Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Xuân Quỳnh
Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.
Tên mình ai gọi sau vòm lá,
Lối cũ em về nay đã thu.
Mây trắng bay đi cùng với gió,
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,
Thơ viết đôi dòng theo gió xa.
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,
Ai biết lòng anh có đổi thay?
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 23/10/2017 15:27
Bài thơ có nắng, có gió, có tất cả không gian khoáng đạt của khung cảnh thiên nhiên lúc sang mùa. Trong lúc suy tư, nữ thi sĩ đã để cho tất cả vẻ đẹp xao xuyến của đất trời ùa vào trang viết, cho nên từng từng hình ảnh cứ chập chờn, như thực, như mơ.
Có gì mà thi sĩ phải thảng thốt trước sự giao mùa của đất trời đến thế? Một chiếc lá rơi cho cây ngơ ngẩn, một bờ cát vắng quạnh hiu đợi những chuyến đò, một dòng sông xanh ắp đầy con nước, và cái giật mình khi tác giả nhận ra “lối cũ” đường xưa hằng in những dấu chân kỷ niệm. Thế là đã đủ cho sự tiếc nuối, suy tư...
Trên nền bức tranh mơ hồ, sương khói và đẹp đến nao lòng ấy, có một âm thanh da diết, sâu lắng, thiết tha mà Xuân Quỳnh đã cảm nhận được cho riêng mình: Tiếng gọi của mùa thu
Lối cũ em về nay đã thuCâu thơ ắp đầy quá khứ, kỷ niệm và những sợi tơ lòng giăng mắc, mênh mang. Nhịp điệu và nốt nhấn thời gian được Xuân Quỳnh thể hiện trong từ “lối cũ” và “đã”. Nhận ra “lối cũ” để niềm thương nỗi nhớ sống dậy, “đã” là nhịp điệu lặp lại của thời gian trong tính quy luật muôn đời. Xưa và nay, không ít thi nhân đã đớn đau, rơi lệ khi chợt nhận ra “lối cũ” trong sự u hoài và nỗi trắc ẩn về nhân tình thế thái. Xuân Quỳnh đã nâng niu trái hạnh phúc trên tay sau bao giông bão cuộc đời. Những con sóng dữ dội, những đám mây vần vũ, cả những chiếc lá vật vã rơi và tiếng xình xịch trong đêm của đoàn tàu... đều là miền tâm tưởng và sự thao thức trong thơ của chị. Nhưng khoảnh khắc giao mùa khi ánh hè rơi rớt lại chút ít nhỏ nhoi còn lại dành cho làn gió heo may đã ám ảnh, thao thức trong Xuân Quỳnh. Nếu như ở Thơ tình cuối mùa thu chị ngẩn ngơ nhìn “cuối trời mây trắng bay” và những chiếc lá vàng rơi rụng, để rồi thoảng thốt nhận ra
Mùa thu ra biển cảthì ở bài thơ này, cái man mác trước cảnh “mây trắng bay đi cùng với gió”, Xuân Quỳnh không chỉ ghi nhớ “Chỉ còn anh và em/ là của mùa thu cũ...” mà còn tâm niệm “Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ”.
Theo dòng nước mênh mông
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ mayTừ sự tít tắp, trải rộng của không gian, Xuân Quỳnh đã thu bức tranh gần tầm nhìn của mình, nhận ra bốn bề chỉ có hoa cỏ may. Đó là sự hiện hữu và là cái nền cảm xúc của bài thơ. Thì ra cái níu giữ, gìm lại là những chùm hoa li ti ngút ngát tới chân trời. Màu hoa ảo ảnh, sương khói chập chờn này đã gieo vào tâm thức nhà thơ sự mong manh và nỗi buồn man mác. Chắc gì thi sĩ đã “vô ý” để cho áo mình hoa cỏ may găm đầy? Một chút “vô ý” để cho nỗi nhớ giăng mắc và nỗi buồn man mác trong thơ, mỗi khi có đợt gió heo may lại về...
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?
Lời yêu mỏng manh như màu khóiThế là đã rõ. Cái mênh mang, man mác, mờ ảo, sương khói của bức tranh thu được phác hoạ trên cái nền của một tâm trạng khát khao tình Đời, tình Người phải trải qua không ít đớn đau bất hạnh, thì chị mới có thể nói được cái điều gần như là chân lý, là sự chiêm nghiệm của cuộc đời mình: “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói” và “những cánh chuồn mỏng manh như tình yêu” (Chuồn chuồn báo bão). Vì vậy, câu hỏi của chị, ít ra là trong cái khắc khoải, âu lo trong nỗi buồn man mác... cần phải có ở mỗi con người, mỗi cuộc đời.
Ai biết lòng anh có đổi thay?