太平早發偶吟

江城署色半晴陰,
雲水蒼忙觸朗吟。
筆硯峰寒青草潤,
龜龍塔靜綠苔侵。
一舟人語分南北,
兩岸巖容峙古今。
斜倚孤蓬舒眺覽,
鍾聲山寺動鄉心。

 

Thái Bình tảo phát ngẫu ngâm

Giang thành thự sắc bán tình âm,
Vân thuỷ thương mang xúc lãng ngâm.
Bút Nghiễn phong hàn thanh thảo nhuận,
Quy Long tháp tĩnh lục đài xâm.
Nhất chu nhân ngữ phân nam bắc,
Lưỡng ngạn nham dung trĩ cổ câm (kim).
Tà ỷ cô bồng thư diểu lãm,
Chung thanh sơn tự động hương tâm.

 

Dịch nghĩa

Thành bên sông lúc sớm mai, nửa nắng nửa râm,
Mây nước mênh mang, cảm hứng chợt ngâm vang.
Đỉnh Bút Nghiễn lạnh lẽo, bãi cỏ xanh mướt,
Tháp Quy Long trầm mặc, rêu biếc phủ lan.
[Cùng trên] một con thuyền mà người giọng bắc, kẻ giọng nam,
Hai bên bờ vách đá sừng sững suốt xưa nay.
Ngồi tựa nơi mui thuyền lẻ loi, thanh thản nhìn ra xa,
Tiếng chuông chùa núi ngân nga, chạnh nỗi nhớ nhà.


Thái Bình là một vùng mà từ đời Tấn về sau do người Man người Liệu cư trú, vì thế nhà Đường chỉ coi là châu “ky my” (chỉ ràng buộc, không trực thuộc), thời Tống đặt thành Thái Bình trại, thời Nguyên đổi làm lộ, thời Minh mới đặt thành phủ, nhà Thanh cũng theo đó, cho thuộc tỉnh Quảng Tây, sau đó là địa phận khu tự trị Tráng, lị sở ở thị trấn Sùng Tả. Trong lịch sử, theo Độc sử phương dư kỷ yếu (quyển 110, trang 4493) thì: “Phủ Thái Bình: là đất Nam Việt cổ. Thời Hán thuộc quận Giao Chỉ, tên đất là Lệ Giang...” Lĩnh ngoại đái đáp (mục Chợ đổi chác ở trại Vĩnh An và châu Ung, quyển 5) cũng chép: “Đất Hữu Giang còn có sách Nam Giang giáp giới với châu Tô Mậu của Giao Chỉ...” Sách Đại Việt sử ký toàn thư thì chép: “Mậu Ngọ, [Anh Vũ Chiêu Thắng] năm thứ 3 [1078], (Tống Nguyên Phong năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, sửa lại thành Đại La, sai Đào Tông Nguyên đem biếu 5 con voi thuần, xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô, Mậu, và những người ở các châu ấy bị bắt đi. Sau chỉ trả một phần châu Quảng Nguyên còn châu Tô, châu Mậu mất vào tay nhà Tống, thành trại Thái Bình, trại Cổ Vạn, trại Thiên Long, trại Vĩnh Bình.”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]