Thơ » Việt Nam » Cận đại » Phan Bội Châu » Ngục trung thư
Đăng bởi tôn tiền tử vào 26/10/2019 23:23
Bài thơ được viết bằng chữ Hán nhưng chưa có nguyên tác, xin mời xem bản dịch.
Nếu bạn có thông tin về nguyên tác của bài thơ, xin mời gửi vào bình luận ở dưới.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 27/10/2019 23:23
Tàu đến bến, chúng tôi lên bờ, ở loanh quanh hết hơn một tuần lễ. Trong óc tôi lúc này thấy sự vui sướng không biết sao mà nói. Vì tôi mới bỏ nước trốn đi, người Pháp chưa hề nghe biết. Lúc ra khỏi bờ cõi áp chế, mình thấy hoàn cảnh mình đều là không khí tự do, mặc ý mình đi lại thông thả, trái lại, thân mình về trước không khác gì một con ngựa hay, bị nhốt trong chuồng, lại bị người ta may kín cả mắt lại tối đen, nay bỗng chốc được cắt chỉ mở mắt ra mà chạy nhởn nhơ dong ruổi ở giữa khoảng đồng rộng mênh mông, sung sướng thảnh thơi biết mấy. Nhưng nghĩ mình thì vậy, nhớ tới cái cảnh đồng bào đang bị bó buộc, thì ruột mình muốn đứt ra từng khúc.
Tại Hương Cảng thấy học trò đi học vui vẻ đông đảo, cảnh buôn bán tấp nập đêm ngày; dọc đường không hề thấy ai bị lính bắt đứng lại xét hỏi giấy thân; không có ai đi đêm không đèn mà bị bính thộp ngực dẫn về bót; không có thứ lính tuần hung bạo ngang tàng, bắt bớ người vô tội ở giữa đường, không có cảnh tượng người bản xứ bị người Âu Tây bắt nạt mà phải nép mình một bên đường. Ôi! Hương Cảng cũng là đất dưới quyền ngoại nhân cai trị, nhưng Hương Cảng có vẻ mùa xuân tươi cười, không phải như ở xứ mình.
Lúc này tôi nghe nói quan Hiệp đốc Đại thần Nguyễn Thiện Thuật trước kia vì quốc nạn mà chạy sang Quảng Đông, giờ đang ngụ trong nhà thờ họ Lưu ở Sa Hà. Nguyễn công là người ngang hàng với bậc thân phụ tôi, lại là một tay cần vương ngày trước, nay tôi sang tới đây, chẳng lẽ không nói cho cụ biết. Tôi bèn đi Quảng Đông, tìm tới viếng cụ. Thấy tôi, cụ hết sức vi mừng, rồi dắt tôi đến yết kiến Uyên Đình Lưu Vĩnh Phúc.
Lưu bây giờ đã già, nhưng cùng tôi nói lại chuyện cũ ở Bắc Kỳ, thỉnh thoảng Lưu còn vỗ bàn hét lớn, khiến cho tôi tưởng thấy cái hùng phong như hồi đánh nhau với quân Tây ở Cầu Giấy gần Hà Nội vậy. Lúc tôi đến tỉnh thành Quảng Đông, chính là lúc Sầm Xuân Huyên đang làm Tổng đốc Lưỡng Quảng.
Tôi gởi cho Sầm một bức thư, nói rõ tình hình tỉnh Quảng và nước Nam ở giáp ranh nhau như thể là môi với răng; hễ môi hở thì răng lạnh. Lại nhắc đến tình nghĩa 2 nước lâu đời kẻ chúa người phiên thân thiết với nhau; nay tôi cầu xin họ Sầm giúp cho nước Nam bất cứ về mặt nào cũng được. Nhưng tôi gởi thư mấy ngày, chẳng thấy họ Sầm trả lời gì hết. Chắc lão sợ người Âu Tây như cọp, ấy là thói quen của đám quan lại nhà Thanh, mình không lạ gì.
Trở về Hương Cảng, đợi kỳ tàu qua Nhật. Song vì hồi này cuộc hoà giữa Nga với Nhật bàn định chưa xong, thành ra ở Hương Cảng không có tàu Nhật, tôi phải đáp tàu Chiêu Thương đi lên Thượng Hải. Lúc đó đã sau ngày rằm tháng 3. Tới Thượng Hải, mới thấy cuộc lữ hành có lắm nông nổi khó khăn đẻ ra lần hồi. Việc khó khăn thứ nhất là ngôn ngữ. Cả tiếng Anh lẫn tiếng Tàu, tôi chưa từng học tập bao giờ.
Cũng may cho mình giao tiếp đều là người Tàu. Nếu biết chữ Tàu thì có thể dùng ngọn bút thay thế cho tấc lưỡi. Nhưng cũng bất tiện đáo để.
Than ôi! Sinh ra giữa thời đại là thế kỷ XIX, XX này, ai không có học thuật giỏi dang thì không thể nào cùng thế giới cạnh tranh sống còn cho được. Ngôn ngữ văn tự chính là kẻ dẫn đường đi tới học thuật. Người ngu dốt quê mùa như tôi, mà khỏi bị đào thải, là may mắn biết bao. Tuy vậy, lúc đó tôi đã 40 tuổi, bị công việc của đảng ràng buộc nơi mình, mình phải vì đảng mà ra sức lo chạy, đến đỗi cơm không biết ngon, chiếu không biết ấm, bây giờ dầu cho mình có muốn ôm sách đi học như hồi thi cử trước kia, cũng không có ngày giờ nào mà đi học được nữa. Than ôi! Sa đà ngày tháng, chớp mắt ra không, mài miệt công danh, hối mình đã lỡ, tôi khuyên tất cả thanh niên nước nhà, muôn vàn xin chớ bước lầm vào con đường của tôi.
Thượng tuần tháng 4, tôi đáp tàu Nhật ở bến Thượng Hải, trung tuần thì đến Hoành Tân, tôi tạm ở lại đó hơn một tuần lễ.
Lúc đầu tôi xuất dương không biết một tiếng Nhật nào, lại cũng không ai giới thiệu, thành ra lúc đi đường cần dùng chuyện chi, đều cậy chú lính gác đường; chú chỉ vẽ cho mình một cách rất tử tế.
Thật vậy, lòng tôi rất cảm phục chính sách cảnh sát của Nhật Bản sắp đặt hẳn hoi, trọn vẹn; ngó lại chế độ cảnh sát ở xứ mình mà buồn. Lúc đó nhà văn học Trung Hoa là Lương nhiệm công Khải Siêu đang ở Hoành Tân làm chủ tờ Tân dân tùng báo. Nghe nói họ Dương ở Nhật lâu ngày hơi rõ công việc nước Nhật, tôi bèn quyết định trước hết tới ra mắt họ Lương để cầu họ Lương giới thiệu với người Nhật.
Tuy là tôi với Lương chưa hề gặp mặt quen nhau lần nào, nhưng tôi nghĩ Lương là bậc người mới, chắc có con mắt tư tưởng không như bọn tầm thường.. Tôi liền viết một bức thư xong ra mắt. Trong thư có câu như vầy: “Ra đời khóc một tiếng, đã là lương tri, sách vở đọc 10 năm, trở nên thông gia” (Lạc địa nhất thinh khốc, tức dĩ tương tri, độc thư thập niên nhỡn, loại thành thông gia). Tôi lấy mấy câu đó làm gốc để cầu ra mắt họ Lương.
Tiếp được thư, Lương mời tôi vào lập tức. Chúng tôi lấy bút mực nói chuyện. Lương hỏi tôi qua đây có ý gì, lại hỏi tình hình người Pháp cai trị nước Việt ra sao. Tôi lấy làm tiếc lúc ấy chỉ kể đại khái, vì câu chuyện quá dài không thể một lúc bút thừa đàm mà nói cho Lương biết hết được. Rồi đó tôi viết ra cuốn Việt Nam vong quốc sử, đưa trọn bản thảo cho Lương đem ra in. Bước đầu tôi xuất dương mới viết sách là lần thứ nhất.
Sau khi họ Lương gặp tôi rồi, lấy cặp mắt xanh đãi tôi rất tử tế. Nhân đó Lương nói cho tôi nghe việc chúng tôi mưu tính cậy nhờ người Nhật giúp cho khí giới để khởi binh đánh đổ chính phủ Pháp. Lương nói: Nhiệt tâm của các ông như thế, sức tôi có được tới đâu tôi giúp liền tới đó, không hề chạy chối. Nhưng nghĩ lại sự giúp sức cho đảng cách mạng đánh đổ chính phủ, thuở nay các nước không có lệ đó bao giờ. Nếu có chăng nữa, chỉ là lúc nào hai nước có chuyện xích mích tới đánh nhau mà thôi. Nay hai nước Pháp - Nhật chưa tới cơ hội xích mích đánh nhau, có khi nào chính phủ Nhật chịu giúp khí giới cho các ông.
“Nghĩ tới cách khác, duy có mấy chính đảng của dân họ đem sức riêng giúp ngầm các ông, hoạ chăng có thể. Trong mấy dân đảng ở nước Nhật hiện thời, chỉ có đảng Tiến Bộ nhiều thế lực mà Bá tước Đại Ôi và Khuyễn Dưỡng Nghị chính là hai người đầu đảng. Nếu các ông muốn làm quen hai người đó thì tôi giới thiệu giùm.”
*
Rồi họ Lương cùng tôi đi Đông Kinh yết kiến Khuyển Dưỡng Nghị. Sau Khuyển Dưỡng Nghị dẫn tôi ra mắt Bá tước Đại Ôi. Về sau đảng chúng tôi cùng dân đảng nước Nhật có quan hệ với nhau, đầu giây mối nhợ từ lúc này mà ra vậy. Mấy ngày sau Khuyển Dưỡng Nghị lại giới thiệu tôi với các yếu nhân trong dân đảng. Lúc này Phúc Đảo An Chánh đang làm Tham mưu trưởng, Căn Tàn Nhất làm đầu hội “Đông Á đồng văn”, cả hai đều hoan nghênh tôi. Tôi liền nhân dịp tỏ bày ý muốn của đảng tôi cầu viện.
Họ nói: Phàm là nước đồng châu đồng đảng đồng chủng với Nhật Bản thì quốc dân Nhật Bản đều vui lòng giúp đỡ phò trì cho nhau luôn. Nhưng mà việc này có quan hệ đến quốc tế, phải làm sao được chính phủ ngầm chịu giúp cho thì mới có thể làm. Rủi việc đánh Nga vừa mói xong, chính phủ nước tôi chưa rảnh mà ngó ngàng đến việc nào khác được. Các ông rá đợi ít lúc, dân đảng chúng tôi xin hết lòng với các ông, thế nào cũng có ngày đạt tới mục đích, đừng lo.
Họ lại hỏi tôn chỉ của đảng chúng tôi là quân chủ hay dân chủ.
Tôi đáp: Mục đích của đảng chúng tôi bây giờ cốt thiết hơn hết là làm cách nào bắt buộc người Pháp trả quyền độc lập cho chúng tôi đã, còn như quân chủ hay dân chủ lại là một vấn đề khác, giờ chưa nghĩ đến. Song cứ theo lịch sử nước tôi xưa nay và dân trí hiện tại, thì quân chủ phải hơn. Bởi vậy đảng chúng tôi đã tôn một vị hoàng thân là ông Kỳ ngoại hầu lên làm Hội chủ, thế là chúng tôi sắp đặt quân chủ nay mai đó.
Người Nhật vốn trọng đức Thiên hoàng, tức là tán trợ chính thể quân chủ, cho nên họ cho lời tôi nói là phải. Họ lại nói với tôi: Nay các ông rước được vị Hoàng thân của quý quốc sang đây, thì giao tình của chúng ta càng thêm tốt đẹp. Các ông nghĩ có phải không?
Tôi nghĩ việc cầu viện, có thành hay không chưa biết. Nhưng tôi đã trốn ra nước ngoài như vậy, nếu tiếng tăm bay ra, rủi ro muôn một mà Hội chủ có hề gì, chắc là ảnh hưởng tới việc đảng lớn lắm. Bây giờ tôi bèn quyết kế trở về để mời Hội chủ xuất dương.