Trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu – một trong hai tác phẩm có giá trị nghiên cứu nhất của Dương Quảng Hàm in lần đầu năm 1941 đến nay được in lại nhiều lần, trong chương 13, giới thiệu về các thể loại thơ văn, mục nói về thơ tứ tuyệt, ông có dẫn bài thơ Đề chùa Vô Vi của tác giả Vô danh, như sau:

Vắt vẻo sườn non Trạo,
Lơ thơ mấy ngọn chùa.
Hỏi ai là chủ đó?
Có bán tớ xin mua.
Cho đến nay, rất nhiều người trong các công trình nghiên cứu hay giảng dạy của mình cũng dẫn bài thơ trên từ Việt Nam văn học sử yếu với cùng một nội dung và đều ghi của tác giả vô danh.

Tuy nhiên, một người bạn tôi là anh Nguyễn Học trong một lần đi chơi chùa Vô Vi, đã chụp được hình một tấm bia ma nhai gửi cho tôi xem. Tôi đã đọc và thấy nội dung chính là bài thơ Đề chùa Vô Vi trong Việt Nam văn học sử yếu mà Dương Quảng Hàm đã dẫn, tuy nhiên, nó có ghi rõ tên tác giả, cả quê quán, và đặc biệt có một chữ khác với nội dung bài thơ vẫn được lưu truyền lâu nay. Cụ thể nội dung bài thơ là:
Vắt vẻo sườn non Trạo,
Lơ thơ mấy ngọn chùa.
Hỏi ai là chủ đó?
NÀO bán tớ xin mua!
(Từ Ô – Trần Văn Tăng đề.)
Chữ đầu, trong câu cuối của bài thơ là chữ “Nào” chứ không phải chữ “Có”. Tuy chỉ một chữ, nhưng rõ ràng ý tứ đã khác hẳn. Nếu như câu “Có bán tớ xin mua” chỉ dừng lại ở chỗ thăm dò, hỏi han. Thì câu “Nào bán, tớ xin mua” lại ở một mức độ cao hơn, thúc giục, mong mỏi hơn, nó cho thấy cái tình mến yêu phong cảnh của tác giả hơn hẳn một mức.

Và đặc biệt, quan trọng hơn, nội dung văn bia đã cho thấy rõ bài thơ là của Trần Văn Tăng – người làng Từ Ô (huyện Thanh Miện – Hải Dương) – cùng quê, và biết đâu đấy, cùng họ với cụ Trần Văn Giáp – một nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng.

Cũng ở chùa Vô Vi, ông Trần Văn Tăng còn có đề một bài thơ Nôm khác, có tiêu đề là: Trùng phỏng Vô Vi tự (Lại đến thăm chùa Vô Vi) Nội dung như sau:
Trùng Phỏng Vô Vi Tự
- (Tiên động chi bàng, Vô Vi Phật tự. Thuỳ kỳ tạo chi, Thiền sư Đại sĩ.)(*)

Bên này Thiên Trúc nọ Bồng Lai,
Đem cảnh thanh u đặt giữa trời.
Trang điểm đã nhờ ơn Đại Sĩ;
Độ trì còn đội đức Như Lai.
Mượn nền đá phẳng đề năm vận,
Sẵn quả chuông kêu đấm mấy hồi.
Cảnh ví mến người, người lại lại,
Đã vô vi khéo cũng lôi thôi.
Và dòng lạc khoản: Duy Tân Giáp dần thu - Từ Ô Trần Văn Tăng bái đề. (Mùa thu năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân – 1914, Trần Văn Tăng người Từ Ô bái đề) Như vậy, có thể bài thơ tứ tuyệt (vốn không có tiêu đề, tạm gọi là Đề chùa Vô Vi) đã được Trần Văn Tăng đề trong lần tới thăm chùa Vô Vi trước đó, tức thời điểm bài thơ ra đời là trước năm 1914 vậy.

Dẫu chỉ là một bài thơ nhỏ, nhưng có lẽ việc đính chính lại một chữ, và trả lai nó cho đúng tác giả là điều cần thiết cho những lần tái bản Việt Nam văn học sử yếu sau này, cũng như những ai sử dụng bài thơ trong các công trình của mình.


10-2018
Châu Hải Đường

(*) Nghĩa là: Bên cạnh động tiên, Có chùa Vô Vi. Ai tạo dựng nên? Thiền sư Đại sĩ!

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.