Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Trọng Tạo » Bé tập nói vần
Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Áo xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi thơ thẩn áng mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng
Đêm thêu trước ngực vầng trăng
Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên
Khuya rồi sông mặc áo đen
Nép trong rừng bưởi, lặng yên đôi bờ.
Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ, áo hoa?
Ngước lên bỗng gặp la đà
Ngàn hoa bưởi trắng nở nhoà áo ai...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi saoviet ngày 09/08/2009 04:24
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
“TÔI LÀM THƠ TÌNH TỪ NĂM 14 TUỔI”
Kỳ 1
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả bài thơ “Dòng sông mặc áo” (SGK lớp 6 cũ – lớp 4 mới) “Quê cát”(SGK lớp 5 cũ) và 2 bài văn khác trong SGK… được bạn gọi là “người đa tài”. “Cầm kỳ thi họa” ông đều thể hiện được tài năng vốn có của mình. Nhưng có lẽ tài năng của ông được mọi người biết đến sớm nhất là tài làm thơ. Bằng chứng là ngay từ năm 14 tuổi ông đã làm được thơ, và hơn thế nữa, đó lại là thơ tình, một thể loại thơ với người khác thường là “chưa đủ tuổi” biết đến chứ đừng nói gì làm được thơ tình hay như ông...
Làm thơ tình vì “nhiễm bệnh” thi sĩ từ Hàn Mặc Tử
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về ngày sinh tháng đẻ của mình bằng thơ thế này:
Vẽ tôi con Lợn cầm tinh
Con Gà cầm tháng con Tình cầm tay
Nói rõ ra thì ông sinh ngày 25/8/1947, tại Diễn Châu, Nghệ An nơi có đền Công thờ Thục An Dương Vương, đèo Mụ Dạ, Lèn Hai Vai và con sông Bùng được ví “như dòng nước mắt của bà tướng khóc chồng tuôn trào ra biển”. Cụ thân sinh ra nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một ông đồ vừa giỏi Hán học và tinh tường tiếng Pháp. Ông có thể đọc nguyên bản tác phẩm "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô bằng tiếng Pháp, từng bắt nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo học chữ Hán nhưng học bao nhiêu, tác giả của “Đồng dao cho người lớn” này cũng “giả lại” cho thầy bấy nhiêu vì không nhớ nổi. Ông chỉ thích làm thơ, và quả đã làm được thơ ngay khi mới chỉ 14 tuôi. Thậm chí, đáng ngạc nhiên hơn là ngay bài thơ đầu tay có tên “Không đề” đã là một bài thơ... tình. Một thể loại mà với người khác chắc “chưa đủ tuổi” để nghĩ, viết ra những câu rất tình và đẹp như thế này:
Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng
Lưng tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng
Bạn ơi, trăng hóa dòng sông
Tôi con thuyền nhỏ bơi trong nỗi niềm
Bây giờ tôi dịu tôi hiền
Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ
Mai sau tôi chết trong thơ
Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi?...
Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi
Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ!...
Bạn ơi, trăng quá ngây thơ
Còn tôi cằn cỗi già nua thế này
Bao giờ tôi hóa làn mây
Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng!...
1961
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thú nhận: “Ngày đó tôi mê thơ Hàn Mặc Tử lắm. Thậm chí cho đến giờ tôi vẫn mê thơ ông. Tôi “nhiễm bệnh” thi sĩ chính từ Hàn Mặc Tử nên thơ tôi làm hay dính dáng đến sông hoặc trăng. Thuở ấy, vào một ngày đẹp trời, tôi đọc được cuốn sách của Trần Thanh Mại viết về Hàn Mặc Tử. Nhiều bài thơ của ông khiến tôi ngây ngất, nhiều câu thơ của ông khiến tôi nhập tâm. Khi tôi làm xong bài “Không đề” cha tôi là độc giả đầu tiên được đọc. Ông nói với tôi: “Con chép thơ của ai vậy?. Thơ Hàn Mặc Tử phải không?” Tôi thưa “không phải” mà nhận là của mình thì ông cụ lại khuyên: “Nếu viết được như thế này thì khá. Nhưng lúc này người ta không ưa loại thơ này đâu”. Nhiều tòa soạn khi tôi gửi bài thơ đến “cũng không dám đăng” chỉ vì không tin một thằng bé mới 14 tuổi đã làm được một bài thơ tình hay đến thế. Mãi đến năm 1987, tức là 26 năm sau từ khi bài thơ “Không đề” ra đời, tôi mới đưa in lần đầu trong tập “Gửi người không quen”... của tôi”.
“Dòng sông mặc áo” ra đời nhờ liên hệ với tuổi thơ khi ngắm nhìn những dòng sông
Năm 1972, 11 năm sau khi viết bài thơ tình đầu tay, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc đó đã vào lính và đóng quân ở Hà Tĩnh. Nhà thơ bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó tôi còn trẻ lắm. Tuổi trẻ luôn đồng nghĩa với lãng mạn và rất nhiều tưởng tượng. Mà lãng mạn và tưởng tượng thì luôn làm cho người ta trẻ ra. Hồi xưa, làm thơ thấy bom đạn chết chóc thì đau đớn vô cùng, thấy những gì đẹp đẽ thì rung động thích thú cũng không kém. Thời đó, đơn vị tôi hoạt động ở vùng Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ở nơi đó tôi thấy những con sông rất đẹp, mà đẹp nhất là sông Ngàn Phố. Địa bàn ở đó đất đai thì trù phú, nhất là vùng quê ngoại Hải Thượng Lãn Ông, cây cối thyền đò đẹp như một bức tranh thủy mặc. Mùa hè nước sông trong văn vắt, nhìn thấu xuống đáy thấy cả cát và đặc biệt là những viên sỏi hồng như những nốt ruồi son. Mỗi khi đi qua đó tôi luôn thấy bị ám ảnh với mùi hoa bưởi trắng và hương rất thơm của nó. Tôi đã nhìn dòng sông ở nhiều thời điểm, thời gian khác nhau. Lúc thì nhìn dòng sông ban ngày, lúc ngắm dòng sông ban đêm, những khi bình minh hay hoàng hôn chạng vạng. Vào những thời điểm như thế những màu sắc dòng sông luôn thay đổi, thấy dòng sông cũng như đang “thay áo mới”. Nó giống như những đứa trẻ vậy, thay cái gì nó không thích chứ được thay áo mới thì trẻ con rất thích. Người ta tặng người già một hộp sữa nhưng tặng trẻ con một chiếc áo hoa thì khỏi phải nói, còn gì bằng khi được vận vào mình một chiếc áo mới phải không? Chính vì “dòng sông thay áo” theo thời gian khiến tôi nhớ về tuổi nhỏ luôn thích sự thay đổi, những điều bất ngờ từ người lớn và thế giới xung quanh mang lại. Bằng con mắt của một người biết làm thơ, tôi cho thế, từ nhìn đến liên hệ và cuối cùng là tưởng tượng, dòng sông đó chuyển màu theo thời gian, sáng, trưa, chiều, tối và đến sáng hôm sau… cũng như sự lớn lên theo thời gian của những đứa trẻ. Thế là cái tứ thơ “Dòng sông mặc áo” hiện lên, và tôi đã “ghi lại” những liên hệ và tưởng tượng đó của mình.”
“Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Áo xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi thơ thẩn áng mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng
Đêm thêu trước ngực vầng trăng
Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên
Khuya rồi sông mặc áo đen
Nép trong rừng bưởi, lặng yên đôi bờ.
Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ, áo hoa?
Ngước lên bỗng gặp la đà
Ngàn hoa bưởi trắng nở nhoà áo ai...
Hà Tĩnh, 1972
Nhiều giáo viên đã ra đề thi xoay quanh bài thơ
Sau khi ra đời “Dòng sông mặc áo” đăng lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam ngay trong năm 1972 cùng một số bài cho thiếu nhi khác. Tuy nhiên, việc tác phẩm này được đưa vào SGK giảng dạy trong nhà trường thì nhà thơ Nguyễn trọng Tạo không hề biết chính xác là năm nào. Chỉ biết sau khi ra đời được được “8 tuổi” (1972 - 1980) “Dòng sông mặc áo” nhà thơ mới biết bài thơ được tuyển đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 6 nhờ một số học trò “học phải” khoe lại. Ông nói: “Không biết là ‘Dòng sông mặc áo’ được đưa vào SGK năm nào. Tôi chỉ biết khi một em học trò nói lại là cháu vừa được học bài thơ của chú, rồi một vài thầy cô giáo quen biết bảo được giảng “Dòng sông mặc áo” thì tôi mới hay chứ khi nó được tuyển, tôi hoàn toàn không thấy ai xin phép gì cả. Đến bây giờ “Dòng sông mặc áo” vẫn được giữ lại trong SGK Tiếng Việt lớp 4. Đầu năm nay, tôi có nhận được thư cám ơn của Nhà xuất bản Giáo Dục cùng 100 ngàn đồng, chắc là nhuận bút cho mấy bài được đưa vào SGK. Tôi cảm động lắm. Lần đầu tiên đấy, còn trước đây thì không, trong khi hàng năm SGK xuất bản đến hàng triệu bản?!
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tiết lộ thêm: “Bài thơ “Dòng sông mặc áo” nhiều người bảo dạy cho học sinh thời nào cũng được, học sinh thời nào cũng thích vì nó là một cái quan sát rất hồn nhiên, độc đáo ở chỗ là nhân cách hóa dòng sông như một con người, biết mặc (thay) áo mới. Chỉ tiếc là khi đưa vào SGK câu: “Đêm thêu trước ngực vâng trăng” bị sửa thành: “Rèm thêu trước ngực vầng trăng”. Chữ “rèm” không làm “sập” toàn bộ bài thơ nhưng nó đã làm lệch đi tính biểu tượng và liên hệ trong toàn bộ hệ thống thời gian của bài thơ. Như tôi đã nói, tôi ngắm nhìn con sông trong những khoảng thời gian khác nhau. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc hoàng hôn và cả khi bình minh ló rạng. Việc sửa chữ “đêm” thành chữ “rèm” chắc không phải là do người biên tập cố ý mà chắc là do người đánh máy đánh sai hoặc photocoppy nhiều lần quá nên nhìn chữ “đêm” hóa ra chữ “dèm”. Nếu mà chữ “dèm” viết thế thì sai chính tả nên phải sửa thành “rèm” cho đúng. Nhưng suy đoán sai của họ đã làm hỏng một phần trong tổng thể cấu tứ bài thơ. Vậy mà người ta cứ để bấy nhiêu năm, giảng cho học trò nghe bấy nhiêu năm và tái bản cả bấy nhiêu năm mà không hề hỏi lại ý kiến tôi là đúng hay sai mặc dù tôi ở ngay Hà Nội, gần với NXBGD.
Sau này nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết một bài ký “Mùa xuân thay áo ở trên cây” (1995) cũng bắt nguồn từ ý tưởng “Dòng sông mặc áo”. Đọc thích lắm, bởi ‘thay áo’ chứ không phải là ‘thay lá’. Thay lá thì bình thường thôi, không có gì là ấn tượng cả.
Đã có rất nhiều giáo viên dạy văn ‘khoe’ với tôi về việc ra đề thi xoay quanh bài ‘Dòng sông mặc áo’. Tôi nhớ, cô Võ Thị Quỳnh, giáo viên chuyên văn ở Huế gặp tôi có nói rằng rất thích bài thơ “Dòng sông mặc áo”, và nhiều lần cô đưa bài này làm đề thi cho các em học sinh chuyên văn lớp 12 trường cô và hầu như các em đều viết rất hay về bài thơ này vì chính các em cũng rất thích. Tôi rất vui vì bài thơ của mình đã có ấn tượng với không chỉ bạn đọc nói chung mà còn ấn tượng với các thầy cô giảng văn trong nhà trường và các em học sinh. Đó cũng được xem như là một thành công của người làm thơ như tôi vậy!”
_______________
Hết kỳ 1
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
“PHẢI GIÁO DỤC CÁI TINH HOA MỚI CÓ GIÁ TRỊ”
Kỳ 2
Không chỉ được bạn bè mệnh danh là “người đa tài” nhiều người còn ví nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “người ham chơi”, “dọc ngang không biết trên đầu có ai”. Nhưng ông thì nói khác. “Người ta gọi tôi là người đa tài vì thấy tôi làm được nhiều thứ. Làm thơ, làm nhạc cũng đoạt hàng chục giải thưởng quốc gia, văn thì được dịch sang 5, 6 thứ tiếng, lý luận phê bình cũng có những cái để người ta nhớ. Vẽ măng – sét, trình bày mỹ thuật hay minh họa cho các báo tạp chí cũng đều “ẵm” giải thưởng. Nói chung, tôi có nhiều cái đáng để nhớ lắm...”.
Cái tài và tình nhớ nhất thuở thiếu thời
Ngày còn học phổ thông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “học tài” tất cả các môn mà nổi bật là toán và văn, từng có mặt trong danh sách thi học sinh giỏi quốc gia. Với môn văn, nhờ sẵn có năng khiếu nên hầu như môn văn “trò Tạo” tiếp thu rất nhanh và học nổi hơn hẳn so với các bạn cùng lớp. Cũng chính vì thế nên “trò Tạo” được mọi người quý và “trọng” lắm. Chẳng thế mà có lần thầy thầy dạy văn bận việc riêng đã nhờ “trò Tạo” lên giảng thay. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể: “Ngày ấy tôi đang là một học sinh, vậy mà đã được đứng vào vị trí người thầy để giảng bài cho... bạn cùng lớp. Thường là mỗi khi thầy dạy văn lớp tôi bận bịu với những công việc riêng, không giảng bài được lại ới tôi lên “giảng” thay. Nhờ mê văn chương nên tôi cũng dễ “lên đồng” khi nói về một tác phẩm nào đó. Thật vui và cũng thật đáng nhớ là tôi cũng làm tròn được “trọng trách” thầy giao phó. Các bạn trong lớp cũng không thấy phản ứng gì, thậm chí nhiều người còn cho rằng tôi giảng... hay hơn cả thầy. Vậy nên, tôi thường bị bạn bè quây tròn “hỏi bài” mỗi khi bí, không cần biết tôi có thoải mái hay không.”
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “mang bản chất nhị nguyên” như một bạn viết đã nói. Đa tài là vậy nhưng trong đời cũng đã không ít lần đối diện với những tháng ngày được xem là “họa vô đơn chí”. Đó chính là quãng thời gian em gái nhà thơ làm giáo viên ở Đắc Lắc bị nhiễm độc máu. Vậy là mọi dự định cá nhân nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đành phải tạm gác lại để “cố thủ” tại bệnh viện chăm người em thân yêu của mình suốt nửa năm trời. Cũng may những năm tháng khó khăn ấy nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được thủ trưởng “đặc cách” nên mới có thể “rày đây mai đó”, lúc Đắc Lắc, khi Đà Nẵng, lúc Hà Nội, khi Nghệ An… theo chăm cô em gái của mình. Nhà thơ Nguyễn trọng Tạo xúc động kể lại: “Ngày ấy, tôi vất vả lắm. Vừa phải bám bệnh viện chăm sóc cô em vừa phải làm đủ nghề kiếm tiền. Tôi đi nói chuyện thơ, viết báo không biết đến nghỉ ngơi trong ròng rã 6 tháng trời. Cũng may là ngày ấy đội ngũ bác sĩ nơi em tôi điều trị cùng với một số anh em bằng hữu nhiệt tình mỗi người một tay xắn vào hỗ trợ tôi, không thì chưa biết cơ sự thế nào. Vậy rồi cuối cùng, sau 3 lần thay máu, một lần phẫu thuật em gái tôi đã thoát khỏi cơn nguy kịch và khỏe mạnh trở lại”. Và với những tháng ngày tận tụy với em gái như thế, ông đã làm cho rất nhiều người cảm động. Cái tình ấy của ông đã làm xúc động không biết bao nhiêu con người. Họ vừa khâm phục, vừa kính trọng và ngày càng yêu quý ông hơn bởi chính cái tình mà ông đã dành cho cô em gái của mình.
Giảng văn cần phải hướng tới tinh thần tư tưởng tác phẩm
Trao đổi xoay quanh việc giảng dạy môn văn trong nhà trường hiện nay, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Những người có trí tưởng tượng phong phú bao giờ cũng tiếp cận xa hơn những người ít tưởng tượng. Theo tôi, giảng dạy văn cho học trò thì trước tiên chính người thầy phải là những người biết tưởng tượng. Bởi lẽ, đọc một tác phẩm thì sự rung động có được hẳn phải là người có kinh nghiệm. Ví dụ một người thầy ở thành phố dạy về nông thôn sẽ ít có điều kiện hiểu sâu sắc về nông thôn được. Ngược lại, với một người chỉ biết về nông thôn thì khi đọc những bài về thành phố thì tiếp cận sẽ có giới hạn của họ. Cho nên cảm nhận văn chương nó cần có trực giác riêng của mỗi người. Nhưng mỗi một kinh nghiệm người ta sẽ tiếp cận khác nhau. Trong một người khi đọc tác phẩm văn chương thi mỗi thời kì lại hiểu về tác phẩm ấy khác do kinh nghiệm và sự từng trải làm cho họ có những cảm nhận sâu hơn, rộng hơn. Tôi lấy thêm một ví dụ về bài “Dòng sông mặc áo” chẳng hạn. Khi giảng trong nhà trường, nếu nói về vẻ đẹp của dòng sông quê hương để từ đó thấy yêu quê hương hơn thì đó là đúng. Tuy nhiên, như tôi đã nói rất nhiều lần rằng nếu chỉ giảng hình ảnh dòng sông nhí nhảnh thì chẳng qua là mới chỉ nói đến cái giọng điệu, nói đến cái quan sát thiên nhiên dưới một cái nhìn hóm hỉnh nhìn thấy nó thay đổi màu sắc. Nhưng thực ra cần phải có một cái nhìn lớn hơn, xa hơn, rộng hơn. Tức là tinh thần tư tưởng của tác phẩm. “Dòng sông mặc áo”, thay áo theo thời gian cũng như sự lớn lên của dòng sông. Giống như một đứa trẻ nó lớn nhanh lắm, ngày hôm nay nó thế này, nhưng ngày mai đã khác. “Dòng sông mặc áo”, thực chất là thay áo cũng đang lớn dần lên từng buổi một. Có thể buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối hôm nay nó thế này nhưng sang sáng hôm sau nó khác rồi. Tinh thần ấy cũng chính là tinh thần của bài thơ muốn hướng tới vậy.
Phải giáo dục cái tinh hoa thì mới có giá trị
Tôi có viết một tác phẩm “Miền quê thơ ấu” (sau đó NXB Kim Đồng tái bản thì đổi tên là “Mảnh hồn làng”) mà các nhà phê bình nói rằng, hầu như đoạn văn nào cũng đưa vào SGK được. Đó là môt tác phẩm văn xuôi viết về tuổi thơ nhưng là một kiểu văn xuôi mang chất thơ. Nói về mảng văn học trong nhà trường, vì là một người làm báo nên tôi cũng rất quan tâm, thậm chí thời còn làm tờ “Báo Thơ”, tôi đã mở mục thơ trong nhà trường. Nhưng rất tiếc là không tiếp tục được…
Nói về việc làm sách giáo khoa của nước mình nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng đang còn rất nhiều hạn chế. Ông nói: “Thường những tác phẩm được chọn in lại không phải là những bài xuất sắc nhất của tác giả đó có. Nếu anh dạy, anh chỉ chọn theo chủ đề chủ điểm thì cái đó là đúng, nhưng đồng thời bài đó phải là bài hay. SGK không phải là tuyển tập để đánh giá về văn chương. Theo tôi, đã tuyển văn vào SGK dạy cho học sinh phải tính đến việc tìm cho ra những bài hay nhất trước đã. Đó là những tác phẩm văn chương thực sự rồi sau đó mới đưa nó vào chủ đề, chủ điểm. Hiện nay tôi thấy ban tuyển chọn các tác phẩm đưa vào SGK chỉ lựa chọn theo chủ đề là chính rồi sau đó họ mới lựa những tác phẩm dù kém một chút nhưng hợp với chủ đề thì vẫn “cố nhét” vào. Làm thế là sai, tức là anh đã dạy văn cấp thấp, văn hạng 2 cho học trò. Tất nhiên không phải nói thế là tôi đánh đồng những tác phẩm trong SGK là dở cả nhưng quả thực bài hay là không nhiều, chính vì thế học trò không nhớ, nó ngại học văn vì chúng cũng biết bài văn đó quá dở.
Trong hệ thống giáo viên ở nước ta hiện nay, có người là nhà văn, có người là nhà thơ, có người là giáo viên dạy giỏi toàn quốc, ngoài ra cũng có những người rất yêu và coi trọng văn chương, còn hầu hết là ù ù cà cạc, chỉ dựa vào sách hướng dãn để soạn bài giảng, thậm chí giảng sai mà vẫn giảng. Có khi họ chẳng hiểu gì về bài thơ họ cũng phải cố mà giảng”.
Ông nói tiếp: “Trong cảm thụ nghệ thuật thì cảm thụ thơ là khó nhất, vì nhiều khi họ cứ tưởng đọc được Tiếng Việt là hiểu được một bài thơ Việt. Nhưng thực chất thì không phải thế. Đọc một bài thơ Việt là phải đọc được cả nhịp điệu của nó, đọc đươc cả cấu tứ, thi pháp của nó. Lúc ấy anh mới nhận ra toàn bộ bài thơ. Nói chung là, một giáo viên đọc được một bài thơ đạt yêu cầu là không nhiều, Bởi vậy, khi anh chưa đọc được một bài thơ mà phải giảng cho học trò là một điều khó khăn. Lý do thì nhiều nhưng chung quy là do người dạy văn không biết đọc đúng bài thơ, nhiều người mang tiếng thầy dạy văn nhưng lại không thích, không yêu văn và nghề sư phạm, thậm chí nhiều người thì kiểu như “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì giảng văn làm sao nổi.
Tôi không quan tâm học sinh bây giờ học nhiều hay ít môn văn là tốt mà chỉ quan tâm học như thế nào. Học nhiều mà không hiểu thì cũng chẳng để làm gì. Cho nên điều quan trọng là học trò phải thích văn, yêu văn, đam mê văn đó mới là điều quan trọng hơn là việc chúng có bị quá tải hay không?! Muốn được như vậy thì cần phải giảng văn cho học sinh thật hay, làm sao cuốn được các em, làm cho chính các em tự hiểu và thích môn văn.
Thế nên tôi cho rằng, chọn tác phẩm văn học để giảng dạy cho học sinh là chọn những cái thuộc về tinh hoa chứ không phải chỉ theo chủ đề chủ điểm, theo giai đoạn phân bổ áp đặt. Cùng với đó là việc đội ngũ giáo viên giảng dạy văn phải giảng về những cái tinh hoa, giáo dục cái tinh hoa thì mới có giá trị lâu bền...”
__________________
YÊN KHƯƠNG – HUY THÔNG