☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Những trang nhật ký Lê Anh Xuân để lại, không chỉ giúp công chúng hiểu được những niềm riêng của ông, mà còn hé lộ công việc sáng tác của ông. Bài thơ dài nhất của Lê Anh Xuân là Trường ca Nguyễn Văn Trỗi được ra đời như thế nào, thể hiện khá chi tiết trong nhật ký.
Khởi bút từ “Ngày 18-5-1965, làm trường ca về anh Trỗi”, mãi một năm rưỡi sau vẫn thao thức “Ngày 17-11-1966, cố gắng cho đến cuối 12 hoàn thành lần 1 trường ca anh Trỗi”.
Và nhà thơ Lê Anh Xuân đã thực hiện đúng kế hoạch “Ngày 28-12-1966, bắt đầu sửa tập thơ Nguyễn Văn Trỗi. Cố gắng chép giao lại để đánh máy, sợ mất bản thảo” và kiên trì tiếp theo “Ngày 31-12-1966. Cuối năm rồi. Đêm thức khuya, chép cho xong tập thơ Nguyễn Văn Trỗi. Ngày mai đi dân công. Không biết đi bao lâu...”
Nhật ký Lê Anh Xuân cũng nói rõ người giúp đỡ hoàn thành tác phẩm này “Ngày 6-1-1967. Chuẩn bị về cơ quan. Có cái gì như cay đắng. Về gặp lại anh Ái, mừng quá. Anh Ái sang góp ý tập thơ của Hiến”. Cuối cùng cũng đến lúc yên tâm giới thiệu tác phẩm “Ngày 23-5-1967. Gửi tập Trường ca Nguyễn Văn Trỗi ra Hà Nội”.
Nhân vật “anh Ái” góp ý cho tập thơ của Lê Anh Xuân, chính là nhà văn Anh Đức - Bùi Đức Ái. Bút danh Lê Anh Xuân cũng có liên quan mật thiết với nhà văn Anh Đức. Chữ “Anh” lấy theo Anh Đức, còn chữ “Xuân” lấy theo Xuân Lan - em gái của Anh Đức. Nhà thơ Lê Anh Xuân dành cho Xuân Lan một tình yêu thánh thiện và tôn thờ.
Bởi sự gắn bó ấy, nhà văn Anh Đức đã có can dự vào Trường ca Nguyễn Văn Trỗi.
Trong bài ghi chép Nhớ Lê Anh Xuân, nhà văn Anh Đức kể: “Cái tạng người thư sinh của Hiến bị sốt rét tấn công liên tục. Ở chung nhà với Hiến, tôi luôn để ý coi cơn sốt ngày hôm ấy có đến với Hiến không. Trong nhiều buổi chiều tà, khi cánh rừng bằng lăng trút dần ánh nắng, cũng thường là khi cơn sốt của Hiến hạ dần. Đó cũng là lúc tôi bớt lo. Tối đến, Hiến lại ngồi vào bàn làm thơ.
Dạo ấy Hiến đang viết Trường ca Nguyễn Văn Trỗi, dài gần hai ngàn câu. Sau khi nghe Hiến đọc cả tập, tôi bàn với Hiến: Anh không rành về thơ, nhưng theo anh, đối mặt với trường ca, em phải thận trọng. Tập này của em có mặt mạnh, nhưng hơi dàn trải. Một bài thơ rời thì dễ quán xuyến, chứ vài ngàn câu rất dễ bị hớ. Với lại em chú ý, thơ mà hiền quá, xuôi quá cũng không được, nó cần biến tấu, vận động, xốc xáo...”
Rút tỉa từ gợi ý tinh tế của nhà văn Anh Đức, Trường ca Nguyễn Văn Trỗi đã được Lê Anh Xuân chỉnh sửa lại gọn gàng hơn, để hôm nay độc giả vẫn còn nghe vang vọng những lời tha thiết trầm bổng: “Có nơi đâu đẹp tuyệt vời/ Như sông, như núi, như người Việt Nam/ Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/ Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa/ Trường Sơn chí lớn ông cha/ Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào/ Mặt trời ánh sáng tự hào/ Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do/ Bốn ngàn năm dựng cơ đồ/ Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người/ Ôi Việt Nam! Việt Nam ơi!/ Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha”.