Thân Nhân Trung 申仁忠 (1419-1499) tự Hậu Phủ 厚甫, người xã Yên Ninh (tục gọi là làng Nếnh), huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Yên Ninh, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngay từ nhỏ, Thân Nhân Trung đã được gia đình cho đi học để theo nghiệp khoa hoạn. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), khi đã 50 tuổi, Thân Nhân Trung dự trúng hội nguyên, nhưng khi vào thi Đình ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ nhất).
Sau đó, ông được bổ làm quan, làm việc ở Viện Hàn lâm. Thân Nhân Trung là người cần mẫn, nhà vua rất ưu ái, tin dùng, giao cho nhiều trọng trách như Hàn lâm viện thị độc, Hàn lâm viện thừa chỉ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Đông các Đại học sỹ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thị mật Tham cơ chính sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội phụ chính. Thân Nhân Trung cùng với Đỗ Nhuận được vời vào Cung dạy học cho các Hoàng tử.
Dưới thời Lê Thánh Tông, đất nước Đại Việt tuy ổn định, nhưng nhà vua vẫn luôn quan tâm tới mọi mặt của đất nước, nhất là mối quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Năm Hồng Đức thứ 6 (1475), Nhà Minh lấy cớ đuổi bắt kẻ chạy chốn, ngang nhiên cho quân qua đường sông Thao sang nước ta. Nhà vua nhận thấy Thân Nhân Trung là người học thức uyên bác, có thể đảm đương được trọng trách thương thuyết nên đã sai ông cùng với Thái phó Lê Niệm, Thượng thư Bộ Lại Hoàng Thiễm, Thượng thư Bộ Binh Đào Tuấn, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận đi tiễn sứ nhà Minh là Quách Cảnh về nước.
Khi Lê Thánh Tông lập hội Tao Đàn, tự xưng là Tao Đàn Đô nguyên suý, Thân Nhân Trung cùng Đỗ Nhuận được ban danh hiệu Tao đàn Phó Đô nguyên suý, bình thơ ngự chế và hoạ thơ
Quỳnh Uyển cửu ca. Hà Nhậm Đại 何任大, tiến sỹ triều Mạc đã ca ngợi ông như sau:
天將賢佐為時生
獨擅騷壇第一名
當世文章真大手
一門父子佩恩榮
Thiên tương hiền tá vị thời sinh,
Độc thiện Tao đàn đệ nhất danh.
Đương thế văn chương chân đại thủ,
Nhất môn phụ tử bội ân vinh.(1)
(Vì đời mà trời sinh ra người phò tá giỏi,
Riêng ông chiếm danh thứ nhất ở Tao Đàn.
Thật là bậc văn chương cao tay của đương thời,
Cha con một nhà cùng đội ơn vinh hiển.)
(1) Nguyên chú: Thơ vua Lê Thánh Tông có câu: "Nhị thân phụ tử bội ân vinh" 二申父子佩恩榮 (Hai cha con họ Thân cùng đội ân vinh hiển).
Thân Nhân Trung có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn hoá nước nhà. Ông luôn được giữ trọng trách độc quyển cho các kỳ thi Đình, phụng chỉ biên soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập. Đây là bộ sách gồm hơn 100 quyển, được biên soạn trong thời gian hơn 10 năm, ghi chép đầy đủ các chế độ, luật lệ, văn hàn,... và ông được cử viết lời tựa.
Thân Nhân Trung được vua sai soạn bài văn đề danh tiến sỹ của Khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) để khắc lên bia đá dựng tại Văn miếu Quốc tử giám. Trong bài văn, ông đã nêu lên một tư tưởng đúng cho mọi thời đại: “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí, nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long, nguyên khí nỗi tắc quốc thế nhược dĩ ô. Thị dĩ thánh đế minh vương mạc bất dĩ dục tài thủ sĩ, bồi thực nguyên khí vi tiên vụ dã.” 賢材國家之元氣,元氣盛則國勢強以隆,元氣餒則國勢弱以污。是以聖帝明王莫不以育材取士培植元氣為先務也 (Hiền tài là nguyên khí của đất nước, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thì thế nước yếu mà xuống thấp. Do đó, các bậc thánh đế, minh vương không ai không lấy việc đào tạo nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc quan trọng đầu tiên.)
Luận điểm của ông đã nêu bật mối quan hệ tất yếu giữa người hiền tài với vận mệnh quốc gia trong tiến trình phát triển của đất nước. Tư tưởng của ông đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị và đã trở thành bất hủ của nền giáo dục, văn hoá, tư tưởng sử Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông qua đời, vua Hiến Tông nối ngôi, ông vẫn được nhà vua trọng dụng, cho giữ nhiều trọng trách. Mọi giấy tờ, hiệu lệnh trong triều đều qua ông xét duyệt.
Nhà ông là một "thế gia vọng tộc", khoa danh nổi tiếng. Con cả Thân Nhân Tín đỗ tiến sỹ năm 1490, con thứ Thân Nhân Vũ đỗ tiến sỹ năm 1481. Cháu ông là Thân Cảnh Vân, con của Thân Nhân Tín, đỗ Thám hoa năm 25 tuổi, Khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487). Sự kiện bốn cha con, ông cháu đỗ đại khoa, làm quan đồng triều quả là hiếm có trong lịch sử. Thân Nhân Trung mất năm Kỷ Mùi (1499), thọ 81 tuổi. Ông là một nhà văn hoá lớn của dân tộc. Năm 1999, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm mất Thân Nhân Trung tại Bái Đường Văn Miếu để tôn vinh ông, bậc danh thần dưới thời Lê Thánh Tông, bậc danh nho phò tá có công lao tài đức.
Qua khảo cứu, những tác phẩm của ông còn lại gồm có:
- Đại Bảo tam niên, Tiến sỹ đề danh ký (tấm bia thứ nhất ở Văn Miếu).
- Hồng Đức thập bát niên, tiến sĩ đề danh ký.
- Thánh Tông chiêu lăng bi minh tịnh tự.
- Thượng Hồng Đường An liệt nữ bi.
- Thiên Nam dư hạ tập (đồng soạn giả).
- Quỳnh Uyển cửu ca (đồng tác giả).
- Văn minh cổ suý (đồng tác giả).
- Châu cơ thắng thưởng (đồng soạn giả),...
Tham khảo:
1. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Kỷ niệm lần thứ 500 năm mất Thân Nhân Trung, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử - văn hoá Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang xuất bản, 2000.
2. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006.
3. Phạm Văn Thắm (Chủ biên), Các tác gia Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, Hà Nội, 2009.
4. Bùi Duy Tân (chủ biên), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 6, NXB Khoa học xã hội, 1997.
Thân Nhân Trung 申仁忠 (1419-1499) tự Hậu Phủ 厚甫, người xã Yên Ninh (tục gọi là làng Nếnh), huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Yên Ninh, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngay từ nhỏ, Thân Nhân Trung đã được gia đình cho đi học để theo nghiệp khoa hoạn. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), khi đã 50 tuổi, Thân Nhân Trung dự trúng hội nguyên, nhưng khi vào thi Đình ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ nhất).
Sau đó, ông được bổ làm quan, làm việc ở Viện Hàn lâm. Thân Nhân Trung là người cần mẫn, nhà vua rất ưu ái, tin dùng, giao cho nhiều trọng trách như Hàn lâm viện thị độc, Hàn lâm viện thừa chỉ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Đông các Đại học sỹ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thị mật Tham cơ chính sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội phụ chính. Thân Nhân Trung cùng với…