Mồng bảy tháng bảy năm Mậu Thân
Chiếu lệ bắc cầu qua sông Ngân
Hằng hà vô số cu li quạ
Bay bổng về trời dường trẩy quân
Hai bên bờ sông đậu lốc ngốc
Con thì kêu đói, con kêu nhọc
Bổng nghe lịnh trời truyền khởi công
Nào con đầu cúi, con lưng cong
Thêm thầy Lý Bẻo đứng coi việc
Đụng đâu đánh đó như bao bông!
Ngán cho cái kiếp làm dân thiệt
Làm có ăn không, chết cho chết
Cắn cỏ kêu trời, trời chẳng nghe
Một con bay lên đứng diễn thuyết
Hỡi đồng bào nghe tôi nói đây:
Dân quyền mạnh nhất là đời nay,
Việc mà chẳng phải việc công ích
Không ai có phép đem dân đày
Trối kệ Hoàng Ngưu với Chức Nữ
Qua được thời qua không thời chớ?
Quốc dân Ô Thước tội tình chi?
Mà bắt xâu bơi làm khổ sở
Anh em ta, hè, về quách thôi!
Luôn thể kéo nhau vào cửa trời
Dộng trống đăng vân, ầm đế toạ
Ngai vàng bệ ngọc rung rinh rơi
Nghe tin dân QUẠ nổi cách mệnh
Đường sá xa xuôi, việc nặng nề
Phần lũ con thơ ở nhà khóc!
Trời sai thiên lôi ra thám thính
Đầu đen máu đỏ quyết hi sinh!
Ngừng búa thiên lôi không dám đánh.
Năm mây bỗng thấy chiếu trời ra,
Đánh chữ đại xá trời ban tha.
Dân QUẠ ở đâu về ở đó,
Từ nay khỏi bắt cầu Ngân Hà.
Ờ té ra:
Mềm thì ai cũng cắn!
Rắn thì trời cũng nhả.
Hằng hà sa số cu li QUẠ
Bay về hạ giới kêu KHÁ! KHÁ!


Năm 1908, phong trào Duy Tân bị khủng bố trắng, tác giả bị bắt ở Hà Nội, giải về giam ở nhà lao Hội An (Quảng Nam), mãi đến năm 1911 mới được trả tự do. Lúc ấy có phong trào xin xâu, ông làm bài thơ ngụ ngôn này. Bài được đăng trên Phụ trương văn chương của Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 726 ngày 2-6-1928.

Với bài thơ Dân quạ đình công và bài thơ Tình già (1932), tác giả đã khai sinh trường thơ hiện đại Việt Nam.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]