Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Trần Đăng Khoa
Đăng bởi Die Autumn vào 26/03/2009 02:14
Tặng đồn đội tôi ở Quân khu I, nhân 50 năm thành lập Quân khu
Ta ngự giữa đỉnh trời
Cạnh một vùng biên ải
Cho làn sương mong manh
Hoá trường thành vững chãi
Lán buộc vào hoàng hôn
Ráng vàng cùng đến ở
Bao nhiêu là núi non
Ríu rít ngoài cửa sổ
Những mùa đi thăm thẳm
Trong mung lung chiều tà
Biết bao chàng lính trẻ
Đã thành ông bố già
Áo lên màu mốc trắng
Tóc đầm đìa sương bay
Lời yêu không muốn ngỏ
Sợ lẫn vào gió mây
Bỗng ngời ngời chóp núi
Em xoè ô thăm ta
Bàng hoàng, xô tung cửa
Hoá ra vầng trăng xa.
Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Đồ Nghệ ngày 07/09/2009 11:39
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Đồ Nghệ ngày 08/09/2009 08:10
Trần Đăng Khoa làm bài thơ này từ năm 1998 mà tôi cứ ngỡ như thi sĩ nổi tiếng này vừa mới viết xong. Tôi hình dung ra anh đang đứng trên một đỉnh núi nào đó của vùng Cực Bắc Tổ quốc thân yêu, trong màu áo lính biên phòng vừa nheo nheo mắt tủm tỉm cười vừa đọc thơ:
Ta ngự giữa đỉnh trời / Canh một vùng biên ải / Cho làn sương mong manh / Hoá trường thành vững chãi.
Nhân vật trữ tình đã hiện ra ngay từ đầu, rất đàng hoàng, đĩnh đạc: anh lính biên phòng. Và, cũng cần phải khẳng định ngay rằng những người lính mang quân hàm màu lá cây ấy rất trẻ. Trẻ thì mới xưng danh một cách phong độ ngạo nghễ như thế ấy. Ta ngự giữa đỉnh trời. Không phải tôi mà ta; ta có thể là một nhưng cũng có thể là nhiều. Một chiến sĩ hay một đội ngũ, đều đúng cả. Chững chạc. Đàng hoàng. Cái chững chạc đàng hoàng của người biết rõ vị thế và phận sự của mình. Dường như có cả sự ngang tàng hóm hỉnh trong đó. Bởi nó là ngự (cao sang, tự hào) chứ không phải là đứng, đi, ngồi thông thường. Chất lính trẻ đã tràn vào thơ, ùa vào câu chữ một cách hồn nhiên và khéo léo. Chả trách bài thơ trẻ lâu thế, hơn thập kỷ rồi mà nó vẫn roi rói tuổi hai mươi.
Trên đỉnh trời vòi vọi cheo leo ấy, cảnh vật thật nên thơ, thiên nhiên gắn bó bạn bầu với con người, lãng đãng tíu tít bên nhau:
Lán buộc vào hoàng hôn/ Ráng vàng cùng đến ở/ Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ
Cái thực vào cái ảo đã hoà trộn vào nhau, đất trời mênh mông không còn xa xôi nữa mà đó chính là một phần cuộc sống, nói đúng hơn là một phần tâm hồn của chiến sỹ ta. Chính cách thể hiện này gợi ra nhiều liên tưởng đẹp về đất nước, vùng biên, người lính với chiều sâu lung linh của nó.
Tuy nhiên, nếu theo cái đà này cuộc sống vô cùng gian khổ và thiệt thòi của người lính trấn giữ biên ải sẽ bị thi vị hoá. Trần Đăng Khoa biết dừng lại ở đó để rẽ qua một lối khác, tiếp cận đúng và gần hơn với “tình cảnh” của bao người lính biên phòng
Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già.
Hay! Nào có nói gì cụ thể đâu về gian khó thiệt thòi của người lính mà sao những điều đó cứ lặng lẽ thấm vào ta. Ai đã từng bám trụ nơi rừng xanh núi đỏ, góc bể chân trời đã từng biền biệt xa quê hương, xa gia đình mới thấu hết sự thăm thẳm dằng dặc của thời gian, cái mung lung xao xác của không gian. Trong cái thời gian, không gian ấy là những chàng lính trẻ của ta Cứ lặng thinh mà già. Già đến mức lúc nào chẳng hay, lặng lẽ già không mấy người biết rõ. Thủ pháp đối nhau được sử dụng ở đây (các chàng trai vui nhộn trẻ trung đối với sự lặng lẽ âm thầm già đi của người lính). Thử hỏi, trong hoàn cảnh đất nước hoà bình có sự hy sinh nào lớn hơn thế.
Nói đến tuổi trẻ không thể không nói đến tình yêu. Tình yêu đôi lứa trong hoàn cảnh này vẫn là cái gì đó còn xa xôi với người lính. Từ một đúp quay cận cảnh cái gian khổ vất vả của người lính hiện lên rõ hơn Áo lên màu mốc trắng/ Tóc đầm đìa sương bay nên chi Lời yêu không muốn ngỏ/ E lẫn vào gió mây. Nếu nói có nỗi buồn nhè nhẹ giấu vào trong đó cũng chẳng sao. Bởi, bằng tình yêu và trách đối với Tổ quốc họ đã vượt qua gian truân để bảo vệ lãnh thổ, họ chính là một phần của bức trường thành vững chãi của non sông Việt nam.
Khổ kết là sự kết hợp hiệu quả cao giữa lãng mạn và hiện thực, là cách gói – mở bài thơ một cách tài hoa bay bổng:
Bỗng ngời ngời chóp núi/ Em xoè ô thăm ta?/ Bàng hoàng xô toang cửa/ Hoá ra vầng trăng xa…
Không gian chẳng được rộng mở như ban ngày nhưng sự chật hẹp ấy chả ngăn được sự tưởng tượng đẹp đẽ thơ mộng của người lính (cô gái xoè ô tới thăm mình = ước mong tình yêu). Dẫu phải bàng hoàng trước thực tế không như mình nghĩ nhưng tâm hồn người lính vẫn trải rộng theo ánh trăng ngàn. Vầng trăng xa toả sáng núi non bờ cõi cũng là hiện hữu của khát vọng yêu thương trong lòng người lính biên cương.
ĐỈNH NÚI
Ta ngự giữa đỉnh trời
Canh một vùng biên ải
Cho làn sương mong manh
Hóa trường thành vững chãi
Lán buộc vào hoàng hôn
Ráng vàng cùng đến ở
Bao nhiêu là núi non
Ríu rít ngoài cửa sổ
Những mùa đi thăm thẳm
Trong mung lung chiều tà
Có bao chàng trai trẻ
Cứ lặng thinh mà già
Áo lên màu mốc trắng
Tóc đầm đìa sương bay
Lời yêu không muốn ngỏ
E lẫn vào gió mây
Bỗng ngời ngời chóp núi
Em xòe ô thăm ta
Bàng hoàng xô toang cửa
Hóa ra vầng trăng xa…
1998
TRẦN ĐĂNG KHOA
(Bài thơ được trích dẫn kèm lời bình của Nguyễn Hữu Quý đăng trên báo Văn Nghệ số 35 + 36 ra ngày 29/8 và 5/9/2009).
So với bài được đăng trên Thi Viện đã có những thay đổi rất khác ở một số câu từ. Ví dụ ngay khổ đầu, ở câu thứ hai: Bản của Nguyễn Hữu Quý trích dẫn là Canh một vùng biên ải, còn câu thứ hai cũng của bài thơ này đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 9-1995 và bạn Die Autumn đăng lại ở Thi Viện thì lại là Cạnh một vùng biên ải. Khổ thứ ba của bài thơ có hai câu cuối Biết bao chàng lính trẻ / Đã thành ông bố già mà bạn Die Autumn đăng đến bản do Nguyễn Hữu Quý đăng đã có sự khác biệt rất xa: Có bao chàng lính trẻ / Cứ lặng thinh mà già. Đến khổ thứ tư, bản bạn Die Autumn đăng có câu cuối là Sợ lẫn vào gió mây còn của Nguyễn Hữu Quý thì là E lẫn vào gió mây . Và khổ cuối cùng của bài thơ, câu thứ ba ở bản của bạn Die Autumn là Bàng hoàng xô tung cửa thì ở bản của Nguyễn Hữu Quý lại là Bàng hoàng xô toang cửa.
ĐN không dám khẳng định ai dẫn đúng "nguyên bản" bài Đỉnh núi của Trần Đăng Khoa, vì một bài đăng từ 1995 trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 5, một bài thì mới đăng "nóng hổi" ngày 5 tháng 9 vừa qua trên tờ Văn Nghệ. Có thể bản "gốc" giống như đã đăng trên Văn nghệ Quân đội còn bản mới (theo Nguyễn Hữu Quý là 1998) đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa sửa lại chăng?
Riêng với ĐN thì ĐN thích bản mới đăng trên báo Văn Nghệ số 35 +36 hơn. Hy vọng sẽ có bạn bỏ công tìm thử vì sao có sự khác biệt ( dị bản?) này càng sớm càng tốt.