Tặng A. Mariengof

1

Tù và chết đang thổi!
Còn ta biết làm sao được bây giờ
Trên những con đường lầy lội?

Các ngươi, những kẻ yêu bọ chét
Các ngươi có muốn chăng……..

Đầy ắp vẻ dịu dàng trên gương mặt
Yêu hoặc không yêu – cứ nhận lấy cho mình.
Thật dễ chịu khi hoàng hôn trêu chọc
Và trút vào những đôi mông chắc nịch
Cái chổi nào thấm máu của bình minh.

Sắp tới đây giá lạnh bằng bụi vôi nhuộm trắng
Ngôi làng này và những đồng cỏ kia.
Sẽ không còn nơi để ẩn náu kẻ thù
Sẽ không còn nơi lẩn tránh.
Và đây, kẻ thù với cái bụng
Bằng sắt, và sẽ xoè rộng bàn tay.

Chiếc cối xay gió cũ sẽ vểnh đôi tai
Cối xay gió nghe hơi và tiên đoán
Và con bò trong sân im lặng
Vì đầu óc của mình đã rót hết cho bê con
Bên bờ giậu cọ cái lưỡi của mình
Cảm nhận ra trên cánh đồng có điều chi tai họa.

2

Phía sau làng, có phải là vì thế
Mà tiếng phong cầm nức nở khóc than:
Ta-li-a-la-la, ti-li-gôm
Treo trên khung cửa sổ trắng.
Và ngọn gió mùa thu màu vàng
Có phải vì thế mà chạm vào mặt nước màu xanh
Như chiếc bàn chải ngựa kia bằng sắt
Chải sạch lá vàng từ những cây phong.
Đang bước đi một người đưa tin khủng khiếp vô cùng
Bước chân khệnh khạng đập vỡ những cánh rừng.
Và tất cả những bài ca đều trở nên buồn bã
Sau tiếng kêu của ễnh ương trong rơm chí choé.
Ô, bình minh điện khí hoá
Bằng dây đai và vẻ ôm choàng
Lên bụng những mái nhà con
Đang thức dậy một cơn sốt bằng gang thép!

3

Các ngươi có nhìn thấy chăng
Đang chạy trên thảo nguyên
Trong sương hồ đang cắt
Thở phì phò bằng lỗ mũi sắt
Một con tàu trên bàn chân gang?

Còn sau lưng
Trên hoa cỏ rậm
Như trong cuộc đua tuyệt vọng
Vắt đôi chân nhỏ lên đến tận đầu
Con ngựa nhỏ tung bờm đang phóng?

Kẻ khờ khạo dễ thương
Nó về đâu cố theo cho kịp?
Chẳng lẽ nó không biết rằng con ngựa bằng da bằng thịt
Đành chịu thua ngựa bằng thép bằng gang?
Chẳng lẽ nó không biết rằng trên những cánh đồng
Bước chân xưa đã không còn quay trở lại
Khi mà hai cô gái Nga xinh đẹp nơi đồng nội
Bị đem dâng để lấy ngựa – một kẻ mục cư?
Số phận nơi bán mua đã khác hẳn bây giờ
Lạch nước sâu thức dậy bằng tiếng kêu cót két
Dùng hàng nghìn pút da ngựa và cả thịt
Người ta đem mua đầu máy bây giờ.

4

Vị khách kinh tởm kia, quỉ hãy bắt mi đi!
Bài hát của ta và mi không thể nào quen nổi.
Ta chỉ tiếc rằng từ cái thời ta hãy còn nhỏ tuổi
Đã không phải dìm mi như cái xô xuống đáy giếng sâu.
Giờ chúng vẫn đứng và nhìn ngó mà chẳng u sầu
Tô những bờ môi trong những nụ hôn bằng sắt
Chỉ có ta, như người hát thánh ca, đành phải hát
Lời nguyện cầu cho tổ quốc yêu thương.
Chính vì thế mà trong tháng chín u buồn
Trên mặt đất khô và lạnh lẽo
Đập đầu vào bờ giậu
Quả thanh lương trà đỏ như máu đang tuôn.
Chính vì thế mà đâm rễ nỗi buồn
Trong tiếng đàn ta-lian-ka thành chuỗi
Và chàng thợ cày mê mải
Đắm chìm trong “nước mắt quê hương”.


Sorokoust là những lời cầu nguyện cho người chết trong 40 ngày)

* Phần 3 của tác phẩm nói về một biến cố hiện thực. Trong bức thư gửi Livshits E. N., Esenin viết: "Điều này đã làm tôi cảm kích... chỉ nỗi buồn thú vật thân thương đã mất và sức mạnh khủng khiếp, chết chóc của cơ giới. Một ví dụ về điều này. Chúng tôi đi tàu từ Tikhoretskaya đến Piattigorsk, bỗng nghe thấy tiếng kêu và chúng tôi ngó qua cửa sổ thấy một con ngựa non chạy đuổi theo con tàu và không hiểu sao nó lại nghĩ rằng sẽ vượt con tàu. Con ngựa chạy đuổi rất lâu nhưng cuối cùng đã đuối sức và đến một ga nào đấy người ta đã bắt lấy nó. Sự kiện này với ai đó thì không có gì nhưng với tôi nó nói lên rất nhiều điều. Con ngựa sắt đã thắng con ngựa bằng xương thịt. Và con ngựa non, đối với tôi, là hình ảnh về làng quê đang dần chết..." Những bài thơ "Tôi – thi sĩ cuối cùng của nông thôn"; "Thế giới của ta cổ xưa, bí ẩn"... cũng đều về đề tài này.

Nguyễn Bính của Việt Nam đã từng tê tái với cảnh "hoa xoan đã nát dưới chân giày.." và đã rất khổ sở khi thấy cô em đi tỉnh về mặc áo cài khuy bấm nhưng sợ mất lòng em ông đã không dám nói ra, mà chỉ thầm van xin cô hãy giữ lấy cái vẻ quê mùa với quần nái đen, khăn mỏ quạ. Còn Esenin của nước Nga, trước đó mấy chục năm, đã phát khóc lên khi thấy con ngựa bằng xương bằng thịt đành chịu thua ngựa bằng thép bằng gang... Ta thấy hai nhà thơ này có những nét thật giống nhau.