15.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong
Thời kỳ: Hán
2 bài trả lời: 1 bản dịch, 1 thảo luận
2 người thích

Đăng bởi hongha83 vào 07/09/2008 00:57

七哀詩其一

西京亂無象,
豺虎方遘患。
復棄中國去,
遠身適荊蠻。
親戚對我悲,
朋友相追攀。
出門無所見,
白骨蔽平原。
路有飢婦人,
抱子棄草間。
顧聞號泣聲,
揮涕獨不還。
未知身死處,
何能兩相完?
驅馬棄之去,
不忍聽此言。
南登霸陵岸,
迴首望長安。
悟彼下泉人,
喟然傷心肝。

 

Thất ai thi kỳ 1

Tây Kinh loạn vô tượng,
Sài hổ phương cấu hoạn.
Phục khí trung quốc khứ,
Viễn thân thích Kinh man.
Thân thích đối ngã bi,
Bằng hữu tương truy phan.
Xuất môn vô sở kiến,
Bạch cốt tế bình nguyên.
Lộ hữu cơ phụ nhân,
Bão tử khí thảo gian.
Cố văn hiệu khấp thanh,
Huy thế độc bất hoàn.
Vị tri thân tử xứ,
Hà năng lưỡng tương hoàn?
Khu mã khí chi khứ,
Bất nhẫn thính thử ngôn.
Nam đăng Bá Lăng ngạn,
Hồi thủ vọng Trường An.
Ngộ bỉ hạ tuyền nhân,
Vị nhiên thương tâm can.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nhượng Tống

Tây Kinh bời rối loạn
Lang sói đang thét gào
Từ bỏ nơi quê cũ
Náu mình ở Kinh Châu
Họ hàng nhìn thương xót
Bè bạn cũng lo âu
Ra cửa nào trông thấy?
Xương trắng ngập đồng sâu
Bên đường có một chị
Đói quẳng con đống lau
Đi xa còn tiếng khóc
Gạt lệ không ngoái đầu
Một thân còn chưa chắc
Cả hai sống được sao?
Ta ruổi ngựa bỏ chạy
Càng nghĩ càng não sầu
Bờ Bá Lăng trèo tới
Nơi Trường An thấy đâu?
Người suối vàng có thấu
Lòng này luống quặn đau.

Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Góp thêm tư liệu về tác giả

Vương Xán (chữ Hán: 王粲, 177-217) tự Trọng Tuyên (仲宣), là nhà thơ nổi tiếng nhất, làm thơ nhiều nhất và cũng tiêu biểu nhất trong Kiến An thất tử ở cuối đời Đông Hán (東漢,) Trung Quốc.

Ông, người Cao Bình, Sơn Dương, nay thuộc huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).
Tổ tiên ông nhiều đời đều làm quan to đời Hán. Năm 17 tuổi, được tiến cử, ông giữ chức Hoàng môn thị lang. Lúc Hán Hiến Đế (181-234, ở ngôi 189-220) dời đô sang phía Tây, ông cũng rời khỏi Trường An, đến Kinh Châu lánh nạn ở nhà Lưu Biểu (142-208), một lãnh chúa phong kiến thuộc hoàng tộc nhà Hán.
Năm 208, Lưu Biểu chết, Tào Tháo mời ông về làm khách rồi cử ra làm quan đến chức Thị trung, lúc mới 32 tuổi.
Mùa đông năm Kiến An (2) thứ 21 (216), Vương Xán theo quân đi đánh nước Đông Ngô, đến mùa xuân năm sau (217), trên đường trở về thành Nghiệp, ông mất giữa đường, khi tuổi mới 40 tuổi.
Theo sử sách biên chép, thì hình dáng ông tuy thấp, nhưng ông nổi tiếng là người uyên bác, vừa hay văn, vừa giỏi toán và có một trí nhớ thật tốt. Mỗi lần ông đặt bút là thành văn, không sửa một chữ. Tác phẩm của ông để lại có thi, phú, luận gồm 60 thiên; trong số đó có các bài Thất ai thi, Tòng quân thi, Đăng lâu phú, còn được truyền tụng.

Đề cập đến thơ Vương Xán, TS. Trần Lê Bảo viết:
Là người từng nhìn thấy cảnh hỗn chiến thời Kiến An, bản thân cũng từng chạy loạn, nên thơ Vương Xán phản ảnh được ít nhiều nỗi bi thảm của nhân dân trong cảnh loạn lạc. Ở chùm thơ Thất ai thi (Những bài thơ theo đầu đề “Bảy nỗi buồn đau” của nhạc phủ) được ông làm trên đường đi lánh nạn từ Trường An đến Kinh Châu, không chỉ bộc lộ tình cảnh riêng của ông mà còn là của nhiều người. Lời thơ đau xót, cảnh tượng chân thực, như những câu thơ ở bài thứ nhất: Bước ra ngõ không thấy gì, chỉ thấy xương trắng phơi đầy đồng...đã khái quát chân thực thảm họa chiến tranh. Các bài thơ khác của Vương Xán cũng được nhiều người đọc yêu thích, như bài thứ hai trong Thất ai thi tả cảnh vật Kinh Châu để nói lên lòng thương nhớ quê hương. Vương Xán còn có sở trường về phú. Bài Đăng lâu phú (Bài phú lên lầu) được ông làm khi lên chơi thành Giang Lăng ở Kinh châu. Nội dung bài phú là lòng buồn giận vì có tài mà không được dùng.
Có thề nói, bất mãn trước cảnh loạn ly, khát khao có được cuộc sống thanh bình, muốn gây dựng sự nghiệp dưới triều vua sáng...là những tình cảm chân thực của Vương Xán. Tất cả đều được thể hiện dưới một bút pháp trong sáng, lưu loát, khác hẳn với tác phong đẽo gọt câu chữ của thể phú thời Hán, mở đường cho thể phú ngắn trữ tình thời Ngụy - Tấn về sau.[2]

GS. Nguyễn Khắc Phi nhận xét:
Điểm nổi bật nhất của văn học Kiến An[4], là giá trị hiện thực. Nhiều bài thơ của các nhà thơ có tên tuổi (trong số đó có Kiến An thất tử) đã ghi lại đầy đủ sinh động những tai họa mà nhân dân đương thời phải gánh chịu. Như Vương Xán trong chùm thơ Thất ai thi đã dựng lên được bức tranh khái quát về xã hội Đông Hán cực kỳ bi thảm và hỗn loạn, bởi chiến tranh xâm lược và hỗn chiến quân phiệt.[3]

Và trong thiên Luận văn, Tào Phi, người cùng thời, đã khen Vương Xán sở trường về từ phú; và sau này, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã khen thơ của Vương Xán là có nhiều bài lời bình dị mà thắm thía, làm người đọc nhớ tới những bài thơ xã hội của Đỗ Phủ, như Thất ai thi...


Chú thích
1.Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr. 1957, tr. 2055-2066.
2.Kiến An (196-219) chỉ là niên hiệu thứ hai của Hán Hiến Đế, vị vua cuối cùng của triều Hán. Song khái niệm văn học Kiến An được dùng để chỉ một giai đoạn dài hơn: từ cuối Hán đến đầu triều Tào Ngụy (220-265), cho nên nó có một vị trí khá quan trọng trong lịch sử phát triển của văn học Trung Quốc.
3.Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr. 1957.
4.Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc. Nxb trẻ, 1997,  tr. 166.

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, soạn.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời