Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [45] [46] [47] [48] [49] [50] [51] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐINH NHẬT THẬN


Số là, ông Đinh Nhật Thận hiệu Bạch Mao Am, sinh năm 1815, và mất năm 1860, người làng Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông thi đỗ Đình Nguyên Khoa Mậu Tuất năm Minh Mạng thứ 19, tức vào năm 1838 dương lịch. Ông được bổ làm quan ít lâu thì chán cảnh hoạn trường nên cáo quan về sinh sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc.

Ông Đinh Nhật Thận là bạn thân của nhà thơ “ngông” Cao Bá Quát, vì thế đến đời vua Tự Đức ông bị bắt giải về kinh vì bị tình nghi có nhúng tay vào vụ Cao Bá Quát khởi loạn. Nhưng vì không có bằng chứng nên được tha. Vua Tự Đức mến tài ông nên giữ ông ở lại kinh đô để dạy cho các tôn thất học.

Khi ở kinh thành, một hôm ông cùng các quan đại thần được theo ngự thuyền ngoạn cảnh trên sông Hương, nhân lúc vua và các quan đàm luận về đạo đức thánh hiền, ông có nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu” (Vua khiến tôi chết, tôi không chết không trung; cha khiến con chết, con không chết không hiếu) và cho đó là một câu chí lý mà mọi người phải theo.

Nghe ông nói vậy, vua Tự Đức mới phán:
- Thế bây giờ trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này mà chết đi, khanh có làm  không?

Nghe nhà vua phán, các quan ai nấy đều lo cho số phận của ông vì không nhảy thì mang tội bất trung còn nhảy thì chết một cách oan uổng. Thế nhưng ông vẫn bình tĩnh, lạy tạ nhà vua xong rồi lao mình xuống sông Hương. Giòng nước bắn tung toé, mọi người đều nghĩ đây là nơi an giấc nghìn thu của ông Đinh Nhật Thận. Thế là kết liễu một đời tài hoa không tội lỗi...

Nhưng chỉ giây lát sau, hết dưỡng khí, bị ngộp thở, ông ngoi đầu lên bơi đến bám vào ngự  thuyền. Vua Tự Đức thấy vậy bèn hỏi:
- Sao khanh không ở dưới đó mà chết đi còn trở lên đây?

Ông đáp:
- Thần định ở nhưng vừa xuống tới đáy sông thì gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần bằng hai câu thơ như sau:

“Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn!
Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà?”
(Ta gặp vua ngu phải chịu chết oan đã đành,  còn người gặp vì vua sáng suốt cớ sao lại chết đuối?)

Thần nghe ông ấy mắng đúng lắm nên phải lên đây tâu bệ hạ rõ
.
Vua Tự Đức nghe qua cả cười, sai thị vệ đón ông lên ngự thuyền, lấy quần áo cho thay, rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng. Thưởng cho cái tài ứng phó mẫn tiệp mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, tức là nói láo.


Đó là nói láo đấy, nhưng nói láo mà nhà vua phải khen, các quan phải phục và người đời sau ca tụng mãi mãi. Lối nói láo đó không làm hại gì ai mà trái lại còn tô điểm cho kho tàng văn học thêm phong phú. Ở đời đã mấy ai không nói láo, nhưng đã có mấy ai nói láo có nghệ thuật để thiên hạ biết mình nói láo mà vẫn nghe, vẫn phục và vẫn có thiện cảm!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ CÔNG DUỆ


Trong các bậc văn nhân tiền bối nước ta như các cụ Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, bà Đoàn Thị Điểm đều nổi tiếng thông minh, văn hay chữ tốt khi còn nhỏ và làm cho mọi người nể phục.

Nhưng kỳ lạ hơn hết, thật không ai bằng cụ Trạng Vũ Công Duệ, người làng Trình Xá, tỉnh Sơn Tây, mới ngoài 20 tuổi đã đỗ Trạng Nguyên làm quan đến chức Đô Ngự Sử cuối đời nhà Lê. Tính khí của cụ rất cương trực khiến các quan văn võ đều nể sợ. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, cụ cương quyết không theo phe nghịch thần, cụ mắng chửi Mạc Đăng Dung thậm tệ rồi ôm ấn nhảy xuống cửa thần phù tự tử chết.

Thuở nhỏ Công Duệ nhà rất nghèo, một hôm cùng mấy bạn đồng lớp trên đường đi học, Công Duệ lấy đất sét nặn thành con voi, bắt bốn con cua làm chân, bắt hai con bướm làm tai, bắt một con đỉa làm vòi. Thành ra con voi bằng đất sét biết đi, biết vẫy tai và co vòi lên xuống.

Lúc đó một vị quan đang cưỡi ngựa đi qua thấy lạ liền dừng ngựa lại xem. Sau khi hỏi Công Duệ một vài câu, thấy Công Duệ đối đáp trôi chảy chứng tỏ là một đứa bé có học và thông minh nên vị quan muốn thử tài mới bảo:

- Mày đã đi học rồi, vậy ta ra cho câu đối, nếu mày đối được ta sẽ thưởng tiền cho.
Công Duệ đồng ý và vị quan ra câu đối như sau:

- Đồng tử lục thất nhân, vô như nhĩ sảo
(Trẻ nít sáu bảy đứa, không ai hơn mày khéo)

Trước khi đối, Công Duệ hỏi vị quan:
- Thế ông là gì đã?
Vị quan trả lời:
-Ta là Lang Trung, mỗi tháng lãnh hai ngàn thạch lúa.

Quan nói xong, Công Duệ liền ứng khẩu đối:
- Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công...
(Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông...)

Nghe Công Duệ đối như thế, vị quan ngạc nhiên mới hỏi:
-Tại sao mày đối thiếu một chữ?

Cậu bé Công Duệ mỉm cười, trả lời một cách hóm hỉnh:
- Còn một chữ nữa tôi để dành, hễ quan lớn thưởng tiền thật thì tôi đối là “Liêm”, bằng không thì tôi đối là “Tham”.

Vị quan nghe nói phải phục tài bèn móc túi lấy tiền thưởng cho cậu bé Công Duệ để lấy được chữ “Liêm”, nên câu đối thành:
Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm.
(Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông liêm)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Bài thơ CON CÓC

Nói đến đề tựa này, chắc hẳn chúng ta không ai quên bài thơ trong truyện tiếu lâm chế giễu mấy nhà thơ nọ khi thấy một con cóc bèn cùng nhau làm một bài tức cảnh:

Con cóc trong hang,
Con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra,
Con cóc ngồi đó.
Con cóc ngồi đó,
Con cóc nhảy đi...

Và bài vịnh “Con Cóc” sau đây của vua Lê Thánh Tôn nói lên cái khẩu khí của một vì thiên tử:

Bác mẹ sinh ra mặc áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng nuốt ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

Đọc bài thơ trên ta thấy tức cười, đọc bài vịnh dưới ta thấy cảm phục. Nhưng cảm phục lẫn tức cười chưa lấy gì bằng bài thơ “Con Cóc” sau đây của 4 vị quan nghè đời Tây Sơn.

Chuyện kể rằng sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, triều đình có tổ chức một cuộc lễ khao quân để mừng các tướng sĩ thắng trận. Trong số đình thần có bốn ông tiến sĩ xin làm một bài thơ ca tụng chiến công của nhà vua. Ý kiến tâu lên được nhà vua chấp thuận nhưng đầu đề và vần phải do nhà vua chọn. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, nhà vua bèn ra đầu đề “Con Cóc” và lấy vần “Bàm”. Ra đầu đề và vần xong, nhà vua lại bắt buộc tất cả bốn ông tiến sĩ phải đứng xếp hàng một, mỗi ông làm một câu, hễ ông trước làm xong bước lên thềm thì ông sau phải ứng khẩu tiếp ngay, nếu bài thơ không thành, mỗi ông sẽ bị phạt uống một tô rượu.

Bốn ông nghè bắt đầu làm, ông thứ nhất khởi đọc:
Nghiến răng lừng biển Bắc,

Ông thứ hai tiếp theo:
Tắc lưỡi dậy trời Nam.

Hay! Hay! Hai câu này thật là hay, đúng là con cóc lại ngụ ý nói lên được cái chiến công oanh liệt của vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long do vua Chiêu Thống dẫn đường sang và đánh chìm 500 chiến thuyền của quân Xiêm ở miền Nam do chúa Nguyễn Ánh cầu viện về. Kể ra không kém gì câu: “Chép miệng nuốt ba con kiến gió. Nghiến răng chuyển động bốn phương trời” của vua Lê Thánh Tôn.

Nhưng đến ông thứ ba mới là khổ! Phải làm sao cho ông thứ tư còn lấy được vần “Bàm”, nếu không, mang danh là tiến sĩ mà để bị phạt uống một tô rượu thì nhục lắm. Bởi nghĩ thế nên ông ta mới buộc lòng ứng khẩu đọc tiếp:
Ấy nó là con cóc

Thế rồi ông thứ tư đọc luôn:
Chẳng phải quả bàm bàm.

Khi đọc xong, nhà vua và các quan văn võ ai nấy cũng đều cười muốn vỡ hội trường:

Nghiến răng lừng biển Bắc,
Tắc lưỡi dậy trời Nam.
Ấy nó là con cóc,
Chẳng phải quả bàm bàm.
Thật ra, hai ông sau không phải là kém tài hay làm thơ dở mà chính đó mới là hay, là sát nghĩa vì cái “dễ làm” thì hai ông trên đã “hứng” mất rồi. Cái khó là làm sao phải gieo được vần “Bàm” mà không bị khổ độc, nên hai ông tiến sĩ sau đành phải ứng khẩu một cách “nôm na” như vậy.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Thầy VĂN NHƯ CƯƠNG

Mới đây, thầy Văn Như Cương đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian chống chọi với bệnh tật. Một người thầy đáng kính đã ra đi nhưng những giai thoại về thầy vẫn sẽ còn được lưu truyền mãi.

Thầy Văn Như Cương sinh năm 1937 trong một gia đình làm nghề dạy học chữ Hán (đồ Nho) tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường.

Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.

Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới. Thầy được đánh giá cao với năng lực sư phạm và cũng nổi tiếng là người thẳng tính, rất thương yêu học trò.

Tuy nhiên, cách đây gần 3 năm thầy phát hiện mắc ung thư gan khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng do vậy thầy thường xuyên phải nằm viện.

Sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, khoảng 1h sáng ngày 9/10 thầy đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.

Cuộc đời thầy luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cùng với tính cách trung thực và thẳng thắn của ông đã làm nên một chân dung đặc sắc cùng với những giai thoại đầy thú vị.
1.
Vế đối nổi tiếng

Tuy là một giáo viên dạy Toán nhưng thầy Văn Như Cương cũng rất đam mê Văn học nghệ thuật. Khi về giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng nghiệp bên khoa Văn thấy một thầy giáo dạy Toán, lại có họ tên là “Văn Như Cương” bèn thử tài văn chương của “ông đồ xứ Nghệ” (ngày đó thầy Cương đã để râu dài, rất ra dáng ông đồ xưa), bằng cách ra câu đối: “Văn như Văn Như Cương”. Không cần nghĩ ngợi nhiều, thầy Cương đối lại: “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp”.

Đó là một vế đối quá chỉnh nhưng lại đưa tên vị Đại tướng lừng danh vào đây nên nhiều người ngại “phạm huý”, không dám truyền tụng rộng.

Bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, (bà là người có họ hàng với PGS.TS Văn Như Cương) ngày ấy cũng công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội biết chuyện, bà vui miệng kể lại với chồng.

Nghe xong Đại tướng Võ Nguyên Giáp tủm tỉm cười khen: “Giỏi, đối như vậy là rất chỉnh. Người thông minh mới làm được như vậy”.

Giai thoại này về sau có người phịa ra để trêu đùa rằng, chính Phó giáo sư Văn Như Cương là người đưa ra câu đối: “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp” để mọi người phải đối lại là: “Văn như Văn Như Cương”.
2.
Chuyện “phó tiến sỹ lợn”

Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mặc dù là phó tiến sỹ nhưng lương của ông chẳng đủ ăn. Nên gia đình ông đã quyết định cải thiện cuộc sống bằng cách nuôi lợn.
Nói là làm, ông cho quây một góc sân nhà tập thể lại để làm chuồng. Do mát nay nên lợn ông nuôi lớn nhanh như thổi.

Sau mỗi lần xuất chuồng thì kiếm thêm được 70 đồng bằng đúng số tiền lương của một phó tiến sỹ thời đó, nên ông thường nói vui: “Trong nhà có hai phó tiến sỹ. Một phó tiến sỹ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn”.

Nhưng việc nuôi lợn cũng chỉ được một thời gian, vì không đủ tiền mua cám, ông phải cho “tiến sỹ” lợn “bảo vệ luận án” sớm. Nói vui theo kiểu của ông là: “Bảo vệ sớm vì hết đề tài (rau, cám)”.

Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.
3.
Chuyện vui về bộ râu

Chuyện về bộ râu của thầy Cương cũng khá hài hước, với những giai thoại thú vị, suýt bị mẹ và vợ cắt mất. Bởi vào năm đầu thập niên 70, người ta quan niệm ai để râu ria xồm xoàm, hoặc cạo trọc đầu là có vấn đề, không bất mãn thì cũng bất trị, nom có vẻ khác đời.

Thầy Cương tìm cách thuyết phục vợ, biện bạch rằng, có bộ râu này mà làm việc gì khuất tất, sàm sỡ thì ai cũng biết, có mà dám. Nghe như đùa nhưng lại là sự thật nên nói mãi vợ cũng đành chiều theo. Quả nhiên ai cũng nhớ đến thầy Cương ở trường sư phạm, qua bộ râu dài và đẹp như một bậc trưởng lão.

Từ ngày đứng ra thành lập trường THPT Lương Thế Vinh, năm 1989 thầy hiệu trưởng Văn Như Cương đã nổi tiếng với bộ râu “tuyết” của mình. Có lần một người hỏi vì sao ông có ít tóc nhưng râu lại dài thế? Ông nhanh chóng đáp lại, tại cái mồm tôi làm việc nhiều, còn cái đầu tôi làm việc ít.

Người ta lại hỏi vì sao ông lại hết lòng vì sự nghiệp trồng người đến vậy, ông điềm đạm vuốt râu đọc mấy dòng thơ tâm huyết: “Ta phải về thôi tuổi xế chiều. Dẫu còn dan díu chút tình yêu. Bài ca sư phạm không đành bỏ. Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo”.
4.
Tình yêu đẹp với cô học trò

Riêng về chuyện tình yêu của thầy Văn Như Cương còn đẹp hơn cả một giai thoại. Tất nhiên khi ấy thầy chưa để râu vì là sinh viên năm cuối. Thầy mạnh dạn vào thực tập ở trường Trưng Vương, toàn nữ ngày ấy (năm 1957). Có cô học trò, tên là Đào Kiều Oanh, một tiểu thư Hà thành, bất ngờ bị hút hồn bởi anh chàng sinh viên thực tập.

Chàng có cách truyền đạt đầy biểu cảm và dễ hiểu. Cô học trò ấy thường xuyên mang sách vở lên hỏi thầy và rất chăm chỉ học tập. Hai thầy trò mến nhau từ đó.

Ra trường, thầy giáo trẻ Văn Như Cương được giữ lại làm giáo viên trợ giảng. Từ đó tình yêu nảy sinh, chàng giáo viên nghèo này được gia đình cô Oanh chấp nhận.

Nhưng có chuyện bất ngờ xảy ra, khi thầy giáo Văn Như Cương được nhà trường quyết định cử vào Nghệ An, xây dựng trường đại học đầu tiên ở đây (năm 1959). Khi đó gia đình cô gái đã đồng ý cho cô theo thầy giáo trẻ vào Vinh để tiếp tục học tập.
Năm 1961, khi cô Oanh nhận tấm bằng tốt nghiệp cũng là lúc thầy giáo Văn Như Cương xin cưới. Hai người nên vợ nên chồng từ đó và cùng nghề dạy học. Đến nay đã hơn 50 năm trọn tình, trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời nhưng họ vẫn gắn bó hạnh phúc bên nhau.

Thầy Văn Như Cương không chỉ được biết đến với những giai thoại mà thầy còn nổi tiếng với những phát ngôn “thẳng và thật”. Cùng với đó là những lời dạy của thầy đến với nhiều thế hệ học sinh, điển hình là bài phát biểu truyền cảm hứng nhân dịp khai giảng mới đây của thầy với bài học “một phút chữa bệnh lười”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRẦN VĂN TRỨ


Thời vua Lê chúa Trịnh, vì thời cuộc nhiễu nhương mà nhiều vị quan phải từ quan về quê, tuy vậy, họ vẫn hết lòng nghĩ về dân về nước. Trần Văn Trứ là một người như vậy.

Trần Văn Trứ sinh năm ất Mùi (1715) tại làng Từ Ô, huyện Thanh Miện, Hải Dương thi đỗ Hoàng giáp năm Quý Hợi (1743) đời Lê Hiển Tông, ông làm quan tới chức Thiên đô ngự sử, người đương thời quen gọi là tiến sĩ Từ Ô.

Tuy làm nhiều chức quan to, nhưng cuối cùng vì thấy chính sự quá đỗi mục nát nên ông liền cáo lão về trí sĩ. Ai nấy đều tiếc, bởi lẽ ông là một người thanh liêm chính trực, có tài lại có lòng thương dân.
1.
Vị quan chính trực, không thiên vị tình riêng

Có một năm, Trần Văn Trứ phụ trách khoa thi hương thuộc trấn quê nhà. Bà vợ nói riêng với ông:

- Năm nay có thằng cháu đi thi, mong được ông rộng tay cho nó đặng mở mày mở mặt. Tên nó là Hi...

Ông gật đầu biết vậy. Bà vợ lại dặn riêng người theo hầu để ý, khi nào ông duyệt đến quyển văn của người cháu thì làm hiệu: hi hi, nhắc cho ông nhớ.

Đúng vào buổi ông chấm văn, người hầu nhận ra dấu hiệu đã dặn, liền đứng cạnh vờ đằng hắng: “hi hi”. Ông sực nhớ lại lời vợ, liếc qua lời văn dưới mắt mình thì thấy lời lẽ bất thông, không xứng đáng đỗ.

Ông cầm ngay bút son sổ dài lên mặt quyển mà nói: “Này hi hi! Này hi hi!” Người hầu tái mặt, vội vàng trốn ra ngoài.
2.
Dùng bộ râu để dạy dỗ quan huyện

Thời gian về nhà, ông biết viên tri huyện huyện mình (Thanh Miện) là kẻ rất hách dịch, hễ ai qua dinh mà không xuống ngựa, xuống cáng đều bị hắn đánh đòn.

Một hôm, nhân đi chơi qua huyện, ông mượn một con bò cỡi đi, nghênh ngang không chịu xuống. Lính huyện lôi ông vào quan. Ông kêu là thầy đồ già đi dạy học ở tỉnh xa mới về nên không hay biết lệ này, vả lại lệ quan buộc phải xuống ngựa chứ không buộc xuống bò.

Lão huyện thét la một hồi, truy hỏi sách nọ, vặn sách kia để thử thách thầy đồ. Sau chừng như thấy ông đối đáp trôi chảy, ung dung, lại có tuổi tác, nên cũng có ý nể, lão huyện liền bảo ông:

- Lý ra tội nhà thầy phải đánh đòn, nhưng ta nể cái bộ râu của thầy nên tha đòn cho.

Vậy thầy phải đối câu đối ta ra để tạ ơn nghe!
Rồi lão huyện ra vế đối rằng:

Huyện quan Thanh Miện kiến vô lễ nhi dục công.
Nghĩa là:
Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh.

Ông nghè Từ Ô thấy nói “nể cái bộ râu” bèn cười khẩy và đọc:

Tiến sĩ Từ Ô hạnh hữu tu nhi đắc thoát
Nghĩa là:
Tiến sĩ Từ Ô may nhờ có râu mà thoát đòn.

Quan huyện cùng lũ nha lại nghe vậy biết ngay là tướng công họ Trần, sợ toát mồ hồi, chả còn hồn vía, phủ phục lạy như tế sao.

Ông nghiêm sắc mặt, chỉnh cho một hồi về đạo đức khiêm tốn, chăn dân ... rồi bỏ đi. Một hồi sau đám quan lại vẫn không dám đứng dậy, người xem được một trận cười. Từ đó, cái lệ “hạ mã” hống hách, vô lý kia cũng bị hạ luôn.

Lời bàn:
Khi Trần Văn Trứ mất, các bạn đồng liêu và khoa mục có câu đối viếng:
Toạ học sĩ ư xuân phong, diện mệnh nhi đề huấn, hối nhược gia nhân phụ tử.
Lập lại tư ư băng tuyết, từ trực khí tráng, lẫm liệt như lôi điện quỷ thần.
Nghĩa là:
Dạy học như gió xuân, thước ngọc khuôn vàng, răn bảo tựa cha con ruột thịt.
Làm quan như băng tuyết, lời ngay khí mạnh, trang nghiêm như sấm sét quỷ thần.

Một con người có tâm và có tài! Thật đáng quý thay.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“NGOÀI TRỜI CÒN CÓ TRỜI”


Triệu Khuông Dẫn diệt nhà Hậu Chu lập ra triều Bắc Tống năm 960, phải mất gần 20 năm mới ngồi yên ngôi bá chủ Trung Quốc. Triệu Quang Nghĩa kế nghiệp anh, đang mưu tính mở rộng bờ cõi về phương Nam, nghe tin Lê Hoàn xưng Hoàng đế. Mười đạo quân của Lê Hoàn, các binh sĩ đều xăm trên trán ba chữ “Thiên tử quân”. Quang Nghĩa đùng đùng nổi giận xuống chiếu phát 30 vạn binh mã (quân số hư trương) chia ba đường đánh lấy Đại Việt, trừng phạt tội dám xưng “đế”, lại tự tôn là “thiên tử” ngang hàng vua Tống.

Đây là dịp tốt để sáp nhập đát đai Nam Việt vào Trung Quốc. Năm 981, quân Tống bị nghiền nát ngay tại cửa Hàm Quỷ, ải Chi Lăng. Thuỷ binh Tống, đạo quân Lưu Trừng tiến vào sông Bạch Đằng, trong khi cánh quân Trần Khâm Tộ đã đến giang phận Tây Kết. Nghe tin đại tướng Hầu Nhân Bảo đã bị chém rơi đầu, chúng đều rụng rời tay chân, quay thuyền tháo chạy. Lê Hoàn sai Giang thuyền tướng quân Trần Ứng Long chỉ huy thuỷ binh truy kích địch.

Thuỷ quân Trung Quốc rất mạnh. Từ đời Tần Thuỷ Hoàng (250TCN) đã chế tạo được loại thuyền biển lớn, sai người đi về phía đông tìm thuốc trường sinh ở các hải đảo. Nhiều đoàn người không trở về, nghe nói vì họ chán ghét chế độ tàn bạo nhà Tần, thà ở lại nơi hoang đảo.

Cuộc xâm lược Việt Nam năm 981, thuỷ binh Tống đều dùng thuyền gỗ lớn, đè sóng lướt gió băng băng. Trần Ứng Long đem binh thuyền đón đánh địch ngay từ cửa Nam Triệu, nhưng thuyền nhỏ, lực lượng mỏng không địch nổi thuỷ quân Tống, đành phải rút lui. Lưu Trừng sai tiền quân nhổ hết những hàng cọc sót lại từ thời Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán, để đại binh tiến thẳng vào sông Bạch Đằng.

Trần Ứng Long vốn quê vùng đồng chiêm trũng Ninh Bình. Nhà ông mấy đời làm nghề đan thuyền thúng dùng gặt hái, bắc ốc trên đồng chiêm. Mỗi người một thuyền vừa chèo bơi, vừa lao động, rất tiện lợi. Ứng Long cải tiến thuyền thúng bơi tay thành loại thuyền nan chống sào và có mái chèo. Chỉ trong vòng nửa tháng, người dân quê ông đã đan xong mấy trăm chiếc, xảm kỹ bằng vỏ cây sắn, nước không thể vào. Mỗi thuyền chở vài ba quân, khi di chuyển, một người vác chạy băng băng. Lúc cần thiết lại có thể dùng thuyền làm chiếc mộc lớn chống lại tên bắn, giáo đâm rất hiệu quả.
Hai bên bờ sông Bạch Đằng mọc nhiều lau lách, cỏ rậm, thuyền nan nấp sẵn trong bụi chờ quân Tống đến lao vụt ra, bất ngờ xông vào giữa đoàn thuyền địch. Thuyền nam khá nhẹ, len lỏi, né tránh nhanh như sóc. Thuyền gỗ to nặng, tiến, lui, quay, trở khó, thành chậm chạp. Những chiếc thuyền nan bị thủng lại hoá thành chỗ ẩn nấp để thuỷ quân ta tiếp tục chiến đấu. Trong đánh giáp lá cà, những sào chống, bai chèo đều là vũ khí lợi hại.(1) Lưu Trừng bối rối, tiến thoái lưỡng nan, đành cho thuyền co cụm lại, tạm đóng trên khúc sông Phả Lễ gần thượng lưu Bạch Đằng.

Trong khi đó đoàn thuyền Trần Khâm Tộ theo cửa sông Cái vào đến Tây Kết (Khoái Châu) thì dừng lại chờ tin Lưu Trừng để cùng phối hợp chiến đấu. Tin tức Hầu Nhân Bảo bị đánh  tan cả đoàn quân cả mấy chục vạn không còn mảnh giáp, Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ đều quay đầu chạy trước. Lê Hoàn sai dùng thuyền nhẹ truy kích địch đến tận cửa biển, bắt sống hai tướng giặc Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân. Về cuộc chiến đánh bại quân Tống xâm lược năm 981, đại sử gia Lê Văn Hưu viết: “Lê Đại hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân, dễ như lừa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán nhà Đường (hai đời cường thịnh nhất thời phong kiến Trung Quốc) cũng không hơn được.”

Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái tông) bị đau hơn hoạn, sai giết hết bọn tướng bại trận chạy trốn về nước ! Nhưng không dám đánh báo thù Đại Việt, vì triều Tống biết rõ, đánh nữa càng thua đau hơn ! Lê Hoàn tuy không sợ quân Tống, nhưng ông cũng như các vị quân sư Khuông Việt, Đỗ Thuận đều không muốn chiến tranh, chỉ mong hai nước Trung Hoa-Đại Việt đời đời hoà hảo.

Năm 987, nhà Tống lại sai Lý Giác làm sứ giả sang Đại Việt. Lý Giác hay chữ nổi tiếng, là Quốc tử giám bác sĩ, vua Tống biết Lê Hoàn có tài ăn nói, mà triều đình cũng lắm người giỏi văn chương nên không thể sai những sứ giả không xứng đáng. Lê Hoàn bảo nhà sư Đỗ Thuận làm lái đò đi đón sử giả. Lý Giác tính hay nói văn thơ, nhân thấy một đôi ngỗng trời đang bơi trên sông, chợt nhớ bài thơ nổi tiếng đời Đường của Lạc Tân Vương, cao hứng, hắng giọng ngâm:

Nga ! Nga ! lưỡng nga nga !
Ngưỡng diện hướng thiên nha
(Ngỗng ! Ngỗng ! Ngỗng một đôi
Ngẩng mặt ngóng chân trời)

Lý Giác mới ngâm được hai câu, chưa biết nên chăng thế nào, dừng lại ngắm đôi ngỗng. Đỗ Thuận cầm mái chèo khua mạnh một cái rồi ngâm tiếp:

Bạch mao phô lục thuỷ
Hồng trạo bãi thanh ba
(Nước biếc phô lông trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi)

Lý Giác giật mình kinh sợ, không ngờ một người lái đò nước Nam cũng thông thạo văn thơ đến thế.

Bài thơ “Vịnh Ngỗng” của Lạc Tân Vương nguyên tác 4 câu:

Nga! Nga! Nga!
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù thuỷ lục
Hồng chưởng bãi thanh ba.
(Ngỗng ! Ngỗng ! Ngỗng!
Cong cổ ngóng trời kêu
Lông trắng nổi trên mặt nước
Bàn chân hồng khua sóng xanh.)

Bởi trước mắt Lý Giác chỉ có hai con ngỗng, và hai con ngỗng ấy ngóng trông về phía chân trời xa chứ không ngẩng lên trời kêu, ông thêm và chữa mấy chữ để hợp  cảnh hợp tình, là chuyện thường thấy ở người xưa yêu thích thơ văn của nhà thơ nổi danh như Lạc Tân Vương. Ông chưa biết nên sửa tiếp như thế nào, Đỗ Thuận đã đỡ lời ông, thay bằng mấy chữ rất tài tình. Bài thơ“Vịnh Ngỗng” Lạc Tân Vương làm năm mới 10 tuổi, thực ra chưa phải đã thật toàn bích. Đỗ Thuận thay chữ “phù” là nổi bằng chữ “phô” là khoe, thay chữ “hồng chưởng” là bàn chân hồng bằng chữ “hồng trạo” là mái chèo hồng làm cho câu thơ trở nên tuyệt cú ! Ở đây không hề có chuyện Lý Giác và Đỗ Thuận “đạo” thơ Lạc Tân Vương, mà chỉ là câu chuyện vui về thơ, vì bài“Vịnh Ngỗng” của Lạc Tân Vương đã quá nổi tiếng, mấy ai không biết.

Lý Giác dù sau đó biết Đỗ Thuận chỉ đóng vai ông lái đò, vẫn rất khâm phục nhà sư. Lý Giác về đến sứ quán, gửi cho Đỗ Thuận một bài thơ:

Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa tri thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.

(May gặp thời bình được giúp mưu
Một lần hai lượt sứ Giao Châu
Đông đô mấy độ còn lưu luyến
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu
Ngoài trời lại có trời soi nữa
Sóng lặng khe đầm, bóng nguyệt thâu.
Bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư)

Đỗ Thuận đem bài thơ Lý Giác dâng vua Lê Hoàn. Vua cho gọi Đại sư Khuông Việt xem. Sư Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”. Lê Hoàn khen ý thơ, đặc biệt câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” nghĩa là: Ngoài trời lại có trời nên soi sáng xa...tặng cho các thứ rất hậu. Khi Lý Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn chân. Lý Giác lậy tạ trở về Trung Quốc.

Theo sách “Thơ văn Lý Trần tập I” (NXB Khoa học xã hội-Hà Nội 1977) của Viện văn học: “Theo ý kiến giáo sư Đặng Thai Mai thì hai câu cuối cùng, ngoài nghĩa xưa nay vẫn hiểu là có ý thừa nhận vị trí độc lập của nước Đại Việt và ngôi thiên tử của vua Lê Đại hành (Lê Hoàn) ra còn có thể mang một nghĩa bóng không đẹp đẽ. Và đó chính là thâm ý của viên sứ giả phương Bắc.”

Tôi, người viết bài này thiển nghĩ: Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu cổ văn uy tín, nhà Hán học uyên bác, ông rất “thâm nho” nên không lạ gì cái “thâm nho” của nhà nho Trung Quốc và người Trung Quốc nói chung. Chúng ta cần cảnh giác khi tiếp cận loại văn bản của họ, nhất là thơ văn thường “ý tại ngôn ngoại”. Tuy nhiên, với bài thơ Lý Giác tôi thấy viên Quốc tử giám bác sĩ họ Lý đã bày tỏ tấm lòng thành thực, hoàn toàn không có dụng ý xấu, xỏ xiên, bóng gió:

Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
(Hai lần từ biệt Đông đô, lòng càng lưu luyến. Đất Nam Việt xa xôi nghìn trùng [tôi] vẫn ngóng trông hoài)

Thiên triều Trung Quốc dù bị đánh cho vỡ mật bay hồn, vẫn cậy nước lớn, mỗi lần sai sứ mang chế sách sang phong, trong đó nội dung hết sức ngang ngược, Lê Hoàn đều nhận chiếu rất cung kính nhưng không bao giờ lậy (vọng bái thiên tử), có ý không công nhận vai trò Thiên triều, quyền uy thiên tử. Những sứ giả trí thức Trung Quốc như Lý Nhược Chuyết, Lý Giác, Tống Cảo, Vương Thế Tắc,...đều lấy “lễ” làm đầu, không dám xấc láo, nhũng nhiễu hay hạch sách việc nhận chiếu không đúng quy định thiên triều.(2)

Bài thơ Lý Giác, đặc biệt nhất câu kết:

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu

Thì 4 chữ “Thiên ngoại hữu thiên” vốn là câu thành ngữ rất phổ biến của nhân dân Trung Quốc, tương tự câu thành ngữ Việt Nam: Ngoài núi này cao còn núi khác cao hơn(3). Hoàn toàn không có ý Đại Việt là bầu trời nhỏ trong bầu trời lớn Trung Quốc. Sứ giả Trung Quốc cũng như nhà Tống (và Nguyên, Minh, Thanh sau này) đều biết khá rõ Lê Hoàn chẳng những xưng “Đế” mà còn dám ngang nhiên tuyên bố mình là “Thiên tử” chẳng kém gì Thiên tử nhà Tống. Việc vua Lê nhận chiếu nhưng không lậy là một sách lược ngoại giao khôn khéo để tránh gây căng thẳng quan hệ hai nước tới mức đối đầu. Với câu thơ “Thiên ngoại hữu thiên” (Ngoài trời này còn có trời khác) Lý Giác đã dám nói lên một sự thật hiển hiên như quy luật của thiên địa, nhân sinh mà thôi.
                                                                HTP-30/6/2014
HUỲNH TUẤN PHỒ
---------------------------
Chú giải:
(1)- Đây chính là nghệ thuật chiến tranh “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, sự dũng cảm mưu trí của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm lịch sử giữ nước.
(2)-Sở dĩ trí thức “Thiên triều” thể hiện sự tôn trọng này là xuất phát từ thực lực sức mạnh của Đại Việt dưới tài chỉ huy của Lê Hoàn khiến quân Tống bao phen phải kinh hồn bạt vía.

(3)-Trung Quốc còn có các dị bản như: 人外有人 (Nhân ngoại hữu nhân-Ngoài người này còn có người khác,) 山外有山 (Sơn ngoại hữu sơn-Ngoài núi này còn có núi khác)峰外有峰 (Phong ngoại hữu phong-Ngoài đỉnh núi này còn có đỉnh núi khác)...được dùng với ý: Không  có cái nào là nhất (tận thiện, tận mỹ). Cái này đã tốt, còn có cái khác tốt hơn; người này đã giỏi còn có người khác giỏi hơn. Đó là nhận thức về thế giới vô cùng vô tận.(Chú giải của Hoàng Tuấn Công)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HỒ XUÂN HƯƠNG


Tiểu sử của bà Hồ Xuân Hương (胡 春 香) đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi; chưa rõ năm sinh và năm mất, chỉ biết bà sống vào khoảng đầu nhà Nguyễn. Một vài tài liệu ghi bà sinh năm 1782, mất năm 1822.

Dựa vào một số tài liệu lưu truyền, những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận bước đầu về tiểu sử của nữ sĩ.

Theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông ra dạy học ở vùng Hà Bắc, để kiếm sống. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ - Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó.

Ba lấy chồng muộn mà hai lần đi lấy chồng (Tổng Cóc, rồi quan Tri phủ Vĩnh Tường), hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc.

Có tài liệu ghi rằng trong thời gian ngồi dạy học, bà có người học trò tên Nguyễn Thị Hinh, đó là nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan về sau.

Các tác phẩm của bà đã bị mất nhiều, đến nay còn lưu truyền chủ yếu là những bài thơ chữ Nôm truyền miệng. Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.

Về chữ Hán, bà để lại nhiều tập thơ: Đề vịnh Hạ Long, Đồ Sơn bát vịnh, Hương Đình cổ nguyệt thi tập, Lưu Hương ký.
1/
Đọc thơ chữa thẹn

Tục truyền, hồi Xuân Hương còn đi học, một hôm gặp trời mưa, đến sân trường, đất trơn, cô trò gái trượt chân ngã oạch một cái, các đồng môn thấy thế đều cười ầm lên.
Nhưng Hồ Xuân Hương đã đứng dậy ngay, ung dung đọc hai câu thơ quốc âm rằng:

Dang tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.

Rồi cất nón bình thản đi vào. Còn mấy chàng học trò, thấy nàng ứng khẩu chữa thẹn tài tình như thế thì cũng phục, không dám chòng ghẹo gì thêm nữa.
2/
Mảnh tình xẻ đôi

Hồ Xuân Hương vốn nổi tiếng tài hoa, lại hay bày ra các cuộc xướng hoạ văn thơ ở trong nhà để làm vui, nên khách khứa thường lui tới nhà bà rất đông. Trong số đó những khách yêu chuộng văn chương mà đến thì cũng có; song hạng khách vô công rỗi nghề vì tò mò mà đến, hoặc vì sĩ diện hão mà đến cũng không phải là hiếm.

Một hôm, có một công tử con quan, học hành thì dốt nát nhưng áo quần lúc nào cũng bảnh bao đến chơi nhà Xuân Hương. Xuân Hương lúc ấy đang bận ở nhà trong, vả cũng đã biết đó là một anh chàng tầm thường không muốn tiếp, bèn cho cô nhài ra mời trầu; cơi trầu có quả cau bổ đôi kèm theo mảnh giấy đề hai câu thơ như sau:

Mảnh tình ví xẻ làm đôi được,
Mảnh để trong nhà, mảnh đệ ra!

Chàng công tử xem thơ xong, chừng liệu sức mình không đối chọi nổi, bỏ cả trầu không dám ăn, lặng lẽ chuồn về luôn.

Nhưng được mấy hôm, không hiểu tiếc rẻ như thế nào, người ta lại thấy chàng công tử ấy dẫn xác đến.

Lần này, Xuân Hương lại sai cô nhài bưng cơi trầu ra mời. Chàng công tử giơ tay định nhót miếng trầu ăn, chẳng ngờ lại thấy có mảnh giấy với bài thơ tứ tuyệt rằng:

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi!

Chàng công tử đọc đi đọc lại mãi, mà vẫn chẳng hiểu ý tứ thế nào. Sau nghĩ kỷ mấy chữ “Này của Xuân Hương đã quệt rồi” cảm thấy lờ mờ rằng mình bị xỏ, nhưng lại lúng túng mãi chẳng biết đường hoạ.

Thế là lần thứ hai, chàng công tử tốt mã ấy lại đành bỏ trầu, chuồn thẳng.
Nghe đâu, từ đấy cậu cả không còn dám lai vảng tới cửa nhà Xuân Hương nữa.
3/
Ấy ái uông

Một hôm, Hồ Xuân Hương đến thăm chùa Địch Lộng ở vùng Ninh Bình. Thấy khắp chùa chỗ nào cũng nhan nhản những thơ đề vịnh, Xuân Hương thú lắm, liền đi dạo xem.

Đang lúc ấy, bỗng có hai người ăn diện bảnh bao, có tiểu đồng theo hầu, bước vào chùa. Họ ngắm cảnh một lát, rồi một người lấy bút đề lên khoảng tường trắng bài thơ rằng:

Thấy tớ thong dong dạo cảnh chùa,
Cầm thư lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, đầu ngơ ngác,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lò.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ?

Người ấy vừa buông bút, người thứ hai đã vội khen lấy khen để; rồi đón lấy bút nói: “Bây giờ đệ xin phép bác, cũng thử vịnh mấy vần chơi cho vui nhé”. Bài thơ như sau:

Mây tan, mưa tạnh, liễu xanh om,
Qua mái thiền quan ghé mắt dòm.
Ngoài cửa vòng tay hai chú béo,
Trong gian chống gối một anh còm.
Chênh vênh án kệ chuông vàng tía,
Lấp ló bình hương Phật đỏ lòm.
Tới cảnh lấy chi mà vãng cảnh?
Quì hai gối xuống gật xòm xòm!

Bài thơ vừa đề xong, thì người thứ nhất cũng khen lại rối rít. Thế rồi, kẻ trước người sau cứ tâng bốc nhau mãi lên tận trời.

Xuân Hương đứng gần đấy, lấy làm lạ tới coi thử. Nhưng khi đọc thơ xong thì Xuân Hương thấy ngượng cho những ý tứ sỗ sàng trong hai bài thơ, không chịu được liền nhổ toẹt một bãi nước bọt.

Hai người kia bực mình, hỏi Xuân Hương vì sao mà lại nhổ nước bọt. Xuân Hương thủng thẳng đáp: “Tôi thấy lời lẽ trong thơ các vị không xứng đáng là lời của người quân tử!”.

Hai người ra vẻ không bằng lòng nói: “Chị đã có ý chê thơ của chúng tôi như thế, vậy nhà chị thử hoạ một bài như thế nào?”.

Xuân Hương trả lời ngay: “Gì chứ hoạ thơ của hai thầy thì cũng dễ thôi. Chỉ trừ khi có hạn vần thì mới khó hoạ!”

Hai người cũng tỏ vẻ ta đây sành sỏi trong làng thơ, liền nói luôn: “Hạn vần sao lại khó được, chị thử hạn vần rồi chúng tôi hoạ cho mà coi!”
Xuân Hương mới đọc câu:

Lượng cả xin ông chớ hẹp hòi!

Rồi bảo: “Đó, các thầy hoạ đi! Hạn vần “cái gì hòi” thì được, chớ cấm dùng “hẹp hòi”
Hai người ngẩn mặt ra nghĩ mãi, sau có một người phải đọc liều:

Sẽ lại gần đây, tớ thẩm hòi! (1)
(1) Nói lái lại: hỏi thầm.

Rồi họ chống chế cho đỡ thẹn: “Giá chị cho vịnh hẳn một vật thì chúng tôi mới có hứng mà làm”.

Xuân Hương đáp: “Thế cũng được! Vậy hãy vịnh thơ “Cái chuông”, mà hạn vần uông ở câu thứ hai”.

Hai người đã trót lỡ lời, đành phải ngồi nặn óc suy nghĩ. Đánh vần đã vã cả mồ hôi trán, mà thơ vẫn chưa ra được câu nào.

Sau, Xuân Hương thấy họ cứ “chuông”, “uông” … mãi, sốt ruột, mới đọc hai câu rằng:

Năm ba thằng ngọng đứng xem chuông,
Nó bảo nhau rằng “ấy ái uông”!

Vừa là làm giúp, mà lại vừa có ý nói móc hai người. Rồi nhân tiện thấy họ cứ làm bộ hay thơ mãi, Xuân Hương ghét mặt, mới đọc dồn luôn cho bốn câu nữa:

Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói, (2)
Muốn sống đem vôi quét trả đền!
(2) Lòi tói: tiếng cổ, có nghĩa là dốt nát. Phương ngôn có câu “Dốt lòi tói”.

Đọc xong đùng đùng bỏ về thẳng. Để mặc cho hai người kia đứng trơ mắt nhìn nhau, vừa thẹn, vừa tức, vừa phục.
4/
Đánh trống qua cửa nhà sấm

Một hôm Hồ Xuân Hương đi thăm chùa Trấn Quốc về, nàng đang lững thững bên bờ hồ Tây, bỗng có mấy thầy khoá bước rảo lên theo sát ở đằng sau. Rồi các thầy giở giọng chớt nhả ra trêu ghẹo nàng. Có thầy lại hứng chí tung văn chương chữ nghĩa ra nữa.

Xuân Hương thấy họ trêu ghẹo thì vẫn lặng thinh không nói gì. Nhưng đến khi nghe cái thứ “thơ thẩn” nửa mùa ấy thì không nhịn được nữa, nàng mới quay lại, đọc dồn cho các thầy một bài thơ rằng:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa!

Bấy giờ, các thầy khoá nghe giọng thơ thì biết ngay là đã gặp phải bà chúa Hồ Xuân Hương. Riêng thầy đọc thơ lúc nãy thì thẹn chín người vì đã trót đánh trống qua cửa nhà sấm. Rồi đó, các thầy bấm nhau lui lại, để cho Xuân Hương đi trước.
5/
Ham tìm chỗ ấy

Tương truyền một hôm vừa có mấy tao nhân mặc khách đến nhà Hồ Xuân Hương chơi thì trời đổ mưa. Hồ Xuân Hương khi ấy đang ở nhà dưới, vội rảo bước qua sân lên nhà trên tiếp khách. Bởi đi vội nên chẳng may giẫm chân phải hòn gạch gập ghềnh, bùn nước bắn vọt ngay lên. Chắc là bùn vọt lên cao bên trong váy làm Hồ Xuân Hương khó chịu, bất giác lấy tay xoa xoa vào chỗ … bị ướt. Chẳng ngờ cử chỉ của Hồ Xuân Hương lại bị mấy ông khách nhìn thấy. Họ khúc khích vừa cười vừa nói nhỏ gì đó với nhau. Hồ Xuân Hương mặt đỏ bừng ứng khẩu đọc luôn hai câu thơ chữa thẹn như sau:

Nê nính do tri tầm hảo xứ
Mạc tương thố thủ tiếu anh hùng
Tạm dịch:
Bùn nhão còn ham tìm chỗ ấy
Anh hùng tay thọc chớ cười chi.

Câu thơ đã chọc đúng tâm lý cánh mày râu, khiến mấy ông khách chẳng thể trêu chọc gì hơn được nữa. Thế là tất cả đều cười ồ lên vui vẻ…
6/
Cặc Bần, ghe Phú

 Tục truyền một hôm Hồ Xuân Hương đi qua làng Bần, gặp lúc dân ở đây đang đóng cọc cắm cừ ở ven đê. Bấy giờ có một nho sinh vốn là người quen của Hồ Xuân Hương, đang coi sóc việc hộ đê. Nhân gặp nữ sĩ họ Hồ, lại trông thấy cảnh tượng những cọc tre dập dềnh lảo đảo trên mặt nước, mới đọc bỡn một câu, thách Hồ Xuân Hương đối chơi. Câu đối như sau:

“Sóng vỗ cặc Bần quay lảo đảo”

 Người làng Bần thường nói ngọng, theo thổ âm ở đây “cái cọc” nói là “cái cặc”. Bởi vậy nho sinh ấy mới đọc theo thổ âm cốt để ghẹo Hồ Xuân Hương.   
 
 Xuân Hương nào phải tay vừa, bà cũng theo thổ âm thổ ngữ xứ Đàng Trong đối lại một câu rằng:

“Gió đưa ghe Phú nhẹ bồng tênh”

 Phú tức làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên (nay là thành phố Huế). Ở đây người ta thường gọi “cái thuyền” là “cái ghe”. Vế ra có Bần nghĩa là “nghèo”, thì vế đối lại có Phú nghĩa là “giàu”. Đối thật hay mà chỉnh. Nho sinh phục tài vô cùng, bèn cố mời Hồ Xuân Hương về nhà khoản đãi cơm rượu rất hậu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

7/
Cuộc đấu thơ nghịch ngợm

 Tương truyền, giữa Xuân Hương với Chiêu Hổ đã xảy ra một cuộc đấu thơ dẳng dai hết sức nghịch ngợm, được dân gian lưu truyền khắp các vùng.

  Có ý kiến cho Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ (1768 – 1839); nhưng cũng có ý kiến khác, xem Chiêu Hổ chỉ là một nhân vật dân gian. Cả những bài thơ tương truyền do Xuân Hương xướng hoạ với Chiêu Hổ cũng vậy; có những tài liệu lại không chép là Chiêu Hổ, mà chỉ ghi đó là một người con trai, vì Phạm Đình Hổ là người nghiêm trang, khắc khổ, rất ghét thanh sắc, thường tỏ ý không thích thơ nôm (xem Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ).

 Cuộc đấu thơ khởi đầu, nghe đâu chính từ hai câu thơ của Chiêu Hổ đưa tới ghẹo Xuân Hương:

Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương.

 Đó là hai câu thơ chiết tự, trong Hán văn, chữ Cổ ( 古 ) ghép với chữ Nguyệt
(月) là chữ Hồ (胡), chỉ họ của Xuân Hương. Nhưng nghĩa câu thơ lại có ý châm chọc: con người đã cổ xưa, cũ kỹ rồi, mà lại còn có thói trăng gió, trăng hoa, đĩ thoả. Còn câu sau là ghép tên Xuân với Hương. Nhưng cũng có ý xỏ xiên nói nàng là cô gái còn xuân xanh, mà sao lại để phòng lạnh lẽo làm chi?

 Thấy Chiêu Hổ nhiều lần làm thơ cợt ghẹo mình như thế, Xuân Hương đã gửi bài thơ trách mỉa Chiêu Hổ như sau:

Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự gầm ghè
Gầm ghè nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè.

 Rõ ràng ý thơ mỉa Chiêu Hổ chỉ được cái mạnh mồm, chứ thực sự thì còn rụt rè lắm. Chiêu Hổ bị chọc tức, không nhịn được, liền có thơ hoạ lại ngay:

Hỡi hỡi cô bay tới bảo nhe
Bảo nhe không được gậy ông ghè
Ông ghè chẳng vỡ ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè.

  Có nghĩa là Chiêu Hổ quyết “ghè” mãi cho đến “rè” mới thôi.

 Thơ Chiêu Hổ chỉ là những câu nói bừa, khiến Hồ Xuân Hương đọc xong cũng không nhịn được cười. Lối nói bừa ấy thể hiện ở một bài thơ khác. Số là có lần Xuân Hương ngỏ ý vay Chiêu Hổ năm quan tiền. Chiêu Hổ đã bằng lòng hẹn cho vay. Nhưng lúc đưa tiền thì có ba quan. Xuân Hương bực mình, làm bài thơ trách Chiêu Hổ:

Sao nói rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi Nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.

 Nguyệt đây là chỉ ngôi nhà “Cổ Nguyệt đường” của Xuân Hương bên Hồ Tây, mà cũng là chỉ cung trăng, nơi theo truyền thuyết dân gian, có thằng Cuội ngồi gốc cây đa ở trên đó. Bởi thế câu dưới, mới hỏi xin Chiêu Hổ nắm lá đa, ý  bảo Chiêu Hổ nói dối như Cuội.

 Bị coi khinh là thằng Cuội, chàng Hổ tức quá, lại giở ngón nghề nói bừa, hoạ luôn một bài nguyên vận, như sau:

Rằng gián thì năm, quí có ba
Bởi người vụng tính, tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi Nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.

  Cứ bị coi thường mãi, Xuân Hương không chịu lép, đã vọt lên xưng là “Chị” lại còn đem cái tên Hổ ra mà đánh đồng với cái “chốn ấy”, cái “hang hầm” của bà:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo Nguyệt giữa ban ngày?
Này này, chị bảo cho mà biết:
Chốn ấy hang hầm chớ mó tay.(1)
(1) Hầm: tức hùm, tên khác chỉ con hổ mà cũng ám chỉ tên Chiêu Hổ theo ý xỏ xiên: “Hổ là cái chỗ ấy của chị”.

  Chiêu Hổ cay lắm, nhưng Hổ đâu phải tay vừa, càng cay thì lại càng cùn hơn, Hổ đã có một bài thơ hoạ áp đảo hẳn đối phương:

Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo Nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay.(1)
(1) Bỗng trốc tay: bỗng bế, bồng trên tay.

  Giọng thơ đúng là giọng say khật khưỡng, không rõ là Xuân Hương không chấp người say, hay là ý thơ có điều gì đó làm bà chạnh lòng. Từ đó, người ta không thấy Xuân Hương xướng hoạ  gì với Chiêu Hổ nữa.

  Cũng có thuyết cho rằng ông phủ Vĩnh Tường mất, bà Hồ Xuân Hương muốn tìm người cũ là Chiêu Hổ, vì dẫu Chiêu Hổ có ở bạc đen với nàng, nhưng nàng cũng mến tài mà nhớ đến luôn. Nhưng Chiêu Hổ là người tầm thường, không hiểu được tấm lòng của Xuân Hương. Thấy Xuân Hương còn vấn vít theo mình, ông bỉ mặt đành đoạn:

Nay đã mần cha thằng xích tử
Rày thì đù mẹ đứa hồng nhan
8/
Hỏi anh lái đò

  Trong đạo tình, Xuân Hương đã mấy phen thất bại. Xuân Hương đã phải đôi lần than thở tình đời đen bạc. Người ta đem tình nghĩa, đem văn học để dụ dỗ nàng. Nhưng chỉ trải qua một lần cho biết, rồi thôi. Xuân Hương tức giận hỏi:

Chú lái kia ơi, biết chú rồi,
Qua sông rồi lại đấm ngay bòi!
Chèo ghe vừa khỏi dòng sông ngược,
Đấm cọc ngay vào ngấn nước xuôi.
Mới biết lên bờ đà vỗ đít,
Nào khi giữa khúc đã co vòi.
Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ,
Sang nữa hay là một chuyến thôi?
9/
Khóc chồng

  Nghe người khác khóc chồng, bà nhắn nhe rằng:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn mấy non sông
Ai về nhắn nhủ đàn em nhé
Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung

hoặc:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì?
Thương chồng nên phải khóc tì ti
Ngọt ngào thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ôi vị quế chi
Thạch nhũ, trần bì sao để lại
Quy thân, liên nhục tẩm đem đi
Dao cầu  thiếp biết trao ai nhỉ
Sinh ký chàng ôi tử tắc quy

   Khi ông Tổng Cóc mất, bà có bài thơ:

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé,(1)
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!(2)
(1)“Đứt đuôi nòng nọc”, thành ngữ chỉ sự cắt đứt hẳn;
(2)Cóc bôi vôi lại về”: Bôi vôi để đánh dấu vào cóc, thì cóc đi đâu rồi cũng trở về lại. Nhưng nay duyên vợ chồng đã đứt hẳn. Cóc đi đã đem theo cả dấu vôi, dẫu có nghìn vàng cũng không chuộc lại được vì mất Cóc là mất luôn cả dấu.

     Nhiều người phân tích cho rằng đây là bài thở “rủa” chồng còn sống chứ không phải khóc chồng chết.

  Đến khi ông phủ Vĩnh Tường thì bà khóc thật tình:

Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ phù sinh có thế thôi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Nắm xương dưới đất chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười
Đã thế thời thôi cho mát mẻ
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!
10/
Thơ nôm của Hồ  Xuân Hương: chê  và  khen

 Trước năm 1945, đại đa số phái cựu học đồng thanh chê thơ nôm của bà là
“lả lơi”, “tục”

 Đây là ý kiến của thi sĩ Tản Đà:
". . .Thơ của Xuân Hương thật là tinh quái; những câu hay đọc lên đến ghê người. Người ta thường có câu: “Thi trung hữu hoạ ", nghĩa là “Trong thơ có vẻ”. Như thơ Xuân Hương thì lại là “Thi trung hữu quỉ”.Song mà nhận ra thời
tục”. . .

  Trong một bài thơ, ông phát biểu nhẹ nhàng hơn:

Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương
Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai
(Giấc mộng con)

 Nhà giáo Dương Quảng Hàm thì phê bình:
". . . Trong suốt tập thơ của nàng,không mấy bài là không có lả lơi, dầu tả cảnh gì, vịnh vật gì cũng vậy. Mà tiếc thay nhời văn thật là chải chuốt, giọng văn thật là êm đềm . .”

  Trong những người biện hộ cho Xuân Hương, có ông Vân Hạc Lê Văn Hoè,
đem “số mạng” mà giải tỏ chuyện nàng.


   Lại có ông Trương Tửu, giải thích:“Xuân Hương bị bệnh thần kinh vì dục tình không được thoả mãn”. .“Xuân Hương bị nỗi u hoài chua chát ám ảnh;đó là sự khát vọng tiềm thức;đó là sự hiện thân của Tội-Gốc”

  Bênh vực Xuân Hương, đặc biệt còn có một vị khuyết danh, tác giả bài ca trù sau đây. Tác giả không đổ tội cho số mạng, cũng không quyết cho Xuân Hương là nhập thân của Tội-Gốc như Trương Tửu. Không cắt nghĩa, không bắt tội, chỉ biết tội nghiệp là đủ. Đây là bài hát nói:

Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương còn đó,
Phận hồng nhan nghĩ lại rõ buồn tênh
Thương cho tài mà lại tiếc cho tình
Nông nỗi ấy, kể sao cho xiết!
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt    
Buồng Xuân sao để lạnh mùi Hương (1)
Thương mấy ôi, phận bạc vẫn là thường
Dẫu có bạc cũng đành liều với phận
Vì ai để Xuân tình ngơ ngẩn?
Tuổi còn xanh những thơ thẩn vì Xuân
Mười mấy thu đày đoạ kiếp phong trần
Dây tơ mảnh, uẩy kìa ai giở giáo?
Muốn giựt túi ông tơ Nguyệt lão
Tung lên cho đến tít mù xanh
Biết chăng, chẳng biết cũng đành.
(1) Xin nhắc lại, 2 câu này của Chiêu Hổ, xem đoạn 7/ ở trên.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHUYẾT DANH


1/
Thơ nhạo tri phủ:

Gặp tiết trời đại hạn, một viên tri phủ lập đàn cầu đảo, nhưng cầu mấy bận mà chẳng thấy mưa, chỉ khổ cho nhân dân phải đóng góp tốn công, tốn của. Có anh
học trò thấy vậy làm bài thơ nhạo như sau:

Thái thú xuất kỳ vũ,
Nhân dân giai hỷ duyệt.
Bán dạ thôi song khai,
Kiến nguyệt!

Tạm dịch:
Tri phủ cầu mưa rơi,
Nhân dân sướng mê tơi!
Nửa đêm mở cửa ngỏ,
Trăng soi!

 Bài thơ lọt đến tai viên tri phủ, y giận lắm, sai lính bắt anh học trò. Lúc anh ta đến, y bảo phải làm bài thơ khác đền tội, nếu không sẽ đánh đòn. Anh học trò dạ dạ, vâng vâng, xin quan ra đầu đề. Nguyên tri phủ có hiệu là Tây Pha, hắn liền lấy hai chữ ấy cho anh học trò vịnh. Anh ta vịnh rằng:

Cổ nhân hiệu Đông Pha,
Kim nhân hiệu Tây Pha.
Nhược tương lưỡng nhân giáo,
Sai đa!

Tạm dịch:
Người xưa hiệu Đông Pha (1),
Người nay hiệu Tây Pha.
Đem hai người sánh lại,
Khác xa!

(1) Đông Pha: tên hiệu của Tô Thức, nhà thơ nổi tiếng đời Tống

Viên tri phủ càng giận hơn, sai lính đánh 18 roi. Anh học trò chịu đòn xong, ức quá, vừa xoa đít vừa đọc:

Tác thi thập thất tự,
Bị đả nhất thập bát.
Nhược thướng vạn ngôn thi,
Đả sát!

Tạm dịch:
Làm thơ mười bảy chữ,
Bị đánh mười tám roi.
Nếu làm thơ muôn chữ,
Chết toi!

Nghe đến đây, viên tri phủ chịu không nổi, bèn kết án anh học trò 3 năm tù.
2/
Quan án giỏi thơ :

Viên án sát tỉnh Kiến An xuất thân là một ông tiến sĩ, thơ nôm nổi tiếng khắp vùng, nhưng tính tình thì hay nóng nảy thô bạo. Trên bàn giấy lúc nào cũng để một con sấu đá. Con sấu này người ta tặng để làm cái chặn giấy, nhưng ông ta lại dùng vào việc khác.

Mỗi lúc hỏi kiện, quan án thường cầm con sấu đá đập chan chát xuống bàn để thị oai. Không những thế, quan án còn quát tháo om sòm, rồi trợn mắt và rên ư ử, mắng nhiếc người ta đủ điều. Đôi khi còn tát tai người ta như thầy đồ đánh học trò.  
Tuy nhiên, ông ta rất thanh liêm, xử kiện công minh chính trực. Song dầu sao mặc lòng, dân chúng vẫn không ưa lối xét xử thô bạo như vậy.

Một buổi sáng nọ, lính canh thấy một tờ giấy dán ở cổng dinh, liền bóc vào trình quan. Thì ra, đó là một bài thơ bát cú như sau:

Án sát gì …
Miệng thì ư ử, mắt thì giương
Tát tai tổng lý sao không nghĩ?
Xích tử triều đình dạ chẳng thương (1)
Hỏi kiện lơ mơ giương mắt ếch
Án từ phê chữ dáng đuôi lươn
Nào là tổng lý ta đâu tá?
Xỏ khố khênh ra trả sứ đường.

(1) Xích tử: con đỏ, đây chỉ dân chúng

Biết là sĩ phu địa phương làm thơ chửi xỏ, quan án căm lắm. Nhưng khác hẳn lúc xử kiện, ông ta cứ bình tĩnh như thường, không tỏ vẻ nóng nảy gì cả. Ông sai lấy một tờ giấy giống hệt tờ kia, rồi hoạ lại một bài bát cú theo nguyên vận:

Án sát Kiến An …
Gặp tuần hoa nở, cánh hồng giương
Đù cha tổng lý sao không nghĩ ?
Xích tử triều đình dạ vẫn thương
Trộm cướp bỏ tù giương mắt ếch
Gian ngoan đòn đánh tuốt da lươn
Nếu còn “cò trắng quay đầu lại”
Có bửa căng thây giữa sảnh đường.

Xong, quan án sai lính dán cả hai bài thơ hai bên cổng dinh.
Dân chúng xúm lại xem đông như hội. Ai cũng cho quan án là người có tài và cư xử phải lẽ. Rồi từ đó họ hiểu, không oán ghét quan án nữa.
3/
Ngàn năm văn vật đất Thăng Long :

  Khoảng đầu thế kỷ thứ XX, chính quyền thực dân Pháp ra sức củng cố thế lực ở Việt Nam trong đó có việc đàn áp tư tưởng cách mạng và tăng cường truyền bá văn hoá nô dịch. Chúng giao cho báo Trung Bắc tân văntổ chức một cuộc thi ca tụng Văn miếu. Nhà báo khôn khéo không ra mặt mở cuộc thi, chỉ cử cô B. (một cây bút trong toà soạn) viết lên báo mấy lời, đại ý nói: “Cô mới đi chiêm ngưỡng Văn miếu về. Cảm động quá, muốn làm một bài thơ mà chỉ mới nghĩ được một câu phá:

Ngàn năm văn vật đất Thăng Long

Xin nhờ quân tử nối tiếp hộ cho. Bài nào hay, xin hậu tạ”
 Thơ dự thi gửi đến hàng ngàn bài, cố nhiên phần đông là ca tụng công khai hoá của thực dân Pháp, nhưng cũng có bài không nịnh hót mà lại đả kích kịch liệt như bài sau đây:

Ngàn năm văn vật đất Thăng Long,
Văn vật ngày nay mới lạ lùng:
Tham biện, tham tằm, tham cán sự,
Đốc bò, đốc chó, đốc canh nông (1).
Du côn, mật thám đầy sông Nhị,
Giang há (2), ma cô (3) chật núi Nùng.
Trừ miếu Khổng kia chưa tiện nói,
Còn thì văn vật đất Thăng Long.

(1) Tham biện: Tham biện toà sứ. Tham tằm: coi nhà nuôi tằm. Tham cán sự: tham tá chuyên môn. Đốc bò, đốc chó: đốc thú y
(2) Giang há: gái giang hồ, do chữ giang hồ đọc chệt ra.
(3) Ma cô (phiên âm tiếng Pháp maquereau): bọn dắt gái, đưa gái

Còn một bài khác, tuy nhẹ nhàng kín đáo hơn, mà cũng sâu sắc:

Ngàn năm văn vật đất Thăng Long,
Văn miếu xây từ Lý Thánh tông.
Sau đó Trần, Lê tu bổ lại,
Gần đây Pháp, Việt bảo tồn chung.
Tiệc trà Khai Trí năm xưa mở (1),
Tuồng diễn Kim Kiều (2) buổi họp đông.
Lân chẳng thấy đâu, dê vẫn thấy (3),
Nghe quyên kêu, biết đạo ta cùng.

(1) Năm 1919, hội Khai Trí Tiến Đức do thực dân Pháp đỡ đầu, làm lễ khánh thành và mở tiệc trà tại Văn miếu
(2) Năm 1920, người ta diễn tuồng Kim Vân Kiều ở Văn miếu để kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nguyễn Du
(3) Lân: con kỳ lân, theo truyền thuyết khi có thánh nhân thì lân mới xuất hiện, nghĩa rộng: lân tượng trưng cho đạo thánh hiền, đạo nho. Câu thơ có ý nói đạo nho đã suy tàn quá rồi, trông vào Văn miếu chẳng thấy lân (đạo nho) đâu, mà chỉ thấy dê vào gặm cỏ hằng ngày
4/
Long Biên ái hoa hội

Khoảng năm 1916, Bắc kỳ bị lụt to, lại thêm cái hoạ chiến tranh ở Âu châu ảnh hưởng đến. Vì thế, dân chúng bị bắt phu, bắt lính liên miên, đời sống rất khó khăn. Thế mà một nhóm quan lại Bắc kỳ và một số nhà giàu ở Hà Nội lại bày ra cái trò chơi hoa đặt tên là “Long Biên ái hoa hội” (Hội yêu hoa ở thành Long Biên). Hội quán đặt ở ngôi đình Thái Hà của Hoàng Cao Khải. Họ định hằng năm cứ đến ngày rằm tháng giêng là mở hội thi hoa. Năm ấy là năm đầu tiên nên họ thi hoa và thi cả thơ vịnh hoa nữa cho thêm rôm rả. Đề thi là “Long Biên ái hoa hội”.

 Hoa đưa đến dự thi cũng lắm mà thơ gởi đến cũng nhiều. Lúc bình thơ, không biết vô tình hay hữu ý, người ta lại đem đọc một bài không trúng cách, bài thơ ấy như sau:

Các cụ Long Biên khéo khéo là
Đương cơn lụt lội lúc can qua
Có yêu sao chẳng yêu nòi giống
Yêu cóc làm chi mấy cái hoa ?

 Mọi người nghe xong vỗ tay rào rào. Nhưng mấy ông giám khảo ngồi chiếu cạp điều thì lại quở mắng người bình thơ là láo xược, đọc bậy. Rồi cuộc bình thơ bỗng biến thành cuộc đấu khẩu, chẳng còn ra thể thống gì nữa.
5/
Thợ vẽ đề thơ

 Có một người thợ vẽ, vẽ đã giỏi mà làm thơ cũng khá. Vị đại thần nọ gọi người ấy đến vẽ cho quan một bức chân dung.

  Bức hoạ vẽ xong, quan lớn ngắm nghía lấy làm thích thú nhưng vẫn giả vờ chê ỏng chê eo, rồi lại bắt người thợ vẽ đề luôn một bài thơ vào đấy cho được tôn thêm giá trị.

 Người thợ vẽ vốn đã không ưa lão quan này, nay thấy hắn bày đặt như thế nên càng ghét hơn, liền nảy ý định xỏ hắn một vố chơi. Người ấy nghĩ một lát rồi cầm bút viết bốn chữ cách nhau rõ xa:

Chân....    Lão....   Cầm....   Thú....
Có nghĩa: “Thực là cầm thú già”.

 Đề chân dung một bậc trọng thần mà viết như vậy thì xỏ xiên quá đáng. Quan lớn mới liếc qua đã nổi giận đùng đùng, thét lính vật người thợ vẽ xuống để đánh
đòn về cái tội láo xược đó.

  Nhưng người thợ vẽ không hề hoảng sợ, bình tĩnh nói: “Dạ, bẩm ngài nóng tính quá, tôi còn đang viết dở, mới viết bốn chữ đầu cho khỏi quên, chứ đã xong đâu !”
Vị đại thần vẫn còn hậm hực, nửa tin nửa ngờ: “Nếu vậy nhà ngươi viết nốt ta xem”
 Người thợ vẽ liền viết liền viết tiếp vào các chữ trước thành bài thơ như sau:

Chân tể tướng
Lão trung thần
Cầm chi phượng
Thú chi lân
 Dịch:
Thật tể tướng
Lão trung thần
Cầm thì phượng
Thú thì lân.

  Bốn chữ đã biến thành bài thơ ca ngợi rất mực cung kính: nào bảo vị đại thần là  tể tướng trung thần chân chính, nào ví địa vị ông ta cũng cao tột bậc như con phượng, con lân là vua trong loài chim loài thú. Bấy giờ vị đại thần mới hài lòng, nhưng người thợ vẽ vẫn cười thầm, vì bài thơ xét kỷ vẫn còn có ý xỏ xiên bên trong. Nếu chỉ đọc bốn chữ đầu câu, vẫn thấy rành rành câu “Chân lão cầm thú”.
6/
Chả kém Lý Bạch

  Một ông quan võ sính thơ nôm ở bên một người hàng xóm khéo tán để kiếm ăn. Hễ làm được bài thơ nào, quan cũng gọi người kia đọc cho nghe. Hắn nghe xong tán tụng khen thơ hay và khen quan “chả kém gì Lý Bạch”, thế là quan cho hắn ăn uống lu bù.

  Có lần quan gọi hắn sang đánh chén, khi ngồi ăn, quan nói: “Tôi mới cho làm cái chuồng chim ở sân vườn, nhân nghĩ được bài thơ tứ tuyệt, tôi thử đọc bác nghe xem sao nhé!”. Rồi quan khề khà đọc:

Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời,
Đứa thì bay bổng đứa bay khơi.
Ngày sau nó đẻ ra con cháu,
Nướng chả băm viên đánh chén chơi.

 Người kia nức nở khen: “Chà! Hay quá, xin quan đọc từng câu để con được thưởng thức hết cái hay của bài thơ ạ!”

 Quan thích chí, hai cánh mủi phập phồng, dõng dạc đọc lại ngay:

Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời
  Người kia tán:
“Tuyệt! Cứ như câu nầy thì quan sẽ làm đến chức tứ trụ triều đình”
 Quan tiếp:

Đứa thì bay bổng đứa bay khơi

 Người kia nịnh:
“Ôi, quan còn thăng chức chưa biết đến đâu!”
 Quan đọc đến câu:

Ngày sau nó đẻ ra con cháu

 Thì hắn ta lại tán:
" Hay quá! Con cháu của quan còn là vô kể!”
 Quan đọc nốt:

Nướng chả băm viên đánh chén chơi.

 Hắn lại tâng bốc:
“Tuyệt quá! Cảnh quan lớn về sau thì tha hồ mà phong lưu!”

 Quan mủi nở bằng cái đấu, đắc chí rung đùi, rót rượu mời người kia và nói: “Thơ tôi kể cũng tự nhiên đấy nhỉ? Bay giờ nhân cuộc vui, tôi thử làm một bài tức cảnh nữa nhé!”

 Nhìn ra sân thấy con chó, quan mới vịnh luôn một bài rằng:

Chẳng phải voi mà chẳng phải trâu,
Ấy là con chó cắn gâu gâu.
Khi ngủ với nhau thì phải đứng,
Cả đời không ăn một miếng trầu.

 Người kia lại gật gù tâng bốc, quan lại thương rượu và gọi thêm đồ nhắm, hắn ta lại được thể lại càng đưa quan lên chín tầng mây. Rồi vui miệng, hắn cũng xin đọc theo một bài. Được quan cho phép, hắn liền đọc:

Quanh quanh đằng đít lại đằng đầu,
Hễ thấy ai vào cắn gâu gâu.
Ăn hết của thơm cùng của thối,
Trăm năm chẳng được chén chè tàu.

 Cứ thế, cuộc ngâm vịnh kéo dài mãi cho đến khi hai người say mềm mới thôi.
7/
Hé gương

  Một o hàng vải xứ Nghệ – chắc chắn là tay cừ trong đám hát hàng vải – một hôm mang vải đi thuyền xuống tỉnh bán. Thuyền chật, người đông, nhất là trong khoang, chỗ sang trọng nhất, thì đã bị đám dăm bảy thầy đồ ý chừng cũng xuôi tỉnh thi cử gì đây, chiếm hết cả. O hàng vải không có chỗ ngồi, nhưng không chịu lép, leo ngay lên mui thuyền ngồi. Chẳng biết cô ta có nghĩ rằng ngồi như vậy là ngồi trên đầu các thầy nho hay không. Một lúc lâu, cô ả muốn tụt xuống, không ngờ tà váy bị gió thổi, mắc vào một đầu sào gác dọc trên mui thuyền. Hai chân đã  chạm xuống khoang thuyền mà tà váy lại cứ bị níu lại ở trên, ả loay hoay mãi mới gỡ ra được. Nhưng dù sao, các thầy đồ ngồi trong khoang cũng đã trông thấy cả rồi. Một thầy đồ trẻ nhất bọn, lấy giọng ngâm một câu “Kiều lẩy” như sau:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sẳn đây ta đúc một toà thiên nhiên
(Nguyên câu trong truyện Kiều là:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẳn đúc một toà thiên nhiên)

 Ai ngờ cô ả đã ngồi xuống đàng hoàng ở đằng lái, khoan thai sửa lại vành khăn trên đầu rồi cũng lên giọng trong trẻo ngân nga, “lẩy” lại một câu rằng:

Mười lăm năm mới một lần
Hé gương cho khách hồng trần thử soi
 (Nguyên câu trong truyện Kiều là:
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng trần thử soi)

 Các khách hồng trần – các thầy đồ – đau điếng người, nhưng phải phục lăn vì cô ả đã tài tình, thật đã góp những trận cười giòn nhất vào trận cười thích thú của hành khách.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN CÔNG TRỨ


 Nguyễn Công Trứ 阮公著 (1778 -1859) tự Tồn Chất, hiệu Ngô Trai, biệt hiệu là Hi Văn 希文, người làng Uy Viễn huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1778, đỗ Giải nguyên khoa Kỷ Mão 1819 (Gia Long thứ 18).

Tương truyền vào năm Kỷ Mão ấy, vua Minh Mệnh còn là đông cung thái tử ra hồ Tĩnh Tâm chơi, tinh thần mỏi mệt, ghé nằm trên võng thiu thiu ngủ. Bỗng thấy một người học trò, tự xưng là học giả từ Lam Sơn đến hầu. Thái tử thấy người học trò đội mũ cỏ, tay cầm một cây gậy nhọn xiên qua bên mặt trời, tự nhiên mặt trời đùn lên một đám mây đen, rồi tối sầm lại. Người học trò giơ cây gậy lên thì đám mây đen tan ngay, trời sáng bừng lên. Thái tử về cung, đem việc nằm mộng hỏi thị thần. Quan Thái bộc đoán: “Người học giả là kẻ học trò, tên y tất có chữ giả 者, đội mũ cỏ, tức là thêm bộ thảo đầu 艹, tức là tên Trứ 著. Trong chữ Trứ có nét phẩy cài sít qua chữ nhật, tức là cái gậy xiên qua mặt trời. Từ Lam Sơn lại, người ấy tất ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Đám mây đen đùn lên ở bên mặt trời là điềm sau nầy biên thuỳ có loạn. Người ấy cầm gậy vẫy mà đám mây tan là điềm người ấy sau dẹp tan giặc. Vậy xin Điện hạ nghiệm xem khoa thi này có người tên Trứ quê ở vùng Nghệ Tĩnh thi đỗ không?”

 Thái tử nghe lời. Đến khi quan trường chấm xong đệ danh sách vào Bộ duyệt, thấy thí sinh tên Nguyễn Công Trứ đỗ thủ khoa; Thái tử mừng là ứng vào điềm mộng và quốc gia đã tuyển được nhân tài chân chính. Khoa ấy, các quan chấm trường, và quan Thái bộc đều được thăng một cấp.

 Quả nhiên, về sau, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1834), tướng giặc Nồng Văn Vân đánh chiếm vùng biên giới tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Công Trứ đang giữ chức Tổng đốc Hải Dương, được triều đình sai đi đánh, dẹp xong giặc.


  Làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông là người văn võ kiêm toàn, làm quan ở đâu cũng có chính tích, có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù, là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương.
1/
Hỏi anh:

 Tương truyền Nguyễn Công Trứ lúc còn trẻ rất hay đi hát ví. Có lần, ông bị đối phương là một cô gái trẻ, đẹp, hỏi dồn cho một thôi như sau:

Hỏi anh hà tính, hà danh,
Hà châu, hà quận, niên canh kỷ hà?

Người đẹp tham lam muốn tìm hiểu nhiều điều quá: Họ gì? Tên chi? Châu nào? Quận nào? Tuổi bao nhiêu ? Trả lời cho đầy đủ cả bấy nhiêu điều vào trong vài câu thật không phải chuyện dễ. Nhưng im lặng không trả lời gì, thì chẳng hoá ra chịu thua người đẹp ư?

Nguyễn Công Trứ đứng ngẩn ra một lúc, rồi đành phải đáp lại qua quýt cho xong việc:

Trước Lam thuỷ sau Hồng sơn,
Nhà nào đọc sách gây đờn là anh.
Rồi đó, cắp nón chuồn thẳng không dám ngoái cổ lại.
2/
Anh hùng đè xuống dưới:

Thiên tư thông tuệ, lại gặp được thầy hay bạn tốt, học nghiệp dễ dàng, nhưng vì nước nhà đang cảnh nhiễu nhương, nên ông đành ẩn nhẫn qua ngày.

Một hôm, đương đi chơi bỗng gặp mưa phải vào trú trong quán nước bên đường, ngồi lâu mưa không ngớt lại thêm gió lạnh, ông bèn nằm vào ổ rơm của nhà hàng, lấy chiếu đắp lên mình đánh một giấc. Thình lình đại binh của Tả quân Lê Văn Duyệt diễn tập về đi qua đó. Những người trong quán đều sợ hãi, nép vào một xó. Toán tiền quân đi vào quán, thấy có người nằm ngủ, thét gọi dậy, thì vừa lúc quan Tả quân cưỡi ngựa tới. Nguyễn lồm cồm đứng lên, không chút sợ hãi. Tả quân nhìn vào, thấy người có vẻ đĩnh đạc, truyền quân lính không được làm dữ, và bảo dẫn ông ra, hỏi:

- Cớ sao thấy đại quân ta trẩy qua mà cứ nằm đó không chịu đứng dậy cho phải phép?
- Quân của đại tướng là quân nhân nghĩa, đi tới đâu, dân chúng vẫn yên ổn làm ăn, không bị kinh động. Bởi vậy, tiểu sinh vẫn nằm yên không lo ngại gì. Vả đi đường mệt nhọc, gặp nơi yên ấm ngủ quên, thành ra đắc tội, xin đại tướng lượng thứ.

Tả quân ôn tồn bảo:
- Mi là học trò hả? Vậy hãy thử vịnh cảnh “Nằm ổ rơm đắp chiếu” này đi. Hay, ta sẽ tha cho, bằng không thì sẽ chiếu theo quân pháp mà trị tội.
Nguyễn ứng khẩu đọc:

Ba vạn anh hùng (1) đè xuống dưới,
Chín lần thiên tử (2) đội lên trên.

(1) Anh hùng rơm
(2) Chiếu chỉ của thiên tử, mà cũng là cái chiếu đắp. Chín lần: cửu trùng

Tả quân kinh ngạc, thấy anh học trò tầm thường mà có khẩu khi lớn, nên hỏi họ tên, ân cần khuyên bảo mấy lời, lại thưởng tiền và cho về.

Từ đó Tả quân lưu tâm đến Nguyễn. Năm Gia Long thứ ba (1804) vua Gia Long ra Bắc Thành, có trú lại Nghệ An mấy ngày. Nguyễn đến hành cung hiến sách, tỏ bày các việc nên làm. Khi ấy Tả quân đi hộ giá, vốn đã biết tài ông, cho mời đến hỏi về dân tình. Nguyến đối đáp trôi chảy, và câu nào cũng xác đáng cả, Tả quân lại càng khen ngợi.

Sau khi ở Bắc về, mỗi khi tiếp chuyện các quan đồng triều, Tả quân không quên nhắc đến câu chuyện hai lần gặp họ Nguyễn, và nói:

- Người ấy thực là bậc kỳ tài, lại có chí lớn. Nếu triều đình biết dùng, chắc sẽ thành một bầy tôi lương đống mai sau.
3/
Khinh thường quan võ:

Người ta kể rằng khi Nguyễn Công Trứ còn là học trò, một hôm đi học giữa đường gặp một viên quan võ, ông cứ nghênh ngang đi không chịu tránh.

Viên quan giận lắm, sai lính bắt lại để hạch tội. Nguyễn Công Trứ liền kêu là học trò đang vội đến trường nên không để ý có quan đi. Viên quan thấy nói năng xấc xược nhưng mà có lý, bèn quay ra bảo:

- Nếu vậy anh phải vịnh ngay một bài thơ thật hay không thì sẽ bị chết đòn!

Nguyễn Công Trứ gãi tai hỏi xin đầu bài.
Viên qua võ hất hàm bảo cứ lấy ngay địa vị hai người mà làm đề.
Nguyễn Công Trứ liền đọc ngay rằng:

Đoái xem văn võ cả hai hàng,
Bên văn sang, bên võ cũng sang.
Dù tía, võng xanh văn đủng đỉnh,
Gươm vàng, thẻ bạc võ nghênh ngang.
Văn dìu cánh phượng yên trăm họ,
Võ thét oai hùm dẹp bốn phương,
Gặp hội thái bình văn trước võ,
Võ đâu dám sánh khách văn chương!

Nghe mấy câu đầu viên quan võ có vẻ khoái trí gặt gù tán thưởng. Nhưng đến hai câu kết, thấy mình bị khinh là võ biền kém cỏi không bằng khách văn chương thì quan tức quá thét lính phết cho Trứ mấy roi.

Nhưng rồi sau đó, chừng cảm phục tài nghệ kẻ làm thơ, viên quan lại thưởng cho Nguyễn Công Trứ mấy nén bạc và để cho đi.
4/
Được tha vì câu thơ hóm hỉnh:

Tương truyền một buổi Nguyễn Công Trứ đang cắp sách đến trường thì gặp cô con gái quan đốc học đi chơi. Thấy cô ả mặc chiếc áo màu lục mới tinh mà điệu bộ thì õng à õng ẹo, xung quanh lại kẻ dìu người dắt nom đến ngứa mắt, Nguyễn Công Trứ nhân đang nhai trầu liền nhổ ngay một bãi quết trầu vào áo cô ta.

Cô ả bị nhổ bẩn kêu thét lên và quát lính trói anh học trò láo xược ấy về trình quan. Vừa về đến dinh thì trời đổ mưa.

Nguyễn Công Trứ phải đứng chờ xét hỏi ở ngoài cổng, mãi lúc mưa ướt hết quần áo mới được vào công đường. Vào đến nơi, quan hỏi ra biết Nguyễn Công Trứ là học trò, bèn bắt phải vịnh thơ để chuộc tội. Nhân khi ấy trời đang đại hạn lại gặp trận mưa như thế, viên quan liền lấy ngay việc đó để ra đề cho Nguyễn Công Trứ.
 Nguyễn chẳng cần phải nghĩ lâu, đọc luôn rằng:

Thoắt chốc tai nghe một tiếng ồ,
Dần dần ngoài cửa mới đưa vô.
Tưởng rằng gió cuốn màn mây lại,
Ai biết trời luôn lộc nước cho.
Khi nãy nắng nôi ra thế ấy,
Bây giờ mát mẻ biết chừng mô.
Hỡi người ướt áo đừng năn nỉ,
Có rứa rồi ra mới được mùa.

 Viên đốc học nghe xong thấy thơ hay, lại có hai câu “Dần dần ngoài cửa mới đưa vô” và “Hỡi người ướt áo đừng năn nỉ”, chỉ việc anh học trò đứng ngoài cổng ướt áo và việc con gái mình bị nhổ bẩn rất hóm hỉnh, bèn tha phạt cho Nguyễn Công Trứ.
5/
Làm thơ khất nợ:

Lúc thiếu thời, Nguyễn Công Trứ đã từng được người đời liệt vào hàng những tay đổ bác có tiếng. Ông vớ của thiên hạ cũng đã lắm, mà thua thiệt nợ nần người ta thì cũng nhiều.

Một lần đi đánh tổ tôm bị thua rồi mang nợ, chủ nợ là một ông cụ già, đến đòi năm lần bảy lượt mà Nguyễn cũng vẫn không có tiền trả.

Sau ông lão đòi rát quá, Nguyễn Công Trứ đành phải đi lục lọi rương hòm xem có gì đáng giá để đem cầm đợ mà lấy tiền trang trải. Nhưng khốn thay, lục mãi mà vẫn chẳng khui ra được gì ngoài mấy quyển sách nát. Túng thế, Nguyễn Công Trứ mới đọc liều cho ông già một bài thơ để xin khất nợ. Thơ rằng:

Thân “bát văn” tôi đã xác vờ,
Trong nhà còn biết “bán chi” giờ?
Của trời cũng muốn “không thang” bắc,
Lộc thánh còn mong “lục sách” chờ.
Thiên tử “nhất văn” rồi chẳng thiếu,
Nhân sinh “tam vạn” hãy còn thừa.
Đã không “nhất sách” kêu chi nữa?
“Ông lão” tha cho cũng được nhờ!

Chỗ tài tình của bài thơ là ở chỗ Nguyễn Công Trứ khéo vận dụng những tên quân bài tổ tôm (như: bát văn, bán chi, không thang, lục sách, nhất văn, tam vạn, nhất sách, ông lão) vào bài thơ, nhưng đồng thời những danh từ ấy lại vẫn có nghĩa thông thường trong câu thơ:

- Bát văn: tên quân bài có vẽ một thân hình lươn khươn yếu ớt, tượng trưng hài hước một anh học trò; vì vậy thân bát văn là nói bóng thân học trò.
- Bán chi: tên quân bài, và nghĩa thứ hai là bán cái gì bây giờ?
- Không thang: tên quân bài, nghĩa khác là không có thang để bắc lên trời.
- Lục sách: tên quân bài, nghĩa thứ hai là lục tìm trong sách vở.
- Nhất văn: tên quân bài, nghĩa khác là thoắt nghe (đây lấy trong câu “Nhất văn thiên tử chiếu, tứ hải trạng nguyên tâm”) Nghĩa là : Vừa nghe chiếu vua mở khoa thi, bốn biển đã nức lòng muốn chiếm trạng nguyên. Câu này còn có ý bảo: nay mai tôi đỗ đạt rồi chẳng thiếu gì tiền.
- Tam vạn: tên quân bài; một nghĩa nữa là ba vạn ngày, tức suýt soát một đời người.
- Nhất sách: tên quân bài, nghĩa thứ hai là một mưu kế.
- Ông lão: tên quân bài, nghĩa khác chỉ ông lão chủ nợ

Ông lão rắp tâm đòi cho bằng được, thấy Nguyễn Công Trứ giở thơ ra đã có ý bực. Nhưng lần lần nghe qua cả bài thấy bài thơ hay mà khéo quá, tám câu đều có tên một quân bài tổ tôm, mà đồng thời lại nói lên được cái cảnh học trò nghèo kiết xác không có tiền…

 Vì thế ông lão nghĩ thương tình và mến tài, bằng lòng cho Nguyễn Công Trứ khất nợ.
6/
Thơ tạ long thần:

  Lúc còn trẻ Nguyễn Công Trứ là người rất tính nghịch. Trưa, tối thường hay lảng vảng vào các miếu long thần, thổ địa ở làng để chơi đùa, vẽ bậy. Có lần lại bê cả xôi, chuối, rượu, thịt ở bệ thờ về đánh chén; khiến ông thủ từ cứ nghi nghi hoặc hoặc mà chẳng dám kêu ca…

Một buổi tối Nguyễn Công Trứ lẻn vào miếu lấy rượu, thịt xuống nhắm say khướt, rồi lại nâng chén ghé mãi vào miệng long thần; thấy pho tượng cứ ngồi yên không nhúc nhích, ông tức mình vật ngửa tượng ra đổ rượu vào mồm, đánh cho mấy bạt tai rồi mới khật khưỡng đi về.

Sáng mai tỉnh dậy, không biết là ông hối hận hay nghĩ thế nào lại làm bài thơ yết hậu sau đây, rồi đem ra dán ở miếu để tạ long thần:

Hôm qua trời tối tới chơi đây,
Đánh phải long thần mấy cẳng tay.
Khi tỉnh thời nào ai có dám …?
Say!

Bấy giờ ông từ mới vỡ lẽ, nhưng thấy anh học trò có lời thơ sắc sảo, hài hước, cũng bật cười, chỉ răn đe qua loa chứ không đem bắt vạ.
7/
Đối chọi với sư :

  Lúc Nguyễn Công Trứ còn đi học, có lần trọ ở gần một ngôi chùa. Nghe đồn sư ông chùa đó là người hay chữ, nhưng lại hay ghét học trò. Thêm vào đó, nhà sư lại có tính hay ăn thịt chó, thường vùi nồi thịt ở bếp, mà hễ ai có hỏi thì cứ bảo đó là nồi cà bung.

  Nguyễn Công Trứ tức cười về chuyện ấy, một bữa vào chùa xem thực hư ra sao. Tới nơi, quả nhiên mùi thịt chó thơm lừng mà nhà sư thì đang lúi húi gần đó. Nguyễn cố nhịn cười, vờ hỏi han vớ vẩn mấy câu, rồi cứ ngồi lần khân mãi không chịu ra. Sư ông bị người đến quấy rầy, bực mình mới đọc một câu rằng:

Khách khứa kể chi ông núc (1) bếp

 Nguyễn Công Trứ ngứa tiết, trỏ vào nồi thịt chó và đọc lại rằng:

Trai chay nào đó vại (2) cà sư

(1)  Ông núc bếp: ông đầu rau trong bếp (tiếng Nghệ) và cũng có nghĩa là: ông khách gì mà núc trong bếp người ta
(2) Vại cà sư: cái vại đựng cà của nhà sư (ám chỉ nồi thịt chó), đồng thời có nghĩa là bà vãi cà sát ông sư, tiếng Nghệ không có dấu ngã, nên bà vãi cũng gọi là bà vại, đồng âm với cái vại.

 Sư ông bị vạch chân tướng, hốt hoảng chỉ vào pho tượng gần đó mà đọc rằng:
Xin chứng minh cho, Nam mô A di đà Phật
  
Nguyễn cũng trỏ lên bàn thờ táo quân, đọc tiếp ngay:
Có  giám sát đó, Đông trù tư mệnh Táo quân

  Nhà sư túng thế, đành phải gượng bào chữa rằng:
Thuộc ba mươi sáu đường kinh, không thần thánh,
phật tiên, song khác tục.

  Nhưng Nguyễn vẫn không tha, đọc luôn:
Hay tám vạn tư mặc kệ, chẳng phong lưu,
tuyết nguyệt, đếch ra người.

Rồi Nguyễn Công Trứ quay gót bỏ đi. Ra đến giữa sân, có hai con chó xổ ra cắn, một chú tiểu phải ngăn mãi mới được. Nhân đó, Nguyễn lại buột miệng đọc hai câu thơ:

Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá,
Còn hai con chó chửa từ bi.   

   Sư ông đành chịu thua, không dám hé răng.
8/
Thơ nhạo đời :

 Trong buổi hàn vi, ông gặp thói đời đen bạc, thường thốt ra lời thơ mai mỉa:
I.
Chẳng phải rằng ngây, chẳng phải đần,
Bởi vì nhà khó hoá bần thần.
Mấy đời thầy kiện mà thua mẹo,
Nghĩ phận thằng nghèo phải biết thân.
Số cả bĩ thôi thời đến thái,
Cơ thường đông hết lại sang xuân.
Trời đâu riêng đói cho ta mãi!
Vinh nhục, dù ai cũng một lần.
II.
Chửa chán ru mà quấy mãi đây?
Nợ nần dan díu bấy lâu nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hoá phải vay;
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay;
Còn trời còn đất còn non nước,
Có lẽ ta đâu mãi thế này!
III.
Thế thái nhân tình gớm chết thay!
Lạt, nồng, trông chiếc túi vơi, đầy.
Hễ không điều lợi, khôn thành dại.
Đã có đồng tiền, dở cũng hay.
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,
Hẳn hoi không hết một bàn tay.
Suy ra cho kỹ, ai hơn nữa?
Bạc quá vôi, mà mỏng quá mây!
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [45] [46] [47] [48] [49] [50] [51] ... ›Trang sau »Trang cuối