Tháng 10 năm 1991, tôi đã bỏ 500.000 đồng in một tập thơ nói về nước Nga để mong mọi người hiểu và yêu nước Nga đúng như những gì xứ sở này đã có”. Dịch giả Thuý Toàn tâm sự.

Thuý Toàn tuổi Hổ, sinh năm 1938. Ông nói rằng mình “đã là ông già 70, tóc bạc rồi”. Nhưng gương mặt ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Vẫn thoáng chút hồn nhiên và thơ trẻ như thể một phần tâm hồn Nga, tính cách Nga đã ở lại với nhà dịch giả này mãi mãi.

Thiên đường mơ ước

Người đầu tiên vẽ hình ảnh nước Nga vào trái tim Thuý Toàn là nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai của Phạm Quỳnh. Lúc ấy Thuý Toàn 12 tuổi, là thiếu sinh quân ở chiến khu Việt Bắc, còn Phạm Tuyên là đại đội trưởng, kiêm giáo viên văn của trường. Những câu trích trong tác phẩm Thời gian ủng hộ chúng ta của Êrenbua (bản dịch của Thép Mới) qua giọng đọc rất truyền cảm của Phạm Tuyên đã khiến ông thuộc lòng đến tận bây giờ: “Lòng yêu nước bắt đầu từ những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng ở trước nhà. Yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông hay vị thơm chua mát của trái cây mùa thu”.

Vài ba lần, các Thiếu sinh quân lớp Thuý Toàn được sang bên kia biên giới Trung Quốc tham dự Tuần lễ Hữu nghị Việt - Trung - Xô. Nhìn những thiếu nữ Nga nắm tay nhau nhảy múa và hát bài Nhân dân Liên xô vui hát trên đồng hoa, trong đầu các học sinh đầy lý tưởng lãng mạn lúc đó, nước Nga càng là thiên đường mơ ước. “Chúng tôi đã truyền tay nhau đọc từng đoạn của cuốn sách Thép đã tôi thế đấy. Những đoạn nói về tình yêu của Paven và Rita đã khiến chúng tôi rất ngưỡng mộ”.

Trong những đêm mùa đông Việt Bắc bị cái đói giày vò, cậu thiếu sinh quân Thuý Toàn đã ru mình vào giấc ngủ bằng hình ảnh thiên đường về nước Nga xa xôi.

Rồi chuyến tàu xuyên qua Trung Á cũng đã đưa cậu học trò lãng mạn tới nước Nga. Lúc đó Thuý Toàn 16 tuổi, được chọn đi học tiếng Nga cùng 99 thanh niên khác để sau này trở về làm phiên dịch.

“Tàu qua xa mạc Xiberi 8 ngày, thật lạ lẫm. Dọc đường rất nhiều người dân Nga sắp từng hàng dọc đón chào nồng nhiệt, trẻ em cầm hoa trên tay, có người già cầm quả táo trao. Ở Matxcơva cũng vậy, rất nhiều người Nga vây quanh học sinh Việt. Nước Nga khi chúng tôi đến là mùa đông nhưng trong lòng mỗi người, thật ấm áp”.

Tôi đã dịch một bài thơ Puskin 30 năm mới xong

Dù phải học tiếng Nga qua trung gian tiếng Trung, tiếng Pháp vì cô giáo không hiểu tiếng Việt và học trò không biết tiếng Nga nhưng sang năm học thứ 2, Thuý Toàn đã có thể dịch những mẩu chuyện nho nhỏ dành cho trẻ em gửi đăng ở báo Người giáo viên nhân dân.

Thuý Toàn đặc biệt thích viết những bài thơ, mẩu chuyện nhỏ thiếu nhi bằng tiếng Nga. Bao thế hệ trẻ em Việt đã hát Mèo con đi họcChỉ có một mà thôi: “Trên trời cao có muôn vàn ánh sao...” nhưng ít người biết lời bài hát là bản dịch của Thuý Toàn.

Khi 100 học sinh ấy học xong phổ thông, 19 người đã được giữ lại để tiếp tục học sâu hơn về ngôn ngữ ở trường đại học. Thuý Toàn là một trong những người may mắn ấy.

Buổi sáng mùa đông là bài thơ đầu tiên của Puskin mà Thuý Toàn tiếp cận nhưng phải 30 năm sao ông mới dịch xong.

“Hôm đó, cũng là buổi sáng mùa đông. Chúng tôi được cô giáo đưa ra ngoại thành chơi. Đập vào mắt chúng tôi là mùa đông Nga hoang sơ, đẹp một vẻ đẹp lạ lùng. Những lùm cây lúp xúp. Những cánh đồng nhấp nhô... Cô giáo đã đọc bài thơ Buổi sáng mùa đông bằng giọng rất truyền cảm. Cảm xúc trào dâng trong lòng, tối hôm ấy, tôi đã tra từ điển để dịch ra tiếng Việt. Nhưng không thể dịch được”.

Sau này, dù đã dịch được nhiều bài thơ khác của Puskin nhưng ông vẫn không thể dịch trọn vẹn bài thơ này. “Hiểu được nghĩa, cái thần, cái hồn nhưng tìm được từ thích hợp để chuyển thể, thật khó”, ông giải thích.

Hãy hiện lên như ngôi sao chói lọi
Miền Bắc phương chào buổi sáng Bắc phương...
Nắng sớm gọi, tuyết tưng bừng rực rỡ
Trải mênh mông như tấm thảm tuyệt vời
Như trong xanh thăm thẳm của vòm trời...
Đến năm 1987, vào một buối tối mùa đông tại Việt Nam, ông mới dịch được trọn vẹn bài thơ này. Và hôm nay đây, khi nghe ông đọc lại từng câu, càng thấy nỗi nhớ mùa đông nước Nga trong ông - và cả những người của thế hệ ông - da diết đến chừng nào.

Khi còn là sinh viên năm thứ 4, Thuý Toàn đã có những bản dịch thơ Puskin gửi về nước cho Nhà xuất bản Văn học. Bản thảo chép tay rất đẹp của người yêu - là bạn học của ông lúc đó và là người bạn đời của ông bây giờ - đã khiến NXB tưởng Thuý Toàn là con gái.

“Hồi đó, chúng tôi luôn thấy mình và những nhà thơ Nga có điều gì đó thật đồng điệu. Một không khí sống, bầu nhiệt huyết hừng hực, lòng yêu nước và khát vọng tự do... Thêm nỗi buồn man mác ẩn giấu ở đâu đó trong những câu thơ thể hiện đặc trưng của tâm hồn Nga và những cung bậc tình yêu được thể hiện một cách chân thành và dữ dội...”
Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu
Trước mắt anh em bỗng hiện lên
Như hư ảo mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong...
Nhiều câu thơ Puskin bất hủ như thế qua bản dịch của Thuý Toàn đã ở lại với rất nhiều người Việt.

Nhưng Thuý Toàn nói rằng ông không phải là người Việt Nam dịch thơ Puskin nhiều nhất, tổng cộng có 50 bài. “Nhưng tại sao mỗi khi nhắc đến Puskin, người ta lại nhắc đến “dịch giả Thuý Toàn”? “Bởi vì tôi đã dịch như thể rút ruột rút gan của mình. Có lẽ thế?”.

Có thể điều Thuý Toàn cảm nhận về nước Nga, văn học Nga nói chung và Puskin nói riêng có chỗ còn phải bàn lại nhưng điều không bao giờ có thể phủ nhận được là những gì ông đã làm là kéo gần người Việt với tâm hồn Nga.

Đừng bi kịch hoá nước Nga

Đến năm 1961, Thuý Toàn về nước, mãi đến năm 1976 mới có dịp quay lại Nga.

Từ năm 1976 đến năm 1980, Thuý Toàn được trở lại Nga thường xuyên. Ông nhớ nước Nga và khát khao quay trở lại đó đến nỗi khi đã là Phó giám đốc NXB Văn học, ông vẫn sẵn sàng làm phiên dịch ngắn ngày nếu Bộ Văn hoá yêu cầu. Nhờ những chuyến đi đó mà ông thấy được nước Nga trong những bước chuyển âm thầm và những dự báo cho câu chuyện đau lòng năm 1991. Một nước Nga không giống như bức tranh màu hồng mà chàng thanh niên Thuý Toàn chứng kiến những năm năm mươi của thế kỷ 20.

- Khi biến cố 1991 xảy ra, ông có cảm giác thế nào?

- Năm 1980, tôi đã được chứng kiến tại những cửa hàng lớn cửa hàng lớn ở Matxcơva, từng đoàn, từng đoàn phụ nữđi ủng, mặc áo lông trùm khăn kín đầu đến từ nông thôn, xếp hàng mua từng bao tải thịt lợn, bánh mỳ đem về. Những thứ đó, lẽ ra những người nông dân không thiếu. Có lẽ vì thế mà khi biến cố 1991 xảy ra, tôi không thấy bất ngờ. Tháng 10 năm đó, tôi đã bỏ tiền túi ra để in một tập thơ - 500.000 đồng lúc đó là rất lớn - tập hợp những bài thơ của nhiều tác giả Nga. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm để nói với lòng mình rằng: ta đã hiểu đúng và yêu nước Nga đúng như những gì nó có. Và cũng mong muốn người ta hiểu và chia sẻ như thế.

- Ông có thể đọc một bài thơ thật tiêu biểu trong tập thơ 25 bài đó không?

Giọng đọc của ông vang lên, trầm hùng và buồn da diết. Như nỗi nhớ và tình yêu da diết ở trong ông. Đó là bài thơ của một tác giả không tên tuổi được ông dịch vào đúng thời gian nước Nga đầy biến động - năm 1991.
Ở nước Nga không có bầu trời nào mà không có mây
Ở nước Nga không có bánh mỳ nào mà không có mồ hôi
Ở nước Nga không có ngôn từ nào mà không có ẩn dụ
Ở nước Nga không có hồ nước nào mà không có đầm lầy
Không có rừng nào ở nước Nga mà không có thần rừng
Không có ngôi nhà nào ở nước Nga mà không có gia thần
Không có ngày hội nào ở nước Nga mà không quá chén
Không có hạnh phúc nào ở nước Nga mà được cho không...
Năm 1993, qua lại Nga, gặp cảnh nhiều người Nga mệt mỏi đi bán rong từ bánh xà phòng, hộp kem đánh răng, mấy thước vải, Thuý Toàn đã buồn như thể chứng kiến cảnh người dân của đất nước mình nghèo đói. “Thế nhưng thật lạ lùng, một năm sau qua lại đã không còn điều ấy nữa. Nước Nga có những điều đặc biệt không thể giải thích nổi...
Không thể đo nước Nga bằng dòng thước
Nước Nga có một điều đặc biệt
Hãy đặt niềm tin vào nước Nga
- Tôi thấy mấy câu thơ đó thật chí lý. Cũng có thể vì thế mà tôi rất bực khi vào những thời điểm khó khăn, nhiều người lại cứ bi kịch hoá nước Nga”.

- Thế còn mỗi lần nước Nga xảy ra động đất, khủng bố, chìm tàu ngầm, tâm trạng của ông thế nào?

- Thấy như người thân mình bị thương tổn vậy. Tôi không có cảm giác như nhiều người; rằng là nước Nga nguy mất rồi. Đừng bi kịch hoá nước Nga. Một đất nước lớn như thế, đang trải qua những sự thay đổi lớn lao như thế. Sự thương tổn là điều tất nhiên thôi. Xin đừng bi kịch hoá nước Nga.

Ông vẫn nói bằng nhiệt huyết của Thuý Toàn 16 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga.


Lương Thị Bích Ngọc (thực hiện)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."