第十二景-平岭登高

巍峨堡障帝城南,
佳節題餻憶勝談。
掖輦光臨斯創始,
舞觴先率效呼三。
承恩宇宙千年在,
縱覽乾坤萬景涵。
百二山河增壯固,
雲開瑞氣靄晴嵐。

 

Đệ thập nhị cảnh - Bình lãnh đăng cao

Nguy nga bảo chướng đế thành nam,
Giai tiết đề cao ức thắng đàm.
Dịch liễn quang lâm tư sáng thuỷ,
Vũ trường tiên suất hiệu hô tam.
Thừa ân vũ trụ thiên niên tại,
Túng lãm càn khôn vạn cảnh hàm.
Bách nhị sơn hà tăng tráng cố,
Vân khai thuỵ khí ái tình lam.

 

Dịch nghĩa

Núi Ngự Bình như thành lớn che ở mặt nam kinh thành,
Gặp tiết lành làm thơ để nhớ lại tích hay ngày trước.
Xe ngự đạo đến đây ấy là mở đầu (cho việc vua dự hội đăng cao),
Nâng chén rượu, quan quân bắt chước tung hô vạn tuế ba lần.
Núi này nhờ ân vũ trụ mà bền vững ngàn năm,
Trên núi đưa mắt nhìn quanh thấy cả vạn vật trong trời đất.
Sông núi hiểm trở càng tăng thế mạnh của kinh thành,
Mây tan trời quang đãng khí lành ngùn ngụt bay lên.


Lời dẫn: “Ngự Bình sơn: Lăng tằng kỳ thạch, thông uất kiều tùng. Xuất bình địa chi giao cao khởi, quần phong triều củng, tráng thuỳ thiên chi thế đoan lâm, đương khuyết phiên bình. Phương ư trùng cửu lương thần, bội du yến thưởng, tín thị đăng cao thắng hội, tháp cúc nhàn du. Vọng yên hà nhi sung khuếch khâm hoài, lãm phong vật đắc thiên chân lạc thú.” 御屏山:崚嶒奇石,葱鬱喬松。出平地之郊高起,群峰朝拱,壯垂天之勢端臨,當闕藩屏。方於重九良晨,佩萸宴賞,信是登高勝會,插菊閒遊。望煙霞而充槨襟懷,攬風物得天真樂趣。 (Núi Ngự Bình: Đá chồng chót vót, tùng rợp xanh um. Nổi cao giữa đất bằng làm nơi triều củng cho muôn núi, sừng sững đến trời cao tạo bức bình phong của kinh thành. Đang buổi đẹp trời ngày trùng cửu, đeo thù du mà thưởng yến, đúng nơi thắng hội đăng cao, cắm hoa cúc để nhàn du. Ngắm khói mây tấm lòng rộng mở, nhìn cảnh sắc hưởng thú thiên nhiên.)

Theo sách Tục tề hài ký, Hoàn Cảnh ở Nhữ Nam theo học đạo với Phí Trường Phòng. Trường Phòng bảo: Ngày 9 tháng 9 trong nhà người gặp tại hoạ, nên bỏ đi gấp, khiến người nhà làm túi ngũ sắc đựng thù du buộc vào tay leo lên cao, uống rượu cúc thì tai hoạ này có thể trừ được. Hoàn Cảnh theo như lời thầy, đến tối trở về nhà thấy gà chó bò cừu đều chết cả. Về sau người đời có lệ “đăng cao” (leo lên cao) là khởi từ tích đó. Thù du là loại cây lớn có trái màu tím đỏ, lá non dùng làm thuốc.

Có nhà nghiên cứu đã cho rằng ngọn núi chủ của vùng Huế là ngọn Kim Phụng (Thương Sơn) nhưng trên thực tế, nổi tiếng nhất của miền đất cố đô là núi Ngự Bình. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả: Phía tây bắc huyện Hương Thuỷ, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong, làm lớp án thứ nhất trước kinh thành, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long cho tới hiện nay, đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông. Thật ra, Ngự Bình chỉ là một ngọn núi không cao lắm (104m), nhưng do “nổi vạt lên ở quãng đất bằng”, hình dáng lại uy nghi, cân đối, đẹp như một ngọn núi nhân tạo, nên đã từ rất lâu, Ngự Bình đã được xem là một danh thắng - niềm tự hào của đất Huế. Người Huế gọi núi là Bằng sơn vì trông dáng núi tựa như một con chim bằng đang đậu, mặt quay về phía bắc với đôi cánh hơi khuỳnh ra hai bên trông thật khoẻ. Hai bên Ngự Bình, gần như đối xứng với nhau là hai ngọn núi nhỏ, khiến núi càng thêm cân đối, hài hoà.

Năm 1822, vua Minh Mạng nhân ngự giá lên Ngự Bình đã đặt tên cho hai ngọn núi nhỏ hai bên là Tả Phụ sơn và Hữu Bật sơn. Năm 1836, khi đúc Cửu đỉnh, hình tượng núi Ngự Bình đã được nhà vua cho khắc vào Nhân đỉnh. Năm 1838, nhân tiết trùng dương, vua lại lên núi chơi và có làm thơ ghi chép lại việc này. Từ đây, như một thông lệ, hàng năm, cứ đến tiết này, các vua nhà Nguyễn luôn đến núi “đăng cao, thưởng cảnh”. Bài thơ này cũng ra đời trong một dịp như thế. Bài thơ đã được khắc vào một tấm bia bằng đá thanh khá dẹp, kích cỡ 1,35m x 0,52m x 0,175m, đặt trong một nhà bia xây gạch kiểu vòm cuốn khá kiên cố, toạ lạc ngay dưới chân núi. Đến nay, toàn bộ tấm bia vẫn còn nguyên vẹn dù nhà bia đã bị hư hỏng khá nặng.

Trước năm 1945, trên Ngự Bình là cả một rừng thông rất đẹp. Đó là những cây thông lớn trồng từ đầu thế kỷ trước. Nhưng trong nạn đói năm Ất Dậu (1945), người ta đã chặt phá gần hết rừng thông, rồi sau đó chiến tranh lại tàn phá, biến Ngự Bình thành một ngọn núi trọc... Có một nhà thơ của Huế đã cảm khái thốt lên “Núi Ngự không cây chim ngủ đất...” Sau năm 1975, Ngự Bình đã được trồng thông trở lại. Đến nay thì thông dã phủ xanh ngọn núi, trả về cho Ngự Bình vẻ xinh đẹp, ưu nhã của ngày xưa.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Thiên Nhất Phương

Thành nam một ngọn đẹp vô ngần
Nhớ tiết trùng dương chuyện đặt vần
Lên viếng chuyến đầu xe một buổi
Dân hô rượu múa tiếng ba lần
Đất trời muôn cảnh thu đầy mắt
Vũ trụ ngàn năm hưởng được ân
Sông núi hai phần trăm vững giữ
Mây bừng khí vượng quyện non xuân.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung

Nguy nga đỉnh Ngự án kinh thành,
Tích cũ trong thơ gặp tiết lành.
Ngự giá mở đầu từ mấy độ,
Rượu nâng chúc tụng đến ba lần.
Nhờ ân vũ trụ ngàn năm vững,
Phóng mắt non cao vạn cảnh xanh.
Hiểm trở núi sông thêm sức mạnh,
Mây tan ngùn ngụt khí trong lành.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời