Đọc tập thơ Sương khuya tôi như gặp được người tri kỷ. Bởi những gì tác giả gửi gắm qua mỗi câu thơ, bài thơ cũng là những điều mà tôi cũng như bạn đọc chắn chắn có chung những đồng cảm, đồng ngộ. Tôi viết thêm mấy lời vừa là cảm ơn anh vừa là cùng chia sẻ thêm với anh những cảm xúc mà anh đã mang đến cho mình.

Trong lời dẫn anh bộc bạch “Tôi nhìn cuộc đời qua lăng kính vô thường, mượn ngòi bút vô ngã, lần lượt đưa tiễn những phận người qua dòng sông sinh tử”. Điều ấy ở chùm những bài thơ ngắn đã thể hiện và tôi đọc kỹ để thấu cảm cùng anh:
Trong
Căn phòng
Chín mét vuông
Buồn vui âu cũng
Vô thường
Đến đi
(Đến đi)

Ngày
Đêm
Ta trốn trần gian
Thanh xuân một thoáng
Như làn
Khói bay
(Khói)

Thế rồi
Còn lại mình ta
Bốn bức tường trắng
Cùng vài trang kinh
Ngồi đây
Ôm những tử sinh
Thân, thọ, tâm pháp
Còn mình
Mây bay
(Mây bay phận người)
Hai bài thơ anh viết về mẹ đều rưng rưng cảm động: Tình mẫu tử, như là mẫu số chung cho mỗi người con thành kính với người sinh thành ra mình, nuôi dưỡng mình. Nhưng mỗi người con lại có cách bày tỏ khác nhau, tác giả Sương khuya viết:
Mẹ, mẹ là hiện thân của Bồ tát trên liên hoa đài
Bước ra từ bảo tàng kinh Phật
Mẹ, mẹ là câu Nam mô cứu khổ cứu nạn
Mẹ, mẹ là nụ cười thơm ngát hương từ bi
(Khúc ca dâng Mẹ)
Đạo lý truyền thống: Còn cha gót đỏ như son… được tác giả thấm nhuần ở bài Còn mẹ:
Còn mẹ
Cơm cũng là cơm
Xa vòng tay mẹ
Cơm là đắng cay
….
Mênh mông bóng mẹ
Quê hương
Hiếu hạnh hai chữ
Nâng đường con đi
Trời xanh lồng lộng từ bi
Không bằng một kiếp
Mẹ vì chúng con
Vậy đấy: từ bi, hiếu hạnh, vô thường… để rồi có Sương khuya như chính lời tác giả: “Chúng ta cần đối diện, để thấy cuộc đời đáng sống hơn”. Và “Không vì thế mà mất đi sự trẻ trung, vui tươi của tuổi thanh xuân”.

Hai bài thơ viết về Cao Bằng minh chứng cho điều tâm sự của tác giả:
Say núi say mây say phố say phường
Say Cao Bằng trước, để rồi
Say em
(Hai câu thơ say)
… Cao Bằng
Say lại thêm say
Sương pha lẫn phố
Người say tình người
Cao Bằng mai trở về xuôi
Ngày nằm trên phố
Đêm mơ Cao Bằng
(Say Cao Bằng)
Cả hai bài đều là “say” nhưng chẳng thấy hơi men đâu chỉ thấy tình đất, tình người nghiêng ngả, thắm thiết, phiêu diêu. Thật “ghen” với tác giả, mấy ai được hạnh phúc như vậy.

Đầu bài viết tôi gọi tác giả Sương khuya giờ tôi trân trọng xướng danh: Thi sĩ Hồ Hoàng Đông. Có được không, khi men say, khi tâm căn của anh đã cho bạn đọc có thêm những cảm xúc mới của cuộc đời, của cuộc sống này, chí ít là với riêng tôi.

Chúc anh viết thêm nhiều, thật hay, để có thêm:
Bạn hiền
Khuya sớm ghé thăm
Chúng ta
Cầu nguyện
Ấm lòng
Những đêm…
(Dạ hữu)
Thế cũng là đáng quý rồi.

Hà Nội, ngày 16/7/2019
Nhà thơ Nguyễn Đức Quang
Phó trưởng Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam
Nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong