Cảm ơn bạn đã có những lập luận phản bác. PandaKid xin trả lời thế này:
1/ Vấn đề "khập khiễng": PandaKid không bàn luận nhiều, sợ đi xa chủ đề. Trong bài viết bạn có nói PandaKid chủ quan, thì đây, bạn lập luận "mọi so sánh đều là khập khiễng" cũng bởi ý kiến chủ quan của bạn. PandaKid có thể giải nghĩa theo chiều ngược lại, không phải "có khập khiễng mới có so sánh, nếu không khập khiễng thì so sánh làm gì" mà là tính chất của phép so sánh luôn phần nào khập khiễng. Người ta so sánh luôn để tìm cái giống lẫn cái khác, nên mới có sự chắt lọc trong so sánh ví dụ như so sánh cùng chủ đề, cùng tác giả, cùng thể loại (trong văn chương nói riêng). Chứ nếu dựa vào cái khập khiễng để mà so sánh thì cứ lấy Pythagore đi so với Einstein, đảm bảo khập khiễng 100%. Tất nhiên, để tránh chủ quan, PandaKid không thừa nhận ai đúng, ai sai... Còn về việc trong "vô thức" thừa nhận bài nào hay hơn thì đúng là PandaKid có thừa nhận, nhưng thừa nhận là KHÔNG đồng tình với lập luận của bạn. Nếu PandaKid không có mâu thuẫn với bạn thì còn bảo vệ "Quê hương" làm gì, vừa mang tiếng cãi chày cãi cối vừa tốn dung lượng thi viện...?!
2/ Tất nhiên, "tuổi đời vô tận" không phải là đặc trưng của 1 bài "Quê hương". Vấn đề thực ra đơn giản: tính trên đầu người thì số người biết "Quê hương" nhiều hơn số người biết "Ngày đá đơm bông", vì trẻ em được làm quen với "Quê hương" thông qua Sách giáo khoa tiểu học ("Ngày đá đơm bông" thì không). Rõ ràng, nước Việt Nam ta số trẻ đi học nhiều hơn hẳn số trẻ không có điều kiện đến trường (thông số là 95% trẻ được phổ cập tiểu học). Đấy là lí do "Quê hương" có sức phổ quát rộng hơn vì người ta tiếp cận với nó sớm, dễ dàng và đại trà hơn. Các trường hợp khác có khả năng xảy ra, nhưng với tỉ lệ trên thì xác suất để người biết "Ngày đá đơm bông" nhiều hơn "Quê hương" là.... gần như không có. Một ví dụ khác: khi tìm trên google với từ khóa "Quê hương" + "Đỗ Trung Quân" thì số kết quả tìm được là khoảng 12600, trong khi từ khóa "Ngày đá đơm bông" là khoảng 7990. Chưa cần biết mỗi kết quả gì, nhưng rõ ràng số lượng tương tác chênh lệch nhau khá rõ. Tới đây chắc bạn đã hiểu...
2/ Hơ, bạn nói PandaKid chủ quan, rồi sau đó bạn lập luận cũng.... chủ quan như thế thôi. Vấn đề này PandaKid nghĩ là khá rõ ràng: người ta dạy "Quê hương" cho tuổi nhỏ, thì tất nhiên bài thơ phải hợp với tâm lí tuổi nhỏ. Quê hương được dạy đi dạy lại, qua nhiều lần thay sách giáo khoa cũng không bỏ. Điều này chứng minh: "chủ quan" của PandaKid hợp với "khách quan" của nhiều người, trong khi bạn thì không. Việc "Ngày đá đơm bông" không được dạy (tức là không có cơ hội được tiếp xúc nhiều như "Quê hương") có thể là do nhiều nguyên nhân. PandaKid không hề khẳng định 100%, chỉ nói "quá sức với trẻ nhỏ" như một trong những nguyên nhân dẫn tới điều đó. Điều này bổ trợ cho quan điểm "Thơ dành cho trẻ nhỏ" mà PandaKid nhắc đến. Tiếp theo, PandaKid không đòi hỏi đánh giá chuẩn mực riêng gì hết. PandaKid muốn nói: "Quê hương" vừa dễ hiểu cho trẻ con, vừa sâu sắc cho người lớn (đoạn tiếp theo): "Quê hương" không chỉ là bài thơ chỉ dành cho tuổi nhỏ . Đơn giản là bạn lợi dụng cách ngắt đoạn để xoáy vào từng chi tiết chứ không để trong toàn cục (tất nhiên là để chi tiết vô nghĩa hay mất nghĩa). Còn về việc thơ viết cho người ngớ ngẩn thì bạn suy nghĩ theo kiểu AQ, nếu PandaKid cũng AQ tiếp theo với bạn thì: vậy người nào khen "Quê hương" là tuyệt tác thì đều là con nít cả à, nếu vậy thì chưa kể đến người vô danh như PandaKid thì cũng còn có các "cụ lớn" biên soạn sách giáo khoa, các nhà xuất bản như Kim Đồng, Văn Học "trẻ con" đấy thôi...
3/Thế bạn căn cứ vào đâu mà DIỄN THƠ Đỗ Trung Quân như vậy? Thế PandaKid diễn thế này: "Quê hương là con diều biếc, (cũng là/ như là/ không là/ hay là) tuổi thơ con thả trên đồng". Phòng khi bạn chất vấn về ngữ pháp, cách diễn này có chỗ dễ gây tranh cãi: thêm liên từ. Có thể xem đây là cách sáng tác thơ lược bớt liên từ, chẻ đôi câu thơ thường dùng trong thơ ca Việt Nam. Lấy 1 ví dụ rõ nhất:
"Hôm nay tôi đã chết trong người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi"
(Xuân Diệu)
Có thể nói cho suông sẻ là: "Hôm nay tôi đã chết trong người (mà/khi/vậy mà/ cớ sao, ...) xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi". Cách này tạo cho bài thơ nhiều ngữ nghĩa, vì mỗi liên từ là 1 ngữ nghĩa khác hẳn. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một cách thức (để tránh chủ quan), và vô tình hay hữu ý mà nhiều người đồng ý với cách này, bạn có thể xem T.s Chu Văn Sơn bình hai câu trên của Xuân Diệu để kiểm chứng. Dùng cách này có thể nói Đỗ Trung Quân đạt ược độ tinh trong ngôn từ, hai câu thơ mà hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn cũng như sâu sắc hơn cách diễn giải của bạn. Người ta chọn lọc các cách cũng vì lẽ đó. Tất nhiên mỗi cách đều có lí riêng, nhưng vấn đề là người đọc chân chính luôn truy cầu chất tinh túy, cái đẹp đến tận cùng của bài thơ. Đằng này, bạn vận dụng cách diễn của bạn, trong khi nó lại HẠ THẤP giá trị của bài thơ "Quê hương", sao có thể gọi là khác quan bình xét hai tác phẩm được...(PandaKid chưa diễn thêm 1 dòng nào của "Ngày đá đơm bông" và chỉ ra phải viết thế này, thế kia)
Một lần nữa vấn đề lại rất đơn giản: Ngay từ đầu PandaKid đã nhận định đó không phải là bài thơ dành cho trẻ con, trái ngược với phần "(dù cho lời đề hàm ý như thế)" đã được đặt trong dấu ngoặc đơn ngụ ý như là một hướng nghĩ khi đọc cái tên "Bài học đầu cho con" thôi.
4/ Vấn đề đơn giản chỉ trong một câu hỏi: "Như thế nào mới là "Đồng cảm" với Đỗ Trung Quân?". Bạn nhận mình không đồng cảm, PandaKid không có ý kiến. Nhưng bảo PandaKid không đồng cảm thì ít nhất bạn cũng nên lí giải Đỗ Trung Quân cảm như thế nào, rồi so sánh với PandaKid như thế nào thì mới rõ ràng được. Nếu bạn thấy được những điều đó thì xem như đã đọc được cả cảm xúc của PandaKid rồi...
5/ Vấn đề lớn nhất: "Công nghệ lăng xê" trong thơ ca là gì? Bạn vẫn chưa lí giải điều đó, hay là...
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu...
***