Tác giả: Nguyễn Viết Thắng


Từng có một thời trong các sách giáo khoa ở Liên Xô người ta gọi Maiakovsky là “lá cờ đầu của thơ ca Tháng Mười”, là “sự thể hiện sống động của một kiểu nhà thơ mới – người chiến sĩ tích cực đấu tranh cho tương lai tươi sáng của dân tộc”vv… Sau khi Liên Xô sụp đổ một số người lại đòi vứt Maiakovsky khỏi “Con tàu Hiện đại” như ngày nào Maia cùng với một số người đã ký tên vào bản tuyên ngôn của nhóm Vị lai: “vứt Puskin, Dostoievsky, Tolstoy vv và vv…  khỏi Con tàu Hiện đại”.
 Những suy nghĩ nông nổi qua đi, ngày nay ý kiến này cũng sai lầm như nhóm Vị lai ngày trước. Bởi vì tài năng của Maiakovsky vô cùng to lớn. Maiakovsky không phải như D. Burlyuk hay A. Kruchenykh – những người cùng ký tên vào bản tuyên ngôn năm 1912. Di sản thi ca của Maia rất đồ sộ và sự cách tân hình thức thơ của Maia đã có ảnh hưởng không chỉ đến thơ ca Nga mà thơ ca cả thế giới.

 ***

 Vladimir Vladimirovich Maiakovsky sinh ngày 19 – 7 – 1893 ở làng Bagdad, tỉnh Kutaisy, Gruzia trong một gia đình kiểm lâm. Vì sinh vào ngày sinh của bố nên được đặt tên trùng với tên bố. Cả bố và mẹ đều là những người có dòng dõi quí tộc. Lên 6 tuổi đã ham mê sách vở và thích đọc nhiều loại sách. Năm 1906, sau cái chết đột ngột của người bố, cả gia đình chuyển về Moskva. Năm 1908 vào đảng Dân chủ Xã hội Nga và tham gia hoạt động bí mật nên bỏ học từ lớp 5. Ba lần bị bắt giam, 11 tháng ngồi tù vì tội hoạt động cách mạng bí mật. Năm 1911 Maiakovsky học hội họa, điêu khắc và kiến trúc ở trường nghệ thuật. Tại đây Maiakovsky làm quen với David Burlyuk – một trong những thủ lĩnh của nhóm Vị lai. Burlyuk đánh giá cao tài thơ của Maiakovsky và khuyên nên tiếp tục sáng tác.
 Maiakovsky thường xuyên tham dự vào các buổi sinh hoạt văn nghệ và đọc thơ. Công chúng không thể không để ý một chàng trai – thi sĩ cao lớn, đẹp và rất thích tranh luận. Thời kỳ sau cách mạng Maiakovsky vẫn tích cực đi đọc thơ ở nhiều nơi. Được công chúng đánh giá là người đọc thơ hay tuyệt vời, giọng ngân vang và mạnh mẽ, là người biết truyền đạt đến người nghe những chi tiết của cả âm thanh lẫn sắc màu…
Vladimir Maiakovsky từ lâu đã được dịch và giới thiệu nhiều lần ở Việt Nam. Bởi thế, chúng tôi sẽ không đi sâu giới thiệu về tư tưởng và tác phẩm của ông. Trong tập này chúng tôi chỉ dịch những bài thơ tình – là một mảng thơ quan trọng và phức tạp trong sáng tác của Maiakovsky và, xin phép, chỉ giới thiệu ngắn gọn về những mối tình, những người tình trong mảng thơ này.

 ***

 Tình yêu là một đề tài muôn thuở, và có thể nói rằng không một nhà nhà thơ lớn nào mà lại không viết về tình yêu. Mà viết về tình yêu thì thường là có những mối tình, những người tình cụ thể…
 Trong văn chương thế giới từng có nhà văn Giovanni Casanova (1725 – 1798) rất nổi tiếng, thậm chí trở thành con người huyền thoại vì tình yêu, tình yêu trong đời thực chứ không phải trong sáng tác. Từng có một người khổng lồ văn chương Alexandre Dumas (1802 – 1870), tác giả của hơn 600 cuốn sách. Số tác phẩm này một người bình thường đọc cả đời không thể hết, vậy mà ông vẫn có thời gian để yêu được 500 người tình… Chỉ trong các nhà thơ Nga thôi, thì Puskin cũng có đến hàng trăm mối tình. Nói là hàng trăm vì người viết căn cứ vào bức thư của Puskin gửi cho nữ công tước Viazemskaya năm 1830: “Chuyện cưới Natalia của tôi (đây là tình yêu thứ 113, tôi để trong ngoặc) đã quyết định xong”. Không hiểu Puskin nói thật hay đùa, dù sao ông cũng nổi tiếng là người yêu rất nhiều. Hay như Esenin, với cuộc đời ngắn ngủi 30 năm cũng có hàng chục mối tình thì Maiakovsky có phần khiêm tốn hơn, dù ông có thừa nhận với người đẹp Tatyana Yakovleva rằng “tôi đây muôn thuở đau vì tình” (đã đành người ta nổi tiếng trong tình yêu không chỉ vì số lượng). Trong cả cuộc đời 37 năm của Maiakovsky chỉ có 7 mối tình với 7 người đẹp cụ thể nhưng chỉ có 4 mối tình in dấu trong sáng tác của ông.
 Mối tình đầu tiên là tình yêu với người đẹp 17 tuổi Maria Aleksandrovna (họ là Denisova, sau khi lấy chồng là Schadenko). Trong chuyến đi về thành phố biển Odessa, Maia đã bày tỏ tình cảm với người đẹp Maria nhưng nàng không trả lời yêu hay không yêu mà chỉ hẹn gặp lại vào lúc 4 giờ chiều. Và như trong “Đám mây mặc quần” Maia đã viết:

Tám giờ.
Chín giờ.
Mười giờ.

Và buổi chiều
đi vào đêm ghê sợ
giã từ khung cửa sổ
buổi chiều chau mày
buổi chiều tháng mười hai...

 Cuối cùng, Maria cũng đến và thông báo rằng “ em sắp sửa đi lấy chồng”. Chúng ta nên biết rằng tình yêu giữa Maia và Maria có nhiều cách trở. Đấy là hoàn cảnh xã hội, điều kiện vật chất của hai người khác nhau, gia đình không cho phép Maria yêu một người như Maiakovsky. Thành ra  

em là Gioconda
cần lấy cắp!
Và thế là người ta lấy mất.

 Em đã bị người ta lấy mất, bị người ta mua bằng tiền bạc, địa vị, giàu sang… Tất cả nỗi đắng cay của mối tình bất hạnh này được Maia trút vào trường ca “Đám mây mặc quần”

Thân thể của em
anh yêu mến và giữ gìn
như người lính
trong cuộc chiến tranh
không có một ai cần
và không của một ai hết cả
sẽ gìn giữ bàn chân duy nhất của mình.
Maria –
em có muốn không?
em không muốn hả!

Ha!

Có nghĩa là – lại
tăm tối và buồn
tôi mang trong tim
đầy nước mắt
mang
như con chó
ở trong chuồng
giữ bàn chân
bị đoàn tàu cán đứt...

 Dù sao, đấy chỉ là một thiên diễm tình bỏ ngỏ, tình yêu này mới chỉ là tình yêu đơn phương. Nhưng có một điều này: sau cái chết của Maiakovsky, người phụ nữ này (Maria Aleksandrovna Schadenko) đã đắp bức tượng đầu tiên của Maiakovsky.
 Mối tình thứ hai, cũng là tình yêu mãnh liệt nhất, bền bỉ nhất của Maia là tình yêu với Lilya Brick. Lilya Yurievna Brick là chị gái của Elsa Triolet (1896 – 1970) – nữ nhà văn Pháp, vợ của nhà thơ Pháp nổi tiếng Louis Aragon (1897 – 1982), bạn đọc Việt Nam đã biết nữ nhà văn này qua tập thơ “Đôi mắt Elsa”. Có lẽ nên so sánh hai chị em Lilya và Elsa với Thúy Kiều và Thúy Vân chăng. Cả hai chị em đều tài sắc vẹn toàn, sinh ra trong một gia đình – bố là một luật sư nổi tiếng, mẹ là nữ nghệ sĩ dương cầm. Cả hai chị em đều có một tài năng không ai có thể phủ nhận – tài năng của nữ tính tuyệt đối, có khả năng chinh phục vô điều kiện tất cả những người đàn ông mà họ gặp…

Những con tàu biển – đi về cảng.
Tàu hỏa – hối hả trở về ga.
Còn tôi trở về em, và huống nữa là –
yêu em mà lỵ! –
... ... ... ... ... ... ... ... ...
Những gì thuộc về đất, lòng đất hấp thụ.
Ta trở về với mục đích cuối cùng.
Tôi thì cũng thế
trở về với em
tôi khao khát thường xuyên
nhọc nhằn từ giã
vất vả mắt thôi nhìn.

 Đây là những câu thơ trong trường ca “Tôi yêu” Maia đề tặng Lilya Brick. Trong trường ca này nhà thơ đi triết lý về tình. Nhà thơ kể rằng từ trong nhà tù đã được học cách yêu, rằng từ bé đã căm ghét những kẻ béo phì (vì nhà thơ thì không thể yêu như những người giàu có), rằng khối tình của nhà thơ lớn lao quá cỡ “to lớn yêu thương, lớn lao thù hận”. Và nhà thơ mang khối tình to lớn này bước đi chệnh choạng, sẵn sàng trao nó cho mọi người, nhưng than ôi, không ai cần đến cả, vì nó to quá cỡ.

phụ nữ
né sang một bên
như tránh pháo thăng thiên:
"Chúng tôi cần be bé hơn
như điệu nhảy tango, có lẽ..."
Thế rồi xuất hiện một người phụ nữ với vẻ rất thành thạo đã quan sát kỹ càng và cho rằng “chỉ là cậu bé con”
Em cầm
lấy mất con tim
và đơn giản
em bước xuống đường
như cô bé cầm chơi quả bóng.

 Thế là nhà thơ trút được khối tình cho người yêu dấu và cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng. Những phần tiếp theo, nhà thơ đi triết lý về nguyên nhân của niềm hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là giữ gìn kho báu ở trong tim như chủ nhà băng giữ tiền trong tủ sắt mà là đem tặng nó cho người mình yêu…
 Maia và Lilya làm quen với nhau mùa hè năm 1915. Maia lao vào săn đón Lilya một cách vồ vập và không do dự. Maia thích người phụ nữ thanh lịch, thông minh, có giáo dục và không thể hiểu được đến cùng. Họ gặp gỡ nhau thường xuyên, tuy vậy, Lilya biết giữ Maia một khoảng cách. Lilya yêu Maia nhưng không yêu điên cuồng như Maia. Lilya khi thì dịu dàng, âu yếm, khi lại hững hờ, ghẻ lạnh làm cho Maia đến phát điên. Sau này Lilya Brick đã hồi tưởng về ngày đầu gặp gỡ của hai người: “Đó là một cuộc tấn công. Anh ấy không chỉ đơn giản là yêu tôi mà lăn xả vào tấn công tôi. Suốt hơn hai năm trời tôi không hề có một phút giây yên lặng. Tôi sợ cái vẻ kiên gan, vóc người cao lớn và niềm say mê cuồng nhiệt, say mê không thể cưỡng lại được của anh ấy. Ngày đầu làm quen, anh ấy ngay lập tức lao vào săn đón tôi, quấn quít lấy tôi, còn xung quanh có những người bạn khác của tôi với vẻ mặt âm u. Tôi nhắc thì anh ấy bảo: “Lạy Chúa, anh vô cùng thích khi thấy người ta ghen tuông và đau khổ…” Nhưng rồi những năm sau đấy thì chính Maia cũng đã phải nếm mùi ghen tuông và đau khổ. Maia đã từng phát điên lên vì ý nghĩ rằng người yêu của mình còn thuộc về ai đấy.

Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có biển...
Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có mặt trời
mà anh không biết em ở đâu và em ở với ai.
Giá mà em làm khổ nhà thơ nào như thế
thì thi sĩ
sẽ đổi em yêu lấy danh vọng và tiền
còn anh
không một tiếng vang nào vui sướng
ngoài tiếng vang của cái tên em.
Và anh sẽ không lao vào khoảng không
sẽ không uống vào thuốc độc
và cò súng vào thái dương không bóp.
Trên người anh
thiếu cái nhìn của em
không một lưỡi dao nào sắc được.

 Có lẽ chưa từng có nhà thơ Nga nào viết những dòng thơ tình cuồng nhiệt như thế về phụ nữ như Maia viết về Lilya của mình.
 Trong bức thư đề ngày 26-10-1921, Maia viết cho Lilya: “Anh buồn, anh nhớ em, anh đứng ngồi không yên (đặc biệt là hôm nay!) và anh chỉ nghĩ về em. Anh không đi đâu cả, anh cúi mình hết góc này sang góc khác, nhìn vào cái tủ trống không – anh hôn lên những bức ảnh, những dòng chữ của em. Anh gào lên thường xuyên và bây giờ đang gào lên như vậy. Anh không muốn để cho em quên anh! Không có gì buồn bã hơn cuộc đời thiếu em. Đừng quên anh nhé, anh yêu em một triệu lần hơn tất cả những người còn lại. Anh không muốn nhìn thấy ai, không muốn nói chuyện với ai ngoài em. Ngày vui nhất trong cuộc đời anh sẽ là ngày em đến. Hãy yêu anh. Em hãy nghỉ ngơi, nhớ giữ mình và hãy viết cho anh em có cần một thứ gì không? Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em. Anh của em”.
 Bảy năm sau, Lilya cảm thấy quá mệt mỏi vì một tình yêu cuồng nhiệt còn Maia thì xin Lilya tha thứ cho mình vì một tình yêu không thể cưỡng lại được. Nhưng những lời van xin đã không làm cho tình sống lại. Năm 1922 Lilya có một mối tình mới, Maia vẫn yêu Lilya như vậy nhưng buộc phải làm lành, hai người giữ một tình cảm nhẹ nhàng hơn. Thời gian này Maia có nhiều chuyến đi sang Tây Âu và châu Mỹ.
 Trong chuyến sang Paris mùa thu năm 1928, để cho Maia vơi bớt đi nỗi buồn, Elsa (người một thời cũng từng yêu Maia) đã làm quen Maia với một người đẹp Paris gốc Nga, người mẫu của hãng thời trang Chanel – Tatyana Yakovleva. Đây là mối tình thứ ba in đậm trong sáng tác của Maia qua hai bài thơ “Bức thư gửi đồng chí Kostrov từ Paris về bản chất của tình yêu” và “Bức thư gửi Tatyana Yakovleva”. Cả hai bài thơ này mang một tâm trạng mới, không có những lời thở than buồn bã mà chỉ có niềm vui hạnh phúc của một tình yêu được đáp lại.

Với chúng tôi
tình yêu
 không phải vườn địa đàng
với chúng tôi
tình yêu
 rú lên tất cả
những gì lại
             làm cho máy nổ
chiếc máy
đã ngủ yên ở giữa con tim...
... ... ... ... ... ... ... ... ...
tình yêu gào lên
      tình yêu đơn giản
                của người trần.
Bão giông,
lửa,
 nước
có mặt trong tiếng thì thầm…

 Tình yêu với Tatyana Yakovleva là nguồn cảm hứng bất tận cho Maia viết ra những tuyệt tác của tình yêu như vậy. Sau này Tatyana Yakovleva hồi tưởng rằng ngay trong lần gặp đầu tiên nàng đã say mê, còn Maia thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy Tatyana thuộc lòng nhiều bài thơ của mình. “Quả thực, tôi không nghĩ là Maia yêu vì thơ, chỉ đơn giản là vì tôi rất đẹp và tôi đã quen với việc người ta yêu mình…” Còn trong bức thư gửi cho mẹ của mình, Tatyana viết: “Con gặp anh ấy hàng ngày và rất thân với anh ấy. Nếu như con đã từng đối xử rất thân mật với những người hâm mộ thì trước hết là với anh ấy vì tài năng. Nhưng còn nhiều hơn là vì thái độ ân cần rất cảm động của anh ấy đối với con. Đấy là người đàn ông đầu tiên biết cách để lại trong lòng con dấu vết…” Sau chuyến đi Nice, Maia trở lại Paris gần hai tháng, hai người lại thường xuyên gặp gỡ. Gần đến ngày phải quay về nước Nga, Maia đã cố gắng thuyết phục Tatyana làm lễ cưới nhưng Tatyana yêu cầu để cho nàng một thời gian suy nghĩ thêm. Mặc dù Tatyana còn lưỡng lự, trong tình yêu của họ vẫn còn vật cản gì đó nhưng Maia vẫn tin tưởng rằng cuối cùng tình yêu sẽ chiến thắng.

Em đừng nghĩ rằng
nheo mắt đơn giản thế
cái nheo mắt này
uốn thẳng những vòng cung.
Em hãy đi lại đây
hãy ngã vào lòng
ngã vào vòng tay của tôi
to rộng và thô kệch.
Em không muốn ư?
Thì đứng đó mà chịu rét
và điều này
là sự sỉ nhục
 cho cả hai người.
Dù sao
thì tôi
 cũng sẽ có lúc
đem theo em chỉ một
hoặc cả hai người với Paris.

 Lilya Brick không hề thích những dòng thơ như vậy. Và cũng không biết có đúng không, nhưng người ta cho rằng Lilya đã cố tình cản trở Maia trong lần định quay lại Paris để làm lễ cưới với Tatyana (Maia không được cấp thị thực  xuất cảnh trong lần này). Lilya đã không còn yêu Maia nhưng vẫn muốn suốt đời hành hạ, suốt đời làm cho Maia đau khổ và mãi mãi là Nàng Thơ duy nhất của Maia. Khi Maia quay trở lại nước Nga thì ở Paris có ngài bá tước Plessy bắt đầu tìm hiểu Tatyana. Gia đình của Tatyana đã thuyết phục nàng và sau một thời gian chờ đợi, lưỡng lự, Tatyana đã đồng ý lấy ngài bá tước.
 Nhận được tin Tatyana đã lấy chồng qua bức thư của Elsa gửi cho Lilya, Maia cảm thấy vô cùng trống vắng và buồn bã. Nhiều năm sau đó, Tatyana đã nói về Maia như thế này: “Anh ấy hiểu rằng, đối với tôi, anh ấy không chỉ là một người nổi tiếng. Tôi lớn lên trong môi trường của những người nổi tiếng. Những nghệ sĩ, những họa sĩ, những nhà văn, nhà thơ. Thí dụ, họa sĩ Manet còn nổi tiếng hơn cả Maia. Chỉ đơn giản là vì tôi thích anh ấy. Và như một người đàn ông, một thi sĩ, người mà tôi luôn luôn hiểu biết và yêu mến…”
Nữ họa sĩ Lavinskaya viết: “Ở con người như thế thiếu một nơi chốn có bàn tay âu yếm của người vợ, người bạn thân để giải thoát dù chỉ một ít khỏi bản thân mình…” Maiakovsky từng hy vọng tìm ra một người như thế ở Tatyana Yakovleva nhưng than ôi… mộng ước đã không thành!
 Mối tình cuối cùng của Maia là tình yêu với nữ nghệ sĩ Veronica Polonskaya.

Yêu? không yêu? tôi làm hỏng bàn tay
những ngón trên bàn tay này gập lại
để đoán xem trong tháng năm này
những vành hoa nở từ hoa cúc dại
... ... ... ... ... ... ... ... ...
Đã sang giờ thứ hai, em phải đi nằm
Dải Ngân hà trong đêm ngời Con mắt bạc
Anh không vội vàng bằng những bức điện hỏa tốc
Để đánh thức em và làm em lo lắng chẳng làm chi

 Veronica yêu Maia nhưng vẫn sợ Lilya, sợ mối ràng buộc rất bền chặt giữa hai người. Veronica thường hỏi Maia về thái độ của Lilya. Tình yêu giữa Maia và Veronica cũng chỉ mới dừng lại ở những cuộc giằng co muôn thuở của tình: chàng đòi hỏi – nàng không đồng ý. Nàng đòi hỏi – chàng không đồng ý. Veronica nhớ lại một buổi sáng Maia tiễn nàng đến nhà hát, trên đường đi Maia nói nhiều về cái chết. Veronica đòi Maia hãy quên đi những ý nghĩ rồ dại thì Maia trả lời: “… anh đã xua đi những ý nghĩ như vậy. Anh hiểu rằng, không thể làm điều này là vì mẹ. Ngoài ra chẳng có một ai cần đến anh”.
 Ngày cuối cùng của cuộc đời, trước khi tự sát, Maia không cho Veronica ra khỏi nhà mình. Veronica giải thích rằng cần phải đến nhà hát và cần nói chuyện với người chồng cũ trước khi chuyển đến ở với Maia nhưng Maia dứt khoát hoặc là ngay lập tức hoặc là không cần gì cả. Hai người chia tay nhau. Maia* hôn Veronica, bảo nàng đừng bận tâm lo lắng và đưa tiền cho Veronica đi tắc xi. Vừa bước ra khỏi nhà, chưa ra đến cổng thì Veronica đã nghe vang lên tiếng súng. “Đôi chân của tôi khuỵu xuống, tôi kêu lên và chạy khắp hành lang”. Nhưng khi hãy còn chưa tản đi làn khói, Veronica đã bước vào nhà nhìn thấy “Vladimir nằm trên thảm, đôi bàn tay giang rộng. Trên ngực có một vết máu nhỏ”.
 Trong bức thư để lại, viết trước khi chết hai ngày và đề “Gửi tất cả” nhà thơ lần cuối cùng nói về tình yêu: “Về cái chết của tôi xin đừng buộc tội cho ai cả và, hãy làm ơn đừng thêu dệt chuyện. Người đã quá cố không hề yêu điều này…  

Như người ta thường nói: vụ rắc rối qua mau
con thuyền tình đã vỡ ra tan tác
Tôi với cuộc đời không còn nợ  gì nhau
Và cũng chẳng cần chi danh mục
của những giận hờn và bất hạnh, đớn đau”…

 Những câu thơ này trong “Bài thơ viết dở”, sau đó được Maia dùng lại trong bức thư tuyệt mệnh kia, thay đi ba từ, đã nói lên rất nhiều điều về sự đam mê, về một tâm hồn cô độc, về cuộc đời tuyệt vời nhưng đầy bi kịch, về con thuyền tình chở đầy cái hiện thực của những mộng ước không thành…
 Tất nhiên là hãy còn một câu hỏi: đâu là nguyên nhân của cái chết? Ai là người có lỗi trong cái chết của Maiakovsky? Điều này thì người viết bài này không biết được, mà cũng không có ý định viết ra ở bài giới thiệu ngắn ngủi này. Nhưng thiết nghĩ, đọc đến đây, bạn đọc đã có thể tự mình phán xét. Đã từng có những bài viết, có cuốn sách được dịch ra tiếng Việt về cuộc đời và tình yêu của Maiakovsky. Chúng tôi chỉ có một mong muốn là qua bài giới thiệu, bạn đọc sẽ dễ hiểu hơn khi đọc tập thơ này. Thế thôi.
 
       Mùa hè 2006.


Chú thích: Đây là bài giới thiệu viết cho cuốn "Maiakhovsky - Trường ca và thơ tình". Chúng tôi dùng tên họ Maiakovsky theo lối gọi rút gọn quen thuộc thường dùng ở Việt Nam (Maia). Thực ra, nếu đã gọi tên Maria, Lilya, Tatyana, Veronica thì phải dùng tên Vladimir, nhưng vì như đã nói, theo lối gọi quen thuộc.