Đến rác cũng nhập lậu!
SGTT.VN - Nam – tên một luật sư – nói với tôi, rằng không có hồ sơ lô hàng rác thải đã tiêu huỷ tại doanh nghiệp sản xuất phôi thép, nơi anh này làm tư vấn pháp lý. Điều ấy có nghĩa, là bộ hồ sơ ấy và lô hàng ấy đã... mất tích.
Phân bón, hàng điện máy cũ được nhập lậu bán công khai.
Chuyện đùa
Trong lúc trà dư tửu hậu, một cán bộ công ty môi trường đô thị Hải Phòng đã từng nói với tôi, rằng có vài chục ngàn tấn rác đã được nhập về Hải Phòng trong gần 3.000 container suốt những năm qua. Rất ít trong số container ấy được tái xuất, tuyệt đại đa số còn lại phải chôn lấp, tiêu huỷ, hay đơn giản hơn là... mất tích trong nội địa. Rác nhập khẩu là một ngành kinh doanh phát đạt, dù là buôn lậu. Vì số lượng lớn của nó và vì có thể bán loại “hàng hoá” ấy rất dễ dàng với giá cao cho dân buôn nội địa. Một cán bộ công ty môi trường đô thị Hải Phòng đã từng bị tạm giam (sau đó được thả) vì không tiêu huỷ rác nhập khẩu, mà đưa hơn trăm container chứa rác về kho của tư nhân để phân loại và... bán lại.
Với anh luật sư tên Nam, hồ sơ tiêu huỷ lô hàng rác nhập khẩu đội lốt phế liệu thép đã không lưu tại doanh nghiệp sản xuất phôi thép, khi nó được bán cho chủ mới. Vì thế, anh cũng không chắc lô hàng mà tôi đang tìm liệu có được tiêu huỷ tại doanh nghiệp thép mà anh tư vấn pháp lý. Thực ra cũng chẳng riêng tôi tìm lô hàng ấy, chi cục Bảo vệ môi trường Hải Phòng cũng gửi công văn tới cục Hải quan Hải Phòng. Công văn này yêu cầu cục cung cấp cho chi cục hồ sơ nhập khẩu, phương án xử lý tiêu huỷ lô hàng, và quan trọng nhất: báo cho chi cục biết lô hàng hiện đang được lưu ở đâu?
Hỏi thế là bởi, qua tự xác minh, chi cục Bảo vệ môi trường biết, lô hàng đã đưa ra khỏi nơi lưu trữ và chở đi với lý do để... “tiêu huỷ”. Nhưng chở đi và tiêu huỷ mà không có đủ hồ sơ, cũng như không có mặt cơ quan quản lý môi trường chuyên ngành. Dường như đó cũng lại là chuyện bình thường nốt.
“Giấy phép” đi buôn!Không khó khăn để có thể buôn lậu một cách... đàng hoàng. Vì không cần nhiều “thủ tục” để có thể tham gia buôn lậu, miễn là có tiền.
Tôi chỉ cần in một hộp danh thiếp, ghi rõ, tôi là trưởng phòng kinh doanh của công ty cổ phần vận tải, xây dựng và thương mại Hải Hà, có trụ sở tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tất nhiên đó là tên doanh nghiệp và địa chỉ... ma, chỉ có số di động in trên đó là thực. Hộp danh thiếp in với giá 50.000 đồng một tập ấy chính là “giấy phép” để tôi tiếp cận đầu mối hàng lậu ở Quảng Ninh và ở Hải Phòng.
H. “cua” – người được giới thiệu là có thể mua đủ mọi thứ hàng điện tử, điện máy trên đời từ Trung Quốc – tiếp tôi ngay tại kho hàng của H. tại Móng Cái. Cầm tấm danh thiếp, H. “cua” cẩn thận ghi lại số điện thoại của tôi vào trong sổ, và bắt đầu câu chuyện.
Theo lời H. “cua”, trước tiên công ty tôi cứ thực hiện nhập hàng một cách nghiêm chỉnh. Sau đó, cần thêm thì cứ điện cho H., hàng sẽ được cung cấp đầy đủ, địa chỉ giao hàng tại đâu do tôi tự chọn. Tiền hàng thanh toán bằng USD, qua một hàng vàng tại Móng Cái do H. chỉ định. “Chuyển đủ tiền trước và không nợ” – H. cẩn thận dặn dò tôi như vậy về nguyên tắc làm ăn sao cho “đàng hoàng, đứng đắn”. H. nói, để an toàn, tốt nhất tôi nên thuê xe của bên H. chuyển hàng về trong container có kẹp chì hẳn hoi.
“Quy trình” buôn lậu không khó khăn lắm. Xuân “cao” – người làm của H. đã đưa tôi đi khảo sát thủ tục nhập khẩu – nói thế. Xuân vừa nhoay nhoáy lập hồ sơ nhập khẩu một lô hàng máy tính cho chủ hàng tại Hà Nội vừa nói, trong container toàn máy tính cũ và màn hình LCD được “mông má” lại, loại này cấm nhập. Nhưng chỉ cần khai là hàng mới, nộp thuế là... xong. Hỏi cơ quan hải quan có biết không, Xuân chỉ cười và bâng quơ: “bên em” vẫn nhập được hàng đấy thôi. Trước khi tôi về, Xuân dặn: “Máy giặt, hàng âm thanh, hình ảnh, máy hàn... anh cần cứ báo chú H., việc của em chỉ làm thủ tục thôi”.
Buôn hàng cũ nhập khẩu thực sự rất dễ dàng. Tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... không quá khó để tìm những doanh nghiệp, cửa hàng chuyên bán các loại hàng cũ giá trị cao như hàng điện máy, điện tử, máy móc... Hàng cũ, chất lượng kém, hàng nhái... nhập khẩu bày bán tràn lan nhưng cực khó chứng minh nguồn gốc – đó là lời một cán bộ quản lý thị trường của Hải Phòng nói với tôi, nói khi đang ngồi trong văn phòng của anh, giữa những cửa hàng bán đồ Trung Quốc của chợ Sắt và tại phố Quang Trung (Hải Phòng).
Gần đây, bộ Tài chính ban hành thông tư 93 ngày 28.6.2010, định danh tới 53 hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan. Xa hơn, thông tư 07/1997 ngày 21.10.1997 của liên bộ Thương mại – Tài chính – Nội vụ quy định có bốn loại hàng hoá được coi là hàng lậu. Đó là: hàng cấm nhập khẩu, là hàng nhập khẩu không qua cửa khẩu, không khai báo hải quan; hay hàng nhập khẩu đang lưu hành mà không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp; và cuối cùng là hàng nhập khẩu không dán tem phụ.
Đọc hai văn bản này, để tự hỏi mình, rằng vì sao quy định đã chi tiết thế, mà hàng lậu các loại vẫn “thoải mái” nhập và bán công khai tại thị trường nội địa. Và những gì tôi đã trải qua trong quá trình tìm hiểu hoạt động này tôi mới hiểu rằng rõ ràng chính quyền còn quá nhiều việc phải làm cho dù theo báo cáo công tác quản lý thị trường năm 2010, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 13.079 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm.
Phía Bắc, hoạt động buôn lậu nổi lên ở trên tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Lạng Sơn – Bắc Giang – Hà Nội. Thủ đoạn hàng lậu được hợp thức hoá bằng hoá đơn bán hàng thông thường sau một thời gian tạm lắng xuống trong tháng 7 đã có biểu hiện gia tăng trở lại. Các đối tượng phát hành hoá đơn đã ghi đủ số lượng, chủng loại hàng hoá, riêng giá hàng hoá rất thấp so với giá thực tế; hoá đơn chủ yếu được phát hành tại địa bàn huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn (báo cáo công tác thị trường năm 2010). (còn tiếp)
bài và ảnh:
Quốc DũngMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)