* Tâm tính tạo số mệnh - Sự sống vốn vĩnh hằng - Kiếp người quý và ngắn - Yêu thương là thiên đường - Tự Tri là thiên chức - Chân Thiện Mĩ trong ta. (Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn sưu tầm).

*Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chứa đựng nhiều giá trị chung về đạo đức nhân văn trong các tôn giáo thánh thiện và các nền minh triết tâm linh. Tuỳ nhân duyên, thực hiện được bao nhiêu thì có phước đức tự lợi-lợi tha bấy nhiêu.
Ông Nguyễn Chung Tú (nguyên hiệu phó trường đại học Hùng Vương, giáo sư tiến sĩ vật lí) nói: “Có thể nói rằng gien nghiệp là cái do mỗi người tự tạo cho mình. Khi một người chết đi, thân thể vật lí của người ấy tan hoại, nhưng cái nghiệp ấy vẫn tiếp tục di truyền qua nhiều đời sống của người ấy”. Ông nhắc lại lời một học giả khác rằng: “Tâm tính là định mệnh” - một câu nói rất quan trọng. (Nguyệt san Giác Ngộ số 17 năm 1997).
---
KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
(Trích theo Tangthuphathoc net)- (Những chữ trong ngoặc đơn do người đọc thêm cho rõ nghĩa)

Này Long vương! Nếu XA LÌA SÁT SINH thì liền được thành tựu mười pháp xa lìa phiền não. Những gì là mười pháp?
1. Đối với các chúng sinh ban cho sự không sợ hãi.
2. Thường khởi tâm Từ rộng lớn đối với chúng sinh.
3. Dứt hẳn tập khí giận dữ.
4. Thân thể thường không bệnh tật.
5. Mạng sống lâu dài.
6. Thường được loài phi nhân (thiên thần) bảo vệ.
7. Thường không có mộng ác, ngủ hay thức đều yên vui.
8. Diệt trừ thù oán trói buộc, các thù oán tự giải toả.
9. Không sợ hãi về đường ác.
10. Khi chết được sinh lên cõi trời (chư thiên).
Đó là mười pháp. Nếu đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật, sẽ được mạng sống tự tại theo tâm của Phật.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA TRỘM CẮP thì được mười pháp đáng tin cậy. Những gì là mười pháp?
1. Tài sản dồn đầy; vua, giặc, nước, lửa, con hư không thể huỷ hoại.
2. Nhiều người thương mến.
3. Không ai lừa gạt.
4. Mười phương tán thán.
5. Chẳng lo sợ tổn hại.
6. Tiếng tốt lan khắp.
7. Ở trong chúng không khiếp sợ.
8. Của cải, mạng sống, sắc đẹp, sức khoẻ yên vui, đầy đủ biện tài không khiếm khuyết.
9. Thường mang tâm bố thí.
10. Khi chết được sinh lên cõi trời.
Đây là mười pháp. Nếu đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật tất chứng được Bồ-đề rộng lớn thanh tịnh.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA TÀ DÂM thì đạt bốn loại pháp được người trí khen ngợi. Những gì là bốn pháp?
1. Các căn (bộ phận, cơ quan cơ thể) điều hoà.
2. Dứt hẳn sự loạn động.
3. Được thế gian khen ngợi.
4. Vợ (hay chồng) không thể bị xâm phạm.
Đó là bốn pháp. Nếu có thể đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật sẽ được tướng trượng phu, tạng bí mật của Phật.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA LỜI NÓI DỐI thì liền đạt tám loại pháp được chư Thiên khen ngợi. Những gì là tám pháp?
1. Miệng thường sạch sẽ với mùi thơm của hoa sen xanh.
2. Được người đời tin phục.
3. Lời nói ra luôn có chứng cứ, được hàng trời, người kính mến.
4. Thường đem lời ái ngữ an ủi mọi người.
5. Được tâm an vui thù thắng, ba nghiệp (thân, khẩu, ý nghĩ) thanh tịnh.
6. Lời nói không lầm lỗi, tâm thường vui vẻ.
7. Nói năng trang trọng, hàng trời, người phụng hành.
8. Trí tuệ thù thắng, không ai chế ngự được.
Đây là tám pháp, nếu đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật, sẽ được lời nói chân thật của Như Lai.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA LỜI NÓI HAI CHIỀU (trước mặt nói thế này-sau lưng nói thế khác, không chân thật) thì liền được năm loại pháp chẳng thể hư hoại. Những gì là năm pháp?
1. Được thân bất hoại (không bị huỷ hoại) vì không ai hại được.
2. Được quyến thuộc bất hoại vì không ai phá được.
3. Được tín tâm bất hoại vì thuận theo nghiệp đã có.
4. Được pháp hạnh bất hoại vì sự tu tập kiên cố.
5. Được Thiện tri thức bất hoại vì không hề lừa dối.
Đây là năm pháp, nếu có thể đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật, được quyến thuộc chân chánh, các ma, ngoại đạo (người sống ngoài mục đích giác ngộ) chẳng thể phá hoại.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA LỜI NÓI THÔ ÁC thì liền thành tựu được tám việc làm trong sáng. Những gì là tám việc?
1. Nói năng luôn chừng mực.
2. Nói ra đều lợi ích.
3. Nói điều chắc chắn hợp lý.
4. Nói lời hay ho.
5. Nói ra người khéo có thể tiếp nhận được.
6. Lời nói luôn được tin theo.
7. Lời nói không ai có thể chê trách.
8. Nói ra người rất ưa thích.
Đây là tám việc, nếu có thể đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật, sẽ được tướng của tiếng Phạm âm nơi Như Lai.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA LỜI NÓI THÊU DỆT (lời bịa đặt, lời vô ích) thì liền thành tựu được ba pháp chắc chắn. Những gì là ba pháp?
1. Chắc chắn được bậc trí thương mến.
2. Chắc chắn có thể dùng trí tuệ giải đáp mọi câu hỏi đúng sự thật.
3. Chắc chắn có được oai đức hơn hết, không hư dối đối với hàng trời, người.
Đây là ba pháp, nếu có thể đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật, sẽ đạt các chỗ được thọ ký của Như Lai luôn đích thật.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA THAM DỤC thì thành tựu được năm pháp tự tại. Những gì là năm?
1. Ba nghiệp tự tại vì các căn đầy đủ.
2. Của cải tự tại vì những kẻ oán tặc không thể chiếm đoạt.
3. Phước đức tự tại vì tuỳ theo ý muốn của mình, mọi của cải đều có đầy đủ.
4. Ngôi vua tự tại vì những vật quý lạ đều được phụng hiến.
5. Của cải có được hơn cả nhiều lần mong ước vì do xưa kia đã không bỏn sẻn, ganh ghét.
Đây là năm pháp, nếu có thể đem hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật sẽ được ngôi vị đặc biệt tôn quý trong ba cõi, mọi người đều cung kính, cúng dường.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA GIẬN DỮ thì tâm liền đạt được tám pháp vui vẻ. Những gì là tám pháp?
1. Tâm không bị phiền não tổn hại.
2. Tâm không giận dữ.
3. Không có tâm tranh chấp.
4. Tâm nhu hoà, ngay thẳng.
5. Đạt được tâm Từ của bậc Thánh.
6. Tâm thường đem lại lợi ích, an vui cho chúng sinh.
7. Thân tướng đẹp đẽ, trang nghiêm, mọi người đều tôn kính.
8. Vì từ hoà, nhẫn nhục nên sớm được sinh lên cõi trời Phạm thiên.
Đây là tám pháp, nếu có thể hồi hướng đến quả vị Bồ-đề vô thượng thì sau khi thành Phật, sẽ được tâm vô ngại, người nhìn thấy không nhàm chán.

Lại nữa, này Long vương! Nếu XA LÌA TÀ KIẾN (những tin tưởng, quan điểm sống xấu ác, si mê) thì liền thành tựu được mười pháp công đức. Những gì là mười pháp?
1. Được tâm ý ưa thích chân thật, bạn bè cũng chân thật.
2. Tin tưởng sâu xa vào nhân quả, nên thà chết chứ không làm việc ác.
3. Chỉ quy y Phật (tức các bậc thánh thiện, giác ngộ chân lí), chẳng (quy y) theo vị trời (tức chúng sinh các cõi thần tiên) nào khác. (“Phật” hay “Bụt” có nghĩa là “Giác”. Chư Phật là các bậc thật sự giác ngộ chân lí vũ trụ và nhân sinh).
4. Tâm chánh kiến, ngay thẳng, dứt hẳn tất cả lưới nghi (nghi ngờ) về lý số tốt xấu (nhân quả tốt xấu).
5. Thường được sinh trong hàng trời, người, chẳng còn rơi vào đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, atula).
6. Vô lượng phước đức và trí tuệ dần dần tăng thêm.
7. Hoàn toàn xa lìa nẻo tà (tà đạo), đi theo con đường của bậc Thánh.
8. Không dấy khởi thân kiến (say mê đeo bám thân thể), xả bỏ các nghiệp ác.
9. An trụ trong sự nhận biết không chướng ngại.
10. Chẳng rơi vào các hoạn nạn.
Đây là mười pháp, nếu có thể đem hồi hướng đến quả vị Bồ-đề vô thượng, thì sau khi thành Phật sẽ sớm đạt được pháp của tất cả Phật, thành tựu thần thông tự tại.
------------------------

THAM KHẢO THÊM:

* "(...) Khuyên thiện tri thức quy y tự tánh Tam Bảo. Phật là Giác vậy, Pháp là Chánh vậy, Tăng là Tịnh vậy (...).” (Pháp Bảo Đàn Kinh; Lục tổ Huệ Năng; Hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng). (Tự tánh Tam Bảo là Tam Bảo trong tâm mình).

* “Người đã tạo điều xấu ác,
Không nên tiếp tục tạo thêm;
Đừng ước muốn điều xấu ác,
Chứa xấu ác sẽ gặp khổ.

Người đã tạo điều thiện lành,
Thì nên tiếp tục tạo thêm;
Hãy ước muốn điều thiện lành,
Chứa thiện lành gặp an vui”.
(Theo Kinh Pháp Cú).

* Nguyễn Chung Tú (nguyên hiệu phó trường đại học Hùng Vương, giáo sư tiến sĩ vật lí) nói: “Có thể nói rằng GIEN NGHIỆP là cái do mỗi người tự tạo cho mình. Khi một người chết đi, thân thể vật lí của người ấy tan hoại, nhưng cái nghiệp ấy vẫn tiếp tục di truyền qua nhiều đời sống của người ấy”.
Ông nhắc lại lời một học giả khác rằng: “TÂM TÍNH LÀ ĐỊNH MỆNH” - một câu nói rất quan trọng. (Nguyệt san Giác Ngộ số 17 năm 1997).

* “Sự sống chúng sinh là một diễn trình gieo nhân-gặt quả của hành vi thân-khẩu-ý (diễn trình của nghiệp); trong đó tính chất tâm ý là trọng tâm.
Nếu xa lìa nghiệp xấu ác đạt mức độ 100% thì quả báo tốt sẽ ảnh hưởng vào dòng nghiệp là 100%; nếu xa lìa nghiệp xấu ác đạt mức độ 50% thì quả báo tốt sẽ ảnh hưởng vào dòng nghiệp là 50%; vân vân…
Có một điều cần quan tâm là, chất lượng của sự gieo nhân và chất lượng của sự gặt quả còn tuỳ thuộc vào trạng thái tâm ý, vào mục đích sống và mục đích tu tập của hành giả… Được hưởng quả báo rất tốt, nhưng tâm chí hiện tại thấp hèn thì không có giá trị cao; không được hưởng quả báo tốt, nhưng tâm chí hiện tại cao cả thì vẫn có giá trị cao. Tuy vậy, phước đức quá ít thì cũng khó tu tập, khó sống hạnh phúc”. (Tuệ Thiền Lê Bá Bôn).

* “Có sự tương tục của nghiệp và kết quả của nó. Cho nên, khi mười thiện nghiệp thanh tịnh được thực hiện, tác giả (tức người tạo nghiệp) chắc chắn sẽ thụ hưởng hạnh phúc trong đời này và sau khi chết được sinh lên các cõi trời”. (Thiền luận-quyển trung; D.T.Szuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

* “Ngài Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng, các truyền thống tôn giáo có thể có sự khác biệt về mặt triết học, nhưng lại chia sẻ một mục tiêu chung”. (Thúc đẩy những giá trị nhân văn; Thuvienhoasen org).

* “Chúng ta có thể xem Pháp thân (Dharmakàya) tương ứng với ý niệm của Thiên Chúa giáo về đức Chúa Cha”. (Daizets Teitaro Suzuki-thiền sư học giả. “Nghiên cứu Kinh Lăng Già”; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* “Tất cả các tôn giáo đều gọi tên Thượng Đế theo ngôn ngữ của mình”. (Simone Weil-nhà triết học, nhà thần bí học Kitô giáo).

* “Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ – là khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia (…). Mọi ngưòi đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ. Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá. (…) Vì vậy có lẽ huyền thoại về địa ngục và thiên đường có cơ sở.
(…) Thầy Đa-ram nói: Năng lượng linh hồn là năng lượng ở ngoài electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra động đất, rơi thiên thạch…”. (Erơnơ Munđasep-nhà bác học-giáo sư tiến sĩ y học) – (Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu; E. Munđasep; dịch giả: Hoàng Giang).

* (Mời đọc thêm các sưu tầm dưới bài thơ Gặp Lại Vầng Trăng - tác giả Tuệ Thiền).
---

(Nguồn: https //quangduc com/a54803/ngay-gio-me-tho)
-----------------

LỄ CHÙA TRONG TÂM
(Gửi em tôi)

Nghe nói em buồn vì không có điều kiện đi chùa lễ Phật. Đừng buồn em ạ, miễn tâm mình biết hướng về điều Phật dạy là vui rồi. Đạo Phật nói: Phật tại tâm.

Có thờ Phật cũng tốt, không thờ cũng được. Thời xưa, nhiều người không quy y, không thọ giới, không thờ Phật, không ăn chay, không đi làm từ thiện... , họ chỉ TU TÂM thôi, mà vẫn đắc đạo.

Đạo Phật nói: Tâm là gốc... TÂM mình chứa nhiều thứ THAM-SÂN-SI (bởi cái “tôi” bất thiện) thì mình mang nhiều NGHIỆP XẤU cho kiếp này và các kiếp sau của mình.

TÂM mình biết giảm bớt tham-sân-si, biết thêm HIỀN HOÀ, CHÂN THẬT, SÁNG SUỐT, AN VUI, không mê tín thì mình tạo NGHIỆP TỐT cho kiếp này và các kiếp sau. Tốt cho mình và ảnh hưởng tốt cho cha mẹ, cho các tâm linh thân quen và tất cả.

Nếu em không biết thiền, thì em LẶNG LẼ NIỆM PHẬT; niệm bằng tâm, không phát ra lời cũng được. Niệm Phật để sám hối tâm tham-sân-si. MỤC ĐÍCH CHÍNH của chánh pháp Phật dạy là giúp mình biết giải thoát tâm tham-sân-si, để bớt LUÂN HỒI trong các con đường khổ...

Mời em đọc thêm các sưu tầm dưới bài thơ Trì Danh "Quán Thế Âm Bồ Tát" (cùng tác giả - thivien net).

Thân ái chào em.
Tuệ Thiền