Đăng bởi Vanachi vào 14/03/2005 18:37, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi karizebato vào 26/11/2009 21:13

Nước non nặng một nhời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ nhời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Giời tây chiếu bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước, hãy còn thề xưa.
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi nhời thề.


Theo Nguyễn Khắc Xương trong Tuyển tập Tản Đà thì bài thơ này được viết vào năm 1920. Sau đó, từ bài thơ, Tản Đà viết thành một truyện ngắn cũng lấy tên Thề non nước và in trong tập Tản Đà tùng văn. Trong truyện, bài thơ được đề lên bức tranh sơn thuỷ với cô đầu Vân Anh. Năm 1925, Tản Đà lại in riêng bài thơ vào tập Thơ Tản Đà (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội, 1925) và có đổi 5 chữ như trong chú thích.

Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.


[Thông tin 5 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời bình “Thề non nước” của nhà thơ Anh Ngọc

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) và Tú Xương (1870 -1907) về cơ bản là những thi sĩ của thế kỷ 19, bởi họ sống rất ít với thế kỷ 20 - người chín năm, người có bảy năm. Tản Đà thì khác, chào thế kỷ 20 lúc mới lên mười một tuổi, ông còn cả cuộc đời khá dài phía trước, với ba mươi chín năm lăn lóc với thế kỷ nhọc nhằn này. Không chỉ sống cùng, ông còn chết sau cả một nhà Thơ Mới trẻ trung như Nguyễn Nhược Pháp nữa kia. Ấy thế nhưng ông vẫn là cái cây mọc lên từ thế kỷ trước, uống đòng sữa của hai ngàn năm Nho học và lấy thế kỷ 19 làm quê hương, bởi “quê hương đồng nghĩa với tuổi thơ” theo cách nghĩ của tôi. Phong thái sống của ông dẫu có bị thời thế mới làm cho chao đảo ít nhiều nhưng vẫn còn nguyên cốt cách của ngày xưa. Và thơ ông vốn trung thực với hồn ông nên nó cũng mang cốt cách như vậy. Đó là một con người dẫu ngoài cửa miệng có nói gì thì nói, trong đáy lòng vẫn nguyên vẹn một niềm tin vào những giá trị cao quý bất di bất dịch của phẩm giá con người, cái niềm tin khiến ta còn nhớ mình là ai và không chịu để tuyệt vọng biến mình thành giẻ rách. Điều đó giữ cho tâm thế của lớp người này mang sẵn một niềm lạc quan từ trong gốc rễ. Bài thơ mà ta đang nói tới ở đây - bài Thề non nước - thấm đẫm tinh thần đó.

Bài thơ là sự cụ thể hoá câu thành ngữ cổ điển: “Thệ hải minh sơn” (thề non hẹn biển). Đó có lẽ là câu tiêu biểu nhất có sức khái quát cho mọi sự thề thốt ở trên đời, tuy nhiên nó có nghiêng hơn về phía của những lời thề thốt trong mối quan hệ riêng tư giữa hai con người. Điều khác nhau cơ bản giữa bài thơ và câu thành ngữ là ở chỗ: Nếu như trong câu của người xưa, non và biển được dùng với tư cách độc lập, đơn giản là được mượn từ phẩm chất bền vững và to lớn để gửi gắm những phẩm chất tương tự của hồn người - một lối ví von tất thông dụng, thì trong thơ của Tản Đà, “biển” đã được thay bằng “nước” - hai hình ảnh “non” và “nước” không còn đơn giản là đối tượng để so sánh trong thế bất động, mà quan trọng hơn nhiều là mối tương quan khăng khít keo sơn giữa chúng. Câu trên là con người mượn non và biển để thề, còn ở đây là non và nước thề với nhau. Cả bài thơ do vậy được xây dựng trên một cái tứ chung: “nước đi ra bể lại mưa về nguồn” - vòng lưu chuyển của nước từ ruột đất chảy thành sông suối, tuôn ra biển, rồi biển lại bốc hơi thành mây, mây hoá thành mưa, mưa lại rơi xuống đất... Đó là quy luật của trời đất. Đem quy luật của Hoá công mà vận vào chuyện đời và hồn người theo cái phía tích cực như vậy là chứng tỏ cái cốt cách ngày xưa như ta đã nói ở trên nơi nhà thi sĩ này còn vững chãi biết chừng nào. Bởi ngay từ xưa kia, trong tâm thế con người, cõi Vô thường của Tạo hoá hầu như chỉ được cảm nhận từ phía tiêu cực, phía ảm đạm mà thôi. Đọc những câu:

Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui...
Ta nhận ra trong đó một ý thức chủ động, một sự cố gắng để vui. Và quả thật vì thế nó không giấu nổi một cảm giác ngậm ngùi, tội nghiệp.

Tôi đã đi ngược bài thơ từ dưới lên, vì muốn khẳng định tấm thịnh tình nhân hậu của tác giả muốn gửi đến con người một thông điệp về niềm tin tưởng. Nhưng bất chấp lý lẽ của cái đầu với những tính toán sáng láng của quy luật, cả bài thơ vẫn nhuốm một sắc thái buồn buồn. Phải chăng, trong hai tâm thế đang khắc khoải về nhau ở đây thì với người đi tức là “nước” - thường vẫn nhẹ nhàng hơn: Dẫu sao người đi vẫn còn được phân tán hồn mình trong những bận rộn và đổi thay của cuộc hành trình; còn người ở lại mới thực là trơ trọi, một mình đối diện với hồn mình, mà cảnh trí của kỷ niệm thì mãi còn bày ra đấy như trêu ngươi, cũng tựa như chinh phụ nhớ chồng chắc là phải da diết, tái tê hơn chinh phu nhớ vợ. Có lẽ vì thế chăng mà phần thơ gồm 12 câu phía trên mới đẹp và buồn đến thế. Sau thủ pháp cấu tứ bằng hiện tượng lưu chuyển của nước trong tự nhiên, thủ pháp then chốt của bài thơ là một ẩn dụ toàn bài: Chuyện non và nước chẳng có gì khác hơn là chuyện của con người. Cũng có thể gọi đó là nhân cách hoá và phép nhân cách hoá này nằm chủ yếu trong phần đầu - phần tả “non” với những hình ảnh quá đẹp:
Non cao những ngóng cùng trông.
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Điều đảm bảo cho ẩn dụ thành công là tính chính xác mà lại có sức gợi mở của các mối liên tưởng. Nếu hình dung ngọn núi như một con người thì nói con suối như dòng lệ của con người ấy đang lúc nhớ nhung thì không còn gì đúng chỗ hơn. Câu thơ thứ hai còn một dị bản: “Suối tuôn dòng lệ...” có một giai thoại nói rằng có một người vô danh đã sửa lại như trên, nhưng tôi tin người đó không phải ai khác là chính tác giả. Mỗi từ có một sức biểu cảm riêng và đều chính xác, nhưng từ “khô” có phần da diết hơn và rất phù hợp với văn cảnh tiếp theo:
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Cùng với câu trên kia, đây chắc chắn là những câu thơ đẹp nhất không chỉ của bài thơ mà còn là của cả nền thơ Việt ở thế kỷ này. Đẹp đến nỗi những ai có ảo tưởng mong tìm những lời khác để biểu đạt chính vẻ đẹp này thì đều bất lực, và không có cách gì khác hơn là phải mượn lại chính lời thơ. Từng từ một ở đây đều chở một dung lượng biểu cảm vừa chính xác trong tư duy cụ thể vừa mênh mông trong chân trời tưởng tượng nên có sức ám ảnh khôn cùng. Vẻ khô héo, tàn tạ, thê lương vừa rất “núi” vừa rất “người “ở đây đã đạt đến chuẩn mực của cái đẹp thẩm mĩ, với những từ “xương mai”, “hao gầy”, “tóc mây”, “tuyết sương”, “tà dương”, “phơi”, “vẻ ngọc”, “nét vàng”, “phôi pha”... Nếu như bài thơ chỉ có phần đầu này thôi thì rất có thể đặt cho nó một cái tiêu đề như “Phôi pha” chẳng hạn, cũng tựa như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau này đã tận dụng tài tình cả ca từ và giai điệu để diễn đạt cảnh trí và tâm thế rất khó diễn đạt này trong một ca khúc tuyệt vời cũng có tên là “Phôi pha”

Và thế, cùng với việc dựng lên một cảnh nước non thanh sạch, tiêu tao, bài thơ không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thuỷ chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.

54.20
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

sửa

Nhớ nhời nguyện nước thề non
Hình như là: "Nhớ lời nguyện nước thề non" mới đúng mà bạn

34.67
Trả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng bài thơ “Thề non nước”

Trong nền văn học Việt Nam, có một thi nhân đặc biệt chiếm một vị trí cũng đặc biệt trên thi đàn. Đó là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Đặc biệt bởi tài sử dụng ngôn ngữ của ông mà có người đã khâm phục ca ngợi tiên sinh như một nhà ảo thuật ngôn ngữ. Đặc biệt bởi vì ông là “chiếc gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới” (Hoài Thanh). Sinh thời, ông viết nhiều tác phẩm hay, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài thơ Thề non nước.

Bài thơ có gì đặc biệt mà lại cùng với tác giả rạng danh trên thi đàn Việt Nam đến như vậy?

Ta hãy xem:

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Hình ảnh một cuộc chia li hiện ra buồn bã qua một câu thơ như một lời thở dài nặng trĩu. “Nước non” gợi lên hình ảnh về một bức tranh sơn thuỷ, có núi sông. “Nước non” ở câu trên đi cạnh nhau như một đôi bạn quấn quýt, và trọng tâm cả câu đặt vào chữ “nặng” càng làm rõ cái sắt đá của lời thề. Tưởng chừng như không gì chia cách được nước - non. ấy thế mà:
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
“Nước, non” bị tách ra hai đầu câu thơ, như cùng tồn tại ở hai cực, tách biệt và xa cách làm sao. Nước đi như một tất yếu khách quan của quy luật vận động. Còn non đứng lại, chỉ biết chờ mong. Từ “đi” được láy và được ngăn cách, tạo cảm giác về một sự day dứt khắc khoải khôn nguôi. Non khắc khoải điều gì?
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Lời “nguyện nước thề non” thiết tha là thế, sâu nặng là thế, ấy mà non - nước vẫn cách chia. Một lần nữa, non - nước lại đứng ở hai vế câu đối lập:

Vẫn gợi hình ảnh hai thế giới tách biệt, vẫn gợi sự chia li cách trở. Thế nên:
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Hình ảnh của non hiện ra ở đây cụ thể hơn, như một người con gái. Những “dòng lệ, xương mai, tóc mây, vẻ ngọc nét vàng” đầy ước lệ chẳng đã nói lên điều đó sao? Người con gái đẹp nhưng buồn. Một lần nữa cái phong vị chia li lại thấm đều lên từng câu chữ, lại khắc đậm thêm trong ta một nỗi u tình sâu kín. Nhạc thơ hầu hết là thanh bằng, tạo âm điệu trầm buồn da diết. Tứ thơ chất chứa nỗi cô đơn:
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Cái gì cũng chỉ có một! Một mái tóc mây, một dáng vẻ hao gầy, một mình non đứng cô đơn. Thế nhưng nỗi sầu thì cứ đầy vơi, nỗi buồn như trào ra từng lời nói. Câu thơ ẩn chứa một sự đối lập xót xa.

Tất cả chỉ vì nước đã ra đi, đi xa lắm. Nhưng nước thì làm sao không chảy cho được, cũng như người trai sao yên vị một chỗ cho đành. Nước đi theo lẽ tự nhiên như người trai phải ra đi vì đất nước. Nhưng sao người con gái lại thảm sầu đến thế! Phải chăng thời buổi nhiễu nhương đã bứt lìa câu thề non - nước, tách rời hai thực thể vốn dĩ phải gần nhau. Lời thơ hiển hiện mà ý tứ cứ ẩn ngầm. Ta bắt gặp trong khung cảnh một câu chuyện tình quen thuộc bóng dáng một xã hội loạn li mà tác giả tránh không đề cập tới. Tuy thế, ý tứ và hình ảnh cứ như bật dậy khỏi trang giấy, đi vào lòng người đọc một cách sống động lạ thường.

Có vẻ như bức tranh Thề non nước sẽ nhuốm một màu sắc bi quan u tối, nếu như không có những câu thơ:
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nếu như ở đoạn thơ trên, sự ra đi của “nước” là một quy luật tự nhiên thì ở đoạn này, viễn cảnh về sự trở lại của “nước” cũng tuân theo một quy luật tự nhiên bất di bất dịch. Có thể nói đoạn thơ này là lời an ủi thiết tha, chân thành của “nước” dành cho “non”:
Dù cho sông cạn đá mòn.
Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.
Lời thề vàng đá ngày nào vẫn còn đó, sâu nặng trong mỗi người. Cho nên đáp lại sự chung thuỷ đợi chờ của non là lòng sắt son của nước:
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Cặp từ “non - nước” được liên tiếp lặp lại ở những vị trí khác nhau ngày càng gần lại, ban đầu còn cách biệt câu trên câu dưới, còn sóng đôi nhưng chưa gặp gỡ thì sau đã đi liền nhau như tái hợp, sum vầy. Ta thấy từ trong mỗi câu thơ loé lên những tia hi vọng tươi sáng, hợp thành một niềm tin chắc chắn vào một ngày sum họp gần kề. Tản Đà đã rất hữu ý khi sắp xếp từng câu chữ.

Đoạn thơ như một lời an ủi nhiệm mầu thổi vào lòng non ngọn lửa hồng ấm áp của niềm tin và sự lạc quan. Nước non tuy xa cách, nước tuy đi khuất nhưng phải có một ngày quay về với non:
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Như một người trai đạt thành sự nghiệp, quy cố hương với tấm lòng thanh thản tươi vui.

Tầng nghĩa thứ ba của cặp từ “non - nước” hiện ra ngay ở đây với ngụ ý về tấm lòng Tản Đà đối với non nước, quê hương. Nếu như ở đoạn thơ đầu, ông bộc lộ nỗi buồn chán cho cảnh đất nước qua giọng thơ sầu não thì ở đoạn này, một nhịp thơ khoan thai mà âm điệu vui vẻ cho thấy một Tản Đà khác hẳn, ngập tràn hi vọng về ngày mai tươi sáng, một tương lai tốt đẹp cho nước nhà:
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.
Màu xanh tươi tắn và dạt dào sức sống của ngàn dâu tượng trưng cho một khởi đầu tốt đẹp sau những thay đổi tang thương. Từng lời, từng chữ cứ quyện vào nhau, đan kết lại trong một nỗi hân hoan dào dạt. Ta như thấy được nết mặt vui mừng của người chinh phụ khi đón chồng về, như cảm nhận được niềm vui ngân lên trong những thanh âm trong trẻo của hai câu thơ cuối.

Bức tranh Thề non nước mang một hình ảnh cụ thể của một bức tranh sơn thuỷ nhưng lại mang nét trừu tượng của một bức tranh phức tạp. Cái hay của bài thơ là ở nghệ thuật ngôn ngữ điêu luyện của Tản Đà, cũng là ở tấm lòng ưu ái của ông với đất nước.

Bài thơ mang một giá trị cao là vì thế. Nó là một trong vài dấu sơn cuối cùng của thơ cổ, chuyển tiếp sang thời kì thơ mới hiện đại.


Lê Quỳnh Chi - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP. Hồ Chí Minh
BÁC ĐẾN CHƠI ĐÂY TA VỚI TA!
44.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Thề non nước”

Tản Đà (1889-1939) có câu thơ tuyệt bút:

Tài cao, phận thấp, chí khí uất,
Giang hồ mê chơi quên quê hương.
(Thăm mả cũ bên đường)
Người đọc xưa nay vẫn tìm thấy bóng dáng Tản Đà qua vần thơ ấy. Tên là Nguyễn Khắc Hiếu, lấy núi Tản, sông Đà làm bút danh. Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Khối tình con, Thề non nước là những tác phẩm nổi tiếng của Tản Đà. Chất tài hoa tài tử, lãng mạn, giang hồ... in đậm trong thơ, văn Tản Đà. Những năm hai mươi của thế kỉ XX, Tản Đà là thi bá trên thi đàn Việt Nam. Ông được nhà văn Hoài Thanh trân trọng ngợi ca là “Người của hai thế kỉ”, vì thơ văn của Tản Đà chính là gạch nối giữa hai nền văn học của dân tộc: cổ điển và hiện đại.

Bài thơ Thề non nước là một kiệt tác của Tản Đà. Bài thơ nằm trong truyện ngắn cùng tên, được Tản Đà sáng tác năm 1921. Cô đào Vân Anh và một du tử - hai nhân vật trong truyện, ngồi uống rượu, cùng nối lời nhau, làm thơ vịnh bức tranh sơn thuỷ - bức cổ hoạ - có ba chữ triện, chữ Nôm Thề non nước mà thành bài thơ này. Bức cổ hoạ chỉ có một dãy núi, không có vẽ sông nước, dưới chân núi có một ngàn dâu gợi cảnh tang thương biến đổi. Bài thơ viết bằng thể thơ lục bát, gồm có 22 câu thơ. Bốn câu đầu là lời vịnh của du khách, 10 câu tiếp theo của cô đào Vân Anh, 6 câu nối tiếp là lời của du khách, 2 câu cuối là tiếng thơ của Vân Anh.

Ngoài những chi tiết nghệ thuật vịnh bức cổ hoạ, bài thơ Thề non nước còn ca ngợi một mối tình chung thuỷ sắt son của đôi lứa, đồng thời gửi gắm một tình yêu nước thầm kín sâu nặng.

Hình ảnh bức tranh sơn thuỷ. Nói là bức tranh sơn thuỷ nhưng không có “thuỷ” vì “Nước đi đi mãi không về cùng non”. Chỉ có núi, một dãy “Non cao những ngóng cùng trông”. Có cây mai già trụi lá trơ cành (xương mai). Có sương tuyết và mây phủ dày trên đỉnh núi. Có ngàn dâu xanh tốt dưới chân núi gợi màu tang thương biến đổi. Bao phủ toàn bức tranh là màu vàng tà dương:
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.
Có thể nói, đó là một bức tranh cổ rất đẹp mà buồn, thấm đượm cái tình thương nhớ, tang thương.

Nước non nặng một lời thề. Cũng như thuyền và bến, trong bài thơ này “non” và “nước” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho lứa đôi, cho trai và gái, cho giai nhân và người tình chung. Lứa đôi, non và nước đã yêu nhau, đã thề nguyền, đã “nặng lời thề”. Lời thề sâu nặng và sắt son, bền vững như non như nước. Cảnh ngộ thật éo le và đáng thương. Lứa đôi đang trải qua những năm dài li biệt “Nước đi chưa lại, non còn đứng không”. Khi ngắm nhìn bức tranh, du khách đã cảm động nói: “núi tương tư”.

Sau những năm dài đợi chờ, thương nhớ và đau buồn, giai nhân (non) đã trở thành nàng cô phụ “non còn đứng không”. Khóc than thảm thiết, bao nhiêu nước mắt đã khô cạn: “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Thân hình tiều tuỵ đáng thương như một gốc mai già trụi lá trơ cành: “Xương mai một nắm hao gầy”. Mái tóc xanh mềm mại như mây ngày nào, nay đã bạc trắng: “Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương”. Tình lang đi mãi chưa về, giai nhân tuổi mỗi năm một cao, đã chiều tà ngả bóng, nhan sắc phai tàn. Còn đâu nữa “vẻ ngọc” và “nét vừng” thời con gái xa xưa: “Trời tây ngả bóng tà dương - Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha”.

Tản Đà đã sáng tạo nên những hình ảnh ẩn dụ để đặc tả nỗi buồn cô đơn, tương tư của giai nhân. Có không ít câu thơ trong bài Thề non nước vừa đẹp vừa hay không thua kém những câu Kiều của Nguyễn Du. “Tóc mây”, “xương mai”, “nét vàng”, “vẻ ngọc”, đặc biệt “suối khô dòng lệ”... là những hình ảnh mĩ lệ nói về sắc tài và bi kịch trong tình yêu của giai nhân. Còn nước mắt đâu nữa mà “tuôn”. Chữ “khô” thể hiện cách chọn từ, dùng từ của Tản Đà rất tinh luyện”, chính xác.

Chẳng cần xem bức hoạ mà chỉ đọc vài câu thơ cũng thấy như hiện ra trước mắt chúng ta một cái “núi tương tư” vậy:
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.
Càng tương tư càng tủi hờn: “Non còn nhớ nước, nước mà quên non”. Nhưng nàng cô phụ vẫn đinh ninh lời thề:
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thể xưa.
“Dù... hãy...” niềm tin được khẳng định. “Sông cạn đá mòn” là một thành ngữ, nêu lên một giả định không bao giờ có thể xảy ra. Và cho dù có xảy ra trong muôn một, thì giai nhân vẫn son sắt thuỷ chung “hãy còn thề xưa”. Ba chữ “còn” được láy lại trong vần thơ đã thể hiện sâu sắc, cảm động mối tinh son sắt, thuỷ chung, bền đẹp của nàng cô phụ.

Nước đã đi xa, tình lang đã đi xa, chỉ còn lại tiếng đồng vọng trong không gian và thời gian li biệt. Hẹn ngày trở lại, hẹn ngày tái ngộ, hội ngộ của lứa đôi. Chia sẻ nỗi buồn, an ủi tình nhân:
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
“Ngàn dâu xanh tốt” như một chứng tích của thời gian, như một nỗi tang thương đã biến đổi, và còn lại như một kỉ vật, vì thế “non thì cứ vui”.

Hai câu kết như sự chung đúc một lời thề, Thề non nước:
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước, không nguôi lời thề.
Đã có lời “thệ hải minh sơn” trong tình sử. Đã có “đám cưới bạc”. Cũng có “đám cưới vàng”... Đời người hữu hạn trăm năm. Nhưng lời thề của “non” và “nước” là lời thề “nghìn năm” kết đôi, thuỷ chung bền vững. Đó là một lời thề sâu nặng, bền đẹp đến muôn đời.

Nghệ thuật sử dụng biện pháp “phân - hợp” ngôn ngữ của Tản Đà rất điêu luyện để gợi tả và biểu cảm thần tình. “Ngóng trông” được viết thành “những ngóng cùng trông” diễn tả cái dằng dặc của sự đợi chờ, trông ngóng. Trong li biệt, hình ảnh “non” và “nước” nằm ở hai phía không gian - đầu, cuối câu thơ: “Nước đi, đi mãi không về cùng non”. Trong cảnh sum họp, hội ngộ của lứa đôi thì non và nước sẽ thành non non nước nước gắn bó keo sơn, bền vững, lời thề chẳng bao giờ “nguôi”, chẳng bao giờ “quên” được!

Tóm lại, lời thề của non và nước được nói đến một cách thắm thiết, thuỷ chung và cảm động.

Bài thơ Thề non nước là một bài thơ đa nghĩa. Có nội dung vịnh cảnh trong tranh. Có nội dung phong tình cố hữu của Tản Đà. Và còn có tấm lòng tha thiết gắn bó của nhà thơ với Tổ quốc giang sơn trong cảnh ngộ mất chủ quyền. Đầu thế kỉ XX, có một số nhà thơ nói lên lòng yêu nước, một cách thầm kín:
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
(Cuốc kêu cảm hứng - Nguyễn Khuyến)
...Nặng gánh em trở ra về!
Ngoảnh cổ trông sông rộng trời khuya...
Vì chưng nước cạn, nặng nề em dám kêu ai!
...
Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng
Nước non gánh nặng, cái đức ông chồng hay hỡi có hay!
(Gánh nước đêm - Trần Tuấn Khải)
Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi...
(Vịnh bức địa đồ rách - Tản Đà)
Trong bài thơ Thề non nước, hai chữ “non” và “nước” xuất hiện ở tần số rất cao: 27 lần, lúc thì nước nhớ non, lúc thì non nhắn nước, lúc thì non non nước nước... Một giọng thơ thiết tha, có không ít câu thơ để lại nhiều ám ảnh:
Nước đi đi mãi, không về cùng non...
Nước đi chưa lại, non còn đứng không,
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày...
Non còn nhớ nước, nước mà quên non...
Có đặt bài thơ Thề non nước bên cạnh các bài thơ Chim hoạ mi trong lồng, Vịnh bức địa đồ rách, v.v... ta mới thấy tình yêu nước được nhà thơ kín đáo gửi gắm vào các chữ “nhớ nước”, “quên non”. Tình yêu nước dào dạt cả bài thơ. Dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, trên thi đàn công khai, Tản Đà đã có một cách nói thật hay, thật xúc động về tấm lòng gắn bó thiết tha với giang sơn Tổ quốc. Trong thời Pháp thuộc, bài thơ Thề non nước như một vạch nối dẫn dắt người đọc, nhất là thế hệ thanh niên cảm nhận sâu hơn những vần thơ của Phan Bội Châu, của Phạm Tất Đắc, v.v...
Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn
Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau.
(Hải ngoại huyết thư - Phan Bội Châu)
Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ
Trông non sông lã chã dòng châu...
(Chiêu hồn nước - Phạm Tất Đắc)
Tóm lại, Thề non nước là một bài thơ kiệt tác của thi sĩ Tản Đà. Sắc điệu trữ tình dào dạt trong những vẫn thơ nói về sự thương nhớ, chờ mong. Chờ người yêu nặng lời thề, xa vắng. Nhớ hồn nước bơ vơ. Các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hoá, điệp từ điệp ngữ, biện pháp phân - hợp v.v... đã tạo nên những câu thơ lục bát tuyệt hay, đọc qua một lần nhớ mãi.

Thi sĩ Tản Đà đã nói hộ chúng ta những tình cảm đang nảy nở trong lòng. Thề non nước thể hiện tuyệt đẹp cốt cách phong tình tài hoa của thi sĩ Tản Đà.

Lời thề xưa cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Cả một trời yêu thương, mong nhớ, đợi chờ mênh mang:
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.

N.H 35
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

thề non nước

+ Suối "khô" dòng lệ chờ mong tháng ngày => Suối "tuôn" dòng lệ chờ mong tháng ngày.
+ "Trời" tây "chiếu" bóng tà dương
+ Non "xanh" đã biết hay chưa?
              Nguồn: " Thi nhân Việt Nam " NXB VH Sài Gòn, 2008

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

em ak nen chinh sua mot chut ve chu "nhoi" thay vao do la "loi"

nghe hay do anh mong rang cuoc doi nay luon luon co su chan thanh ko co su doi cha'den voi em chuc em thanh cong trong moi linh vuc ><hay co len em nhe^^^^

11.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bút tích Tản Đà (đã rà soát kỹ rồi)

NHỜI hay LỜI có bút tích của Tản Đà đây. Xin viết lại nguyên văn (cả dấu !-?-.-, nhé) (Những chữ nhiều văn bản nhầm với bút tích của TĐ xin được viết chữ in hoa)

Nước non nặng một nhời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Sương mai một nắm hao gầy (không phải Xương)
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương!
Giời tây CHIẾU bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non?
DẪU RẰNG sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa
Non XANH đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh BIẾC non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi nhời thề.
"NHỜI" "GIỜI" (từ cổ)


Cho mọi người hiểu hơn
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bút tích Tản Đà

Bác Phuong Ca Canh có thể cho cháu hỏi là bút tích được bác lấy từ đâu được không?

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
11.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bút tích Tản Đà

Mình chụp lại từ khu lưu niệm Tản Đà (15h26 ngày 25/05/2013) ở đây:
http://vi.wikipedia.org/w...%BA%A3n_%C4%90%C3%A0.jpeg

Khi đưa lên nơi "phi lợi nhuận" mình làm cho độ phân giải thấp:
http://vi.wikipedia.org/w...BAt_t%C3%ADch_T%C4%90.jpg

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận

Tàn Đà viết thơ hay mà bạn này phân tích cảm nhận cũng hay nữa. Cảm ơn những chia sẻ của bạn nhé

Chưa có đánh giá nào
Trả lời