Người viết bài này có vẻ rất bức xúc và khá nóng nảy về những sự dối trá trong lịch sử hiện đại.
Tuy nhiên mình cũng có cảm giác giống như người viết.
Nguồn: http://bauxitevietnam.info/c/14755.html
Nhân chuyện Lê Văn Tám, em xin được bày tỏ với Thầy Phan Huy Lê…Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
Đọc bài viết của Thầy về Lê Văn Tám, em thực sự mừng vì lần đầu tiên có được một bậc cây đa, cây đề chính thức nói rõ sự thật để cho lịch sử là của chính nó. Nói thật với Thầy, hàng chục năm trước đây, trước nhiều thế hệ sinh viên, em đã phủ nhận LVT rồi bởi làm sao chạy nổi khi khói bụi tràn vào phổi, không còn oxy? Không có oxy là cơ bắp không thể hoạt động. Đó là nguyên tắc bất thể chuyển dời…
Thế nhưng, tại sao nền lịch sử của nước ta cứ “ôm” mãi những huyền thoại, để rồi, từ đời này sang đời khác, chúng ta cứ phải dối trá mãi hoài? Dạy sử mà liên tục phải nói dối thì còn gì là lịch sử nữa? Chẳng hạn, nếu chưa tìm thấy chữ viết thì không thể khẳng định là đã có nhà nước vì chẳng có nhà nước nào lại cai trị bằng… mồm! Chiến thắng Nguyên Mông đúng là lừng danh, đến cụ già viết sử Rasit Utdin ở tận phương trời Tây xa xôi cũng biết, nhưng về số liệu cụ thể thì 50 vạn quân Nguyên sang xâm lược nước ta buổi ấy là có xác thực hay không khi dân số toàn thế giới vào thời điểm đó không quá 200 triệu người (trung bình mỗi nước 1 triệu). Dân số Trung Quốc lúc bấy giờ bao nhiêu mà huy động đến 50 vạn quân, mỗi ngày ăn hết 500 tấn lương thực, thực phẩm (chưa kể ngựa, phu phen); thử hỏi đoàn xe chở lương dài bao nhiêu khi hành quân đến hàng tháng trời? Mấy chục vạn con ngựa, hàng trăm cây cầu…? Rồi chuyện gần đây, một khẩu pháo nặng hàng chục tấn, trôi từ trên cao ở độ dốc vài chục độ, ngay cả trâu cũng khó chèn lại chứ đừng nói là người. Còn nữa, lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chết ít nhất 5 triệu người mà lại không có trận nào ta thua, chẳng có trận nào ta sai thì làm sao thuyết phục nổi sinh viên, học sinh?… Nói thật với Thầy, đã không ít lần em xấu hổ vì cứ phải thao thao bất tuyệt về chuyện thiên tài quân sự của ta, ngu ngốc của kẻ thù. Thầy có nghĩ rằng quân Mỹ chết chưa đến 58.000 là quá ít hay không?…
Nhiều và nhiều lắm những câu chuyện “sử mà bất dụng” bởi nó sai, nó khó được thực tế khoa học kiểm định. Vậy, tại sao cứ tiếp tục hết đời này đến đời khác phải làm chuyện dối lừa vòng quanh? Học sử như thế, ai mà học cho nổi?
Cho dù Thầy có bực mình em cũng phải nói thẳng rằng chính Thầy và một số GS khác đã làm xói mòn lòng tin trong em, dẫn đến sự sụp đổ không thể nào cứu vãn nổi của em đối với khoa học lịch sử. Tại sao Thầy (và Hội đồng) có thể đặc cách, tấn phong TS, PGS cho cả những người nửa chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết, viết tiếng Việt không đúng chính tả, lập luận thì lộn xộn chẳng ai hiểu được? Em đã đăng các ý kiến này trên Tạp chí Sông Hương và cả những bài không đăng, mà ở Đại học Huế ai cũng biết…
Thầy có biết rằng sự thiếu trách nhiệm do “tình thương” với ai đó, một số nào đó mà cả một nền khoa học lịch sử trở thành nỗi bi hài thống thiết? Đồng nghiệp không tin nhau, sinh viên chẳng tin thầy vì thầy viết một câu mệnh lệnh thức trong đề thi (hãy phân tích…) nhưng cuối câu lại chấm hỏi thỉ chỉ có trời mới biết! Theo em, các thầy – những cây đa, cây đề, dù có lý giải thế nào đi nữa cũng phải nhận trách nhiệm vì đã tạo ra quá nhiều “giấy” cho các TS, PGS giả hiệu. Đến lượt các vị học ít, bằng nhiều đó lại tự tung, tự tác; tiếp tục phá hoại nền khoa học của nước nhà. Hậu quả là vô cùng lớn, chẳng thể nào tính nổi.
Điều mong muốn thiết tha của em là, Thầy và các bậc GS đầu ngành khác hãy cố gắng sửa sai lúc hãy còn chưa muộn. Và đó là việc của chính các thầy, không thể là của ai khác! Thầy nói rằng, LVT không có nhưng công viên hay đường LVT nên để lại(?). Em cứ ngẫm nghĩ mà không biết giải pháp đó đã hợp lẽ phải chưa, bởi vẫn bị ám ảnh từ cái câu: một nửa sự thật vẫn không thể là sự thật. Thần tượng hư cấu vậy tại sao lại phải tiếp tục tôn vinh? Dùng một biểu tượng khác để nói lên quyết tâm chiến đấu và hy sinh của quân dân Nam Bộ ngày đầu kháng chiến chống Pháp không được hay sao?
Vài lời em viết trong nỗi hoang mang vì thực tình, em không muốn viết những điều này. Khi Thầy Trần Quốc Vượng mất, em đã viết bài “Thầy ơi!” đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật và bài “Made in Trần Quốc Vượng” đăng trên Kiến thức ngày nay. Em nói thế để Thầy thấy rằng em kính yêu Thầy, Thầy Vượng, Thầy Lâm… vô cùng nhưng, cũng buồn rất nhiều…
Kính mong Thầy tha thứ cho em!
Huế, 23.10.2009. 01255.244.159 & 0914.079.210
HVT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he