Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, Bằng Việt dịch, NXB Văn học & Công ty Dịch vụ Văn hóa Việt, 2005.



Bài giới thiệu:

Một bức chân dung thơ thế kỷ XX


Cả một thế giới thơ thu nhỏ lại trong một tuyển tập. Bao nhiêu phong cách, bao nhiêu giọng điệu được chuyển qua một giọng thơ Bằng Việt - trang nhã, sang trọng và không ồn ào...

Nhà xuất bản Văn học và Công ty Dịch vụ Văn hóa Việt vừa phát hành tuyển tập thơ trữ tình thế giới do nhà thơ Bằng Việt dịch

Nhiều thế hệ người yêu thơ có thể đã thuộc lòng những câu thơ sau, có thể đã chép vào sổ tay, nhưng không phải ai cũng nhớ ngay tên người dịch:

1. Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn/ Em mới hiểu, bây giờ anh có lý/ Dù chuyện xong rồi, anh giờ xa cách thế/ “Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo...”.

2. ...Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi/ Cơn mưa rơi thầm thĩ lúc chia ly...

3. Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ/ Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình/ Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy/ Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh!

4. Và người con gái không tên còn đứng lại bến tàu/ Khoác chiếc áo choàng xám như khói mỏng/ Có thể phút ấy cuối cùng chăng, hay mới bắt đầu thôi?/ Đêm trắng vẫn miên man, sương tan từng cụm nhỏ/ Có thể đó là ai, một Vêra, Tamara, Dôia nào đó?/ Hay có thể chẳng là gì? Hay có thể chẳng là ai?...

Tôi vừa làm một cuộc trắc nghiệm với những câu thơ “quen quen” do nhà thơ Bằng Việt chuyển ngữ. Đáp án thì đã có sẵn trong tuyển tập Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX:

Đoạn 1 lấy từ bài Gửi Boris Kornilov, đoạn 2 là thuộc Mùa lá rụng của nữ thi sĩ Xô Viết Olga Bergholtz, đoạn 3 ở trong bài Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời, đoạn 4 là từ Đêm trắng ở Ackhanghen của nhà thơ Xô Viết Evgheni Evtushenko.

Đến đây lại muốn trắc nghiệm tiếp những câu thơ rất gợi một thời: Những bí ẩn của tuổi thơ tan biến/ Như những bến bờ sáng sớm mù sương.../ Thuở những Tônhia, Tanhia duyên dáng/ Bí ẩn đi nhón gót giữa sân trường... Hoặc là: Mẹ già ơi, biết mẹ có còn không? Con vẫn sống, gửi lời chào tạ mẹ/ Mái nhà cũ, ôi mái nhà nhỏ bé/ ánh chiều tuôn như suối lặng không lời... Câu trả lời, xin nhường lại cho độc giả, người sẽ tự mình lật giở tuyển tập 450 trang này.

Bằng ấy trang tuyển tập có thể còn khá mỏng manh đối với dịch giả thơ hàng đầu đã chuyển ngữ hàng nghìn bài thơ sang tiếng Việt. Ban đầu là người dịch tiếng Nga, về sau này nhà thơ Bằng Việt dịch thêm từ tiếng Pháp.

Đã có thời mở các trang văn nghệ trên báo chí, người ta chờ đợi những bài thơ do Bằng Việt dịch. Những bài thơ mở ra những vùng đất mới. Đi liền với chúng là những cảm xúc mới, những tư duy khác lạ, những phong cách đa dạng.

Trong tuyển tập thơ này, làm một cuộc điểm danh lại, ta thấy Bằng Việt đã dịch nhiều nhà thơ lớn của thế kỷ XX: Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Rabindranath Tagore (ấn Độ), Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ), Yannis Ritsos (Hy Lạp), Bertolt Brecht (Đức), Paul Eluard (Pháp), Sergei Esenin (Nga), Pablo Neruda (Chile)...

Ông dịch đến thơ của cả những xứ sở mà người yêu thơ ít biết đến như Nepal, Iraq, Argentina, Senegal...

Trên đầu tuyển tập, nhà thơ Bằng Việt có “đôi điều bộc bạch của người dịch”, một tiểu luận khái quát gương mặt thơ thế giới trong suốt thế kỷ XX đầy biến động.

Có thể khi dịch từng nhà thơ cụ thể, dịch giả chưa lường được hết rằng hôm nay, khi làm một cuộc sơ bộ kiểm kê, ông đã cho độc giả một bức chân dung thơ trong suốt một thế kỷ.

Cả một thế giới trong thơ thu nhỏ lại trong một tuyển tập thơ. Bao nhiêu phong cách, bao nhiêu giọng điệu được chuyển qua một giọng thơ Bằng Việt - trang nhã, sang trọng và không ồn ào. Nói như vậy đã bao hàm sự thích thú lẫn cả chút gợn nghĩ về giọng thơ dịch của Bằng Việt.

Phần dịch thơ của những tác giả như Olga Bergholtz, Evtushenko (Lọ Lem), Yannis Ritsos (Tôi muốn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu)...

Bằng Việt có cả tập bản thảo, nhưng chỉ đưa được vào đây mỗi tác giả một số bài. Ông còn dự định làm tiếp những tập tuyển khác nếu như được phép khai thác bản quyền và nếu như vẫn còn những người làm sách dám bỏ tiền ra in thơ.  

Hồ Anh Thái

Nguồn:
http://www.tien...amp;ChannelID=7
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."