Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Tuệ Thiền » Đường về minh triết (2007)
Áo bồng bềnh đời du tăng khất sĩ
Mắt bình yên nhìn thế sự phù vân
Trao thức giả lời ngọc vàng minh triết
Tặng hiền nhân niềm cảm hứng nhân văn
Từng bước nhẹ vô danh cùng hoa cỏ
Bình bát bao dung đón nhận khen-chê
Trí siêu việt giữa tâm hồn khiêm hạ
Thấy Đạo rồi: tình thắm đượm từ bi.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
TRÍCH LỜI KINH BÀHIYA
(Kinh Phật giáo nguyên thuỷ; nguồn: Theravada vn; người dịch: Tì kheo Indacada)
(Theo kinh, ngài Bāhiya là một người theo đạo Bà La Môn, có khát vọng sống cuộc sống giải thoát sinh tử luân hồi. Lần đầu tiên ngài gặp đức Phật, ngài tha thiết xin Phật chỉ giáo.
Theo tôi (TT LBB), có lẽ ngài đã có sẵn định lực và khát vọng cao, nên vừa nghe Phật thuyết xong bài pháp này, ngài đã đắc quả giải thoát. Theo tôi, ngài đã chứng ngộ “Tâm thấy biết-vô niệm”, đã chứng đắc Vô ngã, Vô trụ - chứng đắc Niết bàn).
--
“Này Bāhiya, như thế thì ngươi nên học tập như vầy: Trong việc thấy sẽ là thuần tuý việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần tuý việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần tuý việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần tuý việc nhận thức.
Này Bāhiya, ngươi nên học tập theo đúng như vậy.
Này Bāhiya, khi nào đối với ngươi, trong việc thấy sẽ là thuần tuý việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần tuý việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần tuý việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần tuý việc nhận thức, này Bāhiya, khi ấy ngươi không là với điều ấy. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là với điều ấy, này Bāhiya khi ấy ngươi không là trong đó. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là trong đó, này Bāhiya khi ấy ngươi đương nhiên không là ở đây, không là ở kia, không là ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của Khổ.”
------
THAY LỜI CẢM TẠ BẬC MINH SƯ VĨ ĐẠI
Đức Phật Thích Ca – một trong những minh sư vĩ đại
(Xin nhấn mạnh: “một trong”, chứ không phải là “duy nhất”)
Tôi nhớ (đại khái) những lời minh triết của Ngài
Ngài nói: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!
Ngài nói: Đừng vội tin bất cứ gì, ngay cả lời của Phật
Ngài nói: Chân lí là chân lí, ai nói cũng vậy thôi
Ngài nói: Những điều tôi đã dạy, chỉ ít ỏi như một nắm lá giữa rừng
Ngài nói: Đường tu tập có hơn tám vạn bốn nghìn pháp môn
Ngài nói: Chia sẻ đạo lí, phải biết khế lí khế cơ
Ngài nói: Phải biết quý dù là điều thiện nhỏ
Ngài nói: Phải biết vui theo công đức của người khác
Ngài nói: Phải mẫn cảm từ bi với bể khổ chúng sinh
Ngài nói: Đừng chấp thủ “hơn thua” về ngôn từ, hình tướng
Ngài nói: Mục tiêu cuối cùng là giải thoát vô minh và cố chấp nhân-ngã
Ngài nói: Phải tu tâm để có tâm thái thiện ích-hoà bình
Và vân vân, vân vân…
Tôi cảm động với những lời minh triết
Nên không kì thị tôn giáo này tôn giáo kia
Tôn kính mọi tôn giáo và văn hoá có những điều hướng thiện tâm linh
Tôn giáo nào cũng có những lỗi lầm và có những điều đáng học
Kinh luận nào, triết lí nào cũng “tam sao thất bổn”…
Tôi biết minh sư vĩ đại nhất của chính mình
Là tự tri-tỉnh thức
Để giải thoát khỏi những khuôn đúc của cái “tôi”
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã”
Là mẫu số chung của đạo của đời (*)
Là ngọn đuốc soi đường, biết tuỳ duyên-bất biến…
Tôi cảm động với những lời minh triết
Nên tôn kính Phật giáo nguyên thuỷ
Cũng như tôn kính Phật giáo đại thừa (phát triển)
Tôn kính Mật tông, Thiền tông, Tịnh độ tông…
Và tôn kính mọi giao thoa văn hoá hướng thiện tâm linh
Biết chân lí là của chung
Nên ung dung Chân-Thiện-Mĩ trên mọi nẻo đường thuận-nghịch
Trong hữu tướng, biết mục tiêu vô tướng
Trong hữu hạn, biết sống với Vô Cùng
Cùng bạn lữ trên đường về Tối Thượng
Tin yêu mọi người cùng hướng thiện tâm linh
Chia sẻ thiện lành cùng tất cả chúng sinh.
30/9/2013
***
(*): -“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ,
là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền;
mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ,
cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.
-“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
(Đường Về Minh Triết-có bổ sung về thiền & tâm linh).
(Thuvienhoasen org)
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
------
VÀI SƯU TẦM:
* “Chú tâm liên tục không tập trung vào bất kì đối tượng nào... Đây là sự chú tâm liên tục do đức Phật khám phá và truyền dạy nhưng ít ai biết đến, là phát minh rất đặc biệt (...)”.
(Tuệ tri hai loại chú tâm; Batchanhdao vn)
* “Nếu trong giác có sự chọn lựa, ta lại lọt trở lại trong thức. Giác vốn vô ngôn, phi ngôn từ, giác không quan hệ với tư tưởng. Ta gọi giác đó là chú tâm. Khi có chú tâm thì không có không chú tâm (...).
(...) Trong trạng thái không chú tâm, có một số hành động diễn ra và gây tạo thêm nhiều đau khổ, hỗn loạn, đảo điên mới khác. (...) Thấy mình không chú tâm là chú tâm.
Chú tâm ảnh hưởng lên tế bào não”.
(Lửa giác ngộ; danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti; dịch giả Đào Hữu Nghĩa)
* “Chính giác quan tạo ra cái “tôi”, rồi cũng chính giác quan tra xét cái “tôi”. Hành động tra xét đó mang lại ánh sáng, nhưng không phải là toàn bộ ánh sáng mà chỉ một phần ánh sáng thôi.
(...) Vâng, động thái tra xét đó đem lại sự sáng suốt. Nói thế đi. Nhưng sự sáng suốt đó có thể mở rộng ra được không?
(...) Tôi đã nói rằng tri giác không chỉ thuộc thị giác mà cả phi thị giác nữa. Ta đã nói rằng giác là động thái soi sáng”.
(Lửa giác ngộ; Krishnamurti)
* “Chắc bạn thấy, quan sát không chỉ bằng giác quan mà trong sự quan sát còn có lòng từ, còn có tình thương.
(...) Trong não có sự hoạt động hỗn loạn và mâu thuẫn lớn lao. Tình yêu thương, lòng từ không phải thế. Cho nên dứt khoát phải có một cái gì đó bên ngoài não”.
(Lửa giác ngộ; Krishnamurti)
* Theo một số người chết hồi sinh, khi linh hồn bắt gặp Ánh Sáng mầu nhiệm thì nó không còn sợ cái chết nữa.
(Theo nhà nghiên cứu tâm linh-tiến sĩ y học Deepak Chopra; trong Sự sống sau cái chết: gánh nặng chứng minh)
* “Ervin Laszlo (lí thuyết gia lừng danh về khoa học và ý thức người Hungary) nói, Trường Điểm Không - Akasha - hiện thực hơn vũ trụ hữu hình. Akasha tổ chức và phối hợp mọi phóng chiếu chúng ta gọi là thời gian, không gian, vật chất và năng lượng. (...).
Nếu tôi chết và thông tin chứa trong bộ não của tôi sống sót, điều đó có nghĩa là tôi sẽ sống sót không? Sống sót có nghĩa là còn nguyên vẹn ở vài mức độ - tư duy, nhân cách, trí nhớ hoặc linh hồn - cái là “tôi”. Đối với một người duy vật, khi bộ não chết, con người cũng chết. Rất may là, qua hai thập kỉ cuối, vài thí nghiệm tài tình đã vực dậy hi vọng rằng tư duy mở rộng ra ngoài bộ não, và các phẩm chất bạn và tôi nâng niu, như tình yêu và chân lí, có thể vĩnh viễn nằm trong trường.
Càng đến gần với việc chúng ta có thể chỉ ra trường có tư duy, thì khả năng tư duy của chúng ta có thể sống sót sau cái chết càng đáng tin hơn”.
(Sự sống sau cái chết: gánh nặng chứng minh; Deepak Chopra; Trần Quang Hưng dịch; nxb Văn hoá Sài Gòn, 2010).
* “Kinh nói: Một niệm tịnh tâm là đạo tràng, còn thù thắng hơn tạo tháp bảy báu như hằng sa. Tháp báu rồi sẽ nát thành bụi, một niệm tịnh tâm thành tựu được quả Phật”.
(Chơn Tâm trực thuyết; thiền sư Phổ Chiếu; thầy Thích Đắc Pháp dịch).