi vận trong bộ vận bài xướng.
Ví dụ, bộ vận bài xướng là “sang, khàng, quang, quàng, vang” trong đó chữ “sang” là hành động băng qua, vượt qua, thì bài hoạ không được dùng chữ “sang” với nghĩa tính từ như sang trọng hay giàu sang.
Trường hợp hoạ thoát vận cho phép (thoát ở chỗ tử vận hoặc thoát ở chỗ vận hiếm), thì chỉ được đổi nghĩa chỗ vận thoát, ví dụ bộ vận trên “sang, khàng, quang, quàng, vang” chữ khàng trong cụm từ “khẽ khàng” không có nghĩa thì bài hoạ dụng thoát vận đổi sang bộ vận mới là “sang, NHÀNG, quang, quàng, vang” có chữ “nhàng” không có nghĩa trong cụm từ “làng nhàng” mà không coi là lỗi.
Trường hợp hoạ y vận, nghĩa của mỗi vận trong bộ vận mới đương nhiên khác nghĩa trong bộ vận xướng, chỉ yêu cầu trùng chủ đề là được.
6. Hoạ trái luật của xướng:
Bài xướng hoạ luật bằng thì bài hoạ là luật trắc, ngược lại bài xướng là luật trắc thì bài hoạ phải theo luật bằng. Nói cách khác, chữ thứ hai của câu đầu tiên của xướng và hoạ phải khác nhau về bằng trắc. Nguyên tắc này chỉ áp dụng cho một hai người đầu tiên hoạ. Nếu cả trăm bài cùng hoạ mà đều khác luật bài xướng có nghĩa là hàng trăm bài hoạ đều theo cùng một luật bằng trắc thì cuộc chơi trở thành nhàm chán.
7. Không dùng lại chữ của bài xướng:
Mỗi câu chữ của bài xướng đã dùng thì bài hoạ không được dùng lại, nếu dùng lại thì coi là “khắc tự”. Tuy nhiên, nhiều từ hay và thậm chí là bất khả kháng người hoạ muốn dùng hoặc buộc phải dùng thì dùng khác liên với từ trong bài xướng.
Nguyên tắc này cũng chỉ áp dụng cho một vài người hoạ đầu tiên, những người hoạ sau thì cho phép dùng lại từ của bài xướng nhưng không nên dùng lại quá hai ba từ trong mỗi liên. Nói cách khác, nếu dùng lại nhiều từ của bài xướng thì nghĩa của bài hoạ sẽ lệ thuộc quá nhiều vào nghĩa của bài xướng, hoặc trùng lặp về ý mà bài xướng đã đề cập nhiều lần thì không hay.
8. Hoạ không khắc lục:
Chữ thứ sáu trong mỗi câu có vần của bài hoạ không được trùng với chữ thứ sáu trong mỗi câu có vần của bài xướng. Nếu trùng thì gọi là khắc lục. Các câu không có vần, dù bài có là bát vận đồng âm thì chữ thứ sáu nếu trùng hoạ với xướng thì gọi là khắc tự chứ không tính là khắc lục. Trường hợp hoạ khác luật bằng trắc thì không bao giờ khắc lục. Trường hợp hoạ đảo vị trí trí của vận vẫn có thể bị lỗi này.
Ví dụ trong bài xướng bộ vận: sang, nàng, mang, chàng, lang. Chữ thứ sáu của câu đầu tiên chứa vần là “muốn” (đứng trước vần “sang”), nếu hoạ đảo vận chữ “sang” có thể nhảy xuống các vị trí 2,4,6,8 thì bài hoạ cứ có cụm từ “muốn sang” dù ở vị trí nào thì cũng coi như là khắc lục. Nếu chữ “muốn” của bài hoạ ghép với vận khác là “chàng” thì lúc này tính là khắc tự chứ không tính là khắc lục.
Trường hợp nhiều người cùng hoạ thơ, bài hoạ sau nhất định không dùng lại chữ thứ 6 của bài hoạ trước, nếu dùng lại chữ thứ 6 của bài hoạ trước thì tính là khắc lục. Điều này khiến người ta phải nhìn nhau mà chơi, phải lựa nhau mà chơi. Tuy nhiên, nhiều từ chỉ hợp với một số ít từ ghép trước nó, người hoạ nhanh thì tranh thủ chọn những từ đẹp, người đi sau nếu dùng khác đi thì sẽ bị “ép từ” bài không hay, bởi lẽ đó, nguyên tắc khắc lục chỉ nên áp dụng cho 5 – 10 người hoạ thơ đầu tiên, những người sau đó tránh khắc lục với người hoạ trước thì tốt mà không tránh được cũng không sao, nhưng nhất định phải tránh khắc lục với bài xướng.
Trường hợp bài xướng là bát vận đồng âm, tính khắc lục chỉ áp dụng cho câu có vần. Những câu không có vần mà trùng chữ thứ 6 của xướng hoạ thì coi là khắc tự chứ không gọi là khắc lục.
9. Hoạ cùng lối chơi của xướng:
Bài xướng viết theo lối ngũ độ thanh, lối thủ vĩ ngâm, có lưu thuỷ đối... thì bài hoạ cũng phải hoạ theo lối ngũ độ thanh, lối thủ vĩ ngâm, có lưu thuỷ đối... Bài xướng kết hợp nhiều lối chơi không hẳn lúc nào cũng thể hiện cái tôi đẳng cấp mà đôi khi còn là do cố ý thách người hoạ, thường thì ít người tham gia.
10. Nguyên tắc bất thành văn:
Dù là nguyên tắc chặt chẽ và khó đến đâu, cũng đều có rất nhiều người tham gia xướng hoạ cả xưa và nay. Cảm xúc và năng lực của mỗi thi nhân ở mỗi thời điểm khác nhau là khác nhau, dù viết đồng hành hay bổ sung ý cho bài xướng thậm chí phản bác lại bài xướng, thì ba nguyên tắc ĐÚNG CHỦ ĐỀ, KHÔNG THOÁT VẬN và TRÁNH KHẮC LỤC với bài xướng phải được tuôn thủ. Các nguyên tắc khác đã đặt ra thì phải theo, nhưng nếu phá vỡ vài nguyên tắc không bắt buộc mà có bài thơ hoạ hay thì lỗi trở nên nhỏ bé có thể ý thơ làm lu mờ việc người ta sai nguyên tắc hoạ.
Chúc tất cả thi hữu đều có những cuộc giao lưu thú vị thông qua xướng hoạ Đường thi.
Em sánh mai đào... rạng tiết Xuân Lòng son thắm thiết đẹp vô ngần Hương đời khéo quấn vì tâm trực Ngọn gió mau tìm bởi nghĩa chân Tới chạm lưng trời câu hạnh đắm Chăm lo cuộc sống buổi anh cần Gia đình phúc trải êm dòng nhạc Để khúc ca vàng tiếng bổng ngân.
@Gửi bạn Thơ Đăng Lộc: Bạn cần đọc kỹ những hướng dẫn và quy định của Thi viện trước khi đăng bài. NT thấy bạn tạo chủ đề này trong diễn đàn Thơ Việt Nam hiện đại là chưa đúng vị trí, bạn ạ. Những bài mang tính chất nghiên cứu, thảo luận cần gửi vào những diễn đàn Thảo luận chung; phần thơ sáng tác của thành viên cần được tách riêng ra khỏi chủ đề và tuỳ theo thể loại thơ mà gửi vào các diễn đàn thích hợp như Thơ thành viên-Thơ mới hoặc Thơ thành viên-Thơ cổ. Vì lẽ đó, NT tạm chuyển chủ đề Thơ Đăng Lộc của bàn sang diễn đàn Cổ thi Việt Nam. Mong bạn lưu ý và cân nhắc kỹ trước khi tạo chủ đề mới trên diễn đàn thivien.net Chúc bạn vui cùng Thi viện. NT