Thơ » Việt Nam » Cận đại » Phan Bội Châu » Ngục trung thư
Đăng bởi tôn tiền tử vào 26/10/2019 23:50
Bài thơ được viết bằng chữ Hán nhưng chưa có nguyên tác, xin mời xem bản dịch.
Nếu bạn có thông tin về nguyên tác của bài thơ, xin mời gửi vào bình luận ở dưới.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 26/10/2019 23:50
Tháng 2 năm Tân Hợi (1911), tôi lại qua Xiêm. Lúc bấy giờ người trong đảng ta cư ngụ nương náu ở nước Xiêm, có bọn các ông Tử Kính, Vĩnh Long, Ngọ Sanh và Minh chung, rủ nhau chịu khó cày cấy ruộng nương, chăn nuôi gà vịt, để làm kế trữ sức lâu ngày.
Các ông viết thư sang Hương Cảng kêu tôi qua.
Tôi suy nghĩ muốn bắt chước Ngũ Tử Tư ngày xưa cày ruộng đợi thời, cũng là kế hay, bèn đáp tàu qua Xiêm. Sang đây, tôi tới ở sở ruộng Bạn-Thầm, tắm gió gội sương, dầm mưa trải nắng, cùng mấy anh em thiếu niên cùng chia sớt đắng cay, hầu cho tiêu bớt nông nỗi đau thương, ăn không ngồi rồi.
Tôi sống cái đời nông phu cực nhọc trước sau được 8 tháng.
Nhưng trong 8 tháng đó, tôi thấy trong mình vui vẻ thơ thới lạ lùng. Lúc khát gặp có suối nước thì uống, lúc đói vớ được trái cây thì ăn, cái ngày giờ cảm khái vô liêu của tôi lúc này, chôn đứt ở trong cảnh sống ăn sương hút gió, kể cũng là một cách sống thú vị của anh tráng sĩ đang cơn túng thế cùng đường. Bởi vậy, tôi cho câu chuyện đáng ghi chép là phải.
Hồi này rảnh rang nhàn thích, tôi soạn ra được nhiều bài văn quốc ngữ. Nào truyện Lê Thái Tổ, nào truyện Trưng Nữ Vương. Nào là những khúc hát bài ca cổ võ tấm lòng yêu nước, yêu nòi, yêu giống. Tôi đem những bài ấy ra dạy cho những người ở trong sở ruộng học thuộc lòng, sớm tối họ thường nghêu ngao hát làm vui. Ấy là tôi muốn gieo hạt giống cách mạng ở giữa khoảng nước biếc non xanh vậy.
Tháng 10 năm ấy (Tân Hợi, 1911), Phan quân Bá Ngọc ở Hương Cảng sang Xiêm, đem cái tin Võ Xương khởi nghĩa nói cho tôi nghe. Tôi lấy làm động tâm hết sức.
Hồi trước lúc tôi còn ở bên Nhật, từng có cơ hội kết giao với bọn lãnh tụ cách mạng Tàu như Hoàng Khắc Cường, Chương Thái Viêm. Lại cùng bọn Trương Kế và chí sĩ các nước Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ và Phi Luật Tân, tổ chức ra hội “Đông Á Đồng Minh”. Chúng tôi với họ cũng là một hạng người đau lòng mất nước, mong phục nghiệp xưa, tôn chỉ vốn là tương hợp. Nay nghe tin quân cách mạng Trung Hoa dấy lên, khiến tôi có cái cảm giác “tiếng đồng reo tiếng chuông ứng”. Nhân đó Bá Ngọc khuyên tôi nên trở về nước Tàu. Tôi liền từ giả sở ruộng ở Xiêm mà đi.
*
Hạ tuần tháng 11 (1911), tới Hương Cảng, anh em đồng chí tản tác các nơi, giờ đều quần tụ lại đây.
Lúc này tôi viết ra một bài chính kiến, tựa là Liên Á sổ ngôn, cốt bày tỏ kêu gào hai nước Trung Hoa, Nhật Bản nên đấu sức cùng lòng, để sửa sang đại cuộc châu Á. Bài này truyền ra, những người kiến thức đều khen ngợi tán thành.
Song thời cuộc Đông Á, đến nay, xoay đổi khác hẳn sự trông mong của mình lúc đó. Thế mới biết việc đời lý luận đi tới sự thật không phải là chuyện dễ dàng. Bọn mình hay ngồi nói ngông tưởng hão, chỉ tổ làm trò cười cho người ta đó thôi.
Mùa xuân năm Nhâm Tý (1912), nước Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, cuộc cách mạng thế là xong xôi; tôi bèn đi Thượng Hải, tìm thăm người bạn hào hiệp quen nhau thuở trước là Trần quân Kỳ Mỹ. Giữa lúc này, Trần Kỳ Mỹ đang là Đốc quân Thượng Hải, giúp cho tôi một số tiền lớn. Lâu nay tôi khốn khổ về cảnh túng bấn nghèo nàn, không khác gì người hết gạo nhịn ăn lâu lắm rồi, bây giờ được Trần Kỳ Mỹ vác một số tiền lớn lao mà cho mình, khiến mình vui mừng yên ủi, vì lại có tiền để hoạt động.
Vừa gặp lúc Dân Đảng ỏ Quảng Đông cũng thành công đắc chí, Hồ Hán Dân làm Đô đốc, cùng với Cảnh sát cảnh trưởng Trần Cảnh Hoa, vốn tỏ ý đồng tình với đảng cách mạng nước ta, cho nên tôi nhân dịp lại đi Quảng Châu và định ở luôn tại đó.
Trung Hoa Dân Quốc dựng lên như có luồng gió tiếng vang, rung động tới nước mình nhiều. Dân khí ta lại phấn chấn đáo để. Những hạng chí khí lại rủ nhau bỏ nước mạo hiểm trốn ra ngoài, chân nối gót nhau tới Quảng Châu đông lắm.
Nhóm ông Liệt Sanh ở Nam Kỳ qua; bọn ông Hải Thần ở Bắc Kỳ tới; bọn Đặng Tử Kính và Đặng Hồng Phấn thì ở Xiêm sang. Cho tới mấy anh em học tốt nghiệp ở trường Lục quân Quảng Tây lớp nọ, nay cũng đồng thời kéo đến Quảng Châu để hội họp nhau. Chúng tôi có thuê một căn nhà ở ngoài thành để làm cơ quan, anh em tới ở đông quá, đến đỗi chật chỗ.
Đảng viên xã hội Tàu ở Quảng Đông là các ông Đặng Cảnh Á và Lưu Sư Phục, cũng ra tay giúp sức đảng cách mạng Việt Nam mà vận động giùm với các giới. Chính phủ Quảng Đông lúc bấy giờ vốn đã sẵn lòng ngó lơ cho ta, thành ra đảng ta tấn hành, mọi việc được thong thả tự nhiên, không bị trở ngăn lo ngại gì cả. Nhờ vậy mà đảng cách mạng ta có vẻ phấn khởi khá lắm.
Anh em đồng chí thấy vậy, đều khuyên nhủ thúc giục tôi nên thừa cơ hội này mà cử đồ đại sự. Sinh bình (lúc sống ở trên đời), tôi vốn ôm chủ nghĩa cấp khích nay lại được da số anh em đồng chí thúc hối tán thành, cho nên tôi càng quả quyết làm, vì đó mới có cái màn thất bại thê thảm lại diễn ra một lần thứ hai nữa.