Trước sự ra đi mãi mãi của nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không kìm được nước mắt thương tiếc người đồng nghiệp thân thiết. Nữ thi sĩ lần đầu tiên chia sẻ với Dân trí kỷ niệm đẹp, đầy hoài niệm với tác giả “Dế Mèn phiêu lưu ký”...

Từ năm 1985, về công tác cùng cơ quan Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và báo Người Hà Nội với nhà văn Tô Hoài, tôi có điều kiện gặp bác nhiều hơn. Nhưng trước đó, khoảng năm 1978, là phóng viên báo Hà Nội Mới, tôi cũng đã... khá thân với nhà văn vì cũng đã là uỷ viên BCH Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, lại phụ trách phần văn chương nghệ thuật của Hà Nội Mới nên thình thoảng có gặp nhà văn để hỏi về tình hình sáng tác của văn nghệ sỹ thủ đô.

Trước Tết năm đó, khi tôi đang chuẩn bị dự liên hoan ở cơ quan thì nhận điện thoại bác Tô Hoài nói nếu rỗi thì sang Hội nhà văn lúc đó ở 65 phố Nguyễn Du, bác đang trực bên ấy. Thế là tôi bỏ cuộc liên hoan ở báo Hà Nội Mới, rẽ qua quầy hoa chỗ góc phố Đinh Tiên Hoàng và hàng Khay,chọn mua một bông hồng thật đẹp và tươi rói, định sang tặng nhà văn.

Khi đến, tôi thấy Tô Hoài đang ngồi một mình, than:
- Tết nhất,“nó” bắt mình trực thế này, cô bảo có khổ không? Thế nào, cô đã chuẩn bị gì cho Tết chưa?

Tôi vẫn cầm bông hồng trên tay, đành đặt xuống bàn, cười hỏi lại:
- Thế anh đã chuẩn bị gì chưa ạ? Em không hỏi chuyện ở nhà đâu, vì có chị và các cháu lo rồi, em chỉ hỏi chuyện Mẹ anh và chuyện... đi chơi Tết thôi.

Nhà văn cười:
- Lát nữa cô ra công viên Thống nhất ngắm hoa đào với tôi nhé. Đúng là tôi chẳng biết gì việc nhà. Bà ấy và các cháu chăm lo hết mọi thứ, chỉ có điều là bà cụ nhà tôi dạo này không khoẻ, nên tôi cũng chẳng dám đi đâu xa cô ạ.

- Em từ dạo đi lấy chồng, mới thật biết thương mẹ. Nhưng mẹ em còn nhanh nhẹn và chăm em hơn là em chăm mẹ anh ạ. Em cứ về thăm là mẹ tìm nhà có cái gì bắt em ăn ngay.

Hai anh em cùng cười. Nhà văn tư lự:
- Rồi cũng đến lúc cô giống tôi, lúc nào cũng thấp thỏm chẳng biết mẹ còn ở với mình được mấy ngày nữa...

Chúng tôi ngồi chuyện trò linh tinh, đến lúc đứng lên để đi sang công viên Thống Nhất xem hoa đào, nhà văn thấy tôi cầm bông hoa (mà lúc đó tôi định đưa tặng), thì cười:
- Hoa hồng chóng tàn lắm, cô biết không?

Thế là tôi không dám tặng Tô Hoài nữa, mà lúc đi qua cổng, đưa cho một cháu gái đi ngang (!). Cháu cứ ngơ ngác rồi cười rất tươi để cảm ơn. Hôm đó về, tôi viết bài thơ Bông hồng không tặng. Bài này đã đăng báo nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ nói với nhà văn là tôi làm tặng bác. Tính tôi cứ e dè vậy...

Nhà văn đã vĩnh biệt chúng ta. Tôi kính cẩn mong báo Dân trí đưa bài này lên mạng để nhà văn Tô Hoài có thể cầm đọc ở thế giới bên kia và cùng nhớ về những ngày Hà Nội còn gian khổ, một thời...


Nguồn: Báo Dân trí, ngày 8/7/2014