184.56
Thể thơ: Thể loại khác (ngoài thơ)
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi tôn tiền tử vào 27/08/2018 15:58

Trước cổng trường tôi có nhiều hàng quà: ô mai, kẹo bánh, ổi, táo và hàng bỏng ngô.

Mỗi lần đến trường sớm hoặc khi ra chơi chúng tôi thường ra mua quà vặt. Mỗi đứa thích ăn một thứ nhưng nói chung là chúng tôi hay mua bỏng ngô. Vì bỏng ngô là rẻ nhất lại ăn được lâu. Bà bán bỏng tóc bạc phơ, lưng hơi còng, bà rất hiền hậu. Bà bán hai đồng một bơ bỏng như mọi hàng, bà lại còn cho thêm vài hạt. Hàng của bà hết rất sớm, thường là giữa giờ ra chơi, nếu không mua nhanh thì không có bỏng ăn. Vậy nên mỗi lần chạy ào từ trong lớp ra là nhiều đứa chúng tôi xông thẳng đến bà, chen nhau tíu tít:

- Bán cháu hai đồng.

- Bán cháu…

- Bán cháu, cháu đến trước kia…

Chúng tôi làm bà cứ cuống quýt cả lên. Tuy vậy bà rất vui vì đắt hàng. Bà bán hàng rất chăm chỉ, hầu như không vắng mặt ở cổng trường tôi bao giờ. Trời nóng thì bà phe phẩy cái quạt nan, còn trời rét thì bà co ro thu mình trong miếng vải nhựa cũ.

Có một hôm, thằng Tòng béo ở lớp tôi tung ra một tin:

- Này các cậu ơi, bà bán bỏng bị ho lao.

- Sao cậu biết? – Tôi hỏi.

- Thì tớ ở gần nhà bà ấy mà. Ban đêm thấy bà ấy ho khiếp lắm. Tớ nghe có đứa nói bà ấy ho ra cả máu đấy.

- Eo ơi kinh quá! – Một bạn gái nói. – Thế ho lao có lây không?

- Lây quá đi chứ, lây bằng đường hô hấp. Ví dụ bà ấy thở hoặc nói chuyện với mình. Mình hít phải thế là bị ngay.

- Thế có chữa được không?

- Chữa khó lắm. Bệnh này là có thể chết nữa đấy.

- Sợ nhỉ. Nếu ăn bỏng của bà ấy thì có lây không?

- Lây chứ. Vì khi bà ấy rang bỏng thế nào bà chả thở vào đấy.

- Các cậu ơi, mai đừng mua bỏng của bà ấy nữa.

Tin ấy không chỉ lan truyền ở lớp tôi mà còn sang cả các lớp khác. Bà hàng bỏng vắng khách dần. Cuối cùng chỉ còn những bạn nhỏ qua đường hoặc những bạn quanh đấy chưa biết tin ấy là mua bỏng của bà mà thôi. Khi chúng tôi đi qua, bà cứ mời chào mà chả đứa nào chịu mua. Lắm buổi, hết giờ học, tôi ra về thấy bà vẫn còn ế một túi ni-lông bỏng to tướng, mặt bà ỉu xìu chả buồn mời chào chúng tôi.

Thế rồi bà không bán bỏng ở cổng trường chúng tôi nữa. Chả biết bà bán ở đâu. Chúng tôi không để ý. Chúng tôi lại chuyển sang mua ô mai, táo dầm…

Một hôm mẹ tôi sai tôi ra chợ mua mớ rau, tôi bỗng gặp bà bán bỏng, trông bà gầy nhiều, lưng còng hẳn xuống, quần áo rách rưới, bà chống gậy và đeo một cái bị đi vào hàng cơm, bà lấy trong bị ra một cái bánh mì khô và nói gì nho nhỏ với bà hàng cơm, nghe không rõ. Tôi chỉ nghe tiếng quát mắng to tướng của bà hàng cơm:

- Nướng nhanh lên mà đi cho khuất mắt. Trông người chả ra người, như con gà rù thế kia mà ám hàng người ta thì làm sao người ta bán được…

Bà bán bỏng lật đật đến gần bếp lò run rẩy nhét cái bánh mì vào phía dưới lò. Chứng kiến tất cả cái cảnh ấy tự nhiên tôi thấy thương bà quá. Tôi chạy lại gần bà, ấn vội vào tay bà số tiền mẹ tôi đưa mua rau rồi chạy vụt về. Tôi về nhà kể lại với mẹ tôi mọi việc, mẹ tôi không mắng tôi về việc ấy mà lại trách tôi chuyện khác kia. Mẹ bảo:

- Con giúp đỡ người nghèo là đúng, nhưng con thử nghĩ xem, với số tiền mua rau ấy bà già chỉ sống được một bữa, còn bữa sau thì sao? Đáng lẽ trước kia con và các bạn con đừng tung cái tin “bà bán bỏng ho lao” ra thì chắc bà vẫn sống được tử tế. Đằng này, vô tình con và các bạn con đã hại bà ấy. Các con chưa hiểu được đâu. Chưa hiểu được một người già mà phải đói khát thì khổ đến thế nào… Mẹ còn nói nhiều nhiều nữa nhưng thấy tôi rân rấn nước mắt nên mẹ thôi. Mẹ lại đưa tiền cho tôi đi mua rau.

Hôm sau đến lớp tôi kể cho các bạn nghe mọi sự việc, kể cả chuyện mẹ tôi đã mắng tôi như thế nào. Các bạn nghe mà ai cũng bùi ngùi cảm thấy mình có lỗi, bỗng có bạn lên tiếng:

- Thế ai bảo cậu Tòng là bà ấy ho lao?

- Ai bảo? Ai bảo?... – Tất cả nhao lên như muốn lên án Tòng.

- Tớ cũng chẳng nhớ. – Tòng trả lời yếu ớt. – Tớ nghe thấy thế.

- Cậu nghe chưa chính xác mà đã nói. Cậu ác thế! Ác thế!

- Khổ thân bà ấy. – Một bạn nói. – Làm thế nào để giúp bà ấy bây giờ? Hay là góp tiền lại đem cho bà ấy.

- Làm thế chẳng được đâu. – Tôi nói. – Mẹ tớ bảo là khi bà ấy ăn hết số tiền mình cho thì bà ấy lại đói. Hay là khi nào tớ gặp bà ấy tớ sẽ bảo: “Bà cứ bán bỏng đi chúng cháu lại mua cho bà” mà tất cả chúng mình phải mua của bà ấy kia, bảo cả bọn lớp khác nữa.

- Ừ, phải đấy! – Một bạn nói. – Tất cả chúng mình đều mua.

- Tất cả.

- Tất cả. – Các bạn đồng thanh tán thành. Có bạn lại còn đề ra mình sẽ ăn sáng bằng bỏng.

Thế nhưng suốt mấy hôm tôi để ý tìm bà bán bỏng mà chả thấy bà đâu. Có một đêm tôi đi xem kịch với bố tôi về, hai bố con rẽ vào một hàng phở định ăn phở, tôi thấy một người đội nón rách ngồi co ro thu mình trong tấm vải nhựa cũ, áp lưng vào mặt tường phía ngoài lò nấu phở. Bố tôi bảo:

- Đấy con xem, mình đi xem về còn được ăn phở, trong khi có người vừa đói vừa rét chẳng có chỗ nằm phải ngồi ở ngoài phố trước lò nấu phở cho đỡ rét. Bố tôi đưa tôi năm đồng bảo tôi mang cho người đó.

- Này bác ơi, – tôi gọi, – cháu cho bác tiền đây này.

Người ấy đẩy cái nón về phía sau và ngửa mặt lên nhìn tôi. Tôi chợt nhận ra bà là bà bán bỏng. Bà đưa bàn tay run run ra nhận mấy đồng của tôi mà nét mặt bà lại ngỡ ngàng thảm hại. Hình như bà hơi ngạc nhiên là bà không xin mà tôi lại cho bà. Bà cứ nói đi nói lại:

- Cảm ơn, cảm ơn cậu. Thật là phúc đức quá!

Cổ tôi nghẹn lại một nỗi hối hận không thể quên được. Tôi nhớ đến lời dặn của các bạn trong lớp, rồi nói với bà:

- Bà ơi, trước bà bán bỏng ở cổng trường cháu sao bây giờ bà không bán nữa.

- Ế lắm, cậu ạ, không ai mua cho nên tôi khổ sở thế này.

- Thế bây giờ bà lại bán đi. Cháu mua cho. Các bạn cháu cũng sẽ mua cho bà.

- Cậu nói thật hay nói đùa thế?

Bà nhìn tôi bỡ ngỡ, đôi mắt bà như mờ đi, mái tóc bạc loà xoà trước trán.

- Cháu nói thật đấy bà ạ, các bạn cháu nó bảo lâu nay không có bỏng của bà nó thèm lắm đấy.

- Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu – bà lại lặp lại câu nói ban nãy. – Thật là phúc đức quá! Phúc đức quá!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]