Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lại kêu cứu vì thủy điện



Dự án thủy điện Thượng Kon Tum sẽ tận diệt hơn 400 ha rừng, làm các dòng sông Đắk Snghé, Đắk Bla và Sê San bị cạn kiệt.

Dự án thủy điện Thượng Kon Tum khởi công từ tháng 9-2009 do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (TP Quy Nhơn - Bình Định) làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 220 MW, sản lượng điện bình quân 1.094 triệu KWh, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng.

http://nld.vcmedia.vn/QhfbOtS7KgQHYS4dwev3Py0ca3eVS/Image/2013/01/07/10chot_cfd44.gif
Hàng loạt cây rừng bị đốn hạ khi xây dựng thủy điện



Xóa sổ rừng phòng hộ, đất lúa
Trong số 414 ha rừng phải đốn hạ để xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum có tới 382,29 ha rừng phòng hộ. Hiện chủ đầu tư và chính quyền tỉnh Kon Tum đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng những diện tích “dính” vào đất trồng lúa và rừng phòng hộ đầu nguồn.

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum có công văn gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ NN-PTNT đề nghị xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 68,76 ha đất lúa và 382,29 ha rừng phòng hộ để xây dựng thủy điện này. Bộ NN-PTNT cho biết đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng 382,29 ha rừng phòng hộ phải báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thúc Chân, Phó Ban Quản lý dự án thủy điện Thượng Kon Tum, khẳng định: Dự án đã xây dựng được khoảng 15% khối lượng công việc. “Chỉ là vướng mắc do các thủ tục, cơ chế chứ đã cho đầu tư làm rồi, không có lý vì một ít rừng mà cho dừng lại” - ông Chân nói.

Ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh  Kon Tum, lo ngại: Lưu vực hồ chứa của thủy điện Thượng Kon Tum có mật độ che phủ của thảm thực vật rừng cao nhất nước (hơn 85%), cộng với việc mưa nhiều nên nguồn nước dồi dào và ổn định. Việc tác động vào khu vực này sẽ ảnh hưởng lớn khả năng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho hệ thống sông Sê San, các sông phía Đông Trường Sơn và Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen”.

Không chỉ “nuốt” rừng phòng hộ, thủy điện Thượng Kon Tum còn xóa sổ 68,76 ha đất trồng lúa nước và hơn 66 ha đất trồng cây hoa màu của khoảng 150 hộ dân xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông. Hiện có hơn 100 hộ dân phải tái định cư. Theo cam kết của nhà đầu tư, người dân sẽ được hỗ trợ nhà ở, đất tái định canh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là liệu cuộc sống của người dân có bằng nơi họ đã gắn bó từ bao đời nay.

Theo Bộ NN-PTNT, việc chuyển đổi mục đích sử dụng 68,76 ha đất trồng lúa nước để làm thủy điện, UBND tỉnh Kon Tum cần có phương án bù đắp lại diện tích đã chuyển đổi. Thực tế, diện tích đất khai hoang nằm trên các sườn núi để cấp cho người dân tái định cư liệu có đủ điều kiện để canh tác hay không là việc cần phải xem xét lại.

Sông chết, người lo
Theo thiết kế, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum sẽ chặn dòng lấy nước từ sông Đắk Snghé chảy theo đường hầm dài 25 km qua các ngọn núi rồi đổ về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).

Theo Liên hiệp Các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước sẽ gây cạn kiệt và suy giảm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội khu vực hạ lưu sông Đắk Snghé, Đắk Bla và Sê San. Vào mùa khô, lượng nước sử dụng phát điện của nhà máy khoảng
30 m3/giây, gần gấp đôi lưu lượng bình quân của sông Đắk Snghé. Trong khi đó, trên đoạn sông này chỉ có suối Đắk Kôi có lượng nước khá nhưng nằm gần hạ nguồn, các nhánh suối nhỏ còn lại hầu như không có nước vào mùa khô nên đoạn sông Đắk Snghé dài khoảng 40 km sẽ cạn kiệt hoàn toàn.

Ông Nguyễn Thanh Cao cho biết: “Khi mưa lớn, việc vận hành hồ xả lũ có nguy cơ tạo ra những dòng xoáy làm sạt lở, thay đổi hình thái dòng sông, gia tăng ngập úng các vùng ven sông. Việc chuyển nước từ sông Đắk Snghé sang sông Trà Khúc sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính đa dạng sinh học và sinh kế vùng hạ lưu sông Đắk Snghé”.

Cũng theo Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, hàng ngàn người dân ở 25 xã, phường của các huyện Kon Plông, Kon Rẫy và TP Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng đến sinh kế do suy giảm nguồn lợi thủy sản, sạt lở đất sản xuất; tính mạng tài sản của người dân bị đe dọa khi mưa lũ lớn.

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN


Đề xuất phương án cứu sông Đắk Snghé

Theo ông Huỳnh Minh Chương, Phó Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, trước nguy cơ sông Đắk Snghé khô cạn, UBND tỉnh đã thuê các đơn vị nghiên cứu độc lập đánh giá lại tác động môi trường, dân sinh phía hạ du. Từ kết quả này, tỉnh đã có công văn đề nghị chủ đầu tư phải thiết kế thêm một ống xả trả lại nước cho sông Đắk Snghé.

Ông Nguyễn Thúc Chân, Phó Ban Quản lý dự án thủy điện Thượng Kon Tum, cho rằng đơn vị đã có dự trù bổ sung một ống xả, còn lượng nước xả ra bao nhiêu thì hiện đang thống nhất. Tuy nhiên, dù ống xả được lắp đặt, lượng nước xả trả lại sông Đắk Snghé cũng không đáng kể. Đắk Snghé sẽ là “dòng sông chết”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chuyện chưa hồi kết của tê giác, gấu, và voi



Trong khi các bên liên quan đang tranh cãi về hiệu quả của cuộc chiến bảo vệ những cá thể động vật hoang dã hiếm hoi còn lại, vẫn cần những nỗ lực lớn hơn nữa khi một “diện mạo” Việt Nam trong câu chuyện này đang xuất hiện khá nhiều trên truyền thông quốc tế mà không mang đường nét tích cực.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/630/601630.jpg



Con voi sợ hãi
Năm 2010, một con voi đực ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) bị những kẻ trộm ngà chém hơn 200 nhát và đã chết sau gần ba tháng chạy chữa. Nó chết vì cặp ngà dài 70cm của mình. Năm 2011, một con voi đực 38 tuổi ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng bị giết trộm bằng nhiều nhát chém. Những thông tin liên tiếp trên báo chí Việt Nam cảnh báo, những lời hứa hẹn sẽ bắt giữ, khởi tố những người có tội chưa thấy nhiều kết quả. Voi ở Việt Nam đang chung số phận bị tận diệt như những loài động vật hoang dã khác, cho dù xác của chúng to lớn nhất.

Số lượng voi rừng và voi nhà tại Việt Nam được công bố mới đây từ hội thảo “Giới thiệu một số quy định về quản lý mẫu vật hoang dã” tại Hà Nội cho thấy chúng suy giảm nghiêm trọng. Từ 1.500-2.000 cá thể voi hoang dã phân bố khắp cả nước trong những năm 1975-1980, đến nay chỉ còn khoảng 70-130 cá thể phân bố ở mười khu vực, trong đó Nghệ An còn khoảng 13-17 cá thể, Đồng Nai có một đàn khoảng mười cá thể, Đắk Lắk còn mười đàn voi với khoảng 83-110 cá thể.

Theo ông Ngô Lê Trụ - Vụ Bảo tồn thiên nhiên Tổng cục Lâm nghiệp, nhiều hành động bảo tồn voi đã được triển khai tại Việt Nam song đến nay chưa có giải pháp nào mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tấm ảnh “mài sừng tê” ở Việt Nam
Ngày 20-10-2012, bức ảnh mà Brent Stirton chụp ở Lâm Đồng khoảng một năm trước đó đã tiếp tục đem đến cho anh thêm một vinh quang nghề nghiệp khác, bổ sung vào bộ sưu tập giải thưởng vốn dĩ rất dày của phóng viên ảnh điều tra danh tiếng đang làm việc cho Hãng ảnh Getty Image (Mỹ). Nhưng giải nhì cuộc thi ảnh Cuộc sống môi trường hoang dã Veolia không chỉ đánh dấu cột mốc khác trong sự nghiệp của anh, nó giúp anh cảnh báo thế giới về tương lai loài người không còn một trong những di sản quý giá nhất.

Nhu cầu sừng tê giác đang bị thúc đẩy vì tầng lớp trung lưu đang ngày càng nhiều ở châu Á. Nhiều người tin vào huyền thoại nhiều thế kỷ về công dụng của chiếc sừng, dù sừng chỉ có keratin - tương tự chất ta tìm thấy trong tóc, móng tay và móng chân. Người phụ nữ giàu có ở Việt Nam này là người tiêu dùng điển hình.

http://thegioif5.com/wp-content/uploads/2012/08/112.jpg
Ảnh do Brent Stirton chụp



Bà ta mua sừng từ người buôn sừng ngồi bên cạnh, và mài sừng để uống ngay trước bàn dân thiên hạ trong quán cà phê bên đường. Bà ta nói sừng đã chữa được bệnh sỏi mật và bà uống hằng ngày để sức khỏe tốt hơn. Dù sừng tê giác là vật bất hợp pháp ở Việt Nam, cả người phụ nữ và người buôn bán sừng bên cạnh đều không sợ.

Nhiếp ảnh gia điều tra Brent, 44 tuổi, muốn hiểu rõ về thị trường Việt Nam - nơi được cho vừa là nơi tiêu thụ vừa là địa điểm trung chuyển sừng tê giác săn trộm sang Trung Quốc. Trong hai tuần ở Việt Nam, vào vai một tay buôn sừng Canada đi tìm “hàng”, anh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp rất nhiều người trong mạng lưới buôn bán và sử dụng sừng tê giác. Brent đã có được bộ ảnh mà một trong những tấm đó đang được treo ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Anh - nơi có khoảng 4 triệu lượt người đến xem mỗi năm.

“Câu chuyện của Việt Nam cần đặt vào một bối cảnh tổng thể của quốc tế, chứ không chỉ là một vài chi tiết” - Brent nói qua điện thoại từ Nam Phi với TTCT khi anh đang chuẩn bị cho những ngày tháng kéo dài để chụp hình trong rừng Tanzania. Trong hai tuần, anh đã được năm người buôn sừng tê giác “tiếp cận”, mời mua “hàng” - con số mà anh nói là “kinh ngạc”. Anh cũng thuyết phục được một người buôn sừng tê giác đưa tới gặp một phụ nữ ở Lâm Đồng, tận mắt thấy sừng tê giác bị mài, uống để chữa “sỏi mật” và “bảo vệ sức khỏe” ngay trong quán cà phê giữa thanh thiên bạch nhật.

“Điều làm tôi thất vọng nhất là cả người buôn sừng và người dùng sừng đều cho biết họ biết việc làm của mình là sai luật” - Brent nói.

“Không phải chỉ là chuyện tê giác của Nam Phi hay châu Phi bị săn trộm, sừng tê giác bị lấy cắp đâu - Brent nói - Đó là câu chuyện của một di sản mà nhân loại đang có. Một khi tê giác biến mất thì di sản đó biến mất. Bởi vậy, sự mất mát lớn này không phải của riêng Nam Phi mà là của thế giới, và tất nhiên của cả người Việt Nam nữa”.

Làm thế nào để người Việt Nam hiểu và tham gia các hoạt động giúp duy trì và phát triển bền vững đàn tê giác, trong khi họ có niềm tin mang tính văn hóa truyền thống từ rất xa xưa về “công dụng” của sừng tê giác? Brent cho biết anh không muốn phán xét về những niềm tin đó. Những khác nhau về văn hóa, thói quen giữa các dân tộc là điều rất khó để phán xét. Anh chỉ muốn nói về một sự thật, để từ đó các bên liên quan, từ các chính phủ, các tổ chức bảo tồn hay mỗi cá nhân sẽ tự quyết định thái độ ứng xử và hành động tiếp theo của họ. “Chúng ta có dân số quá đông, lại đang đòi hỏi những tài nguyên quá hạn chế, bởi vậy những tài nguyên này không bền vững”.

“Tôi cho rằng bọn tội phạm đã có những mánh lới để khai thác bệnh tật của người khác, khiến người ta ngày càng tin hơn vào “công dụng” của sừng tê giác, và trong giây phút nguy cấp với sức khỏe của mình hay người thân, người ta sẵn sàng bỏ những số tiền rất lớn, chắt chiu dành dụm cả đời để mua những mẩu sừng tê giác không có tác dụng gì với sức khỏe. Cả người giàu và nghèo đều trở thành nạn nhân bị lừa đảo, giàu thì mua riêng, nghèo hơn thì thành từng nhóm mua chung”.

Đó là chưa kể đến 90% trong số họ trở thành nạn nhân của sừng giả. Nhưng dù phần lớn là giả, giá cũng không hề rẻ: 8.500-10.000 USD/100 gram cho người nước ngoài và 2.500 USD cho người Việt Nam.

Tháng 2-2012, tạp chí về tự nhiên uy tín trên thế giới National Geographic đã đăng loạt ảnh liên quan tới tê giác của anh chụp ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới cùng với bài phóng sự “Độc dược” (Deadly medicine) của Peter Gwin khi câu chuyện tê giác đã trở nên nóng bỏng. Brent không cho rằng thay đổi niềm tin truyền thống là dễ dàng, hay triệt hạ các nhóm tổ chức tội phạm đang ngày càng có nhiều chiêu thức để có được sừng tê giác là “có thể trong thời gian ngắn”. Hình ảnh anh chụp - như ai đó đã nói về tác dụng của hình ảnh - “có thể đem lại thông điệp giá trị hơn cả ngàn lời nói”.

“Việc đoạt giải thưởng lần này giúp tôi cơ hội trao đổi câu chuyện này với nhiều người hơn, giúp tất cả cùng bàn luận về vấn đề đang nóng bỏng đó, giúp mọi người hiểu thêm về vấn đề”.

Từ đầu năm 2012 đến nay đã có 467 con tê giác bị giết ở Nam Phi. Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) là nơi thiệt hại nhiều nhất với 281 con. “Việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác chỉ là một số nhóm tội phạm và những người bị lừa là nạn nhân của chúng. Nhiều người Việt Nam có lẽ chưa hiểu vấn đề trầm trọng liên quan tới tê giác mà Nam Phi đang đối mặt. Chúng ta, dù có những sự khác nhau về văn hóa, cũng cần học chung bài học phát triển bền vững” - Brent nói.

Cần nhắc lại rằng năm 2011, cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam được tuyên bố là đã bị chết trong vườn quốc gia Cát Tiên - “một bi kịch quốc gia” như ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, nhận định.

HẠNH NGUYÊN


Trung tuần tháng 10-2012, cán bộ kiểm lâm TP Lào Cai cùng hai công an viên mai phục đã bắt quả tang một vụ buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, thu giữ một đầu và hai chân gấu chó - loài động vật hoang dã quý hiếm cấm săn bắt - mà theo lời khai của đối tượng bị bắt giữ, họ mua chúng với giá 20 triệu đồng.

Đầu tháng 11, lực lượng chức năng khi kiểm tra đột xuất một xe khách Bắc - Nam đã phát hiện xác hai con hổ con đông lạnh (gần 4kg/con), hai con gấu con (một con nặng 3,7kg, một con 1,4kg), tám tay gấu nặng 17kg...

Một vụ bắt giữ khác đầu tháng 11 tại Hạ Long (Quảng Ninh) cũng phát hiện một chiếc sừng nghi là sừng tê giác (có trọng lượng 3kg, được cắt thành nhiều mảnh). Những người bị bắt khai được thuê vận chuyển với giá 2 triệu đồng.

Mới đây, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng giám định bảy sừng động vật (tổng trọng lượng 23,5kg) phát hiện trong hành lý ký gửi của hai người Việt Nam trên chuyến bay mang ký hiệu QR610 xuất phát từ Doha (Qatar) về Việt Nam. Bảy chiếc sừng nếu là sừng tê giác, có giá hàng chục tỉ đồng.

Quyết định di dời và đóng cửa Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng đang thu hút sự chú ý. Theo Tổ chức Động vật châu Á, quyết định di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của 104 con gấu vốn đang được phục hồi và chăm sóc sau khi bị tra tấn, hành hạ dã man trong tay bọn buôn lậu và các trang trại nuôi lấy mật gấu ở Việt Nam.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Rừng của ngày qua...



TTCT - Tháng trước, các anh chị cựu “thanh niên xung phong 10-1975 Tây nguyên” gặp mặt thường niên ở Qui Nhơn. Chúng tôi được sống cùng họ mấy ngày.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/591/601591.jpg
Tranh: Đức Trí



Đây là dịp đông đủ mọi người nhất và các anh chị tiếc rẻ lắm, thời gian được cận kề nhau. Khi ăn lúc ngủ hồi bỡn cợt lúc trầm tư... Thôi thì mắng mỏ, thôi thì quấn quýt, thôi thì sừng sộ, thôi thì ân cần... Và kể và hát, rất mực là ham hố nhé! Mỗi đoàn đều có một, hai tiết mục văn nghệ trình diễn. Và nhìn cái cách họ hát họ múa, thương lắm! Màn đồng ca chừng bảy người đã có đến ba người phải lặc lè, bước từng bậc lên sân khấu.

Đi đứng chậm lụt thế mà hát mới bốc lửa, mới đắm đuối chứ! Những ca khúc viết về đồng đội, tình yêu đôi lứa... Những bài hát ca ngợi thiên nhiên, mùa màng... sao mà mênh mang, thơ và đẹp. Người trình diễn thể hiện hết lòng và người thưởng thức cũng hết lòng hưởng ứng. Tất cả đều đáng yêu sao! Các anh chị đã tạo được một không khí đầy nhiệt tình mê say mà đồng cảm, ấm áp lạ lùng.

Tôi ngồi dưới ngóng cổ và hát theo họ, hết bài này đến bài khác. Đang khí thế dạt dào bỗng dưng buồn khan khi ba chị cựu thanh niên xung phong đoàn Đà Nẵng hát Nhạc rừng.

Hẳn đó là một rừng như chúng ta đã từng biết. Và tất nhiên không phải là một rừng của bây giờ. Bởi đó là “...rừng hát gió lay trên cành biếc. Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh... Cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang... “ đã khiến cho nhạc sĩ Hoàng Việt ngất ngây và viết được những giai điệu đẹp đến thế, những ca từ xao lòng đến thế! Lại rừng và những câu chuyện mà các anh chị đã kể đã nhắc suốt tối đó! Có vẻ rừng, có vẻ Tây nguyên vẫn không thôi ám ảnh họ, đau đáu trong họ bao điều.

Ngày lên đường các anh chị mới trên dưới đôi mươi và Tây nguyên là nơi họ đóng quân suốt những năm tháng đó. Một vùng đất mới, mở khơi, bao hấp lực và thúc đẩy những khát vọng. Và rừng của một khoảng ngày trai trẻ mới tuyệt vời biết bao. Họ bảo thật may đã được đến và ở lại đó vào những tháng năm rừng hãy còn nguyên vẹn là rừng. Rừng ngày còn cây còn suối còn sông còn màu xanh nên còn cả những mầu nhiệm cổ tích.

Nghe những cựu “thanh niên xung phong  10-1975 Tây nguyên” kể về những ngày tháng đó, về rừng, vui ít buồn nhiều. Câu chuyện không còn dừng lại ở những dòng hồi tưởng mà chất chứa bao thắc thỏm âu lo. Rừng hiền hòa và rừng hung hiểm? Rừng thân thiết và rừng lạ xa? Rừng nào của năm tháng đã qua và rừng nào của bây giờ, rừng của những ngày tới? Rừng nào của cám dỗ rừng nào của khiếp kinh?... Những câu hỏi được đặt ra cho những người đã trên dưới tuổi sáu mươi. Đã cảm rất rõ sự bất lực của mình với quá nhiều thứ trong đời.

Và rừng? Cả một quãng đời khó quên đã sống cùng đồng đội, ở đó. Đã tin và đã yêu ngất ngưởng. Đã không chút dối trá khi sống và hi vọng và khát vọng tràn vỡ trái tim thanh tân. Cứ như rừng đã dạy họ phải thế! Rừng là thế! Rừng là chốn về. Rừng để chở che cả thân xác cả tâm hồn. Rừng để bám níu, cậy trông... Rừng để cười rền vang khi vui và khóc thỏa thuê khi sầu muộn... Rừng cất hộ kỷ niệm mỗi người. Rừng lưu giữ cho tất cả bọn họ về một quãng đời ý nghĩa nhất.

Lan man mãi những câu chuyện rồi hát. Bọn tôi không hay rằng đã quá nửa đêm. Trong yên tĩnh, tiếng ghita nghe khắc khoải hơn và da diết hơn. Một ai đó nhắc đến tiếng đàn non yếu mà tràn đầy cảm xúc của một đồng đội đã nằm xuống. Rừng, tiếng ghita và những đốm lửa hằng đêm được nhóm lên từ đó! Cũng từ đó những chàng trai, cô gái về xuôi, xuống núi, ra phố. Những bắt đầu cho cuộc đời thường dân với biết bao bài học gom nhặt được từ rừng. Những giá trị của cuộc sống tìm thấy nơi rừng đã luôn được nuôi giữ, theo cách của mỗi người. Dẫu, có thoảng chốc vênh, có đôi khi hụt.

Rất khuya, mọi người vẫn còn nấn níu và rồi một ca khúc được cất lên, thao thiết: “...Rừng đã cháy và rừng đã héo... Rừng đã khô và rừng đã tàn...”. Là bài Em hãy ngủ đi của Trịnh Công Sơn, không phải là một ca khúc phổ biến như: Diễm xưa, Hạ trắng...

Một bài hát không được nhiều người biết nhưng rừng, ở đó, sao rất quen...

NGUYỄN MỸ NỮ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xin đừng “nung vôi” núi Bà Tài



TT - Núi Bà Tài ở xã An Bình, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) được đánh giá cao về đa dạng sinh học, nằm trong quy hoạch cấm khai thác khoáng sản và được các nhà khoa học đề xuất bảo tồn, nay đang đứng trước nguy cơ bị “xẻ thịt nung vôi”.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/711/613711.jpg
Núi Bà Tài được đánh giá cao về đa dạng sinh học - Ảnh: L.H.T.



Cuối năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hương Hải (trụ sở tại Hà Nội) đầu tư dự án nhà máy sản xuất vôi hóa và gạch nhẹ chưng áp, chế biến vật liệu xây dựng. Theo đó, Công ty Hương Hải được phép khai thác ba mỏ đá vôi ở núi Nhỏ, núi Lò Vôi Lớn và núi Túc Khối, huyện Kiên Lương. Cuối năm 2012, Công ty Hương Hải đề nghị được khai thác thêm cả núi Bà Tài với lý do công suất nhà máy lớn, không đủ nguồn nguyên liệu.

Tại cuộc họp mới đây do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức để xem xét kiến nghị của Công ty Hương Hải về việc khai thác núi Bà Tài, ông Nguyễn Xuân Lộc, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang, cho biết núi Bà Tài nằm trong khu vực quy hoạch cấm khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, theo ông Lộc, dự án nhà máy của Công ty Hương Hải lại nằm ngay gần chân núi Bà Tài nên nếu giữ núi Bà Tài để bảo tồn cũng rất khó. Ông Lộc cũng cho biết dự án của Công ty Hương Hải khi khai thác hết công suất có thể đóng góp cho địa phương 100 tỉ đồng/năm. “Bảo tồn cũng cần, mà tiền cho ngân sách cũng rất cần, theo tôi là nên cho khai thác” - ông Lộc nói.

Ông Lê Khắc Ghi, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh, cho biết tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty Hương Hải với thời hạn 50 năm để khai thác ba mỏ đá vôi ở ba núi nói trên, nhưng theo tính toán của doanh nghiệp, ba mỏ đá này chỉ đủ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động khoảng bảy năm. “Nếu không cho phép khai thác núi Bà Tài thì sau bảy năm họ lấy gì để sản xuất?” - ông Ghi đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Lương Thanh Hải, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Kiên Giang, đề nghị giao cho Công ty Hương Hải khai thác một phần núi Bà Tài, chỉ giữ lại một phần núi phía biển để bảo tồn.

Riêng đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang đề nghị không nên giao núi Bà Tài cho Công ty Hương Hải khai thác. “Cho doanh nghiệp quả núi này tỉnh cũng không thu được bao nhiêu, không khai thác thì chúng ta cũng không nghèo hơn nên tôi đề nghị nên giữ lại” - bà Trần Thị Hằng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nói.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên ông Trần Thanh Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết sẽ báo cáo thường trực UBND tỉnh quyết định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, núi Bà Tài không có tên trong quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản để làm ximăng hay làm vật liệu xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công ty Hương Hải được UBND tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận đầu tư thời hạn 50 năm với công suất giai đoạn 1 là 200.000 tấn sản phẩm/năm, khi hoàn thiện có thể đạt 1 triệu tấn/năm. Phải chăng chính UBND tỉnh Kiên Giang đã bị “hớ” khi cấp chứng nhận đầu tư với quy mô quá lớn để doanh nghiệp có cớ xin được giao thêm núi Bà Tài? Điều đáng lưu ý khác là Bộ Xây dựng xác nhận núi Bà Tài không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, nhưng khi nhận được văn bản xin khai thác núi này của Công ty Hương Hải, bộ này vẫn có công văn “Chuyển văn bản của công ty để UBND tỉnh Kiên Giang hướng dẫn xem xét cấp phép hoạt động khoáng sản mỏ đá vôi núi Bà Tài”.

Trong một diễn biến khác, ngày 16-1, Viện Sinh thái học miền Nam đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm đặc biệt để sớm hình thành khu bảo tồn thiên nhiên núi đá vôi Kiên Lương nhằm bảo toàn đa dạng sinh học của khu vực này. Theo Viện Sinh thái học miền Nam, một số loài động, thực vật đặc hữu đến nay chỉ mới tìm thấy ở khu vực núi đá vôi Kiên Lương, trong đó có loài lan bầu rượu chỉ phát hiện ở núi Bà Tài và một loài thu hải đường được đặt tên khoa học Begonia bataiensis, theo tên núi Bà Tài.

NGUYỄN TRIỀU


IUCN kêu gọi bảo vệ vĩnh viễn núi Bà Tài

Ngày 17-1, ông Jake Runner - điều phối viên của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại VN - đã có thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi bày tỏ quan ngại về đề xuất giao núi Bà Tài cho Công ty Hương Hải khai thác làm nguyên liệu sản xuất vôi. Theo ông Jake Runner, Bà Tài là một trong số ít núi đá vôi còn nguyên vẹn cuối cùng ở khu vực Hòn Chông, Kiên Lương và là một phần trong chuỗi núi đá vôi được biết đến trên toàn thế giới về sự đa dạng sinh học nên IUCN kêu gọi chính quyền tỉnh Kiên Giang hãy bảo vệ vĩnh viễn núi Bà Tài.

Cùng ngày, GS Herbert H.Covert - chủ tịch Đại học Colorado, Hoa Kỳ - cũng có thư gửi UBND tỉnh Kiên Giang bày tỏ lo lắng trước khả năng cho phép Công ty Hương Hải khai thác đá tại núi Bà Tài. GS Herbert H. Covert cho biết ông đang cùng các nhà khoa học VN nghiên cứu bảo tồn quần thể voọc bạc Đông Dương quý hiếm tại khu vực núi đá vôi Hòn Chông, Kiên Lương. “Hai trong số bốn ngọn núi nơi loài này cư trú hiện đang được khai thác, những động vật này sẽ cần phải được di chuyển trong tương lai gần và núi Bà Tài là một trong những địa điểm có thể là nhà cho chúng... Tôi khẩn nài các bạn tiếp tục là một đối tác xuất sắc trong việc giúp bảo tồn di sản thiên nhiên giàu có của Kiên Giang bằng cách bảo vệ toàn bộ núi Bà Tài...” - GS Herbert H.Covert kêu gọi.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những bức ảnh nhói lòng từ rừng xanh



Đó là những nỗi đau đớn, tuyệt vọng mà khi thưởng thức những món ăn, vị thuốc, vật phẩm... từ thú rừng...

Trên đường Hồ Chí Minh, qua vùng rừng Sông Thanh (Quảng Nam) đến A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Dakrong (Quảng Trị), ngược vào Núi Chúa (Ninh Thuận), phóng viên đã được xem rất nhiều hình ảnh về nạn đặt bẫy thú rừng.

http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949687_anh1.jpg
Con cầy hương ở rừng Đông Giang (Quảng Nam) bị dính bẫy treo làm từ dây phanh xe đạp. Mỗi đường bẫy dây có đến hàng trăm chiếc. Chồn hương đã mắc nạn ngay bên bờ suối khi xuống tìm thức ăn



Có những con vật may mắn như chú sơn dương ở rừng A Lưới bị bẫy cứa gần đứt cả chân nhưng vẫn còn sống và được cứu chữa, trở lại rừng. Nhưng cũng có những con thú xấu số như bầy voọc 21 con ở Núi Chúa (Ninh Thuận) bị mổ bụng, moi hết nội tạng ra ngoài. Và có cả những con thú đã thối rữa, chết khô trong tư thế tuyệt vọng.

Đó là những nỗi đau đớn, tuyệt vọng mà khi thưởng thức những món ăn, vị thuốc, vật phẩm... từ thú rừng chắc không ai có thể tưởng tượng nổi.

Và trong những cánh rừng thẳm sâu kia, nỗi đau của bầy thú vì sự tàn sát của con người còn hơn những gì mà con người có thể hình dung khi mỗi khu bảo tồn, mỗi vùng rừng chúng tôi đi qua số bẫy thú thu được đều lên đến con số hàng chục ngàn chiếc mỗi năm.

Nói như ông Nguyễn Trọng Huynh - giám đốc vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) - trước mỗi bữa tiệc với thịt thú rừng, nếu còn lòng nhân hậu, mỗi thực khách hãy nghĩ rằng mình không chỉ dùng một món ăn mà còn gặm nhấm luôn cả nỗi đau đớn và tuyệt vọng của chúng.

Dưới đây là những bức ảnh gây nhói lòng từ rừng xanh do cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm các khu bảo tồn và vườn quốc gia đã cung cấp.

http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949688_anh2.jpg
Con linh dương rất lớn trên dính bẫy kẹp khiến phần guốc trước gần như bị đứt lìa. Nhưng nó may mắn hơn những con thú mắc bẫy khác là gặp được đội cứu hộ của Khu bảo tồn sao la A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cứu chữa, thả lại rừng




http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949689_anh3.jpg
Tuy nhiên rất nhiều đồng loại của linh dương đã không gặp may như thế. Trong một lán trại dựng giữa rừng của thợ săn, các cán bộ khu bảo tồn sao la A Lưới đã phát hiện hàng chục hộp sọ linh dương bị bỏ lại sau những cuộc hành quyết, đưa thịt ra khỏi rừng




http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949690_4_1.jpg
Chú sóc này đã không lường hết được dã tâm của con người, và bị dính bẫy khi băng qua suối trên chiếc cầu được thợ săn vùng rừng Phước Sơn (Quảng Nam) dựng sẵn




http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949691_5_1.jpg
Không ai còn nhận ra đây là loài thú gì, con vật tội nghiệp ở rừng Tây Giang (Quảng Nam) này có lẽ bị dính bẫy từ nhiều tháng, chết khô giữa rừng già




http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949692_6_1.jpg
Một con voọc chà vá thối rữa vì dính bẫy




http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949693_7_1.jpg
Những chiếc bẫy của thợ săn rất nhạy, không chừa một loài nào kể cả những con rùa chậm chạp sống ở mặt đất




http://static.kienthuc.net.vn/Images/dataimages/201207/original/images949694_8_2.jpg
Con voọc chà vá chân đen này là một trong số 21 con đã bị thợ săn Đặng Minh Khắc (ảnh) và Nguyễn Phương Tuấn bắn hạ, sau đó rạch bụng ngay tại rừng Núi Chúa (Ninh Thuận)



(Theo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Những bức ảnh đau lòng quá. Chẳng còn biết nói gì!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ lâm nghiệp vườn Quốc gia Cát Tiên

Để cứu lấy rừng Cát Tiên tôi chấp nhận đánh đổi...



SGTT.VN - Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ lâm nghiệp, người được biết nhiều như một chuyên viên về bảo vệ đa dạng sinh học vườn quốc gia Cát Tiên, vừa gửi thư cho Chủ tịch nước về việc bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên không bị hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A xâm hại. Trước đó, ông cũng đã gửi thư cho Thủ tướng. Theo ông Thuật, vườn quốc gia Cát Tiên là tài sản quốc gia, tài sản chung, nếu ai cũng bỏ mặc thì tài nguyên Việt Nam sẽ nhanh chóng mất sạch, mà cuối cùng, chỉ có người dân gánh chịu hậu quả.

Có thông tin cho rằng vì gửi thư kêu cứu cho rừng quốc gia Cát Tiên mà ông bị yêu cầu tường trình, làm bản kiểm điểm?


Trước đó, tôi từng bị ban lãnh đạo vườn quốc gia Cát Tiên kỷ luật ở mức khiển trách vào ngày 22.5.2012, vì gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ về các tác động xấu của thuỷ điện đến vườn quốc gia Cát Tiên. Lần này cũng vậy, họ yêu cầu tôi kiểm điểm vì cho rằng tôi gửi thư cho Chủ tịch nước là vi phạm quy định, làm không đúng thẩm quyền của mình, không thuộc chức năng và nhiệm vụ cấp trên giao cho.

Ông nhận thức thế nào về việc làm của mình?

Họ giải thích cho tôi rằng, phát ngôn là việc của giám đốc vườn quốc gia. Giám đốc không cho gửi thư đến Chủ tịch nước mà tôi vẫn gửi, nghĩa là chống lệnh trên.

Khi tôi thắc mắc là tôi gửi thư với tư cách một công dân Việt Nam, thì họ cho rằng, tôi là nhân viên vườn quốc gia Cát Tiên, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến Cát Tiên, đến lãnh đạo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tôi nhận thức tầm quan trọng đối với sự an nguy của hàng triệu người dọc lưu vực sông Đồng Nai và rất nhiều loài sinh vật trong vườn quốc gia Cát Tiên. Tôi là một công dân, đồng thời là một nhà khoa học, tôi không thể chạy theo tâm lý đám đông và ủng hộ những việc sai trái. Tôi sẽ nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào trên giấy tờ, nhưng thâm tâm tôi không chấp nhận nó. Tôi ý thức việc mình làm theo lương tâm, trách nhiệm và sự tự do cao nhất của một công dân Việt Nam theo Hiến pháp nước nhà.

Vì sao ông quyết tâm cứu lấy Cát Tiên trước hai dự án thuỷ điện?

Rất nhiều lý do, trước hết vườn quốc gia Cát Tiên đang là nơi UNESCO nghiên cứu để công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nếu có thuỷ điện thì điều này khó xảy ra. Nơi đây làm thuỷ điện khá nhạy cảm vì tập trung khá nhiều loài động vật đặc hữu, thậm chí rất quý hiếm. Nơi dự kiến làm thuỷ điện cũng là nơi mà không gian văn hoá, di sản Óc Eo mà chúng ta còn chưa khám phá hết. Yếu tố ảnh hưởng đời sống các dân tộc cư ngụ xung quanh khu vực này cũng chưa được tính đến.

Tóm lại, khi anh thực hiện một dự án mà chưa đánh giá được hết hậu quả của nó là điều không thể chấp nhận được. Dưới góc độ một người làm nghiên cứu khoa học, tôi không thể nào im lặng được. Lấy ví dụ như núi Fuji tại Nhật Bản không được công nhận là di sản thế giới, vì quân đội nước này có dành một khoảng đất để tập trận và thường có tiếng súng, làm ảnh hưởng đến thiên nhiên là làm ảnh hưởng đến nhiều thứ, chứ không đơn thuần chỉ có những thiệt hại thấy được.

Ông nghĩ gì về quyết định kỷ luật sắp tới, nếu có? Giả sử ông bị cho thôi việc?

Thì tôi sẽ tiếp tục ủng hộ việc bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên bằng những cách khác, chứ không nhất thiết phải có sự ràng buộc. Khi viết thư cho Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình. Làm đúng lương tâm và trách nhiệm thì không có gì phải sợ hãi. Đó là lựa chọn, cũng là cách sống của tôi.

Thu nhập của tôi tạm đủ nuôi gia đình. Nếu bị buộc thôi việc tôi sẽ làm tư vấn từ xa cho một số đơn vị và dịch thuật, vì tôi thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật.

Mai Quốc Ấn phỏng vấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mùa nước nổi trên búng Bình Thiên



SGTT.VN - Vào mùa nước lũ, dòng sông Bình Di cuồn cuộn phù sa đục ngầu, nhưng đến cửa búng Bình Thiên, nước đục bị gạn lại, nhường chỗ cho dòng nước trong xanh vào hồ nước trời ban. Mặc cho lũ tạo những vòng nước xoáy mạnh ngoài sông, khi vào búng, mặt nước êm đềm lại, đôi lúc phẳng như một tấm gương soi khổng lồ.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=184202
Những bè cá nhỏ trên búng Bình Thiên



Từ tháng 7 âm lịch, dòng sông Mekong đổ nước cuồn cuộn vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, nước tràn khắp ruộng vườn, nhà cửa, nhiều nơi chỉ thấy đồng nước mênh mông vô tận. Sống trên đồng nước suốt đến tháng 10 âm lịch, thế nhưng, người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không thích gọi hiện tượng tự nhiên này là lũ lụt, mà là “mùa nước nổi”. Ít nhất đã bốn năm qua, mùa nước nổi trở thành một mùa du lịch độc đáo, chỉ ĐBSCL mới có.

Búng Bình Thiên gạn đục giữ trong
Mùa nước nổi đến An Giang sớm nhất so với các tỉnh chịu ảnh hưởng lũ trên dòng sông Hậu và huyện An Phú là một trong những nơi đón lũ đầu tiên. Vượt gần 100 cây số từ thành phố Long Xuyên, chúng tôi đến An Phú – điểm đầu đón lũ (cũng là nơi tổ chức du lịch mùa nước nổi đầu tiên từ năm 2006), sững sờ khi dừng chân trước búng Bình Thiên (huyện An Phú, tỉnh An Giang) – một hồ nước thiên nhiên mênh mông thông với sông Bình Di (nhánh sông Hậu đổ vào huyện An Phú). Bởi trên đường đâu đâu cũng thấy nước sông, kênh rạch, nước trên đồng đục màu phù sa; nhưng nước trong búng dâng cao đến mực nào vẫn xanh ngắt.

Tương truyền rằng, một tướng nhà Tây Sơn đem quân đuổi giặc đến nơi này đồn trú thì gặp hạn, dân trong vùng không có nước uống. Trước tình cảnh ấy, vị tướng Tây Sơn cầu trời, rồi đâm thật mạnh mũi kiếm xuống đất, nước từ lòng đất trào lên, dâng tràn cả một vùng tạo thành hồ nước thật lớn nằm gọn trong lòng đất liền. Người dân thấy nước trong xanh, uống ngọt, mát nên vui mừng, họ gọi hồ nước lớn trời cho này là búng Bình Thiên hay hồ Nước Trời. Người dân nói, cha ông họ tin là lối mà đoàn quân tiến vào và rút đi ở đầu ngọn búng trước đó không thông với sông, nhưng hàng ngàn bước chân dẫm nhau làm đất rúng động, nứt ra tạo thành cửa thông từ búng ra sông Bình Di, con sông là ranh giới giữa huyện An Phú và huyện Kor Thum, tỉnh Kandal (Campuchia).

Theo quan sát của người dân sống lâu năm ở xã Nhơn Hội, búng Bình Thiên như một thế giới riêng, nước trong búng dâng lên và hạ xuống tuỳ mùa trong năm. Diện tích mặt nước của búng Bình Thiên vào mùa nước kiệt khoảng 220ha, còn mùa nước nổi lên đến 800ha. Mặt búng đẹp nhất trong kỳ nước nổi. Điều đặc biệt mà chưa ai giải thích được là cho dù nước sông chở đầy phù sa vào mùa lũ, khi đến “cửa” búng, dòng nước đục như được gạn lại cho trôi theo sông, không để tràn vào làm hoen màu trong xanh của hồ nước tự nhiên này.

Để tận tường điều kỳ lạ ấy, chúng tôi ngồi trên chiếc tắc ráng đi một vòng quanh búng rồi ra sông Bình Di. Nước trong xanh làm cho búng Bình Thiên như gương, in bóng những hàng cây ngập nước, những cây điên điển trổ bông vàng và những bè cá nhỏ của người dân nuôi trong búng. Mặt nước chỉ cuộn sóng khi tắc ráng, ghe xuồng chạy qua. Tắc ráng đến chỗ cầu C3 bắc ngang cửa búng, chúng tôi đã thấy mặt nước gợn chút màu phù sa kéo ra đến sông Bình Di. Khi quay trở lại, tốc độ nhanh của tắc ráng kéo nước phù sa ào theo, nhưng qua cầu C3, nước phù sa dạt ra từ từ và lại thấy gương nước phản chiếu nắng chiều, không ai nghĩ mình đang đi trong mùa lũ.

Ẩm thực mùa nước nổi ở làng Chăm
Làng xóm quanh bờ búng Bình Thiên hầu hết là đồng bào Chăm sinh sống, nhưng mỗi bên là một hình ảnh khác nhau. Phía bờ thuộc hai xã Nhơn Hội và Quốc Thái, từng xóm Chăm với những ngôi nhà sàn kế nhau nằm dọc theo lộ; chen lẫn vào đó là các khu hàng quán và xóm người Kinh, trông có vẻ nhộn nhịp. Bờ thuộc xã Khánh Bình, xa vào trong là những đồng lúa, bắp, hoa màu, một khung cảnh miền quê thanh bình; một vài ngôi nhà sàn trên mặt nước, thấp thoáng giữa những tán cây, đó là nhà của những người nuôi cá lồng bè trên búng.

Búng Bình Thiên là “túi cá đồng” phong phú, cung cấp cho người dân quanh năm. Ông Mách Ly, phó bí thư chi bộ ấp Búng Lớn tâm sự: biết bao năm qua, mỗi năm nước nổi người dân chỉ biết chống xuồng đi kiếm con cá, con tôm, hái bông điên điển. Từ mùa nước nổi năm 2006, đồng bào ở đây tiếp xúc với du khách khắp nơi đến. Hai năm qua ông Mách Ly trở thành hướng dẫn viên địa phương đưa khách tham quan thánh đường Hồi giáo, tìm hiểu các lễ nghi của đạo Hồi, giải thích các phong tục tập quán, những điều kiêng kỵ của người Chăm…

Nhà ông Mách Ly cũng là nơi khách ăn trưa. Nhà người Chăm không có bàn, trải chiếu cho khách ngồi ăn. Tuy người Chăm ăn uống có hơi khác, nhưng được thưởng thức hương vị đồng nội mùa nước nổi, toàn đặc sản của búng, của sông Bình Di, của đồng ruộng quanh làng. Từ cá linh kho me, cá rô chiên xù chấm mắm me, bánh xèo cá linh, cá rô kho tộ, canh chua bông điên điển, cho đến gỏi tép bông súng đồng… du khách cảm thấy thú vị hơn vì trong món ăn có cá, lươn, bông điên điển, bông súng mà mình tự bắt, tự hái.

bài và ảnh: Nguyệt Hồng
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mỗi cái tên, một số phận



TT -  Những cái tên gợi nhớ đau thương của những con vật tội nghiệp, tật nguyền cả đời.

Ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, TP.HCM hay Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo có nhiều con thú được đặt những cái tên rất lạ lùng.

Lạ bởi những cái tên ấy chính là “lý lịch cuộc đời” của chúng sau khi trải qua những ngày tháng đau thương bởi nạn buôn bán, săn bắt động vật hoang dã.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/415/617415.jpg
“Những chú hề vui tính” đang làm trò với nhân viên trung tâm cứu hộ - Ảnh: Hồng Nhung



Trong bảy năm, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đã cứu được khoảng 3.200 con thú, những nhân viên cứu hộ ở đây đang viết tiếp tương lai hạnh phúc cho chúng bằng nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.

“Tiếng hót của cậu bé mồ côi”
Cái tên này đã theo chú vượn nhỏ suốt những ngày chú còn ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Cha mẹ bị những người săn trộm bắt mất, chỉ còn mình chú thoát chết nhưng thoi thóp trong rừng. May mắn thay, chú đã được các anh kiểm lâm Ninh Thuận cứu và đưa về trung tâm.

Những ngày đầu về nhà mới chú sợ sệt, né tránh con người và cả những con vượn khác bởi ký ức về cái ngày kinh hoàng, những con người tàn độc cướp mất cha mẹ vẫn còn ám ảnh chú. Vượn trưởng thành có thói quen hót vào lúc 4-5 giờ sáng, nhưng với chú vượn mồ côi này, trong suốt hai năm ở trung tâm, chú luôn chờ bầy hót xong mới cất tiếng.

Dù được các nhân viên cứu hộ yêu thương chăm sóc, nhưng tiếng hót của chú luôn lẻ loi và buồn bã. Vì thế mỗi khi chú cất tiếng, các nhân viên ở đây bảo đây là tiếng hót của cậu bé mồ côi và “tiếng hót của cậu bé mồ côi” đã trở thành tên gọi của chú vượn nhỏ ngày nào. Khi gần ba năm tuổi “tiếng hót của cậu bé mồ côi” đã được chuyển đến Trung tâm Cứu hộ Cúc Phương để thả về tự nhiên.

“Bà già đi dạo”
“Bà già” là tên gọi mà các nhân viên cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đặt cho con chim già đẫy. Con chim này được giải thoát khỏi một khu du lịch ở Cần Giờ và được đưa về trung tâm cách đây vài tháng. Già đẫy có tuổi thọ không quá 15 năm, nhưng khi về trung tâm cứu hộ “bà già” này đã được khoảng 13, 14 tuổi và trong tình trạng kiệt sức.

Là chim, nhưng “bà già” đã và sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn được tung cánh trên bầu trời bao la vì những người chủ cũ đã tàn nhẫn tháo gân cánh nó. Những ngày tháng còn lại của cuộc đời “bà già” sẽ bình an nơi trung tâm, “bà già” là động vật duy nhất được thong dong đi dạo bất cứ nơi nào nó muốn trong trung tâm và nhẩn nha ăn khi nó đói. Sau vài tháng được chăm sóc kỹ càng, lông nó đã mượt mà, da thịt cũng căng đầy hơn.

“Những chú hề vui tính”
Đó là những chú rái cá hiếu kỳ, lém lỉnh đang sống trong Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ban đầu trung tâm tiếp nhận hai con rái cá mới đẻ được người nước ngoài cứu về. Khi đó chúng còn chưa biết ăn nên các nhân viên ở trung tâm phải cho bú sữa bằng bình. Thấm thoát đã hơn ba năm, đến nay cặp rái cá này đã sinh thêm ba bé rái cá khỏe mạnh.

Có lẽ vì được cứu về khi còn sơ sinh và được sống trong môi trường bán hoang dã, được các nhân viên tại trung tâm yêu thương, chăm sóc kỹ nên gia đình rái cá này rất vui vẻ, hồn nhiên. Chúng sẽ ùa từ hồ nước lên làm trò mỗi khi thấy có người đến gần và sẽ đứng bằng hai chân sau, cúi đầu cảm ơn. Và thế là cái tên “những chú hề vui tính” đã được gắn với gia đình rái cá.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/416/617416.jpg
Mặc dù sức khỏe đã ổn định sau một thời gian được các nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi chăm sóc tận tình, nhưng chú gấu này không thể quay lại đời sống tự nhiên vì đã bị những người chủ trước cắt cụt chi trước đến sát nách - Ảnh: Hồng Nhung



Ngày tháng êm đềm của “cậu bé sên sên”
Cuối năm 2007, khi được kiểm lâm cứu và đưa về trung tâm, con tê tê mẹ đang có thai. Nó bị sập bẫy của những người săn trộm và bị mất một phần thân thể, các bác sĩ, nhân viên tại đây đã tận tình cứu chữa cho nó. Không chỉ phục hồi sức khỏe, con tê tê mẹ đã sinh ra chú tê tê con xinh xắn, khỏe mạnh. Đến ngày 7-8-2010, tê tê con được thả về rừng quốc gia Nam Cát Tiên khi chú được 7kg.

Những ngày tháng ở trung tâm bên mẹ, bên các nhân viên chăm sóc thú là những ngày tháng êm đềm nhất của tê tê con bởi không chỉ sống trong môi trường an toàn, điều kiện thức ăn đầy đủ mà chú còn được yêu thương và chăm sóc tận tình. Cái tên “những ngày tháng êm đềm của cậu bé sên sên” được ra đời từ đó.

Và những nỗi đau ở Tam Đảo
Vandrew được Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ về Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo vào tháng 7-2010 từ một trại gấu ở Quảng Ninh, trên đầu Vandrew đầy vết thương do chú chà xát đầu vào song cũi, chi trước bên phải bị cụt sát, mắt phải bị viêm nên thường xuyên gây đau nhức và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chú gấu này. Vì thế các bác sĩ quyết định phẫu thuật mắt phải để tránh đau đớn và nhiễm trùng cho Vandrew.

Ngoài ra chú cũng có dấu hiệu của bệnh viêm túi mật. Các bác sĩ thú y đã nhìn thấy thành túi mật bị dày hơn bình thường, bị viêm nhiễm và thùy gan liền kề có rất nhiều vết sẹo do từng bị đâm kim tiêm quá nhiều lần. Để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho Vandrew, các bác sĩ đã cắt bỏ túi mật. Sau phẫu thuật, gấu Vandrew được theo dõi cẩn thận và có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để đảm bảo cho chú khỏe mạnh, nhanh chóng phục hồi. Cái tên Vandrew được đặt theo tên người bảo hộ cho chú.

Đến từ Bình Dương, Grace được đưa đến Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo bằng xe tải vượt quãng đường hơn 2.000km. Grace đã bị mù vĩnh viễn. Grace luôn lắc đầu và cọ đầu vào song sắt do bị giam cầm quá lâu năm trong lồng cũi. Ngay cả khi đã được chăm sóc rất chu đáo và có hai bạn gấu luôn ở bên cùng chơi đùa, Grace vẫn không bỏ được những thói quen này.

Khi được chuyển đến sống ở khu bán hoang dã với nhiều đồ chơi, lần đầu tiên ra ngoài Grace lần mò đặt chân lên cỏ, hít ngửi và khám phá địa phận mới của mình. Do mắt đã mù, cô gấu Grace gặp nhiều khó khăn và mất một thời gian để làm quen với các bạn gấu khác. Nhưng nhờ sự chăm sóc tận tâm của chuyên gia và các nhân viên trung tâm, giờ đây Grace đã hoàn toàn thích nghi với cuộc sống mới và thường hay nằm dài trên bãi cỏ tận hưởng nắng ấm. Cũng như Vandrew, tên của cô gấu được đặt theo tên người bảo hộ cho cô.

Suốt 13 năm bị nuôi nhốt trong một góc bếp tối đen ở Huế, chú gấu Zebedee bị hỏng mắt hoàn toàn không thể bình phục được. Khi chú mới về Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo, trong lần đầu tiên kiểm tra sức khỏe, người ta đã buộc phải nhổ 12 chiếc răng và sau đó cắt bỏ túi mật bị hỏng nghiêm trọng. Sau gần bốn năm ở nơi này, Zebedee là một chú gấu sống hạnh phúc ở một khu bán hoang dã rộng rãi ngoài trời cùng với 20 bạn gấu nữa. Mỗi ngày Zebedee được phân chia thức ăn để đảm bảo khẩu phần công bằng so với các bạn do chú bị mất răng.

Và như Grace, hạnh phúc của chú bây giờ là hưởng thụ những tia nắng ấm mặt trời, thứ mà trong suốt 13 năm tuổi thơ Zebedee không được cảm nhận.

HỒNG NHUNG


Khi đang ngồi trị bệnh cho rùa thì con chó bécgiê của trung tâm nhảy vào đùa giỡn, sợ làm rùa bị thương nên cô bác sĩ người Anh đã lấy thân che cho rùa, để chú bécgiê nhảy lên lưng. Cú nhảy ấy đã làm cô bị thương nhưng cô vẫn không ghét bỏ chú bécgiê hay hối tiếc về hành động của mình - ông Lê Xuân Lâm, giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, kể.

Ông Lâm nói: “Khi tiếp xúc lâu với thú hoang, những người làm công tác cứu hộ sẽ có tình cảm với chúng, bởi tuy là thú lớn nhưng chúng lại không khác gì những đứa trẻ không tự bảo vệ mình được và rất cần sự chăm sóc, yêu thương của con người”.

Theo ông Lâm, ở Trung tâm Củ Chi hiện nay rất nhiều con thú được cứu về nhiều năm, đã được chữa trị hết bệnh nhưng vĩnh viễn sẽ không được trả về với tự nhiên bởi thân thể của chúng không còn lành lặn, nếu về tự nhiên khắc nghiệt chúng khó có thể sinh tồn. Đó là hai chú gấu ngựa bị cụt chi sát đến tận thân, là chú don bị tháo khớp, mất một chân; năm con tê tê bị mất chân, già đẫy bị cắt gân cánh. Đó là kỳ đà nước béo phì bị nuôi nhốt từ khi mới sinh, là cô vượn nhỏ Lê Ngọc Hân được sinh ra tại trung tâm nên dù là thú hoang dã nhưng đã mất bản năng tìm mồi, kiếm thức ăn...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

...

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/206/622206.jpg


...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối