1. Nói đến Hàn Mặc Tử (1912-1940), là nói đến nhà thơ lạ nhất của phong trào Thơ Mới (1932-1945), người “cai trị Trường thơ Loạn của các nhà thơ Bình Định” (1). Nói đến thơ ông, người ta nhớ đến thơ Cổ điển trong
Lệ Thanh thi tập, thơ Lãng mạn trong
Gái quê… nhưng, hơn tất cả là nhớ đến
Thơ điên trong
Đau thương. Có thể nói chính
Thơ điên chứ không phải gì khác là phần đặc sắc nhất đã làm nên cái “lạ” kia, làm nên tên tuổi và ngôi vị của Hàn Mặc Tử.
Trong lời tựa
Điêu tàn - vẫn được xem là bản tuyên ngôn chung của Trường thơ Loạn mà Tử là “kẻ cai trị” - có viết: “Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ. Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem so sánh nó với Người, và chê nó là giả dối, không chân thật. Vâng! Nó không chân thật, nó giả dối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả.” (2) Cái gì nó nói đều có cả đó là nguyên tắc chân thật. Điều ấy không phải là độc quyền của thi phái này so với các thứ thơ khác. Cái gì của nó cũng tột cùng, đó mới là nguyên tắc mĩ học đặc thù của
Thơ điên. Đọc Hàn Mặc Tử, ta sẽ thấy cái ham muốn tột bậc của thi sĩ này là tìm đến một Cõi Thơ tuyệt đối, đi đến một thứ thơ mà cái gì ở đó cũng phải là Tột Cùng (Dĩ nhiên, Tột Cùng đây là theo cách quan niệm của thi sĩ). Là thi phẩm vào loại đắc ý nhất của ham muốn này,
Thơ điên đã hiện rõ trên diện mạo của mình cả sức mạnh cùng giới hạn của những cái Tột Cùng ấy.
Cái tên có phần “giật gân” của
Thơ điên, ngay từ đầu đã có sức mê hoặc giới nghiên cứu. Người ta nghĩ ngay đến việc nhận diện bản chất của Điên và bản chất
Thơ điên. Không ít người đã yên chí với cách nghĩ đơn giản: điên chỉ là một trạng thái bệnh lí đồng nghĩa với chứng loạn thần kinh, mà không thấy rằng còn có điên như một trạng thái sáng tạo. Đó là lúc cảm hứng đến như một cơn “sốc”, người làm thơ lâm vào một cơn sáng tạo như “lên đồng”. Ý thức tỉnh táo như mờ đi, lùi lại phía sau, nhường phần lớn quyền điều hành qui trình sáng tạo cho tiềm thức, vô thức. Chế Lan Viên phân biệt giữa làm thơ của những thi sĩ thường tình với trường hợp Hàn Mặc Tử trong
Thơ điên là bị thơ làm, chủ yếu bởi điều này. Tuy nhiên, đa phần là lao vào việc nhận diện
Thơ điên, mà cũng thường lấy tiêu chí của thơ Lãng mạn, Tượng trưng, Siêu thực… để xếp nó vào các ô ấy (3). Nhưng
Thơ điên vốn là một dung hợp đa tạp. Nó bướng bỉnh không chịu ở yên trong một ô nào. Việc dùng những khuynh hướng thơ có sẵn để soi xét một hiện tượng thơ mới nảy sinh là điều cần thiết - giúp ta phân loại và định giá rõ một trường hợp cá biệt trong cái mặt bằng chung. Song, một sáng tạo thực sự mới lạ bao giờ cũng có sự bất kham nào đó, những ngăn ô, yên cương cũ rất dễ bị chối bỏ. Vả chăng, đấy cũng chỉ là cái thao tác sau. Sao trước hết không bắt đầu bằng việc hình dung về cái diện mạo của nó. Biết đâu, cái diện mạo riêng kia sẽ đòi phải có một ngăn ô mới. Biết đâu
Thơ điên chỉ có thể hợp với…
Thơ điên. Tôi cho là như thế,
Thơ điên đó là Thi học của cái tột cùng.
2. Trước hết, cần khẳng định:
Thơ điên không phải là một phát minh mới về thể loại. Nó vẫn thuộc phạm trù Thơ Mới. Nhưng là một dạng thức Thơ Mới đặc biệt. Nghĩa là bên cạnh những đặc trưng của “loài” Thơ Mới, nó vẫn có những đặc trưng về “giống” riêng. Những khái quát dưới đây về diện mạo của
Thơ điên không phải chủ yếu từ những tuyên ngôn về mô hình thơ thuộc ý thức lí thuyết, mà chủ yếu từ thực tế sáng tác. Những đặc trưng ấy tồn tại trong thế ràng rịt lẫn nhau, nên việc tách bạch chỉ là tương đối.
2.1. Nguồn cảm xúc đặc thù của
Thơ điên:
Đau thương.
Chúng ta cần biết một chân lí quen thuộc: “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp). Mỗi tiếng thơ đều xuất phát từ một tiếng lòng riêng. Một loại hình thơ, xét một mặt nào đó, là một tiếng lòng được điệu thức hoá. Mà tiếng lòng là cảm xúc. Cái nguồn cảm xúc tìm đến
Thơ điên chính là
Đau thương vậy.
Nhiều người đã động tới
Đau thương (4). Nhưng không phải ngay từ đầu
Đau thương được hiểu một cách đúng đắn. Suốt mấy chục năm qua, trong giới “Hàn học”, vẫn không ít người, bởi lí do nào đấy, cứ đánh đồng Đau đớn về thân xác với Đau khổ về tinh thần để hạ thấp thơ Hàn xuống thành những rên siết của một xác thân bệnh hoạn, để nhìn nó một thứ suy đồi. Chúng ta không loại trừ những Đau đớn thân xác đã đầu quân khá đông vào thơ Tử. Nhưng chỉ có thế không thôi, làm sao có thể thành thơ được. Chỉ khi nào những Đau đớn thân xác, với một cơ chế nào đấy, chuyển hoá sang địa hạt tinh thần, hoá thân vào nổi Đau khổ tinh thần, thì khi ấy tiếng nói của nó mới cất lên thành thơ. Về bản chất,
Đau thương ở Tử là một niềm tuyệt vọng lớn. Và đây cũng chính là nguồn cảm xúc ở cung bậc Tột Cùng của tiếng nói trữ tình. Niềm tuyệt vọng được dâng lên từ thực thể bệnh hoạn mà gia nhập vào cõi tinh thần hay từ tinh thần đã tan thấm vào mọi nơi chốn của xác thân? Niềm tuyệt vọng đến từ một sự đứt gãy nào đó trong tâm thể hay từ một dự cảm thường trực về cái chết cận kề cứ chốc chốc lại vồ chụp lấy tâm trí Tử ném thẳng xuống cái vực không đáy Hư vô? Có lẽ là cả hai. Cho nên trong thơ Tử, ta có thể cảm nghe được cả một thế giới bên trong vô hình đang lâm vào tuyệt vọng qua những tiếng rên rỉ rớm máu của thân xác bên ngoài. Nếu ai kia “viết dưới giá treo cổ” (5), thì Tử đang viết dưới cái bóng vừa huơ lên của lưỡi hái tử thần. Sống đối với Tử, bấy giờ, là một cuộc chạy đua bạt vía tuyệt vọng đối với tử thần. Chữ “mãnh liệt” e rằng không còn đủ độ để diễn tả trạng thái sống như một dây đàn ở cái chót điểm sắp sửa đứt phăng của Tử. Sống tức là Yêu. Lòng yêu sống đã đẩy thi sĩ đến cận kề cái tiếng nổ tự phá huỷ của cõi tinh thần. Cho nên đó cũng chính là cái nỗi cô dơn đặc biệt: nỗi cô đơn quá tải. Chỉ có những kẻ xấu số bất hạnh thế mới có được trải nghiệm này. Vậy là,
Đau thương ở Tử là một thứ siêu nghệm. Đau thương vừa là dạng thức vừa là cung bậc của cảm xúc thơ thường trực trong hồn thơ Hàn Mặc Tử.
Song, điều đẹp đẽ là ở chỗ: Tuyệt vọng có thể chấm dứt hi vọng, nhưng không chấm dứt tình yêu. Tình yêu ở Tử càng mãnh liệt càng tuyệt vọng, càng tuyệt vọng lại càng mãnh liệt. Và, như một nghịch lí không khó hiểu, Tình yêu tuyệt vọng đó trở thành một cách thế yêu đời của Hàn Mặc Tử. “Phải vì tất cả đều đang đi đến cái chết, nên tất cả mới hiện lên rực rỡ đến thế”. Nghịch lí của niềm tuyệt vọng kia cũng chính là như vậy. Và đây là cái gốc của
Thơ điên. Đúng thế, nếu
Đau thương là nội dung sáng tạo, thì Điên là hình thức của sáng tạo ấy. Nói cách khác điên chính là sự hiện hình, sự cất tiếng của
Đau thương. Tất cả những yếu tố dị thường đến mức kì quái nữa, sở dĩ thành thơ được là nhờ được đảm bảo bằng một thứ siêu nghiệm như thế.
Có lẽ chưa cảm thông hết với nguồn sống thuộc về siêu nghiệm này, mà Xuân Diệu, trong “Thơ của Người” (6), đã tỏ ý nghi ngờ
Thơ điên. Trái lại, Chế Lan Viên - một thi hữu của Hàn - ngay từ đầu đã tiền hô hậu ủng, và đến khi viết Giới thiệu cho Tuyển tập của người tri kỷ xấu số, vẫn giữ vững ý kiến bênh vực sắc bén của mình. Ông dẫn ra một tiếng thơ có một vẻ rất “điên” và chỉ ra yếu tố nào đã đem lại sức sống chân chính cho nó: “Chúng ta cần có người tả trăng là trăng. Những cũng cần có người vượt lề thói tập đoàn mà xẻ trăng làm hai nửa (…) Cần truyền thống nhưng cũng cần biến dị, cần nói những điều chưa ai nói (…) Hôm nay có một nửa trăng thôi/ Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi/… Không phải ma thuật, kĩ thuật gì của óc đang lạm phát ngôn từ. Lòng có bị cắn đôi, đời có bị tan vỡ, tình có bị đứt đoạn, nghĩa là có một thảm sử gì làm trữ kim, làm đảm bảo, thì mới có thể phát ra những từ ấy(7). Thế đấy,
Đau thương chính là thứ trữ kim tột cùng của thơ Hàn.
Nhờ thứ trữ kim này người ta chẳng những thấy được cái lí của những hình thức kì dị, quá xa lạ, mà còn xuyên qua rào cản của những cảm giác kinh dị để nhận chân những nỗi niềm thơ chân chính của thi nhân.
Thơ điên vì thế là tiếng kêu rỏ máu của con chim sắp lìa trần, là tiếng nói của những hụt hẫng tan hoang, là tiếng nói của một thân phận bị dồn đẩy đến miệng vực của nỗi chết, chới với bên miệng vực ấy mà ngoái nhìn đời, nuối đời, níu đời. Mỗi tiếng thơ khác nào một lời nguyện cuối, một lời tuyệt mệnh. “Tôi còn trìu mến biết bao người/ Vẻ đẹp xa hoa của một trời/ Đầy lệ đầy thương đầy tuyệt vọng?/ Đây giờ hấp hối sắp chia phôi”, “Ta trút linh hồn giữa phút đây/ Gió sầu vô hạn nuối trong cây/ Còn em sao chẳng hay gì cả/ Xin để tang anh đến van ngày”… Cảm xúc chia lìa vĩnh biệt luôn choáng ngợp cõi lòng, vò xé tâm can. “Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt”, “Than ôi! Hỡi biệt li chan chứa/ Tưởng cùng em vui hưởng thú tiêu dao/ Anh sắp đi và hai hàng lệ ứa/ Cả đau thương dồn dập xót tâm bào”, “Sao thơ anh toàn nhuộm màu li biệt/ Rên không thôi và nức nở cả ban đêm”… Có thể nói, bước vào
Thơ điên là bước vào cái thế giới quằn quại của tinh thần. Nó là biểu hiện của sự giằng xé quyết liệt giữa Bóng tối và Bệnh tật, Chết chóc. Ma quỉ với ánh sáng của Tình Yêu, Sự sống, Thần thánh… giữa Cố chấp, Thù hận, Hẹp hòi với Khoan dung, Độ lượng, Cao cả… giữa Địa Ngục hắc ám với Thiên đường quang minh… Tất cả những phản trái nghịch lí của nó đều là ngôn ngữ của Đau thương.
Tuy trong các tuyên ngôn của mình, Hàn Mặc Tử đây đó tỏ ra không thật “tâm phục khẩu phục” Baudelaire, nhưng trường ảnh hưởng từ vị sư tổ của Chủ nghĩa Tượng trưng phương Tây này lớn đến mức khó cưỡng được, cho nên không thấy
Thơ điên có day mơ rễ má với
Hoa ác tuy vẫn được coi là đi tìm cái đẹp trong Cái Ác, nhưng suy cho cùng, nó vẫn là bông hoa mọc lên từ gốc
Đau thương. Dầu vậy,
Đau thương của
Thơ điên căn bản vẫn là cất lên từ thân phận thảm sử của Hàn Mặc Tử, có nghĩa: căn bản là nội sinh. Không có cái căn cốt là giá máu mà Hàn đã đánh đổi cho mỗi tiếng thơ của mình thì chưa chắc
Thơ điên đã đi xa hơn việc chạy theo một cái mốt tân kì để có thể làm rớm máu tâm can người đọc ở tận thế kỷ này.
2.2. Chủ thể
Thơ điên: Một xác thân nhiều nhân cách.
Trong thơ trữ tình, việc chủ thể phân thân, hoá thân vào các đối tượng hết sức khác nhau để cất lên những tiếng nói trữ tình phong phú khác lại không còn là điều xa lạ nữa. Ở
Thơ điên, tình hình có khác hơn. Sự phân li của chủ thể ở đây không theo lối tuyến tính mà theo lối đồng hiện: một xác thân nhiều nhân cách. Toàn những “nhân cách” trái ngược nhau và phản trái với chính thơ. “Thi sĩ không phải là Người - lại vẫn lời tuyên ngôn chung của Trường thơ Loạn - Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỉ, là Tinh. Nó thoát hiện tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai” (8).
Đau thương đã biến chủ thể
Thơ điên thành một chủ thể sinh hoá màu nhiệm kỳ khôi - Cả một miệng ta trăng là trăng/ Cả lòng ta vô số gái hồng nhan/ Ta nhả ra đây một nàng/ Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây… Dường như chính
Đau thương đã tạo ra một cuộc nổ vỡ nào đó của tinh thần mà phá vỡ tính nhất thể của cái Nguyên Tôi, phân li nó luôn thành muôn mảnh. Mỗi mảnh vừa là một phân thân của Cái Tôi kia lại vừa là một cái Tôi khác tự lập - Kìa ai gánh máu đi trên tuyết/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi/ Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng/ Không nói không rằng nín cả hơi… Xác thân là một Tôi, hồn lại tách ra thành một Tôi khác, đùa cợt, rượt đuổi, trêu tròng nhau, thậm chí thôn tính lẫn nhau - Ta khạc hồn ra ngoài của miệng…/ Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng/ Hồn đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến… Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay/ Hồn mệt lả còn tôi thì chết giấc, Ôi điên cuồng! ôi rồ dại! rồ dại/ Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta… Dầu sao đó chỉ là sự sinh hoá trong một thực tại ảo. Không thể say mê với thực tại ảo đó mãi được, muôn mảnh ấy tất sẽ thống nhất trong một bản tướng, bản thể duy nhất bằng chính
Đau thương - “Thưa tôi không dám say mê/ Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền/ Bây giờ tôi dại tôi điên/ Chắp tay tôi lạy cả miền không gian…” Việc tạo ra kiểu chủ thể này ít nhiều thấy cả trong thơ Bích Khê, Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Xuân Khai… Và người ta cho rằng Văn hoá Chàm cùng với những bóng ma Hời phổ biến ở thành Đồ Bàn đã nhập vào thế giới thi ca của Trường thơ Loạn kia. Điều này có lẽ có thực. Song ở Hàn Mặc Tử, cái ngoại nhập mờ hơn cái nội sinh. Chính đời sống của Hàn Mặc Tử, nhất là ở giai đoạn sau, lúc nào cũng chập chờn bất định giữa Thực tại và Chiêm bao, lại có lúc cận kề cái chết hay xuất hồn siêu thăng vào cõi khác, là cái vốn nội sinh đã đồng hoá kì dị này. Và, không có cái chủ thể sinh hoá một xác thân nhiều nhân cách quái đản ấy làm sao chủ thể
Thơ điên có thể hịên ra như một Kẻ Điên để làm nên diện mạo của loại hình thơ này được? Song, điều đáng nói hơn ở đây phải là: chủ thể như thế chính là cái hình thái tột cùng của một chủ thể trữ tình.
2.3. Kênh hình ảnh nổi bật của
Thơ điên: Những vẻ kinh dị
Nếu không có kênh hình ảnh này, chưa chắc
Đau thương đã được gọi là
Thơ điên. Cũng vì thế, ai đã đọc
Thơ điên, không thể không thấy vẻ kì dị, kinh dị tràn ngập ở đó. Người này thấy Tử hay nói đến sự Tan Loãng của xác thân, với những rơi rụng, tàn rữa. Người khác thấy Tử thường chuyển vô số cảm nhận thuộc các giác quan khác về một khí quan là cái miệng, là “khẩu cảm” với những động thái ăn, đớp, nuốt, nhả, mửa, khạc… vốn rất kị giơ với thi ca truyền thống. Và nhất là ai cũng đã từng bị “sốc” trước những vẻ kinh dị hãi hùng của Trăng - Hồn - Máu. Không ít người đã gọi đó là vẻ đẹp kì dị… Tôi toan hớp cả váng trời/ Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe, Ta cắn lời thơ để máu trào, Ta há miệng cho hồn thơ trào vọt, Cười no nê sặc sụa cả mùa trăng, Ta khạc hồn ra ngoài của miệng, Hồn vội mớm cho tôi muôn ánh sáng, Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra… Có thể nói không ngoa rằng đó là một cuộc nổi loạn trong cảm giác của thi ca. Với những vẻ kinh dị này,
Thơ điên muốn xé rào để tìm kiếm cho thơ những miền cảm giác mới - cảm giác mạnh, đẩy cái kinh dị đến tột cùng. Dù nó có phần xa lạ với Người.
Thực ra, vẻ kinh dị trong thơ Hàn Mặc Tử không quá xa lạ. Người ta đã từng tiếp nhận Cái Kì trong truyền thống ở những chuyện ma quỉ dân gian, ở những
Lĩnh Nam chích quái,
Việt điệu u linh,
Truyền kì mạn lục, cả đây đó trong
Truyện Kiều… của Ta và
Liêu trai chí dị của Tàu. Và đương thời Hàn cũng không phải là hiếm đồng minh trên con đường phiêu lưu vào thế giới của cái kinh dị. Ngoài những thi hữu thân cận, có thể thấy cả thấy cả Thế Lữ, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển v.v… Song, có thể nói, Quyết đi tìm sự lạ chính là động cơ lớn chi phối hành trình sáng tạo của Hàn Mặc Tử - Trong tiểu luận
Nghệ thuật là gì? ông đã viết: “Quăng mình đi giữa cái vũ trụ mênh mông, rượt nà theo những nguyện vọng cao xa, những cái ý nghĩa, ấy là do cái năng lực tinh thần mạnh mẽ nó thúc giục mình (…) Bồn chồn, ta quyết đi tìm sự lạ” (9). Tuy thế, động cơ vẫn sẽ chưa chịu nổ dù đã nạp đầy nhiên liệu, nếu như không nhờ đến cái Bugi đánh lửa Baudelaire. Cả Xuân Diệu mới nhất trong các nhà Thơ Mới đều chia nhau ảnh hưởng từ bậc thầy của Chủ nghĩa Tượng trưng này. Nếu Xuân Diệu đã nhận từ Baudelaire lối tư duy tương ứng - chủ yếu là tương ứng giữa các giác quan - làm một la bàn hữu hiệu để đi vào “thế giới của Du Dương” mà săn tìm những vẻ đẹp trần thế, thì Hàn Mặc Tử lại lĩnh từ tác giả
Hoa ác một cảm quan ma quái để đi mãi vào thế giới
Đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi những Vẻ đẹp kì di, kinh dị. Baudelaire đã tìm kiếm chất thơ ở những vật ghê rợn kinh hãi như xác chết, máu me, xương tuỷ, sự dâm đãng v.v… Đến lượt mình, Hàn Mặc Tử và các thành viên của trường thơ Loạn cũng đi tìm thi hứng và nói rất thoải mái đến những cái chết, sọ dừa, đầu lâu, mồ hoang, giếng loạn, xương khô, sự trần truồng, sự dâm đãng… Tuy nhiên, trong khi các thi hữu của mình nghiêng về sự tuân thủ những quan niệm lí thuyết, nghĩa là tuân theo những mô thức do họ phác ra từ trước, thì riêng Hàn Mặc Tử lại có một đời sống thực tế rất gần với cái thời gian kinh dị đó. Ông thường xuyên rơi vào tình trạng cô đơn tuyệt đối, tinh thần bị vây khốn giữa một cõi sống đơn độc, luôn bị ám ảnh bởi nỗi chết của riêng mình, dường như lúc nào cũng có thể cảm thấy mười mấy cái bóng đen đúa, cái âm khí lạnh ngắt cùng đôi mắt rùng rợn của tử thần, cho nên tinh thần của thi sĩ luôn lạc giữa cái trùng vây của biểu tượng kinh loạn nhất của thế giới khác. Nghĩa là bản thân cõi tinh thần của Tử đã là kinh dị. Cả yếu tố nội tại này lẫn quan niệm từ phương xa kia mới hội đủ những lí do khiến Hàn Mặc Tử nói đến cái kinh dị với cường độ lớn đến thế và tự nhiên như là máu thịt đến thế.
Dẫu sao cũng phải nói thêm rằng: Nếu chỉ có cái kinh dị không thôi, hẳn
Thơ điên cũng sẽ là quá tải ngay cả với những người nghiện săn lùng những cảm giác gai gợn trong thơ.
Thơ điên sở dĩ vẫn là nó không chỉ vì nó được bảo hiểm bằng nỗi đau thương tột cùng, mà còn bởi Cái Kinh dị luôn biết chung sống hoà bình với những kẻ khác. Chỉ nói riêng ba biểu tượng Trăng - Hồn - Máu cũng thấy rằng, những hình ảnh được sáng tạo về chúng có cả những gì kinh dị nhất, cũng có cả những gì lộng lẫy nhất mà thơ ca có thể là được. Trăng chẳng hạn: có “Trăng tự tử”. “Trăng ngã ngửa vỡ tan thành vũng đọng vàng khô”, “Trăng sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu:… nhưng cũng có “Trăng vàng, trăng ngọc”, có “Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/ Đầy mình lốm đốm những hào quang”, có “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở thơ về kịp tối nay”… Phải chăng tham vọng
Thơ điên của Hàn Mặc Tử là hướng tới cái tột cùng về cả hai thái cực?
2.4. Mạch liên kết của
Thơ điên: Siêu lôgic
Không ít người trong giới “Hàn học” đã cảm nhận được một vẻ “kì cục” ở đôi bài là mạch thơ “cóc nhảy”, “đầu Ngô mình Sở”. Những cảm nhận ấy vô tình đã chạm đến một nét đặc trưng của Thi pháp
Thơ điên: mạch liên kết Siêu lôgic. Có nghĩa là sự liên kết trong các thi phẩm cứ muốn như tuột ra khỏi tầm kiểm soát của lí trí, các mảng thơ dính với nhau không phải do áp lực của tính hợp lí thuộc một lôgic thông thường, song nó vẫn gắn kết theo một kiểu riêng. Đây cũng là một tất yếu - tuân theo lôgic thông thường thì sao có thể là
Thơ điên? Điều này có cội nguồn riêng của nó.
Đọc những gì gọi là quan niệm lí thuyết của Hàn Mặc Tử về thơ, không hề thấy Tử nói đến “Câu thơ tự hành” như nhiều nhà Tượng trưng và Siêu thực chủ trương. Vậy là kiểu liên kết này có lẽ không đến với Tử từ nhận thức lí thuyết ngoại nhập. Nó là nội sinh. Trước hết là kiểu tư duy đặc biệt của Tử. “Ngoại cảnh đã xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi - Hàn Mặc Tử viết trong “Chiêm bao với sự thực” - Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào tôi rút hết tình tiết tôi. Tôi có thể bảo đây là lối thần giao cách cảm, mà ngoại cảm hay thâm tâm đồng xáo động (…). Tôi cảm thấy hồn tôi mất đi một nửa, và tôi đương sốn trong sự mơ hờ… Và tôi sẽ kí thuyết minh một cách rất nhà Phật là Sắc cũng như Không, Chết cũng như Sống, Gần cũng như Xa, Hư cũng như Thực… Những điều phản trái ấy dẫu thế nào, cũng có liên lạc, mật thiết và thông cảm với nhau (…) có hay không, hư hay thực là những huyền ảo chập chờn trước mắt” (10). Trong một trạng thái như thế, lí trí và ý chí của thi sĩ không thể nắm vai trò độc tôn áp đặt cái quyền lực lôgic vốn có của nó. Những sản phẩm thơ của Hàn Mặc Tử ra đời trong các trạng thái như thế sao có thể tuân theo một lôgic thông thường. Cố nhiên, để nó vẫn là thơ chứ không phải là một mớ chữ hỗn loạn, tất phải có một lôgic riêng.
Mỗi bài thơ của Tử thường hiện ra như một dòng tâm tư bất định: tình điệu liên tục chuyển vần, hình tượn liên tục chuyển “kênh”. Tất cả cứ như một thể lỏng trôi chảy vô định hình, như một mạch liên tưởng tuỳ tiện, đứt đoạn, “cóc nhảy”. Nếu được tách bạch một cách giả định thì có thể thấy trong mỗi thi phẩm của Tử: “văn bản hình tượng” có vẻ hỗn loạn, trong khi đó “văn bản cảm xúc” lại nguyên phiến, liền mạch dù nó vần vụ qua nhiều cung bậc. Như thế liên kết
Thơ điên có thể ví khối hình Rubic: Các ô màu thì hỗn loạn trên bề mặt, như tất cả lại châu tuần xung quang các trục bí mật náu trong lòng Rubic. Những hình ảnh tán loạn (huyền ảnh) như những mảnh vỡ văng rất xa nhau bởi một nỗi đau thương lớn, tất cả sẽ lại châu tuần xung quanh chính nỗi đau kia. Đó là bản chất của Siêu lôgic trong thơ Hàn Mặc Tử.
Bước vào mỗi bài thơ Hàn Mặc Tử, người đọc không khỏi có cảm giác phân tâm: trí dường như ngơ ngác không theo kịp mạch vận động bất định của các hình ảnh, nhưng lòng lập tức bị xâm chiếm, bị cuốn đi bởi cảm xúc đau thương với những sắc điệu cung bậc khác nhau, khi thì tràn trề, khi thì ẩn kín đằng sau những hình ảnh ấy. Dòng tâm tư ngừng chảy dưới mỗi bài thơ cuốn theo lớp hình ảnh ken dày trên bề mặt thi phẩm. Ghé nhìn sang Xuân Diệu, dễ thấy mạch liên kết của thi sĩ này căn bản là bằng Tứ. Là cấu trúc ý tưởng trong nghệ thuật, nói đến Tứ là nói đến Cấu tứ trong lao động nghệ sĩ. Thơ Xuân Diệu ngay cả những bài ngỡ chỉ thuần những cảm xúc tràn lan, vẫn có một cấu tứ rất chặt, nhiều khi còn chất chứa bên trong cả một mạch luận lí nữa. Một trường hợp khác: Nguyễn Bính. Chất tự sự trong thơ Nguyễn Bính rất đậm và thường giành lấy quyền tổ chức mạch thơ. Tình trong thơ Nguyễn Bính không phải là ít, lê thê nỉ non nữa là khác, như nó vẫn là phái yếu trước tính chuyên quyền của Sự trong vai trò điều hành mạch thơ. Không phải ngẫu nhiên bài thơ nào của Nguyễn Bính cũng có cái điệu thức Kể lể Sự tình, bài nào cũng nầm chứa một cái Cốt ở một mức độ nào đấy. Nói chung, đã theo Cốt hay theo Tứ thì mạch thơ, dù muốn dù không, vẫn cứ có một trật tự được áp đặt bởi lí trí, có lớp lang rành mạch - nghĩa là vẫn phải chịu sự dẫn dắt trực tiếp và thường xuyên của ý thức người làm thơ. Còn Hàn Mặc Tử thuộc típ thi sĩ bị làm thơ. “Bị truy kích bởi cái chết, Tử hối hả, dồn dập sáng tạo chứ đâu có làm văn! Anh trút đời mình, lòng mình từng trận, từng hơi chứ có đâu ngồi điêu khắc chạm trổ từng câu, từng chữ. Ta hiểu anh không phải từng câu, từng chữ mà từng hơi” (11). Chế Lan Viên, trong khi chỉ ra cách đọc thơ Hàn, đã vô tình chạm đến lối liên kết siêu lôgic. Hình ảnh thơ cứ như từ một tiềm thức vần vụ mà tuôn trào ra ngoài từng cơn, từng hơi bởi một áp lực vo song của tình cảm bị dồn nén đến
Đau thương nên kết cấu thơ Tử dù ở bài dài hay bài ngắn, dù ở bài tự do hay theo thể cách, về căn bản là kết cấu của dòng tâm tư bất định đó.
Có thể chọn ngay bài
Đây thôn Vĩ Dạ để khảo sát mạch liên kết (và ở đây chỉ phân tích có một bình diện ấy thôi). Chọn bài này vì nó được viết theo thể cách, thành những khổ tề chỉnh vuông vức, mối liên kết kia khí thấy hơn, do đó kết quả khảo sát sẽ điển hình hơn. Không có sự phân li chủ thể theo kiểu một xác thân nhiều nhân cách, không có những hình ảnh thật ma quái, cũng không có những tiếng kêu kinh dị… Bài thơ trong trẻo vào bậc nhất của Hàn. Có lẽ bởi những lí do đó mà nhiều người đã yên chí rằng
Đây thôn Vĩ Dạ là một ngoại lệ, như lạc vào phần Thơ Điên chứ không phải là một thành viên thứ thiệt của nó. Không phải. Nó vẫn thuộc
Thơ điên, thứ nhất là ở mạch liên kết siêu lôgic. Như ta đã biết toàn bài chỉ vẻn vẹn ba khổ.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Có thể thấy rõ mạch liên tưởng “cóc nhảy”, đứt đoạn, bất định trong chuỗi hình ảnh của nó: ngoại cảnh (phần đầu) với tâm cảnh (phần sau); tươi sáng (vườn thôn Vĩ) với âm u (cảnh sông trăng và sương khói); hi vọng (sao anh không về…) với thất vọng (ai biết tình ai…); ba cảnh trên với vườn ngọc, sông - thuyền trăng, khách đường xa thuộc thời gian Ngoài kia (cuộc sống trần gian giờ đã tuột ra ngoài tầm với), thoắt cái, không gian đã chuyển làn, đã là “ở đây sương khói” thuộc thế giới Trong này (nơi Tử đang sống trong mặc cảm chia lìa) v.v… Những mảng thơ phản trái nhau, những miền không gian rất xa nhau, đã gắn kết vào nhau ngỡ như chẳng có cái lí gì! Trong từng khổ thơ cũng có những gấp khác trái chiều. Khổ đầu: một ước ao thầm kín ngấm ngầm bên trong lại cất lên như một lời mời mọc từ bên ngoài, nỗi hoài niệm âm u lại mang gương mặt sáng sủa của khát khao rực rỡ. Khổ hai: một ước mong khẩn thiết dâng lên thoắt trở thành một hoài vọng chới với nghẹn ngào. Khổ ba: một niềm mong ngóng vừa ló rạng hướng ra thế giới bên ngoài đã vội biến thành mối hoài nghi hướng vào nơi đương tồn tại. Mối u hoài nối ba khổ thơ tách biệt ấy còn được thể hiện bằng một “sợi dây” liên kết khác nữa: Ba khổ đều ngầm chứa ba câu hỏi với bốn chữ ai dải đều trong bài thơ (Vườn ai? thuyền ai? ai biết tình ai?) khiến chúng vang lên thành giọng điệu da diết khắc khoải. Vậy là, nếu “lối liên tưởng điên” tạo ra một văn bản hình tượng đầu Ngô mình Sở, thì dòng lưu chuyển cảm xúc đau thương dưới dạng u hoài khắc khoải kia lại tạo ra một âm điệu nhất quán, liền mạch. Phi lôgic ở bề mặt, nguyên phiến, nguyên điệu ở bề sâu, đó chính là Siêu lôgic - nét thi pháp
Thơ điên điển hình của
Đây thôn Vĩ Dạ. Và Siêu lôgic chẳng phải là kiểu tột cùng của liên kết bài thơ sao?
2.5. Lớp ngôn từ nổi bật của
Thơ điên: Lớp từ cực tả
Làm nên diện mạo một loại hình không thể không có vai trò của lơp ngôn từ riêng. Với
Thơ điên, đó là lớp ngôn từ cực tả - hiểu theo nghĩa là lớp từ có thiên hướng biểu tả ở mức cực điểm.
Thơ điên đã dung chứa trong nó một lớp ngôn từ đối nghịch gay gắt. Có có những tiếng rên siết thê thiết của một xác thân bị dày vò tàn huỷ: “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn”; “Ôi trời ơi là Phan Thiết! Phan Thiết!”; “Trời hỡi bao giờ trôi chết đi”… Dễ hiểu vì thi sĩ
Thơ điên này chủ trương rằng: “không rên siết là thơ vô nghĩa lí”. Lại có cả những lời cầu nguyện từ một tâm linh mộ đạo thanh khiết: “Tấu lạy bà, Người là Đấng trinh tuyền thánh vẹn”; “Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé”… Điều này cũng dễ hiểu bởi, chính Hàn Mặc Tử còn muốn sáng tạo ra một thứ kết hợp cho điều đó khi gọi bằng “Thơ - Cầu nguyện”. Ngôn từ trong thơ Tử thường đẩy lên ở mức chót cùng các xu hướng. Hướng trực cảm thì dường như ngôn từ không theo được những linh giác quá nhạy bén. Riêng sắc trắng không thôi đủ thấy khía cạnh này. Là người say đắm vẻ đẹp trinh khiết, Tử rất hay nói tới sắc trắng lạ lùng. Không chỉ phô màu mà còn hắt lên cả ánh: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”, “Áo em trắng quá nhìn không ra”…, trắng đến nỗi ngôn từ phải vặn mình mà diễn tả: “Chết rồi xiêm áo trắng như tinh”…, trắng đến độ ngôn từ phải gồng mình chạy đua với trực giác: “Động là một thứ hòn non bằng cát, trắng quá, trắng hơn da thịt người tiên, của lụa bạch, hơn phẩm giá tiết trinh - một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má lên để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát”… Hướng ước lệ thì tuyệt đỉnh cao sang: “Đức tin hơn ngọc”, “Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm/ Và mặt trời kia tựa khối vàng/ có chàng trai mới in như ngọc, gió căng hơi và nhạc lên ngàn” v.v… Và điều này là nhất quán. Bởi thi học của
Thơ điên là: Cái gì của nó cũng tột cùng.
3. Năm điểm trên đây là một hệ thống khá chặt chẽ như những nguyên tắc thi pháp cơ bản chi phối từ gốc đến ngọn, từ vĩ mô đến vi mô của
Thơ điên. Điểm tụ dễ thấy của chúng là cái nguyên tắc mĩ học bao trùm: Cái gì của nó cũng tột cùng.
Diện mạo kì lạ của
Thơ điên không phải hình thành do nhận thức lí thuyết mà chủ yếu từ trải nghiệm cá nhân trong sáng tạo cũng như những bất hạnh riêng của thân phận thi sĩ. Nó là sản phẩm của một sự khủng hoảng và một khát khao, một nỗ lực sáng tạo. Chúng ta đều biết Thơ Mới là tiếng nói trữ tình của Cái Tôi cá nhân cá thể. Thế giới Cá nhân là một phát kiến mới mẻ, cũng là một trốn chạy ngọt ngào; là một miền đất hứa như xũng là tuyệt địa của tinh thần. Nếu Thơ Mới là hành trình đi mãi vào địa hạt của Cái Tôi, thì
Thơ điên mang cái tham vọng muốn tới chỗ sơn thuỷ tận cùng của Cái Tôi đó. Nếu Thơ Mới là nỗi Cô đơn của con Người, thì
Thơ điên là cái trạng thái chót cùng hoàn toàn quá tải của Cô đơn - ấy là đau thương, là Tình yêu tuyệt vọng. Nếu Thơ Mới thể hiện một sức sống mãnh liệt của Cá nhân, thì
Thơ điên muốn tìm tới dạng thức tột cùng của sự mãnh liệt ấy - mãnh liệt đến cuồng tâm dại trí. Nghĩa là đa phần Thơ Mới là Kinh nghiệm còn
Thơ điên muốn tới một thứ Siêu nghiệm.
Tất cả những điều đó khiến cho
Thơ điên cứ chênh vênh, cheo leo trên ranh giới rất mạo hiểm giưa Thơ và Phản Thơ, phản Thơ. Chạy theo cái Tột Cùng mà chỉ cần thiếu đi một chút chân thực, lập tức nó sẽ thành khoa trương, sáo rỗng; hoặc chạy theo cái kinh dị quá liều, lập tức thành phản cảm… Có thể nói,
Thơ điên đã đẩy mình đến miệng vực, đến sát lằn ranh mong manh của vương quốc thơ, bên này là sinh địa, bên kia là tuyệt địa của Thơ. Cheo leo thế, Thơ Điên không phải là ít loạng choạng, không ít mảnh
Thơ điên đã hụt chân sa xuống vực. Và ở một nghĩa nào đó, đây cũng chính là ranh giới phân hoá người đọc của loại hình thơ này: người “chịu được” có thể coi đây mới là Thơ, thậm chí thơ cao siêu, người “dị ứng” dễ bảo đây không phải là thơ của Người - điều này cũng đã được chính các thi sĩ của trường thơ Loạn tiên liệu.
Xem ra, Siêu Thực, Tượng Trưng, Hiện Đại… đều là những cái ô chật chội đối với thể hình ngoại chuẩn của
Thơ điên. Dường như
Thơ điên chỉ có thể là chính nó - Tiếng thơ của những cái tột cùng. Nó vừa giống vừa không giống với những gì đang có. Điều ấy xác định đóng góp độc đáo của Hàn Mặc Tử cho nền thi ca của chúng ta. Mang trong mình cái khát vọng muốn đẩy thơ ca đương thời lên một trình độ mới,
Thơ điên đáng được trân trọng và có quyền sống chính đáng của nó.
Chu Văn Sơn, mùa hè Canh Thìn.
(1) Lời Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 1998.
(2),(8) Chế Lan Viên, Tựa Điệu tàn, NXB Hội nhà văn 1995.
(3) Xem các ý kiến của Chế Lan Viên, Phan Cự Đệ, Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên…
(4) Xem các ý kiến của Nguyễn Mộng Giác, Huỳnh Phan Anh, Phan Kim Thịnh, Chế Lan Viên…
(5) Tên tác phẩm nổi tiếng của Jiuliut Phuxich, nhà văn cộng sản Tiệp Khắc.
(7), (11) Chế Lan Viên, Lời giới thiệu Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học, 1987.
(9) Hàn Mặc Tử, “Nghệ Thuật là gì?”, Báo Sài Gòn, 26-10-1935.
(10) Hàn Mặc Tử, Chơi giữa mùa trăng, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1969.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]