Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Tản văn
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi tôn tiền tử vào 29/02/2020 12:45

Sinh trước ta là người đời xưa. Sinh sau ta là người đời sau, có giống nhau không? Xin thưa rằng cũng thế cả! Người đời xưa không biết mặt ta. Người đời sau cũng không biết mặt ta. Đã không biết mặt ta thì đều là người rưng cả. Cho nên bảo rằng “Cũng thế cả” là thế. Thế nhưng tôi lại chợt nghĩ lại: Người đời xưa không biết mặt ta, thế mà không ngày nào là ta không nghĩ đến họ. Người đời sau cũng không biết mặt ta, thế nhưng ta thực chưa hề nghĩ đến họ bao giờ.

Suy thế ta không ngày nào không nghĩ đến người đời xưa, thì biết người đời sau họ sẽ nghĩ đến ta, chắc thế! Suy như ta chưa hề nghĩ đến người đời sau bao giờ, thì biết người đời xưa họ cũng chẳng nghĩ gì đến ta, lẽ đó rõ ràng lắm! Như vậy thì người đời xưa với người đời sau có khác nhau xa! Vì rằng người đời xưa, chẳng những không biết mặt ta, lại còn không thèm nghĩ gì đến ta, như vậy thì ta có thể cho là người rưng thật được! Đến như người đời sau, tuy không biết mặt ta, nhưng nghĩ đến ta nhiều lắm. Không biết mặt ta, có phải lỗi họ đâu, họ không làm thế nào được đấy! Nhưng họ nghĩ đến ta nhiều lắm, họ đối với ta thật có tình thân thiết, cớ sao ta lại coi họ là người rưng? Cho nên không thể không có cái gì để làm quà cho họ! Nhưng làm quà cho họ bằng cái gì?

Người đời sau tất nhiên thích đọc sách. Đọc sách tất phải nhờ ánh sáng. Có ánh sáng soi vào sách, sách mới có thể đọc được? Tôi nguyện được làm ánh sáng để làm quà cho họ. Thế nhưng mặt trời, mặt trăng vốn đã sẵn có. Tôi lại không thể ép mình ra làm dầu, làm mỡ được! Biết làm thế nào?

Người đời sau đã thích đọc sách, đọc sách tất phải thích có bạn. Bạn là người bỗng chốc đến, bỗng chốc đi, bỗng chốc không đi, bỗng chốc không đến! Ta đọc mà thấy khoan khoái thì ta đọc cho bạn nghe. Bạn đọc mà thấy ngờ thì bạn đọc cho ta nghe. Rồi đến lúc cùng đọc cùng nghe. Rồi lại đến lúc không đọc nữa, cùng ngồi mà cùng nhau vui cười. Tôi nguyện được làm người bạn ngồi, cùng đọc, cùng nghe, cùng cười để làm quà cùng cho họ. Thế nhưng lúc tôi còn thì người đời sau chưa kịp đến. Đến lúc họ đến thì tôi có còn đâu! Biết làm thế nào?

Người đời sau đã thích đọc sách, lại thích có bạn, thì tất nhiên cũng thích cả hương thơm, chè ngon, thuốc hay rượu ngọt. Hương thơm, chè ngon, thuốc hay rượu ngọt, là những món giải trí trong khi đọc sách có rỗi, để cho khuây khoả buồn bực, sáng láng tinh thần tẩm bổ lấy hình hài, di dưỡng lấy tình tính?

Tôi nguyện được hoá thân làm trăm nghìn thứ, đã hoá làm núi cao, sông rộng, cây lạ, hoa tươi, lại hoá làm hương thơm, chè ngon, thuốc hay rượu ngọt, để làm quà cho họ. Thế nhưng tôi hoá thân trước mà người đời sau sinh sau, họ có biết đâu đó là những món tôi hoá thân ra nữa! Biết làm thế nào?

Người đời sau đã thích đọc sách, tất phải thích có cô bạn tri kỷ. Cô bạn tri kỷ là người mưa chiều, sương sớm, ngồi kề một bên, khi ở cùng ở khi vui cùng vui, thân tuy hai mà lòng là một. Tôi nguyện kiếp sau được lộn mình làm cô bạn tri kỷ, mưa chiều, sương sớm, ngồi kề một bên, để làm quà cho họ. Thế nhưng khi cho hoá làm gan con chuột, khi bắt hoá làm cánh con ve, con Tạo ghê gớm kia, nào biết sẽ để tôi lộn làm kiếp gì? Biết làm thế nào?

Cực chẳng đã, thì có cách thế này: lấy một món ở trong đời xem chừng tài sức nó có thể còn mãi đến đời sau, nhưng từ trước đến nay chưa ai là người biết đến, mà tôi có thể đem hết tài hết sức để góp công vào đó mảy may… Ở trong đời, cái món tài sức có thể còn mãi đến đời sau, tất phải là sách… sách trong đời, tài sức có thể còn mãi đến đời sau, nhưng từ trước đến nay, chưa ai là người biết đến, mà tôi có thể đem hết tài hết sức để góp công vào đó mảy may, tất phải là vở “Mái Tây” mà tôi phê bình đây! Tôi sở dĩ phê bình vở “Mái Tây”, chính là cảm tấm lòng người đời sau nghĩ đến tôi, mà không có gì làm quà cho họ, nên cực chẳng đã, tôi đành phải dùng cách ấy. Còn đến như sơ tâm người viết vở “Mái Tây” có như thế hay không thì tôi đâu có biết! Nếu cũng như thế, thì có thể cho là bây giờ đời mới thấy có vở “Mái Tây”! Nếu không như thế có thể nói rằng trước kia đời vẫn thấy có vở “Mái Tây”, nhưng bây giờ đời lại mới thấy có vở “Mái Tây”, của chàng Thánh Thán. Tóm lại là tôi muốn làm duyên với người đời sau, đôi chút, chứ nào phải có hoài công sức mà làm việc cho người đời xưa!


Bài này được in trong sách Tản văn mới, là sách tuyển tập 6 bài tản văn của Phan Khôi, Nhượng Tống, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư, do Thư viện Tố Như soạn.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]