Trang trong tổng số 1 trang (9 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

minhdung86pg

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ.  Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189
 
Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành Bụt, từ Bụt được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Phật Giáo Nguyên Thủy, Bụt được coi như một vị chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu.

Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Đại thừa đến từ Trung Quốc  mà từ Bụt  bị mất đi và được thay thế bởi từ Phật. Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành Phật đà, Phật đồ rồi được rút gọn thành Phật.

Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến đời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến đầu thế kỷ 18, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng mạnh của quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu.

Bốn giai đoạn lịch sử Phật giáo Việt Nam
từ đầu công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc là giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp;
thời Đại Việt là giai đoạn cực thịnh;
từ đời Hậu Lê đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái;
từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn phục hưng.
Đại thừa có ba tông phái được truyền vào Việt Nam là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông:

Thiền tông (còn được biết là Zen hay Ch'an) là một tông phái Phật giáo do nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma (Boddidharma) sáng lập ra ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 6. Thiền là cách gọi tắt của Thiền na (Dhyana), có nghĩa là "Tĩnh tâm", chủ trương tập trung trí tuệ để quán định (thiền) nhằm đạt đến chân lý giác ngộ của đạo Phật. Theo Thiền tông, "thiền" không phải là "suy nghĩ" vì suy nghĩ là "tâm vọng tưởng", làm phân tâm và mầm mống của sanh tử luân hồi. Cách tu theo Thiền tông đòi hỏi phải tập trung toàn bộ công sức và thời gian cộng với phải có khả năng đốn ngộ. Yêu cầu đó chỉ có những kẻ căn cơ cao mới có được nên người tu thiền thì nhiều nhưng người chứng ngộ quả thật rất là hiếm hoi. Tuy nhiên lịch sử Thiền tông ở Việt Nam cũng có một lịch sử rõ ràng hơn cả.

Dòng thiền tu thứ nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam do nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) lập ra. Ông là người Ấn Độ  đến Việt Nam vào năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và truyền cho tổ thứ hai là Pháp Hiền. Dòng thiền này truyền được đến 19 thế hệ.

Dòng thiền tu thứ hai do Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc lập ra vào năm 820, tu tại chùa Kiến Sơ, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dòng thiền này truyền được đến 17 đời.

Dòng thiền thứ ba do Thảo Đường, người Trung Quốc, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành và được vua Lý Thánh Tông giải phóng khỏi kiếp nô lệ và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069. Dòng thiền này truyền được đến 6 đời.

Năm 1299, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ, xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh, thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Sau này, một số thiền phái khác xuất hiện như phái Tào Động dưới thời Trịnh-Nguyễn, phái Liên Tôn vào thế kỷ 16-19 (có trụ sở tại chùa Bà Đá và chùa Liên Phái, Hà Nội), phái Liễu Quán (Liễu Quán là tên một vị tổ thuộc dòng Lâm Tế) vào thế kỷ 18 (miền Trung), phái Lâm Tế dưới thời nhà Nguyễn (miền Trung, và sau này phát triển ở miền Nam).

Thiền tông Việt Nam đề cao cái "tâm" "Phật ở tại tâm", tâm là Niết Bàn, hay Phật. Trần Nhân Tông viết:
"Nơi mình có ngọc, tìm đâu nữaTrước cảnh vô tâm, ấy đạo Thiền."

Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo, chủ trương tu dựa trên tha lực của Phật A Di Đà. Tha lực này rất quan trọng đối với căn cơ con người thời nay. Phật Thích Ca Mầu Ni có lần thuyết giảng: "Một viên đá dù nhỏ đến mấy mà ném xuống nước thì nó cũng chìm, nhưng nếu một hòn đá dù to đến mấy mà đặt trên bè thì nó cũng nổi".

Trong Tịnh Độ tông, có tồn tại một cõi Phật cụ thể, gọi là Thế Giới Cực Lạc do đức Phật A Di Đà (tiếng Phạn: Amitabha) làm giáo chủ. Việc tu hành được mở rộng ra những hành động đơn giản như đi thăm chùa, tụng danh Phật A Di Đà. Nhờ cách như vậy mà Tịnh Độ tông là tông phái phổ biến khắp cõi Việt Nam. Đi đến đâu ta cũng gặp người dân tụng niệm câu "Nam mô A Di Đà Phật" (có nghĩa là "Nguyện quy theo đức Phật A Di Đà"). Tượng Phật A Di Đà là tượng có mặt ở khắp mọi nơi và có mặt từ rất lâu đời.

Mật tông là một tông phái Phật giáo chủ trương sử dụng những phép tu tụng niệm các mật chú để đạt đến chân lý giác ngộ. Có tên kháci là Lạt Ma tông, Mật tông là sự hợp nhất giới luật của thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) và nghi thức tác pháp của Kim Cương thừa. Bước quyết định trong nghi thức này là lễ Quán Đỉnh (Abhiseka) do một vị sư cả (guru hay "lạt ma") ban phép cho người đệ tử được nhập thiền định tâm vào một vị Phật cụ thể bằng cách đọc chân âm (mantra), suy niệm đồ hình Mạn đà la (mandala) và thực thi ấn quyết (mudra) để đạt đến độ thăng hoa loại bỏ ý niệm nhị nguyên (duality) đặng nhập vào Chân Như, vào cõi Không. Trạng thái đó được biểu tượng bằng Kim cương chử (Vajra). Để làm chủ được các nghi thức tác pháp của Mật tông (còn gọi là Kim Cương thừa - Vajrayana) thì điều tiên quyết là phải thấu hiểu giáo nghĩa của Bát-nhã-ba-la-mật-đa (Prajnaparamita) của Long Thọ và Vô Trước. Giáo nghĩa Bát-nhã-ba-la-mật-đa được gọi là “Nhân thừa”, và giáo nghĩa Kim Cương thừa được gọi là “Quả thừa”. Tương truyền rằng Mật tông do đức Phật Đại Nhật khởi xướng. Mật tông có hai bộ kinh cơ bản là Đại Nhật kinh và Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh. Như vậy, từ thế kỉ thứ 3 đến thế kỉ thứ 7, Thiền tông Việt Nam mang đậm giáo nghĩa Tam Luận tông của Long Thọ, mà đặc biệt là tư tưởng Bát-nhã-ba-la-mật-đa của Long Thọ và Vô Trước. Các thiền sư thuộc Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi không chỉ uyên thâm về Phật pháp mà nhiều vị rất có uy tín với triều đình và biểu thị rõ ý thức độc lập tự chủ của đất nước. Các thiền sư Pháp Thuận, Ma Ha (thế kỉ thứ 10), Sùng Phạm (thế kỉ 12),... đều làm cố vấn cho nhà vua không chỉ việc đạo mà cả việc đời, việc ngoại giao. Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi còn kéo dài mãi đến thế kỉ 19. Đặc biệt, các thiền sư dòng Tì Ni Đa Lưu Chi thường có hình thức tu tập “Tổng Trì Tam Muội” (Dharani samadhi), một hình thức tu tập phổ biến của Mật giáo (Tantrism), dùng chân âm kết hợp với ấn quyết trong trạng thái đại định để giữ được thân, khẩu, ý. Ở Hoa Lư (Ninh Bình), một cột kinh Phật bằng đá vào thế kỉ thứ 10 có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tối Thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một thần chú phổ biến của Mật tông, đã được phát hiện.

Khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh,...

http://www.vnli...iao/lich_su.htm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhdung86pg

Đó là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, long lanh như ngọc, rắn như kim cương, búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy. Chúng được tìm thấy trong đống tro tàn sau khi hỏa thiêu hài cốt của một nhà tu hành nào đó. Cho đến nay, khi nền khoa học kỹ thuật của nhân loại đã phát triển ở trình độ cao, chúng vẫn tồn tại như một bí ẩn chưa được khám phá.

Bảo vật của nhà Phật

Xá lợi là từ ngữ phiên âm tiếng Phạn: sarira - nghĩa đen là “những hạt cứng”. Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các tín đồ đã đem xác của ngài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện thấy trong phần tro còn lại có lẫn rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Họ đếm được cả thảy 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu. Nó được đặt tên là xá lợi, được coi là một bảo vật đặc biệt quý hiếm của Phật giáo.

Những năm gần đây, lịch sử Phật giáo cũng như nghiên cứu của các nhà khoa học đã ghi lại khá nhiều trường hợp các vị cao tăng sau khi viên tịch, hỏa thiêu đã để lại xá lị, chẳng hạn như:

Tháng 12/1990, một vị cao tăng là Hoằng Huyền Pháp sư ở Singapore viên tịch, sau khi thi thể được hỏa thiêu, người ta phát hiện thấy trong phần tro của ngài có 480 hạt cứng, hạt to cỡ như hạt đỗ tương, hạt nhỏ cỡ bằng hạt gạo, trông gần như trong suốt và tỏa sáng lấp lánh như những hạt kim cương. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng, đó chính là thứ gọi là xá lợi.

Tháng 3/1991, Phó hội trưởng Hội Phật giáo Ngũ Đài Sơn - ủy viên thường vụ Hội Phật giáo Trung Quốc, sau khi viên tịch đã được tiến hành nghi thức hỏa táng theo tâm nguyện của ngài, trong phần tro còn lại người ta phát hiện được tới 11.000 hạt xá lợi, đạt kỷ lục thế giới từ trước đến nay về những trường hợp xá lợi được ghi nhận một cách chính thức.

Viên xá lợi có thể to như quả trứng vịt, đó là trường hợp của Pháp sư Khoan Năng, vị chủ trì Tây Sơn Tẩy Thạch Am ở huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày 27/9/1989, ngài viên tịch thọ 93 tuổi. Sau khi hỏa thiêu người ta tìm thấy trong tro hài cốt 3 viên xá lợi màu xanh lục, trong suốt, đường kính mỗi viên lên tới 3-4cm, tựa như những viên ngọc lục bảo.

Lại có một số trường hợp, xá lợi chính là một bộ phận nào đó của cơ thể không bị thiêu cháy. Tháng 6/1994, Pháp sư Viên Chiếu 93 tuổi, chủ trì chùa Pháp Hoa, ở núi Quan Âm, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, trong một buổi giảng kinh tối đã nói với các đệ tử là: Ta sẽ để lại trái tim cho chúng sinh. Sau đó vị sư này ngồi kiết già và siêu nhiên viên tịch.

Theo đúng pháp quy của nhà chùa, các đệ tử đặt thi thể bà lên một phiến đá xanh, xếp củi chung quanh và tiến hành hỏa hóa. Lửa cháy sáng rực suốt một ngày một đêm. Trong đống tro nguội, các đệ tử thu được 100 viên xá lợi to nhỏ khác nhau. Có viên thì hình tròn (xá lợi tử), có viên lại nở xòe ra như những bông hoa (xá lợi hoa). Những bông xá lợi hoa trông rất đẹp, lóng lánh như những bông hoa tuyết, chung quanh còn được giát bằng những hạt xá lợi nhỏ cỡ hạt gạo, sắc đỏ, vàng, lam, nâu... hết sức kỳ diệu. Nhưng điều kỳ diệu hơn cả là trái tim của bà không hề bị thiêu cháy. Sau khi ngọn lửa tắt trái tim vẫn còn mềm, nóng, rồi mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lợi lớn, màu nâu thẫm. Khoảng 100 đệ tử có mặt trong lễ hỏa táng đã tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó. Theo kể lại, Pháp sư Viên Chiếu là người từ bi, tính tình điềm đạm và ôn hòa, thường ngày bà chỉ ăn rất ít. Chùa Pháp Hoa đã cho người mang những viên xá lợi đó đến giao lại cho Hội Phật giáo tỉnh Thiểm Tây.

Khoa học bó tay?

Vài chục năm trở lại đây, giới khoa học bắt đầu tìm cách giải thích những hiện tượng huyền bí được nhà Phật nói đến trong kinh điển như họ đã từng nghiên cứu lý giải các hiện tượng trong thiên nhiên, vũ trụ và con người. Thế nhưng, khi bắt tay vào nghiên cứu hiện tượng xá lợi, họ đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại.

Trước đây người ta không tin là có xá lợi Phật tổ. Mãi đến năm 1997, ông W.C Peppé, người Pháp, khi tiến hành khảo cổ tại vùng Piprava, phía Nam Népal đã tìm thấy những viên xá lợi đựng trong một chiếc hộp bằng đá. Trên hộp có khắc những văn tự Brahmi, và người ta đã đọc được nội dung của nó như sau: “Đây là xá lợi của đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ” (Theo Phật quang từ điển). Sự khám phá này đã chứng minh những gì được ghi lại trong Kinh Trường A Hàm và rải rác ở những sách kinh điển của Phật khác về việc phân chia xá lợi đức Phật thành 8 phần cho 8 quốc gia cổ đại khi Phật nhập Niết bàn là có thật. Điều kỳ lạ là trải qua hơn 25 thế kỷ, xá lợi đức Phật vẫn còn nguyên vẹn, lấp lánh màu sắc.

Về sự hình thành của những viên xá lợi, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau. Các nhà xã hội học cho rằng, do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate, những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lợi. Tuy nhiên, giả thuyết này không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ số người ăn chay trên thế giới có tới hàng trăm vạn, nhưng tại sao không phải ai khi bị hỏa táng cũng sinh xá lợi. Số người theo đạo Phật cũng nhiều vô kể, thế nhưng tại sao trong cơ thể của những tín đồ bình thường lại không có xá lợi?

Các nhà khoa học lại cho rằng, có thể xá lợi là một loại hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật... giả thuyết này cũng khó đứng vững. Bởi vì, sau khi đưa xác đi thiêu, trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh kể trên, không hề phát hiện thấy có xá lợi. Mặt khác, những cao tăng có xá lợi thường là những người lúc sinh thời thân thể rất khỏe mạnh và tuổi thọ cũng rất cao.

Nhà Phật cũng có những quan điểm riêng về vấn đề xá lợi. Quan điểm thứ nhất cho rằng xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện. Quan điểm thứ hai cho rằng: xá lợi là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện thì sau khi viên tịch mới có thể sinh xá lợi.

Tuy nhiên, cuối cùng thì xá lợi đã được hình thành như thế nào? Thành phần của nó ra sao? Chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương, lục bảo, chỉ là tro cốt còn lại của người tu hành sau khi hỏa táng, vậy mà sao đốt nó hoài cũng không cháy, thậm chí vẫn sáng lấp lánh màu sắc, thách thức với thời gian, chẳng mảy may hư hỏng... Hàng loạt câu hỏi như vậy cho đến nay vẫn là những câu đố chưa có lời giải đáp!

Theo: Sức khỏe và đời sống
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhdung86pg

Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh, rồi mới kêu gọi, hay đánh thức kẻ khác để đừng ngủ trong giấc mộng kinh khủng là vô minh ấy nữa.

[CENTER] [ATTACH=CONFIG]86[/ATTACH][/CENTER]

Bốn tiếng "Tự giác Giác tha" gồm hết tất cả những gì cao đẹp của sự thật ấy là Chân lý.

Ðức Phật tổ Cồ-Ðàm mà ta thường gọi là Ðức Phật tổ Thích-Ca-Mâu-Ni là đấng đã thức tỉnh trong giấc mộng vô minh và kêu gọi chúng ta nên thức tỉnh. Nói một cách dễ hiểu hơn là: Phật dạy đệ tử phải tự mình tu, hay phải cố gắng giải thoát lấy mình, chớ đừng mong đợi Phật có một oai lực nào cứu độ mình. Cũng như người muốn no hãy tự ăn lấy mới no, kẻ khác không ăn cho mình no được.

Ðể quý vị dễ nhận thấy đường lối của Phật giáo, xin nhắc lại lần nữa rằng: Ðức Phật chỉ là vị hướng đạo đại tài, chỉ đường về tinh thần là Con Ðường Giải Thoát. Ngài không hề ban phước hay phạt người nào, mà cũng không có quyền rửa tội như Bà-la-môn giáo hay đạo Jatila trong thời ấy. Nhờ Ngài nói sự thật là: người hể đã làm tội, thì không có thứ nước gì để rửa sạch, chỉ có hành Thiện pháp mới không có tội thôi. Sự thật ý Phật dạy là "ngừa bịnh hay hơn chữa bịnh", nghĩa là muốn đừng có tội thì trước hết đừng làm tội. Trong Tam tạng Tạng Kinh, bộ Khuddakanikaya bài kinh Jatilasutta có dạy rằng:

- Ta là Ananda có nghe như vầy. Thuở nọ, Ðức Thế-Tôn ngự tại Gayasisa, khi ấy bọn Jatila lăn xuống nước, lội trong nước tại giòng sông Gaya, và cúng thần lửa. Khi ấy nhằm lúc tuyết xuống luôn bảy ngày đêm, và đêm trời lạnh tột độ, nhưng những người đạo Jatila vẫn tắm để rửa tội, vì những người ngoại đạo Jatila nghĩ rằng: Trời lạnh như thế nầy, càng làm cho sự trong sạch càng gia tăng.

Ðức Thế-Tôn thấy những người Jatila lặn lội dưới nước trong khi tuyết xuống luôn trong 7 ngày đêm, và tế thần lửa tại bờ sông Gaya, Ngài mới có câu Udana (cảm thán):

   Na Udakena Suci Hoti
   Bhavettha Nahayaci Jano
   Yamhi Saccanca Dhammoca
   So Suci So Ca Brahamano.

Sự trong sạch do nơi rửa bằng nước không bao giờ có. Nhưng lại có nhiều người tắm rửa ở giòng nước nầy. Người nào tắm trong giòng nước Sacca (Chân thật) và Dhammo (Thiện pháp), người ấy mới là người trong sạch, mới là Bà-la-môn.

Chú giải: Ðức Thế-Tôn dạy câu nầy ý nói tất cả các thứ nước trong thế gian nầy không có thứ nước nào rửa sạch được lòng hung ác để trở nên tâm lương thiện được, chỉ có sự thật là Tứ diệu đế và Chánh pháp mới làm cho người trở nên trong sạch, trở nên Thánh nhơn được. Vì đó là thứ nước vô hình rửa được phiền não vô ảnh trong thâm tâm của con người.

Hơn nữa Tạng kinh, bộ Majjhimanikaya, đoạn Mulapannasaka, bài kinh Vatthupamsutta có dạy rằng:

Khi Ðức Thế-Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá có dạy chư Tỳ-khưu rằng: - Nầy các thầy Tỳ-khưu, tấm vải dơ người thợ nhuộm muốn đem đi nhuộm với màu gì như màu xanh, vàng, đỏ v.v... (khi nhuộm xong) tấm vải ấy cũng không được có màu đẹp, sáng, tươi. Tại sao? Vì tấm vải ấy cũng ví như tâm không trong sạch thì chắc chắn sanh vào ác đạo.

Nếu tấm vải ấy sạch, đem nhuộm với màu nào như xanh, vàng, đỏ v.v... (khi nhuộm xong) tấm vải ấy sẽ có màu đẹp, tươi, sáng. Ðiều này cũng ví như tâm trong sạch chắn chắn sẽ được sanh vào cõi an vui.

Rồi Ðức Thế-Tôn dạy những pháp làm cho tâm nhơ đục như là: Abhijjha - Tham lam, Byapada - Làm hại người, Kodha - Sân hận, Upanaha - Cột oán thù, Makkha - Quên ơn.

Trong khi Ðức Thế-Tôn đang thuyết có ông Bà-la-môn tên Sudarika ngồi gần bên Ðức Thế-Tôn mới bạch hỏi Phật rằng: Bạch Ðức Thế-Tôn, Ngài đi đến con sông Bahuka để tắm phải không?

Ðức Thế-Tôn đáp: Nầy thầy Bà-la-môn, con sông Bahuka có ích gì đâu?

- Thưa thầy Cồ-Ðàm, con sông Bahuka, là nơi hàng đại chúng cho là giòng sông Phước, và hàng đại chúng đến tắm, rửa tội nơi ấy.

Khi ấy Ðức Thế-Tôn dạy:

- "Người thiếu trí, tạo ác nghiệp hằng đến tắm con sông Bahuka, sông Adhikakka, sông Gaya, sông Sundarika sông Sarassati, sông Payaya và sông Bahumati, những con sông ấy không thể làm cho người ác hết tội. Những con sông Sundarika, Payaya hay sông Bahuka có làm gì được, khi mà người có oan trái tạo tội lỗi? Người đã tạo ác nghiệp, không giòng sông nào làm cho trong sạch được.

Khi mà người thọ trì Bát quan trai giới trong sạch, sự hành động của người ấy trong sạch là người ấy tự trong sạch.

Nầy Thầy Bà-la-môn, thầy nên tắm, rửa tội thứ nước mà Như-lai đã dạy là: người không nói dối, không làm hại chúng sanh khác, không nên lấy của người chủ nhân không cho, nên có niềm tin, không nên bỏn xẻn keo kiệt. Thầy có đi đến con sông Gaya và uống nước ấy cũng không bổ ích chi cho thầy đâu."

Nghe xong câu kệ, ông Bà-la-môn liền đảnh lễ Ðức Thế-Tôn và bạch rằng: Bạch Ðức Thế-Tôn, lời chỉ giáo của Ngài thật là rõ, cũng như người lật ngửa chén đang bị úp, giúp cho kẻ mù được thấy đường rõ lối. Bạch Ngài Cồ-Ðàm, tôi xin Ngài nhận biết cho tôi là người Thiện nam qui y Phật Pháp Tăng.

Theo lời Phật dạy thì sự tắm rửa bên ngoài chẳng qua là sự làm vệ sinh hằng ngày thôi, chớ không thể làm cho Tâm con người trong sạch được, có trong sạch được chăng là do hành động không tạo tội của con người.

Tam-tạng, Tạng Kinh bộ Anguttaranikaya Dasakanipata ở bài Kinh Paccorahani có dạy rằng:

Ngày nọ, nhằm ngày lễ Phật-lồ, có Ông Bà-la-môn tên Janusasoni bới tóc vén khéo, mặc đồ toàn lơ, vào đứng gần bên Ðức Thế-Tôn. Ngài trông thấy ông ta, tóc vén khéo, mặc đồ toàn bằng lơ, tay ôm bó tranh tươi, trong ngày lễ Phát-lồ. Ðức Thế-Tôn liền hỏi: Thầy Bà-la-môn, vậy ngày nay là ngày gì của Bà-la-môn giáo?

- Ngày nay là ngày để lội xuống (bỏ tội) của giòng Bà-la-môn.

- Này thầy Bà-la-môn, thể thức bỏ tội của giòng Bà-la-môn phải là thế nào?

- Thưa ông Cồ-Ðàm, tất cả giòng Bà-la-môn trong cõi nầy, đến ngày lễ Phát-lồ phải bới tóc cho vén khéo, mặc đồ toàn bằng lơ, dùng phẫn bò tươi thoa trên đất, rồi trãi tranh tươi lên ở giữa khoảng của đống lửa và đống cát, nằm nơi ấy, trong đêm đó phải thức dậy ba lần, để làm lễ thần lửa, và phát nguyện rằng: Tôi nguyện bỏ tội lỗi. Sau đó mới cúng dường thần lửa bằng sửa tươi, dầu, sữa đặc trọn đêm, rồi phải cúng dường thực vật cho hạng Bà-la-môn.

- Nầy thầy Bà-la-môn, sự bỏ tội của hàng Bà-la-môn quả là khác hơn sự bỏ tội của bực Thánh-nhơn.

- Thưa thầy Cồ-đàm, phương pháp bỏ tội của chư Thánh-nhơn như thế nào, xin Ngài vui lòng chỉ dạy, xin Ngài thuyết pháp cho tôi hiểu cách bỏ tội của các bực Thánh-nhơn.

- Vậy thầy hãy quan tâm nghe Như Lai thuyết đây.

- Bạch Ngài tôi đã sẵn sàng nghe theo lời Ngài.

- Nầy thầy Bà-la-môn, chư Thánh-nhơn thường thường quán tưởng rằng: quả của sự sát sanh, thật là đê tiện trong kiếp nầy và ngày vị lai. Chư Thánh-nhơn thấy quả báo tai hại ấy, nên dứt bỏ sự sát sanh. Các bực Trí thức quán tưởng thấy tội lỗi của sự sát sanh trong kiếp nầy, và ngày vị lai. Các vị Thánh-nhơn quán tưởng đến quả báo của sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, lời đâm thọc, chưởi mắng, lời nói vô ích, sự tham lam, sự làm hại người, và tà kiến là quả báo xấu xa đê tiện, hằng đem khổ đến. Nầy thầy Bà-la-môn, đây là phương pháp bỏ tội của chư Thánh-nhơn trong Phật giáo.

- Bạch Ngài Cồ-đàm, phương pháp bỏ tội của giòng Bà-la-môn có tánh cách khác biệt, còn sự bỏ tội của Chư Thánh-nhơn trong Kinh luật của Ngài có thể thức khác. Cách bỏ tội của giòng Bà-la-môn không bằng một phần mười sáu đã chia ra làm 16 phần rồi, với thể thức của Phật giáo. Bạch Ngài, lời chỉ giáo của Ngài thật là rõ rệt. Xin Ngài nhận biết cho tôi là người Thiện nam là Cận sự nam của Phật-giáo.

Phật-giáo truyền bá được mau lẹ và sâu rộng trong thời kỳ Phật còn tại thế, vì các bực Trí thức thành thật nhận lấy cái hay, và sự thật can đảm dứt bỏ điều sai lầm của mình không ngoan cố.

Theo Phật-giáo, sự rửa tội và sự đưa đi thiên đàng, không hề có bao giờ, chính Ðức Thế-Tôn cũng từ chối sự nói rằng Ngài có oai lực đưa người đi Thiên đàng được. Vì vậy nên Phật-giáo gọi là Tự giác.

Muốn quí vị nhận thức rõ điều này, tôi xin nhắc lại bài kinh tên Phumakasutta, trong bộ kinh Samyuttanikaya đoạn Salayatanavagga. Bài kinh ấy dạy rằng:

Lúc nọ, Ðức Thế-Tôn ngự tại vườn xoài Pavarika xứ Nalanda, khi ấy có ông Xã trưởng tên là Asibandhakaputta vào hầu Ðức Thế-Tôn đảnh lễ xong rồi ngồi nơi phải lẻ. Ông có bạch với Ðức Thế-Tôn:

- Bạc hóa Ðức Thế-Tôn, những thầy Bà-la-môn làng Paccha hằng mang bình nước theo mình, đeo tràng hoa, tắm buổi sớm, và chiều, cúng tế thần lửa. Các thầy Bà-la-môn ấy được gọi là: Người đưa chúng sanh lên, làm cho hiểu rõ, đưa đến thiên đàng. Bạch Ðức Thế-Tôn, Ngài là vị Chánh đẳng Chánh giác có thể làm cho chúng sanh sau khi chết được sanh về cõi trời hay không?

Ðức Thế-Tôn đáp: Nầy ông Xã trưởng, nếu vậy Như Lai xin hỏi ngươi câu nầy, ngươi hiểu thế nào trả lời như thế ấy. Nếu người trong đời sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói đâm thọc, nói lời hung ác, nói lời vô ích, tham lam thái quá, làm hại người và tà kiến. Hàng đại chúng hội lại đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy van xin rằng: Xin cho người nầy được sanh vào cõi Trời sau khi chết. Vậy ngươi nghĩ thế nào, người ấy khi chết được sanh vào cõi trời hay không?

- Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.

- Nầy ông xã trưởng, ví như người liệng xuống sông sâu một tảng đá to. Rồi hàng đại chúng hội nhau lại đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy van xin quanh tảng đá ấy rằng: Viên đá ơi! xin ngươi hãy nổi lên, lội vào bờ. Vậy viên đá ấy có nổi lên lội vào bờ y theo lời cầu khẩn van xin của hàng đại chúng không?

- Bạch Ðức Thế-Tôn, không thể được như vậy.

- Nầy Gamini (có nghĩa là xã trưởng) cũng như người sát sanh, trộm cắp.. và tà kiến. Hàng đại chúng tụ hợp lại đọc kinh cầu khẩn vái lạy đi quanh người ấy nói rằng: Xin cho người này được sanh về cõi trời, sau khi chết. Nhưng sau khi chết người ấy không bao giờ được sanh về cõi trời.. trái lại, phải sanh vào đường ác đạo là Ðịa ngục, ngạ quỉ.

Nầy Gamini, người nghĩ điều này như thế nào. Trên đời này, có người xa lánh sự sát sanh, trộm cắp v.v... tà kiến. Hàng đại chúng hội lại đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy đi quanh người ấy và xin rằng: Xin cho người này hãy sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ. Vậy ngươi hiểu điều này thế nào? Sau khi chết người ấy phải sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ vì lời cầu khẩn van xin của hàng đại chúng hay không?

- Bạch Ðức Thế-Tôn, không thể có như vậy được.

- Nầy Gamini, cũng như có người đến con sông rộng lớn, để một viên đá vào cái nồi đựng dầu, đoạn liệng mạnh xuống sông, tảng đá đó làm cái nồi thủng chìm, dầu nổi lên mặt nước, hàng đại chúng tựu nhau lại quanh nơi ấy đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy van xin rằng: Xin cho dầu nầy chìm xuống. Nầy Gamini ngươi hiểu sao? Dầu ấy có chìm vì sự cầu khẩn van xin của hàng đại chúng hay không?

- Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, không thể như thế được.

- Nầy Gamini, chuyện ấy cũng vậy, người không sát sanh, v.v... không tà kiến, hàng đại chúng có hội nhau lại đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy, van xin quanh mình người ấy rằng: Xin cho người nầy sau khi chết sanh vào ác đạo là địa ngục, ngạ quỉ, không thể được, trái lại người ấy sanh vào cõi an vui là cõi Trời.

Sau khi thời pháp, ông xã trưởng bạch Phật: - Bạch Ðức Thế-Tôn, Pháp bảo của Ngài thật là cao quý, rõ rệt, Ngài dạy pháp bằng cách có đủ lý lẻ cho người hiểu, ví như người lật ngữa vật bị úp: chỉ đường cho người lạc nẻo, hay là rọi đèn nơi u tối cho người sáng mắt được thấy đường đi. Vì vậy, Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, tôi xin qui y Tam bảo, xin Ngài nhận biết cho tôi là người Thiện nam nương theo Tam bảo trọn đời kể từ ngày nay.

Theo bài kinh dạy cho chúng ta thấy rằng: Nếu người làm tội thì phải chịu quả khổ, bằng làm lành thì được an vui trong đời này và đời vị lai. Ðúng theo câu Phật ngôn trong pháp cú kinh dạy: Suddhi Asuddhi Phccattam Annonannam Visokhaye. Nghĩa: Người làm cho mình trong sạch thì tự mình trong sạch, người làm tội thì mình bị nhơ đục, người nầy không thể làm cho người khác trong sạch hay nhơ đục được. Vì vậy nên theo tông chỉ Phật giáo thì mình hãy tự tu và tự giải thoát lấy bản thân mình chớ không ai độ mình được.

Trong khi tôi đang viết quyển này vì cũng tới đoạn này có nói chuyện với mấy người bạn, và đoạn nầy có người hỏi: Nếu nói không có rửa tội, tại sao Phật-giáo có ngày làm lễ Phát-lồ của chư Tăng. Các Ngài hội lại sám hối. Vậy sám hối không có nghĩa là rửa tội, bỏ tội hay sao?

Lẽ ra tôi không đem chuyện này vào đâu nhưng tôi thấy câu này cũng có ý nghĩa hợp theo đoạn nầy tôi xin ghi vào.

Theo tín đồ Phật-giáo chân chánh, hiểu hai chữ Sám hối như vầy: Sám nghĩa là Thú tội, Hối là ăn năn. Sám hối có nghĩa là "thú tội của mình và nguyện ăn năn sửa đổi". Ý nghĩa của tiếng Sám hối đối với tín đồ Phật-giáo chỉ là thú tội và hứa hẹn bỏ không tái phạm.

Maha Thongkham Medivongs
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhdung86pg

Thượng Đế là một danh từ có một định nghĩa rất rộng rãi. Có nhiều thượng đế của các loại tôn giáo. Cũng có nhiều Thượng đế của Triết học. Nói chung lại, đứng trên lập trường nào để nhìn Thượng đế, thì sẽ hình thành một Thượng đế theo lập trường đó.

Đạo Gia Tô cho rằng, Trời (thiên) hay Thượng đế của Nho gia Trung Quốc cũng là Thượng Đế của đạo Gia Tô. Thực ra, Thượng đế của Nho gia Trung Quốc là Thượng Đế của triết học phiếm thần, là Thượng Đế được con người yêu, nhưng không thể đòi hỏi Thượng Đế yêu người lại, cũng tức là Thượng Đế của "Bất khả tri luận". Thượng Đế của đạo Gia Tô là thần linh nhân cách hóa; là Chúa sáng thế đứng bên ngoài vũ trụ, là vị Thần vạn năng.

Về thuyết khởi nguyên của vũ trụ, thì dù là tôn giáo ở thời kỳ đầu hay là triết học cũng thường thường cho rằng đó là do thần biến hóa mà thành. Hi Lạp cho rằng Trụ Tư [Zem] là chúa tể các vị thần. La Mã cho rằng Cầu Tỷ Đặc [Jupeter] là chúa tể các vị thần. Các Thần của Ấn Độ cổ đại rất phức tạp, vị trí của họ thay đổi là Đại Vu Tư (daus) là đồng nhất về ngôn ngữ với Zeus của Hi Lạp và Jupiter của La Mã. Những vị thần có thế lực trong giới thần linh của sách thánh Vê đa là Balâuna (Baruna) là thần Tư pháp. Vị thần của Hư không giới là "Nhân đà la" [Indra] tức là Thần Sét. Vị thần của địa giới là A Kỳ Ni [Agni] là Hỏa thần (thần lửa). Thần địa ngục là vua DẠ MA (Yama), [nhưng ông này trị vì trên một cõi trời]. Vì vậy, Ấn Độ cổ đại sùng bái nhiều thần (đa thần). Sau này, Ấn Độ giáo, có thuyết cho rằng, Thượng Đế, tức Chúa sáng tạo là "Đại Phạm Thiên", hoặc là "Đại tự tại thiên", hoặc là "Na la diên thiên", cuối cùng hình thành quan niệm Tam vị nhất thể, và công nhận Đại Phạm Thiên là chúa sáng tạo, Nala diên thiên là vị thần bảo vệ; Đại tự tại thiên là vị thần phá hoại. Nhưng thực ra, đó chỉ là một vị thần với ba bộ mặt khác nhau mà thôi. Hiện nay Ấn Độ giáo sùng bái "AMa", "Thấp La" và cả đến đức Phật cũng được họ sùng bái như Thượng đế (danh từ chỉ Thượng đế tính có tới hàng trăm - Xem bài : Ánh sáng chân lý - do Chu Tương Quang dịch; tr. 22, chú 14).

Thượng đế của Đạo giáo Trung Quốc là Ngọc Hoàng, khác với Thượng Đế của Nho gia, cũng khác với Thượng đế của đạo Gia Tô, cũng khác với Thượng đế của Ấn Độ giáo. Nếu đánh giá theo quan điểm và nhận thức của Phật giáo thì Thượng đế của Lão giáo và Hồi giáo tương đương với vị chủ tể cõi Trời Đao Lợi của Phật giáo; Thượng Đế của đạo Gia Tô (từ Ma Tây đến Pao lô và Angustanh v.v… đã thăng lên nhiều cấp) tương đương với Phạm thiên vương của Phật giáo; Thượng đế của Ấn Độ giáo đồng nhất với Đại tự tại thiên vương của Phật giáo; cõi Trời Đao Lợi là cõi Trời thứ 2 của Dục giới, gần gũi nhất với cõi người. Cõi Trời phạm thiên là cõi trời sơ thiền thuộc sắc giới. Đại tự tại thiên là cõi Trời cao nhất không có căn cứ. Vì phạm vi bài này không cho phép phân tích giới thiệu cặn kẽ, chứ nếu so sánh Thượng đế quan của các tôn giáo với 28 cõi Trời thuộc 3 giới thì đó là vấn đề rất thú vị.

Bởi vì các vị chủ tể các cõi Trời, đều có đôi chút thói quen kiêu mạn, thường hay nói với thần dân của họ rằng họ là vị chúa tể sáng thế có một không hai, cũng như vua chúa ở cõi người nay cũng thường tự xưng là "quả nhân". Ý tứ là, ngoài họ ra, trong thiên hạ không ai có thể cao quý vĩ đại hơn họ. Thậm chí, Tần Thủy Hoàng tự xưng là "Đức hơn Tam Hoàng, công vượt ngũ đế", vì vậy, ông tự xưng là Thủy Hoàng đế [Vị Hoàng đế đầu tiên]. Tâm lý của ông cũng giống như tâm lý của các vị chủ tể các cõi trời, tự xem mình là có một không hai. Thậm chí, có vị còn tỏ ra kiêu mạn đối với đức Phật nữa [xem Tạp A Hàm cuốn 44. Các trang 1195-1196]. Kỳ thực, họ đâu có phải là chúa sáng thế ? Vũ trụ không thể nào so sức mạnh của bất cứ vị Thần nào sáng tạo ra được.

Vũ trụ là do nghiệp lực của chúng sinh cảm ứng mà có, nhiều nhân duyên hòa hợp mà thành.

Như vậy, Phật giáo có thừa nhận Thượng Đế tồn tại, nhưng không cho rằng, Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ.

Còn Thượng đế của triết học chỉ là giả thiết của các triết gia, là một loại quan niệm giả định, chứ không phải là một đối tượng thực chứng: vì vậy, Phật giáo không tin ở sự tồn tại của Thượng đế của triết học.

Có thể có những người tin theo tôn giáo thần quyền nói rằng : "Thượng đế có quyền thưởng phạt người thiện, kẻ ác. Phật giáo đồ không sợ Thượng đế hay sao"?

Đúng như vậy, vì Phật giáo đồ không sùng bái Thượng đế cho nên cũng không sợ Thượng đế, Phật giáo đồ tin rằng, tất cả mọi thiện thần trong ba giới, bao gồm cả Thượng đế và các vị Thiên chủ của 28 cõi Trời đều tin theo Phật pháp, ủng hộ Phật pháp; Phật giáo xem họ cũng như các viên chức quân sự xem các vệ binh giữ cửa thành. Vệ binh có quyền kiểm soát sự ra vào cửa thành. Vệ binh có quyền bắt giữ, tra hỏi bọn phá hoại, bọn âm mưu lẻn vào cửa hành. Còn các viên chức quân sự, hành động theo đúng luật pháp, sao lại có thể sợ vệ binh được ?

Phật giáo không cho rằng Thượng Đế có năng lực sáng tạo vạn vật, cũng không thừa nhận Thượng Đế có quyền ban phúc giáng họa đối với chúng sinh. Phật xem Thượng đế cũng là một trong 6 loại chúng sinh; bất quá vì ở các đời trước, có tu phúc báo, cho nên ngày nay được sinh lên các cõi Trời để hưởng lạc. Nếu Thượng Đế có tham dự vào sự nghiệp họa phúc của chúng sinh, cũng là do sự cảm ứng của nghiệp lực của loài người mà thôi. Đó là đạo lý mà câu cách ngôn nói: "Tự giúp thì người giúp", "Tự hại thì người hại".

Nguồn: http://www.bode...&Itemid=162
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@minhdung86pg: Xin hãy đọc tin nhắn NT gửi đến bạn trong hộp thông điệp của Thi viện.
NT
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@minhdung86pg: NT đã gộp các chủ đề của bạn vào chung một chủ đề "Phật giáo". Vậy bạn hãy post các bài viết hoặc sưu tầm mà nội dung có chung chủ đề vào đây nhé.
NT
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhdung86pg

Niệm Phật để làm gì?
******************



1. Niệm Phật để tâm hồn thanh thản.

2. Niệm Phật để an trụ tâm. Đang nóng nảy, niệm Phật lòng dịu hẳn xuống. Đang thù hận, niệm Phật hận thù hóa giải. Đang tham lam, niệm Phật bớt tham…

3. Niệm Phật để không cho niệm ác nảy sinh. Nếu niệm ác đã nảy sinh thì không cho nó phát triển.

4. Niệm Phật để giữ gìn thân-khẩu-ý.

5. Niệm Phật là phương thuật giữ gìn Chánh niệm.

6. Niệm Phật tới vô niệm chính là Thiền.

7. Niệm Phật để nuôi dưỡng lòng Từ bi.

8. Niệm Phật để trở thành Phật chứ không phải trở thành nô lệ hay tôi tớ cho Phật.

9. Niệm Phật cũng là phép trị liệu, bảo vệ sức khỏe.

10. Niệm Phật để giải trừ bớt ác nghiệp gây tạo trong quá khứ.

11. Niệm Phật để lúc lâm chung chẳng còn lo sợ, chẳng cần phải nhờ ai cứu rỗi, một mình thẳng tiến lên Cực lạc của Phật A Di Đà.

12. Càng niệm Phật đầu óc càng sáng suốt, lòng dạ thảo ngay, tâm tính hiền từ.

13.
Kẻ ác khẩu, nói năng hung dữ chuyên niệm Phật sẽ giải trừ được khẩu nghiệp.

14. Niệm Phật khiến lời nói dịu dàng, khiếm tốn do đó không gây thù chuốc oán, không bị "vạ miệng".

15. Mặt mày hung dữ, niệm Phật trở nên hiền từ, dễ coi. Niệm Phật để chuyển nghiệp.

16. Niệm Phật khiến đi đứng dịu dàng, cử chỉ khoan thai.

17. Niệm Phật có thể ngăn chặn được cám dỗ điên cuồng.

18.
Chán nản, thất vọng não nề, cùng đường không lối thoát muốn tự tử chết cho rồi, niệm Phật khiến tâm địa bình ổn từ đó mà tìm ra giải đáp hợp lý.

19. Lâm vào vòng lao lý, tù tội, mỗi tối nên ngồi ở tư thế "bán già", xoay mặt vào tường niệm Phật khoảng nửa tiếng đồng hồ, sẽ thấy tâm hồn thanh thản, thời gian ở tù qua nhanh, không phạm thêm tội lỗi, may mắn ân xá, giảm án sẽ tới. Nhờ niệm Phật mà sau khi ở tù ra lấy lại tự tin để xây dựng cuộc đời mới.

20. Niệm Phật khiến ta bình tĩnh, không lao vào chuyện thị phi, khiến sau này hối không kịp.

21. Niệm Phật có thể trở thành Thánh tăng, đạt tới trạng thái bất động, nhập đại định. Ngọn lửa và trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức là minh chứng hùng hồn nhất. Đó là công năng của niệm Phật chứ Ngài chẳng có phép mầu nhiệm của thần linh nào hết.

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/11192_2821292867977_1557057763_n.jpg

Nam Mô A Di Đà Phật_/\_
Của: Read And Ponder
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhdung86pg

PHẬT THUYẾT KINH BÁO HIẾU PHỤ MẪU ÂN

http://chuaphucnghiem.com.vn/DocRoot/Basetables/thumb_666_388093_351013521640114_785666456_n-1.jpg

Một thuở nọ, Thế Tôn an trụ
Xá Vệ thành Kỳ Thụ viên trung
Chư Tăng câu hội rất đông
Tính ra tới số hai muôn tám ngàn.


Lại cũng có các hàng Bồ-tát
Hội tại đây đủ mặt thường thường.
Bây giờ, Phật mới lên đường
Cùng hàng đại chúng Nam phương tiến hành.

Đáo bán lộ, đành rành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
Thế Tôn bèn vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng.


Ðức A Nan tủi lòng ái ngại
Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương?
Vội vàng xin Phật dạy tường
Thầy là Từ Phụ ba phương, bốn loài

Ai ai cũng kính Thầy dường ấy
Cớ sao Thầy lại lạy xương khô?
Phật rằng: Trong các môn đồ,
Ngươi là đệ tử đứng đầu dày công


Bởi chưa biết đục trong cho rõ
Nên vì ngươi, ta tỏ đuôi đầu:
Ðống xương dồn dập bấy lâu
Cho nên trong đó biết bao cốt hài

Chắc cũng có ông bà cha mẹ
Hoặc thân ta hoặc kẻ sanh ta
Luân hồi sanh tử, tử sanh
Lục thân đời trước thi hài còn đây


Ta lễ bái kính người tiền bối
Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa
Ðống xương hỗn tạp chẳng vừa
Không phân trai gái bỏ bừa khó coi

Ngươi chịu khó xét soi cho kỹ
Phân làm hai, bên nữ bên nam
Ðể cho phân biệt cốt phàm
Không còn lộn lạo nữ nam chất chồng.


Ðức A Nan trong lòng tha thiết
Biết làm sao phân biệt khỏi sai
Ngài bèn xin Phật chỉ bày
Vì khó chọn lựa gái trai lúc này

Còn sanh tiền dễ bề sắp đặt
Cách đứng đi ăn mặc phân minh
Chớ khi rã xác tiêu hình
Xương ai như nấy khó nhìn khó phân.


Phật mới bảo: A Nan nên biết
Xương nữ nam phân biệt rõ ràng
Ðàn ông xương trắng nặng hoằng
Ðàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.

Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?
Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra
Sanh con ba đấu huyết ra
Tám hộc, bốn đấu sữa hoà nuôi con


Vì cớ ấy hao mòn thân thể
Xương đàn bà đen nhẹ hơn trai.
A Nan nghe vậy bi ai
Xót thương cha mẹ công dày dưỡng sanh.

Bèn cầu Phật thi ân dạy bảo
Phương pháp nào báo hiếu song thân?
Thế Tôn mới bảo lời rằng:
Vì ngươi, ta sẽ phân trần, khá nghe!


Thân đàn bà nhiều bề cực nhọc
Sanh đặng con thập ngoạt cưu mang
Tháng đầu, thai đậu tợ sương
Mai chiều gìn giữ sợ tan bất thường.

Tháng thứ nhì dường như sữa đặc
Tháng thứ ba như cục huyết ngưng
Bốn tháng đã tượng ra hình
Năm tháng ngũ thể hiện sinh rõ ràng.


Tháng thứ sáu lục căn đều đủ
Bảy tháng thì đủ bộ cốt xương
Lại thêm đủ lỗ chân lông
Cộng chung đến số tám muôn bốn ngàn.

Tháng thứ tám hoàn toàn tạng phủ
Chín tháng thì đầy đủ vóc hình
Mười tháng thì đến kỳ sinh
Nếu con hiếu thuận xuôi mình ra luôn.


Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu
Nó vẫy vùng, đạp quấu lung tung
Làm cho cha mẹ hãi hùng
Sự đau, sự khổ, khôn cùng tỏ phân

Khi sản xuất muôn phần an lạc
Cũng ví như được bạc, được vàng.
Thế Tôn lại bảo A Nan:
Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin.


Ðiều thứ nhứt: giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường châu đáo mọi bề.
Thứ hai: sanh đẻ gớm ghê
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần.

Ðiều thứ ba: thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu bền vững chẳng lay.
Thứ tư: ăn đắng uống cay
Ðể dành bùi ngọt đủ đầy cho con.


Ðiều thứ năm: lại còn khi ngủ
Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con.
Thứ sáu: bú sữa nhai cơm
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê.

Ðiều thứ bảy: không chê ô uế
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền.
Thứ tám: chẳng nỡ chia riêng
Nếu con đi vắng cha phiền, mẹ lo.


Ðiều thứ chín: miễn con sung sướng
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi, bị giam, bị cầm.

Ðiều thứ mười: chẳng ham trau chuốt
Dành cho con các cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái Sơn.


Phật lại bảo: A Nan nên biết,
Trong chúng-sanh tuy thiệt phẩm người
Mười phần mê muội cả mười
Không tường ơn trọng đức dày song thân.

Chẳng kính mến quên ơn trái đức
Không xót thương dưỡng dục cù lao
Ấy là bất hiếu mạc giao
Vì những người ấy đời nào nên thân.


Mẹ sanh con cưu mang mười tháng
Cực khổ dường gánh nặng trên vai
Uống ăn chẳng đặng vì thai
Cho nên thân thể hình hài kém suy.

Khi sanh sản hiểm nguy chi xiết
Sanh đặng rồi tinh huyết dầm dề
Ví như thọc huyết trâu dê
Nhất sanh thập tử nhiều bề gian nan.


Con còn nhỏ phải lo săn sóc
Ăn đắng cay, bùi ngọt phần con
Phải tắm phải giặt rửa trôn
Biết rằng dơ dáy, mẹ không ngại gì.

Nằm phía ướt, con nằm phía ráo
Sợ cho con ướt áo, ướt chăn
Hoặc khi ghẻ chóc khắp thân
Ắt con phải chịu trăm phần thảm thương.


Trọn ba năm bú nương sữa mẹ
Thân gầy mòn nào nệ với con
Khi con vừa được lớn khôn
Cha mẹ dạy bảo cho con vỡ lòng.

Cho đi học mở thông trí huệ
Dựng vợ chồng có thế làm ăn
Ước mong con được nên thân
Dầu cho cha mẹ cơ bần quản chi.


Con đau ốm tức thì lo chạy
Dầu tốn hao đến mấy cũng đành
Khi con căn bệnh đặng lành
Thì cha mẹ mới an thần định tâm.

Công dưỡng dục sánh bằng non biển
Cớ sao con chẳng biết ơn này
Hoặc khi lầm lỗi bị rầy
Chẳng tuân thì chớ, lại bày ngỗ ngang.


Hỗn cha mẹ, phùng mang trợn mắt
Khinh trưởng huynh, nộ nạt thê nhi
Bà con chẳng kể ra chi
Không tuân sư phụ, lễ nghi chẳng tường.

Lời dạy bảo song đường không kể
Tiếng khuyên răn anh chị chẳng màng
Trái ngang chống báng mọi đàng
Ra vào lui tới mắng càn người trên.


Vì lỗ mãng tánh quen càn bướng
Chẳng kể lời trưởng thượng dạy răn
Lớn lên theo thói hung hăng
Ðã không nhẫn nhịn, lại càng hành hung.

Bỏ bạn lành, theo cùng chúng dữ
Nết tập quen, làm sự trái ngang
Nghe lời dụ dỗ quân hoang
Bỏ cha bỏ mẹ trốn sang quê người.


Trước còn tập theo thời theo thế
Thân lập thân, tìm kế sanh nhai
Hoặc đi buôn bán kiếm lời
Hoặc vào quân lính với đời lập công.

Vì ràng buộc đồn công mối nợ
Hoặc trở ngăn vì vợ, vì con
Quên cha, quên mẹ tình thâm
Quên xứ, quên sở, lâu năm không về.


Ấy là nói những người có chí
Chớ phần nhiều du hí mà thôi
Sau khi phá hết của rồi
Phải tìm phương kế kiếm đôi đồng xài.

Theo trộm cướp, hoặc là bài bạc
Phạm tội hình, tù rạc phải vương
Hoặc khi mang bệnh giữa đường
Không người nuôi dưỡng, bỏ thân ngoài đồng.


Hay tin dữ bà con cô bác
Cùng mẹ cha xao xác buồn rầu
Thương con than khóc âu sầu
Có khi mang bịnh đui mù vấn vương.

Hoặc bịnh nặng vì thương quá lẽ
Phải bỏ mình làm quỉ giữ hồn
Hoặc nghe con chẳng lo lường
Trà đình tửu điếm phố phường ngao du.


Cứ mải miết với đồng bất chính
Chẳng mấy khi thần tỉnh mộ
Khang Làm cho cha mẹ than van
Sanh con bất hiếu phải mang tiếng đời.

Hoặc cha mẹ đến hồi già yếu
Không ai nuôi thốn thiếu mọi điều
Ốm đau đói rách kêu rêu
Con không cấp dưỡng, bỏ liều chẳng thương.


Phận con gái còn nương cha mẹ
Thì có lòng hiếu đễ thuận hoà (悌 đễ: hoà thuận)
Cần lao phục dịch trong nhà
Dễ sai, dễ khiến hơn là nam nhi.

Song đến lúc, tùng phu xuất giá
Lo bên chồng chẳng sá bên mình
Trước còn lai vãng đến thăm
Lần lần nguội lạnh biệt tăm biệt nhàn.


Quên dưỡng dục song thân ân trọng
Không nhớ công mang nặng đẻ đau
Chẳng lo báo bổ cù lao
Làm cho cha mẹ buồn rầu thảm thay!

Nếu cha mẹ la rầy quở mắng
Trở sanh lòng hờn giận chẳng kiêng
Chớ chi chồng đánh liên miên
Thì cam lòng chịu chẳng phiền chẳng than.


Tội bất hiếu lưỡng ban nam nữ
Nói không cùng nghiệp dữ phải mang
Nghe Phật chỉ rõ mọi đàng
Trong hàng đại chúng lòng càng thảm thay.

Gieo xuống đất, lấy cây lấy củi
Ðập vào mình, vào mũi, vào hông
Làm cho các lỗ chân lông
Thảy đều rướm máu ướt đầm cả thân.


Ðến hôn mê tâm thần bất định
Một giây lâu mới tỉnh than rằng:
Bọn con quả thật tội nhân
Xưa nay chẳng rõ, không hơn người mù.

Nay tỏ ngộ biết bao lầm lạc
Ruột gan dường như nát như tan
Tội tình khó nỗi than van
Làm sao trả đặng muôn ngàn ân sâu.


Trước Phật tiền, ai cầu trần tố
Xin Thế Tôn mẫn cố bi lân
Làm sao báo đáp thù ân
Tỏ lòng hiếu thuận song thân của mình?

Phật bèn dùng phạm thanh sáu món
Phân tỏ cùng đại chúng lắng nghe:
Ân cha, nghĩa mẹ nặng nề
Không phương báo đáp cho vừa sức đâu.


Ví có người ân sâu dốc trả
Cõng mẹ cha tất cả hai vai
Giáp Tu Di núi chẳng sai
Ðến trăm ngàn kiếp ân kia chưa vừa.

Ví có người gặp cơn đói rét
Nuôi song thân dâng hết thân này
Xương nghiền thịt nát phân thây
Trải trăm ngàn kiếp ân đây chưa đồng.


Ví có người vì công sanh dưỡng
Tự tay mình khoét thủng song ngươi
Chịu thân mù tối như vầy
Ðến trăm ngàn kiếp ơn này thấm đâu.

Ví có người cầm dao thật bén
Mổ bụng ra rút hết tâm can
Huyết ra khắp đất chẳng than
Ðến trăm ngàn kiếp thâm ân đâu bằng.


Ví có người dùng ngàn mũi nhọn
Ðâm vào mình bất luận chỗ nào
Tuy là sự khó biết bao
Trải trăm ngàn kiếp không sao đáp đền.

Ví có người vì công dưỡng dục
Tự treo mình, cúng Phật thế đèn
Cứ treo như vậy trọn năm
Trải trăm ngàn kiếp ân thâm chưa đền.


Ví có người xương nghiền ra mỡ
Hoặc dùng dao chặt bửa thân mình
Xương tan, thịt nát chẳng phiền
Ðến trăm ngàn kiếp ơn trên chưa đồng.

Ví có người vì công dưỡng dục
Nuốt sắt nóng thấu ruột thấu gan
Làm cho thân thể tiêu tan
Ðến trăm ngàn kiếp thâm ân chưa đền.


Nghe Phật nói thảy đều kinh khủng
Giọt lệ tràn khó nỗi cấm ngăn
Ðồng thanh bạch Phật lời rằng:
Làm sao trả đặng ân thâm song đường?

Phật mới bảo các hàng Phật tử:
Phải lắng nghe ta chỉ sau này
Các ngươi muốn đáp ơn dày
Phải nên biên chép Kinh đây lưu truyền.


Vì cha mẹ trì chuyên phúng tụng
Cùng ăn năn những tội lỗi xưa
Cúng dường Tam Bảo sớm trưa
Cùng là tu phước, chẳng chừa món chi.

Rằm tháng Bảy đến kỳ Tự Tứ
Thập phương Tăng đều dự lễ này
Sắm sanh lễ vật đủ đầy
Chờ giờ câu hội đặt bày cúng dâng.


Ðặng cầu nguyện song đường trường thọ
Hoặc sanh về Tịnh Ðộ an nhàn
Ấy là báo đáp thù ân
Sanh thành dưỡng dục song thân của mình.

Mình cần phải tụng Kinh lạy Phật
Pháp Tam Quy, bậc nhất giới trai
Những lời ta dạy hôm nay
Các ngươi nhớ lấy từ đây phụng hành.


Ðược như vậy mới là khỏi tội
Bằng chẳng thì ngục tối phải sa
Trong năm đại tội kể ra
Bất hiếu thứ nhứt,thật là trọng thay.

Sau khi chết, bị đày vào ngục
Ngũ Vô Gián cũng gọi A Tỳ
Ngục này trong núi Thiết Vi
Vách phên bằng sắt vây quanh bốn bề.


Trong ngục này hằng ngày lửa cháy
Ðốt tội nhân hết thảy thành than
Có lò nấu sắt cho tan
Rót vào trong miệng tội cang hành hình.

Vì bất hiếu nên mình thọ khổ
Lột thịt ra máu đổ tràn lan
Lại có chó sắt cắn gan
Phun ra khói lửa đốt đoàn tội nhân.


Ở trong ngục có giường bằng sắt
Bắt tội nhơn nằm khắp đó xong
Rồi cho một ngọn lửa hồng
Nướng quay chúng nó da phồng thịt phao.

Móc bằng sắt thương đao gươm giáo
Trên không trung đổ tháo như mưa
Gặp ai chém nấy chẳng chừa
Làm cho thân thể nát nhừ như tương.


Những hình phạt vô phương kể hết
Mỗi ngục đều có cách trị riêng
Như là xe sắt phân thây
Chim ưng mổ bụng, trâu cày lưỡi lê.

Nếu mà đặng chết liền đã đỡ
Vì nghiệp duyên không nỡ hành thân
Ngày đêm chết sống muôn lần
Ðến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây.


Sự hành phạt tại A Tỳ ngục
Rất nặng nề ngỗ nghịch song thân
Chúng ngươi đều phải ân cần
Thừa hành các việc phân trần khoảng trên.

Nhứt là phải Kinh nầy in chép
Truyền bá ra cho khắp Ðông Tây
Như ai chép một quyển nầy
Ví bằng đặng thấy một vì Thế Tôn.


Nếu in được ngàn muôn quyển ấy
Thì cũng bằng thấy Phật vạn thiên
Do theo nguyện lực tuỳ duyên
Chư Phật ủng hộ y như sở nguyền.

Cha mẹ đặng xa miền khốc lãnh
Lại hoá sanh về cõi thiên cung
Khi lời Phật giảng vừa xong
Khắp trong tứ chúng một lòng kính vâng.


Lại phát nguyện thà thân này nát
Ra bụi tro muôn kiếp chẳng nài
Dầu cho kéo lưỡi trâu cày
Đến trăm ngàn kiếp lời Thầy không quên.

Ví như bị bá thiên đao kiếm
Khắp thân này đâm chém phanh thây
Hoặc như lưỡi trói thân này
Trải trăm ngàn kiếp lời thầy chẳng sai.


Dẫu thân này bị cưa bị chặt
Phân chia ra muôn đoạn rã rời
Đến trăm ngàn kiếp như vầy
Chúng con cũng chẳng trái lời thầy khuyên.

Ðức A Nan kiền thiền đảnh lễ
Cầu Thế Tôn đặt để hiệu kinh
Ngày sau truyền bá chúng-sanh
Dễ bề phúng tụng kiên tinh tu hành


Phật mới bảo: A Nan nên biết
Quyển Kinh này quả thiệt cao xa
Ðặt tên "BÁO HIẾU MẸ CHA"
Cùng là "ÂN TRỌNG" thật là chơn kinh.

Các ngươi phải giữ gìn châu đáo
Ðặng đời sau, y giáo phụng hành.
Sau khi Phật dạy đành rành
Bốn hàng Phật tử rất mừng rất vui


Thảy một lòng vâng theo lời Phật
Và kính thành tin chắc vẹn tuyền
Ðồng nhau trở lại Phật tiền
Nhất tâm đảnh lễ, rồi liền lui ra.



Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Ban Nhược

Trong kinh Đại Bát-nhã quyển 381 Phật dạy không thể bỏ đi ngôn ngữ, mà phải thấu qua phương tiện này mới thấy được chân lý:

[0134a10]如來應正等覺。於法善巧。於字善巧。以於諸法諸字善巧。於無字中亦得善巧。由善巧故。能為有情說有字法。說無字法。為無字法說有字法。所以者何。離字無字。無異佛法。過一切字。名真佛法。以一切法。一切有情。皆畢竟空。無際空故。

[134a10] Như Lai ứng chánh đẳng giác, thiện xảo về pháp, thiện xảo về văn tự, nhờ thiện xảo về pháp và văn tự, nên cũng đạt được thiện xảo về không văn tự. Do thiện xảo nên có thể vì chúng sanh nói pháp có văn tự, nói pháp không có văn tự, vì pháp không có văn tự mà nói pháp có văn tự. Vì sao? Vì tách rời văn tự và không có văn tự, thì không có Phật pháp nào khác, vượt qua tất cả văn tự gọi là Phật pháp chân thật. Vì tất cả pháp, tất cả chúng sanh đều là sự rỗng không rốt ráo, sự rỗng không không ngằn mé.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (9 bài viết)
[1]