Ai cũng có một miền quê mến yêu...
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
MỜI BẠN VỀ THĂM SƠN LA
Chính trị và hành chính
Bí thư tỉnh ủy: Thào Xuân Sùng
Chủ tịch HĐND: Thào Xuân Sùng
Chủ tịch UBND: Hoàng Chí Thức
Địa lí
Tỉnh lỵ Thành phố Sơn La
Miền Tây Bắc
Diện tích: 14.055 km²
Các thị xã / huyện: 1 thành phố và 10 huyện
Nhân khẩu
Số dân: 1.080.641 người
Mật độ: 77 người/km²
Dân tộc: Việt, Thái, H'Mông, Mường, Dao, [K'Mú],La Ha, Lào, Hoa, Kháng, Xinh Mun, Tày.
Mã điện thoại: 22
Mã bưu chính: 27
ISO 3166-2: VN-05
Biển số xe: 26
Sơ lược về Sơn La
Sơn La phía bắc giáp Yên Bái và Lai Châu, nam giáp tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Louangphabang, Houaphan của Lào, phía đông giáp Hòa Bình và Phú Thọ, phía tây giáp Điện Biên. Đường biên giới với Lào dài 250 km.
Sơn La có độ cao trung bình 600m so với mặt nước biển. Địa hình chia thành 3 vùng sinh thái: vùng dọc trục quốc lộ 6, vùng hồ sông Đà và vùng cao biên giới.
Sơn La có hai cao nguyên: Mộc Châu (cao 1.050 m) và Nà Sản (cao 800 m).
Về địa hình Sơn La gồm 3/4 là đồi núi và cao nguyên, đất đai tương đối màu mỡ, thích hợp với các loại cây công nghiệp, cây lâu năm.
Khí hậu đặc trưng cận ôn đới, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.
Sơn La có một thành phố và 10 huyện:
Thành phố Sơn La
Quỳnh Nhai
Mường La
Thuận Châu
Phù Yên
Bắc Yên
Mai Sơn
Sông Mã
Yên Châu
Mộc Châu
Sốp Cộp
Lịch sử
Phần lớn tỉnh Sơn la ngày nay (gồm TP Sơn La, huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu) trước năm 1479 là lãnh thổ của Vương Quốc Bồn Man (gồm Tương Dương, Kỳ Sơn của Nghệ An, Quan Hoa, Quan Sơn, Mường Lát của Thanh Hóa, tỉnh Hủa Phan của Lào và phần lớn Sơn La). Năm 1479 Sơn La chính thức được sát nhập vào Đại Việt thời vua Lê Thánh Tông và thuộc xứ Hưng Hóa
24 tháng 5 năm 1886: thành lập châu Sơn La (thuộc phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hoá), tách từ tỉnh Hưng Hóa thành cấp tương đương với tỉnh.
9 tháng 9 năm 1891 thuộc Đạo Quan binh 4.
27 tháng 2 năm 1892: thành lập tiểu quân khu Vạn Bú gồm 2 phủ và 8 châu.
10 tháng 10 năm 1895: thành lập tỉnh Vạn Bú, tỉnh lỵ ở Vạn Bú (tức Tạ Bú).
23 tháng 8 năm 1904: đổi tên thành tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ chuyển về nơi ngày nay là thành phố Sơn La.
Sau năm 1946, tỉnh Sơn La cùng với hai tỉnh Lai Châu và Phong Thổ (do Pháp lập ra) lập thành "Xứ Thái tự trị”nằm dưới sự chỉ đạo của Pháp.
Bạc Cầm Quý làm tỉnh trưởng Sơn La.
1948-1953: thuộc Liên khu Việt Bắc. Lúc này tỉnh Sơn La có 6 huyện: Mường La, Thuận Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu.
1953-1955: thuộc Khu Tây Bắc
1955-1962: bỏ cấp tỉnh, thuộc Khu tự trị Thái Mèo.
1962-1975: tái lập tỉnh, thuộc Khu tự trị Tây Bắc (đổi tên từ Khu tự trị Thái Mèo), có 7 huyện: thêm huyện Quỳnh Nhai và Sông Mã, còn huyện Phù Yên chuyển sang tỉnh Nghĩa Lộ mới thành lập.
Sau khi giải thể Khu tự trị Tây Bắc, tỉnh Sơn La nhập thêm 2 huyện của tỉnh Nghĩa Lộ giải thể là Phù Yên và Bắc Yên.
Lịch sử phát triển của Sơn La:
1. Thưở Hùng Vương dựng nước, Sơn La thuộc bộ Tân Hưng là 1 trong 15 bộ của nước Văn Lang. Riêng tên “ Sơn La ” xuất hiện đầu tiên vào giữa thế kỷ XVIII dưới thời Lê - Trịnh.
2. Tháng 01/1888 thực dân Pháp đánh chiếm vùng Tây Bắc. Ngày 10/10/1895 thực dân Pháp chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị hàng chính, thành lập tỉnh lấy tên là Vạn Bú, sau đổi thành Sơn La và chuyển tỉnh lỵ từ Pá Giang thuộc tổng Hiếu Trai về Sơn La. Tên tỉnh Sơn La chính thức có từ đó. Cũng từ đây nhân dân các dân tộc Sơn La sống trong kiếp 1 cổ 2 tròng kéo dài 50 năm ( 1895-1945 ).
3. Ngày 03/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và từ nhà ngục Sơn La ánh sáng cách mạng đã chỉ cho nhân dân các dân tộc Sơn La thấy rõ con đường giải phóng dân tộc là phải đứng lên làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
4. Ngày 26/8/1945 nhân dân các dân tộc Sơn La đã đứng lên giành chính quyền thắng lợi, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập.
5. Trải qua 9 năm kháng chiến ( 1946 - 1954 ) quân và dân các dân tộc Sơn La cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Ngày 01/12/1952 chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La cơ bản được giải phóng. Từ đây nhân dân các dân tộc Sơn La bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực mới góp phần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, giải phòng hoàn toàn Miền Bắc, cùng với nhân dân miền bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cùng với miền nam tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thống nhất đất nước.
6. Đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tự lực, tự cường ra sức khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1986, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, tiềm năng, thế mạnh của Sơn La được phát huy mạnh mẽ và diện mạo Sơn la ngày càng thay đổi."Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
CÁC DÂN TỘC ANH EM SƠN LA
Sơn La có 12 Dân tộc anh em sinh sống:
Dân tộc Hoa
Dân tộc Hoa còn gọi là Hán, gồm những nhóm khác biệt nhau nhất định về tiếng nói, tên gọi, lịch sử di cư. Đồng bào Hoa ở tỉnh ta hiện nay không nhiều, cư trú chủ yếu ở các thị trấn, thị xã, làm nghề buôn bán nhỏ, mở hàng ăn.Trong gia đình người Hoa, chồng là chủ hộ; cha mẹ là người quyết định hôn nhân cho con cái. Người Hoa thích “Sơn ca” (san của), ca kịch; ngày tết thường biểu diễn múa sư tử, múa quyền thuật và nhiều phong tục dân gian đặc sắc.
Dân tộc Lào
Dân tộc Lào ở Sơn La thuộc nhóm Lào cạn, đồng bào cư trú chủ yếu ở huyện Sông Mã, Thuận Châu. Tiếng Lào thuộc ngôn ngữ Tày- Thái, người Lào thờ tổ tiên, chịu ảnh hưởng của đạo phật.
Phụ nữ Lào nổi tiếng khéo tay dệt vải. Họ mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thêu hoa văn rực rỡ; áo ngắn bó lấy thân với hàng khuy bạc; tay ưa đeo nhiều vòng.Trong vốn văn nghệ dân gian, người Lào có điệu múa lăm vông và các làn điệu dân ca nổi tiếng.
Dân tộc Kháng
Dân tộc Kháng thuộc nhóm người dân tộc thiểu số ở Sơn La, cư trú ở các huyệnThuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La. Dân tộc Kháng còn có tên gọi khác là: Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đôn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá ái, Xá Bung. Tiếng Kháng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ mer.
Người Kháng canh tác theo lối làm nương rẫy chọc lỗ bỏ hạt, trồng lúa nếp. Trang phục phụ nữ Kháng giống phụ nữ Thái, nhuộm răng đen, ăn trầu. Người Kháng ở nhà sàn có 3 gian, 2 trái, mái mai rùa. Theo phong tục, người chết được chôn cất rất chu đáo, trên mộ có nhà mồ. Người Kháng quan niệm mỗi người có 5 hồn. Bố mẹ chết được thờ trên tấm phên ở góc nhà, đó là ma nhà. Hàng năm dân bản cúng ma trời và ma đất 1 lần.
Dân tộc La Ha
Ở nước ta, dân tộc La Ha cư trú tại Sơn La và Lào Cai. Đồng bào có tên gọi là Xá, Puộc, Xá Khao, Pụa, Khlá, PLạo. Tiếng La Ha thuộc nhóm ngôn ngữ Ka đai. Hiện nay ở tỉnh ta người La Ha cơ trú đông nhất ở Thuận Châu và Mường La.
Dân tộc La La sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy, theo lối du canh, hái lượm, săn bắn và đánh bắt cá. Ngày nay, nhiều nơi đồng bào đã làm ruộng, quần tụ thành bản với vài chục nóc nhà.
Người La Ha không dệt vải mà chỉ trồng bông đem đổi với người Thái để lấy quần áo mặc nên giống người Thái đen. Hàng năm vào mùa hoa Ban nhà nhà đều làm lễ tạ ơn chúa.
Dân tộc Khơ Mú
Dân tộc Khơ Mú thuộc nhóm dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, đồng bào cư trú chủ yếu ở các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã. Tên gọi khác của đồng bào Khơ Mú còn gọi là Xá Cẩu, Nứa Xen, Pu Thành, Tày Hạy. Tiếng Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ mer.
Người Khơ Mú sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy, hái lượm giữ vị trí quan trọng. Người Khơ Mú không phát triển nghề dệt vải mà mua, trao đổi quần áo của người Thái để mặc. Sắc thái người Khơ Mú qua trang phục đã bị mai một, tuy nhiên trang phục của người phụ nữ Khơ Mú còn khá rõ và riêng biệt.
Họ của người Khơ Mú thường mang tên một loài thú, một loại chim - mỗi dòng họ có một huyền thoại. Dân tộc Khơ Mú tuy cuộc sống vật chất nghèo khó, nhưng đời sống tinh thần và văn hoá lại khá dồi dào, tiêu biểu là các điệu xoè, Tăng bu, công tấp, áu eo .
Dân tộc Tày
Dân tộc Tày là cộng đồng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. ở tỉnh ta dân tộc Tày số lượng không nhiều. Dân tộc Tày còn có tên gọi là Thổ. Phần đông người Tày cư trú ven các thung lũng, triền núi thấp.
Người Tày có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển, với đủ loại cây trồng, như: Lúa, ngô, khoai, rau, quả.
Bản của đồng bào Tày thường ở ven suối, triền núi từ 15- 20 nóc nhà. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, ruộng đồng, khúc suối. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, phòng nữ ở trong. Người Tày mặc quần áo vải bông nhuộm chàm, áo phụ nữ dài đến bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách ở bên phải, cài 5 khuy.
Thờ cúng tổ tiên là nghi lễ hàng đầu của người Tày. Nơi thờ tổ tiên ở vị trí trung tâm, tôn nghiêm nhất trong nhà. Dân tộc Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú, đủ các thể loại: Thơ, ca, múa, nhạc, có cả múa rối.
Người Tày mến khách, cởi mở, dễ gần, thích nói chuyện. Họ rất trọng những người cùng tuổi, khi đã kết nghĩa bạn bè thì coi như anh em ruột thịt.
Dân tộc Xinh Mun
Dân tộc Xinh Mun ở tỉnh ta chia làm 2 nhóm Xinh Mun nghẹt và Xinh Mun dạ, cư trú chủ yếu ở vùng biên giới Việt- Lào thuộc huyện Yên Châu. Ngoài ra, còn có một số sống rải rác ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La. Người Xinh Mun còn có tên gọi là Puộc, Pụa. Tiếng Xinh Mun thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ Mer.
Người Xinh Mun sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, theo lối trọc lỗ bỏ hạt. Người Xinh Mun xưa kia sinh sống nhờ hái lượm và săn bắn. Nghề đan lát khá phát triển, đồ đan đẹp và bền. Đồng bào Xinh Mun thường đan lát cho người Thái, người Lào để lấy quần áo mặc. Trước kia người Xinh Mun sống du canh du cư, nay đồng bào đã ổn định, lập bản đông đúc.
Đồng bào ở nhà sàn, mái hình mai rùa, có hai thang lên xuống ở hai đầu. Người Xinh Mun thường mang họ Lò và họ Vi. Các hình thức sinh hoạt văn hoá như thờ tổ tiên, sảy típ, mạ ma mang đậm cốt cách dân tộc Xinh Mun.
Dân tộc Dao
Dân tộc Dao ở Sơn La quần cư chủ yếu ở các huyện Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Bắc Yên. Dân tộc Dao ở Sơn La chiếm 2,5% dân số. Ngôn ngữ thuộc nhóm Mông- Dao, các nhóm Dao đều thờ tổ tiên là họ Bàn Hồ. Đồng bào Dao sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và ruộng nước. Nông cụ sản xuất thô sơ, nhưng canh tác có nhiều tiến bộ. Một số nghề thủ công phát triển như: Dệt vải, rèn, mộc, ép dầu.
Đàn ông Dao để tóc dài, búi sau gáy, hoặc để chỏm trên đỉnh đầu, nay hầu hết đã cắt tóc ngắn. Y phục thường gồm quần và áo dài, áo ngắn. Trang phục phụ nữ phong phú hơn, giữ nhiều nét trang trí hoa văn truyền thống. Phụ nữ Dao để tóc dài. Cô dâu ngày cưới đội mũ. Dưới chế độ cũ, lễ cưới gồm nhiều nghi thức phức tạp.
Dân tộc Dao có nền văn hoá và lịch sử lâu đời. Mặc dù điều kiện, cơ sở kinh tế thấp kém, nhưng đời sống văn hóa dân gian rất phong phú, đặc biệt là y phục dân tộc cổ truyền. Đồng bào Dao không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá gọi là chữ Nàm Dao. Người Dao có quan hệ họ hàng chặt chẽ và thông qua tên đệm để xác định dòng họ, vai vế của người đó trong quan hệ họ hàng.
Dân tộc Kinh
Dân tộc Kinh còn gọi là người Việt, ở Sơn La là nhóm đông thứ hai, chiếm 18% dân số toàn tỉnh. Dân cư tập trung ở các khu đô thị, thị tứ. Tiếng Kinh thuộc ngôn ngữ Việt - Mường.
Ngoài bộ phận đồng bào kinh cư trú tại địa bàn Sơn La từ xa xưa, nhiều người mới chuyển đến từ đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Nhất là từ khi nghe theo tiếng gọi của Đảng xây dựng phát triển kinh tế miền núi, đồng bào Kinh từ các tỉnh đồng bằng lên Sơn La; gia đình của bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở lại xây dựng miền núi khá đông. Hiện nay, một số vùng trong tỉnh đông đồng bào Kinh sinh sống, gồm đồng bào Kinh tỉnh Hải Hưng ở khu vực huyện Sông Mã, Yên Châu; tỉnh Thái Bình ở Thuận Châu, tỉnh Hà Tây ở Mai Sơn v.v.
Đồng bào Kinh ở Sơn La sinh sống xen kẽ với đồng bào các dân tộc, đã nhanh chóng hoà nhập trong lao động sản xuất, giao lưu văn hoá, đoàn kết tạo ra sự gắn kết, hoà nhập cùng phát triển trên mảnh đất Sơn La.
Đồng bào Kinh ở Sơn La sinh sống xen kẽ với đồng bào các dân tộc, đã nhanh chóng hoà nhập trong lao động sản xuất, giao lưu văn hoá, đoàn kết tạo ra sự gắn kết, hoà nhập cùng phát triển trên mảnh đất Sơn La.
Dân tộc Mường
Dân tộc Mường ở tỉnh ta là bộ phận dân tộc đông thứ tư, chiếm 8,4% dân số, cư trú chủ yếu ở vùng Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu. Người Mường có tên gọi MoJ, Mual, Moi. Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt- Mường. Người Mường thờ cúng tổ tiên và tin vào đa thần giáo.
Đồng bào Mường định cư ở nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông và có nghề làm ruộng lâu đời. Nghề thủ công tiêu biểu của dân tộc Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Phụ nữ Mường dệt thủ công kỹ nghệ khá tinh xảo. Trang phục nam giới Mường là quần áo cánh màu chàm. Phụ nữ đội khăn trắng hình chữ nhật, mặc yếm và áo cánh ngắn, thân cổ, xẻ ngực (có nơi xẻ vai), ít cài cúc. Váy của phụ nữ Mường khá dài được dệt bằng tơ, nhuộm màu, tạo những hoa văn hình học và hình con rồng, phượng, hươu, chim rất đẹp.
Đồng bào Mường có nhiều ngày lễ hội hàng năm: Hội xuống đồng (khuống mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá, lễ cơm mới v.v. Kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc Mường khá phong phú, có các thể loại: Thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, đồng dao, tục ngữ. Cồng là nhạc cụ rất đặc sắc của đồng bào Mường. Ngoài ra, còn có nhị, sáo, trống, khèn, tù.
Dân tộc H'Mông
Dân tộc H'Mông ở Sơn La sinh sống hầu khắp các địa bàn, thường ở trên các triền núi cao. Đồng bào H'Mông chiếm 12% dân số toàn tỉnh. Đồng bào H'Mông có nhiều nhóm, gồm H'Mông Đơ (Mông trắng), H'Mông Lềnh (Mông Hoa), H'Mông Đu (Mông đen). Tiếng H'Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao.Nguồn sống chính của đồng bào H'Mông là làm nương rẫy, trồng ngô, lúa ở một số nơi đồng bào H'Mông biết làm ruộng bậc thang. Ngoài ra, đồng bào trồng lanh để lấy sợi, dệt vải và trồng cây dược liệu.
Quần áo của đồng bào H'Mông chủ yếu may bằng vải lanh tự dệt. Một bộ y phục phụ nữ H'Mông gồm có: Váy, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Váy may và trang trí nhiều hoa văn rất công phu, là váy mở xếp, nếp xoè rộng.
Đồng bào dân tộc H'Mông cho rằng những người cùng dòng họ là anh em cùng tổ tiên, có thể ở trong nhà nhau và chết trong nhà nhau, phải luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cưu mang lúc nguy nan và tính tự trọng, gắn kết cộng đồng rất cao. Hôn nhân của dân tộc H'Mông theo tập quán kén chọn bạn đời, những người cùng dòng họ không được lấy nhau, đặc biệt vợ chồng dân tộc H'Mông đã lấy nhau rất ít bỏ nhau mà yêu thương hoà thuận. Hằng năm vào ngày Tết độc lập 2-9, đồng bào H'Mông khắp nơi thường kéo về vui chơi ở huyện Mộc Châu tạo thành một lễ hội văn hoá hình thành một tập tục rất đặc sắc, đó là một ngày hội lớn của đồng bào H'Mông cần được khuyến khích, duy trì.
Dân tộc Thái
Dân tộc Thái là cộng đồng đông nhất ở Sơn La, chiếm 54% dân số, gồm các nhóm Tay Đăm (Thái đen) và Tay Khao (Thái trắng). Ngôn ngữ tiếng Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái. Trang phục đồng bào Thái: Nam giới mặc âu phục, vải thổ cẩm. Phụ nữ mặc áo cóm, váy, khăn piêu, với lối trang sức truyền thống riêng rất đặc sắc. Người Thái ở nhà sàn, mỗi bản có từ 40- 60 nóc nhà kề bên nhau. Bản của người Thái thường ở vùng thấp, gần nguồn nước, gắn với sản xuất ruộng nước.
Đồng bào Thái có đời sống văn hoá rất đặc sắc, có tiếng nói, chữ viết riêng. Trong kho tàng văn hoá, đồng bào Thái có thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao là vốn văn học cổ truyền nổi tiếng, với các tác phẩm “Xống chụ xon xao, Khu lú Nàng ủa”... Đồng bào Thái rất ưa ca hát, múa xoè, đặc biệt Khắp là lối ngâm thơ, hát theo lời thơ, có đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa xoè, múa sạp của đồng bào Thái nổi tiếng khắp cả nước và thế giới, được đoàn nghệ thuật đưa thành bài học múa cơ bản."Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Sơn la đất nước con người
Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên 14.125 km chiếm 4,27% tổng diện tích cả nước, đứng thứ 3 trong số 64 tỉnh thành phố trong cả nước. Toạ độ địa lý vĩ độ Bắc và 103 kinh độ Đông. Điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho Sơn La tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông - lâm sản, hàng hoá có lợi thế với quy mô lớn mà ít nơi có được như chè đặc sản chất lượng cao trên cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản, chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu, phát triển cây dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, là vùng đất có nhiều ưu thế phát triển cây cà phê, cây chè và nhiều loại cây ăn quả. Một vùng đất có thể phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến chè và nông, lâm sản khác. Sơn La có 4 khu rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên: Xuân Nha (Mộc Châu) 38.000 ha, Sốp Cộp (Sông Mã) 27.700 ha, Copia (Thuận Châu) 9.000 ha, Tà Xùa (Bắc Yên) 16.000 ha. Sơn La có lợi thế rất lớn về tiềm năng thuỷ điện, đặc biệt công trình thủy điện Sơn La lớn nhất cả nước với tổng công suất 2.400MW được khởi công xây dựng. Đây chính là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh chóng, tạo ra sự đột biến về tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp kéo theo sự phát triển của kết cấu hạ tầng và dịch vụ. Khi đó, Sơn La có nguồn điện lưới quốc gia đi qua là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế. Điều kiện phát triển du lịch thuận lơi do có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú, các mỏ suối nước khoáng nóng, vùng hồ sông Đà, các di tích lịch sử cách mạng như bảo tàng nhà tù Sơn La, cây đào Tô Hiệu, văn bia Lê Thánh Tông… có thể kết hợp với các tỉnh bạn để phát triển du lịch tổng hợp, nhất là vùng cao nguyên Mộc Châu có khí hậu mát mẻ giống như Đà Lạt. Nhân dân các dân tộc Sơn La có truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, tuyệt đối trung thành, kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Tỉnh luôn đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an ninh, quốc phòng. Địa hình của tỉnh Sơn La chủ yếu là núi và cao nguyên. Mạng lưới sông suối ở đây khá dày đặc, nguồn nước dồi dào, có tiềm năng về thủy điện. Tài nguyên khoáng sản của tỉnh khá đa dạng và phong phú vì vậy công nghiệp Sơn La có nhiều triển vọng. Sơn La, một địa bàn lý tưởng để phát triển cây dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, là vùng đất có nhiều ưu thế phát triển cây cà phê, cây chè và nhiều loại cây ăn quả.
Văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ vua Lê Thánh Tông
Để bảo vệ vững chắc miền biên cương phía Tây của Tổ quốc vị Vua trẻ Anh minh, tài thao lược Lê Thái Tông (1423 - 1442) đã 2 lần thân chinh cầm quân lên Miền Tây dẹp loạn phản nghịch vào tháng 3 năm Canh Thân 1440 và 1441Vua Lê Thái Tông đã để lại nơi đây bút tích một bài thơ bằng chữ Hán "Quế Lâm Ngự Chế" được khắc trên một vách đá nhằm khẳng định sự thống nhất của đất nước và mong muốn thiên hạ thái bìnhTrải qua hơn 500 năm dãi dầu mưa nắng cùng những biến động của lịch sử những nét chữ khắc tạc vào vách đá vẫn còn rõ nétĐền thờ Vua Lê Thái Tông mang dáng dấp kiến trúc Đền cổ Việt Nam với các hoạ tiết mang đậm nét tâm linh của dân tộc, được khởi công tháng 9/2001, khánh thành 22/01/2003 để ghi nhớ công đức của nhà Vua, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân địa phương Di tích lịch sử - văn hoá này nằm trên địa phận tổ 2, phường Chiếng lề, thị xã Sơn La.
Tại trung tâm thị xã Sơn La có một di tích lịch sử - văn hóa, đó là văn bia “Quế Lâm Ngự Chế”, bút tích của một bậc hùng tài, đại lược – Vua Lê Thái Tông. Vào tháng 5 năm 1440, sau khi nhà Vua cùng các quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn vùng Tây Bắc và nghỉ chân tại tại động La (địa phương gọi là Thẩm Ké) cảm xúc trước cảnh đẹp và khung cảnh bình yên nơi đây nhà Vua đã viết một bài thơ “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá thẳng đứng trên cửa động. Bài thơ có 140 chữ Hán tạm dịch như sau:
“Nghĩ đến người xa đêm khổ tâm
Thổ tù sao lại dám quên thân?
Thế gian đã có anh hùng chúa
Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thân
Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm
Hang cùng đã ấm áp hơi xuân
Yên được dân lành nhơ nhớp hết
Dân xa được hưởng tấm lòng nhân”
Di tích được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng quốc gia ngày 05/2/1994. Di tích đã minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của vị vua hùng tài.
Sau khi đọc văn bia, ngắm bức tranh thủy mặc của thị xã Sơn La, mời du khách vào thăm Thẳm Báo Kế. Cửa hang ở dưới văn bia, xuống mười bậc đá là tới. Vào tới của hang du khách sẽ cảm thấy nhẹ nhàng bởi khí hậu mát mẻ, hang thoáng rộng và cảnh đẹp mà thiên nhiên tạo nên. Ngay cửa hang là một ao sâu được tạo bởi những vỉa đá, giữa ao là một khối đá hình con cá sấu đang vươn lên đớp mồi, trên bờ ao là một chú khỉ đang đùa nghịch và một chú ếch đang trầm tư suy nghĩ. Qua ao là vào trong lòng hang. Hang rộng 5 m, dài 20 m, cao 6 m. Trần hang là những nhũ đá rủ xuống tạo thành những dàn đèn lấp lánh, nhìn sang tay trái là những vỉa đá vôi tạo thành những nhũ đá liền nhau giống như một đoàn quân trùng điệp. Bên phải là đụn thóc khổng lồ được tạo bởi những nhũ đá như những bó lúa vàng xếp tầng tầng lớp lớp thể hiện sự no ấm của muôn dân. Men theo tay phải của cây thóc lên cao khoảng vài bước là những giếng trời và bồn nước được tạo bởi những nhũ đá uốn cong mềm mại. Trên đỉnh cây thóc là một khối đá hình chuông treo lở lửng, khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh trầm ấm. Cảnh đẹp trong hàn như quy tụ được vạn vật trên mảnh đất này. Nó càng kỳ ảo hơn khi những tia nắng ban mai chiếu vào làm cho các nhũ đá lấp lánh, sinh động.
Ra khỏi hang, rẽ tay phải khoảng 200m du khách sẽ tới Đền Vua Lê Thái Tông. Ngôi đền được khởi công xây dựng vào tháng 9/2001 và khánh thành vào ngày 22/1/2003 để ghi nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông. Đền được xây dựng trên diện tích 800m2 theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ Việt Nam, bao gồm các hạng mục: cổng tam quan, sân đền, nhà tả hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung. Nằm ở hướng Nam chếch Đông, nên Đền đón được những cơn gió mát mẻ của mùa hè, những tia nắng ban mai và tránh được những đợt gió bấc mùa đông.
Đến với di tích Quế Lâm ngự chế du khách được ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình của châu Mường La và sự sầm uất của thị xã Sơn La hôm nay. Thắp một nén nhang tưởng nhớ công đức của nhà vua và quân sỹ của ông, du khách sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản trước bức tranh thiên nhiên muôn màu sắc và gửi gắm một chút lòng mình vào chốn linh thiêng.
Thành phố Sơn La
Nhà tù Sơn La được Thực Dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m, chủ yếu dùng để giam cầm tù thường phạm Ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Đông Dương ra đời và lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của Cách mạng Việt Nam ngày một dâng cao; Thực Dân Pháp đã mở rộng nhà tù Sơn La thêm 1500 m vào năm 1940.Thực Dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng chính nơi tù đầy tăm tối này, hơn bao giờ hết khí tiết của người chiến sĩ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ xung cho Đảng, cho Cách mạng Việt Nam những chiến sĩ Cộng sản xuất sắc như các đồng chí Tô Hiệu, Lê Quẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và bao đồng chí trung kiên khác.Từ năm 1930 đến năm 1945, 1007 lượt chiến sĩ cách mạng của đảng, của dân tộc đã bị Thực Dân Pháp giam cầm, đầy ải ở chốn ngục tù này. Mỗi năm di tích đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan nghiên cứu, học tập. Di tích lịch sử Cách mạng nhà tù Sơn La nằm trên đồi Khau Cả, tổ 8, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La.
Hình ảnh nhà Tù Sơn La
Rừng thông bản Áng - Đông Sang - Mộc Châu
Hai dãy hồ nước chạy đài theo hướng Đông - Tây với độ cao thấp khác nhau, hai hồ nước tự nhiên 750m nằm sát cạnh rừng thông có diện tích 43 ha gồm 2 chủng loại thông địa phương, thông Đà Lạt trải dài trên dãy đồi đất Feralít đỏ nâu đã tạo cho nơi đây thành một cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp. Lễ hội "Xe chả" của dân tộc Thái nơi đây còn mang đậm nét tâm linh và được tổ chức vào ngày rằm sau Tết Nguyên Đán. Những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện bên những tán cây xanh tươi, bên dòng suối, hồ nước, dường như là một phần không thể thiếu được của khung cảnh nơi này Bàn tay khéo léo của các cô gái Thái xinh đẹp bên khung dệt đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh tế, đa dạng. Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng khèn, vũ điệu truyền thống và những bài ca dân dã trữ tình, các món ăn, đồ uống mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc và bao điều thú vị khác nữa đang chờ đón bạn tại điểm hấp dẫn này. Với quãng đường 2500m. từ UBND huyện Mộc Châu theo hướng Bắc, bạn đã có mặt tại điểm đến này.
Thác Dải Yếm – Sơn La
Thác nước Bản Vặt, một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú rừ rất xa xưa của tộc người Thái ở vùng đất Mường Sang xưa, Mộc Châu ngày nay. Có thể nói đây là một cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cho chủ nhân vùng đất này. Ngoài tên gọi dân dã trên, thác nước này còn có tên gọi khác như thác Nàng, thác Dải Yếm, nhằm ví vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn. Theo tiếng Thái thì “Vặt” nghĩa là nơi người đã cứu dân trong vùng khỏi tai họa sinh sống. Đến với Bản Vặt du khách sẽ được nghe kể về truyền thuyết hình thành nên bản. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ mà tạo hóa ban tặng cho chủ nhân của vùng đất này, được đắm mình vào khung cảnh hoang sơ, u tịch, huyền bí đến mê mẩn lòng người như được trở lại quá khứ thủa khai thiên lập địa, được thỏa sức tưởng tượng ra bao nhiêu kỳ thú tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người. Điểm khởi nguồn của dòng Suối Vặt là từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu, chảy từ hang đá ở địa đầu bản Vặt, một bản của dân tộc Thái có thể nói là có lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất này khi tộc người Thái đến định cư ở đây. Từ nguồn nước trong núi đùn lên, tạo thành suối Vặt và chảy về đến thác nước, nơi du khách sắp xuống thăm quan có độ dài gần 5 km, lượng nước của suối có quanh năm, khi chảy đến đây dòng chảy bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước tràn ứ lên, chảy ngược lại, lượng nước ở đây cứ dâng lên và tràn về phía bờ thấp hơn và đổ xuống phía dưới và tạo thành thác nước và hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập một dòng suối lớn bắt nguồn từ Bản Bó Sập giáp biên giới Việt Lào chảy về đất Yên Châu. Theo dòng suối ngược lên đầu tiên du khách bắt gặp con thác thứ nhất. Dưới lòng suối Bó Sập là hàng ngàn viên đá, tảng đá có hình dáng khác nhau, trông thật lạ mắt, vào mùa đủ nước từ tháng 4 đến tháng 9 thì toàn bộ 70 m chiều rộng thác là một màn nước trắng xóa đổ xuống trông thật hùng vĩ, thơ mộng. Thác nước thứ hai, cách thác nước thứ nhất 150m về phía dưới càng làm cho du khách ngạc nhiên và thú vị hơn, vào mùa khô chỉ có một dòng chảy từ độ cao 50 m xuống triền đá phía dưới. Thảm thực vật trên đỉnh thác vô cùng phong phú, tạo cho khung cảnh rất hùng vĩ. Từ thác nước Vặt ngược trở lại quốc lộ 43 khoảng 600 m và rẽ về phía tay phải theo đường dân sinh khoảng 300 m thì bạn đang đứng giữa bản Vặt. Có thể nói đây là một bản có lịch sử lâu đời nhất của tộc người Thái, nó gắn liền với quá trình lập bản của người Thái theo như truyền thuyết ở bên. Đây là một bản thuần Thái với các dòng họ: Sa, Hà, Hoàng.. cư dân trong bản vẫn lưu giữ được các yếu tố tộc người truyền thống như: nhà sàn và cách bài trí trong nhà, trang phục truyền thống; kinh tế ruộng nước và nương dãy, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa ẩm thực, dân cư ở đây vẫn giữ được giá trị văn hóa nghệ thuật lâu đời, văn nghệ dân gian và có chung với bản Áng, một lễ hội dân gian là “lễ hội Xe chá” mang đậm nét tâm linh. Ở Bản Vặt còn một số di vật liên quan đến chùa như hồ nước của nhà chùa tiếng địa phương gọi là “Noong Buông” nghĩa là hồ sen là nơi tắm rửa tượng phật vào dịp cuối năm. Đến thăm quan nơi này, bạn sẽ được những người già trong bản kể lại lịch sử của bản và chùa Vặt, được đắm mình trong lễ hội “Xe Chá” vào dịp tết nguyên đán, được thưởng thức các lời ca, tiếng hát, điệu múa truyền thống và ẩm thực ngay trên mảnh đất thân yêu này."Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
SƠN LA QƯÊ TÔI :15-4-1963 NK tôi sau khi tôt nghệp Đại học,Với tinh thần "Thanh niên 3 sẵn sàng" đã hồ hởi vác ba lô lên Sơn La công tác.Ngày ấy giao thông còn chưa phát triển nên đi Ô tô từ Hà Nội-Sơn la 305 cây số mất 2 ngày rưỡi.NK ở Sơn La tròn 21 năm,ngoài công tác chuyên môn,lấy việc học tiếng Thái và tự học chữ Hán (qua Đường thi tam bách thủ) đi sâu tìm hiểu vốn Văn học dân gian các Dân tộc anh em (mặc_) dù NK không học văn,không theo nghề văn)15-4-1984 NK được điều vệ công tác ở Thủ đô...Sau một thời gian dài tích luỹ,nung nấu,từ 1995 (57 tuổi) NK bắt đầu "xuất chưởng" Thơ văn trình Làng: dịch Sống chụ son sao, viết tuỳ bút "xứ Thái mù sương",xuất bản tập thơ "gửi Mường Bản xa xăm" với tấm lòng"Qua dốc Vân Hồ-đèo 46/Sơn La ngoảnh lại hoá thành Quê",Thơ Văn trước hết là tình Người,là biết ơn xứ sở đã đùm bọc nuôi dưỡng ta nên Người...Ta là con nợ của Quê hương là vậy !
Nhớ SƠN LA
Sớm mai dậy nhớ mây hồng đỉnh núi
Tiếng gà rừng vang động cả hồn tôi
Về Kinh xa bản xa mường
đêm mơ tiếng suối bên giường chảy quanh
@ NK
Sơn La đang trên đà phát triển và chuyển mình rất nhanh, Sơn La luôn dang rộng vòng tay chào đón những tấm lòng, những tâm hồn yêu phố núi.
Mời NK về thăm lại Sơn La nhé.
Chỉ 5h xe chạy là NK có thể đứng giữa trung tâm Thành phố Sơn La rồi.
Cho Hoanui được phép gọi NK là chú ạ.
Hy vọng một ngày nào đó được nghe chú kể về những năm tháng công tác tại phố núi yêu thương của cháu."Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Văn hoá ẩm thực
Ở Sơn La, những món ăn đặc sản từ cây rừng, từ ao vườn, ruộng đồng, được chế biến bởi những bàn tay khéo léo của người con gái bản đảm đang thành những món ăn ngon khó quên.
Ai đã từng một lần ghé qua vùng Tây Bắc, từng sống dù chỉ vài ngày trong các bản làng của người dân tộc, từng quan sát và chứng kiến cuộc sống hằng ngày của họ, hẳn sẽ không bao giờ quên được những món ăn bình dị nhưng đậm chất văn hóa của người dân nơi đây.
Cơm lam
Cơm lam vẫn thấy trong các tiệc tùng lễ hội của nhiều dân tộc trên núi rừng Sơn La. Nhưng với người Thái, nó còn có trong từng bữa ăn thường ngày. Cũng là từ hạt nếp nương, nhưng cơm lam là loại cơm đặc biệt ngon vì nó không được nấu theo cách thức thông thường mà được nướng trên rừng rực than củi trong những ống nứa. Gạo nếp ngâm ủ qua đêm được cho vào từng ống nứa non, một loại tre rừng đặc biệt có lớp vỏ lụa mỏng bên trong lòng đốt, thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối khô rồi đưa lên bếp đốt cho đến khi vỏ ống tre cháy sém. Sau đó chẻ tách phần cật nứa chỉ còn lại lớp lụa mỏng bó chặt từng cây cơm trắng nõn nà. Trên lớp vỏ lụa trắng mỏng ấy có thoáng chút mặn, chút hương của rừng và của khói làm cho miếng cơm dẻo thật sự thăng hoa. Ăn cơm lam, ngoài muối vừng, không thể thiếu một loại thức chấm có tên là chẩm chéo. Chẩm Chéo được chế biến từ muối, ớt tươi nướng, hành, rau mùi…, đặc biệt không thể thiếu loại trái rừng có tên là mắc khén, tất cả được đâm nhuyễn. Không có mắc khén không làm ra chẩm chéo, không có chẩm chéo không thành bữa cơm lam. Cơm lam Sơn La thường được bán vào mùa đông. Vì loại ống nứa để nướng cơm lam mùa này mới có. Để thưởng thức được một ống cơm lam.
Cháo Mắc Nhung
Hay như món cháo “Mắc nhung” mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi như món “Mọ gà” của đồng bào dân tộc Thái, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị, Ngày nay, cháo “Mắc nhung” đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo Mắc nhung (tiếng Mường gọi là quả ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả Mắc nhung vào, đập thâm củ gừng, ở nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo "Mắc nhung" đặc sản thơm nồng, đặc sánh.
Món ăn từ măng
Các món ăn ngày tết của các dân tộc ở Sơn La cũng là một nét văn hoá ẩm thực gây ấn tượng sâu sắc đối với những ai đã từng đặt chân đến đây. Một số dân tộc ở Sơn La từ xưa đã có lệ vào mùa măng (nhất là măng tre, vầu, bương. lay) là làm các loại măng giành cho tết.. Măng chua: Chủ yếu dùng măng vầu, bương thái nhỏ hoặc giã cho vào hũ ủ lên men, càng để lâu càng chua. Măng chua chủ yếu để xào với các loại lòng lợn, gà và xào với thịt mỡ ăn đỡ ngấy. Măng héo: (Nó héo): Bà con Thái Trắng, đồng bào Mông ở Mộc Châu, Bắc Yên thường hay làm loại măng này. Măng héo làm từ măng chua. Măng chua vắt kiệt nước phơi nhiều ngày cho khô quắt lại, đem đồ xôi, rồi lại phơi thật khô, sau đó cho vào ống hay gói lá khô để dùng dần. Nó héo là một đặc sản. Một cân Nó héo tốn hàng hũ măng chua và dùng được nhiều lần. Món lòng xào chỉ cần cho một nắm "Nó héo", sẽ có vị chua ngon và rất thơm. Món canh ULR (còn gọi là lom nhọk): Ngày lễ – tết của người Khơ Mú không thể thiếu được món canh ULR , ULR được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên (cá quả), mắc khén, bột gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến lúc nào nhuyễn thì thôi. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm và ngon.
Món Mọk
Món mọk này người Thái, Mường, Khơ Mú…đều hay làm nhưng mỗi dân tộc làm một kiểu khác nhau, ngon nhất vẫn là mọk của người Khơ Mú. Mọk được chế biến từ thịt gà (nếu gà to chỉ lấy cổ, cánh, bộ lòng mề là đủ) băm nhỏ, ớt khô, mắc khén giã nhỏ, củ sả thái nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi sôi lên. Khi chín cũng nhuyễn, sánh sền sệt như món canh ULR.
Món cá nướng
Đây là một món ăn truyền thống, độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng lại rất lạ miệng với thực khách. Đối với món cá nướng này, người ta dùng các loại cá bản to như chép , mè , trôi , chắm …, con độ một cân , cân rưỡi, có như vậy cá mới nhiều thịt. Cá mang về nhà rửa sạch, mổ từ sống lưng trở xuống để lấy sạch ruột, rồi xoa một lượng muối rang nổ vào cả bên trong và bên ngoài cá.
Cách ướp cá cũng là bí quyết riêng của người dân Sơn La để cá có mùi vị đặc biệt hơn. Món cá nướng này không dùng riềng mẻ hay nghệ nhiều vì chính những gia vị đó sẽ làm át đi vị tươi ngon của cá. Với một chút Mắc khén, ớt tươi nướng, nghiền nát, hành, tỏi, gừng, rau mùi tàu, rau mùi thái nhỏ, rau răm... tất cả trộn đều nhồi vào bụng cá , sau đó banh ra gập đôi ngang thân dùng que kẹp, nướng trên than hồng.
Kiểu nướng cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Vị thơm đặc sắc của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị đậm đà của muối, vị thơm ngậy của cá nướng hòa với mùi thơm của rau mùi…tất cả tạo nên một hương vị rất riêng, rất hấp dẫn. Từng thớ thịt cá trắng ngà quện với gia vị dậy mùi thơm phức, nếm thử một miếng cũng cảm nhận được độ ngon, ngọt và đậm đà.
Chỉ bằng những loại cá bình dị, quen thuộc kết hợp với các gia vị sẵn có mà sao lại ngon đến như vậy! Thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức món cá nướng của người Sơn La thực sự bị chinh phục, để rồi không khỏi lưu luyến, nhớ về một vùng đất nguyên sơ này.
Bạn hãy thử một lần lên Tây Bắc, đến với Sơn La, vào một đêm lạnh dịu ngồi quanh bếp lửa, nhâm nhi rượu cần nồng nàn, ăn một miếng cơm lam, hay một bát cháo Mắc nhung ngọt ngào... thì mới cảm nhận hết được hương vị núi rừng của nền văn hoá ẩm thực nơi đây."Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Mỗi vùng quê chứa đựng một sự huyền diệu. Hnhu đã tới Lạng Sơn. Lần về phương Bắc kế tiếp của HNhu sẽ là Sơn La. HNhu mê Tây Bắc từ lâu lắm rồi. Khi đó, sẽ nhờ chị tư vấn nhiều.
HNhu cảm ơn về bài viết của chị. Nhờ chị, HNhu biết thêm đôi điều về Sơn La.
Đất nước mình đẹp quá. Bao giờ mới đi cho khắp, cho thoả?Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
@HNhu nhiều nghe.
Thật vui khi em có những cảm nhận đẹp về miền quê Tây Bắc.
Rất mong một ngày nào đó được mời HNhu những món ăn của Sơn La do Hoanui tự tay làm.(Hổng ngon cũng ráng thưởng thức nghe)
Chúc HNhu luôn vui, khoẻ để leo núi ha."Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...