1.
Những năm những tháng... ngày xưa
Mà lòng cứ ngỡ như vừa hôm qua...
Chuông chiều in bóng quê nhà
Nỗi niềm vạn nẻo... vẫn là cố hương.
2.
Dù đời lắm nỗi đa đoan
Nhớ mùa Kiết Hạ, an nhàn cõi tâm...
Giữa lô xô sóng phù vân
Đáy lòng vẫn ánh trăng rằm tháng Tư.
3.
Lang thang từ thuở luân hồi
Sắc màu nhân thế... mãi rồi cũng bưa...
Chừ về lục bát ta xưa
Ấm tình dân dã nắng mưa quê nhà.
4.
Ngày mai ai có hỏi tôi
Thưa rằng tôi đã chết rồi, hôm qua...
Xin chào tạm biệt gần xa
Bình yên ở lại - thái hoà cõi tâm.
5.
Đuổi bắt muôn vạn sự đời
Tỉnh ra mới biết: cái “tôi”... tìm mình!...
Mến yêu cuộc sống tuỳ duyên
Bổn Lai Diện Mục toạ thiền cùng trăng.
6.
(Trưởng dưỡng Tự tánh Viên Giác: Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa chú tâm vô niệm)
Tạm quên cỏ nội mây ngàn
Trở về cố quận trà đàm cố nhân
Cố nhân: diện mục Pháp thân
Cố hương: Pháp giới thanh xuân yên bình...
Về đây tỏ ngộ chính mình
Thêm duyên cứu khổ chúng sinh muôn trùng.
7.
(Thiền: tri giác vô niệm - lắng nghe - tâm đang là, cái đang là, trong trạng thái nhất thể)
Cõi lòng đâu phải riêng tư
Chung dòng nước mắt chảy từ nghìn xưa!...
Cái “tôi” giã biệt hơn thua
Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa lắng nghe...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Trích trong tác phẩm Đồng Nhất Thể của tác giả Lê Huy Trứ (Thuvienhoasen org):
“Tuệ Thiền Lê Bá Bôn diễn tả về sơ ngộ Bản Lai Diện Mục: “Kiên trì tỉnh giác (kiến chiếu, lắng nghe) thâm sâu và toàn diện trạng thái mê (trạng thái niệm tưởng, tâm ngôn tâm hành), thì tâm có sự đột chuyển (chuyển y, dừng lại): trạng thái sơ ngộ Tâm Không (Viên Giác, tánh Không, niết-bàn, Phật tánh) hiện tiền (bản lai diện mục hiện tiền); và tiếp tục hành thâm (ngộ nhập Viên Giác - mang năng lượng và diệu dụng tự lợi lợi tha tối thượng).”
--
“Trưởng dưỡng Tuệ Giác đại thừa: Miên mật hải triều âm-tuệ quán về Nguồn (định-tuệ nhất thể)”.
Mời đọc thêm phần thảo luận dưới 3 bài thơ: Không Đề, Được Tặng Chân Kinh, Quê Hương Trong Tôi (cùng tác giả). (Dưới bài thơ Không Đề có 3 bài viết ngắn: Lễ chùa trong tâm, Một phương tiện minh tâm-kiến tánh, Nhân quả của năng lượng cảm xúc và suy nghĩ tích cực).
-----------
“Đừng sợ Tánh Không, như kinh điển Bát-nhã thường hay cảnh giác:
Ngôn ngữ đã dứt
Tâm hành cũng xong
Thấm nhuần an lạc
Tự tâm tịch tĩnh.
Phải tìm kiếm cái Tâm tịch tĩnh này ở đâu, đấy là vấn đề trọng đại của tôn giáo, và câu trả lời rất quyết liệt của Đại thừa Phật giáo là: Trong Tánh Không”.
(Thiền luận-quyển trung; thiền sư học giả Daisetz Teitaro Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
--
“(…) Môn đệ của Triệu Châu, Vân Môn và các bậc cổ đức khác không nhằm chứng gì hơn là hoàn toàn đồng hoá hoặc viên dung cái tôi, năng tri và đối tượng của tư tưởng, sở tri”.
(Thiền luận-quyển thượng; D.T.Suzuki; Trúc Thiên dịch).
--
“Điều lôi cuốn nhất đối với chúng ta ở đây là quan niệm về Bản thệ (Pranidhàna) mà một vị Bồ tát phải có khi bắt đầu sự nghiệp của mình và hiện diện suốt tất cả cuộc đời sau này.
Những bản thệ của ngài là: hướng đến giác ngộ, giải thoát hay cứu rỗi hết thảy chúng sinh các loài hữu tình và vô tình”.
(Thiền luận-quyển hạ; D.T.Suzuki; Tuệ Sỹ dịch).
--------------------------------------
NGÂN VỌNG LÒNG TÔI TIẾNG QUÊ XƯA
(Sưu tầm)
* Trích trong Thiền Luận-quyển thượng (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả; Việt dịch: Trúc Thiên; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, PL. 2533 – 1989; Thuvienhoasen org):
“Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. Đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sanh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ luỵ trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được.
Thật vậy, thân thể ta có thể ví như một cục “pin” điện, trong ấy tiềm phục một năng lực huyền bí. Khi nguồn nội lực ấy không được vận dụng đúng cách thì, hoặc bị mốc meo mà mai một, hoặc nghịch biến mà phát loạn. (…) Ta thường quáng mắt không biết mình đang làm chủ cả một kho tàng vô tận gồm đủ năng khiếu cần để sống vui, và thương yêu lẫn nhau. Mọi cuộc tranh đấu diễn ra quanh ta toàn bắt nguồn từ sự vô minh ấy, nên Thiền muốn ta mở bừng con mắt thứ ba - huệ nhãn - theo thuật ngữ Phật giáo, trên cảnh giới ấy ta chưa bao giờ mơ tưởng đến, bị khuất lấp bởi vô minh. Hễ vẹt mây vô minh thì càn khôn toàn hiển, và đó là lúc nhãn quang ta, lần đầu tiên, phóng chiếu tận thể tánh của chúng ta. Bấy giờ, ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống, ta biết rằng đó không phải là một nỗ lực mù quáng, mà cũng không phải là trường thao diễn những bạo lực vô tri. Nhưng dầu không thấu triệt được ý nghĩa tối hậu của kiếp người, vẫn có cái gì trong đó khiến ta vui không cùng để mà sống, và qua mọi cuộc thăng trầm ta vẫn thảnh thơi mà an thân lập mệnh, không thắc mắc, không hoài nghi, không bi quan yếm thế.”
--
* (Sách nêu trên)
“Linh hồn bất tử hay không bất tử, đó là một vấn đề lớn. Ta có thể nói lịch sử tôn giáo toàn xây dựng trên một câu hỏi ấy. Ai ai cũng muốn biết về cái sống sau khi chết. Ta đi đâu sau khi bỏ trái đất này? Thật có một đời sống khác không? Hay hết đời này là hết tất cả? Trong khi phần đông có lẽ không hề bứt rứt về ý nghĩa tối hậu của người cô liêu, “người không bạn”, nhưng chắc không ai khỏi tự hỏi, ít nhất một lần trong đời mình, về số phận của mình sau khi chết.”
--
* (Sách nêu trên)
“Nếu nhân “một niệm dấy lên”, vô minh đi vào đời ta, thì sự thức tỉnh của một niệm (hoặc tư tưởng) khác phải chấm một dấu chấm hết cho vô minh, và quyết định cơ Giác Ngộ. Và trong trạng thái ấy không còn một tư tưởng nào là đối tượng của bất cứ ý thức luận lý hoặc suy luận kinh nghiệm nào; vì trong Giác Ngộ, người nghĩ, sự nghĩ và ý nghĩ đều hoà tan trong một hành vi duy nhất là kiến chiếu trong thực thể của Chính Mình.”
--
* (Sách nêu trên)
“Nếu Giác Ngộ đã làm cho toàn thể vũ trụ rung chuyển sáu cách khác nhau như kinh chép thì vô minh, khi chưa bị hàng phục, ắt vẫn có đủ thần lực ấy, dầu rằng, vì bổn chất và hiệu lực, thần lực ấy diễn ngược hẳn lại với Giác Ngộ. (…).
Thoạt tiên - nhưng thực sự không đâu là thoạt tiên hết trong lẽ đạo, ngoại trừ trong cuộc sống hữu hạn của ta, ý chí nảy ra một cái muốn, muốn tự biết nó; ấy thế là mống lên một ý thức, là động niệm, và hễ động niệm thì ý chí bị phân hai. Ý chí, bổn lai là một, là viên mãn một, giờ đây bỗng phân hoá làm hai, thành chủ và khách. Xung đột, do đó, không tránh được. Chủ thì muốn thoát ly tất cả những gì ràng buộc nó trong ước vọng hiểu biết. Kể ra tự nó, nó có khả năng biết được, nhưng đồng thời, với tính cách là khách, vẫn có cái gì nó không thể biết được. Trên đường cầu hiểu biết, vô minh theo liền kiến thức, khắc nghiệt như một định mạng, như bóng theo hình, không sao tách rời được hai ông bạn đồng hành ấy. Nhưng ý chí với tính cách là chủ, buộc phải trở về uyên nguyên, như khi chưa phân hoá thành mâu thuẫn, tức là chốn thanh tịnh an nhiên. Nhưng “tình quê” ấy không thể thoả mãn được nếu không trải qua những thử thách dẳng dai, đầy kham khổ. Bởi lẽ một khi cái một bị tách làm hai rồi thì chiến đấu là cần, rất dõng mãnh, mới phục hồi được nguyên trạng. Nhưng phục hồi không phải chỉ là phản bổn hoàn nguyên, vì cái “bổn” ban đầu nhân phân hoá, chiến đấu và hoàn phục còn được sang giàu thêm gấp bội.
Khi sự phân hoá mới phát hiện đầu tiên ở ý chí, ý thức mảng say mê nó mới nó lạ, nó có tài giải quyết những vấn đề thực dụng nên quên mất sứ mạng của nó, là chiếu sáng ý chí. Thay vì chuyển ngược cái sáng vào trong chính nó nghĩa là vào ý chí, tự đó nó bắt nguồn hiện hữu, nó lại đeo dính thế giới khách trần, hiện tượng và khái niệm. Thảng hoặc nó phản tỉnh lại mà nhìn vào trong thì thấy ngay ở đó một thế giới thuần nhất tuyệt đối, và những gì là đối tượng bấy lâu nó khao khát tìm hiểu lại vẫn là chủ thể, tức chính nó vậy. Gươm không tự chặt được gươm. Ý thức không quét sạch được vô minh vì vô minh là thể chất cố hữu của ý thức. Chỉ còn có cách là ý chí vận hết khí lực bình sanh để tự minh tự độ, mà vẫn không phá đổ ý thức cố hữu, hoặc nói đúng hơn, là để thấu đạt đến căn nguyên xung yếu nhất của ý thức. (…) Trong ý chí thật ra còn có cái gì khác hơn là ý chí, còn có cái biết và cái thấy. Thấy là tự thấy, nhân đó Ý Chí được tự do tự chủ. (…)”.
--
* (Sách nêu trên)
“Vô minh là bỏ nhà ra đi, và Giác Ngộ là trở về. Suốt thời gian phiêu bạt, ta nếm đủ mùi khổ đau cay đắng, nên cõi trần ta sống đây chắc không có gì đáng thèm khát quá vậy. Tuy nhiên, Giác Ngộ đến là chấm dứt tất cả, tưởng như một lần nữa ta trở về ngồi yên trong nhà ta, ở đó bổn lai là tự do và yên tịnh. (…).
Cảm giác trở về nhận lại những cựu sự xa xưa chứng nghiệm trong giây phút thành đạo là việc rất thường gặp ở những người tu Thiền. (…) Với người thâm ngộ, “phản bổn hoàn nguyên” có nghĩa là sau bao thuở lưu lãng phong trần, một lần nữa Ý Chí trở về ngôi nhà cũ an thân lập mệnh với một kho tàng chứng nghiệm vô biên, và một huệ giác chiếu diệu khả dĩ sẽ soi từng bước đi trong cõi đời vô tận.”
--
* Trích trong Thiền Luận-quyển trung (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả; Việt dịch: Tuệ Sỹ; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, PL. 2533 – 1989; Thuvienhoasen org):
“Như vậy, Ngộ là toàn thể của Thiền, Thiền bắt đầu từ đó mà chấm dứt ở đó. Bao giờ không có Ngộ, bấy giờ không có Thiền. “Ngộ là thước đo của Thiền” như một tôn túc đã nói. Ngộ không phải là một trạng thái an tĩnh không thôi; nó không phải là sự thanh thản mà là một kinh nghiệm nội tâm không có dấu vết của tri thức; phải là sự thức tỉnh nào đó phát khởi từ lãnh vực đối đãi của tâm lý, một sự trở chiều với hình thái bình thường của kinh nghiệm vốn là đặc tính đời sống thường nhật của chúng ta. Thuật ngữ của Đại thừa gọi đó là chuyển y (Paravritti) “quay trở lại” hay lật ngược ra cái cơ sở của tâm ý, ở đây toàn bộ kiến trúc tâm thức trải qua một cuộc thay đổi toàn diện. Điều kỳ diệu là một cái thấy của Ngộ (satori) có thể gây ra một lần tái tạo như thế trong cái nhìn của tâm linh. Nhưng các ký lục của Thiền minh chứng điều này có thực. Do đó sự phát khởi của Bát-nhã ba-la-mật, một biệt danh của Ngộ (satori), là tinh yếu của Thiền.”
--
* (Sách nêu trên)
“Sự kiện quan trọng đối với kinh nghiệm tôn giáo, cần phải ghi nhận nơi đây. Là nó ráo riết đòi hỏi kẻ tìm kiếm Thượng Đế hay chân lý vứt bỏ tất cả kiến thức và học thuật mà y thâu lượm được. Dù là Kitô hữu hay Phật tử, dù là Tịnh độ hay Thánh đạo, sự đòi hỏi ráo riết ấy đều quan trọng ngang nhau. (…).
Lý do tại sao các bậc Đạo sư không ưa lối trí năng là thế này: nó không mang lại cho chúng ta bản thân sự vật, mà chỉ có những biểu tượng, những hình ảnh, những giải thích và những liên hệ của chúng; luôn luôn nó dẫn chúng ta ra khỏi chính mình, nghĩa là chúng ta lạc vào rừng rậm của suy lý và tưởng tượng không cùng, không cho chúng ta sự thanh bình nội tại và sự an dưỡng tâm linh. Trí năng bao giờ cũng nhìn ra ngoài, quên rằng “có một cái nhìn bên trong có khả năng trực nhận Thượng Đế chân thật Độc Nhất.”
--
* Trích trong Thiền Luận-quyển hạ (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả; Việt dịch: Tuệ Sỹ; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, PL. 2533 – 1989; Thuvienhoasen org):
“Phát bồ đề tâm” trong Phạn ngữ là bodhicittotpàda, mà nói đủ là “anuttaràyàm samyaksambodhau cittam utpàdam”, tức là : Phát khởi vô thượng chánh giác tâm. (…).
Do đó, Bodhicittotpàda là một sự kích phát tâm linh mới mẻ, nó thay đổi trung tâm năng lực của ta. Đó là sự trước ý về một khát vọng tôn giáo mới mẻ, tạo ra một sự đột biến trong cơ cấu tinh thần của ta. Một người trước kia vốn là kẻ bàng quan đối với đời sống tôn giáo, nay y ấp ủ một ước vọng nóng bỏng mong giác ngộ, hay mong cầu nhất thiết trí (sarvajnatà), trọn cả dòng sống ngày mai của y được xác định từ đó - đó là Bodhicittotpàda. (…).
Giác ngộ không phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ. Khi mà tôi giác ngộ, thì trọn cả Pháp giới (Dharmáphàtu) cũng giác ngộ; thực sự , cái lý giác ngộ của tôi là cái lý của Pháp giới (Dharmadhàtu), cả hai buộc trói lẫn nhau rất sít sao. Vì vậy, nói rằng tôi đã có thể thai nghén một hoài bão to tát cho sự giác ngộ, cái đó nghĩa là cả thế gian đều muốn được giải phóng khỏi vô minh và những dục vọng tội lỗi. Đó là ý có nghĩa của những lời được dẫn dưới đây, phát ra từ Hải Vân tỳ kheo (Sàgramegha), một trong những vị thầy mà Thiện Tài (Sudhana) đến viếng trong cuộc lữ hành cầu đạo trường kỳ của mình: “Hay thay, ông đã làm trỗi dậy ước vọng mong cầu giác ngộ tối thượng; đó là việc không thể có cho những ai chưa từng chứa nhóm đầy đủ thiện căn trong những đời quá khứ.” Cái được gọi là “thiện căn” chỉ có giá chừng nào nó làm ích lợi cho tất cả thế gian. Nếu không thể phụng sự cho toàn thể môi trường gồm những thân thuộc mà mình đứng trong đó, nghĩa là, nếu cái nhìn tâm linh của mình mà không trải ra đến bờ cõi xa xôi nhất thì Thiện đức (kusala) của y không phải là “Thiện đức” thứ thiệt, và chẳng có cái lối chứa nhóm nào như vậy mà lại có thể làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ.”
--
* Theo Nguồn Thiền (thiền sư Tông Mật - hoà thượng Thích Thanh Từ dịch), để chỉ điểm cho sự giác ngộ, thiền sư Thần Hội nói: “Một chữ “biết” (tri) là cửa của các thứ nhiệm mầu”.
Cái “biết như thực” này là giác, là thấy, là nghe, là nhận biết trong trạng thái tâm vô niệm.
Trạng thái tâm vô niệm có diệu dụng tự tri tự ngộ và mang ánh sáng thanh tịnh.
Nói chung, đó chính là trạng thái chú tâm vô niệm. Trong Bút Hoa (dịch giả Ẩn Hạc), ngài Jiddu Krishnamurti nói: “Sống là chú tâm, không nằm trong biên cương của tư tưởng, trong giới hạn của cảm thức”.
--
* Trích trong Lửa Giác Ngộ (Jiddu Krishnamurti - danh nhân giác ngộ được Liên Hiệp Quốc tôn vinh, ngài không theo tôn giáo nào cả; Đào Hữu Nghĩa dịch):
“Tôi biết thức là quá khứ. Bà hỏi: Không chuẩn bị, không tu tập, không quán xét, liệu có thể thấy trọn vẹn nội dung của thức và thoát khỏi đó không? (...).
Tôi vẫn chủ trương rằng có thể thấy toàn bộ nội dung của thức, tức là sự động đậy của tư tưởng - động niệm cùng tất cả chủng loại, mẫu mã và đặc tính khác biệt của tư tưởng; thấy tức thời và thoát khỏi đó, đạt đến một trạng thái ở đó tư tưởng đã dứt.
(...).
Toàn giác không thể đến qua thời gian, qua tư tưởng, qua dò xét tìm hiểu. Toàn giác chỉ có thể xảy đến một cách tức thì. Nếu là thế, thì cần gì phải chuẩn bị?
(...).
(Ví dụ) Phật nói, “Buông xả”, nhưng tôi không nghe. Tôi tin Phật nhiều lắm nhưng tôi không nghe. Tôi không nghe vì việc bám chấp vốn là quan trọng trong cả cuộc đời tôi, là cả cuộc đời tôi; và như một cú đánh, Phật nói, “Buông đi”. Và tức khắc tôi buông nó...
(Người hỏi) Phải chăng lúc buông cũng là lúc giác tri hay giác ngộ?
Vâng.
(...).
Tôi có xem thức này chỉ là cõi giới của riêng tôi không? Chắc bạn thấy, khám phá rằng tất cả mọi người đều cô độc và rằng tất cả mọi người đều đau khổ, tôi đã khám phá điều gì đó vô cùng khủng khiếp. Khám phá thức là của toàn nhân loại là một tri giác độc đáo phi thường”.