西征道中(再征哀牢)

錦帆輕趁浪花開,
篷底厭厭首不抬。
三峽暮雲無鴈到,
九灘明月有龍來。
淒涼行色添宮夢,
撩亂閒愁到酒杯。
漢武藩招窮黷謗,
男兒得得若為哉。

 

Tây chinh đạo trung (tái chinh Ai Lao)

Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai,
Bồng để yêm yêm thủ bất đài.
Tam Giáp mộ vân vô nhạn đáo,
Cửu Than minh nguyệt hữu long lai.
Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,
Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.
Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,
Nam nhi đắc đắc nhược vi tai!

 

Dịch nghĩa

Buồm gấm (thuyền chiến) nhẹ nhàng đuổi theo nhau làm tung lên những hoa sóng,
Dưới mui thuyền láp nháp ướt, đầu không muốn ngẩng lên.
Tại Tam Giáp, trong mây chiều chim nhạn không thấy bay đến,
Ở bãi Cửu Than vào đêm trăng sáng chắc rồng đã hiện ra.
Vẻ thê lương tạo thêm màu sắc buồn bã cho những cơn mộng nơi hành cung,
Lòng ngổn ngang trăm mối (vì việc nước) đã đến cùng chén rượu.
Hán Vũ Đế đánh dẹp phiên bang nhiều lần mang tiếng hiếu chiến,
Nam nhi tuy làm được như vậy cũng không phải là chuyện đáng khen đâu!


Sở dĩ vua Trần Nhân Tông đem quân đi đánh Ai Lao vì trước đó Ai Lao đã nghe lời dụ dỗ hứa hẹn của nhà Nguyên đánh vào mặt phía tây của nước ta trong khi Thoát Hoan đánh vào từ mặt bắc. Lần này khi đi tây chinh Ai Lao lần thứ nhì năm 1294 có những tướng giỏi đi theo như Phạm Ngũ Lão, Trung Thành Vương... Tuy đánh Ai Lao là chuyện bắt buộc để giữ an ninh mặt phía tây nhưng vua Trần Nhân Tông đã cho biết nhà vua không thích chiến tranh, không muốn mang tiếng say chinh chiến như Hán Vũ Đế.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của (Không rõ)

Buồm gấm đuổi nhau hoa sóng bay
Dưới mui người mệt chẳng ngẩng đầu
Mây chiều nhạn vắng vùng Tam Giáp
Trăng sáng rồng về bãi Cửu Than
Thê lương thêm sắc đường cung mộng
Tâm tư trăm mối chén rượu cay
Hán Vũ tiếng đồn say chinh chiến
Nam nhi được thế nào có hay!

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
24.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Lê Văn

Buồn gấm vèo bay, hoa sóng tung,
Đầu nghe mệt mỏi dưới mui bồng.
Mây chiều Tam giáp trông không nhạn,
Trăng sáng Cửu than thấy có rồng,
Quạnh quẽ dặm xa mơ điện cũ,
Vấn vương sầu lắng thấm ly nồng.
Hán hoàng mang tiếng say chinh chiến.
Lật đật nam nhi có uổng công?

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Buồm giương lướt gió sóng lồng
Mui thuyền ướt đẫm, đầu không ngước nhìn
Mây chiều Tam Giáp nhạn vòng
Cửu Than trăng sáng ắt rồng hiện ra
Hành cung giấc mộng buồn xo
Tâm tư trăm mối một vò rượu cay
Chiến chinh Hán Vũ trót say
Nam nhi như thế có hay đẹp gì

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Buồm gấm đuổi nhau hoa sóng lồng,
Dưới mui người ướt chẳng buồn trông.
Mây chiều Tam Giáp không tin đến,
Trăng sáng Cửu Than chắc hiện rồng.
Mộng ảo hành cung buồn bả quá,
Ngổn ngang trăm mối rượu chung nồng.
Dẹp phiên hiếu chiến như vua Hán,
Được thế nam nhi khen đáng không?

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đỗ Trung Lai

Thuyền đè hoa sóng về tây
Người không ngẩng mặt, nước đầy trong mui
Chiều mây, không nhạn lưng trời
Đêm trăng, sông có rồng bơi về chầu
Hành cung lau xám một màu
Lòng vuơng trăm mối, tiêu sầu một chung
Tây chinh Vũ đế dày công
Còn mang tiếng trọng binh nhung đời đời!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đoàn Thị Thu Vân

Buồm đi hoa sóng nở tung
Dưới mui thuyền ướt người không ngẩng đầu
Cửu Than trăng sáng rồng chầu
Mây chiều Tam Giáp nhạn đâu thấy về
Hành cung lạnh giấc mơ khuya
Lòng sầu mượn chén rượu kia gửi tình
Đời chê Hán Vũ cuồng chinh
Làm trai khổ việc đao binh ích gì


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Minh

Thuyền gấm lướt tung làn hoa sóng
Dưới mui thuyền không ngóng phía trên
Buổi chiều Tam Giáp nhạn yên
Cửu Than trăng bãi hiện lên rồng vàng
Vẻ buồn bã nơi hành cung mộng
Lòng ngổn ngang buồn uống chén vàng
Thực dân Hán Đế tiếng mang
Nam nhi làm thế rõ ràng không nên.

15.00
Trả lời