Cho đến nay chúng ta có được 14 bản Hoa Tiên, bản đầu sớm nhất là bản Nôm Hoa Tiên nhuận chính do Đỗ Hạ Xuyên khắc ván in vào năm Đinh Hợi đời Tự Đức (1875). Bản sau cùng là bản Quốc ngữ phiên âm Hoa Tiên nhuận chính qua vifilm của Thư viện Quốc gia Pháp công bố trong tiểu luận văn học văn chương của cô Bùi Âu Lăng đệ trình tại Viện Đại học Đà Lạt năm 1974. Và, tiếp đó là bản phiên âm Hoa Tiên nhuận chính do cụ Đào Duy Anh khảo đính, chú thích và giới thiệu. Nxb. Văn học in năm 1979. Như vậy, bản đầu là bản Nôm, còn lại là các bản Quốc ngữ, trong đó hai bản sau là hai bản phiên âm bản Nôm đầu, tức bản Hoa Tiên nhuận chính.

Qua nghiên cứu các bản Hoa Tiên hiện có, chúng tôi thấy có 4 vấn đề cần được xem xét về mặt văn bản học:

Vấn đề I: Chữ Nôm, phiên Nôm với văn bản Hoa Tiên.

Hiện nay chưa có dấu vết gì báo cho ta biết dân tộc Việt có chữ viết riêng của mình, trong khi các dân tộc khác đều có. Đó là một điều hết sức bất bình thường. Song, trước mắt nó vẫn là một sự thực đầy thách thức(2).

Nhìn lại lịch sử, người Việt chúng ta từ thế kỷ thứ II đã có người học hành đỗ đạt được bổ làm quan ở ta và ở cả bên Trung Quốc. Và, Sĩ Nhiếp, Thái thú quận Giao Chỉ chăm sự dạy bảo dân, lo mở mang việc học hành, hay giúp đỡ những người có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được tiếng làm "học tổ" ở nước ta... Những sự thực lịch sử đó buộc chúng ta phải nghĩ ngay tới việc vay mượn tiếng qua lại để ghi âm lời nói trong khi giao tiếp, trong cả công văn giấy tờ được phản ánh trong thư tịch của ta và của cả Trung Hoa. Mà sự thực cũng là như vậy. Đây là chứng cứ:

Trong Nhật Bản quốc kiến hiện tại thư mục lục do

Đằng Nguyên Tá Thế soạn vào năm 889 - 890 do lệnh của Vũ Điền Thiên Hoàng, nhằm ghi lại những bộ sách Trung Quốc còn sót lại trong thư viện Hoàng Gia, có tên sách Tá Âm của Đạo Cao pháp sư, được liệt vào loại tiểu học gia, và cứ định nghĩa của Tuỳ thư Kinh tịch chí, thì đó là một tác phẩm về ngôn ngữ(3). Trong Tuỳ thư Kinh tịch chí khảo chứng tác giả đã lợi dụng những tư liệu Nhật Bản, đặc biệt cuốn Nhật Bản Quốc kiến tại thư mục lục mà xác nhận là có tên sách Tá Âm của Đạo Cao sống giữa những năm 370-360 và đã viết hai lá thư trả lời cho những câu hỏi của người đệ tử Lý Miễu là những lá thư xưa nhất của lịch sử tiếng quốc âm và Phật giáo nước ta. Ta có thể nói rằng Tá Âm chắc phải là một cuốn sách về cách mượn âm Trung Quốc của tiếng ta, là một cuốn về chữ mượn của tiếng quốc âm. Và cuốn đó do Pháp sư Đạo Cao soạn.

Vào thời Đạo Cao, tiếng quốc âm tương đối đã có một lịch sử lâu dài, và đã có một tính phổ quát đáng kể. Ngày nay, mỗi khi nói đến nguồn gốc và lịch sử tiếng quốc âm, người ta không bao giờ đẩy quá thời Sĩ Nhiếp (137-226) được. Và, giá như có đẩy tới được thời Sĩ Nhiếp kiểu của Nguyễn Văn San và Lê Dư, thì đấy cũng chỉ là phỏng đoán vô bằng, chứ không có những chứng cứ gì chính xác khách quan. Cho nên nhiều người chỉ coi tiếng quốc âm bắt đầu với danh hiệu Bố Cái Đại Vương hay gần hơn, với thơ đuổi cá sấu của Hàn Thuyên. Họ đâu biết rằng nguồn gốc và lịch sử quốc âm có thể truy về một cách chính xác tới năm 17 trước Tây Lịch. Rồi tiếp đến Sĩ Nhiếp đã mượn âm của chữ da 耶 của tiếng Trung Quốc để ghi lại cái tên một món đồ cống Sĩ Nhiếp gửi cho Tôn Quyền trong những năm 210-226 mà sau này các nhà chú giải Trung Hoa đã không ngần ngại đồng nhất với chữ da là dừa. Như vậy, có thể nói Nhiếp là người tá âm đầu tiên được biết một cách minh bạch trong lịch sử tiếng quốc âm. Cũng vào thời Sĩ Nhiếp hay trước đó không lâu, một quật liệu tìm thấy ở Bắc Ninh đã mang một dòng chữ gồm cả chữ Hán với những chữ viết theo lối chữ Hán, người Trung Quốc đọc không ra. Từ Sĩ Nhiếp chết đi, với sự ra đời của Bản thảo tập chú do Đào Hoàng Cảnh soạn (502-587), chúng ta lại có những chữ tá âm mới của tiếng quốc âm.

Đến giữa những năm 901-922, lúc đang còn giữ chức Đại thần Bác sĩ, Thâm Căn Phụ Nhân đã viết khoảng năm 918 một bộ sách thường được biết như Bản thảo hoà danh, hay Phụ Nhân Bản thảo, trong đó dưới mục về ý dĩ tử, Phụ Nhân đã viết: Trái cây ý dĩ Giao Chỉ là to nhất, xứ đó gọi là cán châu. Hạt nó nặng, để lâu ngày càng tốt. Trẻ con có bệnh sán, lấy gốc nó nấu với nước cơm, ăn thì trừ được bệnh. Cán châu, chỉ nhìn mặt chữ, chúng ta cũng có thể thấy chúng là một phiên âm của chữ cơm châu. Ở miền Trung, thay vì gọi cây mít, cây xoài, người ta nói cơn mít, cơn xoài. Và phiên âm cơn châu đây rõ ràng là một tá âm, mượn âm hai chữ Trung Quốc để ghi lại một danh từ Việt Nam. Danh từ ấy, do đó phải đến tay Đào Hoàng Cảnh qua trung gian cuốn Tá âm. Ngoài ra, tại Viện Bảo tàng Anh có một thủ bản mang số 5731 nhan đề Thời yếu tự dạng mang niên đại ngày 10 tháng 12 năm Càn + Phủ thứ 6 (tức ngày 25 tháng Giêng năm 880). Phải chăng nó là một tác phẩm chữ Nôm hiện còn? Phải chăng nó là một tên gọi khác của Tá Âm của Thích Đạo Cao?

Vì vậy, tìm dấu vết chữ Nôm xưa nhất, sách vở ta không còn, thì tìm ở các nước lân cận Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên. Song, điều đó không quan trọng, vì trước hết tính vững bền của tiếng Nôm và cách ghi chữ Nôm hầu hết là thống nhất. Điều quan trọng hơn cả, có tính chất nền tảng là tác phong nghiên cứu khoa học đến nơi đến chốn từng vấn đề đặt ra, là nghiên cứu khôi phục lại một cách có hệ thống cả khuôn mặt ngữ âm lịch sử của tiếng ta. Song, điều đó, thì ta, do truyền thống, không có mấy thành tích. Nhìn vào thực trạng ngôn ngữ học hiện nay, tình hình nghiên cứu chữ Nôm, thì điều đó vẫn đúng.

Thật không mấy phấn khởi khi nhìn lại toàn cảnh ngôn ngữ học Việt Nam: mọi chuyện đều dở dang, không có một vấn đề gì được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Vấn đề chỉ được xới lên rồi bỏ đó. Trong lĩnh vực chữ Nôm thì vẫn theo kết quả của H. Maspéro công bố từ 1912, nghĩa là gần non thế kỷ nay, về ngữ âm học lịch sử, ta không một do dự nào hết đối với nhà học giả người Pháp này. Các thế hệ trước làm như vậy còn có thể thông cảm và hiểu được. Chúng ta trong cuối thế kỷ XX này mà còn làm như vậy là một điều không thể chấp nhận. Phải chăng điều này cũng nói lên một truyền thống dân tộc cần khắc phục.

Không có óc nghiên cứu đến cùng trong im lặng cho khoa học, để con cháu sau chỉ tiếp tục đẩy khoa học phát triển chứ không làm lại nữa. ở ta, tôi có cảm giác cái gì cũng mới bắt đầu...

Về phương pháp nghiên cứu, thì hoàn toàn áp dụng - nếu không muốn nói là bắt chước, phương pháp nghiên cứu của GS. Vương Lực, lấy cả kết quả nghiên cứu của họ làm của mình. Chính bản thân tôi cũng đã phải làm như vậy từ những năm 1959 - 1960 khi tình thế bắt buộc phải giảng một Giáo trình bằng chữ Nôm cho nghiên cứu sinh Liên Xô và Trung Quốc mà không có ai đảm nhận.

Những công trình nghiên cứu chữ Nôm xuất bản về sau, trong căn bản vẫn là cách đi bất đắc dĩ ban đầu đó, không có gì mới mẻ, để rồi cùng đi đến những kết luận như tôi đã làm về thời kỳ xuất hiện chữ Nôm, hay như H. Maspéro đã chú trong bài viết của mình từ năm 1912 trong BEFEO. Đáng buồn hơn nữa là ngay những vấn đề về chữ Nôm, chúng ta cũng chưa vượt hơn Ô. Maspéro trong những chú thích đó của bài viết của ông. Vì sao vậy? Vì một trong những truyền thống cần khắc phục nó là thích cái gì cũng chung chung vậy thôi, thích lý luận đại khái. Cái đó luôn luôn là một thời thượng, mà không hiểu rằng mọi lý luận đều xuất phát từ thực tế cụ thể, nghĩa là từ sự kiện và sự kiện. Song, điều này đòi hỏi lắm công phu, và chỉ có được trong phương hướng nghiên cứu quan sát. Mà phương hướng này, ở nước ta không có truyền thống, hay ta chưa có ý thức đầy đủ về nó, trong khi ở châu Âu, ở các nước tiên tiến của thế giới, người ta đặt nó lên hàng đầu. Đây là một cố tật cần khắc phục.

Như vậy, trong khi chưa có những thành tựu đáng kể về mặt ngữ âm học lịch sử, mà cứ nói chắc rằng chữ này phải đọc như thế này, chữ kia phải đọc như thế kia là một điều sai lầm. Có người đã làm như vậy trong khi phiên âm Quốc âm thi tập, và cả trong khi phiên âm Hoa Tiên nhuận chính. Cụ Đào Duy Anh khẳng định câu 824 Hoa Tiên phải phiên "Sớm đưa mái đẩy, hôm kề bến neo" thay vì "Sớm đưa bến Dĩ, hôm kề sông Dâu"; câu 463 phải phiên "Hiếm nơi ngòi bảng duyềnh khơi" để rồi kết luận rằng: "Đó là hai thí dụ điển hình đủ cho chúng ta thấy rằng với các bản truyện Hoa Tiên đã xuất bản rồi, chúng ta chưa có thể có văn bản đúng đắn". Đó là một kết luận vội vàng. Vì một lẽ đơn giản: trong tay cụ Đào chỉ có một bản Hoa Tiên nhuận chính, không có bản Hoa Tiên ký diễn âm là bản Nôm viết tay của trường Viễn đông Bác cổ (AB.269): Hoa Tiên ký diễn âm (Đệ bát tài tử) - Nguyễn Huy Tự soạn, Cao Chu thần hậu tự - Thiệu Trị - Quý Mão (1843). Bản này đã mất.

Ở đây cần nhấn mạnh một điều là: đối với những giá trị văn hoá quá khứ, đứng trước một sự kiện nào đó mà chúng ta cho là chưa ổn, hay phi lý, thì trước hết chúng ta nên tìm lý do tồn tại của những sự kiện đó, chứ không nên bằng vào chủ quan của ta cho là sai lầm, không ổn để rồi sửa chữa lại tất cả.

Trở lại văn bản Hoa Tiên nhuận chính, Nxb. Văn học xuất bản năm 1979. Theo cụ Đào - người khảo đính, chú thích, giới thiệu - thì các bản Hoa Tiên đã xuất bản còn chưa đúng đắn, cần có một bản Hoa Tiên tương đối chính xác về văn bản cũng như về phiên âm và chú giải, để cho người đọc và người dạy tác phẩm có căn cứ tương đối chắc chắn, nên cụ mới làm lại, cho Hoa Tiên nhuận chính ra đời. Đó là ý muốn của cụ Đào và của người đọc. Song, khi cầm bản Văn học trong tay, thì ta thấy cụ đã làm ngược lại. Chỉ tính riêng mặt phiên âm Hoa Tiên nhuận chính 1766 câu, bản Văn học đã có sự nhầm lẫn rõ ràng, không chối cãi được là 130 câu. Trong số này, có chỗ do cụ đoán thế này thế khác rồi sửa lại văn bản. Đó là một việc làm cần kịp thời loại bỏ. Cả truyền thống đồ sộ về khảo chứng học Trung Hoa, và cả truyền thống phân tích văn bản học châu Âu không có cho phép ta làm như vậy. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng các Nxb. Giáo dục và Đại học cần có kế hoạch ấn hành lại tác phẩm Hoa Tiên để dùng trong nhà trường.

Một mặt khác, cũng dễ dàng nhận thấy, chính bản Văn học cho ta có một cảm nhận rõ nét rằng có nhiều bản Hoa Tiên khác nhau, có bản của Nguyễn Thiện, có bản của Nguyễn Huy Tự. Điều này không phù hợp với lịch sử hình thành truyện Hoa Tiên. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều người, thì Nguyễn Huy Tự đã viết tập truyện khoảng giữa thế kỷ XVIII, từ năm 1759 (năm ông tới Thăng Long) đến năm 1768 (năm ông được bổ nhiệm làm quan ở Sơn Tây), lúc này, ông vào khoảng 17-26 tuổi. Truyện Hoa Tiên ra đời là một thành công lớn của văn học cổ điển. Nhưng tác phẩm mà chúng ta quen biết đã qua nhiều tay nhuận sắc. Về sau năm 1829 Vũ Đãi Vấn cho rằng vì Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện còn có những chỗ yếu kém nên ông đã không quản tài thiển lậu mà thêm bớt, mà sửa chữa từng chữ, từng câu. Nhưng trong bài tựa viết năm 1843, Cao Bá Quát lại cũng nói rằng chính ông đã vì lòng yêu Hoa Tiên mà sửa lại cho đúng những chỗ sai lầm hoặc lạ lùng, tạp nhạp của tác phẩm. Cho nên,

Vấn đề II: Vấn đề nhuận sắc Hoa Tiên. Đâu là chứng cứ xác thực?

Nguyễn Thiện nhuận sắc Hoa Tiên, chúng ta biết vậy chỉ qua lời của Vũ Đài Vấn trong bài tựa của ông được ghi lại trong một bản chép tay của người đời sau ngoài ra không có một bằng chứng nào khác Vũ Đài Vấn cũng nhuận sắc Hoa Tiên chúng ta cũng chỉ biết qua bài tựa đó. Còn Vũ Đài Vấn? Không có tài liệu nào cho ta biết cả. Chỉ được biết ông đã nhuận sắc Hoa Tiên, theo lời Tựa của người đời sau chép có ghi tên Vũ Đài Vấn. Nghĩa là họ Vũ là ai, ta còn chưa biết. Chỉ với bản chép tay nhan đề Hoa Tiên quốc ngữ, tháng 8 năm Khải Định thứ ba (1918), Tựa của Vũ Đài Vấn viết vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) và bài Tựa của Cao Bá Quát đề vào năm Thiệu Trị Quý Mão (1843).

Trước sau Hoa Tiên đã hai lần nhuận sắc, một lần đính chính trong khoảng trên dưới 80 năm (1760 - 1843). Tuy vậy, so sánh bản Hoa Tiên nguyên tác với các bản hiện có ta thấy:

1. Về mặt nội dung tư tưởng, căn bản như nhau (đứng trên quan điểm đạo đức và tự cho mình cái nhiệm vụ bảo vệ truyền thống đạo đức đó).

2. Về hình thức nghệ thuật, các bản nhuận sắc càng về sau càng có giá trị hơn.

Như vậy, về mặt văn bản học vấn đề được đặt ra là cần phải khôi phục lại văn bản của Nguyễn Huy Tự, vì nó là thứ thiệt của tác giả, phản ánh những thôi thúc của thời đại - một giá trị mà mọi người phải bảo vệ và tôn trọng, vì những văn bản sau là không thuần nhất, không nói lên được một cái gì hết một cách đích thực của Hoa Tiên.

Bản nguyên tác Hoa Tiên, về mặt nội dung tư tưởng có hay hơn, tiến bộ hơn các bản đã qua sự nhuận sắc. Về nghệ thuật, nó như một áng văn ngôn của Trung Hoa, các bản Hoa Tiên đã qua nhuận sắc là những áng văn bạch thoại. Xu thế chung là trở về lại những cái đã được thử thách và đã ổn định.

Ở đây cần nói rõ một điều: trước đây, trong khi chưa tìm ra nguyên tác Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, các người đi trước đã căn cứ vào các bản chép tay dễ tính, cứ cho là như vậy thì cũng có thể hiểu được. Bây giờ thì đã có Hoa Tiên nguyên tác trong tay mà vẫn làm thế là điều không ổn. Đó là chưa nói đến việc các thế hệ kế tiếp rút kinh nghiệm: Hà Nội - Trường Lưu không xa là bao, bấy giờ ở đây còn biết bao thắng tích. Thế mà các cụ chỉ quẩn quanh Hà Nội, rồi viết, rồi khảo cứu... chỉ một truyện bản Nôm Hoa Tiên nhuận chính (1875), bản đã qua tay Nguyễn Thiện nhuận sắc, ta không có, vì nó đã ngự sang nằm tại Thư viện Quốc gia Pháp, mang ký hiệu B.98, và chỉ gần đây, chúng ta có bản vifilm. Bản Văn hoá là bản Hoa Tiên nhuận chính của cụ Đào Duy Anh đã mượn được. Bản này hiện nay, Thư viện Hán Nôm đã có một bản. Lẽ ra trước đây, cũng như hiện nay những vấn đề thiết thân cho Văn hoá dân tộc phải được mọi người quan tâm hàng đầu, với thái độ thực sự cầu thị như Thư viện của BEFEO trước đây ở 26 Lý Thường Kiệt của Hà Nội.

Trong những người có công hình thành và nhào nặn lên tác phẩm, ngoài tác giả, phải kể đến Nguyễn Thiện, người đã có những đóng góp đáng kể về cả hai mặt nội dung và hình thức nghệ thuật. Lại nữa, bản đó đã được Đỗ Hạ Xuyên khắc in từ rất sớm, năm 1875, là bản Nôm xưa nhất còn lại mà ta chưa được biết. Thêm vào đó, về quan hệ huyết thống, Nguyễn Thiện là em con chú của hai bà vợ Nguyễn Huy Tự, con của Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều, là cháu Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, cháu gọi Toản quận công Nguyễn Khản - bố vợ Nguyễn Huy Tự bằng bác, gọi đại thi hào Nguyễn Du bằng chú.

Hai làng Trường Lưu và Tiên Điền chắc đã quen biết Hoa Tiên nguyên tác từ lâu. Trong những ngày ở quê hương, có thể Nguyễn Du và Nguyễn Thiện nhiều lần cùng nhau sống lại với những rung cảm của Nguyễn Huy Tự khi còn tuổi hoa niên. Cho nên sau này khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của Nguyễn Huy Tự. Nguyễn Du viết truyện Kiều từ trước năm 1802, Nguyễn Thiện đã đọc tác phẩm ấy, và chính nó đã tạo ra cho ông cái cảm hứng nhuận sắc Hoa Tiên, cuốn truyện mà ông đã biết và chắc cũng đã say mê từ hàng mấy chục năm về trước. Thời gian nhuận sắc nằm vào khoảng trong ngoài 1810 vài năm.

Vì những lẽ đó, Hoa Tiên nhuận chính cần phải được nghiên cứu, phiên âm chú giải một cách nghiêm túc mang tính khoa học cao, là sản phẩm chung của tác giả Nguyễn Huy Tự, và của cả người nhuận sắc Nguyễn Thiện. Các cụ ta trước đây đã làm đúng như vậy. Bản này sẽ là bản được đem ra phổ biến và được dùng giảng dạy trong nhà trường.

Vấn đề III: Hoa Tiên nhuận chính 1875 là quyển như thế nào, và bản thân nó có những vấn đề gì về mặt văn bản học?

Hoa Tiên nhuận chính có những đặc điểm: 1. Đây là bản Nôm xưa nhất được khắc in (1875), chỉ sau nguyên tác của Nguyễn Huy Tự, và là bản của Nguyễn Thiện nhuận sắc. 2. Đây là bản Nôm Hoa Tiên duy nhất còn lại trong khi nguyên tác không lưu hành từ thế kỷ XIX. 3. Điều đáng chú ý là về chữ Nôm, về lối hành văn, về dàn ý, về luân lý và tâm lý có những nét riêng biệt:

A. Về chữ Nôm, ta có thể nhận thấy:

- Nhiều chữ cổ, như xắm nắm (35), chán (102), dù (172), vầy (114), thày lay (146), no (243), nhẫn (340), diễn (352), nhòng (512), lét, vầy, ngừng (726), sương siu (736)...

- Lối ghép chữ đặc biệt: Lẻ nhăng (207), bận bòng (974), vi hiu (991), cháo thang (1099), sợ sùng (1306), thấm thương (1719)...

- Cách cấu tạo có nhiều chữ được cấu tạo theo lối giả tá như: Gián (332), đến (769), xa (350), lả lơi (791), sắt (803), giao (844), vợi (1089), vi (490), trước (905), mắng (109)...

- Thiếu thống nhất trong cách viết, ở hai khía cạnh: về bộ, một chữ mà bộ khác nhau: Đêm (1087 挒) (1324 涖), nhẹ (14 珥) (25 弭), về chữ: trong (68 冲) (289 瑉), vòng (1205 妄) (1133 珤), đến (746 旦) (466 典), xa (350 車) (350 賒), trông (436 矡) (1015 鐭), trước (934 訳) (905 ), sau (654 罒) (604 畱).

B. Về lối hành văn:

- Bỏ bớt những từ ngữ quá thô sơ, nặng nề, Nguyễn Thiện đã thay những chữ như: Gùn ghè, xấm xỉnh, biết nỏm, chập chành, ghé xiên, bước sà, đứng nãm bằng những chữ bóng bẩy, chải chuốt. Do đó câu thơ trở nên nhẹ nhàng thanh thoát hơn.

- Đem chất thơ tế nhị vào tác phẩm, như trong đoạn gặp gỡ giữa Lương Câu và Dao Tiên, nguyên tác có vẻ khá ngộ nghĩnh, vụng về. Nguyễn Thiện đã nhuận sắc lại, làm cho ta thấy hết vẻ tình tứ e thẹn của người trong cuộc.

- Nguyễn Thiện thường dùng lối đàm thoại trực tiếp thay cho những đoạn tự thuật trong nguyên tác, khiến mạch văn trở nên linh động hơn, như ở những đoạn 831 - 846, 879-883, 1657-1680..., và cũng hay sử dụng lối viết bỏ lửng, khiến người đọc phải ngẫm nghĩ mới thấm thía, chẳng hạn "Thấy cờ mà tưởng những ngày... càng thêm... (972), Lõi duyên ai nghĩ tự chàng mà thôi... (1222)".

C. Về dàn ý:

- Trước hết, Nguyễn Thiện đã viết lại cả đoạn mở đầu, bỏ bớt hai bài vịnh liễu, sắp xếp thứ tự của hồi "Lương Sinh nghị kế", thay vì để hồi này xen vào giữa đoạn Ngọc Khanh bị ép duyên và dự tính huỷ mình của nàng như trong nguyên tác, Nguyễn Thiện đã đưa 6 câu thơ này xuống đoạn nói đến Lương Sinh ở trong trùng vây. Thay đổi thứ tự như vậy, ông đã làm cho câu chuyện liên tục và hợp lý hơn.

- Riêng đoạn 504-600, không hiểu vì người chép ghi nhầm thứ tự, hay vì có sự lộn xộn ngay trong bản nhuận sắc của Nguyễn Thiện, chúng tôi nhận thấy có sự thiếu liên tục về ý và mất vần điệu về văn.

D) Về luân lý:

- Đoạn 1562-1602, nếu Lương Sinh của Nguyễn Huy Tự tỏ ra vô tình với Ngọc Khanh, chàng hân hoan cử hành hôn lễ với Dao Tiên, thì Lương Sinh của Nguyễn Thiện lại tỏ ra là một người có nghĩa. Đoạn 1567-1680 thuật lại việc Lương Sinh vào xin phép Dao Tiên để được cưới Ngọc Khanh cho trọn nghĩa là đoạn thêm vào, không có trong nguyên tác, cho ta thấy ông muốn tô đậm trung, hiếu, tiết, nghĩa cho Hoa Tiên.

E. Về tâm lý:

Trong Hoa Tiên nhuận chính, Nguyễn Thiện đã viết thêm nhiều đoạn, nhờ đó tâm lý nhân vật trở nên sâu sắc và tinh tế hẳn lên. Đoạn 987-1002 tả 8 cảnh Tiêu Tương rất phù hợp với tâm trạng thất tình của Dao Tiên.; đoạn 1177-1196 Nguyễn Thiện sửa soạn thật chu đáo cho cuộc tái ngộ Phương Châu - Dao Tiên. Ngoài ra Nguyễn Thiện, cũng đã cắt xén nhiều đoạn rườm rà có hại cho tâm lý nhân vật, hoặc không phù hợp với quan niệm riêng của ông.

Tóm lại, Nguyễn Thiện đã thực sự đóng góp thêm cho Hoa Tiên rất nhiều ưu điểm cả về phương diện hình thức lẫn nội dung. Thực trạng văn bản Hoa Tiên nhuận chính đòi hỏi chúng ta phải khảo đính để cho tác phẩm không còn những chỗ không hợp lý trên cơ sở tiếp thu những thành công của những bản Hoa Tiên đã xuất bản theo những nguyên tắc và phương pháp thích hợp.

Vấn đề IV: Hoa Tiên nguyễn tác của Nguyễn Huy Tự:

Theo cụ Đào Duy Anh, Hoa Tiên ký của Nguyễn Huy Tự là một bản cụ mượn của họ nhà Nguyễn ở Trường Lưu trước Cách mạng Tháng 8. Cụ đã thuê chép một bản mới đổi lại cho gia đình, còn bản gia đình họ Nguyễn cụ đã biếu Viện Bảo tàng Lịch sử, sau khi thuê chép lại một bản nữa để ở Thư viện Viện Sử học. Bản này không phải là nguyên bản của Nguyễn Huy Tự mà là bản do con cháu chép lại ở một bản xưa đã mục nát. Bản ấy trước kia cụ cùng cụ Đoàn Thăng phiên âm lần đầu tiên. Bản phiên âm ấy được in phụ lục trong sách của ông Lại Ngọc Cang năm 1961, còn có một số khuyết điểm, nay cụ phiên âm lại cẩn thận hơn. Đó là điều cụ Đào cho chúng ta biết trong Lời đầu sách của truyện Hoa Tiên, Nxb. Văn học in năm 1979. Ông Lại Ngọc Cang trong truyện Hoa Tiên do ông khảo đính, Nxb. Văn học in năm 1961 cho ta biết rõ hơn: Ngày 1-2-1943, trong khi nghiên cứu truyện Hoa Tiên, ông Đào Duy Anh đã vào tận làng Trường Lưu tiếp xúc với ông Nguyễn Huy Cừ, thuộc ngành trưởng họ Nguyễn Huy. Ông Cừ có đưa ra một bản Hoa Tiên nguyên tác của Nguyễn Huy Tự do ông chép từ một bản gốc đã hư nát. Ông Anh đã chép lại và đã phiên âm ra chữ quốc ngữ bản của ông Cừ. Bản nguyên tác ấy rách mất một vài tờ cuối, còn 1450 câu, trong có hai câu không trọn vẹn: Câu 13 còn một chữ và câu 1539 còn hai chữ đầu. Số hồi so với các bản Hoa Tiên ký, đã đến hồi thứ 59, số câu thiếu chắc chắn không quá vài chục câu.

Như vậy, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự từ khi soạn xong, tập truyện vẫn nằm trong vòng bản thảo trao đổi truyền tay trong số bạn bè cùng xem mà chưa qua khắc ván in lần nào. Tập Hoa Tiên do cụ Đào Duy Anh mượn từ gia đình họ Nguyễn Huy cũng chỉ là bản chép lại từ một bản cũ, và hơn 20 năm sau mới được phiên âm công bố phụ lục vào tập truyện Hoa Tiên của Nxb. Văn học 1961. Thêm vào đó tập nguyên tác không còn nguyên vẹn. Thế là rõ ràng Hoa Tiên nguyên tác là một áng văn cổ, không được phổ biến rộng rãi, nên chỉ dùng làm tài liệu nghiên cứu phụ lục vào các bản Hoa Tiên dùng phổ biến trong nhân dân và trong trường học. Bản Hoa Tiên nhuận chính, bản đã qua tay Nguyễn Thiện nhuận sắc nói trên đây.

Cũng cần nói thêm rằng với phương tiện ngày nay, cả hai bản Nôm nguyên tắc và nhuận chính cần được sao chụp, nhân bản bán rộng rãi cho người nghiên cứu.

Bốn vấn đề về văn học Hoa Tiên tóm lược trình bày trên đây để nhằm đi đến một phương hướng giải quyết đại cương là: Cần nghiên cứu lại văn bản Hoa Tiên một cách khoa học đầy đủ hơn để rồi trên cơ sở của thực trạng văn bản đó mà đề ra những biện pháp xử lý thích hợp để chúng ta sớm có một bản Hoa Tiên tốt hơn những bản đã xuất bản trước đây.

Trong lịch sử văn học nước ta, truyện Nôm là một hiện tượng đặc biệt có ý nghĩa văn học sâu sắc. Cũng như Hoa Tiên, các tập truyện này cần được chỉnh lý, khảo đính trên cơ sở tìm hiểu đầy đủ tình hình văn bản cụ thể, vì đây là những giá trị văn hoá quá khứ của dân tộc mà hiện nay vẫn có tác dụng tích cực góp phần vào việc bồi dưỡng đạo đức truyền thống cho nhân dân ta.


(1) Bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày mất Nguyễn Huy Tự.

(2) Tôi đã đọc chuyên đề nghiên cứu của Ô. Lê Trọng Khánh: Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ. Viện Văn hoá xuất bản. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi chuyện Ô. Khánh đưa ra chỉ còn nằm trong giả thiết. Chưa có thể đi đến một kết luận có hệ thống nào. Vấn đề còn cần tiếp tục nghiên cứu. Vì một lẽ duy nhất: yếu tố quốc tế trong chữ viết Trung Hoa lớn quá, có khả năng chinh phục những nền chữ viết chưa thật hoàn chỉnh, như chữ Việt cổ chẳng hạn, nếu đã có.

(3) Những thư tịch tiếp theo, như Cựu Đường thư, Tân Đường thư không còn nói đến tác phẩm này nữa, kể cả những từ điển bách khoa kiểu Bắc Đường thư sao, nghệ văn loại tụ, sơ học ký, Thái Bình ngự lãm, Ngọc Thiên...

Sài phi thư trang

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số tháng 1/1991
tửu tận tình do tại