Với mong muốn giới thiệu đến công chúng Việt Nam những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hàm chứa giá trị văn hóa và di sản của đất nước, qua đó tôn vinh các vị anh hùng, danh nhân trong lịch sử, đưa người dân đến gần hơn, hiểu rõ và tự hào về những chiến công của cha ông trong quá trình xây dựng đất nước.
Circle Group là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển Mỹ thuật ứng dụng, nơi có nhiều thành viên thuộc hội Mỹ thuật Việt Nam, hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiệp hội thủ công mỹ nghệ Việt Nam... dưới sự tham gia cố vấn của các Giáo sư, nhà khoa học uy tín. Trong thời gian qua, Circle Group đã thực hiện nhiều dự án quảng bá tôn vinh văn hóa Việt, góp phần đưa hình ảnh, giá trị nhân văn của văn hóa Việt đến với nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp và nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Sứ mệnh của Circle Group:
"Tôn Vinh bản sắc Việt Tự hào truyền thống Việt"
Trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trong nghiên cứu , lựa chọn lựa đề tài, và nhận được sự ủng hộ, trợ giúp của nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quân sự, … Circle Group đã quyết định lựa chọn những vị tướng tiêu biểu trong hàng nghìn vị danh tướng của dân tộc: Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp để làm đề tài cho việc thực hiện các tác phẩm mỹ thuật dưới dạng tượng tròn và tranh hoành tráng.
Buổi ra mắt diễn ra vào hồi 8h30 ngày 24/08/2013 tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử & Quân đội Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.
Những nhân vật trong dự án "Danh tướng Việt Nam" đã đi vào sử sách của Việt Nam cũng như thế giới về những chiến công lẫy lừng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
- Việt quốc công Lý Thường Kiệt (1019–1105) là một nhân vật xuất chúng, một nhân cách vĩ đại, một anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất thời Lý. Trải qua 3 triều vua, ông là vị tướng tài, đánh Tống bình Chiêm, bảo vệ vẹn toàn bờ cõi.
Về mặt văn hóa, ông để lại dấu ấn quan trọng bằng bài thơ thần "Nam Quốc Sơn Hà", được đánh giá là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước. Những đóng góp của ông trong việc phát triển Phật giáo và quan tâm đến đời sống người dân cũng được triều đình đương thời cũng như dân chúng đề cao và tôn vinh.
- Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1232 – 1300) là một trọng thần trải bốn triều vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông. Cả 3 lần quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt, ông đều được các vua Trần tin tưởng giao phó binh quyền để chống giặc. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết Chế, tổng chỉ huy tối cao toàn bộ quân đội. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt đã đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, đập tan dã tâm của đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, nhà chính trị - văn hóa kiệt xuất của lịch sử Việt Nam. Nhưng nhắc tới Ngài, trước hết là nhắc tới một nhân cách vĩ đại. Trần Hưng Ðạo đã đi vào lịch sử, đi vào thế giới huyền thoại, đi vào thế giới tâm linh, trở thành vị Thánh được toàn thể nhân dân Việt thờ phụng. - Quang Trung – Nguyễn Huệ (1753 – 1792) được đánh giá là vị Hoàng đế - danh tướng bất bại, với những chiến công hiển hách. Ông tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người trực tiếp cầm quân đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Mãn Thanh từ phía Bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.
- Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911. Ông là Đại Tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh, từng lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Xuất thân từ trí thức, bước vào con đường binh nghiệp, khởi đầu từ con số Không "không có quân, không khí tài, không lương thực..." Trải qua chiến đấu Đại Tướng Võ Nguyên Giáp góp phần quan trọng xây dựng một quân đội với đầy đủ các binh chủng và đánh thắng nhiều đế quốc với những trận thắng trấn động địa cầu.
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp được coi là người “anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng gọi Đại Tướng Võ Nguyễn Giáp là: "Tư lệnh của tư lệnh, chính uỷ của chính uỷ".
Đại Tướng được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng trên hết, danh hiệu cao quý nhất mà Đại Tướng nhận được chính là sự kính trọng và lòng biết ơn của toàn thể dân tộc Việt, cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Dựa trên những bức tượng nguyên mẫu được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao trong những năm trở lại đây: Tượng đài về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Quảng trường mùng 3 tháng 2 thành phố Nam Định của NSƯT, họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên; Tượng đài vua Quang Trung Nguyễn Huệ đặt tại gò Đống Đa, Hà Nội, tác giả là PGS, họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Học Báo. Cùng sự góp ý, hỗ trợ, chỉnh lý của chính tác giả, các chuyên gia về mỹ thuật của Circle Group đã thu nhỏ 2 bức tượng trên trở thành Vật phẩm cao cấp với sự tinh tế trong đường nét, đa dạng về chất liệu, kích thước phù hợp nhiều mục đích sử dụng.
Việt quốc công Lý Thường Kiệt và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, do họa sĩ Hà Dũng Hiệp và họa sĩ Đặng Xuân Hùng phác thảo tạo hình. Buổi ra mắt và trưng bày 2 bản thảo tạo hình về hai vị danh tướng trên BTC mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quân đội, và đông đảo công chúng, qua đó Circle Group sẽ tiếp thu và chỉnh lý để tiến hành hoàn thiện các tác phẩm đúng tiến độ đã đề ra.
"Danh tướng Việt Nam" là thành quả hết mình của cán bộ tập thể Circle Group, sự ủng hộ của Hội Khoa học & Lịch sử Việt Nam, Liên hiệp CLB Unesco Hà Nội, sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu: Giáo sư,Viện sĩ, AHLĐ - Vũ Khiêu; Chủ tịch Hội sử học Việt Nam – Giáo sư Phan Huy Lê; Nhà sử học Lê Văn Lan; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Viện sĩ, AHLLVTND, Thượng tướng - Nguyễn Huy Hiệu, NGND, họa sĩ Lê Thanh, PGS, TS nghệ thuật học Nguyễn Đỗ Bảo…
"Danh tướng Việt Nam" là một dự án đặc biệt cần có thời gian để hoàn thiện, bộ phận sáng tạo của Circle Group là tập hợp những cá nhân xuất sắc và tinh thần tự hào dân tộc tự tin sẽ đem đến cho công chúng Việt những sản phẩm có chất lượng cao thỏa mãn sự mong mỏi của con dân đất Việt.
Trải qua hàng nghìn năm bảo vệ và xây dựng đất nước, lịch sử dân tộc Việt Nam được xây đắp bằng quá trình giữ nước chống giặc ngoại xâm. Lịch sử đã tạo nên những người anh hùng, những vĩ nhân mà công lao chiến tích của họ đã đi vào sử sách. Đó là những người khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ ngoại xâm, giành độc lập dân tộc; người đứng đầu một vương triều có đóng góp đặc biệt xuất sắc, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; nhà quân sự, chính trị, văn hoá lỗi lạc…, trở thành biểu tượng và niềm tự hào bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Người anh hùng của nhân dân có cái Tâm trong sáng, cốt cách tinh thần của người quân tử, một nhân cách lớn, hành động vì nước vì dân, biết lo lắng cho vận mệnh đất nước, bởi nòng cốt của một dân tộc, một đất nước chính là người dân, và dân có giàu nước mới mạnh. Việc đưa hình tượng các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa với những phẩm chất quý báu về cốt cách tinh thần, về cái tâm sáng trong hội tụ đủ Nhân – Nghĩa – Dũng – Trí – Tín là một việc làm cần thiết.
Với mong muốn giới thiệu đến công chúng những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hàm chứa giá trị văn hóa và di sản của đất nước, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử, đưa người dân đến gần hơn, hiểu rõ hơn và tự hào hơn về những chiến công của cha ông trong quá trình xây dựng đất nước, Hội Quán Di Sản và CIRCLE GROUP dưới sự phối hợp và bảo trợ của Hội Khoa học và lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay tổ chức lễ ra mắt dự án "Danh tướng Việt Nam". Đây là những vị tướng tiêu biểu trong hàng nghìn vị danh tướng của dân tộc, qua đó có cơ hội được tôn vinh những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, quân sự nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.
Hướng về cội nguồn lịch sử, tự hào đi lên từ những nền tảng của cha ông là xu hướng, cũng như là mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Việc có một hình ảnh đặc trưng làm vật phẩm cho mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là vật phẩm về tiên tổ, về anh hùng dân tộc là một mong muốn hết sức chính đáng của công chúng Việt trong thời đại hôm nay.
1. Việt quốc công Lý Thường Kiệt
Việt quốc công Lý Thường Kiệt (1019–1105) là một nhân vật xuất chúng, một nhân cách vĩ đại, một anh hùng dân tộc, tể tướng, nhà quân sự kiệt xuất thời nhà Lý. Trải qua 3 triều vua, ông là vị tướng tài, dũng mãnh, đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ biên giới đất nước phía Nam cũng như phía Bắc được vẹn toàn.
Về mặt văn hóa, ông để lại dấu ấn quan trọng bằng bài thơ thần "Nam quốc sơn hà", được đánh giá là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước. Những đóng góp của ông trong việc phát triển Phật giáo và quan tâm đến đời sống người dân cũng được triều đình đương thời cũng như dân chúng đề cao và tôn vinh.
Nhu cầu cấp thiết việc xây dựng hình ảnh, tượng đài Việt quốc công Lý Thường Kiệt
Những bức tượng về Việt quốc công Lý Thường Kiệt đến ngày nay gần như không còn vì nhiều nguyên nhân, nếu có thì chưa được đầu tư cho xứng đáng với vai trò và những chiến công cũng như tầm ảnh hưởng của ông với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tượng về Lý Thường Kiệt thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Trong Nam, ngoài Bắc, số tượng của Lý Thường Kiệt rất hiếm hoi, chỉ có một số tượng thờ trong các ngôi đền, đình với đặc điểm nhân dạng không đặc sắc, không tiêu biểu. Gần đây nhất năm 2006, có một cơ sở mỹ nghệ hiến tặng đình Phúc Xá, Hà Nội một bức tượng về ông nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ là tượng thờ. Phía Nam có tượng đài của ông đặt ở khu du lịch Đại Nam, Bình Dương tuy hào nhoáng, to lớn nhưng không được đánh giá cao về mặt tạo hình. Hình ảnh chân dung về ông được thể hiện rõ hơn một chút ở tượng chân dung ông trong Bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam nhưng vẫn có nhiều thiếu sót… Qua đó cho thấy hình tượng nhân vật Lý Thường Kiệt chưa được đầu tư quan tâm đúng mức.
Việc xây dựng một hình tượng đẹp và ý nghĩa về Việt quốc công trong lịch sử Đại Việt là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhân dân, đồng thời thể hiện sự biết ơn về tiên tổ của thời đại ngày nay, thể hiện xứng đáng với những gì ông đã cống hiến cho đất nước, nhân dân.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn 1232(?) – 1300 là một đại thần trải bốn triều vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông. Cả 3 lần quân Nguyên Mông tấn công Đại Việt, ông đều được các vua Trần tin tưởng giao binh quyền để chống giặc. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế lãnh đạo toàn bộ quân đội. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt đã đánh tan quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, nhà chính trị - văn hóa lớn của lịch sử Việt Nam. Nhưng nhắc tới Ngài, trước hết là nhắc tới một nhân cách vĩ đại. Trần Hưng Đạo đã đi vào lịch sử, đi vào thế giới huyền thoại, đi vào thế giới tâm linh, trở thành vị Thánh được toàn thể nhân dân Việt thờ phụng.
Yêu cầu cấp thiết
Từ trước tới nay, đa phần những bức tượng về các danh nhân văn hóa ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những bức tượng hoành tráng ngoài trời hoặc những bức tượng nhỏ trong các đền thờ. Vì vậy việc nghiên cứu, sáng tạo dựa trên mô tả của lịch sử để tạo nên chân dung vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo phù hợp với nhiều mục đích sử dụng là điều cần thiết để tôn vinh những di sản của văn hóa Việt. Bức tượng Trần Hưng Đạo đặt ở quảng trường thành phố Vị Xuyên, tỉnh Nam Định do NSƯT, họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên thiết kế gây được ấn tượng tốt với công chúng. Ông quan niệm: Trần Hưng Đạo là vị tướng Trí, Dũng, Văn Võ song toàn, vị tướng giỏi chiến lược chứ không phải vị tướng cưỡi ngựa rút gươm đâm chém quân thù. Vì thế ông thể hiện Trần Hưng Đạo tay phải cầm Hịch tướng sĩ đặt lên trước ngực, tay trái tì vào đốc kiếm. Hình ảnh ấy lý giải dân tộc ta yêu hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh, nhưng luôn cảnh giác, sẵn sàng trước bất cứ thế lực nào có âm mưu làm tổn hại đến hòa bình, độc lập trên đất nước ta. Bức tượng với những đường nét trang phục giản dị, áo vải không giáp trụ, mũ mão toát lên phong thái tự nhiên của một vị tướng toàn tài của nước Việt. Có thể khẳng định đây là một tác phẩm phản ánh rõ nét nhất và đẹp nhất từ trước đến nay về hình tượng vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Việc nhân rộng bức tượng của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trở thành một vật phẩm quà tặng phù hợp với nhiều mục đích sử dụng, cũng là để tôn vinh và quảng bá, gìn giữ văn hóa Việt là một việc làm cần thiết hiện nay.
3. Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ
Quang Trung – Nguyễn Huệ (1753 – 1792) được đánh giá là vị Hoàng đế bất bại, với những chiến công hiển hách, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai tập đoàn phong kiến: Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh (Trung Quốc) từ phía Bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt. Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ là vị anh hùng dân tộc được nhà nước đưa vào danh sách những danh nhân tiêu biểu được nghiên cứu, đầu tư xây dựng tượng đài để tôn vinh, ngợi ca.
Yêu cầu cấp thiết
Hình tượng Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ được nhiều tổ chức, chính quyền địa phương và người dân trong cả nước dựng tượng, lập đền thờ. Tuy với số lượng nhiều, nhưng các bức tượng hầu hết chưa có tính thống nhất về ngoại hình, chân dung, nên dễ dẫn đến nhầm lẫn với những tượng anh hùng dân tộc, danh nhân khác. Với quan niệm có phần khác biệt ở hai miền Nam – Bắc về diện mạo, trang phục của hoàng đế Quang Trung, nên cần thiết phải xây dựng hình tượng ông phù hợp với sự thật lịch sử và hòa hợp với quan niệm đã hình thành lâu nay về ông trong quần chúng nhân dân. Dựa trên cơ sở những bức tượng được lựa chọn trong cả nước, cần thiết phải đưa ra một hình mẫu chuẩn xác vừa đẹp về tạo hình lẫn thể hiện được tinh thần, cốt cách của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Những yêu cầu này hội tụ đầy đủ ở tác phẩm: Tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa – Hà Nội, tác giả là PGS. Họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Học Báo. Ông đã lựa chọn tạo hình Hoàng đế Quang Trung với trang phục giản dị: áo vải, đầu quấn khăn, dáng đứng oai nghiêm, một tay nắm chặt đốc kiếm, một tay cầm vạt áo bào, chân phải bước lên phía trước, khuôn mặt nhìn thẳng đầy kiên nghị. Tác phẩm thể hiện dáng vóc oai vệ, dũng mãnh của một danh tướng, nhưng thần thái của pho tượng, từ nếp áo lẫn tư thế và đặc biệt chân dung của nhân vật lại toát ra cốt cách của bậc anh hùng, tuy giản dị nhưng đầy sức mạnh nội tâm.
Sự lựa chọn về tạo hình giản dị của tượng Hoàng đế Quang Trung đối với nhà điêu khắc Vương Học Báo là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với hình ảnh từ xưa tới nay của vị Hoàng đế này trong lòng người dân Việt. Tuy không là tên gọi danh chính ngôn thuận, cũng chẳng thấy sử sách nào ghi, nhưng đối với người Việt Nam, Hoàng đế Quang Trung luôn là một vị anh hùng dân tộc – vị vua áo vải với những chiến công lẫy lừng sống mãi trong tiềm thức nhiều thế hệ.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Võ Nguyên Giáp (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911). Ông là Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Hồ Chí Minh và lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Xuất thân từ một trí thức, bước vào con đường binh nghiệp, bắt đầu từ con số Không "không có quân, không khí tài, không lương thực..." trải qua chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xây dựng một quân đội với đầy đủ các binh chủng và đánh thắng nhiều đế quốc với những trận đánh trấn động địa cầu. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp được coi là người “anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng gọi Đại Tướng Võ Nguyễn Giáp là: "Tư lệnh của tư lệnh, chính uỷ của chính uỷ". Đại Tướng được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng trên hết, danh hiệu cao quý nhất mà Đại Tướng nhận được chính là lòng kính yêu và biết ơn của toàn thể dân tộc Việt, cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Yêu cầu cấp thiết
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lẽ là một trong số ít những vị anh hùng dân tộc được rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tạc tượng từ rất sớm. Thông qua những tác phẩm, ấn phẩm, vật phẩm... miêu tả hình ảnh Đại Tướng như hiện có, phần lớn chỉ dừng lại ở góc độ khai thác của một cá nhân, một nhóm người dân, với tấm lòng thương mến đối với một Vị Tướng thiên tài, mà chưa có được một tác phẩm hoàn chỉnh, vừa là một biểu tượng diễn tả sự CHÂN THỰC nhất về Đại Tướng, vừa đẹp về tạo hình, vừa thể hiện được thần thái, cốt cách con người của vị tướng nhân dân.
Từ những ý nghĩa và thực tại đó, bằng niềm đam mê, tự hào về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, với sự hậu thuẫn của nhiều tổ chức và cá nhân, Circle Group mong muốn xây dựng thành công hình tượng đẹp nhất về Đại Tướng. Hình tượng này sẽ đáp ứng được nhu cầu vinh danh những người anh hùng của dân tộc trong lòng công chúng Việt.
Tới tham dự buổi ra mắt dự án điêu khắc “Danh tướng Việt Nam”. Thời gian: 8h30 ngày 24 tháng 08 năm 2013.
Địa điểm: Hội trường Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.
Được bảo trợ bởi Hội sử học Việt Nam, Liên hiệp Unesco Hà Nội, Hội Quán Di Sản và CIRCLE GROUP sẽ giới thiệu đến công chúng những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hàm chứa giá trị văn hóa và di sản của đất nước.
Dự án “Danh tướng Việt Nam” sẽ giới thiệu đến quý vị các sản phẩm tạo hình về bốn vị anh hùng dân tộc tiêu biểu: Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn có được sự đóng góp và ủng hộ của quý vị để làm động lực cho những kế hoạch tiếp theo của dự án.
Chương trình với các hoạt động chính:
- Tham quan không gian trưng bày các vật phẩm tượng chân dung, makets tạo hình các vị danh tướng và một số vật phẩm lưu niệm.
- Giao lưu, trò chuyện với các nghệ sỹ tạo hình, tác giả của những tác phẩm được ra mắt.
- Tọa đàm với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, gặp gỡ với các tướng lĩnh quân đội, cũng như nhiều chuyên gia uy tín.
- Thưởng thức tiết mục ngâm thơ của NSƯT Hồng Liên.
Thông tin tổng hợp về buổi ra mắt dự án Danh tướng Việt Nam
Sự kiện ra mắt dự án Danh tướng Việt Nam là một sự kiện quan trọng đối với các hoạt động của Circle Group và HQDS trong năm 2013.
Buổi ra mắt này là một nỗ lực lớn của tập thể Circle Group và đặc biệt với anh Trần Thanh Tùng – ông chủ của Circle Group. Công tác chuẩn bị, những ý tưởng, dự định cho dự án không phải chỉ mới gần đây mà đã được ấp ủ từ khá lâu, khi Circle Group bắt đầu những bước đầu tiên thành lập. Hai năm cho một chặng đường, một dự án văn hóa không phải con số nhiều nhưng cũng là một quá trình đòi hỏi nhiều tích lũy về tri thức, dữ liệu để tạo dựng những bước khởi đầu cho sự ra mắt một dự án quảng bá, tôn vinh văn hóa di sản.
Với tuổi đời còn trẻ, nhưng ước mơ được quảng bá, tôn vinh gìn giữ văn hóa di sản dân tộc, tập thể Circle Group đã đưa dự án Danh tướng Việt Nam thành một dự án mở đầu cho chuỗi dự án Huyền thoại Việt Nam. Dự án Danh tướng Việt Nam từ khi lên ý tưởng đã nhận được nhiều sự góp ý nhiệt tình, sự giúp đỡ động viên của nhiều ban ngành đoàn thể, các cá nhân, các vị cố vấn, chuyên gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực đặc biệt các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, quân sự…
Ngày 24/08/2013 là ngày ra mắt - được trông đợi sẽ là bước khởi đầu cho sự phát triển của dự án Danh tướng Việt Nam cũng như các dự án tiếp theo về tôn vinh các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc. Tổ chức ngay trước ngày kỷ niệm sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/08), buổi ra mắt cũng là để kỷ niệm cho ngày đất nước vinh dự đón nhận một vị tướng của nhân dân Việt Nam, đã đóng góp vô cùng lớn cho sự nghiệp gìn giữ độc lập, giải phóng dân tộc.
Chưa đến 8h sáng, các công việc chuẩn bị cho buổi lễ đã diễn ra rất tấp nập, dù nhân sự tham gia vào công tác chuẩn bị không nhiều nhưng được chuyên môn hóa, nên mọi việc khá suôn sẻ, thuận lợi. Có một điều hơi buồn là thời tiết không ủng hộ buổi ra mắt, bởi bắt đầu thời gian đón khách đã có mưa nhỏ. Tuy nhiên, buổi ra mắt vẫn tiến hành theo dự định.
Hơn 8h một chút đã có nhiều vị khách rải rác đến. Phần lớn khách mời tham dự buổi ra mắt ngày hôm nay đều là những vị quan khách, các nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, quân sự, và những người yêu thích văn hóa di sản Việt. Phần lớn trong số khách mời đã đứng tuổi, các cụ đi sớm, đúng giờ và rất cẩn thận chăm chú quan sát không gian trưng bày cũng như không gian chung của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Ảnh minh họa
Gần đến giờ khai mạc, đã có nhiều khách hơn, các đơn vị truyền thông, báo chí truyền hình cũng đến và tác nghiệp.
Đúng 9h00, các vị quan khách được sắp xếp ổn định chỗ ngồi. Hội trường với sức chứa 150 khách của Bảo tàng Lịch Sử Quân Sự (LSQS) Việt Nam đã chật kín chỗ. Khán giả đến tham dự được xem một đoạn Videoclip ngắn giới thiệu về dự án Danh tướng Việt Nam.
Buổi lễ được bắt đầu với bài diễn văn khai mạc phát biểu của Nhà sử học Dương Trung Quốc - người đã nhận lời làm MC cho chương trình.
Ngay sau đó là tiết mục ngâm thơ của nghệ sĩ Hồng Liên. Giọng ca truyền cảm của cô đã mang tới cho khán giả không khí hào hùng, tưởng nhớ đến những vị danh tướng Việt thuở xưa.
Tiếp theo là bài phát biểu của GS. Nhà sử học Phan Huy Lê, ông đại diện cho Hội KHLS Việt Nam và đơn vị tổ chức buổi ra mắt gửi lời chúc thọ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chia vui với gia đình Đại tướng. Đồng thời, trao tặng bức tranh cho con gái – người đại diện của Đại tướng món quà nhân ngày kỷ niệm ngày sinh lần thứ 103.
Nhà sử học Dương Trung Quốc tiếp tục với vai trò người MC hóm hỉnh tự nhiên giới thiệu Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, đồng thời cũng là tác giả của bức tượng Việt quốc công Lý Thường Kiệt tại Nam Định – ông Vương Duy Biên, mà phiên bản thu nhỏ của tượng đài này là một tác phẩm ra mắt trong dự án Danh tướng Việt Nam.
Tiếp theo những chia sẻ của một vị quan chức lớn nhưng chỉ khăng khăng nhận rằng: “hôm nay hãy coi tôi chỉ như một nhà điêu khắc” là sự góp mặt của bà Lady Borton – một nhà văn – nhà báo – nhà từ thiện người Mỹ đóng góp tích cực đến sự phát triển văn hóa của Việt Nam, người nghiên cứu nhiệt thành về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Dương Trung Quốc cũng giới thiệu KTS Hồ Quang Huy, Doanh nhân Vũ Văn Tiền người đã tham gia và giúp đỡ nhiệt tình cho công tác thực hiện dự án.
Ông Dương Trung Quốc còn giới thiệu những gương mặt tiêu biểu đóng góp vào thành công bước đầu của dự án DTVN và mời các vị lên phát biểu và chia sẻ ý kiến với các đại biểu, quan khách có mặt trong hội trường:
- PGS Vương Học Báo – tác giả bức tượng Hoàng đế Quang Trung lên chia sẻ cảm nhận và ý tưởng của mình khi tạo dựng bức tượng này. Ông vô cùng xúc động khi tác phẩm của mình thêm nhiều cơ hội đến với công chúng hơn.
- PGS – TS – Nhà phê bình lý luận nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cũng lên phát biểu ý kiến về ý nghĩa, mục đích của dự án tôn vinh các Danh tướng Việt.
- Họa sĩ Vương Bá Sơn – tác giả của bức phác thảo tranh hoàng tráng “Trường ca” về người đại tướng của nhân dân Việt Nam lên chia sẻ những cảm xúc của mình khi thể hiện bức tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Trung tướng Phạm Hồng Cư với những ý kiến đóng góp thẳng thắn nhiệt tình: Đề nghị trưng bày bộ tượng trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Đồng thời ông cũng gửi lời thơ chúc thọ vị “Đại tướng của nhân dân Việt Nam”.
- Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng lên chia sẻ cảm nhận về buổi ra mắt trang trọng ý nghĩa này.
- Ông Hà Kim Chung – Nguyên chánh VP UBND thành phố Hà Nội cũng nhận lời lên phát biểu, ông đề nghị nên đổi tên gọi “Bộ tặng phẩm” thành “Tượng danh tướng Việt Nam” bởi mục đích ý nghĩa tôn thờ kính trọng. Đây là đề nghị xác đáng với BTC.
- Sau đó, đến lượt vị đại diện Làng Cơ Xá, quê hương của người anh hùng Việt quốc công Lý Thường Kiệt lên phát biểu vài cảm nhận suy nghĩ của mình về dự án tôn vinh các danh tướng.
- Ông Lương Bích Hồ, nguyên Viện trưởng viện chiến lược, Bộ Kế hoạch và đầu tư lên phát biểu ngắn gọn và súc tích những suy nghĩ của ông về dự án văn hóa này.
- Bài phát biểu ngắn nhưng rất sinh động của bà Lady Borton như một làn gió mới thổi đến không khí trang trọng của hội trường Bảo tàng LSQS Việt Nam. Với cái nhìn của một người nước ngoài, những kỷ niệm về quân đội Việt Nam cũng như hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được hiện lên gần gũi, đầy cảm xúc.
Bà Lady Borton chia sẻ nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Ông Ngô Quang Nam – đại diện BLL dòng họ Ngô Việt Nam cũng vô cùng xúc động và nhiệt tình phát biểu đôi lời. Ông thẳng thắn đề xuất BTC không nên tôn vinh chỉ 4 danh tướng mà nên phát triển với những con số đẹp hơn như 5, 7, 9… và góp ý kiến cho nhà tổ chức về những vị anh hùng dân tộc có thể đưa vào dự án tiếp theo.
Sau rất nhiều các ý kiến đóng góp, chia sẻ nhiệt tình, xác đáng của các vị đại biểu, ông Dương Trung Quốc đã tổng kết lại và cũng thay mặt cho đơn vị tổ chức lý giải về ý nghĩa cũng như mục đích mà dự án Danh tướng Việt Nam muốn đem tới cho công chúng. Đây là một dự án bước đầu để quảng bá, gìn giữ văn hóa di sản, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc của người Việt. Việc tôn vinh 4 danh tướng này là bước khởi đầu rất cần sự ủng hộ tham vấn của các nhà chuyên môn cũng như đông đảo công chúng, các dự án tiếp theo có thể kể đến những danh nhân văn hóa, các vị vua, các nhà văn hóa lớn, các vị nữ tướng Việt Nam…
Phát biểu tổng kết của ông Dương Trung Quốc cũng khép lại phần chính của chương trình ra mắt. Tiếp sau đó là món quà đặc biệt của Circle Group – đơn vị tổ chức dự án trao tặng đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình – Tác phẩm phác thảo chân dung của Đại tướng - sẽ được triển khai thành tượng trong thời gian sớm nhất.
Con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận tặng phẩm
Thay mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình, con gái ông – bà Võ Hòa Bình xúc động nói lời cảm ơn đến BTC và đông đảo công chúng, những con người trẻ tuổi đã luôn dành những tình cảm tốt đẹp đến với Đại tướng.
Các vị cố vấn, các chuyên gia, các tướng lĩnh trong giới quân sự được mời đến tham dự buổi ra mắt Danh tướng Việt Nam cũng được vinh dự đón nhận những món quà kỷ niệm của nhà tổ chức. Đó chính là những tác phẩm thu nhỏ, những phiên bản của các tác phẩm tượng chân dung các vị danh tướng…
Thay mặt cho BTC lễ ra mắt dự án, anh Trần Thanh Tùng đã có lời cảm ơn đến toàn thể các vị đại biểu, khách quý đã không quản trời mưa, nhiệt tình tham gia sự kiện đến tận phút cuối cùng, anh hy vọng công chúng sẽ nhiệt tình đón nhận và góp ý kiến cho các tác phẩm trong dự án này cũng như các dự án tôn vinh văn hóa Việt trong tương lai của Circle Group – Hội quán di sản.
Các vị đại biểu, quan khách tham dự được mời tham quan không gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc và phác thảo chân dung các danh tướng Việt Nam. Ở đây các khách mời còn được chiêm ngưỡng những thể hiện khác nhau về chất liệu kích thước của những bức tượng về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung tưởng như đã quen thuộc từ rất lâu nay lại hiện lên với dáng vẻ mới, tinh tế, chau chuốt hơn phù hợp với một tác phẩm tạo hình đặt trong không gian nhỏ, vừa mắt, tiện tay cầm nắm, chiêm ngưỡng.
Tuy nhiên vì điều kiện trời mưa, nên việc chiêm ngưỡng các tác phẩm gặp khó khăn hạn chế. Nhưng phần lớn các vị đại biểu, quan khách vẫn nán lại đôi chút, cùng tham dự tiệc nhẹ, cùng trò chuyện, chia sẻ để cảm ơn BTC vì những ý nghĩa tốt đẹp của dự án văn hóa này.
BTC một lần nữa xin cảm ơn sự nhiệt tình tham gia và đóng góp ý kiến của các vị đại biểu, các đơn vị truyền thông và đông đảo công chúng trong buổi lễ ra mắt dự án Danh tướng Việt Nam. Việc đưa ra tạo hình cho các nhân vật lịch sử là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi tham khảo nhiều nguồn tư liệu thông tin, hình ảnh. Vì thế những đóng góp của khán giả là những ý kiến mà BTC dự án luôn mong muốn nhận được để chỉnh sửa các tác phẩm sao cho đúng nhất, hoàn thiện nhất.
Hic. Dạ cái này em cũng không biết ạ. Bởi công cụ của trang không cho chèn ảnh. Có lẽ chỉ có Mod mới có quyền ấy, nên em đành có mỗi chữ không thôi. Muốn chỉnh sửa font chữ béo gầy to nhỏ em cũng k làm được. Nếu bác Phuongnam1941 muốn tìm hiểu thêm thông tin thì bác có thể vào trang Hoiquandisan.com để biết thêm ạ. Em xin lỗi.