.(Tiếp theo phần 1)
Những Người Rỗng - The hollowmen (Một bài thơ của T.S. Eliot 1888-1965)
Tôi nói hơi dài dòng về một điển cố văn chương vì cũng vào khoảng này, trong những năm ba mươi của Thế kỉ thứ Hai Mươi, Phong trào Thơ Mới ra đời ở Việt Nam và các thi sĩ của Phong trào cùng với bạn bè đã kịch liệt đả phá sự dùng điển trong thơ văn. Thực ra thì đây chỉ là một cái cớ và một cách để quét
Chinh Phụ Ngâm và Ðoạn Trường Tân Thanh vào thùng rác và rước Nàng Thơ (
La Muse) của Alfred de Musset vào thơ Việt Nam sau vụ khởi nghĩa thất bại ở Yên Bái. Nhưng cả một nền văn-học song-ngữ hơn hai ngàn năm của một thời đại độc lập xưa không thể bị hất đi một cách dễ dàng như thế, mặc dầu thơ mới trong khoảng 15 năm sau đó cũng để lại được một số bài có thể còn sống sau một trăm năm. Và với Vũ Hoàng Chương cùng các thi hữu thuộc thế hệ thứ hai của Thơ Mới, điển-cố Hán-Việt cổ lại trở lại Văn đàn Việt Nam, những hình ảnh thanh nhã xưa của dân tộc lại về trong thơ, với thơ. Như hai câu lục bát của thi sĩ Ðinh Hùng:
Chèo đưa mây dáng ngập ngừng
Lao xao hoa nắng thủy cung in hình(Thủy Mặc)
hay hai câu thơ trong
Thơ Gởi Vợ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, viết từ Nhà tù Chí Hòa, tháng Sáu năm 1976, vài ngày trước khi chết:
Thấm thoát vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nặng bằng non Ðiển
lông hồng/non Thái không cần phải giảng, không một người Việt Nam nào không biết, không phải từ uyên nguyên trong
Sử Kí của Tư Mã Thiên (“tính mạng của ta, nặng như núi Thái, nhưng cũng có lúc phải coi nhẹ như một sợi lông tơ”), qua thơ của Lí Bạch mà bắt đầu từ những bản dịch
Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn (? -1745?).
Trương phu thiên lí chí mã cách
Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao. mà Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) phiên là:
Trượng phu mã cách quản bao
Ra tay Non Thái dường gieo lông hồng. và Phan Huy Ích (1750-1822) dịch:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ nhữ hồng mao[4] Dưới ngọn bút của Vũ Hoàng Chương, không những điển rất cổ kính và nghiêm trọng trên được chuyển thành tình cảm rất chân thực và thân mật của một người tự biết là sắp bị chết gửi cho vợ, mà còn nói ra sự thấm nhuần Ðạo Phật của thi sĩ và lòng thương xót vợ con của một con người. Ðiển cũ được đảo nghịch và nhân loại hóa để cá nhân hóa:
Sử kí và Chinh phụ : Thái Sơn –> Hồng mao
----------------------- :---------------------------------
Vũ Hoàng Chương : Lông hồng –> Non (Thái)
(Thi sĩ bóc cái nhãn hiệu
made in China của điển đi)
Coi tính mạng của mình nặng như núi Thái là vì Nho giáo dạy rằng thân ta là của cha mẹ (
Công cha như núi Thái sơn); nhưng khi có lệnh của vua thì phải coi nhẹ như một cái lông tơ (
quân thần trên
phụ tử). Ðó là đạo đức phong kiến. Miễn bình luận.
Coi cái tính mạng của chính mình như sợi lông hồng, vô thường, vô ngã, là cốt tủy của Ðạo Phật. Thi sĩ bình nhật vẫn không cho cái thân xác mình là quan trọng:
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
với thời gian lê vết máu qua đi (1963)[5]
và ngay cả thơ cũng mất:
vần điệu của Thi nhân chỉ còn là rơm rác
và chỉ nguyện được là rơm rác, (1963) (5)
nhưng trước cái chết (
chết theo vào đến lưng chừng – 1976):
Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ
Ðêm về giấc ngủ lại thương con, (1976)
thì lại thấy rằng cái mạng sống mà mình cho là nhỏ nhoi, nó nặng đến thế nào cho những người còn phải sống trong tình thương nỗi nhớ. Thi sĩ không viết mướn cho chính quyền, cũng không tâng bốc một giai cấp nào cho họ liều mình vì chúa. Thi sĩ thật với mình.
Thi sĩ trung với lòng mình, và với cái tâm có tình, có trí, của con người.
Những ai biết thi sĩ Vũ Hoàng Chương trước những ngày ông bị bắt, có lẽ còn có thể hiểu được bài thơ Thơ Gởi Vợ của thi sĩ nhiều hơn nữa, thực hơn nữa, bằng xương bằng thịt. Ông gầy như thể toàn thân chỉ còn là thơ, và thường chỉ từ Gác Bút ở Phường Cây Bàng qua đường Phan Thanh Giản đến Chùa Giác Minh đàm đạo về Thơ và Giáo lí với Thượng tọa Ðức Nhuận. Ở trong tù (vì cớ gì? có án lệnh không? có hỏi cung không? có “tự tự thú” như trong các Vụ Án Moscova không?), tôi cũng không hiểu làm sao thi sĩ có thể
“xác mỏi mòn” hơn nữa sau một tháng
“một manh chiếu bả” và
“ba chén cơm rau”? Lông hồng gieo xuống nặng bằng non không phải là một điển xưa tích cũ đã mòn được lộn ngược lại, mà là một sự thật cân được bằng cái mạng của nhà hóa học Lavoisier của thi sĩ André Chénier mà Cách Mệnh Pháp còn mang trong lương tâm cũng như trong đời sống, hơn hai trăm năm sau và mãi mãi khi đưa hai thiên tài vô tội ấy lên máy chém [6].
*
Tôi xin lỗi các độc giả vì đã ra ngoài đề, mà còn nợ hai điển cố với một bài thơ.
Bài thơ
Những Người Rỗng của T.S. Eliot còn có hai cái chìa khóa, là hai đề-từ dùng làm tựa cho bài thơ, cho những ai chưa bằng lòng với sự truyền đạt của thơ và muốn tìm nghĩa lí của bài thơ.
Hai điển cố bị cắt rời ra trong bản in. Dưới đầu đề (tựa đề)
Những Người Rỗng (The Hollow Men) và niên biểu 1925 là:
Mistah Kurtz - he dead
M. K. - nó chết Trên bài thơ, ở một trang khác trong thi tập, là:
A penny for the Old Guy
Một xu cho Ông Già GuyLão Guy
(Lão già)
Old Guy (đọc: [gai]) thường chỉ có nghĩa là “Lão Già” /Guy/, danh từ chung, đặc biệt của tiếng Anh (và tiếng Mĩ, T.S. Eliot là người gốc Mĩ, sinh tại St Louis, Missouri, học tại Harvard, trước khi sang học ở Cambridge, anh và Sorbonne, Paris, Pháp, rồi lấy quốc tịch Anh), là một từ của cấp bình dân, tương đương với Pháp
/gars, garcon/; giống cái của
/guy/ là /gay/, Pháp
/garce/, ít dùng bởi giới gọi là “có học.”
/Guy/ viết hoa, là danh từ riêng. Người Pháp cũng có dùng tên này, nhưng hiếm khi, như Guy de Maupassant (nhà văn), Guy de Chauliac (giải phẫu gia Trung cổ).
The Old Guy là một người lịch sử, bất cứ người Anh nào cũng biết.
Tên thật của hắn là Guy Faukes. Sinh năm 1570, cha mẹ theo Ðạo Cải Cách (Tin Lành), nhưng hắn bị dụ trở về với Ðạo Catho; sang Ipanha đăng lính đánh Holan (bỏ Ðạo), trở thành một tên cuồng tín và bị một tên cuồng tín khác là R. Catesby tuyển về lại Anh quốc để âm mưu lật đổ vương quyền, khi ấy là do vua James I lãnh đạo, ngõ hầu lập lại Ðạo Catho ở nước Anh. Ngày 5 tháng 11, năm 1605, Guy đem thuốc súng vào Quốc Hội, chờ đúng lúc vua đến khai mạc Quốc Hội sẽ cho nổ chết hết. Nhưng bị bắt quả tang trong hầm Ðiện Westminster với thùng thuốc nổ, hắn đã bị tra tấn tàn nhẫn và bị xử giảo. Còn tên đầu đảng Catesby thì bị bắn chết khi chống cự lại lính đến bắt. Vụ này gọi là vụ âm mưu Thuốc súng (Gunpowder Plot).
Từ đó, ngày 5 tháng 11 thành một ngày hội trẻ con được đốt pháo, diễn lại vụ Thuốc súng ở Quốc Hội. Trẻ con nhà nghèo không có tiền mua pháo thì lấy những mụn vải may thành hình người, nhét rơm vào đem ra đường phố xin tiền; gặp ai cũng chặn lại, xin
“a penny for the Old Guy,” “một xu cho lão Guy.” Có tiền mua pháo rồi thì các hình nhân chất lên để đốt. Tục này cũng giống như trẻ con Việt Nam ngày xưa, cứ tối ba mươi Tết thì dắt nhau đi các nhà, đến cửa nhà nào thì hát
“Súc sắc súc sẻ / Nhà nào còn đèn còn lửa / Mở cửa cho anh em chúng tôi vào...” để chúc tụng và xin tiền mở hàng. Ðiển
“Lão Guy” dĩ nhiên có một ý nghĩa khác.
Còn Mistah Kurtz, trong đề từ thứ nhất, thì là nhân vật chính trong truyện ngắn
Heart of Darkness (Tim của Tối tăm, 1905) của J. Conrad, một tiểu thuyết gia gốc Polan, quốc tịch Anh, sống vào cuối Thế kỉ thứ Mười Chín. Chuyện xảy ra ở Congo, Africa. Kurtz là một người hung dữ, tàn ác, nhưng hắn không bị bắt và bị hành tội. Hắn cũng chết, nhưng được chết tự do.
Heart of Darkness là một tác phẩm được đón nhận bởi các phê bình gia như một khai phá mới, kì diệu, trong văn thể truyện ngắn, và đã mở đầu cho một dòng sáng tác đặc sắc trong Thế kỷ thứ Hai Mươi.
Với những kiến thức ấy, đọc tác phẩm của T.S. Eliot, ta thấy
Những Người Rỗng không còn truyền đạt sự tranh đấu nữa, mà truyền cảm một nỗi buồn mênh mang về những mập mờ trong sự sống và sự chết của người ta, mà tôn giáo chỉ cho những hình ảnh lạnh lẽo, vô tình trống không của một vương quốc hoàng hôn.
Tôi không đưa hết bản dịch Việt văn của tôi vào báo. Trước hết là vì tuy chỉ có 98 dòng, nhưng cũng quá dài với một tờ báo. Chính T.S. Eliot cũng viết từng đoạn một, năm đoạn để ở năm nơi trước khi gom lại thành một bài đầy đủ. Ngoài St-John Perse đã công bố bản dịch đầu tiên của Phần I (1925), còn có ba dịch giả Pháp nữa[7], và cả ba dịch giả đã đưa ra hai, ba và năm bản dịch, mỗi bản dịch có những đoạn hay những câu tuyệt hay, mỗi bản dịch có những khám phá kì diệu, nhưng không bản nào có thể gọi là toàn bích. Khi dịch
The Hollow Men từ Anh ngữ sang Việt ngữ, tôi đã được tham khảo cả bản dịch đầy đủ và được đọc một số những lời phê bình của các học giả Anh và Pháp về mỗi bản dịch. Trong việc dịch cũng như việc tìm hiểu, tôi đã nhờ rất nhiều vào sách của G. Williamson
(Hướng dẫn Ðộc giả vào T.S. Eliot , New York, 1949). Cuốn sách của bà J. F. Hooler
(Những thơ của T.S Eliot dịch ra Pháp văn, UMI Research Press, Ann Arbor, 1983), thực là quí báu về tài liệu. Sau cùng, chính tập bài giảng của T. S. Eliot ở Cambridge và ở Ð.H. Johns Hopkins về
Các Loại Thơ Siêu Hình (Faber-Faber, London, 1993) đã giúp tôi rất nhiều để hiểu được thơ siêu hình Anh, Pháp và chính thơ của T. S. Eliot, một cách gián tiếp.
Tôi không thể trích đăng được hết các bài dịch và bắt buộc phải chọn. Theo sự chỉ dẫn của Ô. Hayward (bạn thân của T.S. Eliot) và bà Hooker, một bản dịch của Pierre Leyris đã được lựa ra (bản cuối, 1976). Leyris là người cầm đầu ban Anh văn của Nhà xuất bản Seuil, Paris. Ông đã dịch được nhiều tác gia, từ Blake đến Yeats (hơn 20 người), qua E. Brote, Shakespeare... Ông lại đã được chính T. S. Eliot và bạn thân là Hayward chỉ dẫn để tìm từng chữ cho xác đáng và hay trong nhiều năm, từ 1947 cho đến khi Eliot chết (1965). Tôi hoàn thành việc dịch vào khoảng đầu năm 2000, và đã cất bản dịch ấy đi để xét lại một năm sau, với một sự hiểu có lẽ thâm sâu hơn về bài thơ của T.S. Eliot. Kết quả sau mấy tuần sửa chữa là bản dịch thứ hai. Tôi biết rằng vẫn chưa ổn khi so sánh với P. Leyris: từ 1936 đến 1976, ông đã cho ra năm bản dịch: đó là dịch từ Anh văn sang Pháp văn, hai, ngôn ngữ bà con gần như Hán văn với Việt văn, và với sự liên tục thảo luận với tác giả! Lời nói của Paul Valéry đúng, không những cho thơ sáng tác, mà cả cho thơ dịch: “một bài thơ không bao giờ có thể xong được.”
*
Hai bài dịch Việt ngữ đều là dịch thẳng từ Anh ngữ, nhưng với sự tham khảo mà tôi đã kể rõ ở trên. Trừ bài dịch thơ của St-John Perse, không có bài nào dịch từ các bài dịch Pháp văn.
Ðoạn I, 18 câu, được dịch theo từng dấu phẩy, vì chấm câu cũng như các khoảng cách và các điểm ngưng cũng là thơ. Tôi chưa thành công hẳn, vì nhiều chữ (từ) của nguyên văn có hai ba nghĩa mà tiếng Việt không dịch được hết. Tôi chỉ bằng lòng có một chữ
/we/ dịch là
/chúng ta/, nghĩa là “tôi + các bạn,” không phải là
/chúng tôi/, nghĩa là tôi và (chúng) nó,” loại các bạn ra.
/We/ cũng như
/nous/ không có sự phân biệt ấy. Theo đồng văn,
/we/ trong thơ là “chúng ta.” Chúng ta là những người rỗng, như những hình nhân bằng vải hình tượng Lão Guy. Ðối lại với những “kẻ đã đi rồi,” như Mistah Murtz ([i)nó chết[/i]). Ðó là đối nghịch thứ nhất trong khung cảnh của một nhà thơ, chúng ta - những người nộm - họp nhau rầm rì cầu nguyện cho những người “ra đi.”
Hình nhân Lão Guy : Mistak Kurtz
-------------------------:----------------------
Bị chết : Chết
-------------------------------------------------
(Chúng ta) nộm : Người chết (chết thật)
Ðoạn II là một mộ địa, đối nghịch với cảnh giới của Ðoạn I, là thánh đường của nhà thờ:
Vương quốc (chết) : Vương quốc mơ (chết)
(viết hoa) : (hoàng hôn)
------------------------------------------------------------------
Tôi (không gần) : Các con mắt không hiện
(hóa trang) : Các tiếng nói đang lu
Tôi chỉ gửi lời chào các bạn đọc vì chỉ giới thiệu thơ chứ khôngbiết giảng thơ.
2001
----------------------------------------------------------------
[1] Tôi không hiểu rõ T.S. Eliot muốn nói gì khi ông dùng danh từ
“measure.” Từ này thuộc về âm nhạc nếu không phải là ngôn ngữ thông thường. Trong thi pháp danh từ
meter (Pháp
mètre), tôi thường dịch là
thi thước.[2] St-John Perse, thi sĩ Pháp (1887-1975), bắt đầu làm trong ngành ngoại giao (Tổng thư kí Bộ, 1933), bị cách chức và bị đuổi ra khỏi quốc tịch Pháp năm 1940 vì chống lại chủ nghĩa quốc xã của Hitler. Ông sang Hoa Kì và năm 1941, được Tổng thống Roosevelt mời làm cố vấn chính trị về nước Pháp. Sau Thế chiến II, năm 1957, ông trở về Pháp. Năm 1960, ông nhận Giải Nobel với quốc tịch Pháp.
[3]
Anabase (1924) một bài thơ lớn của St-John Perse, cũngđược T.S. Eliot dịch sang Anh văn (1930). Eliot viết rằng ông chỉ có một mục đích, là “giới thiệu một nhà thơ lớn và mới cho một số độc giả nước ngoài, và giúp cho sự hiểu thơ của thi sĩ này được dễ dàng hơn, vì bài thơ này khó và không thể nào giảng giải được bằng cách nào khác là bằng chính nó.”
Ðó cũng là mục tiêu của bài này. Nhiều bài thơ, dịch
may ra mới có thể nói được hết ý của một bài thơ hay. Sự truyền cảm là một vấn đề khác.
[4]Theo sách
Chinh Phụ Ngâm Bị Chú của G.S. Hoàng Xuân Hãn.
Theo G.S. Lê Hữu Mục thì câu này phải được đọc là:
Gieo Thái sơn nhẹ
nữa hồng mao
còn thông thường, học trò đời nay, không cần biết ngữ cổ, vẫn quen đọc là:
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
[5] Vũ Hoàng Chương –
Lửa Từ Bi, Saigon, 1963.
[6]Antoine L. Lavoisier (1743-1794), hóa học gia Pháp, người đầu tiên đã dùng cái cân để cân các chất trước và sau mỗi thí nghiệm hóa học, và bác bỏ được một thiên kiến rằng
nhiệt (heat, chaleur) là một chất; ông đặt ra nguyên lí về sự bảo tồn vật chất, khám phá ra chất
oxygenum (dưỡng khí)... Hóa học khoa học nhận Lavoisier là ông Tổ. Cách mệnh Pháp giết.
NM. André Chénier (1762-94) là thi sĩ Pháp đầu tiên đem tình cảm vào thơ. Cách mệnh Pháp giết.
[7] Ngoài ba dịch giả có thể gọi là chuyên nghiệp này (P. Leyris), G. Cattaui, C. Moncheur) và thi sĩ St-John Perse, còn phải kể vài danh sĩ đã dịch một hai bài của T.S. Eliot, là André Gide, triết gia Jean Wahl, G.S. Cazamian.
Trần Ngọc Ninh ...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..