Đăng bởi Vanachi vào 02/07/2005 21:01, đã sửa 4 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 14/07/2010 20:29

述懷

橫槊江山恰幾秋,
三軍貔虎氣吞牛。
男兒未了功名債,
羞聽人間說武侯。

 

Thuật hoài

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

 

Dịch nghĩa

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu Đẩu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Bùi Văn Nguyên

Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử con vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
423.14
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
232.78
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Kế Bính

Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng hổ khí thôn Ngưu.
Công danh nếu để còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe truyện Vũ hầu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
133.23
Trả lời
Ảnh đại diện

Sửa lại vài chữ Hán cho chính xác

Bài thơ này phần nguyên văn chữ Hán có vài chỗ cần sửa lại cho chính xác:
1. Câu 1: chữ Cáp : 恰 (nghĩa là: vừa vặn, vừa khéo ..) không phải là Hợp 合.
2. Câu 3: chữ Liễu: 了 (nghĩa: Hết, xong) không phải Liễu 瞭 .

(Vậy mong các bác chỉnh sửa lại cho chính xác)

(Góp ý: Đọc qua một số bài thơ chữ Hán, đặc biệt cổ thi Việt Nam, tôi thấy rất nhiều chữ sai, có lẽ chúng ta nên cùng nhau rà soát, chỉnh sửa lại, kẻo đắc tội với tiền nhân và hậu thế!)
Vài lời lộng ngôn, dám mong chư vị lượng thứ!

394.59
Trả lời
Ảnh đại diện

Sai sót

Cảm ơn bạn, tôi đã sửa lại bài thơ.

Ý kiến của bạn rất đáng hoan nghênh, nhưng vì sức người có hạn. Giá như mỗi người vào đọc thấy chỗ nào sai sót đều tận tình chỉ ra như bạn thì hay biết mấy. Mong sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến của bạn.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
203.90
Trả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần

Phạm Ngũ Lão là một danh tướng đời Trần. Tuy xuất thân từ tầng lớp bình dân song chí lớn tài cao nên ông nhanh chóng trở thành tuỳ tướng số một bên cạnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược, Phạm Ngũ Lão cùng những tên tuổi lớn khác của triều đình đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng tạo nên hào khí Đông A của thời đại đó.

Ông sáng tác không nhiều nhưng Thuật hoài là một bài thơ nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi vì nó bày tỏ khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ trong xã hội phong kiến đương thời: làm trai phải trả cho xong món nợ công danh, có nghĩa là phải thực hiện đến cùng lí tưởng trung quân, ái quốc.

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

Dịch thơ tiếng Việt:
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
Bài thơ được sáng tác trong bối cảnh đặc biệt có một không hai của lịch sử nước nhà. Triều đại nhà Trần (1226 – 14001) là một triều đại lẫy lừng với bao nhiêu chiến công vinh quang, mấy lần quét sạch quân xâm lược Mông - Nguyên hung tàn ra khỏi bờ cõi, giữ vững sơn hà xã tắc, nêu cao truyền thống bất khuất của dân tộc Việt.

Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên trong thời đại ấy nên ông sớm thấm nhuần lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và nhất là lí tưởng sống của đạo Nho là trung quân, ái quốc. Ông ý thức rất rõ ràng về trách nhiệm công dân trước vận mệnh của đất nước: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.

Bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) được làm bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, niêm luật chặt chẽ, ý tứ hàm súc, hình tượng kì vĩ, âm điệu hào hùng, sảng khoái. Hai câu thơ đầu khắc hoạ vẻ đẹp gân guốc, lẫm liệt, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi - chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước, qua đó thể hiện hào khí Đông A ngút trời của quân đội nhà Trần thời ấy.

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu (Dịch nghĩa: cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu); dịch thơ: Múa giáo non sông trải mấy thu. So với nguyên văn chữ Hán thì câu thơ dịch chưa lột tả được hết chất oai phong, kiêu hùng trong tư thế của người lính đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hoành sóc là cầm ngang ngọn giáo, luôn ở tư thế tấn công dũng mãnh, áp đảo quân thù. Tư thế của những người chính nghĩa lồng lộng in hình trong không gian rộng lớn là giang sơn đất nước trong suốt, một thời gian dài (giang sơn kháp kỉ thu). Có thể nói đây là hình tượng chủ đạo, tượng trưng cho dân tộc Việt quật cường, không một kẻ thù nào khuất phục được. Từ hình tượng ấy, ánh hào quang của chủ nghĩa yêu nước ngời toả sáng.

Câu thơ thứ hai: Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu. (Dịch nghĩa: khí thế của ba quân mạnh như hổ báo, át cả sao Ngưu trên trời). Dịch thơ: Ba quân hùng khí át sao Ngưu, đặc tả khí thế chiến đấu và chiến thắng không gì ngăn cản nổi của quân dân ta. Tam quân tì hổ là một ẩn dụ so sánh nghệ thuật nêu bật sức mạnh vô địch của quân ta. Khí thôn Ngưu là cách nói thậm xưng để tạo nên một hình tượng thơ kì vĩ mang tầm vũ trụ.

Hai câu tứ tuyệt chỉ mười bốn chữ ngắn gọn, cô đúc nhưng đã tạc vào thời gian một bức tượng đài tuyệt đẹp về người lính quả cảm trong đạo quân Sát Thát nổi tiếng đời Trần.

Là một thành viên của đạo quân anh hùng ấy, Phạm Ngũ Lão từ một chiến binh dày dạn đã trở thành một danh tướng khi tuổi còn rất trẻ. Trong con người ông luôn sôi sục khát vọng công danh của đấng nam nhi thời loạn. Mặt tích cực của khát vọng công danh áy chính là ý muốn được chiến đấu, cống hiến đời mình cho vua, cho nước. Như bao kẻ sĩ cùng thời, Phạm Ngũ Lão tôn thờ lí tưởng trung quân, ái quốc và quan niệm: Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông (Chí làm trai - Nguyễn Công Trứ). Bởi thế cho nên khi chưa trả hết nợ công danh thì tự lấy làm hổ thẹn:
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
Vũ Hầu tức Khổng Minh, một quân sư tài ba của Lưu Bị thời Tam Quốc. Nhờ mưu trí cao, Khổng Minh đã lập được công lớn, nhiều phen làm cho đôi phương khốn đốn; vì thế ông rất được Lưu Bị tin yêu.

Lấy gương sáng trong lịch sừ cổ kim soi mình vào đó mà so sánh, phấn đấu vươn lên cho bằng người, đó là lòng tự ái, lòng tự trọng đáng quý cần phải có ở một đấng nam nhi. Là một tuỳ tướng thân cận của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quôc Tuấn, Phạm Ngũ Lão luôn sát cánh bên cạnh chủ tướng, chấp nhận xông pha nơi làn tên mũi đạn, làm gương cho ba quân tướng sĩ, dồn hết tài năng, tâm huyết để tìm ra cách đánh thần kì nhất nhằm quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Suy nghĩ của Phạm Ngũ Lão rất cụ thể và thiết thực; một ngày còn bóng quân thù là nợ công danh của tuổi trẻ với giang sơn xã tắc vẫn còn vương, chưa trả hết. Mà như vậy là phận sự với vua, với nước chưa tròn, khát vọng công danh chưa thoả. Cách nghĩ, cách sống của Phạm Ngũ Lão rất tích cực, tiến bộ. ông muốn sống xứng đáng với thời đại anh hùng.

Hai câu thơ sau âm hưởng khác hẳn hai câu thơ trước. Cảm xúc hào sảng ban đầu dần chuyển sang trữ tình, sâu lắng, như lời mình nói với mình cho nên âm hưởng trở nên thâm trầm, da diết.

Phạm Ngũ Lão là một võ tướng tài ba nhưng lại có một trái tim nhạy cảm của một thi nhân. Thuật hoài là bài thơ trữ tình bày tỏ được hùng tâm tráng trí và hoài bão lớn lao của tuổi trẻ đương thời. Bài thơ có tác dụng giáo dục rất sâu sắc về nhân sinh quan và lối sống tích cực đối với thanh niên mọi thời đại Thuật hoài đã làm vinh danh vị tướng trẻ văn võ song toàn Phạm Ngũ Lão.

Tsonline
294.59
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Góp ý :

- Trong câu 1, chữ 槊 phiên âm là sáo (ngọn giáo) hợp lý hơn
- Trong câu 2, nên viết hoa chữ Ngưu
- Câu 4:  Vũ Hầu (Trung Vũ Hầu, Gia Cát Vũ Hầu) chỉ Khổng Minh

94.44
Trả lời
Ảnh đại diện

phiên âm

Cảm ơn bác đã góp ý, cháu sẽ sửa chữ Ngưu viết hoa và thêm chú thích cho Vũ Hầu. Tuy nhiên, chữ 槊 âm đúng là "sóc" (giống âm chữ 朔 - ngày sóc), còn "sáo" là âm đã bị đọc chệch.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
54.20
Trả lời
Ảnh đại diện

Phân tích vẻ đẹp trong bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão

Viết văn, làm thơ là một cách để người nghệ sĩ giải bày nỗi lòng của mình. Nhưng giải bày làm sao để mỗi câu văn, lời thơ đó không trở thành nghị luận bất thành vần, đây mới là cái tài của người nghệ sĩ. Phạm Ngũ Lão chỉ tỏ lòng bằng bốn câu thất ngôn Đường luật nhưng người đọc bao thế hệ vẫn cảm nhận thật rõ vẻ đẹp trong từng con chữ của bài thơ:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khi khôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Cũng như Ngôn hoài (Không Lộ Thiền sư), Cảm hoài (Đặng Dung), Thuật hoài (Tỏ lòng) thuộc loại thơ trữ tình “ngôn chí” khá phổ biến trong thơ ca trung đại, bày tỏ ý nghĩ, tình cảm lớn của tác giả (thuật là kể, bày tỏ, hoài là nỗi lòng). Đây chính là mấu chốt của cái hay, cái đẹp trong bài thơ của vị tướng giỏi thời Trần. Bằng một số thủ pháp nghệ thuật độc đáo, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện nhân cách cao đẹp của người anh hùng thông qua nỗi lòng được giãi bày. Vẻ của bài thơ được kết đọng ở sự hoà quyện giữa vẻ đẹp nội dung và vẻ đẹp nghệ thuật trong nó.

Đọc bài thơ, dẫu chỉ lần đầu tiên, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận khá rõ về tâm sự của tác giả. Ở hai câu thơ đầu, tâm sự đó là niềm tự hào của một vị tướng về đội quân dũng mãnh:
Hoành góc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí khôn ngưu.
Và ở hai câu thơ sau của Thuật hoài (Tỏ lòng), tâm sự đó là nỗi thẹn làm nên nhân cách và khát vọng được cống hiến suốt cuộc đời của vị tướng:
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Niềm tự hào về đội quân của mình trước hết được Phạm Ngũ Lão thể hiện cụ thể qua việc khắc hoạ tư thế hoành sóc (cầm ngang ngọn giáo). “Cầm ngang ngọn giáo” khác hẳn với “múa giáo” và hơn hẳn tư thế “múa giáo” ở sự hiên ngang mãnh liệt, vững chãi, ở tư thế chủ động, sẵn sàng trấn giữ, bảo vệ non sông. Cây trường giáo này không chỉ được đặt trong không gian rộng lớn (giang sơn) mà còn như đo suốt thời gian bất tận (kháp kỉ thu). Hành động kì vĩ đó chắc chắn phải thuộc về con người có tầm vóc lớn lao. Không xuất hiện trực tiếp nhưng hình tượng con người như át cả vũ trụ bao la. Vẻ đẹp của bài thơ trước hết nằm ở chính sự lồng lộng của hình tượng ấy.

Xuất hiện trong câu thơ thứ hai của bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) không chỉ là ngọn giáo và ẩn sau nó là hình tượng con người của thời đại nữa. Đó là hình ảnh của cả một đội quân với khí thế dũng mãnh sẵn sàng lăn xả vào bọn giặc dữ một khi chúng ồ ạt tràn tới. Thủ pháp nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất của ba quân vừa hướng tới sự khái quát hoá sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông A. Câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn. Tam quân là hình ảnh nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh của cả dân tộc.

Nhận thức về sức mạnh của con nguời và sức mạnh của quân đội của Phạm Ngũ Lão thể hiện niềm tự hào khôn xiết về sức mạnh của dân tộc trong thời đại. Càng tự hào về sức mạnh đó bao nhiêu, Phạm Ngũ Lão càng khao khát được phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc bấy nhiêu.

Như bao trang nam tử trong thời đại phong kiến, Phạm Ngũ Lão cũng mang trong mình một “chí làm trai”. Ông muốn lập công, lập danh. Thực tế, khi bài thơ này được hoàn thành, Phạm Ngũ Lão đã trở thành vị tướng giỏi của nhà Trần, đã lập được rất nhiều công trạng cho triều đình. Thế nhưng, dường như ông chưa thoả lòng với những gì mình làm được, ông vẫn thấy mình chưa trọn công danh, vẫn thấy món nợ công danh của mình còn đó. Suy nghĩ này cho thấy khát vọng được cống hiến hết mình cho triều đại nhà Trần, cho dân tộc. Đây là khát vọng của con người có ý thức, trách nhiệm với non sông đất nước. Và càng khao khát bao nhiêu, con người ấy càng cảm thấy “thẹn” bấy nhiêu khi tự so sánh mình với Vũ hầu (Gia Cát Lượng).

Chúng ta đều biết Gia Cát Khổng Minh là quân sư của Lưu Bị, là người xuất chúng, siêu phàm về mưu lược, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí. Phạm Ngũ Lão “thẹn” vì chưa có được tài năng lớn, chưa có được nhiều công lao lớn như Khổng Minh. Tự so mình với người đời trước để rồi tự hổ, tự “thẹn”, tự thừa nhận mình còn kém cỏi – đó không phải là điều ai cũng làm được. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão là nỗi thẹn làm ngời sáng lên nhân cách con người. Nó không làm ông nhỏ bé mà càng tôn cao hơn nhân cách đó. Nó đốt lên trong lòng người ngọn lửa của khát vọng vươn tới cái cao cả, lớn lao.

Từ phương diện nội dung, có thể thấy, bài thơ tứ tuyệt vẻn vẹn hai mươi tám chữ nhưng đã nói lên được hào khí Đông A với sức mạnh của quân đội thời Trần, thể hiện được cả chí và tâm, cả tài năng và nhân cách của Phạm Ngũ Lão. Chính tâm hồn, khí huyết ấy của vị tướng võ đã truyền cho mỗi đoạn thơ, mỗi con chữ khí phách hào hùng của cả một thời đại.

Cảm nhận vẻ đẹp toàn bích trong bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) không thể bỏ qua những đặc sắc về nghệ thuật của nó. Phạm Ngũ Lão đã chọn thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật, từ ngữ cô đọng xúc tích mà hình ảnh lại có sức gợi tả mạnh mẽ, sức truyền cảm lớn. Thủ pháp nghệ thuật hoành tráng được dùng để diễn tả nỗi lòng của tác giả. Mật độ các hình thái kì vĩ dường như dày đặc trong hai câu đầu: con người kì vĩ, không gian kì vĩ, thời gian kì vĩ.

Phạm Ngũ Lão viết Thuật hoài (Tỏ lòng) để giãi bày tâm sự, ý chí, khí phách của mình. Nhưng qua bài thơ, cảm nhận vẻ đẹp trong từng con chữ, chúng ta đã được tri âm với một nhân cách lớn, một nghệ sĩ tài năng.

154.20
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Dịch thơ chữ Hán, khó thay!

Tóm lại là thơ chữ Hán về cơ bản không thể dịch hết ý được. Ví ngay câu mở đầu "hoành sóc" là tư thế sẵn sàng, khởi thế trong thương pháp, hai tay cầm ngang ngọn thương, mũi thương hướng về phía trước vừa có thể tấn công vừa phòng thủ. Nên câu này là khó dịch nhất, đến giờ vẫn chưa thấy ai dịch được câu này cho vừa cả ý và tứ. Ngày còn đi học tôi thích nhất là bài này của bách thắng tướng quân.
Vài lời mạo muội mong quý vị không trách!

153.40
Trả lời

Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối