Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Những điều đọc được, nghe được không khỏi suy nghĩ...
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Hai kiểm lâm bị bắt vì 'hộ tống' xe chở gỗ lậu

Cảnh sát nghi ngờ kiểm lâm Nguyễn Kim Hùng cùng sếp Đào Công Thắng đã có hành vi "bảo kê" cho xe chở gỗ lậu bị lật khiến 10 người tử nạn. Một trạm trưởng kiểm lâm nghi liên quan vụ "áp phe" gỗ lậu cũng bị điều tra.
>Lật xe chở gỗ, 10 người tử nạn

Nguyễn Kim Hùng (26 tuổi, Trạm kiểm soát trung tâm Quỳ Hợp thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) thừa nhận có ngồi trên xe chở gỗ theo yêu cầu của Trạm trưởng Đào Công Thắng.

Ngày 12/12, sau khi bắt Hùng, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cũng đã tạm giữ ông Thắng. Liên quan vụ việc, Phan Sỹ Tuấn (34 tuổi, Trạm trưởng trạm Nga My) cũng bị triệu tập để phục vụ điều tra.


Kiểm lâm viên Kim Hùng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Toàn Vũ
Tại cơ quan điều tra, Trạm trưởng Thắng cho biết ngồi trên xe gỗ theo yêu cầu của chủ lô hàng là ông Trịnh Thanh Long - Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống kiêm Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống.

Số gỗ trên được bốc tại một địa điểm thuộc xã Xiêng My, huyện Tương Dương. Trạm trưởng Phan Sỹ Tuấn có mặt khi các cửu vạn bốc gỗ lên xe tải.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Long cho rằng các thuộc cấp đã đổ tội cho mình. "Tôi rất bất ngờ khi anh Thắng viết trong bản tường trình là chở gỗ cho tôi. Việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhưng tôi nghĩ rằng các kiểm lâm đã lợi dụng và đổ tội cho mình", ông Long khẳng định.

Rạng sáng 7/12, đang chạy trên quốc lộ 48C đoạn qua huyện Con Cuông (Nghệ An), xe tải chở đầy gỗ cùng 14 cửu vạn và 2 kiểm lâm bị lật khiến 7 người chết tại chỗ, 3 người khác chết trên đường đi cấp cứu. Ngoài ra còn có nhiều nạn nhân khác bị thương nặng.

Số hàng trên xe được xác định là gỗ lậu.

Nguyên Khoa

KIÊM LÂM TẶC

Dân nước giao cho việc giữ rùng
Chưa thỏa ý còn kiêm lâm tặc
Dùng đêm đen che dạ tối bưng
Lưới trời rộng, tránh sao thánh vật

Ngày nối ngày thay nhau rừng mất
Rừng hết rồi khỏi phải kiểm lâm !

Ha Nôi 12/12/11-TTT
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam


Hu hu...tập 1 đâu mât rồi? Muốn xem tập 1 thì làm sao đây?
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

Cái làn chị xách trên tay



(TT&VH) -  Tôi dân Nam Trung Bộ, quanh năm ít đi đâu xa, không rành ngôn ngữ đặc sản ngoài Bắc. Thế nên lâu nay chẳng biết cái làn là cái gì. Nay do bùng nổ thông tin, nên đã biết loáng thoáng về cái làn, nhưng cụ thể tận mắt thấy cái làn ngoài Bắc thì chưa, đâu dám vẽ vời đòi xách nó.

1. Té ra cái làn là cái giỏ mà các bà các chị ngoài Bắc vẫn thường xách đi chợ mua thức ăn. Cái làn rất thân thiết với người phụ nữ miền Bắc ngày trước. Có lẽ nó được đan bằng mây hoặc tre rất chăm chút, chớ không phải làm hàng loạt bằng nhựa màu sắc lòe loẹt như ở trong Nam. Ngày nay khó thấy được cái làn đích danh cụ thể, nhưng tôi tin nó vẫn còn đấy, làm sao mà mất được một vật hữu ích có bề dày truyền thống như thế. Không hiểu sao, từ trong sâu thẳm, tôi lại thích cái tên này - cái làn. Cái tên nghe rất ấn tượng. Nói tóm lại, đó là cái tên quá hay, quá hay.

2. Một sáng tắm biển, nhân đang nằm phơi nắng, tôi nói cảm tưởng và suy nghĩ này với anh bạn nằm bên cạnh. Anh ta nằm sấp, rướn cổ, chồm người nghe rất chăm chú. Mỗi khi anh ta lắng nghe chăm chú là tôi sinh nghi. Chơi lâu tôi biết cái tật anh ta. Hễ anh ta lắng nghe chăm chú là sinh chuyện bậy bạ ngay. Không sinh chuyện này cũng sinh chuyện khác. Anh ta cười hô hố, giọng khẳng định: “Cái “làn” thì thằng nào mà chẳng thích”. Úi trời! Thằng cha này chẳng biết cái làn là cái gì cả, cho dù tôi đã giải nghĩa cặn kẽ rồi. Tôi lắc đầu ngao ngán cho cái đầu óc đen sì của hắn. Chuyện chỉ bàng bạc có vậy, cũng chỉ trong một thoáng chốc. Nhưng lạ thay, cái làn theo nghĩa hắc ám của anh bạn kia lại ăn sâu vào tâm trí mà tôi không ngờ. Quả thật, cái “làn” luôn có đường đi riêng của nó. Nó xâm nhập vào người ta rất vi diệu đến không ngờ. Thế là từ đấy về sau, hễ bực mình, bất mãn một sự việc gì, tôi cứ vụt miệng toáng lên: Cái “làn”. Cái “làn”. Vừa đạt chức năng giải tỏa bực tức lại vừa văn hóa ra phết.

3. Nhan đề bài viết: Cái làn chị xách trên tay là nhan đề hoàn toàn nghiêm túc, nhưng khi vào bài, mải mê bám theo thế văn di chuyển và xáo trộn tâm lý của ký ức,  nó lại biến đổi ý nghĩa nội hàm hồi nào tôi cũng không ngờ. Cứ giống như anh họa sĩ, đặt giá vẽ trước đồng lúa trĩu hạt, mải mê vẽ một chặp lại thành cánh rừng già hùng vĩ. Việc nó bẹt sang hướng khác mình đâu có ngờ. Đấy, không biết phải gọi như thế nào? Cũng chẳng phải là sáng tạo, chẳng phải là cách tân, mà chỉ là sự trôi dạt đến ngỡ ngàng.

4. Nhưng dù sao cũng phải trở lại vấn đề “cái làn chị xách trên tay”. Anh bạn cùng tắm biển nghe xong cái nhan đề, lần này lại cười hô hố hơn lần trước: “Vui nhỉ… mà cũng ghê thật. Cái “làn” mà xách trên tay, ắt rối giao thông, ắt gây tai nạn”. Giờ nghe thế, tôi không dám chán nản với anh bạn nữa, mà là đồng ý với anh ta. Nếu cái “làn” chị xách trên tay mà nhan nhản, quả thật hết sức phiền phức. Xã hội sẽ phản đối cho mà coi...


Ngô Phan Lưu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyen Tran Duong Hanoi

Tản mạn từ ga metro Matxcơva



Bất ngờ... không thú vị

Đám người lao vội qua cánh cửa toa mở trong vòng vài chục giây, cứ như những robot được lập trình sẵn, hối hả, gấp rút đi đến điểm đã định. Con tàu cũng như những robot lại sầm sập lao vào đường hầm tối đen…
Đám đông cố tìm tư thế đứng ngồi thoải mái trong toa tàu nồng mùi hơi người pha lẫn với mùi nước hoa ngây ngấy, mùi thuốc lá và cả hơi bia ruợu của vài quí ông tranh thủ điểm tâm lúc sáng sớm ...

http://i1201.photobucket.com/albums/bb349/nguyentranduonghanoi/metroMat2911_40458.jpg



Bỗng, có tiếng nói chát chúa vang lên, giọng phụ nữ một già, một trẻ. Mọi người chưa kịp hiểu ra sự việc, đã nghe thấy tiếng đấm nhau uỳnh uỵch. Thì ra có hai nữ hành khách giẫm lên chân nhau khi họ lao vội vào toa. Chuyện này vẫn thường xảy ra vào buổi sáng sớm, khi những con người vừa kịp tươi tỉnh sau một đêm nghỉ ngơi của một ngày căng thẳng với áp lực công việc, đã lại phải đối mặt nhau, miễn cưỡng ép sát vào nhau trong cơn nghiêng ngả của con tàu. Nhưng theo lệ thường, chỉ có những bà sồn sồn khó tính với bộ mặt “chán chồng” mới thường hục hặc với nhau trên tàu. Ấy vậy mà hôm nay lại cất lên giọng nói lanh lảnh của một cô gái trẻ, ai nấy đều rướn mắt nhìn.
Cô gái giang tay đấm mạnh vào chiếc áo khoác dày cộp của một phụ nữ luống tuổi kèm theo hàng tràng chửi rủa, văng tục. Người đàn bà đối thủ thấp giọng đáp lại, nhưng cũng không kém phần cay độc.  Họ giằng co nhau trong khoảng không gian chật hẹp không đủ giang thẳng hết một cánh tay. Rốt cuộc, họ đành hậm hực bỏ nhau ra, gầm gừ nhìn nhau, cố chịu đựng cho đến bến kế tiếp.
Cửa tàu mở, người phụ nữ luống tuổi vội bước ra, bỏ lại sau lưng cô gái trẻ với bộ mặt đắc thắng. Cô gái ngẩng cao đầu, đôi mắt xanh tuyệt đẹp với cái nhìn sắc lạnh, đôi môi mọng đỏ chắc hẳn đã từng làm bao chàng trai chết mệt, giờ vẫn mím chặt đầy khắc nghiệt cả khi cô nhoẻn miệng cười. Trông cô có vẻ là con nhà khá giả. Có lẽ đôi giầy hàng hiệu, đúng mode kia bị giẫm đạp, khiến cô nổi giận đến mức trở nên thô lỗ, hay đó là một kiểu phản ứng thông thường tự nhiên?
Các hành khách Nga bên cạnh dường như không còn chú ý đến cô gái nữa, họ tận hưởng sự bình yên chờ đến ga tàu của mình. Chỉ có mình tôi, một người xứ lạ, lỡ mang nặng tình yêu nước Nga chồng lên theo năm tháng, lại ái ngại nhìn cô như thể chính tôi vừa lỡ lời, đánh mất hình ảnh đẹp đẽ của chính mình.
Ga tàu điện ngầm nước Nga giờ đây đã thật sự thay đổi. Thi thoảng vẫn còn đó những chàng trai trẻ khỏe chễm chệ ngồi, giương “mắt ếch” trên ghế tàu nhìn cụ già lập cập hay đứa trẻ con khép nép đứng trong góc. Vài cái đụng chạm nhẹ cũng đủ làm người ta tuôn ra hàng tràng chửi rủa, lăng nhục thay cho lời xin lỗi.

Bức tranh cuộc sống

Có lẽ trên chuyến tàu mỗi ngày này, nước Nga cũng có phần bộc lộ ra những mặt trái rất thật của mình. Có lần trên tivi, tôi nhìn thấy vị Thị trưởng của thành phố với gương mặt hài lòng khi đi vi hành tàu điện ngầm. Điều đó cũng thật dễ hiểu, sự chuẩn bị công phu cho chuyến đi của một nhân vật đáng kính chỉ quen đi xe với còi hụ dẫn đường, đã mang lại hiệu quả. Ông ta không thể biết những điều quá nhỏ nhặt như “ trận thư hùng” giữa hai người phụ nữ sáng nay hay những điều “bình thường” khác nho nhỏ vẫn xảy ra….
Báo chí cũng không buồn tốn giấy mực viết về điều này, khi bản thân một số ít người Nga ngày càng trở nên vô cảm với những gì xảy ra xung quanh. Có lẽ cuộc sống bon chen thời hiện đại với những lo toan thường nhật đã biến họ thành những người có trái tim robot rồi chăng? Tôi không muốn tin vào điều đó!
Một buổi tối, trên chuyến tàu cuối ngày, một nhóm thanh niên bé nhỏ người Trung Á đứng túm tụm vào nhau, thì thầm bằng tiếng địa phương. Ba chàng trai Nga to cao ngồi gần đó bỗng đứng dậy. Một thanh niên giang rộng cánh tay chặn cửa ra vào, hai người khác chặn hai đầu. Họ vung vẩy vật gì đó trông như một thanh kim loại, ánh mắt chăm chú nhìn vào đám thanh niên Trung Á. Tiếng thì thầm im bặt, những đôi mắt một mí lấm lét nhìn như những con cừu đang bị quây bắt.
Rất may là rốt cuộc cũng không có chuyện gì xảy ra, ba thanh niên Nga kia dường như chỉ muốn dọa “bọn đầu đen” (danh từ miệt thị ám chỉ người có gốc Trung Á và châu Á) để làm trò đùa. Các hành khách trong toa, mỗi người mỗi kiểu: người luống tuổi lim dim nhắm mắt, đám trẻ hơn giương mắt háo hức nhìn hai phe.
Đến ga, tôi theo chân ba chàng trai Nga bước ra, lắng nghe họ cười nói hả hê bình luận về vẻ mặt sợ hãi của những “con cừu Trung Á”. Chợt tôi thoáng ngỡ ngàng khi thấy họ điềm nhiên bước vào một ký túc xá sinh viên gần đó. Sau khi thấy họ trình thẻ ra vào, tôi té ngửa hóa ra họ cũng là sinh viên cơ đấy? Điều này khiến tôi thực sự bị sốc vì thông thường những cách cư xử thể hiện sự phân biệt chủng tộc thường xảy ra ở một số thanh niên ít học, ngỗ ngược hay ở những băng nhóm gọi là đầu trọc (khuligan)…Thế mới biết sự hậm hực với người nhập cư có lẽ từ lâu đã ngấm sâu vào cả một số thành phần xã hội Nga.
Nhưng, đã nói đi thì vẫn phải nói lại, vấn đề người nhập cư bất hợp pháp ở Nga cũng có những mặt trái của nó và hàng ngày vẫn để lại những hậu họa khôn lường ngay cả tại ga và trên các chuyến metro. Số bất hảo này có mặt ở mọi nơi: Kẻ móc túi giật đồ giờ đây trở nên liều lĩnh hơn khi họ đói việc nơi xứ người hay trở nên lờn mặt cảnh sát. Một tuần mấy vụ người quen của tôi bị giật mất điện thoại trên tàu điện ngầm. Chỉ tội nghiệp mấy cô bé sinh viên “nhập cư” thơ ngây, liến thoắng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ, cũng chỉ biết đứng khóc lóc khi bị giật đồ trước ánh mắt hờ hững của những người xung quanh. Hiện tượng “dân đầu đen” gồm những thanh niên trai tráng kiếm việc làm tràn từ đường phố dạt xuống một vài ga metro đứng ngóng chờ cũng đang là một câu hỏi?

http://i1201.photobucket.com/albums/bb349/nguyentranduonghanoi/metroMatA2911_14220.jpg



Có lẽ những chuyến metro dạo này đã khiến tôi đâm ra cảnh giác, không còn lâng lâng tận hưởng cảm giác bình yên như khi đi metro hàng chục  năm về trước. Nhưng tôi vẫn không muốn tin vào sự “xuống cấp tinh thần” của một đất nước mà tôi đã nặng lòng gắn bó. Chắc chắn vẫn phải còn đâu đó những điều tốt đẹp. Tôi trở nên hay ngắm nhìn từng nét đẹp trong mỗi ga tàu và ...chờ đợi.
Ngay lối chuyển tiếp đông nghịt người đang hối hả, một cụ già “đầu đen” đứng ủ rũ với dáng vẻ rất mệt mỏi. Đám đông vẫn lướt qua, bỗng một cặp nam nữ rẽ đám người quay trở lại. Cô gái dịu dàng: “ Bà ơi, bà mệt à? Chúng cháu đỡ bà lên nhé”. Cô gái và chàng trai có gương mặt Nga thuần khiết, đôn hậu nhẹ nhàng dìu bà cụ đến tận phòng trực của ga, chờ gọi xe cấp cứu.
Tôi bám theo họ, nhìn họ nắm chặt tay nhau bước ra khoảng trời rực nắng mà tự dưng thấy mắt mình cay cay… Cảm ơn đôi bạn trẻ đã trả lại cho tôi niềm tin vào một nước Nga mà tôi hằng yêu mến. Tình yêu và tình người cho phép chúng ta hy vọng vào những điều tốt đẹp ở tương lai. Xin đừng lướt theo sự vô cảm của đám đông, chỉ cần: Bạn tốt, tôi tốt, thế giới sẽ tràn ngập điều tốt!!!
Thu Trang
(Mùa đông Mátxcơva 2011)
NTDHN st.
Ng.Tr.Duong Hanoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

LƯƠNG ĂN CƯỚP
Trần Đình Trợ


 Theo Kiểm toán Nhà nước, lương bình quân hàng tháng trong năm 2010 của toàn công ty mẹ EVN là 13,7 triệu, của cơ quan văn phòng tập đoàn là gần 30 triệu. Tháng trước, ông Tổng GĐ EVN “đau lòng” với mức lương 7.3 triệu/ tháng trong năm 2009 của ngành điện.
 Ông lấy mức lương 2009 để “đau” chứ không phải của năm 2010 hay 2011, không phải vì ông ngu hay ông quan liêu, mà chẳng qua vì ông nói ra ngượng mồm. Nếu biết Kiểm toán Nhà nước công bố lương 2010 của ngành ông sớm thế này, ông “đau” luôn 30 triệu cho xong. “Đau” mấy thì rồi ông cũng phải kêu lỗ.
Mà ông kêu lỗ cũng chỉ để đòi tăng giá, mà tăng giá lại để tăng lương cho ngành. Lần này cũng kêu lỗ xong, ông tuyên bố từ 20-12-2011 giá điện tăng 5% . Không thế, lương ngành điện sang năm lấy tiền đâu mà tăng.
Khách hàng dùng điện, những người đóng tiền tháng nuôi ngành điện thì thu nhập ngày càng giảm. Lương bình quân của CB CNVC hiện nay chỉ gần 3 triệu, còn thu nhập của nông dân còn thấp hơn nhiều.
Lương của giáo viên giảng dạy ĐH mới vào nghề, khoảng 3 triệu, GV phổ thông khoảng 2,5 triệu. Mới năm ngoái, GS Ngô Bảo Châu từng được mời chào một mức lương “ưu tiên” là 5 triệu/tháng.
Đau xót nhất là lương của GV hợp đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, GV tiểu học tại Trường TH Kim Phượng từ năm 1997 với mức tiền công 290.000 đồng/tháng. Sau hơn 12 năm đứng lớp, hiện mức tiền công cô nhận là 1.000.000 đồng/tháng.
Thầy giáo Mai Hoàng Hiệp, dân tộc Tày, GV hợp đồng đã 7 năm, tiền công hiện nay là 1.000.000 đồng/tháng.
Tại trường Mầm non xã Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh, cô Trần Thị Hương, cô Nguyễn Thị Mậu, cô Lê Thị Dân đều được nhận 852.000đ/tháng (chưa trừ bảo hiểm), trong đó 611.000đ từ ngân sách nhà nước và 241.000đ từ ngân sách địa phương.
 Ngành điện kêu kinh doanh lỗ, sao không tự giảm lương, sao không nhận mức lương tương xứng với chất lượng phục vụ của ngành. Mà ngành điện lại lấy sự lỗ, lấy sự kém cỏi trong phục vụ của mình để tạo cớ tăng giá, đồng thời tự ban một mức lương phi lý. Dựa thế độc quyền, ngành điện đã bán hàng theo kiểu cưỡng ép người mua.
Kiểu tăng giá của ngành điện là tăng hai lần. Tăng trực tiếp trong giá điện và tăng gián tiếp qua mặt hàng khác. Điện tăng giá, mặt hàng khác cũng sẽ a dua tăng theo, trong đó có mặt hàng đồ điện.
Trong khi sự tăng lương nhỏ giọt của các ngành khác thực chất là giảm lương. Phụ cấp thâm niên nghề giáo, nghe rang đi rang lại chẳng thấy, mà tiền xăng với tiền điện vừa nói là họ tăng ngay.
Ngành điện đau lòng với mức lương 30 triệu/tháng, ngành giáo dục im lặng với mức lương 1 triệu đồng, kể ra cũng có lý do. Vì giá điện dù có tăng 50% thì dân vẫn phải mua, học phí thì không tăng học sinh vẫn bỏ học. Các hộ nghèo không muốn con học khuya, vì lo tốn điện. Có những gia đình nghèo, phải cho con nghỉ học vì thiếu ăn.
Để lấy thêm tiền của người dùng điện, ngành điện cố tìm cách giải thích. Nhưng giải thích kiểu họ, thà im lặng mà tăng giá, người mất tiền đỡ bực hơn.
EVN là một doanh nghiệp nhà nước, được dựng nên bởi tiền thuế của dân. Vì vậy, lương của ngành điện phải căn cứ vào lãi của kinh doanh và phải chịu sự quản lý của nhà nước. Thực chất tiền EVN  chia nhau, là tiền móc từ túi của toàn dân, những người chủ thật sự của ngành điện. Nếu gọi là lương, thì đó là lương ăn cướp!

Theo VHNA
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Cướp bóc lâu nay vốn quen mồm
Đêm giặc, ngày quan, phố đến thôn
Giang sơn nhập dạ, trùng vi chính
Nhân tâm bất kính, lộng thư ngôn

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

EVN ĐÃ LÊN CSCN
Nguyễn Duy Xuân


Hồi còn sinh viên, đánh vật được với cái môn triết học mà thấy vã mồ hôi trán. Đến nỗi sau này hễ nghe nhắc đến triết là sợ hết hồn. Tại cái đầu ngu, chỉ quen lối tư duy chày cối nên gặm không được, vậy thôi. Chứ đấy là môn học cơ sở ưu việt nhất, chuẩn bị hành trang vào đời cho một viên chức tương lai. Bởi thế dẫu dốt, dẫu sợ nhưng cũng rán sức ép vào cái óc bã đậu của mình được một tí tinh túy tư tưởng của nhân loại.
Nhân cái vụ EVN lỗ thì to mà lương lại khủng bỗng nhớ đến chân lí được học từ cái môn triết thời ấy: “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Bài học đó được ông thầy dạy triết phân tích kĩ càng, vẽ ra cả một viễn cảnh tương lai xán lạn, dường như sắp đến nơi rồi. Khi ấy đang là những năm đầu sau giải phóng. Thế mà hơn 30 năm sau, cái lí thuyết sách vở ấy đã có cơ thành sự thật, tuy chưa phổ cập cả nước nhưng cũng đã có ở cái tập đoàn con cưng, rường cột của nền kinh tế nước nhà là EVN. Mừng thay ! Một minh chứng hùng hồn về CNCS đã thành hiện thực.
Lương bình quân tháng trong năm 2010 của EVN là 14 triệu. Cán bộ văn phòng – tầng lớp cổ cồn trắng – ngồi chơi xơi nước mà cũng hưởng mức lương khủng gần 30 triệu. Thế nhưng cũng chưa là cái đinh gì so với mức lương khoảng 200 triệu của các sếp ngồi trên đỉnh EVN. Bây giờ thì đã rõ. Lâu nay cứ trách oan ông Tổng EVN đau lòng giả. Ông đau thực đấy chứ. Bởi ông đang ngồi trên đống tiền 200 triệu ngó xuống thấy nhân viên của mình cầm trong tay chỉ mươi lăm triệu thì không đau lòng sao đặng ?
Không hiểu công việc hàng ngày của cán bộ nhân viên EVN như thế nào, nhất là các sếp ngồi trong phòng lạnh chứ mấy anh thợ đường dây thì công việc quả thực là vất vả nhưng liệu có gấp năm, gấp sáu lần công nhân các ngành khác ? Công việc một nhân viên văn phòng EVN liệu gấp bao nhiêu lần một giảng viên đại học hay một nhân viên ở các cơ quan hành chính sự nghiệp ? Câu hỏi ấy chỉ có lãnh đạo EVN mới trả lời được. Điều đơn giản ai cũng hiểu là công việc các ngành nghề trong xã hội nếu so sánh về cường độ lao động thì không có sự chênh lệch quá lớn bởi khả năng thể chất của con người có giới hạn. Chỉ có mỗi yếu tố làm nên sự khác biệt đó là chất xám, cái mà xã hội ta thường lấy bằng cấp làm thước đo. Tài giỏi tầm cỡ thế giới như Giáo sư Ngô Bảo Châu mà cũng chỉ được chào mời về làm việc trong nước với mức lương có…5 triệu nữa là ! Mà người như Ngô Bảo Châu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi nhé !
Vậy thì cơ sở nào mà cán bộ văn phòng EVN hưởng lương 30 triệu, sếp EVN hưởng lương hàng trăm triệu ? Lãnh đạo EVN không thể sánh với CEO thế giới. Người ta làm cho công ti ngày càng phát triển, lãi ròng hàng năm tăng vùn vụt. Còn EVN thì triền miên kêu lỗ. Kinh doanh độc quyền, không bị cạnh tranh, không cần quảng cáo, cắt cúp bất cứ lúc nào, nước của trời, than dưới đất, thế mà vẫn lỗ. Lỗ nặng, lỗ triền miên nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm, chẳng qui tội được cho ai. Lương của cán bộ, nhân viên vẫn tăng theo cấp số nhân so với năm trước. Thật lạ lùng ! Phải chăng trong khoản lỗ khổng lồ đó có một phần không nhỏ EVN dùng để chi trả lương từ sếp to sếp nhỏ cho đến nhân viên ? Đó không thể gọi là lương được nữa mà là những khoản chia chác dưới danh nghĩa lương. Cái nghịch lí ấy cứ mặc nhiên tồn tại hàng bao năm nay. Vì sao ? Chỉ có cấp trên trực tiếp của EVN mới trả lời được câu hỏi này. Thế nhưng thất vọng vẫn là thất vọng. Mới đây nhất, hôm 27-12 ông thứ trưởng bộ Công thương đã vào vai “bào chữa” cho cái sự thất thoát, thua lỗ, tăng giá điện của EVN. Còn chuyện lương khủng thì ông đá sang cho bộ LĐ-TB &XH (?!)
Ngẫm chuyện EVN tự dưng nhớ đến bài học ngày nào, bỗng “ồ” lên một tiếng. Cứ ngỡ mình cũng như cụ Ác-si-met bên trời Tây xưa. Có điều mấy hôm nay lạnh quá, chả dại gì chạy nhông ra ngoài đường mà hét lên “ơ-rê-ca !”, “ơ-rê-ca !”
EVN quả là đã đi trước thời đại. Bái phục ! Bái phục !
28-12-2011
Nguyễn Duy Xuân
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

langtunamxua

Cuối cùng Mark cũng lộ hàng


SGTT.VN - Thư ký toà soạn một tờ báo mạng mới sáng sớm đã gọi điện chỉ đạo phóng viên văn phòng đại diện miền Bắc:


– Alô, thằng Mark sáng nay thế nào, số lượng view hôm nay cao thấp   tuỳ thuộc vào cậu đấy!

– Mark nào? À, xeo Facebook hả sếp? Thằng này nó củ chuối lắm!

– Giỡn, nó là một trong hai tỉ phú trẻ nhất nước Mỹ đấy. Phải tìm  hiểu nó đi siêu xe gì, vung gậy ở sân golf nào, mặc đồ hiệu chi...        Tóm lại, cậu làm sao cho nó thành một loại “Mark đôla” hay hotboy Mỹ là OK!

– Không được sếp ơi, thằng này chỉ thích đi xe đạp, chơi cỡi trâu và bịt mắt bắt dê, mặc áo phông quần bò!

– Vậy nó có chịu lộ thứ gì ra cho giới săn ảnh không?

– Không hề, kín như bưng.

– Thế bạn gái của nó ra sao?

– Dân Harvard, sắp thành tiến sĩ.

– Ai quan tâm cái đó, cái chính là chân dài tới đâu?

– À, báo cáo sếp, khoản đó thì không có cửa so với hotgirl nhà mình.

– Lạ nhỉ. Thế có lộ chỗ nào cho các cậu chĩa ống kính vào không?

– Mặt mày nó còn chẳng có chút son phấn, sếp ơi. Chán như con gián!

– Tỉ phú Mỹ sao cùi bắp thế, thua xa đại gia xứ mình... Thế cậu ráng suy nghĩ đi, phải có cái gì để câu view chứ?

– A! Tìm ra rồi, Mark đã để lộ hàng!

– Thấy chưa, chụp ngay vài trăm tấm gửi về gấp. Thế nó lộ ở chỗ nào?

– Chân.

– Có thế chứ, nhưng cụ thể là chỗ nào trên cái chân?

– Ngón chân: nó mang dép lào!


NGƯỜI GIÀ CHUYỆN


Nguồn: Yahoo.com
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Cháy xe, sự im lặng và trách nhiệm công bộc?

   Chuyện 89 chiếc ô tô, xe gắn máy cháy nổ có thể là chuyện "nhỏ" so với gần 40 triệu chiếc (xe máy và ô tô) đang lưu thông trên đường nhưng đó lại là chuyện của cái cửa sổ đặc biệt bị cháy - một hoặc rất nhiều cánh cửa rất lớn dẫu xét theo góc độ xã hội hay xét theo trách nhiệm của người quản lý!
Năm 2011 vừa qua đi với không ít những nỗi đau, những buồn vui, những chuyện động trời... Nhưng, có thể nói rằng hiện tượng cháy xe máy, xe ô tô diễn ra liên tục, đã làm người dân vô cùng hốt hoảng, và tiếp đó, rất đau đầu...Vì không rõ nguyên nhân, trước sự im lặng khó hiểu của các cơ quan có trách nhiệm. Đó có thể nói cũng là một trong những sự bi hài đáng trách nhất?
Tại sao sự bất an và sự thờ ơ mãi song hành?
Tổng cộng, trong năm 2011, cả nước có 89 vụ cháy ô tô, xe máy (trong đó ô tô chiếm 50 vụ, xe máy là 39 vụ) làm hai người chết, hai người bị thương cùng với sự thiệt hại về tài sản lên đến nhiều tỷ đồng. Số vụ việc gây cháy nổ "không rõ nguyên nhân" đối với ô tô là 50% (25/50), đối với xe máy là 72% (31/39) (VietNamNet, ngày 4/1/2012).

Điều đáng quan tâm hơn cả là kể từ khi có vụ cháy xe đầu tiên (đầu tháng 12/2010) đến khi cơ quan đầu tiên nhận trách nhiệm là Bộ Giao thông Vận tải (tối 3/1/2012) vừa qua là gần vừa tròn 13 tháng(!)

13 tháng có cả người chết và người bị thương. 13 tháng để có một cuộc họp báo. 13 tháng để dân tự bơi, tự nghĩ, tự hiểu, tự lo và 13 tháng để các doanh nghiệp có xe bị cháy hốt hoảng...

Bởi sự sụt giảm kinh doanh, sự nghi ngờ về thương hiệu, sự khó hiểu từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với "mức độ an toàn khả tín của chính quyền, theo nghĩa 'lặng im là một phần của quy kết" (điều cốt tử bảo đảm cho sự an lành về môi trường kinh doanh). Rồi việc tăng - giảm sức mua của xã hội (người dân); trật tự và an toàn giao thông (ổn định xã hội)..., chắc chắn là những điều không hề nhỏ một chút nào.

Các con số thống kê không hề nhỏ, và sự hoang mang, nhức nhối tâm lý xã hội liên tục căng thẳng, nói lên nhiều điều lắm. Nó buộc chúng ta phải bàn, ít nhất theo nghĩa hẹp có thể là để những ngày sau, những năm sau, không còn tái diễn sự lạnh lùng của vô cảm, sự thờ ơ của trách nhiệm và sự ít đi những cái chết vô lý- những tổn thất không đáng có về nhân mạng, tài sản, niềm tin.

Trước hết, phải ghi nhận tinh thần dám chịu trách nhiệm (dù rất muộn màng) của Bộ GTVT. Trong một loạt các "thành viên" về nguyên tắc có thể có liên quan như Bộ Công thương, Petrolimex, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì chỉ duy nhất, cuối cùng, Bộ "phụ trách đi lại" lên tiếng (dẫu xe có đang đỗ bị cháy vì bị cố tình đốt hay do hỏa hoạn).

Cái tinh thần "kiên trì lặng thinh" ấy nó nói lên rằng tình trạng "lắm thầy rầy ma" là một thực tế hiển nhiên, nhằm dễ bề thoái thác trách nhiệm của các bậc công bộc của dân. Tại sao sự bất an của xã hội, sự thờ ơ của trách nhiệm cứ tiếp tục mãi song hành, cho dù báo chí nói nhiều đến cách mấy đi nữa?

"Cha chung không ai khóc"

Xét về phương diện xã hội, việc mỗi tuần có hai cái xe máy - ô tô bị cháy không thể coi là chuyện bình thường. Đã không bình thường thì nhất định phải có những nguyên nhân đặc thù. Xe - máy của nhiều hãng khác nhau, được dùng ở nhiều nước (có điều kiện chế tạo công nghiệp, khí hậu tương tự) nhưng chỉ duy nhất nước ta là cháy nổ liên tục.

Dĩ nhiên không thể quy lỗi cho nhà sản xuất hay chập điện thông thường. Nếu loại trừ gói nguyên nhân thông thường thì lẽ ra phải tìm ra, truy ra nhanh chóng "thủ phạm" dẫu gián tiếp cố tình hay cố ý.

Mặt khác, một trong những hậu quả nhiều hệ lụy đối với các chủ doanh nghiệp sản xuất - nhập khẩu xe - máy, là càng để mối nghi ngờ kéo dài thì nguy cơ sứt mẻ về thương hiệu, giảm sút về uy tín là càng trở nên đương nhiên.

Tại sao không đặt câu hỏi rằng nếu không sớm tìm ra các nguyên nhân gây cháy nổ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài sẽ cho rằng các cấp bậc quản lý để mặc cho doanh nghiệp tự chống chèo, mà chỉ cần biết là thu thuế đủ hay không?

Sự tổn hại này không nhỏ hơn - thậm chí lớn hơn mức độ thiệt hại kinh tế do cháy nổ gây ra. Bởi nó đánh rất mạnh vào lòng tin và sự yên tâm của các nhà đầu tư, mức độ khả tín trong cạnh tranh công bằng. Ai dám chắc các vụ cháy nổ là không do những kẻ xấu muốn vùi dập một vài thương hiệu nào đó?

Điều cuối cùng - cái nguy hại lớn nhất đó là sự im lặng khó hiểu trên đây đã làm trầm trọng hơn căn bệnh vô cảm của nhận thức về tính trách nhiệm của Nhà nước. Thật buồn khi mọi sai sót đều đổ lên đầu Nhà nước, trong khi Nhà nước đã có các cơ quan chuyên trách đảm nhiệm các phần việc cụ thể?

Vậy, "ai" là "người" phải chịu trách nhiệm chính? Cơ quan công an chậm trễ điều tra cho có hay Bộ Công thương không kiểm soát nổi chất lượng mua bán xăng dầu? Hay Bộ GTVT không kiểm định tốt chất lượng phương tiện tham gia lưu thông? Hàng loạt câu hỏi của cái gọi là "cha chung không ai khóc" đã làm cho người dân  ... khóc, vì phải lãnh đủ, lãnh lâu dài và bất lực mọi hậu họa...

Năm 2005, Malcol Gladwell trong cuốn sách The Tipping Point (Điểm nút của vấn đề) đã phát triển ý tưởng về "lý thuyết cửa sổ vỡ" của hai nhà tội phạm học là James Q. Wilson và George Kelling để khẳng định rằng: "Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn. Nếu có thể tạo ra những thay đổi cho một thành phố thì cũng có thể tạo nên những thay đổi cho một đất nước".

Câu chuyện về "cửa sổ vỡ" kể rằng nếu thấy một cánh cửa bị vỡ vụn mà không ai quan tâm thì những người khác đương nhiên tin rằng không ai quan tâm và chẳng ai phải chịu trách nhiệm về chuyện đó! Và, thế là, tai họa của sự hư đốn xã hội sẽ bắt đầu!

Chuyện 89 chiếc ô tô, xe gắn máy cháy nổ có thể là chuyện "nhỏ" so với gần 40 triệu chiếc (xe máy và ô tô) đang lưu thông trên đường nhưng đó lại là chuyện của cái cửa sổ đặc biệt bị cháy - một hoặc rất nhiều cánh cửa rất lớn dẫu xét theo góc độ xã hội hay xét theo trách nhiệm của người quản lý!

HÀ VĂN THỊNH
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối