Ngày xưa hồi còn thơ
Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ
Tôi cùng em, hai đứa
Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa.
Tóc em chừa bánh bèo
Môi chưa hồng, da mét
(con nhà nghèo!)
Đầu tôi còn hớt trọc
Khét nắng, hôi trâu, thèm đi học
Em cầm một củ khoai
Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai
Thứ khoai sùng lượm mót
Mà sao nó ngọt ơi là ngọt!

Bây giờ giữa đường đời
Kỷ niệm ngày xưa xa mù khơi
Gặp nhau chiều mưa lạnh
Hai đứa đều sang trong bộ cánh
Dung nhan em còn tươi
Anh mừng tưởng đâu đời em vui.

Nào hay đây là quán
Em bẹo hình hài rao lên bán
Đang thời đông khách mua
Chợ thịt còn sung được nhiều mùa.
Nghe anh theo nghề viết
Nghệ thuật là gì em muốn biết.
- “Mùi tanh nói mùi thơm
Cây bút cầm tay: cần câu cơm
Đó, em ơi! Nghệ thuật:
Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật.”
Rồi đôi ta nhìn nhau
Không ai đánh mà nghe đau
Em mời ăn bánh ngọt
Nhớ củ khoai sùng ngày xưa lượm mót
Đường bánh tươm vàng mơ
Như nắng chiều xưa khoe màu tơ
Mới cầm tay chưa cắn
Mà sao nó đắng, ơi là đắng!

Xin anh một nụ cười
- Cười là sao nhỉ? Anh quên rồi!
Xin em chút nước mắt
Mạch lệ em từ lâu đã tắt!
Hỏi nhau buồn hay vui?
- Biết đâu; ta cùng hỏi cuộc đời.


Bài thơ được đăng trên tạp chí Vui sống số 9 năm 1959 với bút danh Minh Phẩm, sau đó được nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng trong tập truyện Quán bên đường nhưng không ghi tên tác giả. Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và phát hành bài này thành bản nhạc Quán bên đường vào cuối thập niên 60, để tên tác giả là “Vô danh” vì nhà văn Bình Nguyên Lộc không nhận là của mình.

Sau này khi sang Mỹ, trong trang web của mình, Phạm Duy lại ghi tên tác giả là Bình Nguyên Lộc với chú thích: “Sau này, khi gặp lại anh ở Hoa Kỳ, anh cho phép tôi đề tên anh là tác giả”. Điều mâu thuẫn là lúc đó ông Bình Nguyên Lộc đã mất từ lâu rồi và trong một email của ông được phổ biến sau này trên mạng để trả lời câu hỏi về lai lịch của bài thơ này nhạc sĩ Phạm Duy cho biết “Chưa bao giờ anh Lộc nói với tôi tác giả là ai”.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]