Thơ đọc nhiều nhất
Thơ thích nhất
Thơ mới nhất
Tác giả cùng thời kỳ
Dịch giả nhiều bài nhất
Tạo ngày 28/08/2006 09:16 bởi
Vanachi, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 03/06/2007 13:38 bởi
Vanachi Nhạc Phi 岳飛, Nhạc Vũ Mục 岳武穆 (1103 - 27/1/1142) tự Bằng Cử 鵬舉, người ở Thang Âm, Tương Châu (nay là huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam). Nhà đời đời theo nghiệp nông. Phụ thân tên là Hoà, từng nhịn ăn để giúp người đói.
Nhạc Phi sinh năm Sùng Ninh thứ 2 (1103) vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Sinh chưa đầy tháng thi gặp thuỷ tai, mẹ ông là Diêu phu nhân, ẵm ông ngồi trong cái chum lớn, lướt trên sóng to, tấp vào bờ nên khỏi chết. Thuở nhỏ, ông chuộng điều khí tiết, thâm trầm, cẩn thận, ít nói, nhà nghèo gắng học, rất thích đọc Xuân thu Tả thị truyện và Tôn Ngô binh pháp. Ông lại có sức khoẻ, có thể dương cung nặng 300 cân, nỏ nặng 8 thạch, học bắn với thầy là Chu Đồng, có thể bắn cả tay trái và tay phải. Chu Đồng mất, mỗi khi đến ngày rằm và mồng một, ông đến tế mộ thầy.
Năm 16 tuổi, ông cưới vợ họ Lý. Năm 20 tuổi ông ứng lời mộ quân của quan trấn thủ Tuyên Định là Lưu Hiệp. Gặp khi phụ thân mất, ông trở về Thang Âm. Năm 22 tuổi, ông tòng quân bình định. Trong thời Tĩnh Khang, ông 24 tuổi, giặc Kim công hãm Biện Kinh, bắt hai vua Huy, Khâm đem về bắc.
Nhà Bắc Tống mất, Khang Vương (tức là Tống Can Tông) qua sông, chạy về phương nam. Nhạc Phi yết kiến Khang Vương ở Tương Châu, được bổ làm Thừa tín lang, rồi đổi làm Bỉnh nghĩa lang, thuộc quyền chỉ huy của Lưu thú Tông Trạch (lúc ấy Tông Trạch làm Lưu thú ở Biện Kinh). Tông Trạch rất lấy làm lạ về tài của ông, nói với họ Nhạc rằng: “Ngươi trí dũng, tài nghệ, những lương tướng ngày xưa cũng không hơn được. Nhưng thích dã chiến, không phải là kế vẹn toàn”, bèn dạy ông về trận đồ. Nhạc Phi thưa: “Bày trận trước rồi sau mới đánh là lối thường của phép dùng binh. Cái huyền diệu của sự vận dụng là do tấm lòng nảy sinh ra thôi”, Trạch cho là phải.
Khang Vương lên ngôi vua ở Nam Kinh (tức là Hàng Châu ngày nay), cải nguyên là Kiến Viêm. Nhạc Phi dâng thơ luận về thời sự, xin vua đánh về phương Bắc. Vì ông vượt quá chức phận để bàn quốc sự, bị đoạt mất quan chức. Trở về, ông theo quan Chiêu thảo sứ ở Hà Bắc là Trương Sở, làm Trung quân thống chế. Sở nói chuyện với ông, rất lấy làm bằng lòng, bổ làm chức Vũ kinh lang. Ông theo Vương Ngạn vượt qua sông, tiến binh đến Thái Hàng sơn, đánh thắng quân Kim, bắt được tướng của giặc Kim là Thát Bạt Ô Gia, đâm chết tướng giặc là Hắc Phong đại vương. Ông tự biết cùng với Ngạn không hợp, cho nên quay về với Tông Trạch, làm thống chế. Trạch mất, Đỗ Sung thay Trạch làm Lưu thú, ông thuộc quyền chỉ huy của Sung. Ông đánh nhau với giặc Kim, thường thắng, dần dần thăng đến chức Vũ đức đại phu, làm chế sứ ở Anh Chân.
Năm Kiến Viêm thứ 3, Đỗ Sung sắp về Kiến Khang, Nhạc Phi nói: “Một tấc đất ở trung nguyên cũng không nên bỏ. Nay dời châu đi thì đất này không còn của ta nữa. Ngày sau muốn lấy lại phải dùng đến mấy chục vạn binh mới có thể được”. Đỗ Sung không nghe, bèn cùng theo về. Một mình ông lãnh quân bản độ, đóng vùng Quảng Đức.
Đỗ Sung giữ Kiến Khang. Giặc Kim cùng tên Thổ khấu Lý Thành, hợp binh đánh Ô Giang. Sung đóng cửa ải, không ra. Ông khóc, can ngăn, xin Sung coi việc quân. Sung nhất định không nghe. Giặc Kim bèn từ bến đò Mã gia vượt qua sông. Sung mới sai ông nghinh chiến. Nhưng các tướng đều bỏ chạy mà Sung thì hàng giặc Kim. Kiến Khang mất.
Tướng Kim là Ngột Truật tiến về Hàng châu, Nhạc Phi chận đánh ở Quảng Đức, 6 lần đánh, 6 lần thắng, bắt được tướng giặc là Vương Quyền, chém hơn 40 đầu giặc. Lại nhân ban đêm nổi lửa đánh tràn phá tan giặc Kim. Giặc nói với nhau rằng: “Đó là quân của Nhạc gia gia”, và tranh nhau đầu hàng ông.
Năm Kiến Viêm thứ 4, Ngột Truật lại đánh Thường Châu. Quan huyện ở Nghi Hưng đón ông, dời quân đóng ở Nghi Hưng. Ông đánh với giặc Kim, thường thắng trận. Ngột Truật lại tiến quân về Kiến Khang, ông phục binh ở Ngưu Đầu sơn. Nhân đêm tối, sai 100 người mặc áo đen, trà trộn vào doanh trại của giặc Kim để quấy phá. Giặc sợ hãi, tự chém giết lẫn nhau.
Lúc ấy, Ngột Truật đang đóng quân ở Long Loan. Ông đem 300 kỵ binh, 2000 bộ binh, dong ruổi đến Tân Thành, phá tan quân giặc. Ngột Truật chạy về Hoài Tây, ông khôi phục lại đất Kiến Khang. Ngột Truật trở về, ông chận đánh ở Tỉnh An, lại phá tan giặc. Vì thế, cục diện thiên an của nhà Nam Tống được tồn tại qua ngày vậy. Ông được đổi làm Phòng ngự sử ở Xương Châu, kiêm chức Trấn phủ sư Thái Châu. Nhưng trung nguyên chưa khôi phục, chí nguyện ông chưa được thoả.
Lúc ấy, giặc ngoài tạm yên, nhưng nội loạn nổi dậy khắp nơi. Tào Thành nắm mười mấy vạn binh chiếm cứ vùng Hồ Tương. Dương Yên nắm mấy vạn binh, chiếm cứ Động Đình hồ làm sào huyệt. Lý Thành dẫn giặc Kim vào cướp phá, công kích các châu Tương, Dương, Đường, Đặng, Tuỳ, Dĩnh cùng với Tín Dương Quân. Ban đầu, vào năm Kiến Viêm thứ 4, giặc Kim lập Lưu Dự làm vua ở Biện Kinh, lấy hiệu là Tề, muốn dùng người Trung Quốc đánh người Trung Quốc. Dự lại kết giao với Dương Yêu. Yêu muốn theo dòng sông mà xuống. Lý Thành lại muốn từ Giang Tây đi đường bộ tiến quân đến vùng Lưỡng Chiết, cùng hội nhau với Dương Yêu, tình thế thật là nguy cấp.
Từ năm Thiệu Hưng thứ nhất đến năm thứ năm, ông lần lượt đánh, dẹp yên các bọn đạo tặc là Tào Thành, Dương Yêu, lần lần thăng đến chức Trấn Ninh Sùng Tín quân Tiết độ sứ, lại làm Chiêu thảo sứ Kinh hồ, Tương Dương lộ. Ông kéo quân trở về Ngạc Châu.
Năm Thiệu Hưng thứ 6, Trương Tuấn hội các đại tướng trên sông, chỉ khen riêng một mình ông. Sau, ông đóng ở Tương Dương để mưu việc khôi phục trung nguyên. Đó vốn là chí nguyện của ông vậy. Ông dời quân đóng ở Kinh Tây, đổi làm Vũ thắng Định quốc quân Tiết độ sứ kiêm Tuyên phủ phó sứ, mở quân doanh ở Tương Dương. Vua sai ông đến Vũ Xương coi quân. Gặp tang mẹ, ông về cư tang. Lại khởi phục, ông khiêng linh cữu mẹ về Lư Sơn, dâng biểu nhiều lần xin chung tang, vua không cho. Ông bèn đến coi việc quân. Vua lại sai ông làm Tuyên phủ vùng Hà Đông, Tiết chế lộ Hà Bắc. Lúc ấy, bọn Nguỵ-Tề dồn binh dòm ngó Đường Châu, ông sai bọn Vương Quý, Đổng Tiên công phá đốt doanh trại của giặc. Ông nhân thế tâu xin thừa thắng chiếm luôn đất Sái để lấy trung nguyên. Vua không chịu, triệu bọn ông về.
Năm Thiệu Hưng thứ 7, ông trở về yết kiến vua. Vua hỏi: “Khanh có ngựa giỏi không?” Ông thưa: “Hạ thần có hai con ngựa, ngày ăn mấy đấu đậu, uống một hộc nước suối, nhưng nếu không tinh khiết thì không uống. Vừa leo lên cởi, ban đầu chạy không nhanh lắm, đến khi chạy được 100 dặm, mới bắt đầu phóng nước đại. Từ giờ ngọ đến giờ dậu, có thể chạy 200 dặm. Để luôn yên giáp mà không nghỉ, cũng không ra mồ hôi, như là vô sự vậy. Đó là giống ngựa giỏi mà không chịu ăn uống một cách cẩu thả, sức có dư mà không muốn khoe tài, thật là tài lược xa rộng vậy. Chẳng may đều theo nhau mà chết. Nay con ngựa thần cởi, ngày ăn chẳng qua mấy thăng, lúa chi cũng được, không chọn lựa, uống cũng không cần chọn dòng suối. Cầm cương ngồi chưa yên thì nhảy nhót chạy rất nhau, vừa đến 100 dặm thì sức kiệt, mồ hôi ra dầm, thở hỗn hển như muốn ngã xuống chết. Đó là giống ăn ít, dễ no, thích khoe khoang và dễ cùng tận. Loài nô độn như vậy đó”. Vua khen phải.
Ông lại dâng sớ bàn về việc giặc Kim lập Lưu Dự làm vua, có ý dùng người Trung Quốc đánh người Trung Quốc, lại trình bày sách lược thu phục trung nguyên. Vua nói: “Có bề tôi như thế, còn lo nỗi gì? Phép tiến lui, trẫm không ngăn trở, khanh tự tiện mà làm”. Vua tiếp: “Công việc khôi phục trung nguyên đều uỷ thác một mình khanh”. Ông vừa mưu khôi phục thì gặp lúc Tần Cối được vua tin dùng chủ hoà. Vì vậy, vua không theo kế ông, triệu ông dời quân về đóng ở Giang Châu.
Ông biết Lưu Dự liên kết với Chiêm Hãn mà Ngột Truật lại ghét Dự có thể ly gián hai bên để làm kinh động tinh thần quân giặc. Gặp khi trung quân bắt được một tên gián điệp của Ngột Truật, ông giả vờ quở tên ấy: “Mày có phải là Trương Bân trong quân của ta không? Ta sai mày đem thơ đến Tề (Lưu Dự), bảo y dụ bắt thái tử của giặc Kim là Ngột Truật. Mày đi không trở lại. Ta lại tiếp sai người đến Tề hỏi thăm thì Lưu Dự đã nhận lời của ta, mùa đông này lấy cớ hội họp ở Khấu giang để bắt thái tử ở Thanh Hà. Mày đem thơ mà không đến, sao làm trái lời ta như vậy?”
Tên gián điệp muốn khỏi chết nên giả vờ nhận lời. Ông lại viết thơ cho Lưu Dự, nói việc cùng hợp nhau mưu giết Ngột Truật. Lại nói với tên gián điệp ấy: “Ta nay tha chết cho mày”. Nhạc Phi lại sai đến Tề hỏi ngày cử binh. Tên ấy trở về, đem thơ dâng cho Ngột Truật. Ngột Truật cả sợ, dâng thơ ấy cho vua Kim, bèn nhân đó mà phế Lưu Dự. Ông tâu vua nhân lúc giặc Kim bỏ Lưu Dự xuất kỳ bất ý, đem quân khôi phục trung nguyên. Vua không trả lời.
Năm Thiệu Hưng thứ 8, ông trở về Ngạc Châu. Lúc ấy giặc Kim sai sứ sang nhà Tống bàn việc trả lại đất Hà Nam cho Tống. Ông nói: “Giặc Kim không thể tin được. Hoà hảo không thể cậy được”. Ông tiếp: “Giặc Kim đương không mà xin hoà là vì chúng có mối lo trong gang tấc. Danh nghĩa là trả đất cho ta, nhưng thực ra là đem đất ấy cho ta giữ giùm vậy”. Lời nói có ý xâm phạm đến Tần Cối, bị Cối giận.
Năm Thiệu Hưng thứ 10, giặc Kim xâm phạm phương Nam, vua sai ông lo việc phòng ngự, phong ông chức Thiếu bảo, Chiêu thảo sứ lộ Hà Nam, Thiểm tây và Bắc lộ Hà Đông. Rồi ít lâu lại cải làm Chiêu thảo sứ các lộ Hà Nam và Hà Bắc. Đại quân ông tiến đến đóng ở Dĩnh Xương. Các tướng chia đường ra đánh với giặc. Ông tự đem khinh kỵ đóng ở Yên thành. Binh thế rất tinh nhuệ. Ngột Truật cả sợ, hội Long Hổ đại vương lại để thương nghị, cho rằng các tướng khác dễ đánh, chỉ riêng có Nhạc Phi là khó chống cự. Mưu đem tất cả quân lính dồn lại để đánh ông. Vua nghe tin cả sợ, ban chiếu bảo ông nên thận trọng tự cố thủ. Ông nói: “Giặc Kim mưu kế đã hết thời”. Ban ngày bèn xuất binh khiêu chiến. Ngột Truật giận, hợp binh của Long Hổ đại vương, Cái Thiên đại vương và Hàn Thường, tiến bức Yển Thành. Ông sai con là Nhạc Vân lãnh binh đánh thẳng vào trận giặc, lại dặn con rằng: “Nếu không thắng, chém ngươi trước”. Đánh nhau mấy chục hiệp thây giặc chết đầy đồng.
Ban đầu, Ngột Truật có đoàn quân mạnh mặc giáp dày, cột vào nhau bằng dây, ba người thành một nhóm, gọi là “Quài tử mã”. Quân lính Trung Quốc không thể chống nổi. Lần này, Ngột Truật đem 1 vạn 5 ngàn kỵ binh thuộc loại này đến. Ông ra lịnh cho bộ binh dùng “Ma trác đao” khi xông ra trận, đừng có ngước lên nhìn, chỉ chém vào chân ngựa, “Quài tử mã” dính liền nhau, một con ngựa té thì hai con kia không thể chạy được. Quân sĩ Trung Quốc hăng hái đánh tràn, bèn phá tan quân địch.
Ngột Truật đau xót nói: “Từ từ trên biển khởi binh, đều nhờ toán quân này mà chiến thắng, nay quân này tan rã, còn biết làm sao?” Ngột Truật càng tăng quân số đến đánh. Bộ tướng của Nhạc Phi là Vương Cương dùng 50 kỵ binh để quan sát thế giặc, gặp quân giặc, hăng hái xông lên, chém giết tướng giặc. Lúc ấy, ông đang xem xét tình hình ở mặt trận, trông xa xa thấy bụi vàng bay mù trời, đích thân đem 40 kỵ binh xông vào, phá tan quân giặc. Vừa lúc Yển thành thắng trận lần thứ hai, ông nói với con là Nhạc Vân: “Giặc Kim thường thua, nhất định trở về công phá Dĩnh xương. Con nên mau tới đó cứu viện”.
Quả nhiên Ngột Truật dẫn quân đánh Dĩnh Xương, Nhạc Vân dẫn 800 kỵ binh đến tiếp viện Dĩnh Xương, quyết chiến, giết chết rể của Ngột Truật là Hạ Kim Ngô, phó thống quân là Chiêm Hãn, Sách Bộ Cẩn. Ngột Truật bỏ chạy. Ông tiến quân đến Chu Tiên trấn, cách Biện Kinh 45 dặm, cùng Ngột Truật đối luỹ bày trận. Ông sai tướng mạnh dẫn 500 quân cân vệ thân tín, phá tan giặc. Ngột Truật chạy về Biện kinh.
Ban đầu, năm Thiệu Hưng thứ 5, ông sai bọn Lương Hưng ban bố ý của vua, chiêu kết bọn hào kiệt ở Lưỡng hà, các núi. Vi Thuyên, Tôn Mưu cầm quân giữ các gia trang, để chờ quân của ông kéo đến mà tiếp ứng. Bọn Lý Thông, Hồ Thanh, Lý Bảo, Lý Hưng, Trương Ân, Tôn Kỳ dẫn quân về với ông. Vì vậy, cử động của giặc Kim, các nơi núi sông hiểm trở, ông đều được bọn họ cho biết sự thực. Các vùng Từ, Tượng, Khai, Đức, Trạch, Lộ, Tấn, Giáng, Phần, Ải châu đều ước hẹn kỳ hạn khởi binh cùng hội hợp với quân của ông. Các lá cờ đều thêu chữ “Nhạc” làm hiệu.
Ngột Truật muốn kiểm điểm quân sĩ quân sĩ để chống lại ông, vùng Hà Bắc không một người nào nghe theo, bèn than rằng: “Từ khi ta khởi binh ở phương Bắc đến nay, chưa có lần nào thua to thế này!”. Tướng suý của giặc Kim là Ô Lăng Tư Mưu vốn có tiếng là dũng mãnh và nghiêm khắc mà không thể chế ngự được thuộc hạ. Có kẻ bàn rằng: “Đừng khinh động, đợi Nhạc gia đến đây thì lập tức ra hàng”. Bọn Thống chế của giặc Kim là Vương Trấn, thống lĩnh Thôi Khánh, tướng quân Lý Khải, Thôi Hổ, Diệp Vượng đều dẫn quân sĩ đến hàng ông. Cho đến bọn quân sĩ cấm vệ của Long Hổ đại vương và bộ hạ của Thiên hộ Cao Dũng cũng lén nhận tín bài của ông, từ phương bắc đến đầu hàng.
Tướng quân Hàn Thường của giặc Kim muốn đem 50.000 quân về phụ giúp ông. Ông cả mừng nói với các tướng: “Có thể đến thẳng Hoàng long phủ (kinh đô của giặc Kim) cùng với các ông uống một bữa rượu thật say, mừng ngày chiến thắng”. Ông định vượt qua sông thì Tần Cối muốn cắt vùng phía Bắc sông Hoài bỏ cho giặc Kim, xin vua gọi ông ban sư. Ông tâu: “Nhuệ khí của giặc Kim đã tan vỡ, chúng đã bỏ xe ngựa chạy qua sông, các bậc hào kiệt hưởng ứng phong trào khôi phục Trung nguyên, tướng sĩ đem mạng sống báo đáp ơn vua. Thời cơ không đến lần thứ hai, dịp may không nên để mất”.
Tần Cối biết chí ông cương quyết, nhất định không hồi quân, bèn trước hết gọi bọn Trương Tuấn, Dương Nghi Trung về, rồi sau cho rằng một mình ông không thể dẫn một toán quân cô độc mà ở lâu nơi đất giặc được, xin vua ra lịnh cho ban sư. Một ngày ông nhận được 12 kim tự bài bắt phải lui quân. Ông tức giận, rơi nước mắt, quay mặt về phía Đông lạy, mà nói: “Công lao từ 10 năm, phế bỏ trong một bái!” Ngột Truật bỏ Biện Kinh mà chạy, có một người nắm cương ngựa nói: “Thái tử đừng bỏ chạy. Nhạc Thiếu bảo đã lui quân rồi”. Ngột Truật nói: “Nhạc Thiếu bảo dùng 500 kỵ binh phá tan 50 vạn binh của ta. Trăm họ ở kinh thành ngày đêm trông Nhạc Thiếu bảo đến, sao ta có thể ở lại mà cố thủ được?” Tên học trò ấy đáp: “Từ xưa đến nay chưa khi nào bên trong có quyền thần mà đại tướng có thể lập công ở bên ngoài được, Nhạc Thiếu bảo cũng không tránh được lệ ấy, lại muốn thành công làm sao được!” Ngột Truật tỉnh ngộ, bèn ở lại. Nhạc Phi quay về, bao nhiêu châu huyện đã khôi phục được đều lại bị mất về tay giặc Kim. Ông hết sức trả binh quyền, nhà vua không cho.
Năm Thiệu Hưng thứ 11, thám tử báo tin có giặc Kim chia đường vượt qua sông Hoài, ông xin hợp binh các tướng lại để phá giặc. Ngột Truật, Hàn Thường cùng Long Hổ đại vương tiến đến Lư Châu, nhà vua thúc ông dẫn binh cứu viện. Ông liệu quân Kim dốc toàn lực đánh về phương Nam, sào huyệt nhất định bị bỏ trống, nếu dong ruổi đến vùng Kinh, Lạc mà đánh bọc hậu, giặc Kim phải bỏ chạy, có thể ngồi yên mà xem giặc thua. Lúc ấy, ông đang bị cảm hàn, ôm bịnh mà coi việc quân. Đến Lư châu, giặc Kim nghe tin, bỏ chạy. Lúc bấy giờ, hoà nghị đã đến chỗ quyết định. Giặc Cối lo ông không đồng chí hướng với nó nên mật tấu xin vua triệu ông về. Mượn cớ luận công, ban thưởng, phong ông làm Khu mật phó sứ. Gặp lúc Ngột Truật viết thơ cho cối nói: “Ông sớm tối xin hoà mà Nhạc Phi lại mưu việc khôi phục vùng Hà, Sóc. Xin giết Phi đi rồi mới có thể nói đến việc hoà.”
Tần Cối cho rằng nếu ông không chết sẽ làm cản trở hoà nghị, mà nó cũng bị vạ lây. Bèn mật mưu giết ông. Tần Cối biết tên Gián nghị đại phu Vạn Sĩ Hoa có hiềm oán với ông, bèn nói ý ấy với Hoa, sai tên này đàn hặc ông. Lại sai tên quan Trung thừa là Hà Đào, Thị Ngự sử là La Nhữ Tập cùng dâng sớ đàn hặc ông. Tần Cối bèn sai người bắt cha con ông. Ông đến, cười nói: “Hoàng thiên, hậu thổ khá bày tỏ lòng này”. Ban đầu, Tần Cối sai Hà Đào hỏi khẩu cung, ông cởi áo, đưa lưng cho Đào xem trên lưng có xâm bốn chữ lớn “tận trung báo quốc” ăn sâu vào da thịt, Đào biết ông oan.
Giặc Cối lại sai tên Vạn Sĩ Hoa hỏi khẩu cung. Hoa vu oan cho ông báo tin sai lầm, nhưng không có ai chịu làm chứng. Ông bị giam hai tháng. Đến ngày tuế mộ, tên Cối viết giấy gởi cho bọn ngục lại, thì có tin báo ông mất. Nhạc Vân cũng bị giết. Gia đình ông bị đày vào vùng Lĩnh Nam. Ông chết, Hàn Thế Trung lấy làm bất bình, đến tìm Tần Cối mà chất vấn. Tần Cối nói: “Không cần có tội, muốn giết thì giết”. Thế Trung nói: “Ba chữ “mạc tư hữu” (không cần có) làm sao cho thiên hạ phục?” Lúc Hoàng Đạo Nhân đi sứ ở nước Kim nghe tin ông mất tâu rằng: “Giặc Kim chỉ sợ có một mình Nhạc Phi, gọi ông bằng cha. Các tù trưởng của giặc Kim nghe ông mất, bày tiệc rượu uống để ăn mừng!” Ông bị giết năm Thiệu Hưng thứ 11 (1441) được 39 tuổi.
Cuối đời Thiệu Hưng giặc Kim càng ngông cuồng. Thái học sinh là Trịnh Hoằng Đồ dâng sớ tâu việc ông bị oan. Vua xuống chiếu tha cho gia đình ông. Lúc trước Nhạc Vũ Mục có 5 người con: Vân, Lôi, Lâm, Chấn, Đình. Riêng người con đầu là Nhạc Vân bị giết, còn 4 người kia nhỏ tuổi nên được tha. Đến đời Hiến Tông có chiếu khôi phục quan tước cho Nhạc Phi, dùng lễ cải táng. Dựng miếu thờ ở đất Ngạc, hiệu là Trung Liệt.
Nhạc Phi 岳飛, Nhạc Vũ Mục 岳武穆 (1103 - 27/1/1142) tự Bằng Cử 鵬舉, người ở Thang Âm, Tương Châu (nay là huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam). Nhà đời đời theo nghiệp nông. Phụ thân tên là Hoà, từng nhịn ăn để giúp người đói.
Nhạc Phi sinh năm Sùng Ninh thứ 2 (1103) vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Sinh chưa đầy tháng thi gặp thuỷ tai, mẹ ông là Diêu phu nhân, ẵm ông ngồi trong cái chum lớn, lướt trên sóng to, tấp vào bờ nên khỏi chết. Thuở nhỏ, ông chuộng điều khí tiết, thâm trầm, cẩn thận, ít nói, nhà nghèo gắng học, rất thích đọc Xuân thu Tả thị truyện và Tôn Ngô binh pháp. Ông lại có sức khoẻ, có thể dương cung nặng 300 cân, nỏ nặng 8 thạch, học bắn với thầy là Chu Đồng, có thể bắn cả tay trái và tay phải. Chu Đồng mất, mỗi khi đến ngày rằm và mồng một, ông đến tế mộ thầy.
Năm 16 tuổi,…