Tập thơ
Đêm đàn bà (NXB Hội nhà văn, 2015).
Lời giới thiệu (Nhà văn Trịnh Tuyên)
Ở xứ Thanh bây giờ, chắc chưa mấy ai biết đến nữ sỹ họ Quách, người Vĩnh Lộc, đất Tây đô xưa? Dấn thân vào nghiệp văn chương, có người mới cầm bút đã nổi đình nổi đám để rồi vài năm sau lại vắng bóng trên thi đàn. Nhưng cũng có người cứ lặng lẽ viết, lặng lẽ nghĩ suy, một mình đi suốt con đường tư duy nghệ thuật, để đến phút chót mới toả sáng. Đã là người cầm bút sáng tạo, mấy ai quan tâm đến chuyện nổi tiếng hay không. Thì cứ như con chim hót ấy, cứ tung tẩy giọng điệu của mình lên trời cao, cứ dạo các cung bậc bổng trầm của riêng mình, hay, dở, phụ thuộc người nghe. Cứ hót lên, hót lên, cho dù đứt hơi khản tiếng, như thể “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” vậy! (...)
Tập thơ
Đêm đàn bà là tập thứ hai sau tập
Khúc ru tình chị trình làng để được ung dung ngồi chung chiếu với các thi sỹ xứ Thanh.
Đêm đàn bà - cái title mới nghe đã ngợp. Tôi nói là ngợp với nghĩa chữ chứ chưa nói ngợp theo nghĩa thực của cái đêm ma mị ấy. Bằng cảm xúc, nữ sỹ muốn mở toang ra, phá tung sự ngột ngạt, ấm ức bao trùm trong bóng tối. Thường những cây bút trẻ, cũng có thể một góc nào đó bị hạn hẹp về kiến văn, nhưng bù lại, họ lại dồi dào cảm xúc. Mà các bạn biết đấy, cảm xúc mới làm nên tác phẩm.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Làm thơ không phải là phiên dịch ý tình bằng hình ảnh cầu kì.”...“Câu thơ giản dị như câu nói thường mà ngân vang mãi.” (Nguyễn Đình Thi - “Mấy ý nghĩ về thơ”).Thơ của Trà Hoa Nữ là như vậy. Thơ chị giản dị, gần gũi, phơi bày những tâm tư tình cảm của những người phụ nữ và đôi khi của cả những người đàn ông một cách không giấu giếm. Cứ như nghĩ sao viết vậy, đó cũng là điểm mạnh nhưng cũng là mặt hạn chế. Bởi tiếng lòng tâm tư tình cảm được nói lên rất nhẹ nhàng khiến người đọc có cảm tưởng như chị viết cho mình. Nhưng tính hình tượng của văn chương nghệ thuật vì thế mà ít đi. Dù vậy thơ của Trà Hoa Nữ vẫn có một sức hút mạnh mẽ đối với người đọc bởi những cảm xúc thơ chị khơi gợi lên trong lòng bạn đọc. “Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn.” (Nguyễn Đình Thi- “Mấy ý nghĩ về thơ”)
Mời các bạn hãy thưởng thức giờ khắc đầu tiên của cái “đêm đàn bà” ấy nhé! Đó là tiếng mời gọi. Ái tình là sự mời gọi. Chẳng có ai tình ái một mình cả!
Giọt mật tình dấu yêu ơi hãy uống
Cho mắt môi chếnh choáng men say.
(Giọt tình)
Đã cảm thấy hơi men rồi! Song thực tình thì tôi không thích “giọt mật tình”. Tôi thích là thích uống chén rượu tình sóng sánh kia cơ! Chứ “mật tình” thì làm sao say? Ấy vậy mà say! Vì trước đó, đã từng có thi sỹ thốt lên: “Tình không men rượu, thế mà say!” Có lý đấy chứ! Mật ngọt mà say mới hay! Thế mới là mật tình! Đó là “sự giản dị có chủ ý”.
Rồi đây nữa! Chỉ chút hé cửa thôi, ta đã chạm vào đêm rồi. Bài “đêm đàn bà”, thi sỹ thốt lên:
Đêm đàn bà! Ôi tiếng lòng nức nở
Mảnh trăng khuya vụn vỡ cuối chân trời
Bấu vào đâu cho bớt chơi vơi
Chăn đệm ấm... hồn chông chênh lạnh giá!
(Đêm đàn bà)
Đã thích chưa? Đã chạm vào cõi thiêng của chốn thâm nghiêm cung cấm kia chưa? Xin mời các bạn cứ sờ soạng trong bóng đêm mà đi tiếp.
Đêm đàn bà giọt lệ nào cũng mặn
Ngược vào tim se sắt cả tâm hồn
Ước làm chi... đừng nhớ nữa... nụ hôn..
Hờ hững quá... ngực trần... thôi khao khát...
(Đêm đàn bà)
Có lẽ tôi đã mạo muội đi quá xa trong cái “đêm đàn bà” mà thi sỹ chủ đích dành cho các bạn. Tôi chỉ là người dẫn dụ phần mở đầu, còn phía sau màn đêm bí ẩn ấy, tôi biết, người khám phá, không phải là tôi.
Mời các bạn cứ nhẩn nha mà đọc, nhẩn nha mà khám phá các cung bậc bổng trầm, nhấn nhá những bí ẩn thâm nghiêm trong cái
Đêm đàn bà ấy nhé! Bởi lẽ, các bạn thật hạnh phúc vì trên tay đã có tập thơ
Đêm đàn bà của nữ sỹ Trà Hoa Nữ rồi đó thôi!