Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

3 MÓN ĂN MAN RỢ NHẤT
CỦA VUA TRUNG QUỐC


Trung Quốc là nơi phát minh ra nhiều món ăn tàn bạo nhất thế giới.
Món thứ nhất: Lừa tùng xẻo

Tương truyền rằng người phát minh ra món ăn này là một đồ tể không rõ tên, sống dưới thời nhà Tần. Người ta trói con vật lại và để bên cạnh một nồi nước sôi sục. Người mua, nếu chọn 1 phần nào đó trên con lừa thì người ta sẽ nhúng phần đó vào nước xôi và xẻ thịt con vật, mặc cho nó kêu la vì đau đớn và máu chảy ra ướt nền.

Phần thịt lừa được chọn sẽ được dội nước sôi để làm lông.
Nhiều người cảm thấy hãi hùng khi chứng kiến con lừa bị xẻo từng miếng thịt, nhưng cũng không ít kẻ nhẫn tâm khen ngon và ví đây như món thịt tươi ngon nhất mà họ từng được nếm.

Món thứ hai: Óc khỉ

Món óc khỉ trở thành cao lương mỹ vị cho giới sành ăn.
Nhiều người nhất trí rằng món ăn này xuất hiện dưới triều Minh - Thanh. Món này trở nên nổi tiếng thế giới sau khi Từ Hi Thái Hậu dùng nó để đãi các sứ thần nước ngoài. Khi dùng món, người ta dùng 1 chiếc búa gõ mạnh lên đầu con khỉ khiến nó chết ngay rồi sau đó cắt mở hộp sọ để ăn não.

Tuy nhiên, sau đó, món ăn này đã được cải tiến do lấy cảm hứng từ phim Tây Du Ký, người ta coi não khỉ sẽ mang lại năng lực thần kì nếu ăn nó "tươi" hơn nữa.

Con khỉ đáng thương sẽ bị trói cứng đứng thẳng, trên đầu để 1 tấm bảng có khoét lỗ tròn chỉ đủ cho chóp đầu của nó lộ ra ngoài. Khi khách bắt đầu ăn, đầu bếp trực tiếp phạt đi mảnh xương sọ để lộ ra bộ óc khỉ bên trong. Thực khách sẽ dùng muỗng trực tiếp múc não khỉ ăn.

Chưa hết, người ta sẽ rưới dầu nóng và rắc gia vị vào để thực khách quấy đều lên và ăn cho vừa miệng. Mặc kệ con khỉ kêu la thảm thiết cho đến khi lịm đi và rơi vào cái chết trong tột cùng đau đớn.

Những con khỉ vô tội phải chịu cái chết vô cùng đau đớn trên bàn tiệc của con người.
Có thể nói, với cách chết này, con khỉ phải chịu đau đớn gấp ngàn lần so với Tôn Ngộ Không bị Đường Tăng niệm Kim Cô Chú. Thật đáng sợ thần kinh thép của những người ăn món này khi có thể vẫn hưởng thụ "mỹ thực" trong tình cảnh như vậy.

Món thứ ba: Gà hong gió

Sở thích của Lưu Bị đã gián tiếp hình thành nên món gà hong gió - Ảnh minh hoạ.
Món này có xuất xứ từ thời Tam Quốc cách đây hơn 2.000 năm. Tương truyền, lúc đó Tôn Quyền vì muốn hợp với Lưu Bị khử Tào, cho em gái mình là Tôn Thượng Hương gả cho Lưu Bị. Lưu Bị rất thích ăn món gà, Tôn Thượng Hương vì muốn chiều lòng chồng nên đã nghĩ ra nhiều phương thức chế biến gà, trong đó có món gà hong gió này. Qua thời gian, nó dần trở nên phổ biến hơn và được nhiều người ưa chuộng.

Để làm món gà hong gió, nguyên liệu rất đơn giản: một con gà sống, một con dao sắc nhọn, gia vị thảo mộc, một đầu bếp có tay nghề cao với trái tim tàn nhẫn.

Những con gà còn sống sẽ phải chịu cái chết từ từ.
Khác với cách làm gà thông thường, gà nếu để hong gió sẽ không được làm lông. Thay vào đó, nó sẽ bị mổ phanh khi còn đang sống, lôi toàn bộ ruột, gan, phèo, phổi lòng mề... trong tích tắc. Tiếp theo, người đầu bếp ngay lập tức xát muối, thảo mộc vào trong ruột gà, chà xát sao cho bụng gà thấm đẫm gia vị.

Quá trình tẩm ướp kết thúc, con gà sẽ bị treo ngược trước gió cho đến khi khô lại và... lên đĩa.
Cho đến ngày hôm nay, món ăn này vẫn còn khá phổ biến ở một số khu vực tại Trung Quốc, đặc biệt là Tây Tạng.

Theo ĐS&PL
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SỬ NHÀ NGUYÊN VIẾT GÌ VỀ TRẬN
BẠCH ĐẰNG 1288?


Sử nhà Nguyên viết, cuối năm 1287, quân Nguyên tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ ba, do hoàng tử thứ 9 của vua Nguyên Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) là Trấn Nam vương Thoát Hoan (Togoon) chỉ huy, huy động lực lượng có 92.000 quân và 500 chiến thuyền.

Tuy nhiên sau các trận chạm trán trên đường tiến quân của quân giặc, vua quan nhà Trần đã rút lui khỏi Thăng Long, làm kế “vườn không nhà trống”.

Diệt thuyền lương ở Vân Đồn khiến quân Nguyên phải rút lui.

Cuối tháng 12 âm lịch, khi đoàn thuyền vận tải lương thực của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy tiến theo đường biển đã bị Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chỉ huy diệt gọn trong trận Vân Đồn.

Nguyên sử ghi rằng, trận này quân của chúng chỉ mất 11 chiếc thuyền, lương mất hơn 14.300 thạch, nhưng theo sách An Nam chí lược thì Trương Văn Hổ chỉ chạy thoát trên một chiếc thuyền. Chiến thắng Vân Đồn có một ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến lần thứ ba của quân dân ta. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thượng hoàng nói: Quân Nguyên chỉ nhờ về lương cỏ khí giới, nay ta đã bắt được, sợ nó chưa biết tin, hoặc giả còn hung hăng chẳng? Bèn tha cho người bị bắt đến quân doanh quân Nguyên để báo tin. Quả nhiên quân Nguyên rút lui”.

Thiếu lương thực, quân địch lâm vào tình thế khó khăn. Lúc này bắt đầu bước vào mùa hè, thời tiết nóng nực khiến quân Nguyên khổ sở. Trước tình hình bất lợi, quân Nguyên định tổ chức rút về Trung Quốc theo nhiều hướng khác nhau.

Nguyên sử, phần Ngoại di, viết nước An Nam, cho biết các tướng bàn với Thoát Hoan rằng: “Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn mà thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại, khí trời đã nóng nực, sợ lương hết, quân mệt, không lấy gì để chống giữ lâu được, làm hổ thẹn cho triều đình, nên toàn quân mà về thì hơn”.

Viên thần nỗ tổng quản là Giả Nhược Ngu cũng nói: “Quân nên về, không nên giữ”. Thoát Hoan cũng phải thừa nhận: “Ở đây nóng nực ẩm thấp, lương hết, quân mệt” và đồng ý rút quân về.

Để tính đường rút về, có tướng đã đề xuất: “Thuyền lương hai lần vào đều bị hãm cả, chi bằng huỷ thuyền đi đường bộ là thượng sách”. Thoát Hoan đã định nghe theo, nhưng sau khi bọn tướng tá khác can ngăn thì hắn vẫn chia ra quân thuỷ và quân bộ để rút về.

Tuy nhiên, quân Nguyên sắp sửa bước vào cái bẫy mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng quân dân Đại Việt đã giương sẵn.

Hình ảnh minh hoạ trận chiến trên sông Bạch Đằng. Nguồn: Violet.vn.
Trận chiến trên sông Bạch Đằng sau đó không được mô tả kỹ trong phần Ngoại di ở Nguyên sử, mà bộ sách này chỉ chép chi tiết phần đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị phục kích “đánh chìm gạo xuống biển rồi chạy về Quỳnh Châu” rồi chuyển qua phần Thoát Hoan rút theo đường bộ.

Trận chiến diệt gọn thuỷ quân nhà Nguyên

Tuy trong phần Ngoại di không viết, nhưng phần Thế tổ bản kỷ của Nguyên sử đã ghi rằng: “Tháng 2 ngày 27, Trấn Nam Vương sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem thuỷ binh về trước, Trình Bằng Phi và Tháp Xuất đem binh hộ tống”.

An Nam chí lược chép ngắn gọn: “Ngày 7 chu sư đến Trúc Động, quân họ tiến đánh. Lưu Khuê đánh lui, bắt được hai chục chiếc thuyền. Ô Mã Nhi tự lãnh quân chở lương đánh lại. Phàn tham chiến chiếm lấy chỏm núi mà tiếp ứng. Nước triều lui, quân thua”.

Phần chép chi tiết về cuộc chiến này ở Đại Việt sử ký toàn thư của nước ta có nhiều chi tiết nhầm lẫn. Trong bản dịch bộ sử này (bản dịch của NXB KHXH năm 1971), dịch giả Cao Huy Giu và hiệu đính viên Đào Duy Anh đã chú thích những chi tiết sai như việc trận này là Ô Mã Nhi đem quân rút về nước lại chép nhầm là Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ.

Tiếp theo còn có chi tiết vô lý nữa “Đến khi Văn Hổ đến, quân phục hai bên bờ sông ra sức đánh, giặc thua. Nước triều xuống mạnh, thuyền lương của Văn Hổ gác lên trên cọc, nghiêng đắm gần hết”. Hoặc một chi tiết nữa là tướng Nguyễn Khoái bắt được bình chương của giặc là Áo Lỗ Xích, trong khi viên tướng này là tướng bộ, đã bỏ chạy theo Thoát Hoan và về được ải Tư Minh.
Các chi tiết khác của Toàn thư có thể đọc để tham khảo về trận chiến: “Trước đấy, Hưng Đạo vương đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Ngày hôm ấy, nhân lúc triều lên, Hưng Đạo vương cho quân ra khiêu chiến, rồi giả cách thua, quân giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lạnh. Nước triều xuống, thuyền của giặc bị vướng cọc”.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu sự liên quan của bãi cọc mới phát lộ tại cán đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng với trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: Tiên Long.
“Nguyễn Khoái đem quân Thánh dực nghĩa dũng đánh nhau với giặc, bắt được bình chương là Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh hăng, quân Nguyên chết đuối không xiết kể, nước sông đến nỗi đỏ ngầu. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều, quân ta bắt được hơn 400 chiếc thuyền đi tuần. Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ dâng lên Thượng hoàng, Thượng hoàng sai dẫn lên thuyền ngự cùng ngồi và nói chuyện cho vui...”.

Phàn Tiếp truyện mô tả: “Thuyền An Nam tập trung đông, tên bắn như mưa. Hai bên đánh nhau đến giờ Dậu”, tức khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ tối, thì toàn bộ đoàn thuyền của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt.

Kết quả trận đánh, viên vạn hộ thuỷ quân Trương Ngọc tử trận. Ngoài Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp, rất nhiều tướng giặc khác bị bắt, trong số đó có viên đại quý tộc Mông Cổ Si-rê-ghi và viên quan giữ văn thư đi theo Ô Mã Nhi là Lý Thiên Hựu. Thuỷ quân giặc bị giết, chết đuối và bị bắt vô số. Hơn bốn trăm thuyền giặc lọt vào tay quân ta.
Còn cánh quân trên bộ, theo Thoát Hoan từ Vạn Kiếp nhằm hướng Lạng Sơn rút lui, đã bị quân ta tập kích một trận ở ải Nội Bàng cũng như khắp trên đường, nên bị thương vong rất nhiều, viên tướng A-ba-tri trúng tên độc chết. Quân Nguyên về đến Tư Minh ngày 19/4/1288.

Ngày 17 tháng 3 âm lịch (18/4/1288), Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông về phủ Long Hưng, đem bọn tù binh Ô Mã Nhi, Si-rê-ghi, Sầm Đoạn, nguyên soái Điền cùng nhiều tên vạn hộ, thiên hộ khác, làm lễ hiến tiệp ở lăng Thái Tông. Trước lăng mộ của vua Thái Tông, vua Trần Nhân Tông cảm xúc làm hai câu thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Mười ngày sau, ngày 27 tháng 3 (28/4/1288) vua Trần và triều đình trở về kinh đô Thăng Long hoang tàn, ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn tô dịch toàn phần cho những nơi bị giặc cướp phá.

Sử nhà Nguyên cho biết tiếp, khi Thoát Hoan về yết kiến vua Nguyên Hốt Tất Liệt, đã hứng chịu cơn tức giận của nhà vua, bị đuổi đến Dương Châu và hạ lệnh suốt đời không cho gặp mặt.

LÊ TIÊN LONG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CẦN KHOA HỌC KHI NHẬN ĐỊNH VỀ
NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT


Tác giả Nguyễn Hải Hoành vừa có bài viết “Bàn thêm về nước Nam Việt của Triệu Đà và lịch sử Việt Nam” với kết luận: “khẳng định một sự thực lịch sử: Người Kinh-Việt Nam không phải là hậu duệ của người Bách Việt hoặc Lạc Việt”.

Bỏ qua nội dung bàn về Triệu Đà, phần bàn luận về nguồn gốc người Việt của tác giả rất mơ hồ và không có bằng chứng xác đáng. Các lập luận này tập trung vào vấn đề nguồn gốc dân tộc, địa lý, ngôn ngữ và tên dân tộc.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gen, nhân chủng, ngôn ngữ, khảo cổ, địa lý cho thấy các lập luận trên là không chính xác. Bài viết này sẽ phản biện các quan điểm của tác giả Nguyễn Hải Hoành theo từng vấn đề nêu trên.
1.
Nguồn gốc dân tộc

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hoá Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019 đã chứng minh người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Hoa Nam về đây từ 2.500-4.000 năm trước.[1]
Người Việt cũng là hậu duệ những người di cư từ châu Phi tới Đông Nam Á rồi lên Hoa Nam trước khi di cư trở về Đông Nam Á[2] (hình 1).

Hình 1. Bản đồ thiên di theo dòng cha Y-DNA từ châu Phi cách đây 10.000-60.000 năm trước.
Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018[3] (hình 2) cũng đồng quan điểm với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam phối hợp với Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu gen trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại. Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử gồm hai lớp từ châu Phi tới cách đây 30.000-60.000 năm và từ Đông Á ngược về cách đây 2.500-4.000 năm.
Hình 2. Các tuyến di cư chính giữa Hoa Nam và Đông Nam Á thời cổ đại.
Nghiên cứu về nhân chủng học năm 2019[4] (hình 3) cũng cho thấy nhân chủng học người Việt hiện đại hình thành do dòng di cư từ 4.000 năm trước từ sông Dương Tử. Nếu không có dòng di cư 4.000 năm trước chiếm đa số, người Việt hiện đại sẽ có đặc điểm nhân chủng giống với đặc điểm nhân chủng của thổ dân Úc.
Hình 3. Mô hình di cư hai lớp của cư dân cổ theo hình theo nhân chủng học.
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu Vinmec về công nghệ tế bào gốc và gen Việt Nam[5] năm 2019 đúng ở chỗ cho thấy ảnh hưởng của sự đồng hoá về huyết thống, sự di cư của người Hán Hoa Bắc trong 1.000 năm Bắc thuộc là không nhiều. Gen người Việt hiện tại vẫn cách biệt so với gen người Hán Hoa Bắc khi so sánh các thành phần chính PCA.[6] Tuy nhiên, trong phần tìm nguồn gốc dân tộc, Viện nghiên cứu Vinmec tiến hành với số lượng ít các dân tộc nên kết quả không ổn và bị các nghiên cứu gen, nhân chủng cổ ở trên bác bỏ.

Việc xác định nguồn gốc dân tộc Việt (Kinh) từ Hoa Nam di cư cách đây 2.500-4.000 năm trước về không có nghĩa người Việt có nguồn gốc từ người Hoa Hạ hay người Hán. Bởi vì 4.500 – 5.000 năm trước, dân tộc Hoa Hạ hay người Hán mới bắt đầu hình thành ở văn hoá Long Sơn hoặc văn hoá Nhị Lý Đầu sau khi ở Hoa Bắc.
Người Hoa Hạ hay người Hán ngoài tổ tiên là cư dân Đông Á cổ còn có tổ tiên nữa là nhóm cư dân từ Bắc Á di cư xuống từ khoảng 4.000-5.000 năm trước khiến hệ gen của người Hoa Hạ có sự khác biệt với cư dân Đông Á cổ và cư dân Hoa Nam, Việt Nam.[7]

Cư dân Hoa Bắc di cư, tù nhân Hoa Bắc bị đi đày xuống phía Nam và sự di cư vì chiến tranh của người dân các nước Ư Việt, Mân Việt, Sở, Thục cũng không góp phần chính để hình thành dân tộc Việt.

Cũng cần nói thêm, trước khi nhà Tần xâm lược, các tài liệu lịch sử của Trung Quốc chưa hề cho rằng nhà Hạ, Thương, Chu Tần quản lý hầu hết vùng Hoa Nam, Việt Nam như ngộ nhận của một số học giả Trung Quốc hiện nay.
Như vậy trái với nhận định của tác giả Nguyễn Hải Hoành, các nghiên cứu khoa học cho thấy người Việt – Kinh là hậu duệ của người Bách Việt cổ, Lạc Việt cổ sinh sống ở từ sông Trường Giang xuống đến nước ta.
2.
Địa lý

Tác giả Nguyễn Hải Hoành cho rằng “tộc Kinh Việt Nam sống trên mảnh đất cách xa cộng đồng Bách Việt hàng ngàn dặm, lại có núi và biển ngăn cách” nên không thể là thành viên của cộng đồng Bách Việt được. Đây là một nhận định sai lầm.
Địa hình giữa Việt Nam và Hoa Nam (hình 4) với độ cao trung bình khoảng 500 mét không thể ngăn cản việc di cư của loài người qua lại các vùng này trong hơn 30.000 năm qua. Các nghiên cứu nhân chủng học, gen ở trên cũng cho thấy người cổ xưa có thể dễ dàng di cư qua lại giữa Việt Nam, Hoa Nam.[8]
Hình 4. Bản đồ địa hình châu Á. Nguồn: https://depts.washington.edu/chinaciv/geo/land.htm
3.
Ngôn ngữ

Cách đây 3.000 năm, lãnh thổ nhà Chu phần lớn ở Hoa Bắc (hình 5). Người Hoa Hạ hay người Hán chỉ mở rộng mạnh xuống Hoa Nam vào thời Tần Thuỷ Hoàng. Khác với nhận định của tác giả Nguyễn Hải Hoành, hệ ngữ của cư dân Hoa Nam trước khi bị nhà Tần xâm lược không phải là hệ ngữ Hán Tạng.
Hình 5. Bản đồ nhà Chu 1000 năm trước Tây Lịch của tác giả Ian Kiu dựa trên nghiên cứu của Albert Herrmann (1935). “The Chou Dynasty, 11th-9th Centuries B.C”. Historical and commercial atlas of China. Harvard University Press.
Hệ ngữ Nam Á (hệ ngữ Môn-Khmer) được một số nhà nghiên cứu gen và ngôn ngữ xác định không phải có nguồn gốc từ Ấn Độ hay sông Mê Kông như các nghiên cứu trước đó mà có nguồn gốc từ Hoa Nam.[9]

Việc dân tộc Việt cổ gồm nhiều ngữ hệ nhưng cùng chung văn hoá, tương đồng gen không phải là điều vô lý vì các cư dân cùng một dân tộc có thể khác ngôn ngữ theo Charles Keyes.[10] Các hệ ngữ tồn tại trước khi hình thành dân tộc Việt và vẫn được bảo tồn, phát triển sau đó.

Theo nghiên cứu nhân chủng học và ngôn ngữ học[11] (hình 6), cư dân ở văn hoá Phùng Nguyên và văn hoá Đông Sơn là cư dân nói hệ ngữ Nam Á. Nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam phối hợp với Pháp, Đức cũng xác định cư dân các ngữ hệ khác nhau cùng tồn tại ở Hoa Nam và có tương tác mạnh với nhau.[12] Đợt di cư 4.000 năm trước về Việt Nam là cư dân nói ngữ hệ Nam Á còn đợt di cư 2.500 năm trước về Việt Nam là cư dân ngữ hệ Nam Á và Tai-Kadai.[13]
http://nghiencuuquocte.or...ent/uploads/2020/04/6.jpg
Hình 6. Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ. (Cư dân ngữ hệ Tai-Kadai và Austronesian tụ lại ở 1 nhóm)[14]
Nhiều dân tộc đã tách ra khỏi tộc Việt cổ và hình thành các dân tộc riêng sau khi nhà Tần, nhà Hán xâm lược. Người Tráng (Choang), Bố Y ở Trung Quốc nói hệ ngữ Tai-Kadai vẫn nhận là Lạc Việt không có nghĩa người Kinh – Việt không phải là người Lạc Việt.

Cho đến thời điểm hiện tại, người Hán Hoa Nam chỉ bị đồng hoá hoàn toàn về văn hoá nhưng chưa bị đồng hoá nhiều về mặt di truyền. Hệ gen của người Việt – Kinh vẫn gần với hệ gen của người Hán Hoa Nam, người Thái Trung Quốc, người Thái Việt Nam, người Nùng, người Tày, người Thái ở Thái Lan.[15]
4.
Nguồn gốc tên gọi của tộc Việt

Khi Trung Quốc xâm chiếm nước ta thời Minh đã đốt nhiều sách nên nhiều ghi chép về dân tộc từ thời Lý, Trần trở về trước của nước ta bị mất. Sách Đại Việt Sử Lược hay Việt Sử Lược thời Trần bị Trung Quốc lấy sau đó xuất bản dưới thời nhà Thanh.[16] Sách Đại Việt Sử Lược bị nhà Thanh sửa đổi một số chỗ và không đủ tin cậy khi nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Việt.

Tộc Việt, người Việt là tên tự nhận chứ không phải như nhận định của tác giả Nguyễn Hải Hoành: “Người Hán gọi tất cả các tộc người ở phía nam Trường Giang là tộc Việt, người Việt”, “nói mãi, tự nhiên quan điểm đó trở thành chính thống”.
Trong Kinh Lễ, thiên Vương Chế, người Hoa Hạ hay người Hán dùng từ Nam Man (南蠻) chứ không phải từ Việt để chỉ những người không phải Hoa Hạ sống ở phía Nam.[17]

Tên của tộc Việt theo nghĩa thông thường là những người sử dụng rìu lễ khí và biểu thị quyền lực; theo nghĩa bóng là sự vượt qua. Tên của tộc Việt được thể hiện qua biểu tượng người thủ lĩnh cầm rìu lễ khí từ trước khi có nhà Hạ, Thương, Chu, Hán.
Biểu tượng và tên của tộc Việt được phát triển ở văn hoá Thạch Gia Hà (hình 7) xung quanh Hồ Động Đình 4.000-4.600 năm trước. Văn hoá Thạch Gia Hà tiếp thu và phát triển các nền tảng văn hoá từ văn hoá Lương Chử (hình 7) và văn hoá Khuất Gia Lĩnh (trước đó). Tại văn hoá Thạch Gia Hà, biểu tượng rìu lễ khí phát triển thành người thủ lĩnh cầm rìu, đầu đội mũ lông chim qua hình khắc trên bình gốm trong ngôi mộ của một thủ lĩnh.[18] (hình 8.15).

Đây chính là biểu tượng của tộc Việt và cũng là biểu tượng phổ biến trên trống đồng (hình 8.16). Chữ Việt được người Hoa Bắc dùng để chỉ tộc Việt qua kim văn, triện thư, khải thư cũng tương đồng với biểu tượng của Thạch Gia Hà (hình 8.11- 8.14).
Hình 7. Phạm vi phân bố của văn hoá Thạch Gia Hà 4.000-4.600 năm trước (1) và văn hoá Lương Chử 4.000-5.300 năm trước (2) dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.

Hình 8. Biểu tượng Việt và chữ Việt theo thời gian.
1-2: Biểu tượng Việt (rìu ngọc) ở văn hoá Đại Vấn Khẩu.[19] 3-6: biểu tượng ngôi sao 8 cánh, rìu ngọc, hình chữ nhật có đường chéo, hình mũi tên trên bình gồm của văn hoá Lương Chử.[20] 7-10: chữ Việt (nghĩa là cái rìu, búa) ở dạng giáp cốt văn, kim văn, triện văn, khải thư.[21] 11-14:chữ Việt (vượt qua, nước Việt…) ở dạng kim văn (11-12), triện văn, khải thư.[22] 15: Bình gồm có khắc biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu.[23]16: Hình người cầm rìu trên trống đồng Miếu Môn.[24]Ý nghĩa biểu tượng người cầm rìu ngọc là vượt lên những người khác cũng tương đồng với ý nghĩa chữ Việt (vượt) hiện đang dùng. Rìu đá là công cụ lao động, được hầu hết dân tộc thời cổ đại sử dụng. Còn rìu ngọc vừa là lễ khí vừa là vật biểu quyền lực mới chỉ bắt đầu từ văn hoá Lương Chử và Thạch Gia Hà của tộc Việt. Ở văn hoá Đông Sơn, rìu lễ khí được làm bằng đồng và được trang trí rất cầu kỳ.

Những phân tích và bằng chứng trên cho thấy tên của tộc Việt là tên tự nhận chứ không phải người Hoa Bắc đặt tên cho tộc Việt.

Người Kinh hiện nay vẫn có tên gọi khác là người Việt hay dân tộc Việt trong văn bản chính thức hiện nay.[25]

Kết luận

Lịch sử người Việt cổ vẫn còn nhiều vấn đề phải làm rõ nhưng việc vội vã phủ nhận nguồn gốc Lạc Việt, Bách Việt của người Việt – Kinh như kết luận của tác giả Nguyễn Hải Hoành là không có tính khoa học.

Việc nghiên cứu tộc Việt cổ cần tiến hành theo thời gian, không gian hợp lý và kết hợp nhiều phương pháp liên ngành. Các nghiên cứu về nguồn gốc và văn minh của tộc Việt thời tiền sử có mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc, không có mục tiêu đòi lại lãnh thổ hay cổ vũ tinh thần cực đoan.
Tác giả Nguyễn Trần Hoàng, tốt nghiệp Đại học Khoa Học Tự Nhiên, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, là nhà nghiên cứu tự do, đã nhiều năm tìm hiểu về đề tài nguồn gốc dân tộc Việt.

Tác giả: Nguyễn Trần Hoàng
-------------------------------------------
[1] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution, msaa099, https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[2] Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63.
[3] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[4] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.  https://www.researchgate....persal_in_Eastern_Eurasia
[5] Le VS, Tran KT, Bui HT, Le HT, Nguyen CD, Do DH, Ly HT, Pham LT, Dao LT, Nguyen LT (2019). A Vietnamese human genetic variation database. Human mutation. 40 (10):1664-75. https://onlinelibrary.wil...oi/abs/10.1002/humu.23835
[6] Wen Z, Jiawei L, Hongbin Y, Hui Z, Hong Z (2013). Preliminary Research on Hereditary Features of Yinxu Population. In  American Journal of Physical Anthropology. Vol. 150, pp. 298-299.
[7] Như trên;
Zhao YB, Zhang Y, Zhang QC, Li HJ, Cui YQ, Xu Z, Jin L, Zhou H, Zhu H (2015). Ancient DNA reveals that the genetic structure of the northern Han Chinese was shaped prior to 3,000 years ago. PLoS One. 10(5). https://journals.plos.org...371/journal.pone.0125676;
Sun N, Ma PC, Yan S, Wen SQ, Sun C, Du PX, Cheng HZ, Deng XH, Wang CC, Wei LH (2019). Phylogeography of Y-chromosome haplogroup Q1a1a-M120, a paternal lineage connecting populations in Siberia and East Asia. Annals of human biology. 46(3):261-6.
[8] Xem chú thích 1, 2, 3, 4.
[9] Zhang X, Liao S, Qi X, Liu J, Kampuansai J, Zhang H, Yang Z, Serey B, Sovannary T, Bunnath L, Aun HS (2015). Y-chromosome diversity suggests southern origin and Paleolithic backwave migration of Austro-Asiatic speakers from eastern Asia to the Indian subcontinent. Scientific reports. 5:15486. https://www.nature.com/articles/srep15486;
Paul Sidwell, Austroasiatic deep chronology and the problem of cultural lexicon. https://www.academia.edu/...oblem_of_cultural_lexicon
[10] Keyes CF (1981). The dialectics of ethnic change. Ethnic change. 30:4-52.
[11] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.  https://www.researchgate....persal_in_Eastern_Eurasia
[12] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution, msaa099, https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[13] Như trên.
[14] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate....persal_in_Eastern_Eurasia
[15] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution, msaa099, https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[16] Taylor KW (1983). The birth of Vietnam. University of California Press, p. 351.
[17] Kinh Lễ. Thiên Vương Chế. https://ctext.org/liji/wang-zhi
[18] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.
Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.
[19] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.
[20] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
[21] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.
[22] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.
[23] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.
Phương Cần 方勤 (2017). Phương Cần: chuyện cũ đất Kinh Sở – Bàn luận bắt đầu từ Thạch Gia Hà 方勤:荆楚故事-从石家河谈起 Viện khảo cổ học Trung Quốc. http://www.kaogu.cn/zixun...tan/2017/0217/57143.html.
[24] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[25] Tổng cục thống kê. Danh mục các dân tộc Việt Nam. http://www.gso.gov.vn/def...p;idmid=5&ItemID=1851
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BIÊN BẢN
HỘI ĐÀM THÀNH ĐÔ
VIẾT GÌ-[1]?


Tác giả: Ngô Hưng Đường (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Cuộc gặp gỡ nội bộ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam tiến hành lặng lẽ tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990. Tham gia cuộc gặp nội bộ này phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương nhiệm Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc Vụ Viện đương nhiệm Lý Bằng; phía Việt Nam có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo chủ yếu của hai đảng, hai nước sau thời gian gián đoạn 13 năm.

Hồi đó tôi đang làm Trưởng Phòng Nghiên cứu của Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương ĐCSTQ, có tham gia cuộc gặp nói trên với tư cách cán bộ tuỳ tùng.

Lời nhắn miệng của Đặng Tiểu Bình

Tháng 7 năm 1986, Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn qua đời. Tháng 12, tại Đại hội ĐCSVN lần thứ VI, Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Những năm 1960, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ Nguyễn Văn Linh là thành viên Cục Miền Nam của ĐCSVN, có thái độ hữu hảo với Trung Quốc, từng nhiều lần đến thăm Trung Quốc. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đều từng hội kiến với Nguyễn Văn Linh. Sau khi được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN, ông đã đã tích cực đẩy mạnh thực thi đường lối mới của cách mạng Việt Nam và bắt tay cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong thời gian từ cuối 1988 đến đầu 1989, phía Việt Nam trước sau đã ba lần ngỏ ý mong muốn cải thiện mối quan hệ Việt-Trung. Tháng 10/1989, Đặng Tiểu Bình hội kiến với Cay-xỏn Phôm-vi-hản [Kaysone Phomvihane] Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Lý Gia Trung[1] hồi đó là Trưởng phòng Đông Dương thuộc Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao từng tham dự cuộc hội kiến này và làm nhiệm vụ ghi chép, có tiết lộ rằng Chủ tịch Cay-xỏn đã chuyển [tới Đặng Tiểu Bình] lời thăm hỏi của Nguyễn Văn Linh, nói Việt Nam nay đã có nhận thức mới đối với tình hình Trung Quốc, thái độ đối với Trung Quốc đã có thay đổi, mong muốn Trung Quốc có thể mời ông thăm Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình cũng đề nghị Cay-xỏn chuyển lời thăm hỏi tới Nguyễn Văn Linh.

Đặng Tiểu Bình nói: Việt Nam đề xuất muốn bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, chúng tôi hoan nghênh. Tôi quen đồng chí Nguyễn Văn Linh từ lâu. Tôi mong muốn đồng chí ấy quả quyết giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia. Tôi hiện nay tuổi đã cao, sắp nghỉ hưu. Mong sao trước khi tôi nghỉ hưu hoặc không lâu sau khi nghỉ hưu thì vấn đề Campuchia có thể đã được giải quyết, mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam được khôi phục bình thường; như vậy sẽ chấm dứt được một nỗi băn khoăn của tôi. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh hy vọng Việt Nam rút sạch sành sanh, rút triệt để quân đội ra khỏi Campuchia, thực hiện khối liên hợp 4 bên do Sihanouk đứng đầu (4 bên, tức chính quyền Heng Samrin do Việt Nam ủng hộ, và 3 phái chống lại: Mặt trận Đoàn kết dân tộc giành độc lập, trung lập, hoà bình và hợp tác Campuchia; Kampuchea Dân chủ do Khieu Samphon là đại diện, Mặt trận Giải phóng dân tộc nhân dân Cao-miên với đại diện là Son Sann), chỉ có làm được điều đó thì mới kết thúc quá khứ, khôi phục mối quan hệ Trung-Việt.

Tháng 6/1990, Nguyễn Văn Linh hội kiến Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương Đức Duy. Ông nói tình hình quốc tế hiện nay đang biến đổi mạnh, tình hình Đông Âu diễn biến rất phức tạp, tình hình Liên Xô cũng rất nghiêm trọng. Hai nước Việt Nam, Trung Quốc là láng giếng XHCN, ông hy vọng sớm đến Bắc Kinh hội kiến với các đồng chí lãnh đạo TƯ ĐCSTQ, thực hiện việc bình thường hoá quan hệ Việt-Trung trong những năm tháng ông còn trên đời.

Ngày 27/8, tại Liên Hợp Quốc, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an đạt được sự nhất trí về việc giải quyết toàn diện vấn đề  Campuchia và quyết định ngày 10/9 sẽ  triệu tập một cuộc họp thảo luận thông qua 5 văn kiện về việc giải quyết toàn diện mặt chính trị vấn đề  Campuchia. Nội dung chính của các văn kiện đó là 4 bên Campuchia liên hợp cùng tổ chức cơ quan quyền lực lâm thời của Campuchia — Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia [SNC, Supreme National Council]. Đây là một bước quan trọng và một tiến triển có tính đột phá trong việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, cũng là thành quả quan trọng mà cộng đồng quốc tế giành được trong 12 năm tìm kiếm biện pháp giải quyết hoà bình vấn đề Campuchia.

Trong tình hình như vậy, Chính phủ Trung Quốc quyết định mời các nhà lãnh đạo ĐCSVN tới thăm Trung Quốc để tiến hành trao đổi ý kiến.

Theo chỉ thị từ trong nước và sau khi được Ban Đối ngoại TƯ ĐCSVN thu xếp, chiều ngày 29/8, Đại sứ Trương Đức Duy gặp mặt Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, thay mặt Giang Trạch Dân và Lý Bằng mời hai ông cùng ông Phạm Văn Đồng đến Trung Quốc thăm nội bộ vào thời gian từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9. Đại sứ còn thông báo, do Đại hội Thể thao châu Á [ASIAD] sắp được tổ chức tại Bắc Kinh nên để tiện giữ bí mật, địa điểm hội đàm sẽ thu xếp tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Phía Việt Nam rất vui mừng tiếp nhận lời mời.

Điểm mấu chốt của cuộc đàm phán: “+1” hay không

Ngày 31/8, tôi được Phó Trưởng ban Ban Liên lạc Đối ngoại TƯ ĐCSTQ Chu Thiện Khanh gọi tới gặp riêng. Ông báo cho tôi biết 3 ngày sau tôi sẽ đi theo Giang Trạch Dân và Lý Bằng đến Thành Đô tham gia cuộc gặp gỡ nội bộ Trung Quốc-Việt Nam, và yêu cầu tôi gấp rút viết một tài liệu về tình hình phong trào cộng sản quốc tế, sự biến đổi tình hình ở Đông Âu và Liên Xô, tình hình đảng ta khôi phục quan hệ với các đảng cộng sản từng cắt quan hệ trong cuộc luận chiến Trung-Xô, để chuẩn bị trình lãnh đạo trung ương đọc. Ông dặn tôi phải nghiêm ngặt giữ bí mật, không được nói việc này dù là với đồng sự hoặc người nhà. Tôi bỏ ra một ngày khẩn trương viết xong tài liệu nói trên và đưa in nộp lên trên.

Ngày 2/9, Giang Trạch Dân và Lý Bằng mỗi người đáp một chuyên cơ cất cánh từ sân bay Tây Giao Bắc Kinh. Nhân viên tuỳ tùng cũng chia làm hai tốp đi theo. Tốp đi theo Giang Trạch Dân gồm: Phó Chánh Văn phòng TƯ ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tề Hoài Viễn, Phó trưởng ban Ban Liên lạc Đối ngoại TƯ ĐCSTQ Chu Thiện Khanh. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Từ Đôn Tín và một số người khác, trong đó có tôi, đi theo Lý Bằng.

Chuyên cơ của Lý Bằng cất cánh lúc 3 giờ rưỡi chiều, khoảng 6 giờ đến Thành Đô. Chuyên cơ Giang Trạch Dân cũng đến nơi vào 6 giờ rưỡi.

Chúng tôi trọ tại nhà khách Kim Ngưu ở ngoại thành. Đây là một nhà khách nằm trong khu vườn cây, yên tĩnh mà đơn giản. Hội đàm và tiệc chiêu đãi sẽ làm tại toà nhà chính số 1 ở chính giữa, khách và chủ sẽ trọ tại biệt thự ở hai bên toà nhà này.

Tối hôm ấy, Giang Trạch Dân và Lý Bằng trao đổi với nhau về phương châm hội đàm. Tăng Khánh Hồng triệu tập các cán bộ tuỳ tùng của Văn phòng TƯ Đảng, Ban Liên lạc đối ngoại TƯ Đảng, và Bộ Ngoại giao bàn bạc tại chỗ  việc thu xếp chương trình làm việc và lễ nghi đón tiếp trong hai ngày tới, kể cả các chi tiết như bố trí khách và chủ ra vào đi riêng theo cửa nào, ai vào trước, ai vào sau. Tôi có tham gia cuộc bàn bạc này.

11 giờ sáng ngày 3/9, chuyên cơ Việt Nam hạ cánh xuống sân bay chuyên dụng ở Nam Ninh. Đây là chuyến bay hàng không dân dụng Việt Nam đầu tiên bay đến Trung Quốc trong 12 năm nay. Phái đoàn Việt Nam gồm mười mấy người. Ngoài Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng ra, cán bộ chủ yếu đi theo gồm: Chánh Văn phòng TƯ ĐCSVN Hồng Hà, Trưởng ban Đối ngoại TƯ ĐCSVN Hoàng Bích Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương Đức Duy cũng đi cùng.

Tề Hoài Viễn, Chu Thiện Khanh, Từ Đôn Tín ra sân bay đón tiếp đoàn Việt Nam. Sau đó khách và chủ cùng đáp chuyên cơ của phía Trung Quốc bay về Thành Đô.

Hai giờ chiều, đoàn Nguyễn Văn Linh tới nhà khách Kim Ngưu. Giang Trạch Dân và Lý Bằng đón khách tại bên ngoài cửa vào toà nhà chính số 1. Cuộc hội đàm bắt đầu vào khoảng hơn 4 giờ. Phòng họp rộng hơn 200 mét vuông bố trí đơn giản, chính giữa kê chiếc bàn dài, hai đoàn ngồi ở hai bên. Hội đàm tiến hành tổng cộng trong khoảng hơn ba tiếng đồng hồ.

Hồi đó Việt Nam đã rút quân khỏi Campuchia, những vấn đề chưa giải quyết chủ yếu liên quan tới hai mặt: đánh giá và hành xử như thế nào đối với 5 văn kiện của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc về việc giải quyết vấn đề Campuchia, và vấn đề thành viên của Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia. Vấn đề của hai mặt đó có liên quan với nhau. Hai phía Trung Quốc và Việt Nam có những điểm đồng thuận, cũng có những điểm bất đồng. Ý kiến bất đồng chủ yếu có hai điểm.

Trước hết, nên đối xử ra sao với 5 văn kiện nói trên. Phía Việt Nam muốn trình bày ý “hoan nghênh”. Lý Bằng nói: Hoàng thân Sihanouk và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Liên Xô đều tỏ ý ủng hộ 5 văn kiện này, vì thế nên dùng từ “tán thành”. Sau thảo luận, phía Việt Nam biểu thị đồng ý [với phía Trung Quốc], nhưng yêu cầu thêm từ “khung”, phía Trung Quốc cũng đồng ý.

Bất đồng lớn hơn là ở chỗ hạn mức số người của 4 bên trong Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia. Phía Việt Nam đồng ý “6 (phái Heng Samrin) + 2 (phái Sihanouk) + 2 (phái Khieu Samphon) + 2 (phái Son Sann)” Phía Trung Quốc đề xuất phương án “6 + 2 + 2 + 2 + 1”; trong đó “1” là Sihanouk, cho rằng Sihanouk là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Tối cao, nên có quyền lực tương ứng.[2]

Phía Việt Nam cảm thấy phương án của Trung Quốc rất khó được phía Phnom Penh tiếp nhận. Cuộc đàm phán trong ngày thứ nhất chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Đạt được “Biên bản hội đàm”

Hội đàm kéo dài một mạch đến 8 giờ tối. Đến 8 giờ rưỡi, buổi chiêu đãi mới bắt đầu. Trên bàn tiệc, Giang Trạch Dân và Lý Bằng tiếp tục trao đổi với Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười về những vấn đề chưa đạt đồng thuận.

Sau khi kết thúc buổi chiêu đãi, các cán bộ tuỳ tùng chính của hai bên tổ chức thành nhóm dự thảo biên bản hội đàm, họp bàn ngay trong đêm hôm ấy. Nhóm này phía Trung Quốc do Tăng Khánh Hồng phụ trách, phía Việt Nam do Hồng Hà phụ trách. Cuộc hội đàm [?] tiến hành cho tới đêm khuya.

Tôi cũng tham gia cuộc họp bàn của nhóm dự thảo biên bản. Nhiệm vụ chính của tôi là sẵn sàng bất cứ lúc nào khi cần là có thể báo cáo cho Giang Trạch Dân và Lý Bằng biết tình hình thảo luận của nhóm, sau đó truyền đạt lại ý kiến của hai vị ấy tới các cán bộ Trung Quốc trong nhóm dự thảo.

Cuộc thảo luận rất gian khổ, bàn bạc từng chữ từng câu. Có một tranh chấp chính là sau khi hai bên Trung-Việt đạt được sự nhất trí ý kiến về vấn đề Campuchia, những ý kiến đó sẽ chuyển lại cho các bên liên quan của Campuchia như thế nào. Qua bàn bạc lâu dài, hai bên đồng ý trình bày là “bằng sự cố gắng của mỗi bên”, “thúc đẩy” các bên Campuchia đạt được thoả thuận về việc thành lập Hội đồng Quốc gia Tối cao.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BIÊN BẢN
HỘI ĐÀM THÀNH ĐÔ
VIẾT GÌ-[2]?


Sáng ngày 4/9, lãnh đạo hai bên tiến hành cuộc hội đàm lần thứ hai.

Sau khi đi vào nội dung chính, hai bên tiếp tục bàn vấn đề thành phần nhân sự của Hội đồng Tối cao. Nguyễn Văn Linh bỗng dưng nêu ra một vấn đề:  Hội đồng Tối cao sẽ tuân theo nguyên tắc làm việc như thế nào, là nguyên tắc đồng thuận nhất trí hay nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số?

Giang Trạch Dân khôn khéo trả lời câu hỏi này. Ông nói, nếu 4 bên đã đều đồng ý thành lập Hội đồng Tối cao thì họ nên xuất phát từ đại cục lợi ích dân tộc, thực sự thực hiện hoà giải dân tộc. Dưới tiền đề đó, phía Trung Quốc “có thể đồng ý” Hội đồng Tối cao làm việc theo nguyên tắc hiệp thương nhất trí.
Phạm Văn Đồng đồng ý với ý kiến của Giang Trạch Dân.

Sau khi giải quyết xong các vấn đề chủ yếu, việc còn lại là quyết định cuối cùng “Biên bản hội đàm [nguyên văn Hội đàm kỷ yếu]”.

Về  vấn đề Hội đồng Tối cao Campuchia, Biên bản hội đàm viết: Hai bên cho rằng, việc sớm thành lập Hội đồng Tối cao Campuchia là bước then chốt để giải quyết chính trị vấn đề Campuchia. Hội đồng này nên tuân theo nguyên tắc bất cứ phái nào cũng không được chiếm địa vị chi phối, cũng không loại trừ bất cứ phái nào, [Hội đồng này] do 4  bên Campuchia tổ chức nên. Việc để Hoàng thân Sihanouk làm Chủ tịch [Hội đồng] là thích đáng. Hai bên đồng ý sẽ thông báo cho các bên Campuchia và sẽ làm việc với họ, cố gắng sớm nhất dựa theo phương thức 6+2+2+2+1 thành lập Hội đồng Tối cao và [Hội đồng này] sẽ làm việc căn cứ theo nguyên tắc hiệp thương nhất trí.

Về vấn đề bình thường hoá quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, Biên bản chỉ ra: Hai bên đã trao đổi ý kiến về vấn đề sớm khôi phục mối quan hệ hai đảng, hai nước, đồng ý cùng với việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia một cách toàn diện, công bằng và hợp lý, sẽ từng bước cải thiện quan hệ hai đảng, hai nước, tiến tới thực hiện bình thường hoá. Trong đó hai chữ “hai đảng” được thêm vào là căn cứ theo kiến nghị của Phạm Văn Đồng.

Hai bên còn trao đổi ý kiến về các biện pháp cụ thể để từng bước cải thiện quan hệ, nội dung gồm có:

-Hai bên áp dụng biện pháp giảm lực lượng quân đội ở biên giới, tránh tất cả các hoạt động đối địch;
-Đình chỉ mọi tuyên truyền đối địch với đối phương;
-Tăng cường sự đi lại của dân chúng;
-Khôi phục trật tự bình thường trong buôn bán ở vùng biên giới [biên mậu];
-Lãnh đạo cấp cao hai nước tiến hành tiếp xúc và thăm lẫn nhau.

Bắt đầu tiến trình bình thường hoá quan hệ

Hai giờ rưỡi chiều, hai bên Trung Quốc-Việt Nam làm lễ ký kết [Biên bản Hội đàm] tại toà nhà chính số 1. Phía Trung Quốc đề nghị để Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười thay mặt đảng và chính phủ nước mình ký văn bản. Phía Việt Nam đồng ý.

Ngay tại lễ ký, Giang Trạch Dân dẫn câu thơ thất luật của Lỗ Tấn[3] để tặng các đồng chí Việt Nam:

Độ tận kiếp ba huynh đệ tại,
Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu
[tạm dịch: Qua kiếp nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù].

Hội trường vang lên tiếng vỗ tay.
Tối hôm ấy, Nguyễn Văn Linh cũng xúc động viết 4 câu thơ:[4]

Huynh đệ chi giao số đại truyền
Oán hận khoảnh khắc hoá vân yên
Tái tương phùng thời tiếu nhan khai
Thiên tải tình nghị hựu trùng kiến.
[dịch ý: Tình anh em truyền bao đời, trong khoảnh khắc mọi oán hận tan thành mây khói, khi gặp nhau nở nụ cười, xây đắp lại tình hữu nghị muôn đời].

Trong tháng đó, bốn bên Campuchia gặp nhau tại Jakarta [Indonesia], thành lập Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia, tuyên bố các bên Campuchia đều tiếp thu các văn kiện do 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua và dùng các văn kiện đó làm cơ sở để giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Ngày 29/6/1991, Đại hội lần thứ VII ĐCSVN bế mạc, Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng làm Cố vấn. Tinh thần cơ bản chung của Đại hội là: Việt Nam ở vào giai đoạn đầu [sơ cấp]  của CNXH, phát triển sức sản xuất là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời tiếp tục chấp hành đường lối cải cách đổi mới mở cửa do Đại hội VI đề ra, chủ trương hợp tác hữu nghị với các nước.

Buổi chiều ngày thứ hai sau khi Đại hội bế mạc, Lý Bằng hội kiến đại biểu đặc biệt của Trung ương ĐCSVN Lê Đức Anh và Hồng Hà. Hai bên đồng ý tổ chức sớm nhất cuộc gặp gỡ cấp cao Trung Quốc-Việt Nam.

Ngày 5/11, tân Tổng Bí thư ĐCSVN Đỗ Mười và tân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao đảng và chính phủ Việt Nam chính thức thăm Trung Quốc.

Hai nước ra thông cáo chung, tuyên bố sẽ phát triển mối quan hệ hữu nghị láng giềng trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hoà bình, và dựa trên cơ sở 4 nguyên tắc về mối quan hệ đảng “Độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau”, khôi phục mối quan hệ bình thường giữa hai đảng Trung Quốc-Việt Nam.

Giang Trạch Dân phát biểu: Sau khi mối quan hệ giữa hai nước trải qua một đoạn đường quanh co, các nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc-Việt Nam hôm nay có thể ngồi lại cùng nhau tiến hành cuộc gặp cấp cao là việc có ý nghĩa quan trọng. Ông nói, đây là một lần gặp gỡ kết thúc quá khứ, mở ra tương lai, đánh dấu sự bình thường hoá mối quan hệ giữa hai nước.

Tác giả: Ngô Hưng Đường (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
------------
Chú thích:
Ngô Hưng Đường(吴兴唐)từ 1960 công tác lần lượt tại Vụ Một thuộc Ban Liên lạc đối ngoại TƯ ĐCSTQ, Viện Nghiên cứu Liên Xô-Đông Âu, Đại sứ quán Trung Quốc tại CHLB Đức, từng làm Trưởng phòng Nghiên cứu BLLĐN, Cục trưởng Cục Thông tin và người phát ngôn của BLLĐN. Sau 1993 là Tổng Thư ký Hội Giao lưu quốc tế TQ. Hiện là giáo sư thỉnh giảng của Học viện Quan hệ quốc tế ĐH Nhân dân Bắc Kinh, Cố vấn Hội Phong trào cộng sản quốc tế TQ. Từng viết hơn 200 bài báo.
Nguyên văn đầu đề bài viết là: Sự thật về cuộc gặp nội bộ Trung Quốc-Việt Nam tại Thành Đô. Bài đăng trên tuần san Trung Quốc Tân Văn ngày 1/8/2015.
[1] Lý Gia Trung 李家忠 (1936-), biết tiếng Pháp, tiếng Việt, từng có 40 năm tiếp xúc với Việt Nam, 18 năm làm việc ở VN, làm Bí thư thứ hai, Tham tán chính trị, 12/1995-7/2000 là Đại sứ TQ tại VN, từng viết nhiều bài báo và sách về VN, Hồ Chí Minh.
[2] Theo Lý Gia Trung (xem http://nghiencuuquocte.or...g-viet-tai-thanh-do/) : Phía TQ đưa phương án SNC gồm Sihanouk là Chủ tịch, ngoài ra phái Heng Samrin có 6 người, 3 phái chống đối (Khmer Đỏ, Ranaridh, Son Sann) mỗi phái 2. Nguyễn Văn Linh tán thành. Đỗ Mười nói phương án này khó được phái Heng Samrin tiếp thu. Phạm Văn Đồng nói phương án của TQ không công bằng, không hợp lý. Nhưng cuối cùng phía VN vẫn chấp nhận.  Qua hai bài của Lý Gia Trung và Ngô Hưng Đường, có thể thấy trong hội đàm Thành Đô, phía VN tập trung vào vấn đề khôi phục quan hệ TQ-VN, còn TQ tập trung vào việc giải quyết vấn đề CPC.
[3] Giang Trạch Dân lại nói câu thơ này là của nhà thơ Giang Vĩnh (1681-1762), người cùng quê với Giang Trạch Dân. Có lẽ Lỗ Tấn đã mượn câu thơ này để đưa vào bài thơ “Đề Tam Nghĩa tháp” ông làm năm 1933 khi đến thăm tháp Tam Nghĩa. Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây cũng nói như Giang Trạch Dân.
[4] Chưa rõ ông Linh viết mấy câu thơ này bằng chữ Hán hay chữ Quốc ngữ rồi được dịch ra tiếng Trung Quốc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỒNG CHÍ B. NÓI VỀ ÂM MƯU CHỐNG VIỆT NAM
CỦA BÈ LŨ PHẢN ĐỘNG TRUNG QUỐC-[1]


Biên dịch: Bùi Xuân Bách
Lời giới thiệu: Tài liệu dưới đây được dịch từ cuốn Đằng sau tấm màn tre – Trung Quốc, Việt Nam và Thế giới ngoài châu Á (Behind the Bamboo Curtain – China, Vietnam, and the World beyond Asia), do Priscilla Roberts biên tập, Trung tâm Woodrow Wilson và Đại học Stanford xuất bản, 2006. Phần III chương 14 của cuốn sách có tiêu đề “Lê Duẩn và sự đoạn tuyệt với Trung Quốc”. Phần này gồm bài giới thiệu khá dài (14 trang, từ trang 453 đến 467) của Tiến sĩ Stein Tønnesson và bản dịch tài liệu này ra tiếng Anh của Christopher E. Goscha (20 trang, 467-486). Tiến sĩ Stein Tønnesson là học giả nghiên cứu về thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong đó có mối quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc trong giai đoạn này. Ông hiện đang  là Giám đốc Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế, Oslo, Na uy và cũng là tác giả cuốnViệt Nam 1946: Chiến tranh đã bắt đầu ra sao, mà anh Vũ Tường đã giới thiệu trong bài điểm sách đăng trên talawas blog.

Christopher E. Goscha hiện đang giảng dạy môn Lịch sử tại American University và Trường Quốc tế ở Paris. Ông là đồng Giám đốc Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris. Gần đây ông có tác phẩm đã in “Mậu dịch vùng biên giới Việt Nam với Hoa Nam thời đầu chiến tranh” (Asian Survey, 2000) và đã trình luận án về đề tài Bối cảnh châu Á của cuộc chiến Pháp-Việt tại Trường Cao đẳng thực hành, thuộc Viện Đại học Sorbonne.

Bài giới thiệu của Stein Tønnesson có khá nhiều nhận định sắc sảo và chính xác. Rất tiếc là không đủ thời gian để dịch ra giới thiệu với các bạn, nhưng các bạn có thể tham khảo bản tiếng Anh tại ĐÂY (trang 273-288).

Lẽ ra tài liệu từ tiếng Việt, đã được dịch sang tiếng Anh, thế thì còn dịch lại ra tiếng Việt làm gì. Vấn đề là ở chỗ, như Stein Tønnesson đã nhận xét: “Cho đến giờ, rất ít tài liệu thuộc loại này được phía Việt Nam cho phép các học giả tiếp cận.” Vậy thì trong khi chờ đợi tài liệu được bạch hoá, ta dịch ra để cùng đọc, tuy không thể chính xác bằng bản gốc, nhưng cũng có thể cung cấp cho ta một số thông tin nhất định. Cũng có bạn đã viết rằng: “Vì bạn dịch tác phẩm từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, bạn không bao giờ dịch ngược một tác phẩm trở về ngôn ngữ nguồn. Không ai làm việc vớ vẩn ấy.” Nhìn chung thì đúng, tưởng như tiên đề, nhưng thực ra cũng có những lệ ngoại như trong trường hợp này. Việc “tam sao” này ắt là “thất bổn”, chẳng hạn như bản tiếng Anh dùng chữ “we” thì trong bản gốc có thể là “chúng ta”, “chúng tôi” mà hai từ này nội hàm cũng đã khác nhau (không hay có bao gồm người đối thoại hoặc người nghe), lại cũng có thể là phe ta, quân ta, dân ta v.v… nên chỉ có thể dựa vào ngôn cảnh mà phỏng đoán. Stein Tønnesson cũng đã chỉ ra: “Chúng ta được biết, Lê Duẩn rất ít khi tự mình chấp bút và tài liệu mang phong cách khẩu ngữ (khiến cho việc dịch cực kỳ khó khăn). Rất có thể đây là bản thảo Lê Duẩn đọc cho thư ký ghi, hoặc những đoạn chi tiết do một cán bộ cấp cao dự buổi nói chuyện này ghi lại.”

Christopher E. Goscha đã phát hiện tài liệu này trong Thư viện Quân đội ở Hà Nội, chép tay lại và dịch ra tiếng Anh. Cũng theo Stein Tønnesson: “Văn bản không đề ngày tháng, và tên tác giả chỉ cho biết là “đồng chí B”. Dù sao, nội dung tài liệu cho ta thấy, nó được viết năm 1979, có lẽ vào quãng thời gian giữa cuộc tấn công của Trung Quốc vào Bắc Việt Nam tháng 2-1979 và thời điểm phát hành cuốn Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về mối quan hệ Việt – Trung ngày mồng 4 tháng 10 cùng năm. Dường như văn bản được soạn chỉ ít lâu sau quyết định ngày 15 tháng 3-1979 của Đặng Tiểu Bình ngừng cuộc tấn công trừng phạt Việt Nam và rút quân về nước, nhưng trước khi Hoàng Văn Hoan đào thoát sang Trung Quốc tháng 7-1979.”

Nếu tên tác giả chỉ ghi là “đồng chí B” thì sao lại dám khẳng định là Lê Duẩn? Bài nói chuyện của “đồng chí B” có cho ta biết rằng, trong những cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, ông ta được gọi là anh Ba, một bí danh mà mọi người đều biết là của Lê Duẩn. Tài liệu cũng nói nhiều đến những cuộc họp cấp cao với phía Trung Quốc trong đó có cả Mao, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, khi đó nhân vật B này thường xưng tôi và đại diện cho phía Việt Nam một cách đầy quyền uy như thế, hẳn chỉ có rất ít người.

Một nhận xét khác của Stein Tønnesson là “những điều Lê Duẩn nói ra (trong năm 1979) rõ ràng mang sắc thái tức giận”, nhưng về thái độ của Lê Duẩn thì “một nét ấn tượng của tài liệu này là sự thẳng thắn, bộc trực và cách tác giả đưa vấn đề ra như là một cá nhân.” Ta đều biết vai trò và vị trí của ông trong Đảng cũng như trong các sự kiện từ khi được cử làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam rồi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Stein Tønnesson cũng cho rằng khi Lê Duẩn xưng tôi với Hồ Chí Minh thì đó là thái độ có phần xấc xược, nhưng người dịch không nghĩ như vậy. Nếu bạn đã đi nhiều vùng trên đất nước ta, hoặc được tiếp xúc với nhiều người từ những địa phương khác nhau tới, bạn sẽ thấy đó chỉ là một tập quán ngữ dụng của một số nơi chứ không phải là hỗn hào hay xấc xược. Hoặc cũng có đoạn, khi nói chuyện với Mao, Lê Duẩn cũng dám “ăn miếng trả miếng”, nhưng người dịch hoài nghi chuyện này, chúng ta cần phối kiểm với những tài liệu khác nữa.

So với cuốn Sách trắng của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, công bố ngày mồng 4 tháng 10-1979, tài liệu này cũng không có nhiều điểm khác biệt, trừ một số tình tiết về cách suy nghĩ và ứng phó của phía Việt Nam. Dẫu sao, theo thiển ý của tôi, thì đây cũng là một tài liệu quý. Nó cho ta thấy việc ra đời của cuốn Sách trắng đã được chỉ đạo từ cấp cao nhất.

Vì thời gian có hạn, lại dịch ngược lại từ tiếng Anh ra Việt trong khi ngôn ngữ nguồn đã là tiếng Việt, chắc chắn bản dịch còn nhiều thiếu sót. Người dịch cũng chỉ mong muốn một chữ “tín”, mà chưa dám nghĩ đến “đạt, nhã”. Mong các bạn thông cảm và đóng góp ý kiến cho. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ.

Xin lưu ý:
– Dấu ngoặc vuông [ ] là của Christopher E. Goscha.
– Chúng tôi vẫn giữ nguyên những con số của ghi chú cho phù hợp với trong sách.

*********************************************************

ĐỒNG CHÍ B. NÓI VỀ ÂM MƯU CHỐNG VIỆT NAM
CỦA BÈ LŨ PHẢN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Nói chung, sau khi ta đã thắng Mỹ thì không còn tên đế quốc nào dám đánh ta nữa. Chỉ có những kẻ nghĩ rằng, họ có thể đánh và dám đánh chúng ta, là bọn phản động Trung Quốc. Nhưng nhân dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn như vậy. Tôi không rõ bọn phản động Trung Quốc này còn tồn tại bao lâu nữa. Dẫu sao, chừng nào bọn chúng còn đó thì chúng sẽ tấn công ta như chúng vừa làm gần đây [vào đầu năm 1979]. Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc thì các tỉnh [Bắc Trung bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá sẽ trở thành căn cứ cho cả nước. Đó là những căn cứ vững chắc nhất, tốt nhất và mạnh nhất không gì so sánh được. Vì nếu như vùng đồng bằng [Bắc bộ] vẫn liên tục căng thẳng như vậy thì tình hình sẽ hết sức phức tạp. Hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Nếu không có nhân dân Việt Nam thì sẽ chẳng có ai dám đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam đang đánh Mỹ thì cả thế giới còn lại sợ Mỹ…(25) Mặc dầu Trung Quốc đã giúp [Bắc] Triều Tiên, nhưng đó chỉ vì mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ mà thôi. Sau khi chiến tranh chấm dứt [ở Triều Tiên] và áp lực chuyển sang Việt Nam, ông ta [có lẽ ám chỉ Chu Ân Lai như những đoạn tiếp theo sẽ gợi ý] nói rằng, nếu như Việt Nam tiếp tục chiến đấu thì họ sẽ phải tự lo liệu lấy. Ông ta sẽ không giúp nữa và đã gây sức ép buộc chúng ta phải ngừng đấu tranh.

Khi ta ký Hiệp định Giơ ne vơ, chính Chu Ân Lai là người đã chia cắt nước ta ra làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Bắc và Nam như vậy, cũng chính ông ấy lại ép chúng ta không được đụng chạm gì đến miền Nam. Họ cấm ta vùng lên [chống lại Việt Nam Cộng hoà được Mỹ ủng hộ]. [Nhưng] họ đã không làm chúng ta sờn lòng. Khi tôi vẫn còn đang ở trong Nam và đã chuẩn bị phát động chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Giơ ne vơ, Mao Trạch Đông đã nói với Đảng ta rằng, chúng ta cần ép các đồng chí Lào chuyển giao ngay hai tỉnh đã giải phóng cho chính phủ Viên Chăn (26). Nếu không Mỹ sẽ tiêu diệt họ, một tình huống hết sức nguy hiểm [theo quan điểm Trung Quốc]. Việt Nam lại phải làm việc ngay lập tức với phía Mỹ [về vấn đề này]. Mao đã bắt ta phải làm như vậy và chúng ta cũng đành phải làm như vậy (27).

Rồi sau khi hai tỉnh giải phóng của Lào đã được bàn giao cho Viên Chăn, bọn phản động Lào ngay lập tức bắt Hoàng thân Su-pha-nu-vông. Phía các đồng chí Lào có hai tiểu đoàn lúc ấy đang bị bao vây. Hơn nữa họ chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó một tiểu đoàn đã vượt thoát [khỏi vòng vây]. Khi đó tôi đưa ra ý kiến là phải chấp nhận cho các bạn Lào phát động chiến tranh du kích. Tôi mời phía Trung Quốc đến để thảo luận việc này với ta. Tôi nói: “Các đồng chí, nếu các anh tiếp tục gây sức ép với Lào như thế thì lực lượng của họ sẽ tan rã hoàn toàn. Bây giờ họ phải được phép tiến hành đánh du kích”.

Trương Văn Thiên (28), người trước kia đã từng là Tổng Bí thư [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và có bí danh là Lạc Phủ, đã trả lời: “Vâng, thưa các đồng chí, điều các đồng chí nói là đúng. Chúng ta hãy cho phép Tiểu đoàn Lào ấy được đánh du kích”.

Tôi hỏi Trương Văn Thiên ngay lập tức: “Các đồng chí, nếu các đồng chí đã cho phép Lào tiến hành chiến tranh du kích, thì đâu có gì đáng sợ nếu phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Điều gì đã làm cho các đồng chí phải sợ hãi đến nỗi các đồng chí lại ngăn cản chúng tôi?”

Ông ấy [Trương Văn Thiên] trả lời: “Không có gì phải sợ cả!”

Đó là điều Trương Văn Thiên đã nói. Tuy nhiên Hà Vĩ, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam khi ấy, [và] có mặt lúc đó cũng nghe thấy những điều vừa nói.
Ông ta đã đánh điện về Trung Quốc [báo cáo những gì đã trao đổi giữa Lê Duẩn và Trương Văn Thiên]. Mao trả lời ngay lập tức: “Việt Nam không thể làm như vậy được [phát động chiến tranh du kích ở miền Nam]. Việt Nam nhất định phải trường kỳ mai phục!” Chúng ta quá nghèo. Làm sao ta có thể đánh Mỹ nếu như chúng ta không có Trung Quốc là hậu phương vững chắc? [Do đó], chúng ta đành nghe theo họ, có phải không? (29)

Dẫu sao thì chúng ta vẫn không nhất trí. Ta bí mật tiến hành phát triển lực lượng của ta. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém đi khắp các tỉnh miền Nam, ta đã ra lệnh tổ chức lực lượng quần chúng để chống chế độ này và giành lại chính quyền [từ tay chính phủ Diệm]. Chúng ta không cần để ý đến họ [Trung Quốc]. Khi cuộc đồng khởi giành chính quyền đã bắt đầu, chúng tôi sang Trung Quốc gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình nói với tôi: “Các đồng chí, bây giờ sai lầm của các anh thành việc đã rồi, các anh chỉ nên đánh ở mức độ trung đội trở xuống.” Đấy là một kiểu ràng buộc mà họ muốn áp đặt lên ta.

Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! Tôi sẽ thực hiện như vậy. Tôi sẽ chỉ đánh ở mức trung đội trở xuống”. Sau khi chúng ta đánh và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta đã chiến đấu có hiệu quả, Mao đột ngột có đường lối mới. Ông ta nói rằng trong khi Mỹ đánh nhau với ta, ông ấy sẽ mang quân đội [Trung Quốc] vào giúp ta làm đường. Mục đích chính của ông ấy là tìm hiểu tình hình Việt Nam để sau này có thể đánh ta và từ đó bành trướng xuống Đông Nam Á. Không còn lý do nào khác. Chúng ta biết vậy nhưng phải chấp nhận [việc đưa quân Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam]. Chuyện này thì cũng được. Họ quyết định đưa quân vào. Tôi chỉ yêu cầu là họ đưa người không thôi, nhưng quân đội họ vào mang cả súng ống, đạn dược. Tôi lại đành phải đồng ý.

Sau đó ông ấy [Mao Trạch Đông] bắt ta tiếp nhận hai vạn quân, đến để làm đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam. Tôi từ chối. Họ vẫn liên tục yêu cầu nhưng tôi không thay đổi ý kiến. Họ bắt tôi phải cho họ vào nhưng tôi không chấp nhận. Họ tiếp tục gây áp lực nhưng tôi vẫn không đồng ý. Các đồng chí, tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy được âm mưu lâu dài của họ là muốn cướp nước ta, và âm mưu của họ xấu xa tới chừng nào.

Sau khi Mỹ đưa vài trăm ngàn quân vào miền Nam, chúng ta đã tiến hành Tổng tiến công Mậu Thân 1968, buộc chúng phải xuống thang. Để đánh bại đế quốc Mỹ ta phải biết cách kéo địch xuống thang dần dần. Đó là chiến lược của ta. Chúng ta chiến đấu chống lại một kẻ địch lớn, có dân số hơn hai trăm triệu người và họ từng thống trị thế giới. Nếu ta không thể bắt họ xuống thang dần từng bước, thì ta sẽ lúng túng và không thể tiêu diệt kẻ thù được. Ta phải đánh cho chúng tê liệt ý chí để buộc chúng đến bàn đàm phán và không cho phép chúng đưa thêm quân vào.

Khi đã đến lúc họ muốn đàm phán với chúng ta, Hà Vĩ viết thư cho ta nói: “Các anh không thể ngồi xuống đàm phán với Mỹ được. Các anh phải kéo quân Mỹ vào miền Bắc mà đánh chúng”. Ông ta đã gây sức ép bằng cách đó, khiến chúng ta hết sức bối rối. Đó hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Thật là mệt mỏi mỗi khi những tình huống tương tự [với Trung Quốc] lại xảy ra.

Chúng ta đã quyết định rằng không thể làm theo cách đó được [về ý kiến của Hà Vĩ không nên đàm phán với Mỹ]. Ta đã ngồi xuống ở Paris. Ta đã kéo Mỹ xuống thang để đánh bại chúng. Trong khi đó Trung Quốc lại tuyên bố [với Mỹ]: “Nếu người không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến người. Muốn mang bao nhiêu quân vào Việt Nam, điều đó tuỳ theo các anh”. Trung Quốc, theo ý của họ, đã làm như vậy và ép ta làm theo.

Họ đã tích cực đổi chác với Mỹ và dùng ta làm con bài để mặc cả như thế đấy. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua, ngay lập tức họ sử dụng Trung Quốc để xúc tiến việc rút quân ở miền Nam sao cho thuận lợi. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận việc này.

Trước khi Nixon đến Trung Quốc, [mục tiêu chuyến đi này của ông ta] nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam theo chiều hướng có lợi cho Mỹ và giảm thiểu đến tối đa sự thất bại của họ, đồng thời cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc gần hơn về phía Mỹ, Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Châu nói với tôi: “Vào lúc này, Nixon sắp đến gặp tôi, chủ yếu là để thảo luận vấn đề Việt Nam, do đó tôi nhất định phải đến gặp đồng chí để bàn bạc.”
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỒNG CHÍ B. NÓI VỀ ÂM MƯU CHỐNG VIỆT NAM
CỦA BÈ LŨ PHẢN ĐỘNG TRUNG QUỐC-[2]


Tôi trả lời: “Thưa đồng chí, đồng chí có thể nói bất kỳ điều gì đồng chí muốn, nhưng tôi vẫn không hiểu. Đồng chí là người Trung Quốc; tôi là người Việt Nam. Việt Nam là đất nước của [chúng] tôi, hoàn toàn không phải là của các đồng chí. Đồng chí không có quyền phát biểu [về công việc của Việt Nam], và đồng chí không có quyền thảo luận [những chuyện đó với Mỹ] (30). Hôm nay, thưa đồng chí, tôi nói riêng với đồng chí một điều, mà thậm chí tôi chưa từng nói với Bộ Chính trị của chúng tôi, rằng các đồng chí đã đặt ra một vấn đề nghiêm trọng và vì vậy tôi cần phải nói:

Năm 1954, khi Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ, tôi đang ở Hậu Nghĩa. Bác Hồ đánh điện cho tôi, nói rằng tôi cần phải đi Nam để tổ chức lại [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về việc này] (31). Tôi đi xe thổ mộ xuôi Nam. Dọc đường đồng bào đổ ra chào đón tôi vì họ nghĩ chúng tôi đã chiến thắng. Thật đau lòng xiết bao! Nhìn đồng bào miền Nam tôi đã khóc. Bởi vì sau đó Mỹ sẽ nhảy vào miền Nam và tàn sát đồng bào tôi một cách dã man.

Vào tới nơi, tôi lập tức đánh điện cho bác Hồ yêu cầu được ở lại và không tập kết ra Bắc, để có thể tiếp tục chiến đấu mười năm nữa hoặc lâu hơn. [Tôi nói với Chu Ân Lai]: “Thưa đồng chí, đồng chí đã gây ra những khó khăn cho chúng tôi như vậy đấy [muốn nói đến vai trò của ông ta trong việc chia cắt Việt Nam tại hội nghị Giơ ne vơ năm 1954]. Đồng chí có biết thế không?”
Chu Ân Lai đáp: “Tôi xin lỗi các đồng chí. Tôi đã sai. Tôi đã sai trong chuyện này [ám chỉ việc chia cắt Việt Nam tại Giơ ne vơ] (32). Sau khi Nixon đã đi thăm Trung Quốc, ông ta [Châu] lại sang Việt Nam một lần nữa để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến đấu trong Nam.

Tuy nhiên tôi cũng nói ngay với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí. Chẳng bao lâu nữa họ [Mỹ] sẽ tấn công chúng tôi mạnh hơn”. Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai bên [Mỹ và Trung Quốc] đã thoả thuận với nhau nhằm đánh ta mạnh hơn. Ông ấy [Châu] đã không phản đối quan điểm này là không có cơ sở, và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng ống đạn dược cho các đồng chí”. Rồi ông ta nói [về sự e ngại một âm mưu bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc]: “Không có chuyện đó đâu”. Dẫu sao họ cũng đã thảo luận đánh ta mạnh hơn như thế nào, kể cả ném bom bằng B-52 và phong toả cảng Hải Phòng. Vấn đề rõ ràng là như vậy.
Nếu Liên Xô và Trung Quốc không bất đồng với nhau thì Mỹ không thể đánh chúng ta một cách tàn bạo như chúng đã làm. Chừng nào hai nước [Trung Quốc và Liên Xô] còn xung đột thì người Mỹ sẽ không bị ngăn trở [vì sự phản đối của khối Xã hội chủ nghĩa thống nhất]. Mặc dầu Việt Nam đã có thể đoàn kết với cả hai nước Trung Quốc và Liên Xô, nhưng để làm việc này là hết sức khó khăn vì lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc rất nhiều. Thời gian đó Trung Quốc hàng năm viện trợ cho ta nửa triệu tấn lương thực, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa nói đến cả đô la nữa. Liên Xô cũng giúp ta tương tự như vậy. Nếu chúng ta không làm được điều đó [giữ gìn sự thống nhất và đoàn kết với họ] thì mọi chuyện có thể hết sức nguy hiểm. Hàng năm tôi phải sang Trung Quốc hai lần để trình bày với họ [ban lãnh đạo Trung Quốc] về các diễn biến ở trong Nam. Còn với Liên Xô, tôi không cần phải nói gì cả [về tình hình miền Nam]. Tôi chỉ nói chung chung. Khi làm việc với phía Trung Quốc, tôi phải nói rằng cả hai chúng ta đang cùng đánh Mỹ. Tôi đã đi (sang đấy) một mình. Tôi phải tham dự vào những chuyện đó. Tôi phải sang Trung Quốc và bàn bạc với họ nhiều lần như vậy với mục đích chính là thắt chặt quan hệ song phương [Trung Quốc và Việt Nam]. Chính vào lúc đó Trung Quốc ép chúng ta phải tách xa khỏi Liên Xô, cấm ta không được đi cùng với Liên Xô nữa (33).

Họ làm rất căng thẳng chuyện này. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh (34), đến nói với tôi: “Đồng chí, chúng tôi sẽ giúp các anh vài tỷ (Nhân dân tệ) một năm. Các anh không được nhận gì từ Liên Xô nữa.”

Tôi không chấp nhận như vậy. Tôi nói: “Không, chúng tôi nhất định phải đoàn kết và thống nhất với toàn phe Xã hội chủ nghĩa.” (35)

Năm 1963, khi Nikita Khơrútxốp có sai lầm, Trung Quốc lập tức ra Cương lĩnh 25 điểm và mời Đảng ta đến và góp ý kiến. Anh Trường Chinh và tôi cùng đi với một số anh em khác. Trong khi bàn bạc, họ [Trung Quốc] lắng nghe ta chừng mười điểm gì đó, nhưng khi tới ý kiến “không xa rời phe Xã hội chủ nghĩa” (37) thì họ không nghe nữa… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về văn bản của chính tôi. Tôi xin ý kiến các đồng chí nhưng tôi không chấp nhận điểm này của các đồng chí.”

Trước khi đoàn ta về nước, Mao có tiếp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi trò chuyện cùng chúng tôi và đến cuối câu chuyện ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn các đồng chí biết việc này. Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu bần nông và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á.” (38) Đặng Tiểu Bình cũng ngồi đó và nói thêm: “Đó chủ yếu là vì bần nông của chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn!”

Khi chúng tôi đã ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Anh thấy đấy, một âm mưu cướp nước ta và cả Đông Nam Á. Bây giờ chuyện đã minh bạch.” Họ dám ngang nhiên tuyên bố như vậy. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Rõ ràng là không một phút nào họ không nghĩ tới việc đánh Việt Nam!

Tôi sẽ nói thêm để các đồng chí có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng quân sự của việc này. Mao hỏi tôi:

– Lào có bao nhiêu cây số vuông?
Tôi trả lời:
– Khoảng 200 nghìn [cây số vuông].
– Dân số của họ là bao nhiêu? [Mao hỏi]
– [Tôi đáp:] Gần ba triệu.
– [Mao nói:] Thế thì cũng không nhiều lắm! Tôi sẽ mang người của chúng tôi xuống đấy!
– [Mao hỏi:] Thái Lan thì có bao nhiêu cây số vuông?
– [Tôi trả lời:] Khoảng 500 nghìn.
– Và có bao nhiêu người? [Mao hỏi]
– Gần 40 triệu! [Tôi đáp]
– Trời ơi! [Mao nói], tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500 nghìn cây số vuông mà có tới 90 triệu dân. Tôi sẽ lấy thêm một ít người của chúng tôi đi xuống đấy nữa [Thái Lan]!

Đối với Việt Nam, họ không dám nói thẳng về việc di dân như vậy. Tuy nhiên, ông ta [Mao] nói với tôi: “Các đồng chí, có thật người Việt Nam đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên không?” Tôi nói: “Đúng.” “Thế có thật là các anh cũng đánh bại cả quân Thanh nữa phải không?” Tôi đáp: “Đúng.” Ông ta lại hỏi: “Và cả quân Minh nữa, đúng không?” Tôi trả lời: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi sẽ đánh bại cả các ông. (39) Ông có biết thế không?” Tôi đã nói với Mao như vậy đó. Ông ấy nói: “Đúng! Đúng!” Mao muốn chiếm Lào, cả nước Thái Lan… cũng như muốn chiếm toàn vùng Đông Nam Á. Mang người đến ở đó. Thật là phức tạp.

Trong những năm trước [về các vấn đề có thể nảy sinh từ mối đe doạ của Trung Quốc trong những thời kỳ đó], chúng ta đã có sự chuẩn bị tích cực chứ không phải chúng ta không chuẩn bị gì. Nếu chúng ta không chuẩn bị thì tình hình vừa qua đã có thể rất nguy. Đó không phải là chuyện đơn giản. Mười năm trước tôi đã có mời anh em bên quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ đang có mâu thuẫn với nhau. Còn Trung Quốc, họ lại bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng như vậy các anh phải lập tức nghiên cứu vấn đề này. Tôi sợ bên quân đội anh em chưa hiểu nên tôi nói thêm rằng không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ phát biểu rằng chuyện này rất khó hiểu. Đúng là không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi không thể nói cách khác được. Và tôi cũng không cho phép ai căn vặn mình. (40)

Khi tôi đi Liên Xô, họ cũng rất cứng rắn với tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một hội nghị 80 đảng [Cộng sản] để ủng hộ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [hội nghị] không chỉ nhằm giúp đỡ Việt Nam mà còn dự định lên án Trung Quốc. Do đó Việt Nam đã không đi. Phía Liên Xô hỏi: “Các anh đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế rồi hay sao? Tại sao các anh lại làm như vậy?” Tôi đáp: “Tôi hoàn toàn không từ bỏ chủ nghĩa quốc tế. Tôi chưa hề làm như vậy. Tuy nhiên, muốn là người theo chủ nghĩa quốc tế thì trước hết phải đánh bại đế quốc Mỹ. Và nếu người ta muốn đánh Mỹ thì phải thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đi dự hội nghị này thì Trung Quốc sẽ gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho chúng tôi. Xin các đồng chí hiểu cho.”

Ở Trung Quốc có rất nhiều ý kiến khác nhau và đang tranh cãi. Chu Ân Lai đồng ý xây dựng cùng Liên Xô một mặt trận chống Mỹ. Một lần tôi đến Liên Xô dự lễ Quốc khánh, tôi có được đọc một bức điện của Trung Quốc gửi Liên Xô nói rằng “nếu Liên Xô bị tấn công thì Trung Quốc sẽ kề vai sát cánh cùng Liên bang Xô viết.”(41) Đó là nhờ Hiệp ước hữu nghị Xô – Trung được ký kết trước đây [tháng 2-1950]. Ngồi cạnh Chu Ân Lai tôi hỏi ông ấy: “Trong bức điện mới đây gửi Liên Xô, các đồng chí đã đồng ý cùng với Liên Xô thành lập một mặt trận, nhưng tại sao các đồng chí lại không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai đáp: “Chúng tôi có thể. Tôi đồng tình với quan điểm của đồng chí. Tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [về Việt Nam]. Bành Chân (42) cũng đang ngồi đó, nói thêm: “Ý kiến này cực kỳ đúng đắn!” Nhưng khi vấn đề được đưa ra thảo luận ở Thượng Hải, Mao nói rằng không thể được và gạt bỏ ý kiến này. Các đồng chí đã thấy vấn đề phức tạp ra sao.

Mặc dầu Chu Ân Lai có bảo lưu một số ý kiến, dẫu sao ông cũng đã đồng ý thành lập một mặt trận và đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Chính nhờ ông mà tôi hiểu [nhiều chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì có thể rất nguy hiểm. Có lần ông ấy nói với tôi: “Tôi phải làm hết sức mình để sống sót ở đây, dùng Lý Cường (43) để tích luỹ và cung cấp viện trợ cho các đồng chí.” Và thế đấy [ám chỉ Châu đã có thể dùng Lý Cường vào việc giúp đỡ Việt Nam]. Tôi hiểu rằng nếu không có Chu Ân Lai thì không thể có được sự viện trợ như vậy. Tôi thật biết ơn ông ta.

Tuy nhiên cũng không đúng, nếu nói rằng những người khác trong ban lãnh đạo Trung Quốc có cùng quan điểm với Chu Ân Lai. Họ khác nhau trên nhiều phương diện. Nhưng có thể nói rằng người kiên trì nhất, người có đầu óc đại Hán và người muốn chiếm cả vùng Đông Nam Á, chính là Mao. Tất cả mọi chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay Mao.

Cũng có thể nói như vậy về các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc. Chúng ta không biết trong tương lai mọi chuyện sẽ ra sao, nhưng dẫu sao [sự thực là] họ đã tấn công ta. Trước đây Đặng Tiểu Bình đã từng làm hai việc mà giờ đây lại lật ngược hẳn lại. Đó là, khi ta thắng lợi ở miền Nam, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên Đặng Tiểu Bình cũng vẫn cứ chúc mừng ta. Kết quả là ông ta lập tức bị những người khác coi là phần tử xét lại.
Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối cùng (44), tôi là trưởng đoàn, và tôi đã gặp đoàn đại biểu Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình dẫn đầu. Khi nói tới vấn đề lãnh thổ, gồm cả thảo luận về một số hòn đảo, tôi có nói: “Hai nước chúng ta nằm cạnh nhau. Có một số khu vực trên lãnh thổ chúng tôi chưa được phân định rõ ràng. Cả hai phía chúng ta cần phải thành lập một uỷ ban để xem xét vấn đề này. Thưa các đồng chí, xin hãy nhất trí với tôi [về chuyện này]. Ông ấy [Đặng] đã đồng ý, nhưng vì vậy mà sau đó ông ta lại bị các nhóm lãnh đạo khác chụp mũ xét lại tức thời.

Nhưng bây giờ thì ông ấy [Đặng] điên thật rồi. Bởi vì ông ta muốn tỏ ra mình không phải là xét lại nên ông ta đã đánh Việt Nam mạnh hơn. Ông ta đã bật đèn xanh cho họ tấn công Việt Nam.

Sau khi đánh bại đế quốc Mỹ, chúng ta vẫn giữ một đạo quân hơn một triệu người. Một số lãnh đạo Liên Xô đã hỏi ta: “Các đồng chí còn định đánh nhau với ai nữa mà lại vẫn duy trì một đội quân [thường trực] lớn như vậy?” Tôi đáp: “Sau này các đồng chí sẽ hiểu.” Lý do duy nhất khiến chúng ta giữ một đạo quân thường trực như vậy chính là vì Trung Quốc [mối đe doạ của họ đối với Việt Nam]. Nếu như không có [sự đe doạ đó] thì đội quân [thường trực lớn] này sẽ không còn cần thiết nữa. Đã bị tấn công gần đây trên cả hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rõ rằng] sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không duy trì một đội quân lớn.

(B) [Ý nghĩa của chữ B này trong bản gốc không được rõ] – Từ cuối Đại chiến thế giới thứ hai, tất cả đều cho rằng đế quốc Mỹ chính là tên sen đầm quốc tế. Chúng có thể xâm chiếm và đe doạ các nước khác trên thế giới. Mọi người, kể cả các cường quốc, đều sợ Mỹ. Duy chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ mà thôi.
Tôi hiểu được điều này nhờ cuộc đời hoạt động của mình đã dạy tôi như vậy. Người đầu tiên sợ [Mỹ] chính là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, cả Việt Nam và Lào, rằng: “Các anh phải lập tức chuyển giao ngay hai tỉnh giải phóng của Lào cho chính quyền Viên Chăn. Nếu không thì Mỹ sẽ lấy cớ để tấn công. Thế thì hết sức nguy hiểm.” Về phía Việt Nam, chúng ta nói: “Chúng tôi sẽ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam.” Ông ta [Mao] nói: “Các anh không được làm như vậy. Miền Nam Việt Nam cần phải trường kỳ mai phục, có thể một đời người, năm đến mười đời, thậm chí hai mươi đời nữa. Các anh không thể đánh Mỹ. Đánh nhau với Mỹ là một việc nguy hiểm.” Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến như vậy…
Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiến lên và chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam sẽ không được giải phóng. Một nước chưa được giải phóng thì vẫn cứ là một nước phụ thuộc. Không có nước nào được độc lập nếu chỉ có một nửa nước được tự do. Đó là tình hình cho đến năm 1975, khi đất nước ta cuối cùng đã giành được hoàn toàn độc lập. Có độc lập thì sẽ có tự do. Tự do phải là thứ tự do cho cả nước Việt Nam…

Ăng ghen đã từng nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó Liên Xô, rồi Trung Quốc và cả ta nữa cũng nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước khác nhau rất nhiều về nội dung [của chiến tranh nhân dân]. Sẽ là không đúng nếu chỉ vì anh có hàng triệu người mà anh muốn làm gì thì làm. Trung Quốc cũng nói về chiến tranh nhân dân nhưng [họ chủ trương] “địch tiến ta lùi”. Nói cách khác, phòng ngự là chủ yếu, và chiến tranh chia làm ba giai đoạn, lấy nông thôn bao vây thành thị, trong khi [chủ lực] vẫn lẩn trốn trong vùng rừng núi… Trung Quốc đã thiên về phòng ngự và rất yếu [trong Đại chiến Thế giới thứ hai]. Thậm chí, với 400 triệu dân chống lại quân đội Nhật chỉ có khoảng 300 đến 400 ngàn người, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại Nhật. (45)

Tôi phải nhắc lại như vậy vì trước kia Trung Quốc đã gửi cố vấn sang ta nên một số anh em [ta] không hiểu. Họ nghĩ rằng Trung Quốc rất là tài giỏi. Nhưng họ cũng không tài giỏi lắm đâu, và vì thế ta cũng không làm theo [sự cố vấn của Trung Quốc]. (46)

Năm 1952 tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc chữa bệnh. Đấy là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. (47) Tôi đã đánh dấu hỏi về họ [Trung Quốc] và thấy rất nhiều chuyện lạ. Những vùng [đã từng] bị quân Nhật chiếm đóng có dân cư là 50 triệu người, nhưng không có thậm chí một người du kích…

Khi tôi từ Trung Quốc về, tôi gặp bác [Hồ]. Bác hỏi:
– Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài có phải không?
– Vâng, tôi ra nước ngoài lần đầu tiên.
– Chú thấy những gì?
– Tôi thấy hai chuyện: Việt Nam rất dũng cảm và họ [Trung Quốc] hoàn toàn không.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỒNG CHÍ B. NÓI VỀ ÂM MƯU CHỐNG VIỆT NAM
CỦA BÈ LŨ PHẢN ĐỘNG TRUNG QUỐC-[3]


Tôi hiểu điều đó từ bấy giờ. Chúng ta [người Việt Nam] khác hẳn họ. Lòng dũng cảm là đặc tính cố hữu trong từng con người Việt Nam, và do vậy chúng ta chưa từng có chiến lược thiên về phòng ngự. Mỗi người dân là một chiến sĩ.

Gần đây, họ [Trung Quốc] đem vài trăm ngàn quân xâm lấn nước ta. Trên phần lớn mặt trận, ta mới sử dụng dân quân du kích và bộ đội địa phương để đánh trả. Chúng ta không thiên về phòng ngự, và do vậy họ đã thất bại. Họ không thể tiêu diệt gọn một trung đội nào của Việt Nam, còn ta diệt gọn vài trung đoàn và vài chục tiểu đoàn của họ. Đạt được điều đó vì ta có chiến lược nghiêng về tấn công.

Đế quốc Mỹ đã đánh nhau với ta trong một cuộc chiến dài lâu. Họ hết sức mạnh mà vẫn thua. Nhưng ở đây có một yếu tố đặc biệt, đó là sự mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. [Vì thế], họ đã đánh ta ác liệt như vậy.
Việt Nam chống Mỹ và đánh chúng quyết liệt, nhưng chúng ta cũng biết rằng Mỹ là một nước rất lớn, có khả năng huy động một đội quân mười triệu người và dùng tất cả những vũ khí tối tân nhất để đánh ta. Vì vậy chúng ta phải chiến đấu một thời gian dài để kéo chúng xuống thang. Chúng ta là người có thể làm được như vậy; Trung Quốc thì không. Khi quân Mỹ tấn công Quảng Trị, Bộ Chính trị đã ra lệnh đưa bộ đội vào ứng chiến ngay lập tức. Chúng ta không sợ. Sau đó tôi có sang Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Nó [cuộc chiến đấu ở Quảng Trị] có lẽ là độc nhất vô nhị, chưa từng có. Đời người chỉ có một [cơ hội], không hai. Không ai dám làm việc mà các đồng chí đã làm”.

… Chu Ân Lai đã từng là Tổng Tham mưu trưởng. Ông dám nói và ông cũng thẳng thắn hơn. Ông nói với tôi: “Nếu tôi được biết trước cách đánh mà các đồng chí đã sử dụng thì có lẽ chúng tôi không cần đến cuộc Trường chinh.” Vạn lý Trường chinh để làm gì? Vào lúc bắt đầu cuộc Trường chinh họ có một đội quân 300 nghìn người; và khi kết thúc họ chỉ còn lại có 30 nghìn. 270 nghìn đã bị tiêu hao. Đó quả thật là ngu ngốc nếu làm theo cách ấy… [Tôi] nói như vậy để các đồng chí hiểu, chúng ta đã tiến xa hơn bao nhiêu. Sắp tới, nếu ta lại phải chiến đấu chống Trung Quốc, chúng ta nhất định thắng lợi… Dẫu sao, một sự thực là nếu như một nước khác [không phải Việt Nam] phải đánh nhau với Trung Quốc, thì chưa chắc họ có thể thắng như vậy [giống Việt Nam] được.

… Nếu Trung Quốc và Liên Xô nhất trí với nhau, thì cũng chưa chắc là Mỹ sẽ dám đánh ta. Nếu như hai nước đoàn kết và cùng giúp ta, thì cũng chưa chắc rằng Mỹ sẽ dám đánh ta theo cách như chúng đã làm. Họ có thể chùn bước ngay từ đầu. Họ có thể bỏ cuộc như trong thời Tổng thống Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô tất cả cùng giúp Lào và Mỹ tức thời ký hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân sang Lào, họ chấp nhận cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia vào chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.

Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] có mâu thuẫn với nhau, phía Mỹ lại được [Trung Quốc] thông báo rằng họ có thể tiếp tục đánh Việt Nam mà không sợ gì cả. Đừng sợ [Trung Quốc trả đũa]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông nói với Mỹ: “Nếu người không đụng đến ta thì ta sẽ không đụng đến người. Các anh có thể đưa bao nhiêu quân vào miền Nam Việt Nam cũng được. Điều đó tuỳ theo các anh.” (48)

… Chúng ta [hiện nay] tiếp giáp với một quốc gia lớn, một nước có những ý đồ bành trướng, mà nếu được thực hiện thì sẽ bắt đầu với cuộc xâm lăng Việt Nam. Như vậy, ta phải gánh vác một vai trò lịch sử nữa, khác trước. Dẫu sao, chúng ta không bao giờ thoái thác nhiệm vụ lịch sử của mình. Trước đây, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình và lần này Việt Nam quyết tâm không cho chúng bành trướng. Việt Nam bảo vệ nền độc lập của chính mình và đồng thời cũng là bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam quyết không để cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ bành trướng của họ. Cuộc chiến gần đây [với Trung Quốc] mới chỉ là một hiệp. Hiện nay họ vẫn đang ráo riết chuẩn bị trên nhiều chiến trường. Dù sao đi nữa, mặc họ chuẩn bị đến mức nào, Việt Nam cũng vẫn sẽ thắng…

Tiến hành chiến tranh không phải là một cuộc dạo chơi trong rừng. Dùng một triệu quân để tiến hành chiến tranh chống nước khác kéo theo vô vàn khó khăn. Chỉ mới đây thôi, họ đem 500 đến 600 ngàn quân đánh chúng ta, mà họ không có đủ phương tiện vận tải để chuyên chở lương thực cho quân đội họ. Trung Quốc hiện nay có một đội quân ba triệu rưỡi người, nhưng họ phải để lại một nửa trên biên giới [Trung-Xô] nhằm phòng ngừa Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ có mang một hoặc hai triệu quân sang đánh ta, chúng ta cũng không hề sợ hãi gì cả. Chúng ta chỉ có 600 ngàn quân ứng chiến và nếu sắp tới chúng ta phải đánh với hai triệu quân, thì cũng không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ.

Chúng ta không sợ vì chúng ta đã biết cách chiến đấu. Nếu họ mang vào một triệu quân thì họ cũng chỉ đặt được chân ở phía Bắc. Càng đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng châu thổ, và vào Hà Nội hoặc thậm chí vào sâu hơn nữa thì sẽ càng khó khăn. Các đồng chí, các đồng chí đã biết, bè lũ Hitler đã tấn công ác liệt như thế nào, mà khi tiến đến Leningrad chúng cũng không thể nào vào nổi. (Phải đối mặt) với những (làng mạc,) thành phố, nhân dân và công tác phòng ngự, không ai có thể thực hiện một cuộc tấn công hiệu quả chống lại từng người cư dân. Thậm chí có đánh nhau hai, ba hoặc bốn năm chúng cũng không thể nào tiến vào được. Mỗi làng xóm của chúng ta [trên biên giới phía Bắc] là như vậy. Chủ trương của ta là: Mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và chúng sẽ không thể nào xâm nhập được.

Tuy nhiên, sẽ không đầy đủ nếu chỉ nói đến đánh giặc ngoài tiền tuyến. Ngưới ta cũng cần phải có một đội quân hậu tập trực tiếp, hùng mạnh. Sau khi cuộc chiến vừa qua chấm dứt, chúng ta đã nhận định rằng, sắp tới, ta cần đưa thêm vài triệu người lên (các tỉnh) mặt trận phía Bắc. Nếu giặc đến từ phương Bắc, hậu phương trực tiếp của cả nước sẽ là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… Hậu phương trực tiếp để bảo vệ Thủ đô phải là Thanh Hoá và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Ta sẽ đánh bằng nhiều cách… Ta có thể dùng hai hoặc ba quân đoàn giáng cho địch một đòn quyết liệt khiến chúng choáng váng, trong khi tiếp tục bảo vệ lãnh thổ của ta. Để làm được như vậy, mỗi người lính phải là một người lính thực sự, mỗi tiểu đội phải là một tiểu đội thực sự.

Vừa trải qua một trận chiến, chúng ta không được chủ quan. Chủ quan khinh địch là không đúng, nhưng thiếu tự tin thì cũng sai. Ta không chủ quan khinh địch nhưng ta cũng đồng thời tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của chúng ta. Ta cần phải có cả hai yếu tố đó.

Trung Quốc hiện đang có âm mưu tấn công ta nhằm bành trướng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay người ta không thể làm gì mà che đậy giấu giếm được. Trung Quốc vừa mới gây hấn với Việt Nam có vài ngày, cả thế giới đã đồng thanh hô lớn: “Không được đụng đến Việt Nam!” Thời nay không còn giống như thời xưa nữa. Ngày xưa chỉ có ta (đối mặt) với họ [Trung Quốc]. Ngày nay cả thế giới sát cánh chặt chẽ bên nhau. Nhân loại hoàn toàn chưa bước vào giai đoạn Xã hội chủ nghĩa; thay vì thế bây giờ lại là thời mà mọi người đều mong muốn độc lập và tự do. [Thậm chí] trên những hòn đảo nhỏ, nhân dân ở đó cũng mong muốn độc lập tự do. Cả loài người hiện nay là như vậy. Điều đó rất khác với thời xưa. Khi ấy mọi người còn chưa biết rõ về những khái niệm này. Lời bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” là tư tưởng của thời đại ngày nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm đến độc lập tự do… Việt Nam là quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.

Khi bàn đánh Mỹ, anh em ta trong Bộ Chính trị đã cùng thảo luận chuyện này để cân nhắc xem ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã biểu thị quyết tâm của mình: Để đánh Mỹ chúng ta nhất định phải không sợ Mỹ. Tất cả đã đồng lòng. Trong khi tất cả đều nhất trí đánh Mỹ, để không sợ Mỹ chúng ta cũng phải không sợ Liên Xô. Mọi người đều đồng ý. Chúng ta cũng cần không sợ Trung Quốc. Mọi người đều tán thành. Nếu chúng ta không sợ ba cái (nước lớn) đó, ta có thể đánh Mỹ. Đấy là chúng tôi đã làm việc như thế nào ở Bộ Chính trị trong thời gian đó.

Mặc dầu Bộ Chính trị đã họp và thảo luận như vậy và mọi người đều nhất trí đồng lòng, sau đó lại có người đã nói lại với một đồng chí những điều tôi nói. Người đồng chí đó lại chất vấn Bộ Chính trị, hỏi rằng tại sao anh Ba (49) lại nói rằng nếu chúng ta muốn đánh Mỹ thì chúng ta phải không sợ cả Trung Quốc? Tại sao anh ấy lại đặt vấn đề như vậy? (50)

Lúc đó anh Nguyễn Chí Thanh, một người thường được cho rằng là có cảm tình với Trung Quốc, đứng dậy nói: “Thưa các đồng chí trong Bộ Chính trị và bác Hồ kính mến, lời phát biểu của anh Ba là đúng. Cần phải nói như vậy [về việc cần phải không sợ Trung Quốc], bởi vì họ [Trung Quốc] đã gây khó khăn cho chúng ta trong nhiều vấn đề. Họ ngăn cản chúng ta ở đây, rồi trói tay ta ở kia. Họ không cho ta đánh…” (51)

Trong khi ta đang chiến đấu trong Nam, Đặng Tiểu Bình đã quy định rằng tôi chỉ nên đánh từ mức trung đội trở xuống, và không được đánh ở mức độ lớn hơn. Ông ta [Đặng] nói: “Ở miền Nam, do các anh đã phạm sai lầm là đã phát động cuộc chiến, các anh chỉ được đánh từ cấp trung đội trở xuống, chứ không được đánh lớn hơn”. Đó là họ đã ép ta như thế nào.

Chúng ta không sợ ai cả. Ta không sợ bởi vì ta có chính nghĩa. Chúng ta không sợ thậm chí các nước đàn anh. Ta cũng không sợ bạn bè ta. (52) Tất nhiên, chúng ta không sợ quân thù. Ta đã đánh chúng. Chúng ta là những con người; chúng ta không phải sợ bất kỳ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết rằng ta độc lập.

Chúng ta phải có một quân đội mạnh, bởi vì nước ta đang bị đe doạ và bị bắt nạt… Không thể nào khác được. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm vì ta là một nước nghèo.

Ta có một đội quân mạnh, nhưng việc đó không làm chúng ta yếu đi chút nào. Đối với ta Trung Quốc có một số chủ trương: Xâm lược và chiếm đóng nước ta; làm ta suy yếu về kinh tế và làm cho đời sống của nhân dân ta khó khăn hơn. Vì những lý do đó, để chống Trung Quốc chúng ta phải, trước hết, không chỉ chiến đấu, mà còn phải tự làm cho mình mạnh lên. Để đạt được điều đó, theo quan điểm của tôi, quân đội ta không thể là một đội quân chỉ dựa vào nguồn cung cấp của nhà nước, mà còn phải là một đội quân sản xuất giỏi. Khi giặc đến họ sẽ cầm chắc tay súng. Khi không có giặc họ sẽ sản xuất mạnh mẽ. Họ sẽ là biểu tượng cao nhất và tốt nhất trong sản xuất, sẽ làm ra nhiều (của cải vật chất) hơn bất cứ ai. Tất nhiên, đấy không phải là chuyện mới lạ. (53)
Hiện nay, quân đội ta đang gánh vác một sứ mệnh lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của đất nước, đồng thời bảo vệ hoà bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản cách mạng Trung Quốc không thể thực hiện được thì đó chính là lợi ích của cả thế giới. Việt Nam có thể làm được. Việt Nam đã có năm chục triệu người. Việt Nam có Lào và Căm bốt là bạn và có địa thế hiểm trở. Việt Nam có cả phe (Xã hội chủ nghĩa) ta và cả nhân loại đứng về phiá mình. Rõ ràng là chúng ta có thể làm được việc đó.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỒNG CHÍ B. NÓI VỀ ÂM MƯU CHỐNG VIỆT NAM
CỦA BÈ LŨ PHẢN ĐỘNG TRUNG QUỐC-[4]


… Các đồng chí có thấy ai ở trong Đảng ta, trong nhân dân ta mà hoài nghi rằng ta sẽ thua Trung Quốc không? Không có ai, tất nhiên rồi. Nhưng chúng ta phải duy trì những quan hệ thân hữu của mình. Chúng ta không muốn sự hằn thù dân tộc. Tôi nhắc lại: Tôi nói như vậy vì không bao giờ tôi mang lòng hận thù đối với Trung Quốc. Tôi không có thứ tình cảm như vậy, dù chính họ là người đã đánh ta. Hôm nay tôi muốn các đồng chí biết rằng trên đời này người đã từng bảo vệ Trung Quốc lại chính là tôi! Đúng như vậy đó. Tại sao thế? Bởi vì trong hội nghị ở Bucharest tháng 6 năm 1960, sáu mươi đảng đã phản đối Trung Quốc nhưng chỉ có mình tôi là người đã bênh vực Trung Quốc. (54) Nhân dân Việt Nam ta là như vậy. Tôi sẽ tiếp tục nhắc lại rằng: Dù họ có đối xử tồi tệ đến đâu chăng nữa, chúng ta biết rằng nhân dân Trung Quốc là bạn ta. Về phía chúng ta, ta không mang những mặc cảm xấu xa đối với Trung Quốc. Còn về ý đồ của một số lãnh đạo [Trung Quốc] thì là chuyện khác. Chúng ta nhắc tới họ chỉ như một bè lũ mà thôi. Chúng ta không ám chỉ cả nước họ. Ta không nói nhân dân Trung Quốc xấu với ta. Ta nói rằng chỉ có bè lũ phản cách mạng Bắc Kinh là như thế. Tôi nhắc lại lần nữa ta phải tuân thủ nghiêm nhặt như vậy.

Tóm lại, hãy giữ cho tình hình trong vòng kiểm soát chặt chẽ, sẵn sàng chiến đấu và không bao giờ lơi là cảnh giác. Đối với Trung Quốc ta cũng làm như vậy. Tôi tin chắc rằng trong vòng năm mươi năm nữa, hoặc thậm chí có thể một trăm năm, chủ nghĩa xã hội sẽ thành công; và khi đó thì ta sẽ không còn vấn đề gì nữa. Nhưng nó đòi hỏi thời gian. Bởi vậy chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.

Bây giờ không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng 5 năm trước tôi biết chắc rằng không có đồng chí nào lại nghĩ là Trung Quốc có thể đánh ta. Vậy mà có đấy. Đó là trường hợp vì các đồng chí ấy không có hiểu biết đầy đủ về vấn đề này. (55) Nhưng đó không phải là trường hợp xảy ra với chúng ta [Lê Duẩn và ban lãnh đạo]. (56) Chúng ta biết rằng họ sẽ đánh ta trong khoảng mười năm hoặc hơn. Do đó chúng ta không bị bất ngờ [vì cuộc tấn công tháng giêng 1979 của Trung Quốc].
——————–

Ghi chú của Christopher E. Goscha: 24-56
24. Tài liệu này được dịch từ bản sao một số trích đoạn trong bản gốc. Nó được chép lại từ bản gốc lưu trữ trong Thư viện Quân đội, Hà Nội. Christopher E. Goscha, người dịch tài liệu này (ra tiếng Anh) đã được phép hoàn toàn đầy đủ để làm việc đó. Văn bản là bài nói chuyện được cho là của “đồng chí B”. Nó có thể do chính đồng chí B viết, nhưng có nhiều khả năng hơn nó là bản đánh máy của một người nào đó dự buổi nói chuyện của “đồng chí B” (một cán bộ cao cấp hoặc một thư ký đánh máy). Trong văn bản, đồng chí B có đề cập rằng, trong những cuộc họp của Bộ Chính trị ông ta được gọi là anh Ba. Đó là bí danh mà chúng ta được biết là của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đã dùng trong Đảng Lao động Việt Nam (từ 1976 là “Đảng Cộng sản Việt Nam”). Mặc dầu tài liệu không đề ngày tháng, nhưng rõ ràng văn bản được viết trong năm 1979, sau cuộc tấn công Việt Nam của Trung Quốc. Nó được củng cố thêm bằng một tài liệu khác mang tính cáo buộc mạnh mẽ, xuất bản năm 1979 theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đã liệt kê tuần tự sự phản bội của Trung Quốc và, không hoàn toàn bất ngờ, cùng đề cập đến nhiều sự kiện mà Lê Duẩn đã kể lại trong tài liệu này. Xem: Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Sự Thật, 1979). Trong phần Ghi chú này có cho thêm số trang trong bản tiếng Pháp của cùng văn kiện: Ministère des Affaires Étrangères, La vérité sur les relations vietnamo- chinoises durant les trente dernière années. Dịch giả xin cám ơn Thomas Engelbert, Stein Tønnesson, Nguyen Hong Thach, và hơn cả là một độc giả Việt Nam ẩn danh, đã sửa chữa và đóng góp cho nhiều ý kiến quý báu. Dịch giả xin chịu trách nhiệm về những sai sót trong bản dịch này.
25. Những dấu tỉnh lược (…) như vậy là nguyên văn trong bản gốc; những dấu tỉnh lược và nhận xét của dịch giả được đặt trong dấu ngoặc vuông: […].
26. Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 đã cho Pathet Lao, đồng minh gần gũi của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một khu vực tập kết tạm thời ở hai tỉnh (Bắc Lào) Phong xa lỳ và Sầm Nưa. Không có một nhượng địa tương tự cho Khơ me It xa la, đồng minh của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
27. Cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm quacho biết cuộc hội đàm cấp cao về Lào diễn ra vào tháng 8 – 1961 (La vérité sur les relations vietnamo- chinoises durant les trente dernière années, trang 34).
28. Trương Văn Thiên là một trong những thành viên của Đoàn đại biểu Trung Quốc, người đã có mặt khi Lê Duẩn phát biểu những nhận xét này. Ông còn là Thứ trưởng Ngoại giao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, là Uỷ viên lâu năm trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong những năm 1950 ông ta là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị giữ trách nhiệm về liên lạc đối ngoại với các nước Xã hội chủ nghĩa.
29. Sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua đã miêu tả cuộc gặp gỡ như sau: “Trong một cuộc trao đổi ý kiến với những người lãnh đạo Việt Nam, Uỷ viên trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Văn Thiên cho rằng ở miền Nam Việt Nam có thể tiến hành đánh du kích. Nhưng sau đó Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, theo chỉ thị của Bắc Kinh, đã thông báo với phía Việt Nam rằng đó không phải là ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mà chỉ là ý kiến cá nhân. The Truth…, trang 40. (La vérité…, trang 31.)
30. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, trang 60. (La vérité…, trang 47.)
31. Lê Duẩn muốn nói đến nhiệm vụ giải thích việc tập kết cán bộ miền Nam ra Bắc. Lê Duẩn cũng cố tình lảng tránh không đề cập đến việc Trung Quốc đã giúp Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954.
32. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua trang 60, đoạn phía Việt Nam đã nói với Trung Quốc tháng 11-1972: “Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam. Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa”. (La vérité…, trang 47.)
33. Một trong những thư ký của Lê Duẩn, Trần Quỳnh, gần đây đã cho lưu hành ở Việt Nam cuốn Hồi ức của ông ta, trong đó có nhiều chi tiết lý thú về đường lối của Lê Duẩn đối với sự phân liệt Trung Xô và sự chia rẽ trong (hàng ngũ cán bộ cao cấp của) Đảng Lao động Việt Nam về vấn đề này trong những năm 1960. Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn, không in ngày tháng, tự xuất bản, dịch giả hiện có một bản.
34. Khang Sinh (1903-1975), một trong những chuyên viên hàng đầu của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về an ninh quốc gia. Ông ta được Bộ Nội vụ (NKVD) Liên Xô đào tạo trong những năm 1930, và trở thành cố vấn thân cận nhất cho Mao trong việc cắt nghĩa những chính sách của Liên Xô. Khang Sinh cũng từng là Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1962, và Uỷ viên Bộ Chính trị từ 1969; giữa 1973 và 1975 ông ta là Uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính trị.
35. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua trang 43, trong đó Việt Nam tuyên bố là Đặng Tiểu Bình đã hứa sẽ coi Việt Nam là ưu tiên số một trong vấn đề viện trợ cho nước ngoài để đổi lấy việc Việt Nam sẽ khước từ mọi viện trợ của Liên Xô. (La vérité…, trang 33.)
36. Xem “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” trang 43. (La vérité…, trang 33) và cả Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.
37. Tháng 11-1966, Liên Xô lên án Trung Quốc đã từ bỏ đường lối Cộng sản thế giới đã được thông qua tại các Hội nghị Mascơva 1957 và 1960. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.
38. Bộ Ngoại giao, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua cho biết Mao đã phát biểu như vậy với đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963. Trong sách đã trích dẫn lời Mao nói: “Tôi sẽ làm Chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á.” (La vérité…, trang 9).
39. Đoạn này có thể dịch (sang tiếng Anh) là “và tôi sẽ đánh bại cả các anh nữa” hoặc “tôi có thể đánh bại cả các anh”.
40. Đối với dịch giả (Christopher E. Goscha), chỗ này không được rõ là Lê Duẩn muốn nói tới ai khi dùng chữ “quân sự”. (Ngược lại, đối với người dịch ra tiếng Việt thì rõ ràng trong ngôn cảnh này ông nói là tôi mời một số anh em bên quân đội…, một cách nói thân mật, thường dùng thời đó nhưng tất nhiên hàm chỉ một số tướng tá cao cấp).
41. Đây có lẽ dựa vào lời Đại sứ Trung Quốc tại Máscơva chuyển cho phía Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ Trung-Xô. Đại sứ Trung Quốc Phan Tự lực đã nói với Liên Xô: “Nếu bọn đế quốc dám tấn công Liên Xô, nhân dân Trung Quốc không hề ngần ngại, sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước và cùng với nhân dân Liên Xô vĩ đại… sẽ kề vai sát cánh chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.” Trích từ Donald S. Zagoria, Mạc tư khoa, Bắc Kinh, Hà nội (New York: Pegasus, 1967), trang 139-140.
42. Bành Chân là Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc từ 1951 đến 1969.
43. Lý Cường là Phó Chủ tịch Uỷ ban liên lạc kinh tế đối ngoại của Quốc vụ viện từ 1965 đến 1967. Giữa 1968 và 1973, ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, và từ 1973 là Bộ trưởng Ngoại thương Trung Quốc.
44. Đây muốn nói tới chuyến đi của Lê Duẩn vào tháng 11-1977.
45. Lê Duẩn quên rằng cho đến tháng 3-1945, thậm chí chỉ với số người ít hơn, Pháp đã có thể cai trị Việt Nam mà không gặp quá nhiều khó khăn.
46. Về cố vấn Trung Quốc, xin xem Qiang Zhai, Trung Quốc và chiến tranh Việt Nam, 1950-1975 (Chapel Hill: Nhà xuất bản Viện đại học North Carolina, 2000), và Christopher E. Goscha, “Bối cảnh châu Á của cuộc chiến Pháp-Việt” luận án trình bày tại Trường Cao đẳng thực hành, thuộc Viện Đại học Sorbonne, Paris, 2000, phần Trung Quốc.
47. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp Lê Duẩn thường xuyên ra miền Bắc, nhưng ông thường được cho là vẫn ở lại miền Nam thời kỳ này trong cương vị Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, mà sau này đổi thành Trung ương cục miền Nam vào đầu năm 1950. Dịch giả cũng hoài nghi việc Lê Duẩn đi Trung Quốc năm 1952. Hồ Chí Minh thì có, nhưng Lê Duẩn thì không.
48. Về chi tiết này, xin xem chương 6 của cuốn sách này.
49. Điều này khẳng định Đồng chí B cũng chính là “Anh Ba”. Ta biết rằng Anh Ba là bí danh của Lê Duẩn, từ đó suy ra Đồng chí B cũng là Lê Duẩn. Từ những sự kiện được nói đến trong văn bản thì điều này là chắc chắn, và cuốn Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn, cũng khẳng định điều này.
50. Ở đây có thể ám chỉ Hoàng Văn Hoan. (Để có cái nhìn toàn cảnh hơn) về một quan điểm cần tranh luận, xin tham khảo thêm cuốn Giọt nước trong biển cả (Hồi ức về một cuộc cách mạng) (Bắc Kinh: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, 1986).
51. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.
52. Đây có lẽ muốn nói bóng gió tới Liên Xô (và khối Đông Âu).
53. Hình thức chiến tranh này đã từng có ở Trung Quốc và những nơi khác trong hoàn cảnh chiến tranh du kích.
54. Điều này đã diễn ra vào tháng 6-1960. Để biết thêm về lập trường của Lê Duẩn trong vấn đề này xin xem Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn. Sau đại hội Đảng Cộng sản Ru ma ni tháng 6-1960, Liên Xô đã tổ chức một cuộc họp tại chỗ các trưởng đoàn đại biểu những nước có mặt. Trong buổi họp đó Khơ rút xốp đã phê phán Trung Quốc nặng nề, đặc biệt là Mao, người mà ông ta cho là “giáo điều” vì những quan điểm của Mao về vấn đề chung sống hoà bình. Xem Adam B. Ulam, The Communists: The Story of Power and Lost Illusions 1948-1991(New York: Macmillan, 1992), trang 211.
55. Dường như đây là một cái tát vào mặt Hoàng Văn Hoan mà không phải ai khác.
56. Đây có lẽ muốn nói tới những nhà lãnh đạo khác đang có mặt nghe Lê Duẩn nói chuyện, và có thể là một chỉ hiệu rằng người đồng chí thân Trung Quốc đã nói ở trên không có mặt trong buổi nói chuyện này. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.

Nguồn: Thư viện Quân đội, Hà Nội. Tài liệu do Christopher E. Goscha phát hiện và dịch sang tiếng Anh, Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris.
Bản dịch tiếng Việt © 2010 Bùi Xuân Bách & talawas
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SAO LẠI NÓI
CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM
RẤT NỰC CƯỜI-[1]


Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Trung Quốc thời hiện đại có một học giả rất nổi tiếng là Quý Tiễn Lâm (季羡林Ji Xian-lin, 1911-2009), người được dư luận chính thống nước này tôn vinh là “Quốc học đại sư”, “Học giới Thái đẩu” (Siêu sao trong giới học thuật), “Quốc bảo” (Báu vật của nước nhà)… Cụ Quý chủ trương đề cao nền văn hoá truyền thống TQ, từng đưa ra thuyết “30 năm nước chảy bên Tây, 30 năm nước chảy bên Đông”, khẳng định trong thế kỷ XXI văn hoá TQ sẽ thay thế văn hoá phương Tây trở thành dòng chính trong văn hoá thế giới, chiếm địa vị lãnh đạo toàn cầu. Cụ còn đứng đầu phái chống lại việc cải cách chữ Hán ở TQ và vì thế càng được những người Hoa theo chủ nghĩa dân tộc hết lời ca ngợi.

Không lâu trước khi qua đời, cụ có nói mấy câu có tính trăng trối về vấn đề chữ Hán. Lẽ ra chúng ta chẳng cần quan tâm chuyện ấy nếu như ở đây cụ Quý không mang chữ Quốc ngữ Việt Nam ra làm ví dụ thuyết minh quan điểm của mình, hơn thế lại còn nhận xét không tốt về chữ Quốc ngữ, có ý cho rằng Việt Nam thất bại trong việc cải cách chữ viết. Nhân chuyện này, chúng tôi đã tìm hiểu xem dư luận TQ nghĩ gì về vấn đề trên, qua đó thấy nhiều người TQ, kể cả giới trí thức đều hiểu sai và a dua nhau nhận xét không chính xác về ngôn ngữ cũng như các vấn đề khác của Việt Nam. Trong tình hình đó dĩ nhiên cần phải vạch ra chỗ sai của họ.

Mấy câu trên của cụ Quý đăng trong bài viết có tiêu đề “Cụ Quý Tiễn Lâm bàn về Quốc học” phát trên một blog. Bài ấy lập tức được dân mạng TQ nhao nhao chia xẻ và bình luận, dấy lên một dư luận mạnh mẽ đòi phục hồi chữ phồn thể. Một lần nữa, sự chia rẽ quan điểm của người TQ về vấn đề cải cách chữ Hán lại bùng lên và tiếp diễn cho tới nay.

Nội dung bài blog nói trên như sau:[1]

“Chiều qua đến Y viện 301 thăm cụ Quý Tiễn Lâm. Cụ khoẻ mạnh tỉnh táo, nói nhiều lời hay ý đẹp. Khi bàn tới việc phổ cập Quốc học, cụ nói một số ý kiến.
1-
Sở dĩ nền văn minh Trung Hoa có thể kéo dài tới ngày nay, chữ Hán có tác dụng lớn. Đọc văn cổ tất phải đọc chữ phồn thể, mọi thông tin của văn hoá TQ đều ở trong chữ phồn thể;
2-
Đơn giản hoá và ghi âm hoá chữ Hán là chủ trương sai lầm, tổ tiên ta dùng [chữ Hán phồn thể] đã mấy nghìn năm đều không cảm thấy bất tiện, cớ sao [khi] tới tay chúng ta thì [chữ phồn thể bị] từ bỏ? Theo đuổi hiệu suất không phải là lý do để đơn giản hoá chữ Hán. Chữ viết của Việt Nam sau khi được ghi âm hoá, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười. Cụ Quý chú trọng nói về chuyện đáng tiếc gây ra bởi việc đơn giản hoá chữ Hán năm xưa, khi chữ “hậu”  trong “Hoàng hậu” [vợ vua] và chữ “hậu” trong “dĩ hậu” [về sau] bị làm thành cùng một chữ;
3-
Dùng lời văn hiện đại để dịch thư tịch văn cổ [cổ văn kim dịch] là cách huỷ diệt văn hoá Trung Hoa, [đọc văn cổ] phải đọc nguyên văn, thêm chú thích là được;
4-
“Chấn hưng quốc học tất phải nắm ngay từ lũ con nít” – cụ đặc biệt chỉ ra, Quốc học giảng dạy cho người lớn nên khác với Quốc học dạy cho trẻ em, phải dụng tâm suy nghĩ biên soạn giáo trình.

Các ý kiến nói trên của Quý Tiễn Lâm được đông đảo dân TQ sôi nổi bình luận theo cả hai hướng ủng hộ và phản đối. Đáng tiếc là họ lại không nói gì về lời nhận xét chữ Quốc ngữ Việt Nam “rất nực cười”. Có thể vì câu đó khó hiểu, hoặc vì người TQ không biết về ngôn ngữ Việt Nam nên ngại bình phẩm lời của một đại gia họ sùng bái hết mực.

Bởi thế trước hết chúng ta nên tìm hiểu xem câu “Chữ viết của Việt Nam sau khi được ghi âm hoá, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười”[2] muốn nói lên ý gì? Câu này chiếm khoảng gần 1/10 tổng số chữ Hán trong bài blog nói trên.

Theo chúng tôi, câu này nên hiểu là: Việt Nam sau mấy nghìn năm dùng chữ Hán (là loại chữ ghi ý) đã tiến hành cải cách chữ viết theo hướng bỏ chữ Hán, chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ (là loại chữ ghi âm viết bằng chữ cái Latin ghép lại), thứ chữ abc này của Việt Nam có hình thức khác với chữ Latin thường thấy trong Anh ngữ, Pháp ngữ… ở chỗ các từ có thêm nhiều dấu (sắc huyền hỏi ngã nặng…) ở trên và dưới chữ, giống như chữ Latin được “đội mũ đi giày”, trông rất buồn cười.

Ở đây chúng tôi có tham khảo nhận xét của một học giả TQ lớp trước về chữ Quốc ngữ Việt Nam: 100 năm trước, đại học giả có ảnh hưởng nhiều tới Quý Tiễn Lâm là Hồ Thích (1891-1962) từng nói:

Chữ viết Việt Nam hiện nay xem ra giống như chữ Pháp bị nước mưa xối tan ra, giống như phiên bản Latin của chữ hình vuông, vừa không thanh thoát cũng chẳng mỹ quan. Việt Nam từng dùng chữ Hán lâu dài và phát minh ra chữ Nôm của mình, về sau chịu ảnh hưởng của thực dân Pháp mà triệt để Latin hoá chữ viết, vì thế mà có thứ chữ “Tứ bất tượng” ([bốn thứ chẳng giống] chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Latin).

Ở đây Tứ bất tượng còn có nghĩa là không đâu vào đâu, chẳng ra cái giống gì.

PHẢN BIỆN

Có lẽ họ Hồ và họ Quý nhận xét như vậy về chữ Quốc ngữ là do họ chưa hiểu vì sao chữ Quốc ngữ phải có thêm các dấu vào phía trên, dưới các chữ cái. Những dấu ấy thể hiện đặc điểm của tiếng Việt: đơn âm, có nhiều âm tiết, nhiều thanh điệu. Tiếng Việt có 6 thanh điệu, vì thế chữ Quốc ngữ phải có 5 dấu giọng thể hiện các thanh điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, ngoài ra còn có dấu thể hiện âm đọc của các chữ ă, â, đ, ô, ơ, ư. Dân ta có câu “Ô thì đội nón, Ơ thì thêm râu” là thế. Các giáo sĩ châu Âu khi dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt đã sáng tạo ra 5 ký hiệu (dấu) thể hiện 5 thanh điệu và các chữ cái có thêm dấu như â, ă, đ, ê, ô, ơ, ư. Nhờ những sáng tạo tuyệt vời đó, chữ Quốc ngữ ghi được 100% ngữ âm tiếng Việt, thực hiện được yêu cầu nghĩ và nói thế nào thì có thể viết đúng như thế; viết thế nào thì có thể đọc, nói đúng như thế. Đây là một yêu cầu rất cao về tính chính xác của ngôn ngữ, không phải tất cả các loại chữ viết trên thế giới đều có thể đạt được. Ví dụ ở Hán ngữ, cùng một chữ có thể đọc theo mấy âm khác nhau hoặc cùng một âm có hàng trăm chữ viết khác nhau, làm giảm tính chính xác của ngôn ngữ.

Hai vị nói trên từng học lâu năm ở phương Tây, giỏi nhiều ngoại ngữ (cụ Quý học 8 năm ở Đức, biết 11 ngoại ngữ), quen đọc sách báo Âu Mỹ, cho nên khi thấy chữ Quốc ngữ rặt những từ đơn âm và có nhiều dấu thêm vào phía trên hoặc dưới chữ cái, trông như “đội mũ, đi giày” sẽ có cảm giác lạ mắt, cho là không đẹp.

Người Việt Nam không có cảm giác ấy mà ngược lại nếu thấy thiếu những dấu đó thì rất khó chịu, tuy rằng vẫn có thể đọc hiểu. Thực ra các dấu này đều có thể thay bằng một chữ cái. Ví dụ dấu sắc thay bằng chữ s, dấu huyền thay bằng chữ f… viết ở cuối mỗi từ, hoặc chữ đ viết bằng hai chữ d, chữ ô bằng hai chữ o, chữ ă bằng aw… như cách hiện nay ta thường gõ phím máy tính. Có lẽ do thói quen, dân ta thích viết và đọc chữ có dấu hơn.

Tiếng nói một số dân tộc châu Á cũng có nhiều thanh điệu, vì vậy chữ viết Latin hoá của họ buộc phải thêm các dấu thanh điệu. Tiếng phổ thông TQ có 4 thanh điệu, vì thế chữ Latin trong phương án Hán ngữ Pinyin do Nhà nước TQ ban hành sử dụng từ năm 1958 cũng phải kèm theo 4 dấu giọng, ví dụ [lī], [lí], [lǐ], [lì], ngoài ra các phụ âm kép như zh, ch, sh có thể viết tắt là ẑ, ĉ, ŝ. Như vậy chữ Hán ngữ Pinyin cũng “đội mũ” , vì sao cụ Quý Tiễn Lâm lại chỉ chê chữ Quốc ngữ Việt Nam “rất nực cười”?

Chữ Pháp cũng dùng với tần suất không lớn một vài dấu hệt như dấu sắc, huyền, dấu mũ (dấu hình nón) ở tiếng Việt; chữ Bồ Đào Nha có cả dấu ngã “~”. Như vậy chữ Pháp, Bồ Đào Nha cũng “đội mũ” như chữ Việt Nam. Lẽ nào hai học giả họ Hồ và họ Quý biết nhiều ngoại ngữ lại không để ý tới điều đó?

Thực ra việc hai vị ấy nhận xét chữ Việt Nam kém mỹ quan cũng không đáng quan tâm, vì đó là cảm nhận riêng của họ. Điều đáng chú ý là Quý Tiễn Lâm dựa vào đấy để ngầm nhận xét Việt Nam cải cách chữ viết thất bại và lấy đó làm cái cớ biện luận rằng chữ Hán chớ nên Latin hoá theo cách chữ Việt Nam đã làm.

Đáng phê phán hơn nữa là nhiều người TQ do sùng bái cụ Quý nên đã đồng ý với quan điểm ấy và a dua nhau phát biểu những nhận thức sai lệch về Việt Nam và tiếng Việt. Chẳng hạn có người TQ nói chữ Quốc ngữ Việt Nam là phương ngữ Quảng Đông (còn gọi là phương ngữ Việt粤方言) được Latin hoá, Việt Nam bỏ chữ Hán là một sai lầm lịch sử, hoặc nói Việt Nam sau 1945 mới bỏ chữ Hán và chữ Nôm, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chính trị muốn độc lập “thoát Hán”. Vừa qua nhân dịp một vài học giả Việt Nam kiến nghị cho trẻ em ta học thêm chữ Hán, trên truyền thông TQ xuất hiện những bài viết với đầu đề đại để như “Việt Nam hối tiếc vì bỏ chữ Hán”…
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ... ›Trang sau »Trang cuối