Ới thị Bằng ơi đã hết rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngỏ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi.


Về tác giả bài thơ này, một số sách chép của vua Tự Đức khóc Bằng phi, một số cho rằng của Nguyễn Gia Thiều khóc khóc nàng Bằng Cơ, một người vợ lẽ của ông. Nhận định bài thơ này là của Tự Đức có lẽ bắt đầu từ Phan Khôi trong bài Nam âm thi thoại đăng trên Nam Phong tạp chí số 8 (2-1918), sau in thành sách Chương Dân thi thoại (1936) và có thể được nhiều sách dẫn lại, trong đó có Văn đàn bảo giám (Trần Trung Viên, 1926), Quốc văn trích diễm (Dương Quảng Hàm, 1925), Văn học Việt Nam (Dương Quảng Hàm, 1939).

Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy bài thơ này không phải của Tự Đức. Xét trong các phi tần của ông, không có ai là Bằng phi.

Nhà nghiên cứu Châu Hải Đường dẫn sách Xuyết thập tạp ký 掇拾雜記 của Lý Văn Phức phần viết về Nguyễn Gia Thiều có đoạn chép “Lại có câu khóc vợ rằng: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng; Xếp tàn y lại để dành hơi”, cho rằng Lý Văn Phức từng làm quan dưới triều Tự Đức, nên khó có thể chép nhầm việc này.

Trong Thi văn bình chú (1942), Ngô Tất Tố cũng nhận định: “Xét ra vua Tự Đức cũng ít khi làm thơ quốc âm. Coi tập Việt sử tổng vịnh và những nhời phê của ngài ở bộ Việt sử Khâm Định, thì biết tính ngài rất bệ vệ, lúc nào cũng muốn tỏ mình là đấng anh quân. Với cái tính kiểu sức ấy, chắc không khi nào ngài chịu dùng những chữ tình chữ duyên để khóc một người đàn bà. Huống chi thơ vua Tự Đức rất dở, cả tập Việt sử tổng vịnh không được mấy bài nghe được. Vậy mà bài này lại là một bài rất hay, có lẽ sức ngài không thể làm nổi.”

Quách Tấn trong Hương vườn cũ lại có thông tin rằng đây là thơ của Tự Đức, trong đó hai câu trên sửa từ hai câu nguyên gốc của Nguyễn Gia Thiều là “Đập mảnh gương xưa tìm lấy bóng, Xếp manh áo cũ để dành hơi”, và câu thơ của Nguyễn Gia Thiều vốn dịch từ hai câu chữ Hán của Trần Danh Án: “Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh, Phong trùng khâm tử hộ dư hương” 破碎菱花尋舊影,對重衫子護餘香. Ngược lại, sách Nam phong giải trào (R.1674) chép là Trần Danh Án dịch hai câu của Nguyễn Gia Thiều từ quốc âm sang chữ Hán.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Đọc bài Khóc Bằng phi

Tình cờ đọc được bài thơ này do Vanachi đăng :
"Khóc Bằng phi
Ới thị Bằng ơi đã hết rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngỏ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi.

Có ý kiến cho rằng bài thơ này của Nguyễn Gia Thiều."

Xem lại trong cuốn Thi văn bình chú của tác giả Ngô Tất Tố , trang 91 chép như sau :
Ới Thị Bằng ơi ! đã mất rồi !
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi !
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi .
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi .
Mối tình muốn dứt, càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài, chứ chẳng thôi.
Thấy rằng, so với bản này thì có khác đôi chút, bên dưới tác giả chú thích như sau :
"Bài này nhiều người bảo là của vua Tự Đức. Nhưng các vị cố lão thì nói là của ông Nguyễn Gia Thiều khóc nàng Bằng Cơ, một người vợ lẽ của ông.
Xét ra vua Tự Đức cũng ít khi làm thơ quốc âm. Coi tập Việt sử tổng vịnh và những nhời phê của ngài ở bộ Việt sử Khâm Định, thì biết tính ngài rất bệ vệ, lúc nào cũng muốn tỏ mình là đấng anh quân. Với cái tính kiểu sức ấy, chắc không khi nào ngài chịu dùng những chữ tình chữ duyên để khóc một người đàn bà. Huống chi thơ vua Tự Đức rất dở, cả tập Việt sử tổng vịnh không được mấy bài nghe được. Vậy mà bài này lại là một bài rất hay, có lẽ sức ngài không thể làm nổi"....
Thực hư thế nào, xin mời các bạn thảo luận thêm .

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Mấy vần thơ Nôm của Nguyễn Gia Thiều trong “Xuyết thập tạp ký”

Trong cuốn “Văn học VN nửa cuối TK 18 nửa đầu TK 19” - 1976 của Giáo sư Nguyễn Lộc phần về Nguyễn Gia Thiều có nói, cụ Ôn Như có mấy tập thơ như Ôn Như Thi Tập, Tây Hồ Thi Tập, Tứ Trai thi tập... với số lượng hàng ngàn bài thơ, nhưng đến nay đều mất cả (chắc do tình cảnh loạn lạc Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn thời kỳ này) chỉ còn vài ba bài chép trong Tạp Ký của Lý Văn Phức.

Vừa qua nhân đọc cuốn Tạp Ký của Lý Văn Phức mà G.S Nguyễn Lộc có nói đến, thấy đoạn chép về Nguyễn Gia Thiều, như sau:

Ôn Như tiên sinh sở trường nhất ở lối thơ quốc âm. (Ông) có hai lối làm thơ, một là ứng khẩu thành chương mà lời lời đều khiến mọi người ưng ý; cách nữa là chau chuốt gọt giũa, thì lời lời đều khiến mọi người phải kinh ngạc. Có bận ông gọi đứa ở tên là Cam đi lấy đồ ở các nơi hiên viện, thế này:

“Cam, tốc ra thăm gốc hải đường;
Hái hoa về để kết làm tràng.
Những cành mới chiếng đừng vin nặng;
Mấy đoá còn xanh chớ bứt quàng.
Với lại tây hiên tìm liễn xạ;
Rồi sang đông viện lấy bình hương.
Mà về cho chóng đừng thơ thẩn;
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng.”

Lại có hôm nhàn toạ trong vườn nhỏ, thấy mấy loại rau nho nhỏ như gừng, tói, đều bị mưa gió dập rụng, ông cảm khái nói:
“Lép nhép vài hàng tỏi;
Lơ thơ mấy luống khương.
Vẻ chi tẻo hèo cảnh;
Thế mà cũng tang thương.”

Đó là lối ứng khẩu vậy.

Lại có câu vịnh Canh Năm rằng:

“Dế gọi người nằm thiên cổ dậy;
Sương trùm cảnh đứng tứ canh đi”

Lại có câu khóc vợ rằng:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng;
Xếp tàn y lại để dành hơi”

Lại có câu vịnh cảnh:
“Đưa lọt kẽ mành khuôn gió dẹp;
Luồn qua cửa sổ dáng trăng thô”

Đó là lối chau chuốt gọn giũa vậy.

Lại có bài thơ “Gửi tình nhân” rằng:

“Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào;
Miếng tình nghẹn mãi biết làm sao?
Muốn kêu một tiếng cho to lắm;
Rằng ối ai ơi khốn thế nào!”

Bài này thì lại kiêm dùng cả hai lối vậy. Học làm thơ quốc âm, mà đến được như Ôn Như tiên sinh, đáng gọi là tột bậc vậy!
Có thể nói đoạn ghi chép trên cũng như là một tiết phẩm bình về thơ của Ôn Như hầu của sách “Thi thoại” vậy. Thực đáng tiếc là mấy tập thơ của Ôn Như Hầu đều không còn. Nếu không có thể chúng ta đã được đọc nhiều hơn thơ Nôm của ông. Nhưng, qua đoạn ghi chép này, có thể khẳng định được rõ ràng một lần nữa, về tác giả hai câu thơ được coi là hàng danh cú: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng; Xếp tàn y lại để dành hơi” chính là Nguyễn Gia Thiều chứ chẳng phải Tự Đức như một số lưu truyền trước đây. Bởi vì, Lý Văn Phức làm quan ngay thời Tự Đức thì không thể chép thơ của Vua ra rồi bảo của người khác được.


Châu Hải Đường

Nguồn: https://bansong...-gia-thieu.html
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Tác giả bài thơ “Khóc Bằng phi” không phải là vua Tự Đức

Khóc Bằng phi hay Khóc thị Bằng là một bài thơ nổi tiếng xưa nay, nhưng tác giả của nó là ai thì chưa được xác minh một cách cụ thể. Người ta thường cho rằng bài thơ trữ tình này là do vua Tự Đức (1848-1883) làm ra để thương tiếc một bà cung phi tên là Thị Bằng còn rất trẻ đẹp nhưng chết sớm.

Tuy nhiên, sử sách chính thống của triều Nguyễn cũng như một số tư liệu khác từ trước đến nay đều không cho phép nói như thế. Vậy tác giả của bài thơ ấy là ai? Chúng tôi xin nêu vấn đề này ra để tìm hiểu và mong các nhà nghiên cứu văn học sử tìm ra được tác giả đích thực của bài thơ:

Khóc Bằng phi

Ới Thị Bằng ơi đã mất rồi!
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
Đây là một bài thơ Nôm có giá trị văn chương rất cao, kể cả về hình thức lẫn nội dung. Lãng mạn nhất là ở hai câu luận (câu 5-6) với ý tứ cực kỳ mới mẻ và táo bạo: vì quá nhớ thương nên đập vỡ tấm gương mà nàng đã từng soi để mong thấy lại được hình ảnh của nàng trong đó, và xếp chiếc áo cũ mà nàng đã từng mặc, đem cất kỹ để thỉnh thoảng giở ra để thưởng thức lại dư hương. Theo sách Nam phong giải trào của Trần Danh Án, Ngô Đình Thái và Trần Doãn Giác (thế kỷ XVIII-XIX) được khắc in vào năm 1910(1) thì hai câu thơ này đã lặp lại phần lớn các từ ngữ ở hai câu trong một bài thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798)
Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng,
Xếp manh áo lại để dành hơi (2).
Trong 14 chữ ấy, tác giả sau chỉ thay thế 4 chữ của tác giả trước: đổi “mảnh gương” ra “cổ kính” và thay “manh áo” thành “tàn y”. Văn phong trở nên bay bướm và hoa mỹ hơn.

Sở dĩ trong hơn 70 năm qua, người ta thường gắn bài thơ Khóc Bằng phi với vua Dực Tông Anh Hoàng đế (tức là vua Tự Đức) có lẽ vì các lý do sau:
- Phần lớn lời thơ, cũng như nhan đề của tác phẩm, hiểu theo nghĩa thông thường và nhận thức theo cảm tính, rõ ràng là của một ông vua viết cho một nàng cung phi vừa qua đời.
- Vua Tự Đức là một ông vua giỏi về thơ văn, từng biên soạn khá nhiều tập sách bằng chữ Hán và chữ Nôm, như Ngự chế thi văn tập, Ngự chế Việt sử Tổng vịnh tập, Luận ngữ diễn ca, Tự học giải nghĩa ca, và cũng đã làm hơn 100 bài thơ Nôm.
- Lúc sinh thời, trong nội cung của vị vua này, từng có đến hơn 100 bà phi tần. Dù không sinh được người con nào để nối ngôi (có lẽ vì bệnh đậu mùa biến chứng), nhưng mãi đến khi nhà vua thăng hà vào năm 1883, vẫn còn lại 103 bà vợ (femmes) (3).

Có lẽ vì nghĩ như thế, cho nên, trong bộ Từ điển văn học gồm hai tập xuất bản tại Hà Nội vào hai năm 1983 và 1984, khi giới thiệu về Nguyễn Hồng Nhậm (tức là vua Tự Đức), tác giả Phạm Tú Châu đã kết luận rằng: “Về phương diện văn học, dù sao Tự Đức vẫn được coi là một tác gia có khối lượng sáng tác đáng kể ở thế kỷ XIX. Thơ văn ông thể hiện bước nối tiếp và phát triển về nhiều thể loại như thơ, phú, ca, từ, truyện, lý luận văn học... Riêng về thơ tình, ông để lại bài thơ Nôm Khóc Bằng phi nổi tiếng (4).”

Nói rằng Khóc Bằng phi là bài “thơ tình” của vua Tự Đức, được xem như một sự khẳng định, nhưng, theo thiển ý, đây là một sự khẳng định thiếu căn cứ khoa học trong nghiên cứu văn học.

Vậy do đâu mà người ta đã đi đến nhận định thiếu sức thuyết phục như thế?

Thiết tưởng chúng ta cần truy nguyên bài thơ tình lãng mạn ấy đã xuất hiện trên sách báo chữ quốc ngữ từ bao giờ và do ai công bố.

Khi tra cứu các tài liệu đề cập đến và tuyển đăng thơ Nôm thế kỷ XIX, chúng tôi thấy quyển sách đầu tiên có đăng bài thơ Khóc Bằng phi dường như là Chương Dân thi thoại của Phan Khôi (1887-1959), được xuất bản lần đầu tại Huế vào năm 1936. Trong sách ấy, ông chỉ viết một câu rất ngắn gọn và đơn sơ rằng đây là “thơ ngự chế của đức Dực Tôn” (tức là vua Tự Đức), chứ không ghi xuất xứ bài thơ đã được lấy ra từ tư liệu cụ thể nào. Trong khi đó thì ở Lời đầu sách, ông cho biết rằng 43 “tắc” (tức là đoạn) trong quyển sách đầu tiên này của ông là do ông tập hợp và chọn lọc từ các bài mà ông đã từng đăng trên các báo chí đương thời, chứ ông không nói là lấy ra từ một nguồn tư liệu cụ thể và đáng tin cậy nào cả. Và trong phần “Tiểu dẫn” ở đầu sách, ông còn thổ lộ rằng ông “chép ra quyển Thi thoại nầy để giúp vui cho các ngài [tức là độc giả] khi tửu hậu trà tiền” (5).

Thế nhưng 3 năm sau, tức là năm 1939, khi biên soạn quyển Văn học Việt Nam, nhà giáo Dương Quảng Hàm (1898-1946) liền đưa bài thơ ấy vào sách giáo khoa của mình một cách chính thức và chú thích một cách vô tư rằng “Thị Bằng: tên một bà phi của vua Tự Đức” (6).

Chúng ta cần nhớ lại rằng trước đó 10 năm, tức là năm 1929, trong quyển Việt Nam thi văn hợp tuyển, ông chỉ chọn bài thơ Nôm tiêu biểu nhất của vua Tự Đức là bài Ngẫu cảm để in vào sách của mình mà thôi. Nội dung bài thơ này như sau:
Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê!
Sống gửi, rồi ra lại thác về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
Tranh giành trước mắt mây tan tác,
Đày đoạ sau thân núi nặng nề.
Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo,
Gượng làm chút nữa để mà nghe (7).
Cũng cần biết thêm rằng khi biên soạn quyển Việt Nam văn học sử yếu vào năm 1914 tại Hà Nội, nhà giáo Dương Quảng Hàm đã dành ra một chương để đề cập đến “Các nhà viết văn Nôm về thế kỷ XIX”, trong đó, ông đã phân loại thơ văn chữ Nôm của vua Tự Đức thuộc về khuynh hướng đạo lý, chứ không phải khuynh hướng tình cảm (8).

Vả lại, trước đó 13 năm, trên Thần kinh Tạp chí (xuất bản tại Huế), số 10, tháng 5-1928, ở mục “Văn uyển” có dành ra một trang để đăng 3 bài thơ Nôm mà Toà soạn của Tạp chí cho là tiêu biểu nhất trong hơn 100 bài thơ Nôm của vua Tự Đức. Nhưng 3 bài đó mang nhan đề là Lên Khiêm cung, Khuyên họcMừng đặng mưa, chứ không thấy có bài Khóc Bằng phi.

Vì 3 bài thơ này đã được đăng tải cách đây 80 năm (1928-2008), rất khó tìm, và cần so sánh văn phong cũng như cách dùng từ ngữ giữa chúng với bài Khóc Bằng phi, cho nên, chúng tôi xin dẫn lại dưới đây để làm tư liệu và để đối chiếu:
Lên Khiêm cung

Một phen một mới gọi tân cung,
Ước đã mười năm hỡi mối mong.
Sẵn thế núi non đà tạo lập,
Thêm hình điện các lại hào hùng.
Khắp đường cây rập cành xuân mát,
Vào cửa mình quên nắng hạ nồng.
Khuyên kẻ theo đòi đừng sợ nhọc,
Đuôi rồng vin đặng lọ râu rồng.
Khuyên học

Tánh linh người vốn khác muôn loài,
Chẳng học sao mà đặng gọi người.
Xây mặt vào tường nào biết chuyện,
Cong lưng như nộm khéo trê đời.
Nên kim tìm khó siêng mài sắc,
Kiếm nẽo cho thông phải phát gai.
Sanh biết gắng hay rồi cũng một,
Thánh hiền cũng chúng khác gì ai.
Mừng đặng mưa

Tình cơ may gặp trận mưa rào,
Thiên hạ vui mừng hẳn biết bao.
Thần núi ứng mây thêm đậm đậm,
Ơn trời rưới nước khắp ào ào.
Tràn đồng hột ngọc nhờ no đủ,
Một nhọt cân vàng khó ước ao.
Hai tháng tưởng cầu nay mới đặng,
Rằng thanh minh võ tạc non cao (9).
Về mặt hình thức, chúng ta thấy ở cả 3 bài thơ đều có dùng một số từ ngữ thường gặp trong lời thơ từ thế kỷ XIX trở về trước, chẳng hạn như: đà, lọ, trê đời..., và đặc biệt nhất là cả 3 bài đều có dùng từ “đặng”:
- Đuôi rồng vin đặng lọ râu rồng (Bài Lên Khiêm cung).
- Chẳng học sao mà đặng gọi người (Bài Khuyên học).
- Hai tháng tưởng cầu nay mới đặng (Bài Mừng đặng mưa).

Nếu 3 bài thơ này có những điểm giống nhau rõ rệt thì xem ra lại có nhiều điểm khác biệt so với bài Khóc Bằng phi. Trong khi 3 bài ấy mang lời lẽ chất phác và thiếu điêu luyện, văn hoa, bay bướm thì lời thơ bài này lại hầu như được gọt giũa từng câu từng chữ. Nhưng, chính vua Tự Đức đã từng nói: “Đại để, thơ của Trẫm phần nhiều là nhân cảm hứng phát ra, không có phù phiếm để cầu đẽo gọt” (Đại để, dư thi đa nhân cảm hứng nhi phát, bổn phi phiếm nhiên cầu công) (10), hoặc: “Làm thi văn tả ngay những điều do tâm can nghĩ ra, không gọt rũa” (11).

Có người cho rằng 4 từ “mưa hè, nắng chái, sớm ngõ, trưa sân” ở 2 câu thực trong bài Khóc Bằng phi đều mang nặng tính dân gian, chứ chẳng có vẻ gì là cung đình và vương giả.

Hơn nữa, lúc sinh thời, học giả Bửu Kế (1914-1989) có cho biết rằng vào năm 1945, khi đang làm công tác văn khố tại Văn Thư Viện ở Huế, ông đã may mắn đọc được tập thơ Nôm của vua Tự Đức vốn được “trân tàng tại Nội Các” trong Đại Nội chuyển ra cùng với một số tài liệu quí báu khác. Đọc hơn 100 bài thơ Nôm ở tập thơ viết tay ấy, học giả Bửu Kế đã nhận ra hai điều. Một là, ông đọc rất kỹ nhưng vẫn không thấy bài Khóc Bằng phi. Hai là, những bài thơ Nôm trong đó (cũng như nhiều bài thơ chữ Hán của vua Tự Đức) đều chỉ nói đến đạo lý, lịch sử và tả cảnh, chứ không hề có bài nào mang nội dung tình cảm lãng mạn ướt át đối với tình yêu đàn bà con gái. Nhưng rất tiếc là “Tập thơ này đã bị mất trong trận chiến tranh Việt Pháp”(12) diễn ra ở Huế vào đầu tháng 2-1947.

Loại cứ liệu quan trọng và có sức thuyết phục hơn hết cần đưa ra để phủ nhận tác giả ấy của bài thơ là chính tư liệu do triều Nguyễn để lại.

Đọc những bộ chính sử của triều đại này nói chung, của thời Tự Đức nói riêng, như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, chúng ta không hề thấy có bà hoàng hậu hoặc phi tần nào mang danh hiệu là Bằng phi hay Thị Bằng cả.

Theo cách phân cấp và định danh cho tất cả các bà trong nội cung thời bấy giờ, họ được chia ra làm hai tầng bậc cách biệt nhau rất xa và rõ rệt: hậu và phi. Hậu là vợ chính của vua, còn gọi là Hoàng hậu. Phi là vợ thứ, vợ lẽ của vua, còn gọi chung là phi tần. Dưới thời Tự Đức (1848-1883), không có bà nào trong nội cung được phong là Hoàng hậu cả, chỉ có một bà được phong là Hoàng Quý phi. Địa vị Hoàng Quý phi đứng trên tất cả các bà phi tần khác trong cung và hàng ngày giữ trọng trách điều khiển, trông coi cả Lục viện. Cách định vị chức phận và thiết lập kỷ cương này đã bắt đầu có từ thời Minh Mạng (1820-1840). Tất cả các bà ở đó đều đã được tổ chức một cách chặt chẽ. Tuy có sự khác nhau đôi chút về danh xưng dành cho các bà tuỳ theo từng thời điểm lịch sử, nhưng nhìn chung, từ thời Minh Mạng đến thời Tự Đức, ngoài bà Hoàng Quý phi ở địa vị quan trọng nhất, tất cả các bà khác trong nội đình đều được chia ra làm 9 bậc, gọi là “cửu giai”, cũng như các quan trong triều đình được chia ra làm “cửu phẩm” vậy.

Quốc Sử Quán đã ghi rõ trong sách Đại Nam thực lục rằng vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 3, tức là tháng 6-1850, nhà vua xuống dụ “định rõ thứ bậc ở Nội cung”. Theo tờ dụ này, “về Hoàng quý phi trở lên, đã có lệ sẵn”, còn từ phi tần trở xuống, thì chia làm 9 bậc với các danh xưng và mỹ từ như sau:
1. Nhất giai phi: gồm Thuận phi, Thiện Phi, Nhã phi.
2. Nhị giai phi: gồm Cung phi, Cần phi, Chiêu phi.
3. Tam giai tần: gồm Khiêm tần, Thận tần, Nhân tần, Thái tần.
4. Tứ giai tần: gồm Khoan tần, Giai tần, Tuệ tần, Gián tần, Giản tần.
5. Ngũ giai tần: gồm Tĩnh tần, Cẩn tần, Tín tần, Uyển tần.
6. Lục giai: Tiệp dư.
7. Thất giai: Quý nhân.
8. Bát giai: Mỹ nhân.
9. Cửu giai: Tài nhân (13).

Riêng hàng phi trong 9 bậc ấy, đến tháng 12 năm Tự Đức thứ 14, tức là tháng 1-1862, Cần phi được đổi thành Đôn phi(14), và sau đó một tháng, Chiêu phi được đổi thành Mẫn phi (15)...

Mặc dù trong thời gian tại vị, vua Tự Đức có đến hơn 100 bà vợ như đã nói, nhưng chỉ có rất ít bà trong số đó được phong đến hàng phi. Theo thông lệ của triều Nguyễn, con gái của các trọng thần, dù mới tiến cung cũng được xếp vào hàng tần hoặc hàng phi ngay, còn con gái của các quan lại cấp thấp hoặc con nhà dân dã tuyển chọn từ ngoài vào, dù đẹp người đẹp nết đến đâu, lúc mới nhập cung cũng phải liệt vào hàng “Cửu giai Tài nhân”, hoặc thậm chí chưa được xếp vào hàng đó nữa, gọi là “Tài nhân vị nhập giai”.

Ngay cả một người phụ nữ thông minh, có tài văn chương và được sủng ái đặc biệt như Nguyễn Thị Bích (1830-1909), con gái của Hộ lý Tổng đốc Thanh Hoá Nguyễn Nhược Sơn; nhập cung năm Tự Đức nguyên niên (1848), lúc mới 19 tuổi, cũng chỉ được liệt vào hàng “Tài nhân vị nhập giai”. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), bà mới được phong làm Tài nhân, sau đó 10 năm (1860), được phong làm Mỹ nhân, rồi Quý nhân, và đến năm 1868, bà được tấn phong làm Tiệp dư. Cho đến cuối thời Tự Đức (1883), bà chỉ được phong ngang bậc đó. Bà là tác giả của tập thơ Nôm nổi tiếng Hạnh Thục ca kể về sự kiện thất thủ Kinh đô Huế năm 1885. Mãi đến năm Thành Thái thứ 4 (1892), bà mới được phong làm “Tam giai lễ tần”(16), vẫn chưa đạt đến hàng phi.

Nay đọc lại sử sách triều Nguyễn, chúng ta thấy suốt thời Tự Đức, trong số các bà “phi tần trở xuống”, chỉ có 3 bà được phong lên hàng phi. Đó là bà Thiện phi, bà Học phi và bà Cung phi. Tất nhiên, đứng trên 3 bà phi ấy là bà Hoàng Quý phi ở địa vị đặc biệt. Xin tóm lược tiểu sử của cả 4 bà để thử tìm xem trong đó có bóng dáng của bà “Bằng phi” nào đó hay không.

1. Bà Hoàng Quý phi: Bà tên thật là Vũ Thị Duyên (còn có tên huý là Hài), sinh năm 1828, con gái của đại thần Vũ Xuân Cẩn. Bà được tuyển vào cung làm vợ vua Tự Đức từ năm 1843 khi nhà vua chưa lên ngôi. Sau khi vua đăng quang, năm 1848, bà được phong làm Cung tần, rồi lần lượt được thăng lên Cần phi (1850), Thuần phi (1860), Trung phi (1861). Đến năm 1870, bà mới được tấn phong làm Hoàng Quý phi(17). Bà là mẹ nuôi của “Hoàng trưởng dưỡng tử” Dục Đức (sau đó làm vua chỉ được 3 ngày thì bị bức tử). Khi chết vào năm 1902, bà được triều đình Thành Thái tặng thụỵ hiệu là Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh Hoàng hậu. Miếu hiệu của bà là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu(18). Như vậy, bà mất sau vua Tự Đức đến 19 năm (1883-1902). Việc than khóc thương tiếc nếu có thì chỉ có việc bà khóc vua Tự Đức khi nhà vua thăng hà, chứ không có chuyện nhà vua khóc bà này.

2. Bà Thiện phi: Bà phi này tên thật là Nguyễn Thị Cẩm, thứ nữ của Hải An Kinh lược Đại thần kiêm Định An Tổng đốc Nguyễn Đình Tân (1798-1873). Ông người huyện Quảng Điền, đậu Hương tiến (Cử nhân), làm quan từ thời Minh Mạng. Đến thời Tự Đức, dù ông là một đại thần có công, nhưng vì “con ông là Đình Cán cùng công tử Hồng Tập mưu làm trái phép, Đình Tân tri tình mà dung túng ẩn nặc, bị nghĩ tội “trượng đồ”. Sau được vua gia ân cho khai phục Hồng lô Tự khanh rồi mất, truy tặng Lễ bộ Thượng thư”(19). Từ Cung tần, bà Nguyễn Thị Cẩm được phong làm Chiêu phi vào năm 1860, rồi sau đó được tấn phong làm Thiện phi(20).

3. Bà Học phi: Bà tên thật là Nguyễn Thị Hương, người gốc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1870, theo lệnh vua Tự Đức, bà nhận công tử Nguyễn Phúc Ưng Hỗ (con của Kiên Quốc Công Nguyễn Phúc Hồng Cai: 1845-1876) bấy giờ mới 2 tuổi làm con nuôi (cho nhà vua). Về sau, vị Hoàng dưỡng tử này lên ngôi với niên hiệu Kiến Phúc (1884).

4. Bà Cung phi: Bà mang họ Lê, thường được gọi là Lê Thị Cung phi. Từ Thận tần, bà được tấn phong làm Cung phi vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 13, tức là tháng 1-1860(21).

Xem đó thì thấy, trong số các bà vợ thuộc hàng phi của vua Tự Đức, không hề có bà nào mang danh hiệu là Bằng phi cả.

Lúc còn tại thế, nhà thơ Phan Văn Dật (1909-1987), một người Huế hiểu biết nhiều về lịch sử và thơ văn triều Nguyễn, cũng đã phủ nhận bài Khóc Bằng phi là của vua Tự Đức. Phan Văn Dật thuộc thế hệ các nhà thơ thời tiền chiến, sống cùng thời với Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... Ông đã nổi tiếng trên thi đàn với những tập thơ Bâng khuâng (1936), Những ngày vàng lụa (1944)...(22). Sau năm 1975, một thi hữu cũ của ông là Chế Lan Viên từ Hà Nội vào thăm Huế và ghé thăm ông tại nhà trong Thành Nội. Trong cuộc đàm đạo giữa hai thi sĩ về thơ ca, họ có nói đến bài Khóc Bằng phi... Đến năm 1986, nhà thơ Chế Lan Viên đã nhớ lại và viết rằng: “Người ta bảo của vua Tự Đức. Anh Phan Văn Dật bảo tôi không phải, anh đọc tên bốn bà phi, thuộc cả lý lịch từng bà, nhưng chẳng có bà nào là bà Bằng... Tôi tin anh Dật đúng”(23).

Một loại cứ liệu đáng quan tâm nữa là những bài vị thờ các bà phi tần ở lăng Tự Đức. Nhà vua đã cho xây dựng trong khu lăng tẩm của mình hàng chục toà nhà với những chức năng khác nhau, trong đó có Chí Khiêm Đường dùng “để thờ phụng các phi tần”(24). Riêng bà Hoàng Quý phi (Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) thì được thờ chung với vua Tự Đức tại Hoà Khiêm Điện. Còn tất cả các bà từ hàng phi tần trở xuống đều được thờ tại Chí Khiêm Đường. Hiện nay, toà nhà này vẫn còn hầu như nguyên vẹn, trong đó tồn tại hàng chục bài vị ghi rõ danh hiệu của các bà. Trong khi ở đó hiện có bài vị thờ bà Học phi và các bà khác thì chúng tôi không hề thấy bài vị nào ghi danh hiệu “Bằng phi” cả.

Vào năm 2007, nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo ở New Jersey (Hoa Kỳ) đã viết một bài rất có giá trị để “Tìm hiểu về con người vua Tự Đức”. Một trong những kết luận mà nhà nghiên cứu này nêu lên là sự nghi ngờ hữu lý về tác giả Tự Đức của bài Khóc Bằng phi. Ông viết:

“Tất cả những điều đã tìm hiểu, có thể giúp cho việc đính chính bài thơ nổi tiếng Khóc thị Bằng...; có thuyết gán cho Tự Đức là tác giả...

“Thực vậy, xuyên qua cuộc sống lứa đôi, vua Tự Đức không phải là mẫu người đam mê về tình ái...”(25).
Chúng tôi tâm đắc với nhận thức này.

Mới đây, khi ấn hành công trình 700 năm thơ Huế, Ban biên soạn vẫn chọn bài thơ ấy cho là của Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức) để đưa vào công trình. Mặc dù Ban biên soạn có chú thích rằng: “Bài này cũng có quan điểm cho là không phải của vua Tự Đức, nhưng mọi phân tích cũng chỉ dừng ở mức độ phán đoán, chưa nêu được cứ liệu, ở đây chúng tôi căn cứ vào giá trị tác phẩm gắn liền với tính chất truyền tụng trong dân gian để ngõ hầu giới thiệu một áng thơ hay của Huế xưa, và cũng bảo lưu quan điểm về tác giả của bài thơ”(26).

Vua Tự Đức sống cách chúng ta đã trên dưới một thế kỷ rưỡi, còn bài Khóc Bằng phi thì mới xuất hiện trên sách báo cách đây chỉ khoảng 70 năm với một phong cách thơ thật lãng mạn, trữ tình. Quả thật đây là một áng thơ hay, từng được nhiều người ưa thích và thuộc nằm lòng. Nhưng đáng tiếc là chưa biết chắc được tác giả của nó là ai. Bằng những cứ liệu văn học và lịch sử, cũng như qua ý kiến của một số người có quan tâm đến vấn đề như đã nêu trên, chúng tôi cho rằng tác giả bài thơ đó không phải là vua Tự Đức.

Nhưng dù sao, quá trình tìm hiểu vấn đề cũng chỉ mới đi được nửa đường. Một nửa còn lại là tìm cho ra tác giả chính xác của nó. Nghĩa là vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Rất mong mọi người, nhất là các nhà nghiên cứu văn học tham gia tìm hiểu và xác minh để thấy rõ hơn giá trị đích thực của bài thơ cũng như của người làm ra nó.


Phan Thuận An

(1) Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nguồn tư liệu văn học sử Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, tập II, 1990, tr. 199-201.
(2) Dương Quảng Hàm, Văn học Việt Nam, in lần thứ ba, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr. 142-143.
(3) Capitaine Gosselin, L’Empire d’Annam, Paris, 1904. Dẫn bởi Le Dr. Gaide và H. Peyssonneaux, Prince Kiên Thái Vương, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1925, tr. 26.
(4) Từ điển văn học, tập II, NXB KHXH, Hà Nội, 1984, tr. 67.
(5) Phan Khôi, Chương Dân thi thoại, in lần thứ nhất, nhà in Đắc Lập, Huế, 1936, tr. 3, 6, 9, 23.
(6) Dương Quảng Hàm, sách đ• dẫn, tr. 142.
(7) Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, in lần thứ tư, Sài Gòn, 1957, tr. 151.
(8) Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo Dục xuất bản lần thứ 10, Sài Gòn, 1968, tr. 392-400.
(9) Thần kinh tạp chí, số 10, tháng 5-1928, trang 914.
(10) Thánh chế văn tam tập, bản dịch của Tây Hồ Bùi Tấn Niên và Á Nam Trần Tuấn Khải, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn hoá xuất bản, Sài Gòn, tập 2, 1973, tr. 43 và XLIX (quyển 10, tờ 7a).
(11) Dẫn bởi Bửu Kế, “Lăng Tự Đức”, Tạp chí Đại học, Huế, số 31, tháng 2-1963, tr. 140.
(12) Bửu Kế, nơi đã dẫn.
(13) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử Học, NXB KHXH, Hà Nội, tập XXVII, tr. 230.
(14) Đại thực lục, bản dịch đã dẫn, tập XXIX, tr. 263.
(15) Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, tr. 279.
(16) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, bản dịch của Viện Sử Học, NXB Thuận Hoá, Huế, 1993, tập 3, tr. 77-78.
(17) Đại Nam thực lục, bản dịch đã dẫn, tập XXXII, tr. 8-9.
(18) Đại liệt truyện, bản dịch đã dẫn, tập 3, tr. 67-77.
(19) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), Thừa Thiên phủ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1961, tập trung, tr. 64.
(20) Đại thực lục, bản dịch đã dẫn, tập XXVII, tr. 231.
(21) Đại Nam thực lục, bản dịch đã dẫn, tập XXIX, tr.95. Xem thêm Nguyễn Phúc tộc thế phả do Vĩnh Cao và nhóm cọng tác viên biên soạn, NXB Thuận Hoá, Huế, 1995, tr. 346-349.
(22) Hoàng Trọng Thược, Hương Bình thi phẩm, xuất bản tại Sài Gòn, 1962, tr. 185-193.
(23) Chế Lan Viên, “Sông Thương, sông Hương trong dòng văn học”, trong tập Bài thơ thôn Vĩ, thơ viết về Huế trước năm 1945, Sông Hương xuất bản, Huế, 1987, tr. 21.
(24) Trích từ Khiêm Cung ký, bản dịch của Bửu Kế, Tạp chí Đại học, Huế, số 30, tháng 12-1962, tr. 916. Xem thêm bản dịch trong: Đại thực lục, tập XXXI, tr.158.
(25) Hồ Bạch Thảo, Tìm hiểu về con người vua Tự Đức, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 5 (64), năm 2007, tr. 50.
(26) 700 năm thơ Huế (1306-2006) (dày 1.177 trang), NXB Thuận Hoá, Huế, 2008, tr. 135.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
23.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình luận của Quách Tấn về bài thơ “Khóc Bằng phi”

Không phải vua Tự Đức chỉ để lại cho chúng ta những bài thơ “điêu trùng tiểu kỷ” chỉ dùng để gia vị cho những câu chuyện phong tao lúc trà dư tửu hậu. Trong số thơ lưu thế của nhà vua, vẫn có bài, có câu, ngoài đáng yêu, trong đáng trọng. Như trong bài Mừng được mưa, có câu:

Tràn đồng hạt ngọc nhờ no đủ,
Một giọt cân vàng thoả khát khao. [1]
Nhất là bài Khóc Bằng phi mà không mấy người không thuộc, có thể gọi là tuyệt tác:
Ớ Thị Bằng ơi! Đã mất rồi!
Ớ tình! Ớ nghĩa! Ớ duyên ơi!
Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi…
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn đứt càng thêm bận,
Lẽo đẽo theo hoài chẳng phút lơi. [2]
Văn thật là luyện, tình thật là thâm! Đọc lên lòng người nghe không sao giữ được khỏi rung cảm.

Trong bài hay nhất là cặp luận:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Nhưng có người chê là “có vẻ con nít” nhất là câu “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.

Vâng “có vẻ con nít thật”. Đọc câu ấy khiến những nhiều người nhớ lại những cảnh “rình bắt bóng sau gương” hoặc “lấy thúng úp mặt trăng dưới giếng” buổi thiếu thời. Song nên biết rằng thi nhân là kẻ “bất thất kỳ xích tử chi tâm”, như lời Viên Mai, tác giả Tuỳ Viên thi thoại, đã nói.

Thẩm Thạch Điều, đời Thanh, vịnh Lạc Ba, có câu:
Hạo kiếp tín ư kim nhật tận,
Si tâm nghi hữu biệt gia khai.
(Kiếp lớn những tin nay đã hết,
Lòng si lại tưởng nở vườn ai.)
Người đời Tống có câu:
Lão tăng chỉ khủng vân phi khứ,
Nhật ngọ tiên gia yểm tự môn.
(Tăng già chỉ sợ mây bay mất,
Đứng bóng lo sai đóng cửa chùa.)
Đề bức hoạ mỹ nhân ngồi xây lưng, Trần Sở Nam đời Thanh, có bài tuyệt cú rằng:
Mỹ nhân bối ỷ ngọc lan can
Trù trướng ba dung nhất kiến nan.
Kỷ độ hoán tha tha bất chuyển,
Si tâm dục trạo hoạ đồ khan.
(Người xinh ngồi tựa câu lan,
Mặt hoa mong thấy muôn vàn khó khăn.
Mấy phen kêu luống nhọc nhằn,
Hoạ đồ lật ngó mới bằng lòng si.)
Tác giả Tuỳ Viên thi thoại khen là “Diệu”, và “Diệu tại nơi lời nói như trẻ con” (Diệu tại giai hài tử ngữ giả).

Câu “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng” cũng thế.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Câu trên thì ngây câu dưới thì si. Mà si và ngây đều là tâm tính của khách đa tình vậy.

Nghe Hồ Xuân Hương khóc quan phủ Vĩnh Tường:
Nắm xương dưới ván cau mày khóc,
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười.
Thì thảm cho cảnh. Nghe vua Tự Đức khóc Bằng Phi thì thương cho tình! Bên cảnh bên tình khéo vấn vương! Cho nên đối với khách đa tình, những bài thơ có tình như thơ Khóc quan phủ Vĩnh Tường, Khóc Bằng Phi đều là những vần tuyệt diệu.

Nhưng có người bảo rằng câu “Đập cổ kính… Xếp tàn y…”, vua Tự Đức đã lấy của Ôn Như Hầu rồi sửa lại đôi chữ làm của mình. Câu của Ôn Như Hầu rằng:
Đập mảnh gương xưa tìm lấy bóng
Xếp manh áo cũ để dành hơi.
Và câu này đã dịch câu Hán văn của Trần Danh Án:
Phá tổi lăng ba tầm cựu ảnh,
Trùng phong khâm tử hộ dư hương.
Không biết những câu ấy vô tâm mà trùng hợp nhau, hay cố ý vay mượn của nhau.

Vô tâm mà trùng hợp nhau là chuyện thường có xưa nay. Như đời Thanh, Đào Hoàng Thôn, bài Ngẫu thành có câu:
Đa tình chỉ hữu tiêu tiêu trúc
Thời đới tà dương lục đáo song.
(Đa tình riêng ánh trúc hoa,
Ngày ngày đeo bóng dương tà vào song.)
Diêu Cơ Truyền cũng có câu:
Nhân tích bất như tu trúc ảnh
Mỗi tuỳ minh nguyệt đáo trung đình.
(Dấu người thua bóng trúc xanh,
Đêm đêm theo ánh trăng thanh vào thềm.)
Hai người tuy đồng thời, nhưng ở cách nhau ngàn trùng non nước và chưa hề quen biết nhau. Văn chương của hai người lúc bấy giờ cũng chưa được phổ biến. Nhờ có Mai Viên đi đây đi đó tình cờ thu thập được mới đem vào tập Tuỳ Viên thi thoại. Từ ấy nhiều người mới biết danh hai nhà thơ, và hai câu thơ mới được truyền tụng.

Đừng nói đâu xa, ở Việt Nam ta những cuộc “không hẹn mà gặp” vẫn không hiếm. Như Tương An Quận Vương, trong bài Hoài cổ có câu:
Bốn dây ứa máu tỳ bà.
Một câu thơ quỉ khốc thần kinh. Một câu thơ siêu thực xưa nay chưa từng thấy trong văn thơ Việt Nam. Ai cũng phải khen là tân kỳ. Nhưng có ngờ đâu một thi nhân bên trời Âu cũng có một câu tương tợ:
L’archet mord jusqu’au sang du violon.
Một người ở đầu thế kỷ thứ XIX, một người ở đầu thế kỷ thứ XX, và một người ở Âu một người ở Á. Thế hệ khác nhau, dân tộc tính khác nhau, mà ý tứ còn trùng nhau thế ấy, huống hồ vua Tự Đức, Ôn Như Hầu và Trần Danh Án.

Còn nếu cố ý mượn của nhau, thì người xưa cũng thường có. Tự Khương Nhạc có câu:
Thiên nham thạnh trở trích
Vạn hác thế oanh hồi.
(Ngàn núi thạnh ngăn chứa,
Muôn hố thế đoanh lộn.)
Lý Thái Bạch bình sanh rất thích họ Tạ, cũng có câu:
Thiên nham tuyền sái lạc
Vạn hác thọ oanh hồi.
(Nghìn núi suối tuôn xối,
Muôn hố cây đoanh lộn.)
Mà chẳng riêng gì Lý Thái Bạch, các đại thi gia khác cũng vậy. Như Đỗ Phủ tập thơ của Dũ Tử Sơn, Âu Dương Tu tập thơ của họ Hàn. Có người chê là “thâu đạo” tức “ăn trộm”.

Nhà văn hào Lưu Cống Phủ cười đáp:
- Du đạo nhưng không làm thiệt hại sự chủ. [3]

Câu nói ý vị làm sao!

Nhưng nếu kết tội “ăn trộm” thì quyển Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du còn có giá trị gì?

Còn ở đây, dù cố ý dù vô tâm, hai câu trong bài vua Tự Đức vẫn hay hơn những câu của Ôn Như Hầu, Trần Danh Án. Trong câu của Ôn Như Hầu, mấy chữ “mảnh gương” gợi ý “không tròn vẹn”, ý “đã sứt mẻ”; mấy chữ “manh áo” nghe tục vì gây cho người đọc người nghe một cảm giác rằng áo kia không được lành lẽ cũng không được sạch sẽ. Do đó câu thơ giảm tình tứ, kém “dung nhan”. Câu của Trần Danh Án, văn chương thanh nhã, nhưng bình thản quá, không đủ sức rung cảm lòng người.

Vua Tự Đức dùng chữ “cổ kính” chữ “tàn y” thật vừa nhã toàn vừa trang nhã. Lại thêm tiết điệu câu thơ thể hiện được nỗi lòng của tác giả: vế trên diễn tả niềm uất hận, vế dưới nói lên niềm thổn thức nghẹn ngào. Đọc lên, một vế thì gợi cho chúng ta thấy thái độ nóng nảy hấp tấp của tấm lòng bị ray rứt, một vế thì để lộ ra thái độ tiêu cực của tấm lòng tuyệt vọng sau khi hành động tích cực của mình không đem lại kết quả mong muốn.

Cả ba tác giả đều cùng nói một ý. Nhưng nhờ từ điệu mà câu thơ của vua Tự Đức thành công. Và bài thơ Khóc Bằng phi, nhất là hai câu ngũ lục, trở nên bất hủ.

Nhưng lại có người bảo rằng bài thơ thượng dẫn nhan đề là Khóc thị Bằng và đó là tác phẩm của Ôn Như Hầu chớ không phải của vua Tự Đức. Lời nói này tôi nhớ đã đọc trong một quyển sách hay một tờ báo nào đó mà lâu ngày quên tên. Sách hay báo ấy còn thêm rằng “Thị Bằng là một người hầu yêu quí của Ôn Như”. Chỉ nói trổng thế thôi, chớ không đưa ra bằng cớ chính xác, nên không dám tin.

Năm 1957, ra Huế gặp ông bạn Phan Văn Dật, tôi đem bài thơ ra chất chính. Phan quân cười:
- Thơ Nôm của vua Tự Đức dở “không thể chê” thì làm gì có được một bài thơ hay như thế. Huống nữa dưới triều Tự Đức không có người cung phi nào gọi là Thị Bằng. Cho nên nhất định bài Khóc thị Bằng không phải của vua Tự Đức. Phan Văn Dật là một thi nhân có biệt tài và thực học. Tánh người lại rất thận trọng. Thường thường không hề quả quyết một điều gì mà chính mình chưa biết tường tận. Bởi vậy nghe Phan quân nói, lòng tôi hết sức phân vân!
- Từ trước đến giờ phần đông những người yêu thơ đều bảo là thơ của vua Tự Đức. Các bậc tiền bối mình được hầu chuyện cũng đều xác nhận rằng quả là của nhà vua. Sao nay lại có chuyện bảo rằng “không phải”. Ai nói thì có thể không tin, chớ Phan Văn Dật nói thì không thể không tin được.

Từ ấy lòng thường nhủ lòng:
- Mình có cảm tình cùng vua Tự Đức do bài Khóc Bằng phi. Nếu thật sự bài thơ không phải của nhà vua, thì… uổng lắm!

Sau cuộc chính biến năm 1963, tình cờ gặp cụ Tôn Thất Hối tại nhà cụ Tôn Thất Toại ở Nha Trang, tôi “hâm” trở lại câu chuyện Thị Bằng. Cụ Tôn cho biết:
- Triều Tự Đức có hai cung phi được sủng ái là Bằng Phi và Thuý Phi. Nhưng sau xét ra thì Thuý Phi đối với nhà vua có ít nhiều liên hệ về huyết thống, nên nhà vua phải bấm bụng mà đoạn tình. Bởi vậy thời bấy giờ trong cung có câu “Duyên Bằng nợ Thuý”.

Hỏi về bài thơ, cụ đáp:
- Trong Hoàng gia vẫn truyền là của vua Tự Đức.

Cụ Tôn Thất Hối là một hưu quan triều Nguyễn lại một người trong Hoàng tộc. Lời nói của cụ về những việc trong cung vua không thể không chính xác.

Như thế nên tin lời cụ Tôn hay tin lời họ Phan?

Để dứt khoát tư tưởng tôi lấy “cân lòng” ra cân: Lời cụ Tôn cộng thêm những lời của các bậc tiền bối tôi đã được nghe trước kia thấy nặng hơn lời của họ Phan mà tôi luôn luôn yêu kính. Nên tôi cố giữ vững mối cảm tình cố hữu đối với nhà thơ Hoàng Đế cho đến lúc có bằng cớ đích xác chứng minh rằng bài Khóc Bằng phi không phải của Ngài.


[1] Trong tạp chí Thần kinh ở Huế thấy lục đăng nhiều bài khả ái. Tôi chỉ còn nhớ có một câu! Câu Mừng được mưa có người đọc: “Tràn đồng giọt ngọc vừa no đủ, Một giọt cân vàng khó ước ao.”
[2] Nhiều sách chép: “Lẽo đẽo theo hoài cứ chẳng thôi.”
[3] Viết theo Tuỳ Viên thi thoại.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời